Thứ Ba, 19 tháng 3, 2019

20190319. PHÂN TÍCH CƠ CẤU KINH TẾ VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
CƠ CẤU KINH TẾ VIỆT NAM ĐÁNG BÁO ĐỘNG

THÙY DUNG / TBKTSG 15-3-2019

(TBKTSG Online) - Sau 30 năm Đổi mới, kinh tế tư nhân vẫn chiếm chưa tới 10% GDP, trong khi hai "trụ cột" là kinh tế nhà nước và kinh tế hộ gia đình, chiếm phần lớn trong GDP lại là khu vực có “vấn đề" nhất.

Kinh tế tư nhân chiếm chưa đầy 10% GDP của nền kinh tế. Ảnh minh hoạ: TD
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho hay, GDP dựa chủ yếu vào thành phần kinh tế nhà nước (đóng góp 28%) và kinh tế hộ gia đình (32%). Nhưng đây là hai lực lượng có “vấn đề” nhất về năng lực.
Tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2018 diễn ra ngày 15-3, ông Thiên cho hay: “Cơ cấu kinh tế Việt Nam có vấn đề nghiêm trọng” và “đáng báo động”.
Khu vực hộ gia đình là lực lượng nhỏ bé, manh mún và yếu kém nhất trong khi kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ lớn, nợ xấu nhiều, tiêu phí tài nguyên và nguồn lực quốc gia.
“Cả hai thành phần chủ yếu tạo GDP này đều có sức cạnh tranh yếu, khó là trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế thành công”, ông nói.
Trong khi đó, kinh tế tư nhân trong nước, tuy về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP, thì sau 30 năm đổi mới, chỉ đóng góp chưa đến 10%.
Tình trạng “li ti hóa” doanh nghiệp thể hiện qua con số 95-96% tổng số doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Số doanh nghiệp vừa quá ít, chỉ chiếm 1,7% tổng số doanh nghiệp. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn.
Hiện nay quá ít các tập đoàn tư nhân lớn, càng ít tập đoàn lớn định hướng đầu tư sản xuất, chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản. Các tập đoàn tư nhân lớn ít được quan tâm, hỗ trợ phát triển đúng hướng, vẫn bị “kỳ thị”, phân biệt đối xử sau 30 năm Đổi mới, vẫn chưa thể đóng vai trò là lực lượng trụ cột, dẫn dắt cạnh tranh, phát triển và định hình chân dung nền kinh tế.
Trong khi đó, khu vực FDI lại tương đối “ăn nên làm ra”, đóng góp 20% GDP với tốc độ gia tăng mang tính “áp đảo”. Khu vực FDI lớn mạnh nhanh như vậy là nhờ các doanh nghiệp này có thế mạnh vượt trội hơn hẳn các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về thực lực tài chính, năng lực quản trị, sức mạnh thị trường, trình độ công nghệ và khả năng gia nhập chuỗi sản xuất toàn cầu.
Nhưng cũng có một lý do quan trọng không kém, thậm chí còn quan trọng hơn, theo ông Thiên là do họ biết dựa vào thế mạnh của mình để tận dụng những lợi thế và ưu đãi mà Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài những ưu đãi tự nhiên, về lao động, tài nguyên, địa lý, thị trường, còn có những ưu đãi chính sách về đất đai, thuế, cạnh tranh thu hút giữa các địa phương.
Những ưu đãi này không dành cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp Việt lại bị trói buộc, hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và các thủ tục quy định đặc thù như lãi suất, tỷ giá…
Cũng tại diễn đàn, ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp tư nhân ít có cơ hội tiếp cận được nguồn lực, nhất là đất đai và tài nguyên khác. Điều này là do phần lớn nguồn lực nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước đang chậm được cổ phần hóa.
Hơn nữa, với đặc điểm tổ chức sản xuất, kinh doanh nhỏ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, sức cạnh tranh yếu, doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể đã bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh toàn cầu khi Việt Nam gia nhập WTO hàng chục năm trước.
Thời gian tới, trong bối cảnh cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, rộng hơn theo các cam kết trong những Hiệp định FTA thế hệ mới, các doanh nghiệp khu vực này sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Mời đọc thêm:
Động lực nào cho kinh tế tư nhân phát triển?

GDP CÀNG TĂNG, LUỒNG TIỀN CHUYỂN RA NƯỚC NGOÀI CÀNG NHIỀU

BÙI TRINH /TBKTSG 18-3-2019

(TBKTSG) - Tăng trưởng GDP bình quân theo giá hiện hành giai đoạn 2007-2017 là 22%, trong khi luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần là 32%. Đây là lý do mà một số chuyên gia cho rằng càng tăng trưởng GDP, nguồn lực của đất nước càng bị suy giảm khi tăng trưởng dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Xét về cấu trúc sở hữu, đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam cơ bản là từ khu vực kinh tế cá thể. Trong giai đoạn từ 2010-2017 tỷ trọng này giảm được 2,7 điểm phần trăm, từ mức 32,07% trong năm 2010 xuống 29,34% năm 2017. Tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước cũng chỉ giảm nhẹ khoảng 0,7 điểm phần trăm, từ mức 29,34% trong năm 2010 xuống 28,63% năm 2017.
Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân (doanh nghiệp) tăng chưa được 2 điểm phần trăm, từ mức 6,9% trong năm 2010 lên 8,64% năm 2017; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng hơn 4 điểm phần trăm, từ mức 15,15% trong năm 2010 lên 19,63% năm 2017.
Cấu trúc về sở hữu cho thấy, nền kinh tế Việt Nam rất manh mún và hầu như không có sự thay đổi đáng kể về cấu trúc. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn không thể phát triển, tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực này trong GDP rất thấp (dưới 10%) và hầu như không thay đổi trong suốt tám năm (2010-2017).
Điều này cho thấy khi số lượng doanh nghiệp trong nước tăng lên hay mất đi chỉ là sự thay đổi về số lượng, còn giá trị dường như không thay đổi. Đóng góp vào GDP lớn nhất vẫn là khu vực kinh tế cá thể. Tuy nhiên nếu xét về tốc độ tăng trưởng thì khu vực FDI và khu vực kinh tế tư nhân (doanh nghiệp) có tốc độ tăng ổn định nhất.
Theo nguyên tắc về thường trú của Hệ thống các tài khoản quốc gia (SNA), phần giá trị tăng thêm của khu vực có vốn nước ngoài được tính vào GDP, sau đó các doanh nghiệp trong khu vực này có thể giữ phần lợi nhuận lại để tái đầu tư và cũng có thể chuyển tiền về nước “mẹ”.
Như vậy, tuy khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp cao vào tăng trưởng GDP nhưng lại góp phần không nhỏ làm luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần túy càng tăng nhanh hơn. Cụ thể, tăng trưởng GDP bình quân theo giá hiện hành giai đoạn 2007-2017 là 22% trong khi luồng tiền chảy ra nước ngoài thuần là 32%, từ đó làm tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia (GNI) so với GDP giảm từ 97,2% năm 2000 xuống 95,2% năm 2017.
Đây là lý do mà một số chuyên gia cho rằng càng tăng trưởng GDP, nguồn lực của đất nước càng bị suy giảm khi tăng trưởng dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hoặc tiêu dùng đầu tư như trên. Nguồn lực thực sự của nền kinh tế là tiết kiệm (saving). Tiết kiệm bắt đầu hình thành từ GDP cộng (+) phần thu được từ sở hữu trừ (-) phần chi trả sở hữu cộng (+) chuyển nhượng thuần túy trừ (-) tiêu dùng cuối cùng. Nếu “thu được từ sở hữu trừ (-) chi trả sở hữu - chi trả sở hữu thuần” là một số âm và số âm này ngày càng lớn, sẽ dẫn đến tiết kiệm ngày càng nhỏ lại.
Tiết kiệm là nguồn cơ bản để đầu tư, nếu tiết kiệm luôn nhỏ hơn khoản cần đầu tư thì nhu cầu vay sẽ càng lớn. Đấy phải chăng là lý do tại sao GDP tăng cao mà nợ phải trả ngày một nhiều. 
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
THẢO LUẬN:
Tác giả rất phiến diện và sai lầm lớn khi chỉ nhìn vào "chi trả sở hữu thuần" (hiện đang ngày càng âm) để lập luận rằng tiết kiệm sẽ phải càng nhỏ lại, vay mượn ngày càng tăng. Cũng chính từ công thức tác giả nêu trong bài, tiết kiệm còn chịu ảnh hưởng của 2 biến số là GDP và tiêu dùng cuối cùng. (Nhờ có FDI/vốn nước ngoài) GDP đang ngày càng tăng lên, chỉ riêng điều này thôi đã không nhất thiết làm giảm tiết kiệm như tác giả nói. Cộng thêm với khả năng là tiêu dùng cuối cùng cũng có thể tăng chậm hơn tốc độ tăng của chi trả sở hữu thuần, và/hoặc tăng chậm hơn GDP, tiết kiệm vẫn có khả năng không giảm đi, chưa nói là sẽ tăng lên.
Tóm lại, từ chuyện GNI tăng nhanh hơn GDP rất khó để mà rút ra những kết luận "đao to búa lớn" như của tác giả. Điều nguy hại là dựa vào chuyện này để kết luận theo kiểu bài trừ, phủ nhận vai trò của FDI/vốn nước ngoài. Tác giả cần nhìn nhận thực tế là trên thế giới chắc hầu như không có nước nào, kể cả nước giàu, không tìm cách thu hút đầu tư/vốn nước ngoài, thế là đủ để Việt Nam tự rút ra bài học là có nên hay không thu hút FDI/vốn nước ngoài (tất nhiên là thu hút như thế nào lại là chuyện khác).
17/03/2019 - Ngọc
Tác giả quan sát thấy xu hướng FDI chuyển tiền về nước sẽ dẫn đến tiết kiệm ngày càng nhỏ lại, nhưng lại không đề cập đến khả năng sự thay đổi của GDP và tiêu dùng cuối cùng cũng ảnh hưởng đến tiết kiệm. Tức tiết kiệm có thể tăng lên hoặc không thay đổi nếu GDP tăng và/hoặc tiêu dùng cuối cùng giảm. Từ đó, tác giả cho rằng Việt Nam phải vay nợ nhiều hơn vì tiết kiệm luôn nhỏ đầu tư.
Như vậy, tác giả có ý lập luận rằng tình trạng vay nợ là do doanh nghiệp FDI, cụ thể hơn là do chiến lược tăng trưởng phụ thuộc vào FDI. Tôi nghĩ rằng tình trạng vay nợ của Việt Nam có nhiều nguyên nhân khác, chẳng hạn như thâm hụt ngân sách, hệ thống tài chính chưa phát triển, vay mượn quốc tế của DNTN lớn, và lợi suất đầu từ vào Việt Nam. Bỏ qua những yếu này, kết luận của tác giả bài báo là thiên lệch, chưa chính xác.
Nói cách khác, tác giả chưa chứng minh được sự sụt giảm của tiết kiệm là do FDI chuyển tiền về nước. Chưa kể, về mặt thống kê, thì tỷ lệ tổng thu nhập quốc gia (GNI) so với GDP giảm từ 97,2% năm 2000 xuống 95,2% năm 2017 chưa phải là sự chênh lệch lớn. Mà cho dù tỷ lệ này giảm đi, thì cái đáng quan tâm hơn là sự thay đổi mức sống của người dân Việt Nam có được một phần nhờ thu hút FDI.


17/03/2019 - Trần Đăng Nhân
Có thể dùng phương pháp 'gia số' để phân tích sẽ ngắn và định lượng cụ thể hơn!
19-03-2019- Ngô Thế Bính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét