Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

20210901. TÀU HẢI DƯƠNG ĐỊA CHẤT TQ ĐANG Ở BIỂN ĐÔNG!

 ĐIỂM BÁO MẠNG 

TÀU HẢI DƯƠNG ĐỊA CHẤT 10, HẢI DƯƠNG ĐỊA CHẤT 8

ĐẶNG SƠN DUÂN/ TD 29-8-2021

Tàu Hải Dương Địa Chất 10 đang di chuyển trong vùng biển Việt Nam trong khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 nhiều khả năng đang tiến hành khảo sát trong vùng biển Philippines.

1. Tàu Hải Dương Địa Chất 10

Tín hiệu AIS trên trang Vessel Finder cho thấy tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) của Trung Quốc đi vào vùng biển Việt Nam từ sáng 29.8, sau khi rời Quảng Châu từ ngày 27.8.


Vị trí của tàu Hải Dương Địa Chất 10 ngày 29.8. Ảnh: Twitter Dặng Duân

Khi đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam, con tàu di chuyển với tốc độ 12,4 hải lý/giờ. Đây là tốc độ hành trình bình thường của con tàu và việc di chuyển như thế chưa có nghĩa là nó xâm phạm vùng biển Việt Nam.

Vào 15 giờ, giờ Việt Nam, tàu này ở cách bờ biển Phú Yên khoảng 135 hải lý. Vị trí đích đến được báo báo trên trang Vessel Finder chỉ ghi là Nanhai (tức Biển Đông), với thời gian ước tính là 8 giờ ngày 31.8 (giờ UTC).


Di chuyển của Hải Dương Địa Chất 10 theo ghi nhận trên trang Vessel Finder

Dựa vào tốc độ hiện nay, con tàu có thể đến vùng biển Natuna của Indonesia vào thời điểm ước tính. Hướng di chuyển của con tàu cũng gợi ý nó nhiều khả năng sẽ không ghé vào quần đảo Trường Sa.

Tàu Hải Dương Địa Chất 10 là tàu khảo sát địa chất tổng hợp, được biên chế cho Cục Khảo sát Địa Chất Quảng Châu vào cuối năm 2017. Nó dài 75,8 mét, có lượng giãn nước 3.400 tấn, có thể hoạt động liên tục 8.000 hải lý, chở theo 58 thủy thủ.


Tàu Hải Dương Địa Chất 10. Ảnh trên mạng

Cùng với Hải Dương Địa Chất 8 và Hải Dương Địa Chất 9, Hải Dương Địa Chất 10 là một trong ba con tàu khảo sát địa chất thế hệ mới của Cục Khảo sát Địa Chất Quảng Châu.

Trong khi đó, tàu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) vẫn tiếp tục hoạt động trong EEZ Việt Nam nhiều ngày qua.

2. Tàu Hải Dương Địa Chất 8

Tín hiệu AIS cho thấy tàu Hải Dương Địa Chất 8 bắt đầu di chuyển vào EEZ 200 hải lý mà Philippines yêu sách ở Biển Đông từ ngày 28.8.

Đến chiều ngày 29.8, con tàu này vẫn tiếp tục di chuyển sâu vào EEZ Philippines theo hướng đông nam. Hộ tống tàu này chỉ có một tàu cá Yuemaoyugang92777, theo tín hiệu AIS.


Vị trí của tàu Hải Dương Địa Chất 8 ngày 29.8. Ảnh: Twitter Dặng Duân

Tốc độ di chuyển của tàu Hải Dương Địa Chất 8 là 4 hải lý/giờ. Đây là tốc độ di chuyển thường thấy của tàu này mỗi khi nó tiến hành hoạt động khảo sát, như thường thấy trong các đợt xâm nhập vùng biển Việt Nam vào năm 2019. Hiện Philippines vẫn chưa có phản ứng với động thái mới này.


Di chuyển của Hải Dương Địa Chất 8 theo ghi nhận trên trang Vessel Finder

Tôi sẽ tiếp tục cập nhật những di chuyển của hai con tàu này trong những ngày tới!


TÀU HẢI DƯƠNG ĐỊA CHẤT 10 XUỐNG PHÍA NAM TƯ CHÍNH

ĐẶNG SƠN DUÂN/ TD 31-8-2021

Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 của Trung Quốc đang có những di chuyển đáng ngờ ở khu vực phía nam Bãi Tư Chính của Việt Nam.

Rạng sáng 30.8, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 (Haiyang Dizhi 10) của Trung Quốc đã đến khu vực phía nam Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) của Việt Nam, theo tín hiệu AIS trên trang Vessel Finder.

Đây là diễn biến đáng chú ý và có khả năng châm ngòi cho một cuộc đối đầu mới bởi hoạt động của tàu này có thể liên quan đến việc thăm dò dầu khí ở khu vực.


Hành trình của tàu Hải Dương Địa Chất 10 xuống phía nam Tư Chính. Ảnh: Twitter Đặng Duân

Cụ thể, tàu Hải Dương Địa Chất 10 đến vị trí cách Bãi Tư Chính khoảng 40 hải lý về phía nam vào lúc 0 giờ 50, giờ Việt Nam. Sau một thời gian thả trôi, tàu này bắt đầu di chuyển với tốc độ 9,7 hải lý theo hướng ngang.

Hiện chưa rõ ý đồ của tàu Hải Dương Địa Chất 10 và cần phải tiếp tục theo dõi nhưng những di chuyển của nó cho đến sáng nay gần như khớp bên trong phạm vi của cái gọi là Lô dầu khí Vạn An Bắc 21 (Wanan Bei 21) mà Trung Quốc ngang nhiên vẽ ra ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.

Vì thế, có khả năng cao là sự xuất hiện của tàu Hải Dương Địa Chất 10 lần này có liên hệ với cái gọi là “Vạn An Bắc 21”.


Hải Dương Địa Chất 10 di chuyển gần như khớp với phạm vi cái gọi là “Vạn An Bắc 21”. Ảnh: Twitter Đặng Duân

Vị trí này cũng chính là Lô 136/03 ở Nam Côn Sơn của Việt Nam mà hãng Repsol của Tây Ban Nha từng ngưng dự án vào năm 2017.

Diễn biến này xảy ra không lâu sau khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

Trước đó, tín hiệu AIS trên trang Vessel Finder cho thấy tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 10 đi vào vùng biển Việt Nam từ sáng 29.8, sau khi rời Quảng Châu từ ngày 27.8.


Tín hiệu của tàu Hải Dương Địa Chất 10 trên trang Vessel Finder

Tàu Hải Dương Địa Chất 10 là tàu khảo sát địa chất tổng hợp, được biên chế cho Cục Khảo sát Địa Chất Quảng Châu vào cuối năm 2017. Nó dài 75,8 mét, có lượng giãn nước 3.400 tấn, có thể hoạt động liên tục 8.000 hải lý, chở theo 58 thủy thủ.

Cùng với Hải Dương Địa Chất 8 và Hải Dương Địa Chất 9, Hải Dương Địa Chất 10 là một trong ba con tàu khảo sát địa chất thế hệ mới của Cục Khảo sát Địa Chất Quảng Châu. Đặc biệt tàu Hải Dương Địa Chất 10 được trang bị một giàn khoan.

Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm Trung Quốc triển khai tàu khảo sát đến khu vực phía nam Bãi Tư Chính và hoạt động trong cái gọi là Lô “Vạn An Bắc 21”.

Trong nửa cuối năm 2019, Trung Quốc đã triển khai tàu Hải Dương Địa Chất 8 tiến hành khảo sát phi pháp ở khu vực gần Bãi Tư Chính. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của tàu này khi đó chỉ nằm trong 9 lô dầu khí mà Trung Quốc gọi thầu phi pháp vào năm 2012.


Tàu Hải Dương Địa Chất 10 được trang bị một giàn khoan. Ảnh trên mạng

Khu vực lô “Vạn An Bắc 21” và lô 136/03 ở phía nam Bãi Tư Chính đáng chú ý bởi nó từng chứng kiến nhiều lần đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong quá khứ, trong đó có cả những lần đe dọa sử dụng vũ lực.

Cụ thể, sau khi được Trung Quốc “cấp quyền” thăm dò ở khu vực “Vạn An Bắc 21”, tập đoàn Crestone từng đưa tàu khảo sát đến đây vào năm 1994 nhưng buộc phải rút lui trước phản ứng quyết liệt từ phía Việt Nam.

Vào năm 2017, một số tường thuật từ nước ngoài cho rằng Bắc Kinh đã đe dọa và gây sức ép buộc hãng Repsol phải ngưng dự án ở khu vực này.

Việc Trung Quốc có động thái xới lại vấn đề Bãi Tư Chính trong lúc này là một diễn biến đáng lo ngại. Ngoài thăm dò dầu khí, không loại trừ một khả năng khác nữa là tàu Hải Dương Địa Chất 10 đang khảo sát tìm vị trí lắp đặt công trình phi pháp ở khu vực.

Một ý đồ khác cũng có thể nghĩ đến là Trung Quốc đang muốn tạo cớ châm ngòi cho một cuộc đối đầu ở phía nam Biển Đông.

Tín hiệu AIS cho thấy tàu Hải Dương Địa Chất 10 chỉ di chuyển một mình nhưng không loại trừ khả năng có các tàu hộ tống đi cùng nhưng tắt tín hiệu.

Trong nhiều ngày qua, một tàu nghiên cứu của Trung Quốc là tàu Hướng Dương Hồng 10 (Xiang Yang Hong 10) cũng liên tục hoạt động trong Vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ở phía tây quần đảo Trường Sa.

***

Hải Dương Địa Chất 8

Trong vài ngày qua, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã tiến hành hoạt động khảo sát trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vào khoảng trưa ngày 30.8, tàu này đã di chuyển đến vị trí cách bờ biển đảo Palawan khoảng 54 hải lý trước khi quay ngược đầu.


Tàu Hải Dương Địa Chất 8 di chuyển trong EEZ Philippines. Ảnh: Twitter Đặng Duân

Tốc độ di chuyển của tàu Hải Dương Địa Chất 8 là 4 hải lý/giờ. Đây là tốc độ di chuyển thường thấy của tàu này mỗi khi nó tiến hành hoạt động khảo sát, như thường thấy trong các đợt xâm nhập vùng biển Việt Nam vào năm 2019.

Hiện Philippines vẫn chưa có phản ứng đối với động thái của Trung Quốc. Tuy nhiên, vào sáng nay một số tàu tuần duyên và tàu hải quân của Philippine có dấu hiệu chuyển động.

Cụ thể, tàu hải quân BRP Ramon Alcaraz (PS-16) từ Palawan di chuyển về hướng tàu Hải Dương Địa Chất 8. Trong khi đó, 3 tàu tuần duyên BRP Gabriela Silang (OPV-8301), BRP Capones (MRRV-4404), BRP Sindangan (MRRV-4407) và một tàu của Cục Ngư nghiệp MV DA BFAR MMOV5001 đang tập trung tại một vị trí bên ngoài vịnh Manila.

Đặng Sơn Duân

TRUNG QUỐC CÔNG KHAI TUYÊN CHIẾN LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

LƯU TRỌNG VĂN/ TD 31-8-2021

Dân tộc này không dễ bị bắt nạt.

Bà Kamala Harris Phó TT Mỹ ngày 25.8.2021 không phải vô cớ tại Hà Nội quyết liệt tuyên bố:

“Hải quân Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Biển Đông và sẽ tiếp tục thách thức sự bắt nạt và yêu sách hàng hải quá đáng của Bắc Kinh.”

Bởi vì Chính phủ và Hải quân Mỹ đã biết trước”Luật an toàn giao thông hàng hải” do Quốc vụ viện TQ thông qua sẽ thực thi từ ngày 1.9.2021 trong đó thể hiện rõ “sự bắt nạt và yêu sách hàng hải quá đáng của Bắc Kinh”.

Quả nhiên đúng như dự báo, hôm nay 31.8.2021 truyền thông TQ đồng loạt đưa tin:

Ngày mai 1.9.2021 TQ sẽ thực thi “Luật an toàn giao thông hàng hải“.

Theo luật này:

Trung Quốc tự cho mình quyền xua đuổi, ngăn chặn thậm chí trừng phạt 5 loại tàu nước ngoài khi đi vào “vùng lãnh hải Trung Quốc”bao gồm tàu ngầm; tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân; tàu chở vật liệu phóng xạ; tàu chở chất độc hại như dầu hỏa, hóa chất hoặc khí hóa lỏng và các tàu khác “có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc” nếu không khai báo cho TQ danh tính, địa điểm đến và đi, hàng hóa đang chở và số lượng.

Quy định nêu rõ các tàu trên phải khai báo danh tính, số IMO, vị trí tàu, địa điểm và ngày giờ khởi hành, địa điểm sắp đến tiếp theo và ngày giờ dự kiến đến, số điện thoại vệ tinh, tên hàng hóa nguy hiểm và số lượng cụ thể.

Điều cực kì nguy hiểm là, vùng lãnh hải trên bao gồm cả vùng lãnh hải hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN và vùng biển thuộc Biển Đông của VN mà CSTQ gọi là đường lưỡi bò.


Tàu hải cảnh Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát các tàu bè nước ngoài theo Luật an toàn giao thông hàng hải. Ảnh: SINO DEFENCE

Với tuyên bố trên rõ ràng CSTQ đã tuyên chiến với Luật pháp Quốc tế.

Nếu các nước nào sợ hãi CSTQ khi đi qua vùng lãnh hải này sẽ phải khai báo. Hành động này vô tình tạo bằng chứng các nước đó đã công nhận chủ quyền của TQ ở cả vùng biển mà TQ cưỡng chiếm.

Trung Quốc nhập nhằng câu chữ khi đưa ra yêu cầu “bất kỳ tàu nào được cho là đe dọa an toàn giao thông hàng hải Trung Quốc” phải khai báo thông tin khi tiến vào “vùng lãnh hải”. Yêu cầu này cho thấy Trung Quốc đang để ngỏ cả việc áp dụng quy định lên cả các tàu quân sự, bao gồm tàu chiến của các nước.

Nếu các tàu quân sự của VN do bảo vệ chủ quyền và đương nhiên được quyền đi trên lãnh hải của mình không cần khai báo và xin phép kẻ ăn cướp thì sao?

Sẽ có xung đột? Thậm chí nổ súng?

Còn các tàu của VN và các tàu của các nước chở dầu và khí hoá lỏng cho các nhà máy khí hoá lỏng – năng lượng sạch của VN đã và đang được xây dựng sẽ ra sao nếu không khai báo?

Sẽ xung đột? Thậm chí nổ súng?

Vậy VN đã sẵn sàng trước thách thức này chưa? Hay là… mong yên ổn tạm thời mà tránh nanh vuốt bầy sói?

Đây là tình huống vô cùng nan giải đối với chính quyền và quân đội VN mà CSTQ cố tình dồn ép tới.

Ứng xử sao đây?

Không thể hèn mà né để rồi coi như chấp nhận thực tế lãnh hải của mình lại do CSTQ làm luật được.

Chống lại thì có thể xảy ra xung đột chiến tranh.

Dân tộc này không cho phép chịu nhục, hèn.

Mới biết khi sóng gió nguy nan ai là bạn ai là thù.

Mới biết càng trân trọng, xúc động, cám ơn lời của đại diện nước Mỹ:

“Hải quân Hoa Kỳ sẽ duy trì sự hiện diện mạnh mẽ ở Biển Đông và sẽ tiếp tục thách thức sự bắt nạt và yêu sách hàng hải quá đáng của Bắc Kinh.”

Tuy vậy có điều Dân VN muốn nói lại cho rõ:

TQ có thể bắt nạt ai đó chứ ngàn đời nay không thể bắt nạt Dân tộc này.

Cả Đại Việt còn vang vọng câu thơ:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư” của Lý Thường Kiệt.

Cả Đại Việt còn vang vọng Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có...”

Vó ngựa Mông Cổ càn quét Trung Hoa lập nên đế chế Nguyên Mông khổng lồ nhưng ba lần phải cuốn gói khỏi bờ cõi Đại Việt đây.

Hàng trăm ngàn quân Thanh còn phơi xác Gò Đống Đa nọ.

Và mới đây 600.000 quân CSTQ phải cuốn cờ 5 sao tháo chạy không trống, không kèn.

Dân VN yêu hoà bình, căm ghét chiến tranh. Dân VN chỉ mong hoà hiếu cùng Dân Trung Hoa, nhưng Dân VN muôn đời không chấp nhận bị đè nén bắt nạt. Đừng dại dột mà thách thức Dân tộc Anh hùng này. Cái gì cũng có ngưỡng của nó.

Vượt ngưỡng thì hãy liệu hồn đấy!

Trời không dung – Đất không tha – Biển Đông cuộn sóng.

Lưu Trọng Văn

TIẾN SĨ SỬ HỌC NGUYỄN NHÃ: MUỐN BẢO VỆ CHỦ QUYỀN KHÔNG GÌ HAY HƠN LÀ TRỞ THÀNH CƯỜNG QUỐC BIỂN

PV NHẬT LỆ / DV 24-8-2021

Đời người chỉ có 2 thứ: Làm được và chưa làm được. Ông có thể nói gì về điều đã nuôi dưỡng tinh thần của một nhà nghiên cứu độc lập vừa theo đuổi quá trình bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng luận chứng khoa học,vừa tiếp tục giấc mơ lạc quan về một Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc biển…

- Có thể nói, nhờ hấp thụ một nền giáo dục tốt mà tôi trở thành con người như hôm nay. Đó là con người thích gì thì làm tới cùng! Ngay từ khi còn học Đại học sư phạm, tôi đã làm tờ tin Sử địa, mời những người nổi tiếng bên ngoài hợp tác viết bài. Dịp đó, tôi gặp được giám đốc NXB Khai Trí, thấy tập san chất lượng, ông đề nghị in tip-po Tập san Sử địa cho trường tôi. Bây giờ ai cũng biết tập san đó. Giáo dục khiến con người chủ động, thì sẽ phát triển tối đa năng lực của mình. Đó là một nền giáo dục chuyên sâu. Chính vì lẽ đó, những người nổi tiếng thường từ thời trẻ đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình.

Làm bất cứ cái gì cũng phải có tâm và có tầm. Những tác phẩm của tôi nhìn vào ngàn năm trước, hướng về ngàn năm sau chứ không phải chỉ trăm năm sau. Có tầm rồi lại phải quyết làm cho tới. Nhà khoa học làm gì cũng phải đến cùng.

Lý do ông tâm huyết theo đuổi đến cùng việc bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của VN?

- Thứ nhất, Biển Đông là nơi rất quan trọng đối với tương lai phát triển của Việt Nam. Thứ hai, đi tới cùng thì thế giới mới có thể biết được sự thực chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa. Khi đó, chúng ta mới khai thác được mặt mạnh của Việt Nam, mới có thể bảo vệ Trường Sa- Hoàng Sa. Như tôi từng nói, chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa là chất men yêu nước cho lớp trẻ.

Khi tôi nói đi tới cùng cũng là để giúp cho giới trẻ biết đâu là sự thực, để họ biết mình sẽ làm gì.1.000 thanh niên thế kỷ XXI mỗi người một kế hoạch nhỏ để xây dựng Việt Nam thành cường quốc biển, và khi thành cường quốc thì không còn bị lệ thuộc.

Vì sao ông cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển thành cường quốc biển?

Việt Nam có mặt mạnh là có rất nhiều cảng sâu, cảng sâu nhất thế giới là Vân Phong (Khánh Hòa). Cảng sâu đã có, giờ chỉ cần làm đường cao tốc xuyên Á, qua Lào, Miến Điện, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh và cả Trung Đông. Khi làm đường cao tốc, những thương tàu của Mỹ, Nhật, Hàn không cần qua Singapore nữa mà hàng hóa của họ sẽ sang Trung Đông cực nhanh.

Cảng Vân Phong có thể chứa tàu trung chuyển tới 500.000 tấn, trong khi cảng Sài Gòn chỉ vài chục ngàn tấn thôi. Nếu làm đường cao tốc tới cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng thì tại đây, hàng hóa cập bến sẽ có giá rất rẻ, thay vì phải sang Singapore.

Việt Nam có TP cảng đẹp nhất thế giới là Nha Trang, tại sao ta không xây dựng thành thành phố du lịch nổi tiếng? Việt Nam có 28 tỉnh thành có bờ biển, tại sao không bắt chước người Nhật nuôi trồng kinh tế biển để xuất khẩu? Tại sao ta không xây dựng các công ty đóng tàu như Hàn Quốc? Tại sao không có những đội thương thuyền lớn xuất nhập khẩu? Làm đi! Chỉ mấy điều đó thôi mà mình làm được thì thành cường quốc lúc nào không hay.

Công trình nửa thế kỷ của tôi tìm ra bản sắc Việt là mặt mạnh nhất của Việt Nam. Thiên nhiên, con người có nhiều mặt mạnh. Tôi từng nói chuyện ở Manila, rằng tôi rất ngưỡng mộ phụ nữ VN. Chẳng có nước  nào trên thế giới có Hai Bà Trưng, đứng lên khởi nghĩa rồi làm vua. Tôi lại thấy ngoài truyền thống anh hùng, phụ nữ Việt còn có tài nấu ăn rất ngon. Vậy sự ngưỡng mộ của tôi có đúng không? Đúng chứ, nói ra là người ta chịu ngay.

Nếu khai thác những mặt mạnh có sẵn, cùng với kinh tế biển, tin rằng Việt Nam sẽ dần có vị thế vươn lên ở khu vực Biển Đông. Bảo vệ chủ quyền không gì hay hơn là xây dựng một Việt Nam hùng mạnh, một cường quốc biển.

Triết lý sống của người Việt rất hay. "Ở đời muôn sự của chung" là xã hội chủ nghĩa đó, "hơn nhau hai chữ anh hùng mà thôi"…

Theo ông, nên quảng bá chủ quyền biển đảo của Việt Nam thế nào cho hiệu quả? Và như ông từng nói, muốn ra thế giới quảng bá cái hay của mình thì cũng phải ngẩng cao đầu với tư cách là người có chủ quyền, có thể tranh luận và tranh thủ sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu ngoài nước...

- Vừa rồi, Đại học California (Mỹ) có tổ chức hội thảo trên mạng, có mời tôi tham gia. Tôi nhờ cô Kiều Linh, người tổ chức hội thảo đó, mua cho tôi cuốn tiếng Anh dịch từ cuốn "Những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam…" và đề xuất tất cả các thư viện hay các trường có môn học ngành Á Châu thì nên tặng họ cuốn sách đó.

Tôi nghĩ mình có duyên may để làm việc quảng bá. Làm sao để nhiều người mua được sách trên Amazon, càng nhiều người mua càng tốt.

Tại sao chúng ta không có nhiều bàn tròn, hội thảo, mời chuyên gia quốc tế về biển Đông? Tôi từng tham gia 5 hội thảo quốc tế và 4 hội thảo trong nước của Học viện Ngoại giao, còn mười mấy hội thảo nữa Học viện tổ chức nhưng tôi không được mời.

Năm 2004, tôi bắt đầu qua Mỹ.Nhờ duyên may có hơn 14 ngàn học trò trong và ngoài nước mà tôi có dịp nói chuyện với  sinh viên ở các trường đại học trên thế giới, tham dự nhiều hội thảo và thuyết trình ở những trung tâm ngoại giao chính trị của Mỹ, Pháp, Anh… để họ hiểu thêm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Học trò là một chuyện, ngay cả người quen trên mạng cũng rất nhiều và họ luôn hỗ trợ cho tôi. Ở bất cứ đâu, tôi nói người ta cũng đều lắng nghe.

Ông có kết hợp với các học giả, nhà nghiên cứu trên thế giới và trong nước để lên tiếng về Biển Đông?

- Tôi có quen học giả Carl Thayer (Úc). Ở Đại học Harvard, tôi cũng quen nhiều học giả. Tôi đi đến đâu, đều mang hồ sơ tư liệu bằng tiếng Anh, trong đó có 37 tài liệu phương Tây và tài liệu của Mỹra nói về chủ quyền Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam. Nhưng dịch ra tiếng Anh thì có người nói văn phong chưa đúng kiểu Mỹ. Nhân đây, tôi muốn vận động mọi người hoàn chỉnh bản dịch đó. Và tài liệu Viện kỷ lục Việt Nam trao cho tôi, tôi đang đề nghị in ra tiếng Việt, rồi vận động bên Singapore in bằng tiếng Anh.

Theo ông, trong các chứng cứ về chủ quyền mà ông đưa ra để chứng minh Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam, giá trị nhất là bằng chứng nào?

- Giá trị nhất là các châu bản. Bản đồ là vậy thôi, đối với pháp lý quốc tế vẫn phải là các văn bản mang tính nhà nước. Các châu bản của mình rất nhiều, nhưng tôi quan tâm đến châu bản đời Minh Mạng năm 1836 rất cụ thể. Trong đó, cử ông  Phạm Hữu Nhật, suất đội thủy quân, mang bao nhiêu thuyền, mỗi thuyền mang bao nhiêu gỗ, hiện vật… ra Hoàng Sa.

Đó là bằng chứng chỉ Việt Nam có, thưa ông?

- Đúng vậy. Ngoài châu bản, Việt Nam còn có sử ký ghi lại, nhất là Đại Việt sử ký tục biên (thời Lê Trịnh), Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục tiền biên… Trong tất cả sách sử ký thì Trung Quốc làm gì nói đến vấn đề Tây Sa, làm gì có bản đồ, nhất là bản đồ, tài liệu của Phương Tây nói về Paracel (quần đảo Hoàng Sa). Những bằng chứng của Việt Nam rất cụ thể như vậy thì Trung Quốc không có.

Trong một hội thảo quốc tế ở Học viện Ngoại giao, ông TS Vương Hàn Lĩnh cùng 1 học giả Trung Quốc dám tuyên bố đường lưỡi bò là "kế thừa lịch sử". Tôi đứng lên nói: "Ông trả lời cho tôi việc kế thừa lịch sử của các ông ra sao, nhất là khi năm 1909, chính quyền Quảng Đông của ông coi Paracel là đất vô chủ?".

Thế là ông học giả kia không nói chuyện "kế thừa" nữa.

Vì sao ông cho rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển thành cường quốc biển?

Việt Nam có mặt mạnh là có rất nhiều cảng sâu, cảng sâu nhất thế giới là Vân Phong (Khánh Hòa). Cảng sâu đã có, giờ chỉ cần làm đường cao tốc xuyên Á, qua Lào, Miến Điện, Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh và cả Trung Đông. Khi làm đường cao tốc, những thương tàu của Mỹ, Nhật, Hàn không cần qua Singapore nữa mà hàng hóa của họ sẽ sang Trung Đông cực nhanh.

Cảng Vân Phong có thể chứa tàu trung chuyển tới 500.000 tấn, trong khi cảng Sài Gòn chỉ vài chục ngàn tấn thôi. Nếu làm đường cao tốc tới cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng thì tại đây, hàng hóa cập bến sẽ có giá rất rẻ, thay vì phải sang Singapore.

Việt Nam có TP cảng đẹp nhất thế giới là Nha Trang, tại sao ta không xây dựng thành thành phố du lịch nổi tiếng? Việt Nam có 28 tỉnh thành có bờ biển, tại sao không bắt chước người Nhật nuôi trồng kinh tế biển để xuất khẩu? Tại sao ta không xây dựng các công ty đóng tàu như Hàn Quốc? Tại sao không có những đội thương thuyền lớn xuất nhập khẩu? Làm đi! Chỉ mấy điều đó thôi mà mình làm được thì thành cường quốc lúc nào không hay.

Công trình nửa thế kỷ của tôi tìm ra bản sắc Việt là mặt mạnh nhất của Việt Nam. Thiên nhiên, con người có nhiều mặt mạnh. Tôi từng nói chuyện ở Manila, rằng tôi rất ngưỡng mộ phụ nữ VN. Chẳng có nước  nào trên thế giới có Hai Bà Trưng, đứng lên khởi nghĩa rồi làm vua. Tôi lại thấy ngoài truyền thống anh hùng, phụ nữ Việt còn có tài nấu ăn rất ngon. Vậy sự ngưỡng mộ của tôi có đúng không? Đúng chứ, nói ra là người ta chịu ngay.

Nếu khai thác những mặt mạnh có sẵn, cùng với kinh tế biển, tin rằng Việt Nam sẽ dần có vị thế vươn lên ở khu vực Biển Đông. Bảo vệ chủ quyền không gì hay hơn là xây dựng một Việt Nam hùng mạnh, một cường quốc biển.

Triết lý sống của người Việt rất hay. "Ở đời muôn sự của chung" là xã hội chủ nghĩa đó, "hơn nhau hai chữ anh hùng mà thôi"…

Thưa ông, làm thế nào để giới trẻ ngày nay có ý thức hơn về vấn đề chủ quyền đất nước và trách nhiệm xây dựng Việt Nam trở thành một cường quốc biển như ông đang mong muốn?

- Tôi có một người bạn là đầu bếp Nhật rất ngưỡng mộ Việt Nam. Ông ta nói với tôi rằng, chính giá trị văn hóa lịch sử của đất nước sản sinh ra rất nhiều tiền. Nước Nhật trở nên giàu có vì khi quan tâm đến lịch sử, văn hóa thì tự nhiên thanh niên của họ trở nên yêu nước, có kỹ năng sống tốt. Những gì có lợi cho đất nước thì họ làm tới cùng, còn cái gì gây hại thì không làm. Một đầu bếp thôi mà có ý nghĩ sâu sắc như thế thì trách nhiệm của chúng ta phải làm gì đây để thức tỉnh con cháu của mình?

Các nhà tư tưởng như cụ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu từng chỉ ra cặn kẽ cái xấu của người Việt, nhưng ở góc độ sử học, ông nhìn nhận ra sao về người Việt đương đại?

- Có lẽ, cái xấu xí nhất của người Việt mình là thiếu liên kết, thiếu đoàn kết trong xây dựng. Không quan tâm đến sự hoàn hảo, làm gì cũng cho qua, tức là chất lượng công việc không cao.

Hôm vừa rồi, tôi có hướng dẫn làm đề án xây dựng thiên đường học tập cho đại học Đà Lạt. Theo tôi, làm gì cũng phải tập trung 1 mô hình cho thành công. Khi thành công cụ thể một mô hình thì mới ra chuyện, còn cứ lan man thì chẳng đi tới đâu.

Trong hội thảo giáo dục gần đây, tôi nói phải thay đổi cơ chế trong giáo dục.

Vậy theo ông, nên xây dựng một nền giáo dục ra sao?

- Mình tập trung vào cái xấu xí và tìm cách giải quyết. Một trong những điều hết sức quan trọng trong giáo dục là giáo dục kỹ năng sống. Khi nào một ông thầy quan tâm kỹ năng sống của học trò, khi ấy việc giáo dục tính cách mới dần dần có tác dụng. Cái xấu xí đầu tiên như thiếu đoàn kết trong xây dựng, phải hướng dẫn học trò hoạt động theo nhóm và có tinh thần liên kết thực sự.

Liên kết thế nào đây, liên kết làm gì cùng nhau thì mạnh? Và cả đoàn kết nữa… Từ nhóm này đến nhiều nhóm khác, đến lớp, rồi đến trường, cứ thế tôi mở rộng ra, kết quả là nhiều em học trò của tôi vượt trội hẳn lên, có thể hướng dẫn kỹ năng sống cho cả lớp.

Với tôi, đổi mới giáo dục là gì không cần biết,cứ đổi mới kỹ năng sống, tập trung vào từng điều cụ thể một. Hay nói rằng tính cách của người Việt ít quan tâm đến chất lượng, lại hoang phí vô độ… thì hãy đừng đi cà phê nữa đi, chưa kiếm ra tiền thì đừng tiêu pha hoang phí. 

Mỗi người hãy gắng tự sửa đổi, còn nhìn chung, hãy cứ quan tâm đến một số vấn đề cụ thể, đừng quá to tát, vĩ mô. Và trong một xã hội nếu nhiều người cùng nhau làm vậy thì sẽ có một ngày thay đổi rất lớn trong nhận thức.

Được biết ông có một Chương trình đào tạo thanh niên thế kỷ XXI?

- Đầu tiên tôi cho đăng ký, hoặc khuyến khích các học trò của mình cứ âm thầm làm. Khởi điểm có 3 em đăng ký. Siêu đầu bếp Nguyễn Văn Lập cho rằng em sẽ đào tạo 1.000 đầu bếp giỏi như mình. Du học sinh Nhật Bản Kim Ngân nói sẽ có "ngàn cánh hạc" có kỹ năng sống như thanh niên Nhật. Phan Tấn Quốc nói sẽ có ngàn sinh viên tinh hoa đi du học mang tinh hoa về cho đất nước. Ông Phan Bội Châu thời trước nói chỉ cần vài trăm người mang tinh hoa về là quá tốt. Mỗi người có một kế hoạch như thế trong đề án 1.000 thanh niên thế kỷ XXI, biết đâu sau này họ sẽ làm nên chuyện với hàng trăm ngàn thanh niên khác.

Trong đề án này còn có mấy đề án nhỏ tôi kêu gọi thanh niên tham gia tùy theo sức của mình. Tức là giờ phải làm những gì cụ thể. Cái "khôn" của tôi là mọi người phải cùng nhau thực hiện, chứ làm 1 mình không ăn thua gì.

Trong 5 chương trình đó, cái gì cũng khởi xướng và làm được rất nhiều nhưng vẫn chưa đi đến đâu vì chỉ mang tính chất mở đầu thôi. Phải có hàng ngàn, hàng vạn người như vậy thì mình mới mong thành cường quốc được.

Hạnh phúc là khi đi đến tận cùng chân trời khoa học…

- Cái giàu của nhà nghiên cứu rất khác với những người khác. Khi tôi đi tới cùng, có một cuốn sách được dịch ra tiếng Anh do NXB rất nổi tiếng của Anh in thì tôi rất vui. Mình làm những gì thấy vui, và đi đến đâu nói chuyện cũng vui. Khi bảo vệ chủ quyền của đất nước, đi đến đâu, các hoạt động của mình được người ta biết và ghi nhận thì coi như lấy vui làm lãi.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã về cuộc trò chuyện thú vị này!