Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

20210410. TÂN BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO NGUYỄN KIM SƠN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHÂN DUNG TÂN BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC-ĐÀO TẠO NGUYỄN KIM SƠN

THÙY LINH /GDVN 8-4-2021

Ông Nguyễn Kim Sơn được phê chuẩn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sinh năm 1966, nhận bằng cử nhân Ngữ văn năm 1990 tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội).

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim 


Sơn (ảnh: VNU)

Tóm tắt quá trình công tác của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:

Từ năm 1990: Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Từ tháng 4/1991 đến tháng 2/1999: Cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ văn.

Năm 1996: Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành Văn học Việt Nam.

Từ tháng 3/1999 đến tháng 3/2002: Cán bộ giảng dạy Khoa Văn học; Bí thư Đoàn trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ tháng 4/2002 đến tháng 3/2003: Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ tháng 4/2003 đến tháng 4/2006: Trưởng Phòng Đào tạo kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2005: Được bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư.

Từ tháng 5/2006 đến tháng 5/2007: Trưởng Phòng Đào tạo kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ năm 2007 đến năm 2008: Nghiên cứu về Tư tưởng Nho giáo ở Việt Nam tại Harvard Yenching, Institute, Hoa Kỳ (2007-2008).

Từ tháng 1/2009 đến tháng 5/2010: Phó Hiệu trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc.

Từ tháng 1/2012 đến tháng 2/2016: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Từ tháng 2/2016 đến tháng 6/2016: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tháng 6/2016: Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tháng 1/2019: Chủ tịch Hội đồng Đại học Quốc gia Hà Nội nhiệm kỳ 2018-2023.

Tháng 8/2020: Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngày 30/1/2021: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ngày 8/4, ông Nguyễn Kim Sơn được bầu làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thùy Linh
NHỮNG KỲ VỌNG VÀO TÂN BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC-DỤC ĐÀO TẠO NGUYỄN KIM SƠN

THANH AN/  GDVN 8-4-2021

GDVN- Với bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm quản lý, công tác của thầy Sơn trong hàng chục năm qua sẽ là những tiền đề quý báu để thầy Sơn làm tốt vai trò Bộ trưởng.

Ngày 8/4/2021, Quốc hội phê chuẩn thầy Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thay thế cho thầy Phùng Xuân Nhạ.

Từ lâu, chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thường rất được dư luận chú ý, quan tâm, kỳ vọng bởi một ngành có tới trên một triệu cán bộ, viên chức đang công tác và đảm nhận đào tạo hơn 20 triệu học sinh, sinh viên hàng năm.

Chính vì thế, áp lực đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ là rất lớn, nhưng đây cũng chính là động lực để thầy Nguyễn Kim Sơn cùng tập thể lãnh đạo Bộ thể hiện bản lĩnh, trí tuệ của mình trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành và có những kế hoạch phù hợp cho ngành giáo dục nước nhà trong thời gian tới đây.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (Ảnh trên giaoduc.net)

Những công việc còn dở dang của người tiền nhiệm

Thầy Nguyễn Kim Sơn thay thế thầy Phùng Xuân Nhạ trong một bối cảnh rất đặc biệt của ngành giáo dục. Khó khăn trước mắt thì có thể thấy rất nhiều.

Đó là tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và nó đã, đang và sẽ có những tác động trực tiếp đến ngành giáo dục.

Đặc biệt, chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới triển khai ở lớp 1 và theo lộ trình thì còn phải 4 năm nữa mới hoàn thiện, những công việc phải triển khai tới đây đến đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường sẽ rất lớn.

Điều này đòi hỏi sự khéo léo, tài năng của cá nhân Bộ trưởng và những cộng sự của mình để có thể chèo lái ngành giáo dục vượt qua những khó khăn trở ngại, để đạt được mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ cụ thể của từng năm học cũng như cả nhiệm kỳ tới đây.

Bên cạnh đó, những khó khăn, bất cập mà đội ngũ nhà giáo đang phải đối mặt nhiều năm qua như hồ sơ, sổ sách, bồi dưỡng chuyên môn vẫn đang đè nặng đôi vai người thầy bởi nó vẫn còn nặng tính hình thức.

Tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục. Thái độ thờ ơ trong học tập của một bộ phận học sinh, sinh viên vẫn xảy ra. Một bộ phận giáo viên đang dè chừng trong công việc, nhất là giáo dục đạo đức cho học trò bởi chính những ràng buộc về quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo, thi đua của ngành.

Những hội thi, cuộc thi của giáo viên và học sinh vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi về tính trung thực, mới đây nhất là cuộc thi khoa học kĩ thuật quốc gia có những đề tài đạt giải nhưng lại trùng lặp với các giải năm trước và vấn đề này cũng từng xảy ra tương tự ở một số năm trước đây.

Chất lượng thực của giáo dục phổ thông vẫn đang là một vấn đề nan giải, đổi mới giáo dục, thi cử vẫn đang rất manh mún chưa mang tính ổn định nên thầy trò ở các nhà trường cũng vất vả theo.

Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 quy định chuẩn trình độ của giáo viên mầm non là cao đẳng, từ tiểu học đến trung học phổ thông là đại học nên lộ trình đào tạo tới đây cho giáo viên chưa đạt chuẩn cũng là một bài toán khó.

Chứng chỉ ngoại ngữ và tin học của giáo viên đã bỏ nhưng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hiện nay vẫn chưa ngã ngũ giữa quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục.

Việc thăng hạng, giữ hạng, xuống hạng, lương, phụ cấp của giáo viên vẫn là đề tài được giáo viên luôn quan tâm nhiều nhất...

Những công việc này tất nhiên là phải có nhiều người, nhiều cơ quan thực thi ở Bộ, các sở - phòng giáo dục và ủy ban nhân dân các cấp chung tay mới tháo gỡ được, nhưng vai trò, trách nhiệm đầu tàu của cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ là rất lớn.

Ngành giáo dục kỳ vọng gì vào tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn?

Những Bộ trưởng tiền nhiệm của thầy Nguyễn Kim Sơn đã từng phải chịu rất nhiều áp lực, thử thách khi tại vị và có lẽ thầy Nguyễn Kim Sơn cũng không ngoại lệ, bởi xã hội kỳ vọng vào ngành giáo dục nhiều lắm, nhất là đối với vị Tư lệnh ngành. Tuy nhiên, đội ngũ nhà giáo chúng tôi tin thầy Nguyễn Kim Sơn sẽ làm tốt vai trò của mình trong những năm tới đây.

Trước hết, theo chúng tôi, cá nhân Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ưu tiên cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với những khối lớp còn lại ở những năm tới đây thật tốt.

Chương trình thành công hay không, trước tiên phải xác định giáo viên sẽ là trung tâm cho việc đổi mới lần này. Vì thế, việc đầu tiên là giảm bớt áp lực cho giáo viên đối với những công việc vô bổ, không cần thiết.

Chương trình bồi dưỡng giáo viên cần trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn nhưng dễ tiếp cận bởi thực tế trình độ giáo viên hiện nay có nhiều thế hệ khác nhau nhưng thiết kế phần mềm tập huấn hiện nay còn dàn trải, giáo viên phải học nhiều nhưng lại rất khó “đọng lại” bao nhiêu.

Vì chương trình bồi dưỡng mỗi mô- đun quá dài, nhiều bài tập nên giáo viên phải vừa học vừa “chạy” bởi các mô- đun đã và đang học thường được mở vào thời điểm ôn, kiểm tra học kỳ.

Việc thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa phải thật sự thận trọng, cần lắng nghe những góp ý chân thành từ dư luận để tránh tình trạng lặp lại sách giáo khoa lớp 1 ở năm học 2020-2021 vừa qua.

Vòng đời của mỗi chương trình thường kéo dài trên dưới 20 năm trời nên những năm đầu tiên giáo viên cần được ưu tiên, đầu tư nhiều mới tạo được thuận lợi để làm tiền đề cho những năm kế tiếp.

Bên cạnh đó, Bộ cần mạnh dạn sửa đổi, thay thế những việc, những điều không hoặc chưa phù hợp đối với ngành giáo dục hiện nay mà chúng tôi đã đề cập ở phần đầu bài viết.

Đồng thời Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ cần có những đề xuất, tham mưu tốt cho Chính phủ, Quốc hội, Trung ương về các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên.

Những văn bằng, chứng chỉ nếu thấy không phù hợp thì Bộ mạnh dạn bỏ bớt để giảm tải cho giáo viên, cũng là cách giảm những tiêu cực, hạn chế hiện nay.

Những bất cập tồn tại trong ngành, những phân tích mổ xẻ và góp ý giải pháp từ chính người trong cuộc là các nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục đương tại vị hay đã về hưu, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu vẫn thường xuyên xuất hiện hàng ngày trên diễn đàn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thiết nghĩ, những ý kiến đóng góp cho Bộ và Bộ trưởng trên diễn đàn này sẽ mang nhiều hơi thở thực tiễn đời sống giáo dục, bổ khuyết cho những gì Bộ trưởng khó có thể tìm thấy qua các báo cáo chính thức theo ngành dọc.

Hy vọng, với bản lĩnh, trí tuệ và kinh nghiệm quản lý, công tác của thầy Nguyễn Kim Sơn trong hàng chục năm qua ở nhiều vị trí khác nhau sẽ là những kinh nghiệm quý báu để thầy Sơn làm tốt vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong những năm tới đây.

THANH AN
GHẾ BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC VỐN DĨ NÓNG HÀNG CHỤC NĂM NAY RỒI 
NGUYỄN CAO/ GDVN 9-4-2021
GDVN- Chúng ta đều có thể nhìn thấy, “chiếc ghế nóng” của thầy Sơn bắt đầu ngồi sẽ luôn nóng và áp lực bởi chiếc ghế này hàng chục năm nay vốn dĩ đã như thế rồi.

Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo, thầy Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ chân thành với một số tờ báo về áp lực và trách nhiệm đối với cương vị mới của mình.

Thầy Nguyễn Kim Sơn nói rằng: “Tôi cảm thấy khá áp lực. Áp lực này đến từ nhiều phía. Đó là sự kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân và xã hội. Áp lực còn đến từ phía bản thân tôi vì tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải hoàn thành tốt trọng trách được giao phó”. [*]

Và, mọi người chúng ta đều có thể nhìn thấy, “chiếc ghế nóng” của thầy Sơn bắt đầu ngồi sẽ luôn nóng và áp lực bởi chiếc ghế này hàng chục năm nay vốn dĩ đã như thế rồi.

Song, chúng ta luôn hy vọng, chờ đợi vào một sự thay đổi lớn của ngành Giáo dục trong những năm tới đây khi mà thầy Sơn đóng vai trò là người kiến tạo và “đứng mũi chịu sào”.

Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, ảnh: moet.gov.vn.

Áp lực đối với ghế Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì hình ảnh, bài viết về thầy Nguyễn Kim Sơn đã xuất hiện ở khắp các mặt báo, tạp chí. Sự “ưu ái” của các phương tiện thông tin đại chúng dành cho thầy Sơn là điều dễ hiểu vô cùng trong lúc này.

Bởi, trong số 18 Bộ và 4 cơ quan ngang Bộ hiện nay thì từ lâu dư luận luôn đặt sự quan tâm đặc biệt vào 2 Bộ, đó là Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong khi, chỉ duy nhất những cán bộ, công chức, viên chức của 2 ngành này được xã hội gọi là thầy (thầy thuốc, thầy giáo).

Tuy nhiên, trong vòng hơn 1 năm qua thì “chiếc ghế” của Bộ Y tế đã “bớt nóng” hơn bởi những gì mà Bộ Y tế đang làm cho xã hội đã minh chứng cho tất cả.

Còn lại, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn luôn là “địa chỉ” được báo chí đề cập hàng ngày, dư luận quan tâm đặc biệt bởi gần như gia đình nào cũng đều có sự liên quan mật thiết đến giáo dục. Chỉ riêng chuyện sách giáo khoa hàng năm cũng khiến cho chiếc ghế Bộ trưởng “nóng ran” rồi.

Câu chuyện giá sách giáo khoa, sách bổ trợ lớp 1 của năm học 2020-2021 vừa nguôi ngoai thì giá sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 đã trở thành tâm điểm trong mấy ngày nay, sau khi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá vào ngày 7/4 vừa qua.

Cho dù còn gần 5 tháng nữa mới vào năm học mới nhưng giá sách giáo khoa sẽ lại trở thành đề tài khai thác cho dư luận trong những ngày tháng tới đây.

Bởi, bộ sách giáo khoa lớp 6 mới được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam niêm yết giá từ 399.000 đến 410.000 đồng/bộ (bao gồm 3 cuốn sách tiếng Anh). Trong khi, sách giáo khoa lớp 6 của năm học này là 115.000 đồng/bộ.

Bộ sách giáo khoa lớp 2 mới có giá từ 310.000 đến 317.000 đồng/ bộ (bao gồm 2 cuốn sách tiếng Anh). Trong khi, giá sách giáo khoa lớp 2 hiện hành là 100.800 đồng/bộ.

Chỉ thế thôi cũng đủ phát sinh thêm rất nhiều chuyện đáng bàn luận.

Mà ngành Giáo dục thì đâu chỉ có chuyện sách giáo khoa phổ thông, nó còn nhiều chuyện lớn lao hơn mà cá nhân Bộ trưởng luôn phải giải trình trước Quốc hội, trước dư luận khi cần thiết.

Đó là: chất lượng giáo dục, đổi mới chương trình, đổi mới thi cử, đào tạo đại học, đạo đức nhà giáo, văn hóa ứng xử học đường, ban hành các văn bản pháp quy, tiêu cực trong quản lý ở các trường học…

Nhưng thầy Nguyễn Kim Sơn đang được dư luận ủng hộ

Ngay sau khi thầy Nguyễn Kim Sơn chính thức ngồi vào “ghế nóng” của ngành Giáo dục thì trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn của giáo viên đã có rất nhiều ý kiến ủng hộ thầy Sơn.

Nhiều ý kiến bày tỏ sự hy vọng, trông chờ vào sự thay đổi tới đây của ngành bởi nhiều người tin là thầy Sơn sẽ làm được. Và, chúng tôi cũng tin như vậy.

Bởi, từ năm 1997 cho đến nay, thầy Nguyễn Kim Sơn là người thứ 5 đảm nhận vai trò Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng chỉ duy nhất thầy Sơn là người học Ngữ văn, dạy Ngữ văn. Một ngành học thường được đánh giá cao về cách ứng xử khéo léo trong mọi tình huống.

Trong khi, ngành giáo dục thì luôn có nhiều tình huống xảy ra ngoài mong đợi ở mọi nơi, mọi lúc. Những lúc ấy rất cần vị Tư lệnh ngành có những phát biểu, sẻ chia, chỉ đạo phù hợp để dư luận bớt “nóng”.

Và, chúng ta có thể thấy những chia sẻ chân thành của thầy Sơn với một số tờ báo trong ngày đầu tiên trên cương vị Bộ trưởng đã được dư luận ủng hộ, đồng tình bởi sự chân thành và sâu sắc trong từng câu nói.

Sự ủng hộ của dư luận, của đội ngũ nhà giáo trên cả nước đối với vị Tư lệnh ngành sẽ là điểm tựa rất lớn cho thầy Sơn trong thời gian tới đây.

Vẫn biết những khó khăn, áp lực trước mắt và cả tương lai sẽ là rất nhiều nhưng chúng ta có thể hy vọng, và chúc cho thầy Nguyễn Kim Sơn “vững tay lái” để đưa ngành Giáo dục nước nhà có những bước tiến vững chắc trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

[*] https://vnexpress.net/tan-bo-truong-giao-duc-amp-dao-tao-toi-cam-thay-ap-luc-tu-nhieu-phia-4259588.html

NGUYỄN CAO
GIÁO DỤC TƯ THỤC GỬI GẮM KỲ VỌNG VÀO TÂN BỘ TRƯỞNG NGUYỄN KIM SƠN
THÙY LINH/ GDVN 8-4-2021
GDVN- Ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội gửi lời chúc mừng tới tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Sáng 8/4, Quốc hội phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 12 Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Theo đó, ông Nguyễn Kim Sơn được Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngay sau khi có kết quả phê chuẩn, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội gửi lời chúc mừng tới tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Ảnh minh họa: MC

Thầy Khang nhìn lại 2 nhiệm kỳ vừa qua (2011-2016 và 2016-2021), ngành giáo dục và đào tạo đã triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Nhiệm kỳ 2021-2026 là nhiệm kỳ thứ ba hoàn thành cơ bản nhiệm vụ nói trên, trong đó có việc hoàn thành đổi mới “chương trình, nội dung giáo dục phổ thông”.

Là một cử tri trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Xuân Khang trân trọng cảm ơn các vị Bộ trưởng đã đóng góp trí tuệ và tâm huyết của mình tạo nên những thành công của ngành trong thời gian qua.

“Là một trong những nhà giáo tham gia từ những năm đầu thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục, xây dựng trường tư thục, tôi mong muốn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong nhiệm kỳ tới kế thừa và phát huy chính sách xã hội hoá giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo dục tư thục phát triển hơn nữa.

Giáo dục tư thục và giáo dục công lập không hoàn toàn giống nhau. Giáo dục tư thục phải tự lo về cơ sở vật chất và tài chính. Vì thế giáo dục tư thục rất cần cơ chế tự chủ về tổ chức và hoạt động thông thoáng hơn nữa trong khuôn khổ Luật Giáo dục 2019”, thầy Khang gửi gắm tới tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Thùy Linh
   CẦN MỘT BÀN TAY SẮT ?!
ĐÀO TUẤN/ TD 8-4-2021

Cô em inbox: Thầy S hiền lắm. Thầy Núi Sắt mà cô em nói là người sắp ngồi cái ghế nóng ở Đại Cồ Việt í.

Rep cổ là, anh thấy thầy bộ trưởng nào mà chẳng hiền. 9 năm ngồi ghế nóng của thầy Minh Hiển, phụ huynh chỉ nhớ là thầy dũng mãnh tăng học phí với lý do lương giáo viên chiếm hết 85% kinh phí giáo dục. Còn giáo viên thì ú ớ: Có con số 85% chi thường xuyên, nhưng lương nhà giáo chỉ 80% trong số đó thôi.

Vậy là Minh Hiển nhưng đã ăn gian lại còn nói dối.

Hồi thầy X, với “hai không”, với tuyên bố “Đến 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương”. Kết quả là bây giờ 11 năm sau mốc 2010, 15 năm sau tuyên bố, giáo viên thì đấy, còn mất cả phụ cấp thâm niên.

Giáo dục thời phi X thì nổi tiếng với “trận đánh lớn” của thầy Phạm Vũ Luận, với gộp 2 kỳ thi. Kết quả là kết quả các kỳ thi lại cao ngất cmn ngưởng. Cái nói không với bệnh thành tích chuyển từ Đông Lào sang Lào.

Đến thời vô luận, thì giáo dục của anh tôi lại không được coi là trận đánh nữa. Vì giáo dục là con người. Chỉ có điều giáo viên bị ép đi tiếp riệu chẳng hạn, thì lại chỉ là “vui vẻ thôi”, thì “các thầy cô phải xem lại chính mình”, thì “trước hết phải hỏi trách nhiệm các thầy cô đã”.

Và vì giáo dục là con người nên học phí thành học giá. Thì 9 điểm 3 môn đỗ sư phạm. Thì gian dối tiêu cực chưa từng có trong kỳ thi 2019. Và còn thì buồn, thì bức xúc, thì trăn trở, thì đau nòng, à đau lòng.

Nhưng xuyên suốt, đời nào cũng thế, thầy nào cũng sách giáo khoa, cũng đổi mới. Thầy sau đổi mới bằng cách đổi mới cái đổi mới của thầy trước. Xuyên suốt, cô giáo cho học trò uống nước giẻ lau bảng, phụ huynh đi đường quyền với thầy giáo. Vừa xong, kinh nhất, học trò được nhà trường dung túng để cầm thước đánh cô giáo, bắn đạn giấy vào mắt cô, trả bài kiểm tra bằng những ngôn từ: Không biết; Không nói; Cút.

Cô giáo bị công nhiên hành hung từ chính học trò. Bị đấu tố từ chính học trò. Đau nòng quá.

Tôi mà là thầy Núi Sắt, không phải chém nhiều, không tuyên bố gì lắm, cứ lôi vụ này làm cho ra ngô ra khoai trước đã.

Hình như giáo dục giờ cần một bàn tay sắt, hơn là một thầy “hiền lắm”.

TÔI XIN TẶNG BỘ TRƯỞNG NGUYỄN KIM SƠN 1 CHỮ, LÀM ĐƯỢC GIÁO DỤC ẮT  SẼ TỐT LÊN

SƠN QUANG HUYẾN/ GDVN 10-4-2021

GDVN- Chữ mà tôi muốn tặng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đó là chữ THẬT.

Ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ chân thành với một số tờ báo về áp lực và trách nhiệm đối với cương vị mới của mình.

Thầy Nguyễn Kim Sơn nói rằng: “Tôi cảm thấy khá áp lực. Áp lực này đến từ nhiều phía. Đó là sự kỳ vọng rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, người dân và xã hội. Áp lực còn đến từ phía bản thân tôi vì tôi tự đặt cho mình nhiệm vụ phải hoàn thành tốt trọng trách được giao phó”.

Thầy Nguyễn Kim Sơn chúc mừng các tân bác sĩ, dược sĩ của khóa đào tạo đầu tiên Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, ảnh minh họa, nguồn: VNU.

Chúng ta đều có thể nhìn thấy, cái ghế Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là “ghế nóng”, sẽ luôn nóng, đầy áp lực, bởi thực tế ngành giáo dục đang tồn tại những “căn bệnh” trầm kha, đó là bệnh “ngụy thành tích” và bệnh “hình thức”.

Tôi xin tặng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn 1 chữ, làm đúng ắt thành công.

Để chữa “căn bệnh” trầm kha của giáo dục nói khó mà dễ, nói dễ mà rất khó. Vì bệnh “ngụy thành tích” và bệnh “hình thức” đã tồn tại từ năm này qua năm khác trong xã hội nói chung, trong ngành giáo dục nói riêng.

Thế nhưng, hai căn bệnh này sợ nhất một chữ, chữ mà tôi muốn tặng Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chữ THẬT.

Đầu tiên, giáo viên phải sống THẬT bằng lương của mình.

Với thu nhập hiện tại, giáo viên mới ra trường chưa tới 4 triệu đồng, giáo viên chuẩn bị về hưu hơn 10 triệu đồng, phải khẳng định, giáo viên chưa sống THẬT với lương của mình.

Làm nghề giáo mà sống nhờ nghề khác thì không thể làm nghề giáo tốt được. Chúng ta không thể đổ lỗi vì đất nước còn nghèo, nên nhà giáo phải đồng kham cộng khổ, nếu vậy thì có còn “giáo dục là quốc sách hàng đầu”?.

Campuchia có giàu hơn ta không? Thế nhưng mức lương tối thiểu của mỗi giáo viên đạt 300 USD/tháng (khoảng 7.000.000 VNĐ). [1]

Xin được nói rõ thêm, "giáo viên sống được bằng lương" là mong muốn chung của ngành cũng như lãnh đạo Bộ, nhưng lương ở đây chúng tôi hiểu là thu nhập thực nhận từ nghề dạy học sau khi trừ các khoản đóng góp, chứ không phải lương riêng, các loại phụ cấp riêng.

Giáo viên sống THẬT bằng lương của mình sẽ khuyến khích giáo viên tự nâng cao trình độ của mình, tự khẳng định nghề nghiệp của mình, chất lượng bài giảng tăng lên, chất lượng giáo dục tăng theo.

Đây cũng là mong muốn của tân Bộ trưởng.

Sau khi nhậm chức, thầy Nguyễn Kim Sơn được Báo Tuổi trẻ dẫn lời, chia sẻ: "Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện. Trình độ của người thầy tiếp tục được nâng cao tương ứng với yêu cầu thời đại. Song việc này không chỉ mình Bộ Giáo dục - đào tạo giải quyết được." [2]

Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có chương trình, hành động như thế nào để thúc đẩy thực hiện lời hứa "giáo viên sống được bằng lương" từ thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân? Chúng tôi tin rằng, khi Bộ có kế hoạch hành động, đề xuất các giải pháp chính sách để thực hiện điều này, đội ngũ nhà giáo cả nước sẽ nhiệt tình đồng hành và ủng hộ.

Thứ hai, kiểm tra đánh giá, tổng kết, thi THẬT.

Một thực tế đau lòng đang xảy ra hiện nay, học sinh không được quyền ở lại lớp, học sinh không biết mình tại sao được lên lớp.

Ngồi nhầm lớp không chỉ xảy ra ở nông thôn mà ngay cả thành phố lớn. Ngồi nhầm lớp không còn là hiện tượng, minh chứng mới nhất “Học sinh lớp 6 không đọc được chữ: 'Con không biết vì sao con được lên lớp'”. [3]

Rất đáng mừng là sau khi có thông tin phản ánh từ báo chí, Đồng Tháp đã lập tức vào cuộc. Ngày 8/4 Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp ra văn bản chỉ đạo các phòng giáo dục, các trường thực hiện một loạt giải pháp cấp bách để chấn chỉnh, trong đó người viết đặc biệt lưu tâm quan điểm:

Các cơ sở giáo dục không giao chỉ tiêu học sinh lên lớp cho giáo viên, không sử dụng tiêu chí này làm điều kiện “cứng” hay “khống chế” trong đánh giá, xếp loại, xét thi đua cho giáo viên vào cuối năm học.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, kiểm tra định kỳ, cuối kỳ của học sinh, học viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kiên quyết không để học sinh, học viên chưa đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu của từng khối lớp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được lên lớp. [4]

Sáng 9/4, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) mời tất cả hiệu trưởng các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn họp khẩn, bàn giải pháp chấn chỉnh việc ngồi nhầm lớp, sau bài viết học sinh lớp 6 không đọc được chữ. [5]

Đây là động thái vào cuộc rất kịp thời, quyết liệt và cầu thị của Đồng Tháp. Hy vọng việc này sẽ được triển khai và duy trì thường xuyên để hướng đến chữ THẬT, chứ không phải giải pháp tình thế, đánh trống bỏ dùi.

Trên bình diện rộng hơn, ngồi nhầm lớp là tình trạng không còn là cá biệt ở một, một vài tỉnh thành, địa phương nào, và nó đã tồn tại nhiều năm. Chỉ cần gõ từ khóa "ngồi nhầm lớp" trên Google, sẽ thấy rõ điều này.

Là một nhà giáo đã và đang đứng lớp hàng chục năm, người viết nhận thấy đang xảy ra hiện tượng “làm thật ăn cháo, làm láo ăn cơm” trong giáo dục. Vì thế, báo cáo luôn có tỷ lệ lên lớp cao ngất ngưởng, học sinh giỏi tràn lan, thành tích năm sau cao hơn năm trước.

Việc kiểm tra, đánh giá, tổng kết, thi cử không thật, đẩy thành tích lên cao, năm sau cao hơn năm trước, gây tâm lý lười học, không cần học vẫn được lên lớp cho học trò.

Vì vậy, muốn trả lại việc học thật, nâng cao chất lượng thật cho người học thì kiểm tra đánh giá, tổng kết, thi cử THẬT. Cho nên, theo người viết, Bộ trưởng nên bắt đầu từ chữ THẬT, hướng đến chữ THẬT trong đánh giá chất lượng giáo dục và thi cử.

Có như thế học sinh mới có quyền lưu ban, học sinh muốn có kết quả tốt phải học thật chứ không nhờ vào “phù phép” của thầy cô, nhờ vào đi học thêm, học trước.

Nhìn ra ngoài, chấn hưng giáo dục chẳng cần đi đến Colombia, châu Mỹ xa xôi để học tập và nhập khẩu những mô hình không đầu không đuôi, như VNEN về, chúng ta chỉ cần nhìn sang Campuchia.

Năm 2014, gần 90 nghìn học sinh Campuchia bước vào mùa thi tốt nghiệp chống gian lận đầu tiên và đã có hơn 60% thí sinh bị đánh trượt.

Kết quả chấn động dư luận. Học sinh biết rằng muốn thi đỗ, chỉ có cách duy nhất là phải học, chứ không thể tìm kiếm cơ may ở đền chùa và trông chờ vào việc quay cóp.

Việc bắt đầu bằng quyết tâm diệt trừ gian lận không những buộc học sinh phải chăm học mà còn làm bộc lộ khuyết tật của hệ thống.

Theo ông Bộ trưởng, nếu cứ nhắm mắt làm ngơ, thì đầu vào của sinh viên Campuchia sẽ có một lỗ hổng rõ rệt. Và như thế, không thể có một thế hệ trẻ có năng lực thật sự. [6]

Khi bắt đầu đảm nhận chức vụ năm 2013, Bộ trưởng giáo dục Hang Chuon Naron, một chính trị gia và nhà kinh tế học sinh năm 1962, đã lập tức bắt tay vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy, xóa bỏ triệt để căn bệnh ngụy thành tích, nạn gian lận thi cử và tham nhũng tràn lan trong hệ thống.

Sau 6 năm Bộ trưởng Hang Chuon Naron đã đưa kỹ năng của học sinh, sinh viên Campuchia tốt nghiệp đứng thứ 104 (Việt Nam đứng thứ 116); Kỹ năng số của người dân: 112 (Việt Nam: 97); Tư duy phản biện trong giảng dạy: 76 (Việt Nam: 106); Tỷ lệ học sinh/giáo viên ở bậc tiểu học: 124 (Việt Nam: 75); Mức độ dễ dàng tìm kiếm lao động lành nghề: 123 (Việt Nam: 96)...[7]

Với chữ THẬT, chẳng cần tốn hàng trăm triệu USD để thay chương trình, thay sách giáo khoa, Bộ trưởng Hang Chuon Naron đã đưa giáo dục Campuchia lên tầm cao mới, được thế giới ghi nhận, đánh giá thật.

Chúng tôi hy vọng Giáo dục Việt Nam sẽ có bước chuyển mình thành công trong nhiệm kỳ mới của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, chúc vị “thuyền trưởng” của ngành Giáo dục thật nhiều năng lượng, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đáp ứng được những kì vọng mà xã hội đang dành cho ông.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://ct.qdnd.vn/quoc-te/nganh-giao-duc-campuchia-but-pha-523617

[2]https://tuoitre.vn/tan-bo-truong-bo-gd-dt-nguyen-kim-son-toi-mong-doi-song-nguoi-thay-duoc-cai-thien-20210408150258872.htm

[3]https://tuoitre.vn/hoc-sinh-lop-6-khong-doc-duoc-chu-con-khong-biet-vi-sao-con-duoc-len-lop-20210408170555195.htm

[4]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tre-lop-6-doc-chua-thong-so-chi-dao-khong-giao-chi-tieu-hoc-sinh-len-lop-post216946.gd

[5]https://tuoitre.vn/vu-hoc-sinh-lop-6-khong-doc-duoc-chu-phu-huynh-tung-xin-cho-con-o-lai-lop-20210409150053265.htm

[6]https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/giao-duc-khong-triet-ly-3583452.html?utm_source=search_vne

[7]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/quyet-sach-giup-vi-bo-truong-lot-xac-giao-duc-campuchia-676032.html

Sơn Quang Huyến

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét