Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

20190329. BÀN VỀ QUY ĐỊNH NÊU GƯƠNG ( 08/QĐ-TW 25-10-2018)

ĐIỂM BÁO MẠNG
NÊU GƯƠNG-MỘT PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

PHAN XUÂN SƠN, NGUYỄN THỊ THANH DUNG /TCCS 25-12-2018

Ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Ảnh: TTXVN
Nêu gương - Khái niệm và những giá trị đặc trưng
Nói về khái niệm, nêu gương, hay làm gương (exemple) là làm mẫu; là tạo ra một mẫu mực cho người khác học và làm theo. Làm gương và noi gương là một quá trình hình thành các tập quán, tập tính, hay nói cách khác, là cách mà con người xã hội hóa nhân cách cá nhân. Nói một cách nôm na, đơn giản, các hành động noi gương hay làm theo gương của người khác là “bắt chước”, học tập, thực hành...Vì vậy nêu gương và noi gương, trước hết là một phạm trù của giáo dục, của lãnh đạo.
Vấn đề nêu gương được chú ý như một phương thức quản trị xã hội được nói đến trong các lý thuyết triết học, chính trị từ thời cổ đại, ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Con người và ngay cả thế giới động vật nói chung để sinh tồn, trước hết phải thông qua các hành vi bắt chước, làm theo, học tập từ các hành vi mẫu. Nhờ đó, hình thành các loại hành vi mang tính chuẩn mực của đời sống cộng đồng, xã hội, của loài.
Trong đời sống xã hội, nêu gương chủ yếu được nhấn mạnh ở việc thực hành các chuẩn mực xã hội (đạo đức, pháp luật...). Như vậy, nêu gương hay làm gương luôn phải đi kèm với noi gương, học tập và làm theo các tấm gương ấy. Nói gọn lại, nêu gương và noi gương là loại hành vi thuộc tính của xã hội loài người trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực lãnh đạo, quản lý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất hiểu và vận dụng khéo léo, hợp lý các nguyên lý, bản chất nêu gương của Đông - Tây. Suốt đời Người thực hành nêu gương, làm gương và noi gương; và chính Người đã trở thành tấm gương sáng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Làm người lãnh đạo (dẫn đường) phải có nhiều phẩm chất, nhưng một trong những phẩm chất quan trọng nhất là đi tiên phong, phải làm gương cho người theo sau. Người nói, đảng viên đi trước, làng nước theo sau và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(1).
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nêu gương luôn là một phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, dù phải chịu tra tấn, tù đày, án chém, bom đạn, đói khát... đảng viên của Đảng là những tấm gương hy sinh tất cả, vì thắng lợi của cách mạng. Trong hòa bình xây dựng đất nước, nhiều đảng viên của Đảng cũng phải lao tâm khổ trí, chịu nhiều thiệt thòi, quyết tìm tòi con đường đổi mới; gắn vận mệnh đổi mới với vận mệnh đất nước, gia đình, bản thân; sướng khổ, vui buồn cùng những thăng trầm của đất nước, của sự nghiệp đổi mới.
Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.
Ngày 07-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó, quy định rõ bảy nội dung nêu gương: 1-Về tư tưởng chính trị; 2- Về đạo đức, lối sống, tác phong; 3- Về tự phê bình, phê bình; 4- Về quan hệ với nhân dân; 5- Về trách nhiệm trong công tác; 6- Về ý thức tổ chức kỷ luật; 7- Về đoàn kết nội bộ. Tiếp theo Quy định số 101-QÐ/TW, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018(2) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”.
Trong Quy định số 08-QĐ/TW, không quy định theo từng lĩnh vực, nhưng quy định thành các điều, nêu rõ: Để thực hiện trách nhiệm nêu gương, cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải đi đầu thực hiện trách nhiệm nêu gương, phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực, như chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, lạm quyền, trục lợi...
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, người suốt đời hy sinh, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, đấu tranh không ngừng nghỉ vì sự nghiệp giải phóng đồng bào, giải phóng nhân loại bị áp bức, đọa đày, đau khổ ở Việt Nam và trên thế giới là một tấm gương vĩ đại, toàn diện và gần gũi mà toàn Đảng, toàn dân cần học tập và noi theo.
Đảng ta đã có ba chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7-11-2006, của Bộ Chính trị khóa X, về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị khóa XI, về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hiện các chỉ thị này đã trở thành các cuộc vận động lớn với nhiều hình thức, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có dịp tìm hiểu sâu sắc thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu, tiếp thu một cách hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ với tư cách là một lãnh tụ, mà là với tư cách một Con Người, một chiến sĩ đấu tranh vì sự giải phóng và tiến bộ, để học tập và noi theo gương của Người.
Các quy định, chỉ thị về thực hiện việc nêu gương của Đảng không những đã cụ thể hóa một phương thức lãnh đạo (bằng nêu gương) của Đảng, mà còn phù hợp với các “nguyên lý” về nêu gương trong đời sống xã hội nói chung, trong đời sống chính trị nói riêng, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Các quy định, chỉ thị của Đảng về học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh và về nêu gương vừa mang tính khách quan, tất yếu, vừa thể hiện rằng, nêu gương là một vấn đề quan trọng, không thể thiếu trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, trong việc trao truyền văn hóa giữa các thế hệ con người Việt Nam hiện nay.
Chủ thể và đối tượng nêu gương
Nêu gương là một phương pháp giáo dục đạo đức hiệu quả. Giáo dục đạo đức là giáo dục con người tiếp nhận và thực hành theo những chuẩn mực được xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, nhất là trong những giai đoạn có những biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, khi đó lối sống, các chuẩn mực đạo đức vốn đã trừu tượng, không chỉ cũng biến đổi theo mà nhiều lúc còn trở nên lẫn lộn, rối rắm, phức tạp. Trong bối cảnh đó, chỉ ra được một tấm gương sẽ có tác dụng rất lớn trong sinh hoạt tư tưởng và định hướng tâm trạng xã hội. Ví dụ, một tấm gương vượt khó làm giàu chính đáng hiện nay, có thể cắt nghĩa được rất nhiều khái niệm từ “bóc lột”, “yêu nước” đến các khái niệm như “cá nhân”, “tập thể” và “đóng góp cho xã hội”... Trong bối cảnh mà “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”... thì việc chỉ ra một tấm gương tốt dễ hiểu hơn, cụ thể hơn nhiều, nhất là đối với đa số quần chúng nhân dân, những người ít có điều kiện để nghiên cứu và hiểu rõ các khái niệm, thuật ngữ khoa học. Khi đã hiểu rõ được thế nào là tốt - xấu, thiện - ác, thông qua tấm gương, con người sẽ hành động theo tấm gương đó.
Do tính hiệu quả của nêu gương trong lãnh đạo, nhất là trong công tác tư tưởng, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Vấn đề đặt ra là ai nêu gương cho ai? Hồ Chí Minh cho rằng: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(4).
Nêu gương là một công cụ và thuộc tính của lãnh đạo. Người lãnh đạo là người dẫn đường, truyền cảm hứng, động viên, tổ chức quần chúng nhằm đạt đến mục tiêu, tầm nhìn nhất định. Mục tiêu, tầm nhìn của người lãnh đạo thông thường phải xa hơn quần chúng. Người lãnh đạo là đi tiên phong thực hiện tầm nhìn ấy, phải chấp nhận tất cả những khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro, hy sinh trên con đường mới. Muốn thu hút, lôi kéo, động viên được quần chúng theo mình, người lãnh đạo không chỉ đi tiên phong, mà còn là người nêu gương cho những người đi theo. Do vậy, nêu gương là công cụ, là thuộc tính của người lãnh đạo. Ai muốn trở thành người lãnh đạo, người đó phải là một tấm gương và phải biết nêu gương.
Như vậy, nêu gương là trách nhiệm, nhiệm vụ của người lãnh đạo, quản lý. Ở nước ta, những người phải có trách nhiệm làm gương cho nhân dân, cho quần chúng, trước hết phải là những cán bộ, đảng viên của Đảng. Cương vị càng cao, chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng lớn. Chính vì vậy mà khi nói về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, các quy định của Đảng đều nhấn mạnh “nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Trong cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định số 08-QĐ/TW yêu cầu “trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “gương mẫu thực hiện trách nhiệm nêu gương”.
Đảng ta là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, để có những thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã từng đi tiên phong, gương mẫu. Để giữ được vai trò lãnh đạo, các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng luôn luôn phải đi tiên phong và gương mẫu. Đó không chỉ là một yêu cầu đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn được đặt ra như là một chuẩn mực, một phẩm chất đạo đức của người đảng viên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau; lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.
Hiện nay, sự suy giảm vai trò nêu gương của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Không ít cán bộ, đảng viên, không những không nêu gương, mà còn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Không những không đi trước thiên hạ trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mà lại chạy theo lối sống ích kỷ, vụ lợi, “vinh thân phì gia”, kéo bè kéo cánh, lách luật, lách quy trình, bổ nhiệm con cháu, người nhà vào các vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước; tham ô, tham nhũng, sống xa hoa, lãng phí trên tiền của do tham nhũng, đục khoét, ăn cắp của Nhà nước và của nhân dân.
Năng lực, trách nhiệm của người lãnh đạo trong nêu gương là phải biết nắm bắt những xu thế vận động mới của đời sống xã hội, đổi mới tư duy, đổi mới hành động sao cho đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển của đất nước, của địa phương, của cộng đồng. Đây lại là một vấn đề lớn trong nêu gương, nêu gương về tư tưởng, hay có thể nói là về sinh hoạt tư tưởng, về tư duy. Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII đã bổ sung và làm rõ nội dung này.
Tấm gương đổi mới tư duy của Đảng mở ra một thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước là một bài học lớn về nêu gương trong sinh hoạt tư tưởng. Cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương sáng về tư duy, tư tưởng, về việc vận dụng sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của tinh hoa văn hóa nhân loại, truyền thống tư duy dân tộc, vượt qua các loại tư duy bảo thủ, trì trệ, giáo điều, máy móc để hoạch định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên của Đảng
Nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc.
Đối với mình, không được tự cao tự đại, tự mãn, mà phải cần, kiệm, liêm, chính; phải là “Nhân, Trí, Dũng, Liêm”; bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên học tập, rèn luyện, tự phê bình, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân về mọi mặt để tiến bộ.
Ðối với người, phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. Đối với người, trước hết và quan trọng nhất là đối với đồng chí, đồng sự, nhất là đối với cấp dưới và sau đó là đối với quần chúng nhân dân. Đối với cấp dưới, “Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn, v.v.”(5). Đối với quần chúng, phải gắn bó với quần chúng, lấy quyền, lợi ích, nguyện vọng của quần chúng làm điểm xuất phát để xây dựng các chủ trương, chính sách. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta.
Đối với việc, phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, phải “chí công vô tư”, phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.
Ba mối quan hệ ấy chứa đựng nhiều nội dung cụ thể rất phong phú và chúng cũng biến đổi theo từng thời kỳ phát triển của cách mạng. Ngày nay, trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế... đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của các yếu tố thời đại, ba mối quan hệ đó chứa đựng nhiều nội dung về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và phải được cụ thể hóa, thậm chí thể chế hóa trong nêu gương và noi gương.
Nhiều nội dung rất mới được nêu trong Quy định số 08-QĐ/TW cho thấy rõ điều đó. Ví dụ, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương: “Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm” (Điều 2, khoản 1); “Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ” (Điều 2 khoản 3); “Tích cực thực hiện quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực” (Điều 2, khoản 5); “Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ” (Điều 2, khoản 8)...
Phương thức nêu gương
Nêu gương và noi gương là thực hành đạo đức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn nêu gương, thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện nói đi đôi với làm, và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền, nói ít làm nhiều, nói được làm được. Tránh thói ba hoa, chống thói nói một đằng làm một nẻo. Người nói: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước...Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”(6).
Phải xây dựng những tấm gương tốt để nêu gương. Cần thấy rằng, các tấm gương, các mẫu mực luôn biến đổi theo sự biến đổi xã hội, trong đó có những giai đoạn biến đổi rất nhanh chóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(7).
Vấn đề quan trọng cần làm rõ là trong đời sống xã hội nói chung, trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội..., ai, chuẩn mực gì thì được coi là tấm gương, ai và tổ chức nào phải noi theo, làm theo? Một đảng lãnh đạo và cầm quyền như Đảng ta, trong mỗi bước chuyển của lịch sử, trong mỗi giai đoạn của cách mạng, cần phải chủ động xây dựng các điển hình, các tấm gương tốt, thậm chí phải thể chế hóa vấn đề nêu gương, làm gương và noi gương. Phải có thái độ đúng đắn, rõ ràng đối với các tấm gương tốt (chính diện) và gương xấu (phản diện). Điều này làm cho vấn đề nêu gương, làm gương và noi gương trở thành một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, cấp thiết và thường xuyên trong sinh hoạt chính trị nói chung, trong xây dựng Đảng nói riêng.
Vấn đề nêu gương, làm gương, noi gương là một trong những công cụ và phương thức quan trọng của lãnh đạo, nhưng không phải là duy nhất. Cần đặt vấn đề nêu gương trong mối quan hệ với các công cụ lãnh đạo khác nữa, để phát huy cao nhất hiệu quả lãnh đạo của Đảng, nhất là trong điều kiện hiện nay. /.
-----------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 16
(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quy-dinh-08-QDi-TW-2018-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-Uy-vien-Bo-Chinh-tri-397977.aspx
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 184
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 322
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 16, tr. 130
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
Phan Xuân Sơn(*), Nguyễn Thị Thanh Dung(**)(*) GS, TSKH, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (**) TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
VÀI Ý 'THU HOẠCH'
NGÔ THẾ BÍNH/ NTB Blog 29-3-2019
Đọc xong, xin được nêu vài ý "thu hoạch':
- 'Nêu gương' là một thuật ngữ của khoa học và nghệ thuật quản lý, biểu thị những hành vi của chủ thể quản lý có tác dụng lôi kéo, thúc đẩy các đối tượng quản lý bắt chước, làm theo mà không cần tới các biện pháp hành chính và kinh tế. (Đối tượng quản lý là con người trong một tổ chức nhất định ( đơn vị kinh tế, chính trị xã hội, v.v...)
- Nêu gương là phương thức lãnh đạo quan trọng của ĐCSVN được thể hiện trong tư tưởng HCM và nhiều văn bản nghị quyết của ĐCSVN.
- Để quy định nêu gương đi vào cuộc sống, theo tôi:
   *Nêu gương phải xuất phát từ mục đích đúng đắn, phù hợp với cương vị đảng viên và hoàn cảnh. Tránh hình thức, phô diễn giả tạo. Người có cương vị càng cao thì trách nhiệm nêu gương càng lớn.
   *Nói HAY phải đi đôi với việc làm HAY. Việc làm HAY phải kết hợp tuyên truyền vận động quần chúng cùng làm. Nói phải có suy nghĩ, để phản ánh đúng sự thật. Đảng viên 'trong sạch' phải nêu gương cho các  đảng viên khác là dũng cảm đấu tranh với những bất hợp lý và tiêu cực trong tổ chức và xã hội.
   *Tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện quy định nêu gương là góp phần nâng được lòng tin của quần chúng, nâng cao cao chất lượng  mọi hoạt động của tổ chức (năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh v.v...)
ÔNG NHỊ LÊ: "LÀ ĐẢNG VIÊN, TÔI SUY NGHĨ RẤT NHIỀU VỀ CHỮ LIÊM SỈ" 
LAN ANH ghi/ TVN 23-3-2019
 - Phải chăng những đảng viên thiếu gương mẫu, những cán bộ suy thoái, biến chất đã làm cho niềm tin của dân đối với Đảng suy giảm? Đó là một thực tế rất đáng suy nghĩ!
Đảng đã ban hành rất nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nhưng khi thực thi thì hiệu quả chưa như mong đợi.
Tôi băn khoăn một số điểm. Những quy định đó có phù hợp với thực tiễn hay không; việc tổ chức thực hiện có tương xứng với mục tiêu đề ra; những người thực thi có nghiêm túc; và các thiết chế cần và đủ để bảo đảm thực hiện các quy định đó đã hoàn thiện chưa.
Chỉ trong vòng bốn năm nay, Đảng đã ban hành 3 quy định về nêu gương. Đó là Quy định 101 ngày 7/6/2012 dành cho tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng; Quy định 55 ngày 20/12/2016 về tăng cường một bước mạnh mẽ vấn đề nêu gương trong toàn Đảng và Quy định 08 vào tháng 10/ 2018 của Ban Chấp hành Trung ương.
Bên cạnh đó, Đảng còn có quy định về giám sát, kiểm tra ở tất cả các cấp từ Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và ở tất cả các đối tượng đảng viên.

Ông Nhị Lê: ‘Là đảng viên, tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ liêm sỷ’
 Ông Nhị Lê: ‘Là đảng viên, tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ liêm sỷ’
Chưa có thời kỳ nào vấn đề nêu gương được Đảng đề ra mạnh mẽ và nghiêm khắc ở tất cả các nội dung, đối với tất cả các đối tượng đảng viên như bây giờ. Tuy nhiên, theo tôi, việc thực thi các quyết định chưa tương xứng, chưa được như mong muốn, đặc biệt là chưa tương xứng với nguyện vọng của  nhân dân đối với cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền. Thực tiễn đã đi rất xa.
Chúng ta hãy nhìn lại một loạt cán bộ các cấp bị kỷ luật, bị khai trừ. Trong lịch sử của Đảng, lần đầu tiên một Ủy viên Bộ Chính trị bị truy tố trước pháp luật về tội tham nhũng; một loạt cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật, truy tố...
Tất cả những “ung nhọt” mà cán bộ, Đảng viên ở các cấp mắc phải phản ánh rất rõ một thực tế: Đảng dù đã rất cố gắng xử lý tệ thoái hóa, biến chất nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu. Điều đó nhắc nhở, mục tiêu đã rõ, lộ trình đã được minh định nhưng còn vấn đề thể chế.
Đã nhiều lần tôi đề cập đến vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, đặc biệt theo Quy định 08 đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, nơi là hạt nhân của Đảng. Nếu hạt nhân bị tổn thương, không còn nguyên vẹn sẽ không sử dụng được nữa. Trong vòng 6 năm nay, Trung ương Đảng hết sức lo lắng, tìm mọi phương sách để chỉnh đốn Đảng.
Nói ngắn gọn, gia có gia phong, nước có quốc pháp, đảng có đảng cương. Gia phong, quốc pháp, đảng cương mà lỏng lẻo thì không nói chuyện gì đến gia đình tốt, đến đất nước yên ổn, đảng hùng mạnh cả. Cho nên những vấn đề xung quanh thể chế là một trong những phương sách căn bản để thực thi nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Trong 6 năm qua, 3 quy định nêu gương ở mọi tầm mức cho thấy, vấn đề nêu gương ngày càng trở thành vấn đề hệ trọng, then chốt, có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng lòng tin của nhân dân.
Quy định 08 được ban hành trong Đảng, được phổ biến đến toàn thể xã hội, trong bối cảnh chúng ta bước qua giai đoạn rất quan trọng trong việc quyết định thành bại của Nghị quyết Đại hội XII tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đối tượng điều chỉnh của Quy định này trước hết  là 200 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, là tinh hoa của Đảng.
Điều này cho thấy, chúng ta rất khó nâng cao vị thế, nâng cao năng lực, nâng cao trách nhiệm cầm quyền của Đảng nếu không tập trung nâng cao trách nhiệm nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương.
Vấn đề này không chỉ là cam kết về mặt chính trị mà còn là cam kết về mặt đạo lý, đạo đức của Đảng với quốc gia, dân tộc, với toàn thể nhân dân.
Quy định 08 trước hết tập trung ở tinh hoa của Đảng, tức là 200 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, dù chính thức hay dự khuyết. Một dân tộc người đứng đầu không xứng đáng với trách nhiệm của người đứng đầu thì dân tộc đó sẽ đi đến đâu? Một Đảng cũng như vậy, dù ở cấp nào.
Cho nên, tiếp tục phát triển Quy định 101, Quy định 55, Quy định 08  cho chúng ta thấy tầm mức của sự cấp bách trong lộ trình đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng. Nếu chúng ta không thực thi tốt Quy định 08, rất khó nói về tương lai, nói về vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Với tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với tinh thần thượng tôn pháp luật, việc nghiêm túc chấp hành vô điều kiện đường lối của Đảng là yêu cầu sống còn với các cán bộ, đảng viên.
Lòng tin của nhân dân là tài sản thiêng liêng nhất, quý báu nhất của Đảng. Lòng tin của nhân dân là quốc bảo để giữ gìn, phát triển quốc gia, dân tộc. Lòng tin là tín chấp chiến lược đối với bạn bè quốc tế. Việc xử lý cán bộ của chúng ta không có vùng cấm. Kỷ luật của Đảng là bình đẳng đối với mọi đảng viên, dù đảng viên giữ trọng trách, hay chưa giữ trọng trách trong Đảng. Như vậy mới có lòng tin.
Những vụ “đại án” cho thấy, nếu Đảng không giữ vững tay chèo sẽ rất khó giữ vững sự nghiêp của Đảng. Nó như con sóng vỗ, ăn mòn niềm tin của dân với Đảng, của đảng viên với Đảng, ăn mòn niềm tin của bạn bè quốc tế với Đảng, thì hậu quả khôn lường. Cho nên, nêu gương trước hết là nêu gương trong xử lý kỷ luật.
Trước đây được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào, vinh dự, có ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người, đối với cũng như cả gia đình, dòng họ. Bây giờ không ít người “ngại” vào Đảng. Phải chăng  những đảng viên thiếu gương mẫu, những cán bộ suy thoái, biến chất vừa qua đã làm cho niềm tin của dân đối với Đảng suy giảm? Đó là một thực tế rất đáng suy nghĩ!
Thực tế đó không phải bây giờ mới diễn ra. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề cập nhiều lần rồi. Qua nhiều năm vì sao lại như thế? Đó không phải chỉ là câu hỏi của Đảng, trước hết cố nhiên đó là trọng trách của toàn Đảng, là niềm đau đáu của nhân dân.
Là đảng viên, tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ liêm sỉ. Vì sao Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là trí tuệ, là danh dự, là lương tâm của thời đại, là đứa con nòi của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, mà đây đó, thanh niên của chúng ta chưa có nguyện vọng, chưa khao khát đứng, thậm chí “ngại ngần” đứng trong hàng ngũ của Đảng?
Tôi nghĩ từ có rất nhiều lý do. Họ nhìn thấy những đảng viên hàng ngày hàng giờ sống quanh họ chưa thực sự nêu gương, ảnh hưởng đến niềm tin của họ về Đảng. Thậm chí có những đảng viên đi ngược đạo lý, ngược lại lợi ích của nhân dân. Chính vì như vậy, chúng ta bàn định vấn đề nêu gương ở tất cả các tầm mức, các đối tượng trong toàn Đảng.
Ban Bí thư đã ra một Chỉ thị về việc sàng lọc đảng viên trong Đảng, để thực sự Đảng ta là tinh hoa của dân tộc, là đạo đức của dân tộc, đặc biệt để giữ gìn kỷ luật của Đảng.
Tôi theo dõi suốt mấy chục năm nay, hiếm có thời kỳ nào như hiện nay, việc đề ra và giữ vững kỷ luật Đảng, kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện nghiêm khắc pháp luật Nhà nước trong việc xử lý cán bộ, đảng viên mạnh mẽ, hiệu quả và công khai như bây giờ.
Điều đó cũng góp phần củng cố niềm tin của Đảng ta trong việc nêu gương. Xử lý các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng vi phạm kỷ luật ngay trong khóa XII, đấy chính là nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương trước toàn Đảng, toàn dân.
Đảng chúng ta là đảng cách mạng, là đảng hành động. Những quy định đề ra phải được thực hiện nghiêm; đã là quy định thì không thể không làm. Cá nhân tôi và đông đảo nhân dân trông chờ Ban Chấp hành Trung ương hành động một cách công khai, không nói suông.
Hội nghị mới đây nhất lựa chọn, quy hoạch 250 đồng chí cho Đại hội Đảng khóa XIII, theo tôi hiểu đó là những tấm gương. Nếu không chọn được những tấm gương tốt, thực sự là tấm gương thì là phản nêu gương, không nói chuyện nêu gương được nữa. Ngay trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, mới hết nửa nhiệm kỳ đã có 3 đồng chí bị cách chức… để thấy rằng hành động trước hết của Ban Chấp hành Trung ương là như vậy.
Bác Hồ nói một ý rất hay: Dưới ngọn cờ của Đảng, các thành quả không được xây trên nền nhân dân, vì nhân dân thì không có nghĩa gì cả. Hơn 5 triệu đảng viên của Đảng phải thực sự là những tấm gương.
Lan Anh ghi
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
THẢO LUẬN:
  • NGUYỄN ĐỨC VINH 16:50 Chủ nhật
    Liêm sỷ là thứ xa xỉ, tuy nhiên những người không có cơ hội vô liêm sỉ thì tất nhiên là họ có liêm sỉ và ngược lại. Vậy cơ hội vô liêm sỉ thường xảy ra ở đâu? Và thường đến với những ai?
  • NAM NGUYEN HOAI 06:39 Thứ bảy
    Việc nêu gương là phải làm gì, ai cũng nói được, nhưng thực hành thì lại khác xa. Một điều rất khó làm là thế này : sếp cao nhất thường là đảng viên, nhưng chuyện lương bổng, đề bạt... cấp dưới thế nào là do quyền ông ta hết. Vậy ...
  • LÊ HỒNG HUYÊN 14:35 Chủ nhật
    Tôi cho rằng, là con người bình thường thì phải có liêm sỹ.
  • TRẦN NGỌC 09:08 Thứ bảy
    Các quy định về nêu gương có đủ rồi, những tấm gương về không thực hiện các quy định của Đảng đã xuất hiện như: khoán sử dụng tài sản công, giảm biên chế, cắt giảm các thủ tục hành chính, thu phí không dừng trạm BOT....không bị xử lý công khai sẽ càng làm mất niềm tin nơi dân chúng
  • HÀ MY  07:07 Thứ bảy
    Thực chất chúng ta chưa có quy định bảo vệ người dân và đảng viên tốt khi nói lên sự thật và tố cáo đảng viên là lãnh đạo. Người tố cáo bị trù dập thậm chí còn bị đẩy vào tù tội oan sai vì người tố cáo không có ...
  • NGUYỄN QUANG THẮNG 08:21 Thứ bảy
    Cảm ơn đ/c Nhị Lê, đã có bài viết sâu sắc cả lý luận và thực tiễn, góp phần tuyên truyền một cách đúng đắn trong Đảng và ngoài xã hội.Phải siết chặt kỷ cương hơn nữa, phòng chống tham nhũng trong Đảng hơn nữa để nâng cao niềm tin của ...
TRAO ĐỔI VỚI ÔNG NHỊ LÊ
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ viet-studies 27-3-2019
Được biết ông là tiến sĩ, phó TBT tạp chí Công sản. Như vậy ông thuộc loại trí thức bậc cao của ĐCSVN. Tôi đã đọc nhiều bài viết của ông để biết các trí thức của Đảng suy nghĩ và viết như thế nào. Tôi vừa đọc bài do Lan Anh ghi, đầu đề : Ông Nhị Lê :’ Là đảng viên tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ liêm sỷ” (Viet-Studies  ngày 23/ 3/ 2019). Đọc xong tôi cảm thấy buốn cho trình độ hiểu biết của các trí thức đảng, đặc biệt khi xem lời bình “ Còn THD không phải là đảng viên nên nghĩ rất ít về 2 chữ này”.
Liêm sỷ! Tại sao đảng viên, trí thức cấp cao suy nghĩ rất nhiều, thế  mà không phải đảng viên lại nghĩ rất ít.
Khi đọc bài này  của tôi chắc ông sẽ có phản ứng. Xin bình tĩnh suy xét. Tôi rất muốn gửi Email hoặc gọi điện thoại cho ông nhưng không tìm thấy địa chỉ. Tôi để lại địa chỉ cuối bài , rât mong được trao đổi ý kiến. Sẽ rất tốt khi ông vui lòng gặp trực tiếp để trao qua đổi lại kịp thời. Tôi vẫn mong được đối thoại về Mác Lê, về Đảng cầm quyền với các trí thức bậc cao của Đảng mà chưa có dịp.
Ông  đã có một số câu phù hợp với tôi, như là : “ Tất cả những “ung nhọt” mà cán bộ, Đảng viên ở các cấp mắc phải phản ánh rất rõ một thực tế: Đảng dù đã rất cố gắng xử lý tệ thoái hóa, biến chất nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu…..; Lòng tin của nhân dân là tài sản thiêng liêng nhất, quý báu nhất của Đảng…..; Trước đây được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào, vinh dự, có ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người,cũng như cả gia đình, dòng họ…;”
Tuy vậy những giải thich, những lập luận của ông là ngược với tôi. Ông có biết vì sao trước đây được vào Đảng là niềm tự hào, vinh dự….không? Đó là do  3 nguyên nhân chính sau : (1) Vào Đảng sẽ có đặc quyền, đặc lợi. (2) Sự tuyên truyền rất mạnh về vinh dự trở thành đảng viên. (3) Đảng còn dựa vào lòng yêu nước và người ta còn thấy nhiều đảng viên tốt.
Trước đây nhiều người vì lòng yêu nước, vì muốn cống hiến mà vào Đảng. Những người như vậy dần dần giảm xuống, chỉ còn chiếm một tỷ lệ thấp trong tổng số đảng viên. Chính vì nguyên nhân (1)  và (2), cộng với  một số sai lầm trong thủ tục xét kết nạp mà khi Đảng đã nắm chính quyền thì rất nhiều bọn cơ hội tìm cách lọt vào bằng những thủ đoạn thiếu trong sáng, đồng thời làm cho các bí thư chi bộ, bí thư đảng ủy trở thành những người nắm và quyết định vận mệnh chính trị của người dân, họ trở nên cậy  quyền, cậy thế. Cũng vì vậy  mà một số trí thức có trí tuệ cao và trung thực đã không được kết nạp.
Ông có biết tại sao Đảng đã rất cố gắng…, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu?  Tôi cho rằng trong việc phát triển Đảng cũng như trong đường lối cán bộ, Đảng đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng từ gốc. Trong bài “ Phản biện đường lối cán bộ CS” (*) tôi chỉ ra đống bùng nhùng mà Đảng đang vướng phải, đang quẩy đạp trong đó. Những Quy đinh như 101 ( tháng 6/2012), 55 (2/2016), 08 (10/2018) về nêu gương được ông  xem như bảo bối thì tôi chỉ thấy nhàm chán, vô tác dụng. Tháng 10/2018 tôi đã viết bài “ Phản biện Quy định nêu gương” (*), trình bày rõ các lập luận.
Ông  tỏ ra quá tin tưởng vào Quy hoạch cán bộ, với việc hội nghị mới đây lựa chọn được 250 đồng chí tinh hoa của đảng cho ĐH XIII. Tôi nghiên cứu kỹ nội dung Quy hoạch, rút ra nhận xét rằng nó phản dân chủ, phản tiến bộ. Cứ theo cách làm của Quy hoạch thì chủ yếu tìm được tinh hoa dỏm, có thể có bằng cấp cao, nhưng trình độ thấp, trong đó có bọn cơ hội với nhiều chước quỷ mưu ma mà thiếu trí tuệ, thiếu trung thực. Những tinh hoa thực chất của dân tộc, số thì đã ra nước ngoài, số đang bị nhốt trong tù, số còn lại đã bị loại ngay từ vòng ngoài.
Ông Nhị Lê thắc mắc :  Vì sao Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là trí tuệ, là danh dự, là lương tâm của thời đại, là đứa con nòi của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, mà đây đó, thanh niên của chúng ta chưa có nguyện vọng, chưa khao khát đứng, thậm chí “ngại ngần” đứng trong hàng ngũ của Đảng?
Đảng ta là đạo đức, là văn minh…đó là Hồ Chí Minh nói thế, mơ ước được như thế và trước đây có lúc đạt được một phần rất nhỏ. Thực tế có lẽ không bao giờ đạt được.  Còn bây giờ Đảng ta là như thế nào mà thanh niên ngại ngần gia nhập, mọi người đều biết và chắc  ông biết rõ hơn tôi. Khá nhiều người có nhận xét Đảng trước đây (của Hồ Chí Minh) tốt hơn Đảng bây giờ ( của Nguyễn Phú Trọng). Tôi cho rằng đó là một nhầm lẫn. Tôi đã đăng bài “Nhầm ở đâu” (*). Thực ra trước nay Đảng vẫn thế, vẫn Mác Lê, vẫn công nông liên minh, vẫn chuyên chính vô sản, vẫn đàn áp và dối trá v.v…Khác nhau chủ yếu là chất lượng đảng viên. Khi nhìn vào Đảng người ta nhìn thông qua đảng viên. Trước đây có nhiều đảng viên tốt, ngày nay có nhiều đảng viên xấu. Mức độ tốt xấu của đảng viên chủ yếu là do phẩm chất của họ trước khi vào Đảng. Các phẩm chất trung thực hay liêm chính, các  đảng viên trước đây mang theo khi gia nhập Đảng. Ở lâu ngày trong Đảng những phẩm chất ấy khó tăng lên mà còn có thể bị giảm. Những tính cách tham lam, dối trá, đểu cáng thì bọn cơ hội đã có sẵn, nhưng chúng che giấu được khi xin vào Đảng. Vào được rồi, có quyền lực rồi thì những thói xấu bộc lộ ra. Đảng định dùng vũ khí phê và tự phê, dùng các quy định về kỷ luật, về nêu gương và các điều cấm đẻ làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Nhưng các biện pháp đó chỉ như mò trăng đáy nước, như gãi ngứa ngoài da. Tôi đã viết các bài “Bình luận về nghị quyết của Đảng” (*)
Ông Nhị Lê quan tâm đến “tầm mức của sự cấp bách trong lộ trình đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng”. Về vấn đề Đảng lãnh đạo hay Đảng cầm quyền tôi đọc khá nhiều nhưng chưa gặp bài nào của Nhị Lê. Qua các bài của những cây bút lý luận của Đảng tôi thấy ĐCSVN đang mắc vào trong một đống rối như tơ vò. Tôi vừa đăng  bài “ Bàn về đảng cầm quyền”( *), mong rằng có thể có một vài gợi ý nào đó.
Ông lo lắng : “nếu Đảng không giữ vững tay chèo sẽ rất khó giữ vững sự nghiệp”.  Có lẽ ông bị nhầm từ “tay lái” thành “tay chèo”. Lái hay chèo đều phải vững, nhưng quan trọng là đi chọ đúng luồng lạch. Sau cách mạng dân tộc, đến giai đoạn kiến thiết đất nước, thực hành Dân chủ thì Đảng không theo luồng lach rộng mở mà lại dẫn con thuyền vượt thác gềnh đi vào chốn tù mù. Trong trường hợp đó càng vững tay lái, càng mạnh tay chèo càng đi xa sự phát triển bền vững, đi xa mục tiêu tự do và hạnh phúc của toàn dân, mà  chỉ đem lại  giàu có và quyền lực nhất thời cho một số nhóm lợi ích.
Xem đây là thư ngỏ thì “Thư bất tận ngôn”. Xin tạm dừng. Mong được trao đổi trực tiếp.
Chú : (*)Các bài đã đăng trên Facebook và Báo Tiếng Dân. Nếu ông Nhị Lê hoặc bạn nào chưa đọc và muốn đọc xin gửi yêu cầu qua Email, tôi sẽ chuyến.
Địa chỉ của tôi : ĐT 0389 578 620; Email : ndcong37@gmail.com
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 27-3-19
BÀN VỀ ĐẢNG CẦM QUYỀN
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 27-3-2019

  1. Giới thiệu
Khái niện đảng cầm quyền (ĐCQ) được dùng rộng rãi tai các nước dân chủ. Trước đây các đảng theo Mác Lê chủ yếu nói về cách mạng, lãnh đạo, thống trị giai cấp, không hoặc rất ít nói về vai trò cầm quyền. Ở Việt Nam, hình như Hồ Chí Minh là người  đầu tiên viết “Đảng ta là ĐCQ”. Gần đây vấn đề ĐCSVN lãnh đạo và cầm quyền được bàn đến nhiều, nhưng phần lớn chỉ chung chung, chưa thấy có ý kiến nào bàn sâu về nhận thức và về những cải cách cụ thể, cần thiết. ĐCSVN nổi tiếng kịp thời ra các nghị quyết dài dòng về mọi việc nhưng chưa thấy ra nghị quyết liên quan đến ĐCQ.
Viết bài này tôi xin góp một tiếng nói để thảo luận.  
  1. Đảng trong lịch sử
Thời quân chủ độc quyền việc bí mật lập đảng là tội rất nặng. Thời đó không có đảng hợp pháp. Sự hình thành đảng phái  công khai có lẽ bắt đầu từ nước Anh, thế kỷ 16, do nhu cầu vận động đưa người của phe nhóm vào cơ quan quản lý xã hội. Các đảng được lập  chủ yếu để vận động bầu cử. Đó là các đảng chính trị. Đảng nào giành được đa số sẽ trở thành ĐCQ.Như vậy ĐCQ trước hết phải là đảng chính tri. Việc này dần mở rộng ra nhiều nước.
Đến thời kỳ Mác Lê Nin  xuất hiện đảng lãnh đạo cách mạng (ĐLĐ), một loại đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Vai trò chủ yếu của ĐLĐ  là tập hợp quần chúng đấu tranh giành chính quyền bằng bạo lực. Khi đã giành được chính quyền thì ĐLĐ nắm giữ chính quyền. Vậy phải chăng họ thành ĐCQ.
Nếu từ ĐLĐ trở thành ĐCQ thì như vậy nó có 2 loại. Một loại được chuyển giao chính quyền bằng bầu cử dân chủ, một loại giành được  bằng bạo lực cách mạng. Liệu về phương diện cầm quyền, giữa các đảng có gì giống và khác nhau. Phải chăng sự khác nhau cơ bản là do sự lựa chon thể chế  chính trị. Thể chế dân chủ đa nguyên với tam quyền phân lập hay thể chế độc quyền đảng trị.
Trên kia có trình bày ĐCQ phải là một đảng chính trị. Phải chăng đó là điều bắt buộc. Đúng, nếu như đất nước có ít nhất 2 đảng cạnh tranh nhau. Sai, nếu như chỉ có duy nhất 1 đảng độc quyền. Đảng đó không phải đảng chính trị, vậy là đảng loại gì? Chưa thấy ai nghiên cứu vấn đề này, theo tôi thì đó là đảng thống trị.
Trong bài ”Chính trị là gì” GS Lê Hữu Khóa đưa ra khẳng định rằng “ có độc đảng thì không có chính trị” ( Báo Tiếng Dân ngày 20/3/2019). Trong xã hội tồn tại một số tổ chức tự xưng là đảng nhưng không phải đảng chính trị.
Với ĐCSVN, trong điều lệ ghi rằng: Đảng là Đội tiên phong của giai cấp…, có tổ chức chặt chẽ…, là đảng cầm quyền. Tôi chưa tìm thấy văn bản nào ghi rằng ĐCSVN là một đảng chính trị hoặc là một tổ chức chính trị.

  1. Lãnh đạo và cầm quyền
Trong khi còn làm cách mạng (CM) thì ĐLĐ chủ yếu làm công tác vận động, tuyên truyền, tổ chức, v.v…, không cầm quyền. Khi đã nắm chính quyền thì đảng vẫn còn giữ một số vai trò lãnh đạo. Sự lãnh đạo trong hai thời kỳ có điểm giống và khác nhau.
Chỗ giống nhau là đề ra chủ trương, sách lược, đường lối .
Lãnh đạo  CM chủ yếu bằng vận động, tuyên truyền, thời gian đầu nhiều lúc phải làm bí mật và không ít khi phải dùng mưu mô. Có những đàng cách mạng  vì nóng vội tuyên truyền sự tốt đẹp, sự ưu việt của xã hội chưa có thật nên phải dùng chiêu bài bịa đặt, dùng nhiều quá thành thói quen dối trá.
Lãnh đạo khi đã cầm quyền bằng cách đưa các đảng viên nắm các vị trí chủ chôt trong chính quyền, biến các chủ trương sách lược thành luật pháp. Nhưng trước hết, quan trọng nhất là lựa chọn thể chế. Khi chọn thể chế dân chủ thì  phải nghĩ ngay đến việc trả quyền cho dân, xây dựng chế độ pháp quyền, công khai, minh bạch mọi văn bản pháp luật và hoạt động, đưa người của đảng giữ những vị trí chủ chốt trong Chính phủ..
Khi chọn thể chế độc quyền đảng trị theo quan điểm Nhà nước giai cấp của Lê Nin thì chủ yếu là thống trị, áp đặt, nói đến lãnh đạo chủ yếu là rêu rao, lợi dụng sự tù mù của khái niệm.
Chính quyền, dù là quân chủ hay cộng hòa, dù do đảng chính trị cầm quyền hay do đảng độc tài thống trị, muốn có được tính chính danh thì phải có được QUANG= MINH – CHÍNH - ĐẠI.
Khi chuyển từ vai trò lãnh đạo làm CM thành  lực lượng cầm quyền cần có thay đổi về nhận thức, kèm theo là thay đổi về tổ chức. Thế nhưng mấy chục năm qua ĐCSVN vẫn cố giữ nguyên tổ chức như cũ, bị mắc kẹt trong một đống bùng nhùng, vì thế tuy  đảng tìm đủ mọi cách để làm trong sạch và vững mạnh mà không sao làm được.
4- Điểm một số bài viết
Hồ Chí Minh viết về ĐCQ từ giữa thế kỷ 20, nhưng đến đầu thế kỷ 21, kể từ Đại hội 10 của Đảng mới xuất hiện nhiều bài viết vè ĐCQ và ĐLĐ. Theo nội dung, tinh thần và quan điểm có thể chia các bài thành 2 loại: Trong luồng và ngoài luồng. Luồng ở đây là tư tưởng chính thống của chế độ hiện hành.
Loại trong luồng  có khá nhiều. Tôi đã đọc gần trăm bài trên các nguồn thông tin khác nhau như tạp chí, báo trung ương và địa phương, chuyên khảo v.v… Nội dung cơ bản xoay quanh các  chủ đề: Đảng ta vừa là ĐLĐ, vừa là ĐCQ, có truyền thống huy hoàng, có chủ nghĩa Mác Lê soi sáng, Nhận thức, khái niệm về ĐCQ. Tư tưởng HCM và ĐCQ, Vị trí, vai trò của ĐCS cầm quyền, Nâng cao năng lực cầm quyền của đảng, Sứ mệnh cầm quyền của ĐCSVN, v.v… Nội dung chủ yếu chép từ các văn kiện, số khác sao đi chép lại của nhau, xào xáo, thêm chỗ này một chút, bớt chỗ kia một chút. Người ta tìm những từ  hay, hấp dẫn để đặt tên bài, nhưng nội dung quá nhàm chán, nghèo nàn, giáo điều, có khá nhiều ngụy biện. Thỉnh thoảng có gặp vài đoạn suy luận, chứng minh, nhưng chỉ ở trình độ thấp.
Tôi có ghi chép lại trên 40 bài, kể tên ra sẽ quá dài, chỉ xin nêu tên vài tác giả như : Trần Lan Anh, Phạm Minh Chính, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Văn Chiến,  Hà Đăng, Nguyễn Hữu Đổng (*), Ngô Huy Đức (*), Phạm Xuân Hằng, Nguyễn Đình Hòa, Đỗ Hữu Khoa, Nguyễn Hữu Lập, Hoàng Minh, Bùi Đình Phong, Nguyễn Trọng Phúc, Tâm Quang, Nguyễn Quốc Sửu, Nguyễn Thế Thắng, Mạch Quang Thắng, Nguyễn Viết Thông, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thế Trung, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Quốc Tuấn, Trần Đức Tường, Nguyễn Huy Viện, Trần Khắc Việt (*), Đinh Hồng Yến  .[ chú: (*) - người có nhiều bài].
Loại ngoài luồng  tương đối ít, tôi mới tìm thấy 9 bài. Xin điểm qua từng bài.
i- Lại Huy Phương - Cần xây dựng luật về ĐCQ
ii-Ngọc Trâm - Ai giao cho đảng cầm quyền?
iii-Đinh Tấn Lực - Đảng lãnh đạo, cầm quyền hay đảng trị?
iv-Việt Hoàng - ĐCQ  là ai và nhiệm vụ của nó là gì?
v-Tống văn Công - Chế độ dân chủ không có ĐLĐ, chỉ có ĐCQ
vi-Trần Đức Tường - Ý niệm ĐCQ trong chế độ dân chủ
vii-Ngô Huy Đức - Phương thức lãnh đạo của ĐCQ ở một số nước
viii-Nguyễn Đăng Dung - Vấn đề ĐCQ và thẩm quyền quản lý nhà nước ở các nước tư bản
ix-Hồ Anh Hải - Chính đảng cầm quyền thành công nhất thế giới.
  1. Đảng cầm quyền thành công
Đó là Đảng Hành động nhân dân của Singapore( HĐND) Tôi xin tóm tắt một số ý quan trọng từ bài báo của Hồ Anh Hải.
Đảng HĐND thành lập năm 1954, họ cầm quyền liên tục  hơn 50 năm qua, trong môi trường dân chủ đa nguyên, đa đảng với tam quyền phân lập. Đảng HĐND luôn ổn định, không hề xẩy ra thoái hóa biến chất, không phải lo gì đến việc làm cho đảng trong sạch vững mạnh.
Đảng HĐND là một đảng chính trị, không là đội tiên phong của giai cấp nào cả, không tôn thờ một học thuyết chính trị nào cả. Đảng viên không cần đông (chỉ chiếm khoảng 0,2% dân số) mà cần chất lượng cao. Họ chú trọng kết nạp những người xuất sắc trong xã hội, đã thành đạt trong một lĩnh vực nào đó, đồng thời hay phản biện đảng HĐND và chính phủ  với thái độ xây dựng.
Về tổ chức, họ không có các cơ sở đảng ở khu dân cư, trong các cơ quan, trường học và quân đội. Họ chỉ tổ chức các chi bộ cho từng khu vực bầu cử. Toàn quốc có 84 chi bộ, hoạt động chủ yếu trong vận động bầu cử. Không đặt những cơ quan, tổ chức của đảng bên cạnh  chính quyền hoặc bất kỳ một tổ chức nào.
Ban chấp hành trung ương có 12 thành viên. Họ đều là những trí thức thứ thiệt, những tinh hoa thực chất. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua viêc cử Tổng bí thư giữ chức Thủ  tướng và một số đảng viên làm Bộ trưởng, Thứ trưởng.
Trong Hiến pháp không viết gì về đảng. Truyến thông không tuyên truyền về đảng và vai trò của nó, khi giới thiệu ai không nhắc đến chức vụ đảng, chỉ giới thiệu chức vụ chính quyền. Đảng không sử dụng bộ máy quyền lực nhà nước.
Trụ sở của đảng chỉ là một ngôi nhà nhỏ với 9 cán bộ làm việc. Vai trò của đảng chỉ được nhắc tới mỗi khi bầu cử Quốc hội
Xã hội Singapore hầu như chỉ biết tới chính quyền mà không cảm thấy sự hiện diện của đảng. Đảng HĐND chủ trương thực hiện nguyên tắc nhân viên công vụ (công chức nhà nước) trung lập về chính trị, tức không tham gia đảng phái nào. Lý lịch viên chức không có mục khai đảng phái.
Hiến pháp Sing quy định toàn bộ cử tri trực tiếp bầu Tổng thống và Tổng thống phải trung lập về chính trị, không thuộc đảng phái nào. Nếu trước đó TT đã là đảng viên thì sau khi được bầu phải ra khỏi đảng .
Lực lượng giám sát và chế ước đảng cầm quyền là các đảng đối lập và nhân dân. Cử tri dùng lá phiếu bầu cử của mình để quyết định chọn đảng nào được cầm quyền.
  1. Sự loay hoay, lúng túng của ĐCSVN
Mọi việc quan trọng cần được bắt đầu bằng nhận thức chính xác, được kịp thời đánh giá  trong hành động và kiểm chứng kết quả để điều chỉnh phương hướng và mục tiêu. Nhận thức về vai trò lãnh đạo và cầm quyền của ĐCSVN trong mấy chục năm qua, luôn kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê  quá lạc hậu, kiểm chứng kết quả thấy tuy có đạt một số thắng lợi trong chiến tranh, nhưng đã phạm nhiều sai lầm trong quản lý xã hội và cả trong việc xây dựng đảng.
Khi không thể chối bỏ sai lầm Đảng có sửa sai, có đổi mới, nhưng sửa được sai này lại phát sinh sai khác nặng hơn , đổi được chỗ này lại làm hỏng chỗ khác tệ hại hơn. Tai sao vậy? Tại cơ bản vì không hiểu, không vận dụng được quy luật sau: “Không thể sửa được cái sai bằng nguyên lý đã làm phát sinh ra nó”.
Không những thế, ĐCSVN còn mắc trong một đống bùng nhùng  tự tạo ra bằng việc lãnh đạo tập thể, bằng cách sử dụng phê và tự phê làm vũ khí phát triển. Lại còn thiếu trí tuệ mà cứ nhầm tưởng là quá thông minh, thiếu trung thực mà cứ tự hào rất chính trực, kém đạo nghĩa  mà hay rao giảng đạo đức v.v…, nói tóm lại là phạm vào điều tối kỵ đối với người cầm quyền là “Danh thực bất tương đồng” (Tên gọi và việc làm không giống nhau). Đó là việc mồm nói to vì dân chủ, vì hạnh phúc của nhân dân mà đầu  nghĩ, tay làm lại hướng về độc quyền đảng trị.
Những việc như vậy nhằm lừa dối  quần chúng có dân trí thấp. Có thể lừa dối một số ít trong thời gian dài, hoặc lừa được số đông trong thời gian ngắn. Không thể nào lừa được số đông trong thời gian dài.
  1. Thay lời kết
Với ĐCSVN trước mắt nên thảo luận và khẳng định sự lựa chọn làm một đáng chính trị cầm quyên hay làm đảng thống trị. Mà phải thật sự trung thực. Dù là cầm quyền hay lãnh đạo khi đã nắm chính quyền thì yêu cầu số một là trung thực. Phải  trung thực với dân và trung thực trong nội bộ. Khi không trung thực thì người ta lo nghĩ mưu mô để lừa dối nhau, không thể dùng lý và tình, không thể dùng loogic hay biện chứng gì cả.
Khi  lựa chọn mô hình đảng thống trị thì trung thực công nhận, công khai tuyên bố cho toàn dân. Úp mở mà làm gì, dối trá mà làm gì.
Nếu thật sự muốn trở thành đảng chính trị cầm quyền và lãnh đạo thì phải thay đổi từ cương lĩnh và tổ chức, chuyển đổi từ một đảng cách mạng sang ĐCQ. Cách làm của Đảng HĐND của Singapore là có thể tham khảo.
Sau đường lối thì quan trọng là các công việc và cách làm cụ thể. Việc này không thể trông chờ vào trí tuệ của Bộ Chính trị, của Hội đồng lý luận trung ương cũng như các trí thức của Đảng mà đầu óc đã bị xơ cứng. Vậy nên trông cậy vào ai? Tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này nhưng xin phép tạm chưa bàn đến.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét