Thứ Bảy, 17 tháng 4, 2021

20210418. THƯ GỬI GIÁO VIÊN CỦA BỘ TRƯỞNG GD NGUYỄN KIM SƠN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NGÀNH VÀ NGHỀ CỦA CHÚNG TA

NGUYỄN KIM SƠN/ FB NKS 9-4-2021

Kính thưa các cô giáo, thầy giáo, công chức viên chức, người lao động trong ngành giáo dục
Ngày 8/4/2021, tôi vinh dự được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao phó đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là một vinh dự to lớn đối với tôi. Nhiệm vụ này rất nặng nề, rất nhiều áp lực, khó khăn thách thức. Những suy nghĩ và trăn trở đầu tiên của tôi sau khi nhận việc là những suy nghĩ về nghề và sự nghiệp của nhà giáo chúng ta.
Ngành giáo dục, nghề làm thầy của chúng ta là một nghề vinh quang. Nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn. Chúng ta đang sống và đang làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng bứt phá, để đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng. Một phần của nhiệm vụ trọng đại đó phó thác cho ngành giáo dục của chúng ta. Để đảm đương được sứ mệnh này, không có cách nào khác, chúng ta cần tiếp tục kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.
Nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề, nhưng chúng ta có rất nhiều thuận lợi, thuận lợi là căn bản, toàn ngành đã làm được rất nhiều việc lớn trong những năm qua. Đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo và chỉ hướng đã thật rõ ràng, vấn đề là cách làm. Chúng ta sẽ cùng nhau chung sức, tập hợp trí tuệ, đồng tâm hiệp lực để làm cho giáo dục ngày càng tốt lên, đổi mới phù hợp với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, căn cứ từ thực tiễn, giải những bài toán từ thực tiễn để chất lượng giáo dục ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay theo một định hướng mang tính chiến lược.
Hơn ai hết, chúng ta mong mỏi vị thế của nhà giáo chúng ta cần phải được củng cố, cần giữ sự tôn nghiêm của nghề. Điều này cần nhiều phía và nhiều điều, nhưng trước hết và quan trọng nhất là do chính nhà giáo chúng ta. Chỉ có thể bằng sự cố gắng, gương mẫu, bằng trí tuệ và tấm lòng yêu nghề yêu trò, yêu tri thức và lẽ phải, bằng sự tự trọng và tự tôn, chúng ta mới dần làm cho nghề giáo của chúng ta thêm tôn nghiêm.
Chúng ta cần làm vững thêm niềm tin của xã hội, nhưng muốn thế trước hết chúng ta phải tự tin vào chính mình, tin vào khả năng và năng lực của mình, tin vào phẩm chất nhà giáo, đạo đức nhà giáo mà chúng ta đang có và đang tạo dựng. Vẫn còn không ít những tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó. Đó là nguồn cảm hứng và nguồn năng lượng sáng tạo bất tận của nhà giáo chúng ta. Cả ở tầng nguyên lý lẫn thực tiễn, cuộc sống luôn công bằng, nếu chất lượng giáo dục dần nâng cao thêm, người học thấy hạnh phúc, thông tin tới xã hội đầy đủ, quản trị hiệu quả và với tinh thần cống hiến... niềm tin của xã hội với ngành và nghề của chúng ta chắc chắn sẽ tăng theo. Khi mỗi bài giảng, cuốn sách mà chúng ta soạn đều hướng tới học sinh, mỗi đổi mới chúng ta thực hiện đều vì những điều mà phụ huynh học sinh kỳ vọng và phụng sự cho sự phát triển của đất nước, thì không có lý do gì để chúng ta không có lại vị thế xứng đáng trong xã hội.
Tôi có niềm tin không gì lay chuyển vào đội ngũ nhà giáo, giáo chức. Tôi tin các ngành, các lực lượng xã hội sẽ trân trọng và đồng hành, vốn đã vậy giờ vẫn sẽ thế. Đảng ta đã nhìn rõ tầm quan trọng, Chính phủ đang rất quyết tâm, Thủ tướng rất quyết liệt, các bộ ngành khác đều thấu tỏ và chia sẻ, do đó chắc chắn chúng ta làm được việc lớn.
Về phía cá nhân mình, là một nhà giáo, nhà quản lý, tôi sẽ làm hết tâm sức vì ngành và phát triển ngành. Rất mong toàn thể các nhà giáo, người lao động, nhà quản lý trong ngành và ngoài ngành chung sức và ủng hộ.
Chúng ta cùng chung tay ngay bây giờ, từ lúc này. Trồng người vì trăm năm, chúng ta ươm tạo những trái ngọt mai sau, nhưng ngày hôm nay, cả chúng ta và xã hội đã phải nhìn thấy những cây và lá xanh tươi.
Hà Nội, 9/4/2021
Nguyễn Kim Sơn

VÀI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ THƯ CỦA TÂN BỘ TRƯỞNG GD-ĐT

TRƯƠNG QUANG ĐỆ/ BVN 16-4-2021

Thấy tân Bộ trưởng GD-ĐT dùng facebook để gửi một bức thư tâm huyết đến thầy cô giáo, cán bộ ngành giáo dục toàn quốc, không ai không vui mừng, vì có lẽ đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao nhà nước tự bước ra khỏi tháp ngà khép kín lâu đời để hòa mình vào quần chúng. Kẻ thường dân hy vọng hôm nào đó có thể đi uống cà phê với Bộ trưởng và nhân đó đàm đạo về những vấn đề cấp bách của ngành giáo dục. Trong khi chờ đợi một dịp may như vậy với xác suất hết sức nhỏ bé gần bằng không, tôi nêu ra đây vài suy nghĩ sơ bộ. Trong thư của Bộ trưởng có mấy từ ngữ được coi như then chốt, xuất phát từ cách nhìn của Bộ trưởng với sứ mệnh của mình.Đó là “khát vọng bứt phá”, “đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới”, “xuất phát từ thực tiễn”. Theo tôi hiểu, khát vọng bứt phá mà Bộ trưởng quan tâm hàng đầu có nghĩa là tìm ra cách giải quyết trọn vẹn một số vấn đề cơ bản, từ đó những vấn đầ khác sẽ được giải quyết nhẹ nhàng tự động. Quả vậy, trong cách giải quyết vấn đề, kẻ hiểu biết không tìm cách giải quyết nhiều thứ cùng một lúc mà lần lượt theo thứ tự ưu tiên. Theo qui luật Pareto thì 20% nguyên nhân đã tạo ra 80% kết quả. Do đó trong một loạt các vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục hiện nay, cái bứt phá nằm ở chỗ tìm ra 20% vấn đề ưu tiên giải quyết, các vấn đề khác không còn là khó khăn nữa. Tôi cho rằng Bộ trưởng chỉ cần giải quyết hai vấn đề thuộc loại ưu tiên tuyệt đối. Giải quyết xong hai vấn đề này Bộ trưởng sẽ được đánh giá là người xoay chyển được tình thế, công lao của ông sẽ được nhân dân chân thành ghi nhận, coi như một mốc lịch sử cho ngành giáo dục. Một là Bộ trưởng kiên quyết cho thực hiện tính trung thực trong giảng dạy, học tập và thi cử. Điều đó có nghĩa là kiên quyết loại bỏ thành tích khiên cưỡng, dỏm, kiểu lớp nào cũng 90% khá giỏi. Bộ sẽ đánh giá các trường về các điểm như chăm lo đời sống giáo viên, tạo điều kiện học tập, vệ sinh, vui chơi giải trí cho học sinh, giữ gìn môi trường giáo dục, thế thôi. Cũng cần kiên quyết loại bỏ những việc vô ích chỉ có mục đích hành hạ con người: đủ thứ thi, đủ thứ chứng chỉ v.v. Việc thực hiện tính trung thực sẽ chẳng mấy chốc nâng chất lượng giáo dục lên cao, bảo đảm giữ gìn phẩm chất thầy giáo, đạo đức học sinh. Hai là Bộ trưởng tìm cách nào đó để sau một thời gian ngắn, giáo viên các cấp, nhất là các cấp mầm non, tiểu học, sống được bằng đồng lương. Được vậy những vấn đề giáo dục khác sẽ được giải quyết dễ dàng, thuận lợi.

Về việc đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, tôi nghĩ rằng vấn đề này có ý nghĩa triết học. Phải thấy rõ cái gì là cũ, cái gì là mới. Tôi chỉ nêu vài khâu nhỏ trong việc dạy học để mọi người cùng suy nghĩ.

Nhiều người phàn nàn việc dạy “văn mẫu” tràn lan hiện nay trong nhà trường. Hễ trò nào chép y chang bài văn mẫu thì được điểm cao. Trò nào dầu viết hay đến mấy mà không như văn mẫu thì chịu điểm kém. Tôi nghĩ rằng nếu có việc như thế thật thì rõ ràng là một thảm họa có hậu quả khôn lường. Bởi lẽ cách giảng dạy như vậy bóp chết đầu óc sáng tạo, hủy diệt suy nghĩ cá nhân và kèm theo đó là nhân cách nữa.

Điều có vẻ ngược đời là đáng ra ngày nay phải hơn ngày xưa thì ngẫm lại ngày xưa có nhiều điều làm ta luyến tiếc. Thời tôi học tiểu học các thầy luôn khuyến khích sự đa dạng, tính độc đáo của từng học sinh. Trong việc học toán, nếu chỉ giải bài toán theo cách thông thường thì được điểm khá thôi, nếu giải theo cách khác đi thì được điểm tốt, nếu giải được nhiều cách khác nhau thì ngoài điểm tối ưu còn được khen. Học văn cũng vậy, viết bài luận (tập làm văn) với những ý thông thường, ước lệ, khuôn mẫu thì chỉ được điểm trung bình. Nếu viết được nhiều ý mới, nói được trải nghiệm cá nhân thì được đánh giá cao. Câu văn cũng vậy, bài nào có nhiều câu đa dạng sẽ được thầy cô khen. Tôi nhớ mãi hôm thầy trả bài luận với đề ra “Tả một đám tang”. Đa số học trò tả những đám tang hoành tráng, kèn trống rộn ràng, người người lớp lớp khóc rưng rức. Thầy trả hết bài cho học sinh, đánh giá nói chung là khá. Rồi thầy cầm trong tay một bài chưa trả, nói với cả lớp:

- Đây là bài của trò Điền, trò đứng dậy đọc cho cả lớp nghe!

Trò Điền, em con cô của tôi, đứng dậy vẻ mặt lo lắng vì không biết thầy khen hay chê, run run đọc bài luận. Cả lớp nín thở theo dõi. Điền tả một đám tang khác hẳn lệ thường. Đó là một buổi sáng sớm, mấy nông dân đi làm đồng phát hiện một kẻ ăn xin chết bên vệ đường. Họ dừng lại, í ới gọi nhau kẻ đem chiếu, người đem chõng tre rồi họ buộc người quá cố trong chiều, đặt lên chõng và lặng lẽ đi ra nghĩa địa gần đó. Điền tình cờ dậy sớm thấy cảnh đưa tang đó cũng lặng lẽ đi theo ra nghĩa địa, lòng buồn man mác.

Khi Điền đọc xong, thầy hỏi cả lớp:

- Các trò cho bài này mấy điểm?

Cả lớp lặng thinh. Có tiếng thì thào: Chết thằng Điền rồi. Thương chưa!

Thầy hỏi Điền:

- Trò tự cho mấy điểm?

- Dạ, Đền ấp úng, dạ, chắc là điểm kém nhất ạ.

Thầy cười to, vẻ mặt rạng rỡ:

- Bài này xứng đáng 18 điểm.

Thời đó nhà trường các cấp dùng thang điểm 20, làm một bài toán xuất sắc có thể được 20 nhưng một bài luận dầu hay đến mấy cũng chỉ được 18 là cùng. Bản thân tôi mỗi lần làm văn được 12 điểm là mừng hết sức. Tiếc rằng Điền mất sớm sau một thời gian dài đau ốm vì bị một mảnh đạn găm vào gáy trong thời Điền tham gia một đơn vị bộ đội chiến đấu. Nếu còn sống chắc Điền sẽ đóng góp cho văn chương những công trình độc đáo về phong cách.

Trong khoa học cũng như trong đời sống hàng ngày, trước một vấn đề đặt ra, ta có hai phương thức để tìm cách giải. Phương thức thứ nhất có tên là algorithm (an-gô-rít), một thuật toán hay một chương trình gồm những bước đi định sẵn. Thuật ngữ algorithm xuất hiện trong thời Hy Lạp cổ xuất phát từ việc làm phép chia số này cho số khác, chẳng hạn chia 157 cho 15. Chắc mọi người còn nhớ phải lần lượt làm gì. Nếu bạn bị viêm họng, có algorithm y học để bất kỳ bác sỹ nào cũng sẽ cho bạn toa thuốc gồm kháng sinh, thuốc chống viêm. Ngoài ra tùy thói quen mà bác sỹ cho thêm vitamin C hoặc/và viên sủi giảm đau. Bạn uống các thứ đó trong 5 ngày, nếu chưa khỏi bệnh thì uống thêm 3 ngày nữa. Phương thức thứ hai có tên là heurisric (ơ-rít-tic), đó là cách dựa vào kinh nghiệm, đề ra giả thuyết rồi kiểm định xem giả thuyết nào phù hợp. Có thể gọi phương thức này là cách “mày mò tìm lời giải”. Nếu bạn bị viêm họng mà các bệnh viện thông thường chữa cho bạn mãi không lành, bạn sẽ tìm một bác sỹ chuyên khoa tai mũi họng giàu kinh nghiệm, thường thuộc các bệnh viện có tiếng tăm. Bác sỹ đó sau khi nghe bạn trình bày liền suy nghĩ tìm nguyên nhân. Ông ta nghĩ đến một số nguyên nhân có thể làm bệnh của bạn dai đẳng. Ông ta vận dụng kinh nghiệm để sắp xếp các nguyên nhân theo thứ tự ưu tiên. Rồi theo qui luật Pareto ông chỉ chú trọng khoảng 20% số nguyên nhân đó vì theo qui luật này 20% nguyên nhân chủ yếu đã gây ra 80% hậu quả. Rồi ông ta lần lượt kê thuốc loại dần các nguyên nhân cho đến khi đạt đến nguyên nhân đích thực. Cuối cùng, khi chữa cho bạn được kết quả tốt, ông ghi chép quá trình chữa bệnh đó thành một tài liệu nghiên cứu khoa học. Phương thức heuristic là như vậy.

Ta hay nghe nói đến việc đào tạo nhân tài, sử dụng nhân tài. Nhưng cách giảng dạy hiện nay chắc không làm được chuyện đó. Các trường chuyên lớp chọn thường chỉ là những nơi luyện thi, nhằm lấy thành tích trong các cuộc thi olympic hoặc thi học sinh giỏi. Các cơ sở đó chỉ giảng dạy theo phương thức algorithm. Thầy tìm hết mọi đề bài thuộc các dạng khác nhau rồi bày cách cho học sinh giải. Muốn đào tạo nhân tài, theo đúng nghĩa là những người biết giải quyết vấn đề một cách khoa học và sáng tạo chứ không phải chỉ là kẻ học giỏi cái gì cũng biết, thì phải luyện tập theo phương thức heuristic. Tôi có hỏi một vị giáo sư nhiều năm phụ trách một Học viện đào tạo giáo viên (ÌUM = institut universitaire de formation des maitres) ở Grenoble bên Pháp, bà Claude Comiti, về vấn đề học sinh giỏi ở Pháp. Bà cho biết giáo dục cấp 3 có các trường kỹ thuật, các trường dạy nghề và các trường phổ thông phân ban coi như trường chuyên ở Việt Nam. Ở cấp 2 (CEG = collège d’enseignement général) thì không có lớp chuyên nào. Mọi học sinh đều học chung một chương trình. Việc đào tạo nhân tài ở Pháp có thể qui về hai việc. Một là từ cấp 2 tức là trong các CEG ngoài các môn học chính thức còn có một vài môn tự chọn. Học sinh có năng khiếu chọn môn hợp với bản thân mình và học sâu môn đó. Hai là Hội các nhà tâm lí theo dõi sát các em có tiềm năng trí tuệ cao (enfant à HPI = enfant à haut potentiel intellectuel), giúp các em đó học vượt lớp và theo dõi giúp đỡ đến tận các bậc học cao hơn.

Tiếc thay từ đã lâu rồi xã hội ta chỉ được quản lý theo phương thức algorithm với những điều ghi sẵn trong các chủ trương, nghị quyết, qui trình, không có chỗ hoặc rất ít chỗ cho việc sáng tạo. Tình hình đó dẫn đến việc xơ cứng của một số ngành như giáo dục, văn học nghệ thuật và gây ra những việc nan giải. Vừa qua bạn Ngọc Hải, một nhà báo-nhà văn uy tín than phiền trong một bài viết rằng Đại hội Nhà văn diễn ra vô cùng tẻ nhạt, mọi người đến đó để nói chuyện riêng, không ai nghe ai, không ai nói gì về văn chương, về sứ mệnh nhà văn cả. Thế mà sứ mệnh nhà văn của mọi thời đại là vô cùng quan trọng: xây dựng tâm hồn, tình cảm con người, bênh vực kẻ yếu, kẻ bất hạnh, chống bạo quyền. Về các việc nan giải, tức là những việc không có algorithm thích ứng ta thấy dẫn chứng rõ nhất trong việc lập lại trật tự vỉa hè và chỉnh đốn giao thông đô thị. Nước ta đang phấn đấu để 5 hay 10 năm nữa thành một nước công nghiệp văn minh tiên tiến. Nhưng xem ra vấn đề vỉa hè và giao thông công cộng còn nnan giải. Nhất thiết phải nghĩ đến phương thức heuristic.

Đưa phương thức heuristc vào cuộc sống xã hội như thế nào? Phải tạo ra sự đa dạng trong mọi hoạt động. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục phải có trường phái. Văn học phải có trường phái. Sự khác nhau không phải nhằm hủy diệt nhau như các nhà quản lý ý thức hệ lo sợ mà bổ sung cho nhau ví như tranh sơn mài bổ sung chứ không diệt tranh sơn dầu. Cách chữa bệnh theo tây y không loại bỏ đông y. Ngày nay chỉ có một cách giảng dạy: theo giáo trình và giáo án định sẵn. Mọi cách khác đều bị ngăn chặn. Những nhà sư phạm xô viết đầu tiên coi giáo viên là ngọn đèn tỏa sáng trong lớp học. Thế mà thời gian cứ trôi đi nhưng đèn cứ lu mờ dần. Biết làm saao đây hở bà con?

Các bạn vui lòng cho biết các bạn đánh giá bài viết này như thế nào. Nếu bài này được thầy dạy văn ngày xưa chấm, chắc thầy sẽ cho 12/20 hoặc thấp hơn một tý. Còn nếu được thầy dạy văn ngày nay chấm thì có nguy cơ không được điểm nào vì nó đâu phải là văn mẫu?

T.Q.Đ.

Nguồn: FB Truong Quang Dê


BA ĐỀ XUẤT GỬI TÂN BỘ TRƯỞNG GD-ĐT  NGUYỄN KIM SƠN

NGUYỄN QUANG THI/ TVN 15-4-2021

Là một giáo viên lâu năm trong nghề, tôi cũng không phải là ngoại lệ và xin mạo muội gởi đến tân Bộ trưởng 3 đề xuất như sau:

Cải cách sách giáo khoa

Chúng ta biết rằng, cải cách sách giáo khoa là một chủ trương đúng đắn để đưa giáo dục Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, chủ trương của Bộ là một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa; thoáng nhìn qua thì thấy hay và nhiều người ủng hộ nhưng khi tổ chức biên soạn, thẩm định và đưa vào giảng dạy lại thấy “sạn”.

Để không bị “sạn”, tôi đề xuất bậc tiểu học và THCS chỉ một bộ sách giáo khoa giảng dạy trên toàn quốc và do Bộ giáo dục chủ trì biên soạn. Đối với bậc THPT theo định hướng nghề nghiệp thì có thể có nhiều bộ sách.

Sách giáo khoa gọi là phù hợp với từng đối tượng học sinh thì mỗi bài học cần chia ra 2 phần. Phần 1 là kiến thức cần đạt được, phần 2 là kiến thức mở rộng; những học sinh trung bình và yếu chúng ta chỉ dạy phần 1, những học sinh khá giỏi ngoài phần 1 ta dạy thêm phần 2. Khi đó, dư luận xã hội không thể lên án là quá tải hay non tải và mỗi học sinh cũng thấy rõ chỗ đứng của mình trong sách giáo khoa.Bộ phận biên soạn sách giáo khoa cần có tâm, có tầm và nghiên cứu thật kỹ để lựa chọn những kiến thức đưa vào sách giáo khoa phải thỏa mãn là mới ở hiện tại và không lạc hậu trong tương lai; tuổi đời của sách giáo khoa phải dài, còn không thì tốn tiền nhiều lắm.

Riêng bậc tiểu học, với phương châm mỗi ngày đến trường là một niềm vui, chỉ cần trang bị những kiến thức đơn giản; cái quan trọng là dạy học làm người; nêu những gương người tốt, việc tốt trong đời sống hàng ngày nhằm hướng thiện cho các cháu; giáo dục kỹ năng sống cho các cháu.

Học ngoại ngữ

Ai cũng biết môn ngoại ngữ chủ yếu là tiếng Anh được đưa vào giảng dạy ở phổ thông từ rất lâu, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 1992 đã áp dụng cho toàn quốc, gần 30 năm đưa vào thi tốt nghiệp nhưng kết quả rất thấp và phần đông học sinh chúng ta không nói được tiếng Anh.

Không nói được tiếng Anh làm sao chúng ta hội nhập với thế giới và làm sao đáp ứng được thời đại 4.0? Những học sinh nói được tiếng Anh phần đông là do bố mẹ các cháu gởi vào các trung tâm để học; còn ở trường chủ yếu học ngữ pháp để phục vụ thi cử.   

Lần cải cách này, tôi đề xuất cắt giảm số tiết học một số môn học khác để tăng số tiết học tiếng Anh ngay từ lớp 6. Số tiết tăng lên chủ yếu rèn kỹ năng nghe và nói, để khi hoàn thành chương trình phổ thông học sinh phải nói và viết thành thạo tiếng Anh.

Nếu làm được như vậy thì trong vòng 10 năm chúng ta có một xã hội nói tiếng Anh như các nước trong khu vực. Điều đó có nghĩa là chúng ta trao cho các em chiếc chìa khóa để mở cánh cửa tri thức nhân loại; không nói được tiếng Anh thì có giỏi mấy cũng quay về “ta tắm ao ta" mà thôi.

Đối thoại với giáo viên

Xung quanh Bộ trưởng có cả hệ một thống tham mưu giúp ông hoạch định đường lối phát triển giáo dục. Tuy nhiên, theo tôi, Bộ trưởng còn thiếu một kênh thông tin, đó là đối thoại với giáo viên.

Thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, việc đối thoại với giáo viên là rất dễ mà không cần Bộ trưởng phải vi hành như thời xưa. Tôi đề xuất một năm có ít nhất một lần đối thoại với giáo viên; khi đối thoại, Bộ trưởng nhận nhiều câu hỏi rất hay từ giáo viên, giúp ông có cách nhìn tổng quan về dạy và học ở phổ thông.

Các chứng chỉ như tin học, ngoại ngữ; các cuộc thi đối với giáo viên và học sinh; các loại hồ sơ sổ sách và các đề án nếu được đối thoại thì không thể tồn tại lâu vậy đâu.

Cá nhân tôi nếu được đối thoại thì có 2 mong muốn với Bộ trưởng. Thứ nhất là tham mưu với Thủ tướng và Bộ Quốc phòng cho tất cả học sinh sau khi hoàn thành xong chương trình phổ thông phải vào quân đội 3 tháng để huấn luyện; chỉ có môi trường quân đội mới tôi luyện con người trưởng thành về mọi mặt; vì số lượng học sinh đông nên địa phương nào huấn luyện ở địa phương đó. Sau khi rời quân ngũ, các em tiếp tục đi học đại học, đi học nghề hoặc tham gia lao động sản xuất.

Mong muốn thứ hai là cắt giảm số cán bộ quản lý ở trường phổ thông; mỗi trường hiện nay có 1 hiệu trưởng và từ 2 đến 3 hiệu phó. Cán bộ quản lý nhiều nhưng chẳng có nhiều việc để làm mà lại hưởng lương lãnh đạo, thời đại công nghệ thông tin không cần nhiều cán bộ quản lý như vậy đâu. Tôi đề nghị Bộ trưởng nghiên cứu và cho định biên mỗi trường chỉ 1 hiệu trưởng và 1 hiệu phó là đủ.

Kết thúc bài viết, kính gởi tặng tân Bộ trưởng hai câu thơ:

Kỳ vọng Bộ trưởng Kim Sơn

Giáo dục phát triển, Giang Sơn hùng cường

ThS Nguyễn Quang Thi (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)

TÂN BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC GÌ ?

ĐỖ NGÀ/ TD 10-4-2021

Hôm nay trên báo nhà nước và trang facebook của ông tân bộ trưởng bộ giáo dục Nguyễn Kim Sơn có bài viết “Ngành và Nghề của chúng ta”, đáng chú ý là đoạn cuối ông Sơn có viết như sau “Chúng ta cùng chung tay ngay bây giờ, từ lúc này. Trồng người vì trăm năm, chúng ta ươm tạo những trái ngọt mai sau, nhưng ngày hôm nay, cả chúng ta và xã hội đã phải nhìn thấy những cây và lá xanh tươi”.

Vâng! Vẫn là “trồng người”. Không biết ông Nguyễn Kim Sơn có thấy rằng, bài dạy “trồng người” của Hồ Chí Minh đã đẩy nền giáo dục Việt Nam đến sự mục nát như hôm nay không?

Có nguồn tin cho rằng, ông Nguyễn Kim Sơn cho con đi du học Mỹ. Không biết lời đồn này có đúng hay không, tuy nhiên nếu đúng thì cũng không có gì ngạc nhiên cả. Bởi vì hầu hết quan chức CS đều làm như thế thì ông Sơn cũng đâu dại gì “trồng người” cho con cái mình bằng mảnh đất giáo dục độc hại ở xứ CHXHCNVN này?

Thật ra mảnh đất Việt Nam đã bị nhiễm độc toàn diện bởi thể chế chính trị độc tài CS gây ra. Bộ Giáo dục có lấy bao nhiêu thế hệ trồng vào đó thì cũng cho ra cây độc trái đắng là nhiều, chứ không thể có được kết quả “hoa thơm trái ngọt” được.

Nền giáo dục Việt Nam chỉ có thể xóa đi và làm lại chứ còn dựa trên bộ máy cũ kỹ này thì nát vẫn hoàn nát. Ông Nguyễn Kim Sơn hãy chuẩn bị tinh thần để hứng chịu búa rìu dư luận là việc làm thiết thực nhất, còn tham vọng “ươm tạo những trái ngọt mai sau” thì quên đi ông à. Ông không có khả năng làm nổi.

ĐỂ GIÁO VIÊN BỚT KHỔ

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ TD 14-4-2021


Tân bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề xướng thông điệp giáo dục “nhân bản”, tôi thấy mừng. Vì ông đã nhìn thấy rằng giáo dục của chúng ta đi xa quá, xa tới mức vắng bóng yếu tố con người.

Ông cũng muốn lấy lại vị thế của người giáo viên trong mắt xã hội. Tôi cho rằng xã hội ta truyền thống nghìn năm “bắc cầu kiều”, chưa bao giờ thôi yêu thương người cô người thầy, kể cả là cô thầy của con mình.

Quốc gia chi ngân sách thường xuyên 20% cho giáo dục, nghĩa là cũng luôn đặt ước mơ tri thức của dân tộc lên đỉnh tháp nhu cầu. Quốc gia hiếu học, nhân dân hiếu học, vì sao giáo viên khổ?

Giáo viên khổ vì chính cơ chế quản lý giáo dục!

Tôi đọc những cuộc cải cách giáo dục ở các nước, đều bắt đầu từ việc nâng lương giáo viên. Giáo viên không chỉ được bảo đảm cuộc sống tốt mà còn lo được gia đình và tích luỹ.

Ở ta, lương giáo viên thấp, thu nhập bị lệ thuộc vào thi đua, chuyên cần, xếp hạng… Ganh ghét tị nạnh từ đó mà ra, kéo bè kết cánh trù dập nhau cũng từ đó mà ra. Mà giáo viên thì yếu thế, rất dễ bị xé lẻ ra để trừng phạt. Cho dù dân chủ cỡ nào, một giáo viên cũng không thể thắng nổi người quản lý giáo dục, từ hiệu trưởng đến phòng sở.

Nghề giáo là một nghề, quan hệ với chủ quản đã có luật lao động. Nhưng thầy cô giáo sống trên giáo án thì ít mà ngoài giáo án thì nhiều. Rồi bị điều động đi muôn hình vạn trạng công việc phong trào, địa phương, rồi “nhiệm vụ chính trị”, tiếp khách tiếp khứa. Nhiễu nhương khôn tả!

Muốn giáo viên bớt khổ, bộ GD-ĐT phải định biên được nhân sự từ khâu đào tạo đại học, cao đẳng. Ngày xưa “chuột chạy cùng sào chui vào sư phạm”, nay chạy chỗ dạy công khai. Hôm nay bỏ vài trăm triệu, mai chưa chắc được đi dạy vì bị người khác bỏ tiền nẫng tay trên.

Phải bỏ hàng trăm triệu đồng để đứng lớp, người ta kêu gì cũng phải dạ. Thậm chí bị cán bộ giáo dục hoặc lãnh đạo địa phương đòi hỏi cái này cái khác, nhắm mắt chấp nhận. Nếu không thì phải chịu chuyển công tác, chuyển ngạch.

Bao năm qua, việc xây dựng nhân sự các trường chưa được tự chủ. Giáo viên chạy việc quỵ luỵ tứ phương. Thi tuyển công chức chưa minh bạch, nghĩa là số phận giáo viên được điều khiển sau bức màn, muốn tuyển sao thì tuyển, muốn xếp ngạch sao thì xếp.

Minh bạch khâu tuyển giáo viên, tôi nghĩ không khó. Giáo viên phải nhất quán được là công chức chính danh, dựa trên nhu cầu của từng trường, tự chủ tuyển chọn, minh bạch công khai. Đây cũng là cách chấm dứt chạy việc, lẫn lộn vàng thau và trả lại vị thế cho nghề giáo.

Người giáo viên ở mình được xướng danh “người đưa đò”, một kiểu tôn vinh người hùng hư danh nhưng ụp luôn lên họ nhiều sự chịu đựng, phải nín lặng và chịu đựng thân phận.

Là một người thầy, có lẽ bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thấu hiểu điều này. Và cho dù một cánh én không thể làm nên mùa xuân, còn nhiều ràng buộc cơ chế nhằng nhịt nhưng đi rồi sẽ thành đường…

GIÁO VIÊN ĐANG ĐẶT NHIỀU KỲ VỌNG LÀM KHÓ BỘ TRƯỞNG NGUYỄN KIM SƠN

NGUYỄN NGUYÊN/ GDVN 18-4/2021

Ngay sau khi thầy Nguyễn Kim Sơn được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trên các phương tiện thông tin đại chúng có rất nhiều bài viết, ý kiến của dư luận gửi gắm tâm tư đến vị lãnh đạo đầu ngành.

Có người mong giáo viên sẽ được cải thiện về tiền lương, giáo viên sống được bằng lương; có người mong nâng cao chất lượng giáo dục; có người mong thay đổi cách bổ nhiệm cán bộ quản lý ở các nhà trường; có người mong Bộ trưởng hướng tới chất lượng giáo dục thật, không còn bệnh chỉ tiêu thành tích…

Những ý kiến của đội ngũ nhà giáo, của các cử tri, các tầng lớp nhân dân đều rất chính đáng bởi ai cũng mong ngành giáo dục sẽ khởi sắc, không còn những thị phi, những hạn chế, bất cập.

Nhưng…một mình thầy Nguyễn Kim Sơn sẽ rất khó có thể tạo ra những thay đổi nếu không có sự chuyển biến của nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn ngành giáo dục bởi thực tế ngành giáo dục có quá nhiều nhân lực và liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Phải có sự cố gắng, chung tay của nhiều người thì giáo dục nước nhà mới khởi sắc được

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Liệu những kỳ vọng có làm khó tân Bộ trưởng?

Đọc một số bài viết đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, chúng tôi thấy có những bài viết mong Bộ trưởng cải thiện chính sách chế độ tiền lương cho đội ngũ giáo viên.

Nhưng, có lẽ sự kỳ vọng này xem ra là quá sức đối với tân Bộ trưởng. Tiền lương của giáo viên phải nằm trong lộ trình cải cách tiền lương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ khi có sự cân đối được ngân sách từ Bộ Tài chính…chứ mình Bộ Giáo dục là không thể.

Ngay cả chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo thì Bộ Giáo dục cũng không thể nào giữ lại cho riêng đội ngũ nhà giáo thì chế độ tiền lương làm sao Bộ Giáo dục có thể tự quyết cho giáo viên được? Nên những kỳ vọng này gần như phi thực tế.

Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, chế độ chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức nói chung vẫn đang phải gác lại thì giáo viên làm sao có một chính sách tiền lương riêng?

Việc hy vọng vào Bộ trưởng có những chính sách bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các nhà trường có đủ tâm- tài là một hy vọng thiết thực của đội ngũ giáo viên khi thấy một số lãnh đạo nhà trường chưa làm tốt vai trò quản lý nhà trường. Có những hiệu trưởng còn tham lam, hách dịch, còn trù dập giáo viên…

Nhưng các thầy cô cũng nên nhìn lại cơ chế phân cấp quản lý nhà nước hiện nay, đừng nói đến hiệu trưởng các trường phổ thông, ngay cả giám đốc, phó giám đốc các sở giáo dục và đào tạo các địa phương, việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm cũng không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng.

Đối với khối trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là sự tham mưu của cán bộ tổ chức phòng giáo dục, phòng nội vụ và cơ quan ra quyết định cuối cùng khi bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo nhà trường là ủy ban nhân dân huyện (thị, thành phố).

Đối với khối trường trung học phổ thông là sở giáo dục, sở nội vụ tham mưu, cơ quan ra quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố).

Vì thế, có những địa phương cho thi tuyển hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nhưng cũng nhiều địa phương chưa thể thực hiện được việc thi tuyển lãnh đạo các nhà trường. Bởi, công việc này thuộc vào đề án của các sở nội vụ, ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố) trên cả nước.

Chúng ta chỉ thấy được vai trò của Bộ Giáo dục là đưa ra tiêu chí về phẩm chất đạo đức, chuyên môn, năm công tác để bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường trong Điều lệ trường học còn bổ nhiệm ai, bổ nhiệm như thế nào là trách nhiệm của các ủy ban nhân dân tỉnh, huyện ở các địa phương thực hiện.

Khi giáo dục chưa thực sự được chú trọng đúng mức…

Thực ra, vị trí người thầy, vai trò người thầy luôn được đề cao trong cách nói, trong ngày khai giảng năm học, trong ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)…nhưng thực tế có thể chưa hẳn là như vậy.

Từ hàng chục năm qua, chỉ nhìn vào điểm tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm hàng năm chúng ta cũng thấy có nhiều điều đáng suy nghĩ.

Khi chính sách miễn tiền học phí cho sinh viên sư phạm được triển khai thì lúc bấy giờ có một bộ phận học sinh giỏi lớp 12 thi vào sư phạm. Nhưng chỉ được vài năm đầu, khi mà sinh viên sư phạm ra trường không xin được việc làm thì ngành sư phạm đã có những năm phải “vơ bèo, vạt tép”.

Những năm sau đó chỉ lấy ở mức điểm sàn…vẫn thiếu chỉ tiêu.

Đầu vào sư phạm không cao bởi nhiều lý do, trong đó- vấn đề cốt yếu nhất là sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều. Nhiều giáo sinh phải chạy vạy, nhờ cậy mới có thể được đứng trên bục giảng.

Vào nghề, áp lực nhiều, một bộ phận học sinh ngày nay quá hỗn láo khiến cho người thầy giảm dần tâm huyết. Người này truyền cho người kia…khiến cho học sinh giỏi không còn thiết tha với nghề sư phạm.

Công tác bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường có nơi chưa thực sự chú trọng bồi dưỡng, cất nhắc những người thầy tài giỏi, tâm huyết với ngành.

Nhiều chính sách, chủ trương rất nhân văn, mục đích cao cả nhưng khi thực hiện thì chưa trung thực như tỉ lệ trường chuẩn quốc gia, phổ cập các cấp, chất lượng đào tạo, các phong trào thi đua…

Chất lượng giáo dục thường phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của chuyên viên phụ trách chuyên môn, của hội đồng bộ môn tỉnh, huyện.

Nhưng, thông thường những chuyên viên phụ trách chuyên môn lại không thuộc đối tượng bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, nhiều người ngồi quá lâu ở vị trí đó. Dẫn đến việc người giỏi thì chuyên môn đi lên, người nào chưa giỏi, bảo thủ thì chất lượng thật đi ngang, thậm chí đi xuống.

Cách quản lý, thanh tra, kiểm tra, triển khai chuyên môn còn máy móc, cứng nhắc, mệnh lệnh. Chưa chú trọng đến ý kiến phản biện, trái chiều của giáo viên, khiến cho những buổi sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn một chiều.

Chỉ khi nào giáo dục phải được cả xã hội chung tay mới có thể khởi sắc

Thầy Nguyễn Kim Sơn được Quốc hội phê chuẩn đảm nhận chức vụ Bộ trưởng trong bối cảnh ngành giáo dục còn ngổn ngang công việc. Tất nhiên, dư luận xã hội mà nhất là đội ngũ nhà giáo đang rất trông chờ vào tài năng và sự khéo léo của tân Bộ trưởng trong thời gian tới đây.

Song, một mình thầy Nguyễn Kim Sơn thì chưa đủ mà cần sự chia sẻ, đồng hành và sự chung sức của hệ thống chính trị nói riêng, toàn xã hội nói chung, trong đó Bộ trưởng đóng vai trò nhận rõ vấn đề, đề xuất các giải pháp cơ chế - chính sách và thuyết phục các cơ quan liên quan, thuyết phục xã hội.

Trước tiên, việc tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng sư phạm phải hướng tới chất lượng trước đã. Con người tốt mới có thể làm tốt công việc. Muốn có con người tốt phải có cơ chế tốt.

Việc bồi dưỡng, bổ nhiệm lãnh đạo nhà trường cần tiến tới thi tuyển công khai, minh bạch để chọn người tài năng, tâm huyết với nhà trường. Sau một nhiệm kỳ nếu làm tốt, được tín nhiệm thì bổ nhiệm lại.

Tránh tình trạng như hiện nay, hiệu trưởng trường này chưa tốt, sai phạm lại chuyển đến trường khác bởi một khi họ đã là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thì mãi mãi là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng…

Các chuyên viên ở Sở, Phòng Giáo dục phụ trách công tác tổ chức, chuyên môn cũng cần được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ, luân chuyển thường xuyên, tránh tình trạng ngồi mãi một vị trí dẫn đến sức ỳ lớn, rất khó tạo đột phá cho ngành.

Trong trường học, cần giảm áp lực hành chính, tập trung cho chuyên môn, đào tạo, bồi dưỡng con người là cốt yếu. Hạn chế tối đa việc giáo viên, học sinh phải tham gia những cuộc thi, hội thi vô thưởng vô phạt của nhiều ban ngành, công ty bên ngoài phát động.

Bên cạnh đó, Bộ cần phát động phong trào dạy thật, học thật, thi thật ở toàn ngành. Ngành giáo dục mà giả dối thì là cội nguồn cho sự giả dối sau này.

Và, tất nhiên, những điều này rất cần lãnh đạo Bộ có những văn bản chỉ đạo phù hợp. Trong đó, vai trò chỉ đạo, kiến tạo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn là rất lớn.

NGUYỄN NGUYÊN
THƯ GỬI BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC NGUYỄN KIM SƠN
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 24-4-2021

Kính thưa Bộ trưởng! Xin gửi tới ông lời chào kính trọng!

Tôi viết thư ngỏ, vì xét ra chẳng có gì phải giữ bí mật và tôi cũng rất muốn nhận được sự đồng tình của nhiều trí thức có tâm huyết với nền giáo dục.

Đầu tiên tôi xin bày tỏ lòng kính phục vì ông có một số tài giỏi nào đó và qua việc ông gửi thư cho thầy cô giáo, qua một số câu phát biểu tôi cảm nhận được rằng ông là người tử tế, tin được.

Tôi nguyên là giáo sư trường Đại học Xây dựng, đã 84 tuổi, nhưng những lời sắp viết ra không phải là của một lão già lẩm cẩm mà là của một trí thức cao niên, tự cho là có tâm huyết với vận mệnh đất nước, đặc biệt là với ngành giáo dục.

Bộ trưởng là lãnh đạo ngành, người cần được kính trọng, nhưng chưa đủ. Còn phải có được sự yêu mến. Tôi hy vọng rằng bằng việc làm và nhân cách Bộ trưởng sẽ đạt được sự kính phục và yếu mến ấy (chứ không bằng quyền uy và mệnh lệnh).

Để đạt được điều vừa nêu, ngoài Tâm sáng, Tầm nhìn xa còn cần có Thái độ đúng trong việc thu nhận và xử lý thông tin. Viết thư này tôi mong tác động một phần nhỏ vào việc biết nghe của Bộ trưởng.

Không biết nghe, không dám đối thoại là một trong những tật xấu của nhiều loại cán bộ. Hy vọng Bộ trưởng tránh được tật xấu đó. Vừa qua Tân thủ tướng cũng kêu gọi các thành viên chính phủ cần tăng cường nghe phản biện.

Bộ trưởng có bốn nguồn thông tin cơ bản. Một là từ sự lãnh đạo của Đảng. Hai là từ báo cáo của các cấp dưới. Ba là từ thầy trò và nhân dân. Bốn là từ những người phản biện. Hai nguồn đầu có sẵn, dễ xử lý, nhưng khó tạo ra được những giải pháp hay, đột xuất. Hai nguồn sau khó nghe hơn, nhưng nghe và hiểu được sẽ có những điều quý giá. Nghe chỉ là bước đầu, quan trọng là xử lý để đánh giá đúng tình hình và đề ra được việc làm có hiệu quả.

Bộ trưởng đã nghe rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Liệu đem áp dụng đánh giá đó cho ngành giáo dục sẽ như thế nào?. Bộ trưởng có muốn một đánh giá tương đối toàn diện về nền giáo dục nước nhà hay không và đã có cách gì hay chưa. Tôi xin cam đoan rằng, hiện tại nếu chỉ dựa vào nguồn thông tin 1 và 2 thì không có cách gì đánh giá đúng sự thật và mọi đường lối dựa vào sự đánh giá đó chỉ là lấy cái sai này thay cho cái sai khác mà thôi.

Bộ trưởng đã kịp thời gửi thư cho các thầy cô giáo. Ngoài những điều tâm huyết mà mọi người, kể cả tôi đều thấy và đánh giá cao, tôi còn phát hiện ra vài điều, muốn trao đổi vì quan điểm có hơi khác. Bộ trưởng viết:“ Việc đổi mới cần bắt đầu từ người thầy và phát triển người thầy”Tôi tán thành vế thứ hai và bất đồng vế thứ nhất.

Người thầy có trách nhiệm quan trọng trong việc thực hiện đổi mới chứ nói rằng “Đổi mới cần bắt đầu từ người thầy” là không chuẩn, là đề cao người thầy quá mức cần thiết, không phản ánh đúng bản chất sự việc. Việc đổi mới phải được bắt đầu từ lãnh đạo, nó phải được biến thành nhận thức sâu sắc, thành tình cảm mãnh liệt của lãnh đạo, từ đó mới truyến năng lượng cho người thầy.

Bộ trưởng viết:Vẫn còn không ít những tâm tư và lo lắng, những thiệt thòi và thậm chí là oan uổng. Những lúc như vậy, hãy nhìn về phía học trò thân yêu”.

Tôi nhớ đến câu Kiều: “Rằng hay thì thật là hay. Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Thầy cô bị những thiệt thòi và oan uổng, Bộ trưởng đã không có cách gì gỡ ra cho họ, thông cảm với họ, lại khuyên người thầy đang bị đối xử oan uổng nhìn về phía thân yêu. Chắc rằng cả đời Bộ trưởng chưa bị oan uổng lần nào nên không hiểu được tâm trạng của người bị oan uổng. Người đó giữ được bình tĩnh đã khó, họ đang cần chia sẻ, còn nhìn được đi đâu. Bị oan uổng mà quên đi để làm việc đại nghĩa thì chí có thánh nhân mới làm được. Phải chăng Bộ trưởng muốn biến các thầy cô thành thánh nhân.

Trong thư còn ba chỗ nữa tôi không nhất trí với nhận định của Bộ trưởng, nhưng tạm dừng (tránh cho thư quá dài), nếu có điều kiện sẽ xin phát biểu sau.

Tôi rất tâm đắc với câu của Bộ trưởng: Về phía cá nhân, là một nhà giáo, nhà quản lý, tôi sẽ làm hết sức vì ngành và phát triển ngành”. Tuy vậy câu này chỉ mới nói lên một phần nhỏ, đó là “Làm hết sức”. Chưa thấy nói đến làm như thế nào, làm việc gì cho có hiệu quả cao. Làm hết sức mà tập trung vào những việc kém hiệu quả, sai quy luật thì càng làm càng thất bại lớn. Chắc rằng Bộ trưởng có nghĩ tới rất nhiều, chỉ là chưa cho mọi người biết mà thôi. Tuy vậy qua vài phát biểu về nhiệm vụ và trả lời phỏng vấn tôi có cảm nhận hình như Bộ trưởng chưa có được những suy nghĩ thật sâu sắc trong công việc hoàn toàn mới này.

Theo Stephen Corwey công việc có 4 loại. Loại A- vừa quan trọng và cấp thiết. Loại B- Rất quan trọng nhưng không cấp thiết. Loại C- Cấp thiết nhưng không quan trọng. Loại D- Không quan trọng mà cũng không cấp thiết.

Người không biết làm việc luôn bị vướng vào công việc loại A và loại D, họ tỏ ra bận rộn, quá bận rộn, nhưng hiệu quả rất thấp. Người giỏi biết tập trung trí tuệ cho các việc loại B.

Tôi hy vọng Bộ trưởng phát hiện đúng những việc loại B của ngành và biết tập trung vào đó.

Tôi có nhận xét rằng khá nhiều cán bộ vừa được đề bạt, được thăng chức có một loại việc vừa cấp thiết vừa quan trọng nhưng cố giấu không muốn cho ai biết. Đó là trong thời gian ngắn cần thu hồi tiền vốn đã bỏ ra (để cho…Thế là hòa vốn còn sau thì lời). Không biết Bộ trưởng có vướng vào việc này không. Nếu không thì quá may, vì như thế mới có thể làm hết sức vì ngành. Nếu lỡ ra có bị vướng chút ít thì cũng đừng xem là quá cấp thiết, từ đó mới có thể tập trung được vào phát triển ngành.

Có hai việc quan trọng đối với ngành giáo dục. Một là phát triển người thầy (như Bộ trưởng đã viết); Hai là giảm tải cho cả trò và thầy. Về hai việc này cũng như một số việc khác quan trọng của ngành giáo dục tôi đã có một số nghiên cứu sâu sắc (Tôi và một số bạn bè tự đánh giá là khá hay và thiết thực). Nếu Bộ trưởng muốn nghe tôi xin sẵn sàng trình bày bằng văn bản hoặc bằng thuyết trình.

Bộ trưởng muốn như thế nào xin cho thư ký liên hệ với tôi qua Email: ndcong37@gmail.com và số điện thoại 0389 578 620.

Tôi nghĩ rằng không phải chỉ có tôi mà nhiều trí thức phản biện như Thái Hạo, Chu Mộng Long, Nguyễn Ngọc Chu, Nguyễn Ngọc Lanh, Trượng Văn Thương và nhiều người khác nữa sẵn sàng trình bày để Bộ trưởng nghe hoặc cung cấp những bài viết về suy nghĩ của họ nhằm chấn hưng nền giáo dục. Vấn đề là Bộ trưởng có thành tâm, có dũng cảm để nghe hay không và cần tổ chức chu đáo, biết tôn trọng tấm lòng và công sức của họ.

Về việc nghe, xin kể câu chuyện vui để kết thúc. Vua nước nọ (thời Đông Chu bên Tàu) thích nghe âm nhạc do số đông biểu diễn đồng thời. Đội nhạc công khá đông. Mỗi lần nhiều chục người cùng hòa tấu. Vua băng hà, vua mới lên ngôi lại thích nghe từng nhạc công hoặc vài ba người biểu diễn riêng. Vua tuyên bố sẽ nghe lần lượt. Thế là chỉ còn dưới một phần năm số nhạc công ở lại còn trên bốn phần tự động bỏ trốn. Số này một thời đã hường nhiều danh lợi do lạm dụng được sự vô minh của nhà vua.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét