Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

20210422.BỨC XÚC CHUYỆN XÂY SÂN GOLF Ở VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG 

CAM KẾT'KHÔNG ĐÁNH ĐỔI MÔI TRƯỜNG ĐỂ LẤY KINH TẾ' VÀ CHO PHÉP PHÁ RỪNG LÀM SÂN GOLF

DIỄM THI/ RFA/ BVN 10-4-2021


Ảnh minh họa: một sân golf ở Việt Nam

Dự án sân golf 36 lỗ tiêu chuẩn quốc tế tại huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai thời hạn khai thác trong 50 năm vừa được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng duyệt chủ trương đầu tư. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf này.

Sân golf này sẽ do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô hơn 174 ha.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Gia Lai chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, các nội dung giải trình, tiếp thu của nhà đầu tư và các nội dung đã thẩm định; chịu trách nhiệm toàn diện về các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, việc bảo vệ môi trường, nguồn nước.

FLC chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác các thông tin, số liệu, nội dung hồ sơ dự án.

Chuyên gia quản lý tài nguyên Đặng Hùng Võ phân tích sự kiện này với RFA:

“Về nguyên tắc thì Việt Nam có chủ trương bảo vệ rừng, phát triển rừng, tăng diện tích rừng. Đến nay thì tổng diện tích rừng đạt 49% diện tích đất nước. Trước kia cái tiêu chuẩn rừng nó rất cao. Cây phải lớn, không tính các cây bụi nhưng sau đó lại cứ rút dần tiêu chuẩn thế nào gọi là rừng, đồng thời cũng coi một số các loại rừng đặc biệt được gọi là rừng nhưng lại không đạt tiêu chuẩn nào.

Thế nhưng lại có một cái nghị quyết của Bộ Chính trị là Nghị quyết 30 về việc tiếp tục đổi mới các nông lâm trường quốc doanh. Trong đó có đưa ra một chủ trương, là đối với những rừng tự nhiên mà nghèo kiệt thì có thể chuyển sang mục đích sử dụng khác mang lại hiệu quả cao hơn.

Có thể đây là chủ trương dẫn đến chuyện xem xét một số rừng tự nhiên nghèo kiệt ở Gia Lai không thể khôi phục, không thể phục hồi được nên được chuyển mục đích sử dụng, mà cụ thể là làm sân golf với ý nghĩa phát triển du lịch Việt Nam.”

Ông Võ cho rằng, tất cả chỉ là giả thiết. Nếu muốn đánh giá chính xác phải đến tận nơi mới biết rừng có thật sự nghèo kiệt đến mức không thể phục hồi được hay không, và nếu có thì phải xem tại sao không phục hồi được. Chủ trương cho chuyển các khu rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng phục hồi sang mục đích khác thì phải kèm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, các tiêu chuẩn định lượng xem thế nào là nghèo kiệt không thể khôi phục. Ông nhận định rằng chính sách đôi khi rất đúng nhưng lại bị bẻ cong đi ở cấp thực hiện dẫn đến chuyện làm ngược lại chính sách đó.

Tháng 12 năm 2020, khi dự án được đề xuất, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc triển khai dự án sân golf này sẽ làm biến mất rừng thông ba lá gần 50 tuổi quý giá và thảm thực vật tại đây, dẫn đến mất cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và 63 tỉnh thành về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, diễn ra vào sáng 14 tháng 10 năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Bác Hồ nhiều lần nói rừng là vàng, vì thế Tây nguyên muốn chặt một cây gỗ thì phải thắp hương mà lạy cây. Nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng phải được quán triệt mạnh hơn trong mọi cấp chính quyền, trong cả hệ thống chính trị”.

Ông Phúc đề nghị các bộ ngành, địa phương đồng tâm làm cho diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên.

Nên cho tư nhân hóa đất rừng?


Sân golf ở khu vực Vịnh Hạ Long. Reuters

Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 quy định, rừng tự nhiên là một hệ sinh thái gồm cây lâu năm thân gỗ, cau dừa có chiều cao vút ngọn từ năm mét trở lên. Tới năm 2018, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp 2017 lại quy định thêm: chiều cao trung bình của cây rừng từ một mét trở lên đối với các kiểu rừng ở điều kiện sinh thái đặc biệt khác cũng là rừng tự nhiên. Như vậy, nhà quản lý đã lùi tiêu chí thế nào là "rừng tự nhiên" để tăng số liệu về diện tích rừng.

Theo thống kê của Bộ Lâm Nghiệp, tính đến cuối năm 2020, thực tế 66% rừng tự nhiên đang là rừng nghèo suy kiệt; 30% là rừng trung bình; chỉ khoảng 4% là rừng giàu.

Ông Đặng Hùng Võ từng nhiều lần nêu quan điểm của ông với những cơ quan có trách nhiệm về rừng ở Việt Nam rằng, cần để tư nhân tham gia phục hồi rừng tự nhiên. Tư nhân quản lý thì sẽ tốt hơn, bởi họ mất tiền để được giao rừng thì họ sẽ chăm sóc đúng để phục hồi rừng tự nhiên. Tư nhân có động lực rất lớn trong vấn đề lợi ích. Ông nói thêm:

“Quan điểm của tôi thứ nhất là phải phục hồi tiêu chuẩn rừng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, thế nào gọi là rừng. Thứ hai, phải cương quyết hồi phục rừng tự nhiên, mà phải sử dụng động lực tư nhân để phục hồi.

Khi xây dựng Luật Lâm nghiệp 2017 tôi đã trình bày nhưng không được chấp nhận, và đến bây giờ vẫn không được chấp nhận.”

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, từng nhận định với RFA vào tháng trước rằng:

“Tôi nghĩ rằng bây giờ mình phải tìm cách khôi phục lại tự nhiên càng nhiều càng tốt, tránh chuyện chúng ta khai thác thiên nhiên quá mức. Điều này đòi hỏi một sự nỗ lực rất lâu dài, và tốn kém rất nhiều. Đồng thời phải xem xét lại vấn đề bố trí lại dân cư trong những cùng rủi ro như vậy, và điều này đòi hỏi một sự nỗ lực rất lâu chứ không thể một sớm một chiều.”

Theo đề án đầu tư ngành Thể dục Thể thao của tỉnh Gia Lai, dự án sân golf Đak Đoa nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016- 2025. Đây cũng là một trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định số 1946 ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và Quyết định số 795 ngày 26/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020.

Tháng 11 năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án sân golf Đak Đoa. Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu là công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Điều đáng nói là dự án sân golf này chiếm đến hơn một phần ba diện tích rừng của cả huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai. Nếu dự án này được thực hiện thì phải phá rừng thông làm sân golf.

Đến hôm nay, Thủ tướng Việt Nam đã cho phép chuyển mục đích 156 ha đất rừng để FLC làm sân golf này.

Nói về sự phát triển sân golf ở Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho hay, tính đến năm 2015, Việt Nam có 58 sân golf nằm rải rác tại 24 tỉnh của ba miền Bắc- Trung- Nam.

Tuổi Trẻ Online hôm 5 tháng 4 năm 2021 dẫn lời Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Phạm Thành Trí cho hay, hiện Việt Nam có 75 sân golf đang hoạt động. Thời gian gần đây, tính trung bình cứ hai tuần Việt Nam có thêm một sân golf được cấp phép. Sắp tới mỗi năm Việt Nam có thể có thêm từ 50 đến 100 sân golf nữa.

Ngoài chuyện phá rừng để làm sân golf, theo các chuyên gia môi trường, để vận hành một sân golf cần phải sử dụng nhiều loại hóa chất như acid silic, oxid nhôm, oxid sắt, acrylamide… Đây là những hóa chất độc hại đối với con người và các loại sinh vật khác.

HAI TUẦN CẤP PHÉP MỘT SÂN GOLF

H.C.ĐÔNG/TTO 11-4-2021

TTO - Chỉ trong vòng 2 năm gần đây, VN có thêm 35 sân golf, nâng tổng số sân golf cả nước lên 75 sân. Các địa phương đang đua nhau làm sân golf nên hàng trăm sân golf khác dự kiến sẽ hoạt động trong những năm tới.


Theo các chuyên gia, đang có tình trạng các chủ dự án lợi dụng việc cho phép sử dụng 10% tổng diện tích đất sân golf xây dựng các công trình phục vụ hoạt động sân golf để xây khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng phục vụ mục đích kinh doanh trái phép.

Ồ ạt cấp phép sân golf

Theo Hiệp hội Du lịch golf VN, cả nước có 75 sân golf đã đi vào hoạt động, chưa kể hàng chục sân golf khác đang được đầu tư xây dựng. Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề buổi họp báo của Hiệp hội Du lịch Việt Nam ngày 5-4, ông Phạm Thành Trí - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf VN - cho biết thời gian gần đây, tính trung bình cứ hai tuần Việt Nam có thêm một sân golf được cấp phép. "Hai năm trước Việt Nam mới chỉ có 40 sân golf, nay đã lên tới 75 sân", ông Trí nói.

Tháng 4-2020, sau khi nghị định kinh doanh sân golf được ban hành với quy hoạch sân golf quốc gia bị bãi bỏ, nhiều địa phương đã đua nhau kiến nghị Chính phủ cho cấp phép đầu tư dự án sân golf.

Dự kiến trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm hàng trăm sân golf, khi mà nhiều địa phương tiếp tục trình làng thêm nhiều sân golf mới. Điển hình như tại Quảng Nam dự kiến cấp phép thêm 10 sân golf, Bắc Giang sẽ cấp phép thêm 7 sân golf, Vĩnh Phúc sẽ cấp phép thêm 10 sân golf...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Đính, tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng tình trạng các địa phương ồ ạt xin cấp phép sân golf sau khi không còn quy hoạch sân golf cần được cảnh báo, rà soát lại, chỉ nên cấp phép cho những địa phương có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng đầu tư sân golf để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

"Đất đai có hạn, dự án sân golf luôn cần diện tích lớn nên không thể cấp phép ồ ạt, dành quỹ đất quá lớn nhưng không phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Đính khuyến cáo.


Một sân golf nằm trong dự án Tổ hợp khu du lịch thung lũng đại dương (Novaworld Phan Thiết) đang xây dựng ở xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Golf để phục vụ khách du lịch?

Thời gian qua số người chơi golf có xu hướng tăng theo đời sống đi lên, việc ra đời nhiều sân golf để đáp ứng nhu cầu cũng là bình thường.

"Chi phí du lịch, ăn uống, kết hợp chơi golf tại Việt Nam hiện nay khá rẻ nên lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chơi golf, đặc biệt là du khách Hàn Quốc, rất đông. Nếu thiếu sân golf, chắc chắn khách du lịch Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ giảm rất nhiều", một chuyên gia trong ngành nói.

Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam cho biết cả nước hiện có 100.000 người chơi golf, tần suất trung bình khoảng 20 trận/năm. Nhu cầu chơi golf trong nước khoảng 2 triệu lượt chơi/năm, chưa kể hàng triệu du khách đến chơi golf tại Việt Nam mỗi năm.

Theo ông Phạm Thành Trí, tiềm năng du lịch golf Việt Nam rất lớn, đặc biệt là trong những tháng mùa đông (từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau) có rất nhiều khách Hàn Quốc tới Việt Nam du lịch golf.

"Số liệu thống kê cho thấy mỗi năm có 1 triệu lượt khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam chơi golf. Ngoài du khách Hàn Quốc, khách du lịch Úc, Malaysia... cũng sang VN chơi golf. Thời điểm không có dịch covid, mỗi năm khách quốc tế đến Việt Nam chơi golf tăng khoảng 20%. Một trong những lý do là chi phí đánh golf tại VN, nếu không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với dịch vụ chơi golf, khá mềm so với một số quốc gia", ông Trí nói.

Ông Trần Quốc Phương, thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cho rằng sân golf không phải cái gì đó xấu xa, nó chỉ xấu khi người ta lợi dụng cấp phép sân golf vì mục đích khác.

Việc bỏ quy hoạch sân golf phù hợp với định hướng của Luật quy hoạch. Về mặt thị trường khi cầu tăng, cung sẽ tăng và khi nào qua điểm bão hòa, chuyện thiếu thừa sân golf mới lộ diện.

"Đầu tư kinh doanh sân golf là đầu tư tư nhân, khi đủ điều kiện, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì không có lý do gì để địa phương không cấp phép. Vấn đề là khi cấp phép đầu tư sân golf, chính quyền địa phương cần có tầm nhìn, tính toán hiệu quả trong dài hạn", ông Phương nêu ý kiến.

Vấn đề là theo một số chuyên gia, việc kinh doanh sân golf không hiệu quả vì chi phí bảo dưỡng sân rất đắt tiền. Vậy tại sao vẫn cứ ra đời nhiều sân golf?

Lợi dụng kinh doanh bất động sản

Việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf, theo quy định tại quyết định 1946 (năm 2009) của Thủ tướng, chỉ được sử dụng đất đã giao để xây dựng sân golf, không được sử dụng đất đã cấp làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng. Ngoài ra, tỉ lệ diện tích đất dành để xây dựng nhà ở thấp tầng cho thuê tối đa không quá 10% trên tổng diện tích đất sân golf.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều dự án sân golf hiện nay đã sử dụng phần đất dịch vụ để phục vụ hoạt động tại sân golf (xây dựng nhà câu lạc bộ, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng) chiếm 10-15% diện tích sân golf, cá biệt có dự án lên tới 20%.

Theo TS Vũ Đình Ánh, chính quy định cho sử dụng 10% diện tích đất dịch vụ trong sân golf là kẽ hở trong cấp phép sân golf. "Cần quy định rõ diện tích đất xây dựng sân golf chỉ để làm sân golf. Còn khu vực đất dịch vụ phục vụ trong khu vực sân golf phải thực hiện nghĩa vụ tài chính như đất dịch vụ", ông Ánh đề xuất.

Còn GS Đặng Hùng Võ cho rằng thực tế cho thấy nhiều chủ dự án sân golf hiện nay thường sử dụng 10% quỹ đất dịch vụ sân golf cho việc xây khách sạn, biệt thự để bán, kinh doanh và cho thuê không đúng quy định pháp luật.

Do đó, theo ông Võ, cần đánh thuế, thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất trên theo dạng đất dịch vụ xây khách sạn, xây biệt thự để bán, cho thuê để tránh thất thu ngân sách.

Ở góc nhìn khác, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết theo Luật đất đai, đất xây dựng sân golf gồm hai phần: đất dịch vụ trồng cây xanh và đất dịch vụ xây dựng các công trình tiện ích khác như nhà hàng, khu vui chơi giải chí, khu vực khách sạn nghỉ dưỡng.

Khi đầu tư sân golf, các chủ dự án thường tính tới tổng thể là một quần thể du lịch nghỉ dưỡng có sân golf. "Việc một số địa phương để chủ dự án sân golf lợi dụng việc đầu tư sân golf, tận dụng quỹ đất dịch vụ để xây khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng để bán, cho thuê... thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền các địa phương", ông Châu nhấn mạnh.

Không mất rừng khi làm sân golf Đắk Đoa (?)

Sân golf Đắk Đoa 36 lỗ với diện tích 174,01ha được thông qua chủ trương đầu tư theo đề xuất của tỉnh Gia Lai. Nhiều ý kiến cho rằng có đến 155,93ha rừng sẽ phải nhường chỗ cho sân golf Đắk Đoa, chưa kể danh thắng đồi cỏ hồng đẹp như tranh cũng sẽ chỉ còn là hoài niệm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hoan - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai - cho rằng tỉnh sẽ không mất rừng như dư luận quan tâm. Bởi tỉnh sẽ cho di dời những cây thông đi nơi khác để trồng lại và nhà đầu tư cũng phải trả tiền để trồng rừng thay thế tương đương với diện tích thực hiện dự án.

H.C.ĐÔNG


NHẬP NHẰNG CÁC DỰ ÁN SÂN GOLF


TRẦN HOÀNG /TP/ DT 12-4-2021

Với hàng loạt sân golf được cấp phép thời gian gần đây, chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế quản lý chặt bất động sản nghỉ dưỡng "ăn theo" sân golf, áp thuế như đất dịch vụ - thương mại thông thường.

Thông tin tới truyền thông mới đây bên lề Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội, ông Phạm Thành Trí, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có 75 sân golf đang hoạt động, trong đó 3/4 do nhà đầu tư Việt Nam làm chủ, 1/4 do người Hàn Quốc đầu tư.

Ông Trí thông tin: "Thời gian gần đây, tính trung bình cứ 2 tuần Việt Nam có thêm 1 sân golf được cấp phép. Sắp tới mỗi năm Việt Nam có thể thêm 50 - 100 sân golf. Tỉnh Bắc Giang đang có 1 sân golf, 2 sân chuẩn bị ra mắt, 8 sân golf đang trong quá trình xin cấp phép; Vĩnh Phúc cũng cấp phép 10 sân; Quảng Nam có 3 sân và sắp có thêm 10 sân"…

Mặc dù tỷ lệ sân golf ở Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với mức trung bình của thế giới, việc phát triển ồ ạt mang tính thời điểm khiến một số chuyên gia lo ngại. Đó là việc làm mất đi một diện tích đất canh tác lớn, làm biến đổi địa hình và nguồn nước ngầm tại địa phương. Người ta cũng lo ngại khả năng nhiều chủ đầu tư lợi dụng biến sân golf thành "điểm nhấn" đi kèm cho các dự án bất động sản. 

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra rằng: việc tỉnh Hòa Bình thu hồi hơn 61ha trong tổng số hơn 140ha rừng trồng để giao cho nhà đầu tư xây dựng sân golf; phê duyệt quy hoạch sân golf trên đất lâm nghiệp được giao cho Tổng Công ty Lâm nghiệp quản lý là sai với quy hoạch sân golf quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt.

Cần tách bạch

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, phát triển các sân golf là việc cần làm để kích cầu du lịch. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có nhiều chủ đầu tư sân golf lạm dụng xin dự án để lách luật kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng. Nguồn thu từ bất động sản "ăn theo" sân golf thực chất là nguồn lợi chính của nhà đầu tư. 

Hầu hết các dự án sân golf và bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay, xét về quy hoạch, theo ông Võ, đều không hình thành nên đơn vị ở hay đơn vị dân cư, nghĩa là đơn thuần chỉ thuộc quy hoạch du lịch. Do đó các dự án bất động sản cùng sân golf không có thời hạn sử dụng lâu dài. Các chủ đầu tư thường thuê đất trả tiền hằng năm hoặc trả tiền thuê đất một lần cho suốt thời gian thuê.

Vì thế người mua các sản phẩm bất động sản này không sở hữu tài sản như đối với nhà ở thông thường được. "Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư sử dụng 10% quỹ đất dịch vụ cho sân golf cho việc xây khách sạn, biệt thự để bán và kinh doanh không đúng quy định, thậm chí còn có bán cả condotel trong dự án sân golf", ông Đặng Hùng Võ nói.

"Vì sao nhiều sân golf lỗ triền miên, thu không đủ chi nhưng chủ đầu tư vẫn tính làm sân golf tiếp, mở rộng thêm dự án?", GS Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi và đề xuất nên có quy định chặt chẽ về 10% quỹ đất dịch vụ thì chỉ được kinh doanh, các dịch vụ về golf và cho người đánh golf. Hiện nay, nhiều sân golf đang nhập nhằng việc này. Ngoài ra, theo ông Võ, cần đánh thuế, thu tiền sử dụng đất theo dạng đất dịch vụ xây khách sạn, xây biệt thự để bán, cho thuê để tránh thất thu ngân sách.

Một số chuyên gia đồng tình với quan điểm của ông Võ và cho rằng, quy định cho sử dụng 10% diện tích đất dịch vụ trong sân golf tạo kẽ hở trong cấp phép sân golf. Cần có quy định diện tích sân golf không được làm các dịch vụ khác, phần đất dịch vụ trong sân golf phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính như đất dịch vụ.


SỰ THẬT VỀ QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CHO PHÉP FLC BIẾN 174 ha RỪNG LÀM SÂN GOLF


LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 20-4-2021



Thứ hai 05/04/2021 17:14, Trang Chinhphu.vn đưa tin:"Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sân golf Đak Đoa, tỉnh Gia Lai.

Quy mô của Dự án là 174,01 ha với nguồn vốn đầu tư là 1.142,075 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu 172,912 tỷ đồng (chiếm 15,14% tổng vốn đầu tư), vốn vay 969,163 tỷ đồng (chiếm 84,86%) tổng vốn đầu tư..."

Như vậy Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng người phụ trách lĩnh vực xây dựng đã kí QĐ chứ không phải Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trước đó một số báo chính thống đưa tin "Thủ tướng CP kí QĐ" nhưng không nói rõ đại diện Thủ tướng CP là ai. Điều này dẫn đến bà con ta trên mạng quy kết chính ông Nguyễn Xuân Phúc kí quyết định giao 174 ha rừng để làm sân golf này, cùng dấu hỏi phải chăng đây là "cú tàu vét" của Thủ tướng?

Điều ngạc nhiên là ngay cổng Chínhphu.vn và các báo chính thống đưa tin đều không nói rõ ngày kí QĐ.

Ngày kí QĐ rất quyết định để xem xét Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tuy không kí QĐ nhưng vẫn có phải liên đới chịu trách nhiệm một QĐ do Phó thủ tướng kí hay không?

Vì theo "cơ chế người đứng đầu", các QĐ do Phó thủ tướng kí thì Thủ tướng vẫn bị liên đới trách nhiệm nếu quyết định này sai. Trong trường hợp cho phép biến rừng thành sân golf như dự án của FLC rõ ràng ảnh hưởng đến rừng của QG, không thể cho phép phá rừng làm sân golf được.

Vậy QĐ đã được kí ngày nào?

Thứ hai 5.4 báo chí đưa tin về QĐ.

Ngày 3 và 4 tháng 4 là thứ Bảy, Chủ nhật, CP không làm việc.

Gã lần theo các thông tin chính thống và các nguồn thông tin của một số người am hiểu hoạt động của CP rồi sắp xếp theo trình tự như sau:

1. Chiều 31-3, phiên họp cuối cùng của Chính phủ khóa XIV do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Theo thông báo thì đây là buổi làm việc cuối cùng của ông Phúc trên cương vị Thủ tướng.

2. Trước đó TTg CP Nguyễn Xuân Phúc đã có công thư gửi các PTTgCP, VPCP thông báo:

"Không xử lý công việc của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 1/4/2021. Trong khi chờ Quốc hội bầu Thủ tướng mới, các Phó thủ tướng xử lý công việc theo đúng thẩm quyền và lĩnh vực được phân công, theo đúng Luật Tổ chức Chính phủ."

Điều này chứng tỏ từ ngày 1.4.2021 ông Phúc không còn chịu trách nhiệm điều hành CP nữa.

3. "Ngày 1/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc".

Điều này càng khẳng định ông Phúc không còn quyền điều hành CP từ ngày 1.4 nữa.

4. Thứ 6 ngày 2.4 buổi sáng QH họp bãi nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

5. Chiều 5.4.2021 QH bầu ông Phạm Minh Chính làm Thủ tướng.

6. Ngày 7.4.2021 thủ tướng Phạm Minh Chính trình QH miễn nhiệm Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Với các thông tin trên thì CP có 4 ngày không có Thủ tướng trong đó có 2 ngày nghỉ do là ngày thứ Bảy, Chủ nhật. Theo Luật Tổ chức CP các ngày đó các Phó thủ tướng còn làm việc được quyền kí các QĐ tồn đọng nhưng không được quyền kí các QĐ mới. Và các Phó thủ tướng phải chịu trách nhiệm chính với các chữ kí của mình.

Phút chót đã thấy được bản QĐ do ông Trịnh Đình Dũng kí vào đúng ngày 1.4.2021.

Như vậy quyết định ông Trịnh Đình Dũng kí trao 174 ha rừng cho FLC của ông Quyết làm sân golf ở Gia Lai ngay ngày thứ nhất CP không có Thủ tướng điều hành.

Trong hai ngày làm việc không có Thủ tướng điều hành, các Phó thủ tướng Trương Hoà Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam không sử dụng quyền kí QĐ của mình.

Với các thông tin trên thì ông Nguyễn Xuân Phúc đương kim Chủ tịch nước không phải liên đới chịu trách nhiệm về việc trao 174 ha rừng ở Gia Lai làm sân golf mà dư luận đang rất bất bình.

Tôi cũng vừa nhận được thông tin từ những người có trách nhiệm, được biết ông Phúc đã không chấp nhận dự án biến rừng thành sân golf này từ trước, vỉ vậy khi còn trách nhiệm ông đã không kí QĐ cho phép.

Được biết, ông Phúc đã rất bức xúc khi biết thông tin dự án đã được phê duyệt chủ trương và có ý kiến cần thanh tra lại quá trình lập, phê duyệt dự án.

Và đó cũng là đòi hỏi chính đáng của người Dân.

Trắng - Đen cần rõ ràng, những gì thuộc về đất nước, về nhân dân, cần được trả lại đúng chỗ của nó... Những người có trách nhiệm cần QĐ sớm thanh tra toàn bộ dự án gây bất bình trong Nhân dân này.

L.T.V.

Tác giả gửi BVN

Nguyễn Huệ Chi

Có vẻ như đây chỉ là hình thức thôi Lưu Trọng Văn ơi. Chẳng lẽ vị “cựu” giữ tròn liêm chính trong 5 năm nhưng vừa rời chân thì vị “tân” đã vội vã xuất hiện ngay trong diện mạo một tay "phá... quốc chi tử" (bắt chước câu "phá gia chi tử") để cho bàn dân biết tay mình và báo hiệu nhiệm kỳ của mình sẽ đưa đất nước đến chỗ "... tận gốc" hay sao? Anh không tin là ông ta cạn nghĩ đến thế hoặc trí tuệ ông ta chỉ có thế. Mà nếu đúng như thế thì đây là "phúc" hay "họa"? Cái kẻ đã có thành tích xây dựng "đặc khu kinh tế" lâu nay lăm le bán bên ngoài vào nay lại đổi chiến lược bán từ giữa bán ra sao? Anh chưa nghĩ được như thế nào cả, rất mong em bàn tiếp để anh và nhiều người nghe tiếp.


CỰU THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC KHÔNG LIÊN QUAN VIỆC XÂY SÂN GOLF Ở ĐAK ĐOA ?

BBC 20-4-2021


Nhiều người bênh vực cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chủ trương cho phép công ty FLC xây sân golf ở Gia Lai và nói cựu Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng là người cho phép.

Mới đây, báo chí và cộng đồng mạng tại Việt Nam xôn xao chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện đã là chủ tịch nước, đồng ý cho công ty FLC xây sân golf trên đất rừng.

Tuy nhiên, sau đó nhiều người cho rằng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới là người ký quyết định trên, còn ông Phúc không liên quan.

Ai chủ trương? Ai ký?

Cụ thể, hôm 5/4, báo Vietnam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) của Công ty CP Tập đoàn FLC.

Theo đó, dự án có quy mô 174,01ha, trong đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93 ha rừng sản xuất sang mục đích khác, diện tích đất chưa có rừng là 18,08 ha. Dự án nằm trên một phần khu vực rừng thông được trồng khoảng từ năm 1976 đến nay và không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp.

Quyết định này đã gây bức xúc trong dư luận, nhiều người cho rằng đây là hành động "đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế".

Tuy nhiên, bắt đầu từ tuần qua, nhiều người lên tiếng cho rằng quyết định phê duyệt trên là do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký trước khi mãn nhiệm. Vào lúc quyết định được công bố, ông Phúc không còn chịu trách nhiệm điều hành chính phủ nữa.

Facebook ông Lưu Trọng Văn, người có hơn 86.000 lượt theo dõi, viết rằng vào ngày 1/4 ông Phúc đã được miễn nhiễm chức vị Thủ tướng nên không còn quyền điều hành chính phủ từ ngày đó. Người này còn đưa ra ảnh chụp vản bản quyết định phê duyệt dự án sân golf Đắk Đoa được ông Trịnh Đình Dũng ký vào ngày 1/4.


Văn bản về quyết định phê duyệt xây dựng sân golf Đắk Đoa

Báo Chính phủ nói gì?

Khi những thông tin tranh cãi trên gây nên ồn ào, báo điện tử Chính phủ đã lên tiếng chính thức.

Theo đó, kênh thông tin chính thức của chính phủ nói rằng quá trình dự án này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng và việc phê duyệt này không phải "một sớm, một chiều" là xong.

Báo này viết rằng cuối năm 2020, khi báo chí phản ánh ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo về vấn đề lấy môi trường đánh đổi kinh tế: "Thủ tướng đã có ý kiến giao Bộ NN & PTNT nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng về nội dung báo chí phản ánh."

"Bộ NN & PTNT đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và làm việc với tỉnh Gia Lai và một số bộ liên quan về việc sử dụng đất của Dự án sân golf Đak Đoa cũng như tổ chức Hội đồng thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng rừng với đa số phiếu tán thành việc trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Ý kiến các bộ, ngành đều ủng hộ việc triển khai Dự án."


Rừng thông Đắk Đoa

Bên cạnh đó, cơ quan ngôn luận của chính phủ còn khẳng định rằng, theo quy định tại Điều 30 của Luật Đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sân golf, không phân biệt quy mô nguồn vốn, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, kênh này cũng ghi rõ sân golf Đak Đoa là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng vào năm 2009 về việc phê duyệt "Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020".

"Về trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Nghị định 83/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha," trang này đưa tin.

Điều này thể hiện rằng, việc phê duyệt dự án sân golf Đak Đoa là chủ trương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như của chính phủ, còn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là người ký.

Một quyết định nhân danh chính phủ thì không thể là hành vi của một cá nhân lúc giao thời tranh tối tranh sáng được.

Quan ngại về vấn đề môi trường

Save Tam Đảo, một trang Facebook chuyên về môi trường, nêu ý kiến:

"Với bản đồ quy hoạch như công bố của FLC thì tuyệt nhiên đây không phải là du lịch sinh thái. Không có nơi đâu du lịch sinh thái lại nhân tạo toàn bộ một cánh rừng để biến nó thành sân golf, biệt thự cả. Không phủ nhận dự án này sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, tuy nhiên về dài hạn và tính bền vững lại không có nếu như không chỉ Gia Lai mà ở các tỉnh thành khác không tập trung vào giáo dục, tri thức và phát triển kinh tế dựa vào phát minh."

Jang Kều, nhà sáng lập tổ chức Nhà Chống Lũ và là người nổi tiếng trong các hoạt động bảo vệ môi trường, viết trên Facebook cá nhân:

"Con số thống kê từ Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, hiện cả nước có 75 sân golf đang hoạt động, chỉ riêng FLC đã sở hữu đến 30 dự án sân golf. Không chỉ có vậy, FLC đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ sở hữu khoảng 100 sân golf trên khắp cả nước. Trong đó dự án sân golf Đak Đoa 174 ha mà 155 ha đất rừng là dự án số 30 của tập đoàn này."

Tháng 12/2020, khi dự án được đề xuất, báo chí phản ánh ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc triển khai dự án sân golf này sẽ làm biến mất rừng thông ba lá gần 50 tuổi quý giá nói trên và thảm thực vật tại đây, dẫn đến mất cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.

ĐỪNG BIẾN SÂN GOLF THÀNH XUNG ĐỘT CHÍNH SÁCH

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ TD 20-4-2021

Xin khẳng định rằng người viết bài không định kiến với Golf. Golf là môn thể thao đã có tính phổ biến hơn, cho dù nó vẫn ngoài tầm với của trung lưu.

Xã hội có nhiều giai tầng nhu cầu, nhu cầu nào cũng xứng đáng được tôn trọng. Khi các trường đại học mở khoa Golf, không có gì phải bỉ bác. Nhưng khi các địa phương ùn ùn đội đơn xin giảm thuế và hạ giá thuê đất sân Golf, họ đang mưu cầu một sự thiên lệch về chính sách. Chính Phủ đã bác nhiều lần.

Không có lý do gì biệt đãi cho sân Golf, khi rõ ràng nhiều trong số những người vào sân là quan chức. Quan chức xin ưu đãi sân golf, nghĩa là có ưu đãi chính mình trong đó.

Kể cả khi cấp phép một sân golf, điều đầu tiên phải xem xét là yếu tố giao hoà các nhu cầu xã hội của địa phương. Nhu cầu đó không chỉ có điện đường trường trạm mà còn là vui chơi giải trí, chất lượng sống… Nên các quy hoạch phải ưu tiên phục vụ số đông thay vì một nhóm người. Không thể chấp nhận một địa phương mà lãnh đạo mỗi năm chỉ lo hai việc: Làm tượng đài cho dân nghèo và làm sân golf cho người giàu. Thực tế, hiện tượng này đang rất phổ biến.

Nguồn thu ngân sách từ sân Golf cao hay thấp tôi không dám khẳng định, nhưng đánh đổi môi trường là hiện hữu. Trực quan là đã có thể thấy đất đắc địa ven biển, bìa rừng nằm trong vòng tay tham vọng của tư nhân.

Thuê đất 50 năm, qua 10 nhiệm kỳ lãnh đạo, vuông tròn ai biết ra sao. Nhiều sân golf đã biến thành dự án đô thị, nó kéo theo sự đô thị hoá ảo và kích thích cơn sốt đất ở những miền quê với vô vàn hệ luỵ.

Sân golf biến thành xung đột giai tầng thụ hưởng, dễ thấy nhất là Tân Sơn Nhất của Him Lam. Một bên là sân golf cò bay thẳng cánh, vài người nhẩn nhơ vụt gậy, bên kia là vạn người lay lắt vì bị delay do sân bay không đủ đường băng cho máy bay.

Nó đã tồn tại nhiều năm, cho dù không luận vấn đề quan hệ đất đai bên trong sân golf nhưng dễ thấy rằng để chờ mong ai đó hy sinh cho quốc gia và nhân dân là khiên cưỡng, nhất là khi lợi nhuận của đất tăng theo cấp luỹ thừa.

Golf không đáng bị chỉ trích. Người dân cũng không quăng thẻ bài nghèo ra để định kiến với golf. Nhưng quy hoạch sân golf là câu chuyện liên quan đến nhiều giai tầng. Người dân có quyền mưu cầu những quy hoạch sân golf minh bạch quan hệ đất đai và thật sự cần thiết, thay vì mãi mãi mang cảm giác nghi ngờ tư bản thân hữu.

Rước thần đến thì dễ, tiễn thần đi rất khó!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét