Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

20190331. PHÂN TÍCH KINH TỂ VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
VIỆT NAM SAO KHÔNG THỂ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ?

NGUYỄN QUANG DUY/ BVN 29-3-2019

Kết quả hình ảnh cho kinh tế hộ gia đình
Kinh tế hộ gia đình bao gồm tiểu thương, tiểu thủ công nghệ, buôn bán bán bưng và tiểu nông vẫn chiếm tới 32% GDP.
Viễn ảnh Việt Nam trở thành một nền kinh tế dựa vào công nghệ và sáng tạo thường được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ca ngợi, nhưng ước mơ công nghệ hóa đất nước của những người cộng sản càng ngày càng xa rời thực tế.
Thực tế Việt Nam vẫn là một nước với nền kinh tế tiểu thương, tiểu nông, ngày càng lệ thuộc vào các công ty đa quốc gia và vào nhập cảng hàng hóa tiêu dùng từ nước ngoài.
Doanh nhân Việt Nam chịu nhiều bất công từ chính sách, luật pháp đến môi trường kinh doanh nên không thể phát triển, các doanh nghiệp tư nhân đóng góp chưa đến 10% GDP, 96% các doanh nghiệp đều nhỏ hay rất nhỏ chỉ được xem là tiểu thương hay tiểu doanh nhân.
Kinh tế hộ gia đình bao gồm tiểu thương, tiểu thủ công nghệ, buôn bán bán bưng và tiểu nông vẫn chiếm tới 32% GDP.
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN)
Khu vực kinh tế quốc doanh theo thống kê vẫn chiếm 27% GDP, trên thực tế tỷ lệ có thể lớn hơn rất nhiều vì định nghĩa DNNN chưa được rõ ràng.
Các BOT bẩn có vốn đầu tư từ các ngân hàng nhà nước lên đến 90% như thế có thuộc DNNN không?
Các doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà nước vẫn giữ cổ phần như thế có thuộc DNNN không?
Đã có 3 ngân hàng cổ phần được Ngân hàng Nhà nước mua lại toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng, như vậy các ngân hàng cổ phần khác có thuộc DNNN không?
Các doanh nghiệp làm sân sau cho các nhóm lợi ích có thuộc DNNN không?
Trên chỉ là vài thí dụ, theo chủ trương của đảng Cộng sản kinh tế quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo, DNNN vẫn được nhà nước tiếp tục nuôi dưỡng mặc dầu tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí của công, thiếu hiệu quả tràn lan trong khu vực này.
Trong khi đó muốn có một môi trường kinh doanh công bằng cho việc phát triển đất nước, Hà Nội phải chấm dứt can thiệp vào hoạt động của DNNN, chấm dứt mọi trợ cấp, cho vay ưu đãi, bảo lãnh vay, xóa nợ, ưu đãi nguồn lực đất và tài nguyên.
Hà Nội phải để các DNNN tuân thủ nguyên tắc thị trường không được bù lỗ, không giảm trừ thuế và DNNN phải bình đẳng cạnh tranh kinh doanh với khu vực tư nhân.
Những hiệp định thương mãi quốc tế buộc Hà Nội phải tiếp tục cổ phần hóa các DNNN cũng như mở cửa khu vực dịch vụ công cộng cho các doanh nghiệp nước ngoài vào khai thác.
Trong việc cổ phần hóa các DNNN cần được “xã hội hóa” bằng cách bán cổ phần cho dân chúng, từ trẻ đến già mỗi người một ít, như nhiều quốc gia trên thế giới vẫn làm, thay vì bán cho người nước ngoài. Trường hợp công ty bia Sài Gòn Sabeco bán tới 53,59% cổ phần cho tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi.
Doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư nước ngoài (DNVĐTNN)
Trên 30 năm nay, Hà Nội theo đuổi chiến lược tăng trưởng kinh tế dựa trên đầu tư nước ngoài vào công nghiệp phục vụ xuất cảng.
Các DNVĐTNN và các tập đoàn đa quốc gia được ưu đãi mọi mặt, từ thủ tục hành chánh, thuê mướn đất đai, thuê mướn nhân công, miễn giảm thuế má, trợ giúp xuất nhập cảng, trợ giúp vay thêm vốn, cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương, cho đến các chính sách vĩ mô về hối đoái, tiền tệ hay ký kết các Hiệp Định Thương Mãi Quốc Tế để mở rộng xuất cảng.
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm trên 20% GDP, trong khi khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa được 10% và khoảng cách chênh lệch ngày một gia tăng.
Trong khi thuế thu nhập doanh nghiệp các DNVĐTNN bình quân chỉ 10%, thì doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trung bình đóng 20%. Nghịch lý đã xảy ra khu vực DNVĐTNN to gấp đôi nhưng giao nộp ngân sách chỉ bằng nửa (51%) khu vực tư nhân.
Các công ty đa quốc gia như Samsung năm 2018 lợi nhuận lên tới 5 tỷ Mỹ Kim trong khi thuế đóng góp cho ngân sách chỉ chừng trên 300 triệu Mỹ Kim.
Theo Kinh tế trưởng World Bank tại Việt Nam Tiến sỹ Sebastian Eckardt việc cắt giảm thuế thu nhập từ doanh nghiệp và các ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một nguyên nhân gây ra việc thu ngân sách từ mức gần 30% GDP trong nhiều năm đã hạ xuống khoảng 26-28% trong giai đoạn 2006-2009 và có xu hướng giảm đi vào giai đoạn 2015-2018 trung bình chỉ còn khoảng hơn 23% GDP.
Chiến lược ưu đãi DNCVĐTNN chỉ thu hút được các doanh nghiệp khai thác lợi nhuận trước mắt. Samsung đã từng rút khỏi Nam Hàn, rời sang Trung Quốc rồi vào Việt Nam, khi tình hình chính trị Bắc Hàn cho phép Samsung sẽ lại tiếp tục dời đi.
Trong khi các DNVĐTNN được luật pháp quốc tế bảo vệ còn DNTN phải dựa vào luật pháp Việt Nam, mà luật pháp Việt Nam thì thật khác với thế giới.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết chính sách và pháp luật dù có cải thiện nhưng vẫn chưa khắc phục được “8 không” là không rõ ràng, không cụ thể, không minh bạch, không hợp lý, không ổn định, không tiên liệu trước, không hiệu quả và không hiệu lực.
Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vì thế khó có thể cạnh tranh một cách hiệu quả ngay tại Việt Nam thì nói gì đến việc vươn ra biển cạnh tranh ở xứ người.
Nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Úc, Canada, Âu châu cấp các Visa đầu tư cho những doanh nhân với số vốn nhỏ chỉ chừng 1 triệu Mỹ kim nhằm thu hút các doanh nhân đến định cư tại các quốc gia này.
Các doanh nhân này vừa mang tiền đến đầu tư, vừa mang kinh nghiệm làm ăn buôn bán, vừa thực hiện ước muốn được định cư trên 1 xứ sở họ được đối xử công bằng.
Sau làn sóng tỵ nạn chính trị là làn sóng người Việt liên tục bỏ nước ra đi, tại Việt Nam họ bị đối xử bất công về mọi mặt, họ phải tìm đến một chân trời mới, nơi đất lành chim đậu.
Doanh nghiệp tư nhân (DNTN)
Việt Nam hiện có trên 600 ngàn doanh nghiệp, với 500 ngàn DNTN, nhưng có tới hơn 96% là DN nhỏ và rất nhỏ, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn.
Mặc dù không tới 10% GDP, DNTN lại tạo công ăn việc làm cho hằng chục triệu người lao động, mỗi năm tạo thêm vài trăm ngàn công việc làm mới. Đồng tiền đầu tư vào DNTN luôn tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn các khu vực khác.
Nhưng có tới 48% DNTN bị thua lỗ, chỉ riêng năm 2018, con số DNTN không đủ vốn, không đủ sức cạnh tranh phải ngừng kinh doanh đã lên đến 90.000.
Nghịch lý là tỷ lệ đóng góp vào thuế của các DNTN chiếm đến hơn 41% vẫn cao hơn tỷ lệ đóng góp của các khu vực khác.
Chưa kể các DNTN còn phải đóng phí cho cửa quyền cho tham nhũng để được yên ổn làm ăn.
Một môi trường kinh doanh như thế các DNTN không thể tự đề ra những chính sách và chiến lược để có thể cạnh tranh và phát triển. Rất ít các DNTN đủ lớn để có khả năng hướng tới đầu tư sản xuất hàng công nghiệp.
Bước sâu vào sân chơi quốc tế Việt Nam sẽ phải cắt giảm thuế quan, dỡ bỏ rào cản thương mại và mở cửa thị trường sâu hơn, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn, nếu Hà Nội không đưa ra các chính sách thích hợp thì các DNTN khó có thể sống còn.
Bởi thế thay vì đầu tư trong nước, nhiều doanh nhân đã bán lại doanh nghiệp trong nước, dùng tiền vốn đầu tư và định cư nước ngoài như đã nói phần trên.
Nhiều gia đình cũng sẵn sàng chi trả hàng trăm nghìn Mỹ Kim cho con em đi du học và khi tốt nghiệp con em họ định cư ở nước ngoài, rồi cả gia đình bán doanh nghiệp di dân.
Hiện tượng tìm cơ hội tốt hơn nơi xứ người đang càng ngày càng trở nên rầm rộ nhưng vẫn chưa được Hà Nội đánh giá đúng mức để điều chỉnh “chiến lược” dựa trên tư bản nước ngoài.
Hộ Gia Đình
Cũng cần nói qua về kinh tế hộ gia đình một hình thức kinh doanh còn chiếm trên 32% GDP, gồm những tiểu thương, tiểu thủ công nghệ, buôn gánh bán bưng, các tiểu nông.
Nhiều hộ kinh doanh tránh thành lập doanh nghiệp tư nhân vì quá nhiều rào cản lại không mang lại lợi ích trong việc phát triển kinh doanh. Nhiều hộ kinh doanh phải hoạt động trong nền kinh tế “ngầm” tránh việc quản lý của công quyền.
Gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao cho Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, rà soát lại quy mô GDP và phải “đưa kinh tế ngầm vào GDP”, nhiều người cho rằng nhằm mục đích thu thuế.
Tại sao các hộ gia đình trốn hay tránh bị đóng thuế? Và nếu biết rõ nền kinh tế “ngầm” liệu Hà Nội có thể thu được thêm thuế không? là những câu hỏi khá thích thú hẹn bạn đọc dịp khác sẽ bình luận.
Thay đổi thể chế
Phát triển quốc gia lẽ ra phải dựa vào nội lực đất nước, phải dựa vào doanh nghiệp tư nhân thì Hà Nội lại chạy theo chiến lược dựa vào tư bản nước ngoài.
Chiến lược sai lầm kết quả là doanh nghiệp tư nhân ngừng phát triển, đất nước và xã hội bị kéo theo trở thành chậm phát triển, bởi thế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế dựa trên tiểu thương và tiểu nông.
Muốn phát triển điều kiện cần là Hà Nội phải thay đổi chiến lược, chính sách và luật pháp sao cho phù hợp, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, hợp lý, tạo ổn định, để mọi doanh nghiệp được cạnh tranh một cách bình đẳng.
Điều kiện đủ là Việt Nam phải có tự do kinh doanh, quyền tư hữu tài sản và đất đai phải được Chính Phủ bảo đảm và tầng lớp doanh nhân phải có quyền tự do chọn người đại diện trong Quốc Hội và Chính Phủ để bảo vệ quyền lợi cho chính họ.
Melbourne, Úc Đại Lợi
26/03/2019
N.Q.D.
Tác giả gửi BVN

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

20190330. TRĂN TRỞ CỦA ÔNG NGUYỄN ĐÌNH BIN

ĐIỂM BÁO MẠNG
15 NĂM MỘT NGHỊ QUYẾT-VẾT THƯƠNG DÂN TỘC CHƯA LÀNH !!!

FB NGUYỄN ĐÌNH BIN/ viet-studies 20-3-2019

Hình ảnh có liên quan
Còn một tuần nữa là đến 26-3, kỷ niệm 15 năm ra đời Nghị quyết 36 NQ/TW, nghị quyết công khai đầu tiên của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Khi nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đầu năm 2000 tôi có một mong muốn cháy bỏng là làm sao để hàn gắn được vết thương dân tộc, sau một phần tư thế kỷ, vẫn còn rỉ máu? Tôi suy nghĩ nung nấu và định ra một số việc tôi cho là then chốt, trong đó quan trọng nhất, quyết định nhất là phải có một nghị quyết công khai của cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng nói rõ quan điểm, đường lối đổi mới, quang minh chính đại về lĩnh vực công tác này, để thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân, ở cả trong và ngoài nước, và cho cả thế giới đều biết. Thế là tôi bắt tay vào việc. Từ khi trực tiếp nêu ra ý tưởng rồi chủ trì và trực tiếp soạn thảo không ít đoạn, kiên trì thuyết phục để đạt được sự đồng tình, nhất trí từ cán bộ dưới quyền đến các Ban, Bộ, ngành hữu quan và kiên trì theo đuổi, thúc đẩy suốt 4 năm ròng rã, cuối cùng văn kiện lịch sử này đã được ban hành. Cùng với Nghị quyết 36 NQ/TW tôi cũng đạt được- quả thực cũng với không ít lao tâm, khổ tứ- một số trong các mục tiêu khác đã định ra như thành lập Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, lập Quỹ hỗ trợ cộng đồng, cho phép thân nhân vào thắp hương, tôn tạo mồ mả  các sỹ quan, binh sỹ quân đội Sài Gòn tại nghĩa trang Bình Dương, trực tiếp kiến nghị với Bí thư TƯ Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan, phụ trách đối ngoại khi đó, rồi tiến hành gặp gỡ và mời Nguyễn Cao Kỳ , một số nhân vật coi là chống đối khác về nước…
Sau 15 năm đi vào cuộc sống, Nghị quyết 36 NQ/TW đã được thực thi phần nào, được cộng đồng hoan nghênh, tạo ra khá nhiều đổi thay. Nhưng tôi vẫn buồn: vết thương dân tộc thực sự vẫn chưa lành!!! Với các nước ngoài đã từng đô hộ, xâm lược nước ta, gây ra biết bao tội ác tầy trời, biết bao đau thương, mất mát, hậu quả khủng khiếp, nặng nề …mà nhân dân ta vẫn còn phải gánh chịu, với truyền thống khoan dung, hòa hiếu, chúng ta đã gác lại quá khứ, bình thường hóa quan hệ và kết bạn, trở thành những đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện… vì tương lai của mỗi quốc gia, vì hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới. Vậy mà, vì sao, cuộc chiến ác liệt nhất đã kết thúc và đất nước đã thu về một mối hơn 4 thập kỷ mà dân tộc ta, nói cho cùng đều là nạn nhân của sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài nói trên, vẫn chưa hòa giải được với nhau? Cũng chính sự đô hộ và xâm lược của nước ngoài đó đã chia ly bao gia đình Việt và cả dân tộc Việt, gây ra cảnh huynh đệ tương tàn trên đất nước ta. Thế mà ta đã hòa giải được với họ, còn chúng ta, anh em một nhà “ nhiễu điều phủ lấy giá gương , người trong một nước phải thương nhau cùng”, thì lại chưa hòa giải được với nhau?
Tôi trộm nghĩ: Tất cả mọi con dân Việt chúng ta, dù đang ở bất cứ nơi đâu, đều phải cùng nhau suy ngẫm, tìm ra nguyên nhân vì sao, và cùng nhau khắc phục! Sự trường tồn, tương lai của Dân tộc ta, Tổ quốc ta và hạnh phúc của chính mỗi bản thân và mỗi gia đình con Lạc, cháu Hồng chúng ta đòi hỏi phải làm điều đó! Không hòa giải được với nhau thì nói gì đến cùng nhau đoàn kết, thực hiện được lời Hồ Chí Minh đã dậy “ đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”? Mà không đoàn kết với nhau được thì làm sao tạo nên được sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc để mà kết hợp sức mạnh ấy với sức mạnh thời đại, như Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổng kết rất đúng về bài học thắng lợi, đặng xây dựng và bảo vệ thành công một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, cường thịnh, với toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, bầu trời và biển, đảo ,dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, có vị trí, vai trò xứng đáng trên thế giới đầy biến động, cạnh tranh và thách thức quyết liệt này?!
Nhân đây, tôi xin post lên bài tôi viết theo yêu cầu của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cách đây đã gần 10 năm, đã được đăng tải trên Tạp chí Quê Hương và một số báo mạng, về quá trình thai nghén và ra đời của Nghị quyết 36 và một số việc tôi đã làm được trong 4 năm công tác ở Uỷ ban, để bạn nào quan tâm và chưa đọc có thể đọc. Bài viết để đăng công khai nên chỉ nói được những gì nên nói và có thể  nói. Rất mong các bạn thông cảm.
Sau đây là toàn văn bài viết:

Những Kỷ Niệm Không Phai Mờ Trong Công Tác Cộng Đồng
Đại sứ Nguyễn Đình Bin *
Trong hơn bốn mươi năm công tác tại ngành ngoại giao, một trong những vinh hạnh lớn nhất của tôi là đã được kề vai sát cánh với đội ngũ cán bộ, nhân viên Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài (UBVNVNONN), cơ quan tham mưu và quản lý của  Đảng và Nhà nước ta về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài,  trên cương vị là người đứng đầu, trong giai đoạn rất  đáng ghi nhớ: 4 năm mở màn thiên niên kỷ thứ ba (2000 - 2003).
Bốn năm là một quãng thời gian không dài trên chặng đường nửa thế kỷ từ khi ra đời đến nay của Ban Việt kiều trung ương (VKTƯ), rồi UBVNVNONN  và nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm không thể phai mờ và bài học quý.
Đó là  những năm tháng công cuộc đổi mới toàn diện của nhân dân ta, do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và  lãnh đạo, được triển khai mạnh mẽ và toàn diện,  giữa một thế giới đang biến  động sâu sắc, đan xen những thời cơ lớn với thách thức cũng lớn.
Trên bình diện chủ quan thì UBVNVNONN, qua 40 năm  hoạt động và phát triển và  sau 3 năm Thủ tướng Chính phủ quyết định sát nhập vào Bộ Ngọai giao, đã tích lũy được nhiều kinh  nghiệm quý báu và có thêm  điều kiện để có những bước phát triển mới về chất.
Hôm nay, nhìn lại quãng thời gian ấy, tôi vui mừng là đã cùng tập thể cán bộ nhân viên UBVNVNONN tăng cường đoàn kết, không ngừng phấn đấu vươn lên, kế thừa và phát huy được những  kinh nghiêm quý báu của các lớp anh, chị đi trước, đồng thời đã tự đổi mới được mình, trước hết là đổi mới tư duy, phát huy mạnh mẽ bản lĩnh, tinh thần chủ động, tiến công, dám chịu trách nhiệm, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu và quản lý mà Đảng và Nhà nước giao phó trên lĩnh vực công tác này, có những đóng góp xứng đáng vào các thành tích đáng tự hào trong 50 năm phát triển của UBNNVNVNONN.
Trong số các sự kiện giờ đây dồn dập hiện lên trong ký ức tôi, nổi bật nhất, sâu đậm nhất là qúa trình thai nghén và ra đời của  Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, nghị quyết công khai  đầu tiên của  cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng về công tác đối với NVNONN.
Đầu năm 2000, sau khi nhận quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Phan Văn Khải, tôi khẩn trương tìm hiểu công việc, nắm các tư tưởng chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước để định hướng cho mình và xây dựng chương trình công tác tổng thể. Tôi nghiên cứu lại Nghị quyết 08-NQ/TƯ, ngày 29/11/1993 của BCT (khóa VII), một văn kiện đã thể hiện nhiều quan điểm đổi mới chủ yếu của Đảng ta trên lĩnh vực này.
Nhưng, đến thời điểm ấy, Nghị quyết ban hành đã được gần 7 năm,  tình hình trong nước, tình hình cộng đồng cũng như tình hình thế giới đã có nhiều điểm mới. Tôi thấy cần phải  tiến hành tổng kết việc thực hiện nghị quyết quan trọng này, từ đó đề xuất những kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cần thiết để đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới.
Qua quá trình thực hiện tổng kết, chúng tôi phát hiện một thực tế là nhận thức chung về cộng đồng và công tác cộng đồng còn nhiều điểm quá lạc hậu và lệch lạc nữa. Nhiều lãnh đạo các ngành, các cấp  thậm chí còn không biết là đã có NQ - 08 của BCT.  Điều này hiểu được, vì đó là một nghị quyết mật và ra đời đã gần 7 năm.
Trong khoảng thời gian này, rất nhiều lãnh đạo các ngành, các cấp đã thay đổi. Chính thực tế này đã làm cho tôi nảy sinh ý tưởng cần kiến nghị BCT ra một NQ mới và công khai về vấn đề này, bởi tôi nghĩ rằng để có thể làm tốt công tác đối với cộng đồng NVNONN trong thời kỳ mới thì, điều kiện đầu tiên, quan trọng nhất và quyết định nhất là phải tạo được một nhận thức chung, thực sự đổi mới, đúng đắn và thống nhất.
Không chỉ cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp và các đảng viên mà toàn bộ hệ thống chính trị cũng như toàn thể nhân dân ta và cả cộng đồng NVNONN cũng phải được biết, hiểu và quán triệt tư duy đổi mới của Đảng và Nhà nước ta trên lĩnh vực này. Hơn nữa, chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng NVNONN là quang minh, chính đại, không hề có gì trái với lợi ích của các nước nơi bà con ta đang làm ăn, sinh sống, mà ngược lại còn góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các nước đó với nước ta.
Bởi vậy, cũng rất cần phải tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách đó cho thế giới hiểu. Và, biện pháp khả thi và hiệu nghiệm nhất để đạt được các mục tiêu này là BCT ra một nghị quyết công khai, nói rõ tư duy, các quan điểm và chủ trương đổi mới đó.
Nhưng khi chỉ đạo UBVNVNONN xây dựng "Đề án tăng cường công tác vận động cộng đồng", tôi nêu ý này ra thì đã có một số ý kiến không đồng tình ngay trong số cán bộ chủ chốt của UB, vì cho rằng các nghị quyết của BCT lâu nay hầu hết đều là mật, Nghị quyết 08 cũng là một văn kiện mật, BCT  không thể ra một nghị quyết công khai về một vấn đề phức tạp và tế nhị như vậy.
Nhưng qua tranh luận thật sự dân chủ,  thẳng thắn, ý tưởng đổi mới này đã  được hoàn toàn nhất trí. Chúng tôi đã tập trung lực lượng khẩn trương xây dựng Đề án, trong đó kiến nghị 8 giải pháp tổng thể mà điểm then chốt nhất, có tính chất quyết định để đổi mới công tác vận động cộng đồng là BCT ra một Nghị quyết mới, công khai về vấn đề này.
Nhận thức rõ đây là một công việc rất quan trọng và nhạy cảm, tôi đã tranh thủ trình trước 2 Ủy viên BCT (đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, Phó thủ tướng phụ trách đối ngoại và đồng chí Trương Tấn Sang, khi đó là Trưởng Ban kinh tế TƯ) để cho ý kiến sơ bộ. Thầm mừng được cả 2 đồng chí bật đèn xanh- đồng chí Trương Tấn Sang còn khen là đề án tốt, tôi rà soát kỹ lại và sửa sang lần chót văn bản và ngày 28/7/2000 đã ký Tờ trình Đề án lên Thường vụ BCT (Khóa VIII, Trung ương Đảng không có Ban Bí thư) và Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp  đó là những ngày tháng chờ đợi. Qua các mối quan hệ công tác, tôi cố gắng thúc đẩy việc  đưa Đề án ra trình xin ý kiến Lãnh đạo. Nhưng, thời điểm đó, Lãnh đạo Đảng đang tập trung vào việc chuẩn bị, tiếp đến là tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng, và  sau đó là vào việc triển khai các NQ của Đại hội IX, có thể vì vậy mà chưa thể xem xét việc này.
Đầu tháng 10/2001, tôi thật vui mừng nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với "Đề án tăng cường công tác vận động cộng đồng", trong đó Thủ tướng chỉ thị "Ban cán sự Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị Đề án trình Bộ Chính trị có Nghị quyết (hoặc Chỉ thị) về lĩnh vực công tác này".
Thế là tôi cùng các cán bộ hữu quan của UB bắt tay vào xây dựng dự thảo Đề cương, rồi Đề cương chi tiết và cuối cùng là văn kiện mà chúng tôi vẫn kiên trì kiến nghị là "Nghị quyết công khai của BCT". Trong suốt quá trình này, chúng tôi đều tiến hành trao đổi, lấy ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và các Bộ, cơ quan, ban, ngành hữu quan. Quả thực, đây là một công việc không đơn giản.
Nhưng qua kiên trì trao đổi cởi mở, tranh luận thẳng thắn, cuối cùng , ngoại trừ một cơ quan còn phân vân giữa " Nghị quyết" hay " Chỉ thị", 12 Bộ, cơ quan, ban, ngành hữu quan khác đều nhất trí với chúng tôi là kiến nghị BCT ra" Nghị quyết công khai".
Ngày 20/5/2002 tôi ký Tờ trình dự thảo Nghị quyết lên BCT Và Thủ tướng Chính phủ. Tiếp đó lại là những tháng ngày cố gắng thúc đẩy việc xem xét kiến nghị này, nhưng vẫn chưa có thông tin khích lệ.
Ngày  12/3/2003, Taị Hội nghị toàn thể lần thứ 7, TƯ Đảng khóa IX ra Nghị quyết về "phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Tôi thầm mừng: thời cơ đã đến để làm sống lại kiến nghị mà chúng tôi đã kiên trì đeo đuổi suốt 3 năm qua.
Bởi BCT ra nghị quyết mới này chính là một bước triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết TƯ 7 đối với cộng đồng nười Việt Nam ở nước ngoài, một bộ phận không thể tách rời của toàn dân tộc Việt Nam. Thế là chúng tôi lại rà soát lại các văn bản và ngày 14/4/2003, tôi ký một Tờ trình mới lên BCT, nhắc lại kiến nghị này  trong bối cảnh tình hình và yêu cầu mới.
Tiếp theo đó, nửa đầu tháng 6/2003, tôi được cử dẫn đầu một đoàn liên ngành đầu tiên của nước ta đi thăm, tiếp xúc trên tinh thần rất chủ  động, thẳng thắn, cởi mở với cộng đồng người Việt tại Canada và Hoa Kỳ.
Những nét rất mới trong tình hình cộng đồng nắm được qua chuyến đi này càng củng cố thêm niềm tin và thôi thúc tôi phải tiếp tục thúc đẩy  kiến nghị nói trên. Tôi chủ động xin ý kiến  đồng chí  Vũ Khoan, Bí thư TƯ Đảng, Phó Thủ  tướng Chính phủ phụ trách đối ngoại. Tôi rất mừng được đồng chí đồng ý.
Thế là  lại một lần nữa, tôi cùng anh chị em cán bộ  hữu quan của UB khẩn trương rà soát, chỉnh lý lại văn bản đã trình trước đây; và ngày 25/6/2003, tôi lại ký Tờ trình lên BCT nhắc lại kiến nghị nói trên, lần này với niềm hy vọng lớn hơn bao giờ hết. Thật là may mắn, đồng chí Vũ Khoan đã dành thời gian đích thân đọc và cho ý kiến chỉ đạo trực tiếp vào văn bản.
Vào thời điểm đó, tôi đã có quyết định của Lãnh đạo cấp cao cử làm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước ta tại Pháp. Tôi đặt mục tiêu: phải hoàn thành bằng được công việc then chốt này mà tôi đã tâm huyết, trăn trở từ khi mới nhận nhiệm vụ làm Chủ nhiệm UBVNVNONN.
Với quyết tâm  đó, theo  ý kiến chỉ đạo rất cụ thể của đồng chí Vũ Khoan, tôi đã dành thời gian, công sức cùng anh chị em cán bộ UB hoàn chỉnh dự thảo.  Rồi lại lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban, ngành hữu quan một lần nữa. Tôi rất vui đã thực hiện được mục tiêu đề ra : hoàn chỉnh lần cuối cùng các văn bản và kịp trình Dự thảo NQ lên BCT trước khi tôi lên đường đi Paris nhận nhiệm vụ mới vào đầu tháng 12/2003.
Cũng như các lần trước, trong Tờ trình, chúng tôi đã báo cáo ý kiến của tất cả các cơ quan, bộ, ban, ngành hữu quan để BCT có đầy đủ cơ sở xem xét. Đáng lưu ý là, lần cuối này, ngoài một cơ quan ngay từ đầu vẫn giữ ý kiến phân vân giữa kiến nghị BCT ra " Nghị quyết" hay " Chỉ thị" thì có thêm một cơ quan rất quan trọng  trước đây tán thành, nay không đồng ý với việc kiến nghị BCT ra Nghị quyết công khai nữa.
Ít tháng sau, trong khi đang công tác tại Pháp, tôi thật sự vui mừng nhận được tin và toàn văn Nghị quyết số 36.... , bản NQ công khai đầu tiên của BCT về cộng đồng NVNONN, ban hành ngày 26/3/2004.
Như trên đã nói, Nghị quyết 36 của BCT chính là bước cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết 7 của TƯ Đảng ( khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đối với hơn 3 triệu đồng bào ta đang sinh sống ở nước ngoài, một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt  Nam, một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài.
Từ đó, trên cơ sở các tư tưởng, quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo của Nghị quyết 36, nhiều chính sách đổi mới cụ thể của Nhà nước ta đối với cộng đồng đã (và sẽ còn tiếp tục) được ban hành, được bà con kiều bào cũng như dư luận quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh.
Trong khi tập trung trí tuệ, tâm sức vào việc then chốt nói trên tôi cũng tự đặt câu hỏi: có việc cụ thể nào khả thi mà có thể tạo tác  động đột phá, thể hiện thực sự và mạnh mẽ tinh thần đổi mới, chủ trương khép lại quá khứ, thực hiện hòa hợp, đoàn kết dân tộc  của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng kiều bào ta?
Tôi nghĩ chiến tranh kết thúc và đất nước  thống nhất đã một phần tư thế kỷ, cùng với cả nhân loại, dân tôc ta đã bước vào một thiên niên kỷ mới. Ngay với Hoa Kỳ, nước đã đem quân tới xâm lược nước ta, gây ra biết bao tội ác và hậu quả nặng nề cho nhân dân ta, thế mà từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ta đã bắt đầu hợp tác với họ để tìm kiếm hài cốt những binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh, một chủ trương thể hiện rõ truyền thống khoan dung, nhân đạo của dân tộc ta, đã tác động tích cực tới dư luận Hoa Kỳ và thế giới.
Vậy, đối với những binh lính Sài Gòn, là đồng bào của ta, đã chết, xét cho cùng cũng là những nạn nhân  của cuộc chiến tranh xâm lược đó, thì ta cần và có thể làm gì? Tôi quyết định trực tiếp  cùng một số cán bộ của UB vào khảo sát nghĩa trang mà chính quyền Sài Gòn cũ đã xây dựng tại xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nơi tập trung nhiều mồ mả nhất của binh lính chế độ cũ.
Sau chuyến đi,  chúng tôi đã nhanh chóng thống nhất trong nội bộ UB một ý tưởng mới và bắt tay ngay vào việc trao đổi, bàn bạc và thuyết phục, tranh thủ sự đồng tình của các cơ quan, bộ phận và cá nhân hữu quan khác đối với ý tưởng này, một việc không hề đơn giản vì cực kỳ nhạy cảm, khi nêu ra đã gặp không ít sự không đồng tình, hiểu lầm, phản đối.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên trì, không nản chí. Và khi thấy tình hình đã tương đối thuận, ngày 05/1/2001, tôi đã ký Tờ trình lên Thường vụ BCT, đề xuất chủ trương cho thân nhân ở trong nước hoặc đang sinh sống ở nước ngoài bắt đầu từ Tết Tân Tỵ được chỉnh trang, tu bổ lại những ngôi mộ của người thân nguyên là sỹ quan, binh lính chế độ Sài Gòn cũ tại nghĩa trang tỉnh Bình Dương bình thường như các khu mộ chí khác của nhân dân.
Tôi thật sự vui mừng là chưa đầy nửa tháng sau,  tại công văn số 5333-CV/VPTW, ngày 19/1/2001, Văn phòng TƯ Đảng đã thông báo ý kiến của Thường vụ BCT  đồng ý với kiến nghị đó.
Nhưng cũng thật là buồn, một chủ trương đúng đắn, sáng ngời tính nhân văn, được cấp Lãnh đạo cao nhất của Đảng rất nhanh chóng xem xét và chấp thuận như vậy,  đã không được  thực thi nghiêm túc, mặc dù UBVNVNONN và cá nhân tôi đã hết sức cố gắng để thúc đẩy thực hiện, mà phải chờ đợi hơn 5 năm sau, mãi  đến cuối 2006, với ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, chủ trương này mới được thi hành đầy đủ.
Một việc khác mà tôi cũng rất trăn trở và xác  định là một trọng tâm công tác sau khi nhận nhiệm vụ là thành lập Hội liên lạc với người VN ở nước ngoài. Sự thật là ở thời điểm đó, vẫn còn một số ý kiến chưa thuận trong các cơ quan hữu quan, kể cả ở cấp Lãnh đạo.
Nhưng tôi thấy đã đến lúc rất cần sự ra đời của Hội ở cấp quốc gia, bởi hơn 20 Hội  thân nhân kiều bào ở các địa phương đã được thành lập và hoạt động khá sôi nổi.  Thế là chúng tôi bắt tay vào việc trao đổi, vận động, thuyết phục...
Sau khi đạt được sự đồng thuận, ngày 30/5/2000, tôi đã ký Tờ trình lên Thường vụ BCT và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xin chủ trương cho thành lập Hội liên lạc với người VN ở nước ngoài kèm theo Đề án cụ thể về thành lập Hội. Phấn khởi được bật đèn xanh, chúng tôi khẩn trương trao đổi, hiệp thương để mau chóng hình thành Ban vận động thành lập Hội, do Gs.TsKH Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, làm Trưởng Ban, rồi cùng với Ban vận động triển khai các công việc chuẩn bị để  thành lập Hội phù hợp với các điều luật hữu quan hiện hành: xây dựng Điều lệ, tìm kiếm, trao đổi, hiệp thương về nhân sự, chuẩn bị nội dung, tổ chức, hậu cần, lễ tân... cho Đại hội lần thứ nhất trong điều kiện rất khó khăn về tài chính.
Cuối cùng, mọi công việc đã được hoàn tất và điều tôi nóng lòng mong đợi đã đến: Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội liên lạc với người VN ở nước ngoài đã được tổ chức thành công  ngày 4/2/2002 tại Hội trường  Đại học Quốc gia, 19 Lê Thánh Tông, Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã cử ra Ban Chấp hành gồm 50 vị tiêu biểu, đai diện cho Mặt trận Tổ quốc VN, một số tổ chức quần chúng, các Hội địa phương..., do Gs. Ts.KH  Nguyễn Văn Đạo làm Chủ tịch, ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Phó Chủ nhiệm UBVNVNONN làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Ban chấp hành còn có nhiều trí thức, nghệ sỹ lớn như các Gs. Ts. Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Tài Thu, các NSND Đặng Nhật Minh, Chu Thúy Quỳnh, nhà sử học Dương Trung Quốc...
Từ khi ra đời, Hội đã và đang triển khai hoạt động ngày càng phong phú, thiết thực, góp phần tăng cường mối liên hệ giữa cộng đồng kiều bào với đất nước.
Một  điều trăn trở khác của chúng tôi là công tác vận động cộng đồng kiều bào quan trọng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước như  vậy; thế mà chưa bao giờ có được một ngân sách cho công tác này, ngoại trừ những chi phí  cho UBVNVNONN như một cơ quan hành chính và một số rất ít cán bộ chuyên trách công tác cộng đồng tại một số cơ quan đại diện của nước ta ở nước ngoài.
Bởi vậy, chúng tôi đã tích cực và kiên trì đề xuất, vận động, thuyết phục các ngành hữu quan và  cả cấp Trên tán thành cho lập Quỹ hỗ trợ cộng đồng. Và thật vui là cuối cùng thì Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 990/Q Đ-TTg, ngày 30/10/2002 cho phép thành lập "Quỹ hỗ trợ, vận đồng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài", với số ngân sách ban đầu 7 tỷ đồng do Nhà nước cấp.
Nhận thức tầm quan trọng của Quỹ, chúng tôi đã mời và được Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa nhận làm Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ.  Từ ngày ra đời,  Quỹ đã tài trợ trên 16 tỷ đồng cho 85 dự án rất thiết thực, hỗ trợ việc giảng dậy tiếng Việt, tổ chức trại hè về nguồn cội cho con em kiều bào, đưa các đoàn văn nghệ ra phục vụ cộng đồng, đưa nhiều trí thức kiều bào về góp phần phục vụ đất nước...
Trong 4 năm công tác tại UB, tôi đã có một số  lần đi thăm, tiếp xúc với cộng đồng ở các địa bàn khác nhau. Mỗi chuyến đi đều để lại trong tôi những kỷ niệm không thể quên. Nhưng, chuyến đi để lại những ấn tượng sâu đậm nhất là dịp tôi được cử dẫn đầu đoàn liên ngành đầu tiên đi thăm, tiếp xúc với bà con kiều bào ở Hoa Kỳ và Ca na da vào nửa đầu tháng 6/2003 mà tôi đã nhắc tới ở phần trên.
Đoàn có một số vị lãnh đạo các ngành như ông Nguyễn Tiến Võ, Ủy viên thường trực Đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Trịnh Xuân Giới, Phó ban thường trực Ban Dân vận TƯ; ông Trần Văn Tạo, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành Phố Hồ chí Minh, nguyên Ủy viên TV Thành ủy, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa và Giám đốc Sở Công an của Thành phố. Ban Bí thư đã cho ý kiến chỉ đạo khi chúng tôi trình Đề án chuyến đi.
Nhưng, trước khi lên đường, tôi vẫn xin gặp đồng chí Vũ Khoan, Bí thư TƯ Đảng, Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại, để xin thêm ý kiến chỉ đạo, đặc biệt là xin được triển khai với tinh thần mới thực sự chủ động, tiến công, cởi mở, theo đúng Nghị quyết TƯ 7 (khóa IX) về đại đoàn kết dân tộc vừa ban hành.
Tôi rất mừng là những đề xuất cụ thể theo tinh thần đó đã được đồng chí chấp thuận. Các thành viên trong Đoàn rất phấn khởi, nhưng cũng tỏ lo lắng trước trách nhiệm nặng nề khi tôi quán triệt trong toàn đoàn tinh thẩn mới đó trong ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Khoan. Trong chuyến đi này, ngoài các cuộc làm việc chính thức với các quan chức  hữu quan nước sở tại, một trọng tâm là gặp gỡ, đối thoại với các thành phần khác nhau trong cộng đồng kiều bào.
Tôi không bao giờ có thể quên không khí thực sự cởi mở, thẳng thắn, chân tình trên tinh thần hòa giải dân tộc, cũng như những giây phút xúc động trong các cuộc gặp gỡ đó. Có một số kiều bào, sau bao năm tháng bị bưng bít, tác động bởi tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch với đất nước, đã khóc khi nghe chúng tôi thông báo tình hình đất nước và trả lời các câu hỏi, làm sáng tỏ các chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng.
Điểm đặc biệt nhất trong chuyến đi này là lần đầu tiên chúng tôi gặp gỡ một số nhân vật nguyên là lãnh đạo chính quyền Sài Gòn cũ và hoặc bất đồng chính kiến nổi bật trong đó có ông Nguyễn Cao Kỳ, ông Đỗ Ngọc Yến, Tổng Giám đốc Công ty Báo Người Việt, ông Nguyễn Ngọc Hải, "Chủ tịch  Ủy ban bảo vệ chính nghĩa quốc gia" của thành phố Houston, nhạc sỹ Phạm Duy...
Tôi còn nhớ như in: sáng ngày 14/6/2003, tôi cùng Tổng Lãnh sự nước ta lúc đó tại San Francisco Nguyễn Mạnh Hùng đã chơi golf với vợ chồng ông Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ đã chủ động kể cho tôi nghe chi tiết câu chuyện hồi kháng chiến chống Pháp, ông đã bị đưa về Hà Nội như thế nào trong khi đang lên cơn sốt rét ác tính nguy kịch.
Cùng dạo bước trên sân cỏ gần 5 tiếng đồng hồ, trong không khí cởi mở, thẳng  thắn, tôi và ông Kỳ đã trao đổi ý kiến về tình hình đất nước, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, về tình hình cộng đồng, tình hình khu vực Đông Nam Á...Ông đã bày tỏ sự đồng tình đối với các chủ trương đổi mới của Đảng ta, nói rõ không tán thành các hoạt động chống đất nước và ý kiến của một số cá nhân và nhóm phái trong cộng đồng đòi áp đặt mô hình dân chủ phương Tây vào đất nước ta...Sau cuộc chơi golf, tôi đã mời vợ chồng ông Kỳ ăn cơm cùng toàn đoàn chúng tôi.
Trong không khí cởi mở, vui vẻ của bữa cơm gặp lần đầu, với danh nghĩa Chủ nhiệm UBVNVNONN, tôi đã mời vợ chồng ông Kỳ về thăm quê hương. Một thoáng ngỡ ngàng, rồi niềm vui và xúc động đã lộ rõ trên nét mặt dày dạn phong sương của ông. Ông đã cảm ơn và sau đó bày tỏ với tôi  mong muốn được Nhà nước cho phép đưa một đoàn doanh nhân về làm ăn, hợp tác với đất nước như một cử chỉ hòa giải. Nửa năm sau, khi đang công tác tại Paris, tôi rất vui nhận được tin ông Nguyễn Cao Kỳ đã về thăm quê hương sau nửa thế kỷ xa cách, bể dâu.
Tôi cũng không thể nào quên cuộc gặp gỡ tối ngày 9/6/2003 với vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Hải tại nhà ông. Vợ chồng ông Hải là người miền Bắc, sau Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 mới di cư vào Nam. Vừa bước vào nhà, tôi có ấn tượng như tới thăm một gia đình trí thức ở Hà Nội, một không gian đầy ắp màu sắc và hương vị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Sau phần chào hỏi theo thông lệ, ông mời đoàn chúng tôi vừa dùng cơm tối vừa nói chuyện. Vừa ngồi vào bàn ăn, ông Hải đã nói thẳng với tôi: ông đang là " Chủ tịch Ủy ban bảo vệ chính nghĩa quốc gia" của thành phố Houston, ông là người chống cộng sản và vẫn kiên quyết chống cộng sản.
Thế là bắt đầu cuộc đối thoại và tranh luận rất thẳng thắn và không ít lúc có thể nói là "nảy lửa" giữa tôi và ông suốt bữa cơm kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ, trong đó, ông lý giải và bảo vệ lập luận cơ bản của ông là theo chủ nghĩa cộng sản thì sẽ mất độc lập dân tộc, rơi vào vòng thống trị của Nga cộng, Trung cộng; vì vậy ông đã đi với Pháp rồi Mỹ, vì đó là cách duy nhất để chống lại nguy cơ đô hộ của Nga cộng, Trung cộng, bảo vệ độc lập dân tộc(?!).
Còn tôi, đã lấy những sự thật lịch sử của nước ta, của Đảng ta và quan hệ quốc tế liên quan, đồng thời làm rõ những chủ trương, chính sách đổi mới hiện nay để chứng minh cho  ông chân lý hiển nhiên là chỉ có dưới ngọn cờ và sự lãnh đạo sáng suốt của Chủ tich Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thì đất nước ta mới giành lại được độc lập, thống nhất và đang trên đường xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Cuộc gặp gỡ với vợ chồng ông Hải đã kết thúc bằng một bài hát dân tộc mà ông Hải là người hát và ông Trần Văn Tạo, thành viên trong đoàn chúng tôi, là người đệm đàn. Lúc chia tay, ông Hải phát biểu giọng xúc động: "Tôi không ngờ các anh chị lại là những người thật dễ thương!".
Tôi cũng mời vợ chồng ông về thăm lại quê hương. Tôi được biết, chỉ vài tháng sau, vào dịp Quốc khánh năm 2003, ông Hải đã về thăm quê sau gần 50 năm xa cách và ông là một trong số kiều bào đầu tiên ở thành phố Houston đầu năm 2007 đã được nhận giấy miễn thị thực xuất nhập cảnh mỗi khi về nước.
                                                                            Hà Nội, tháng 9 năm 2009
                                        -------------------------------
* Nguyên: Ủy viên TƯ Đảng ( khóa VIII), Thứ trưởng Thường trực, Bí thư ĐU Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban VNVNONN, Phó Bí thư ĐU Khối Đối ngoại TƯ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự Tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam, thành viên các Ban chỉ đạo toàn quốc về Thông tin đối ngoại và Giải quyết hậu quả chất độc da cam, Đại sứ ĐMTQ tại Nicaragua kiêm Ecuador và tại Pháp kiêm Bồ Đào Nha.

SUY NGHĨ TỪ MỘT TRĂN TRỞ CỦA ÔNG NGUYỄN ĐÌNH BIN

TRÂN VĂN/ Blog VOA 27-3-2019

Một đoạn trong bài viết trên trang FB của ông Nguyễn Đình Bin.
Một đoạn trong bài viết trên trang FB của ông Nguyễn Đình Bin.

Trung tuần tháng này, ngày 19 tháng 3, ông Nguyễn Đình Bin, cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, cựu Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, than trên trang facebook của ông “15 năm một nghị quyết – Vết thương dân tộc vẫn chưa lành!” (1).
Nghị quyết mà ông Bin đề cập là Nghị quyết 36 NQ/TW được Bộ Chính trị đảng CSVN ban hành ngày 26 tháng 3 năm 2004, nhằm định hướng về “công tác với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”. Ông Bin – một trong những nhân vật chính, tham gia khai mở Nghị quyết 36 NQ/TW, trăn trở, tại sao người Việt “vẫn chưa hòa giải được với nhau”?
***
Hạ tuần tháng này, hôm 24 tháng 3, ông Nghiêm Xuân Vương, đại diện cho Diễn đàn “Tôi và sứ quán”, tiếp tục gửi thêm một Thư ngỏ nữa cho giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, hối thúc giải quyết tình trạng lạm thu của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài đối với… người Việt ở bên ngoài Việt Nam (2).
Diễn đàn “Tôi và sứ quán” hiện có khoảng 30.000 thành viên (3). Mục tiêu chính của diễn đàn này là chia sẻ thông tin, ý kiến của những người Việt đang cư trú bên ngoài Việt Nam về những vấn đề có liên quan trong tương quan giữa họ với các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc.
Diễn đàn “Tôi và sứ quán” chính là một trong những nơi góp vô số câu câu trả lời cho… trăn trở của ông Bin. “Hòa” thế nào khi các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc chỉ xem người Việt cư trú ở nước ngoài như… một công cụ, dùng đủ mọi phương tiện để vòi tiền khi họ cần đổi hộ chiếu, xin hôn thú, khai sinh cho con, hoặc bỏ quốc tịch Việt Nam, xin visa, miễn thị thực?..
Đó cũng là lý do, trong bốn năm vừa qua, Diễn đàn “Tôi và sứ quán” luôn luôn sôi động với những tố cáo cụ thể và những chia sẻ, hướng dẫn cũng hết sức cụ thể của những người Việt cư trú ở nước ngoài từng “ở trong chăn”, nhằm giúp nhau đối phó: Vận dụng qui phạm pháp luật nào? Với từng cơ quan ngoại giao cụ thể của Việt Nam ở ngoại quốc, khi có nhu cầu, buộc phải liên hệ thì hành xử ra sao?...
Ngày 26 tháng 3 vừa qua, Nghị quyết 36 NQ/TW tròn 15 tuổi và vẫn là “kim chỉ nam” cho “công tác với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam tiếp tục thề hứa, trình bày nỗ lực giảng hòa nhưng một số đề nghị của người Việt đang cư trú tại nước ngoài, vốn chính đáng và hết sức đơn giản vẫn không hề được giải!
Tại sao các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc vẫn không công bố một cách rạch ròi những yêu cầu khi người Việt cư trú ở ngoại quốc cần hỗ trợ về thủ tục hành chính để họ không bị “vẽ”, bị “quay” cho tới khi chịu dấm dúi? Tại sao các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở ngoại quốc vẫn không niêm yết phí của từng loại thủ tục hành chính để đồng bào của họ không bị đồng chí của họ mổ, vắt, vặt?...
Chẳng ai dám chắc, thêm lần này, “những người cầm nắm sinh mệnh dân chúng, tương lai của đất nước”, tác động trực tiếp tới “sự nghèo hèn hay thịnh vượng, sự minh bạch hay gian dối” của Việt Nam, có “thôi vì bản thân”, chịu “làm người có lương tri để nghĩ cho dân chúng” , không “nhẫn tâm biến công dân của mình trở thành người vô cảm, ngoảnh mặt với đất nước” như Diễn đàn “Tôi và sứ quán” kêu gọi hay không?
***
Chuyện Nghị quyết 36 NQ/TW tròn 15 tuổi, trăn trở của ông Nguyễn Đình Bin, sự phẫn nộ của những người Việt cư trú ở ngoại quốc trên Diễn đàn “Tôi và sứ quán” trước tình trạng các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài lạm quyền để lạm thu tiếp tục diễn ra giữa “thanh thiên, bạch nhật”, không biết bao giờ mới dứt,… khiến người viết bài này nhớ tới chương trình “Taglit-Birthright Israel” (Khám phá quyền thừa kế Israel).
Theo Wikipedia, “Taglit-Birthright Israel” là tên một chương trình dành cho những người gốc Do Thái cư trú trên khắp thế giới. “Taglit-Birthright Israel”, hay “Birthright Israel” khuyến khích những cá nhân gốc Do Thái trong độ tuổi từ 18 đến 32 trên khắp thế giới, chưa từng đến Israel, ghi danh tham dự. Khởi đầu từ 1999, “Taglit-Birthright Israel” đã đưa khoảng 600.000 thanh niên gốc Do Thái, cư trú ở 67 quốc gia về Israel (4).
Trong chuyến hành hương về quê cha, đất tổ kéo dài mười ngày ấy, những thanh niên gốc Do Thái được đưa đến nhiều nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay lịch sử dân tộc Do Thái mà họ chỉ từng biết qua truyền khẩu từ ông bà, cha mẹ hay phim ảnh, sách báo. “Taglit-Birthright Israel” chỉ đài thọ một phần chứ không phải toàn bộ chi phí. Người tham gia phải góp phần còn lại.
Năm ngoái, nhiều người sử dụng Internet chuyển cho nhau xem một video clip, ghi lại cảnh Học viện Nhạc – Vũ kịch Jerusalem, đổ ra phi trường Ben Gurion, chào đón những đồng bào gốc Do Thái của họ, lần đầu tiên về quê cha, đất tổ qua một “Taglit-Birthright Israel” năm 2018, vào dịp Quốc khánh lần thứ 70 của quốc gia này (14/5/1948 – 14/5/2018) (5).
Ai không thích thú, không cảm động khi thấy cảnh phi trường Ben Gurion đột nhiên vang lừng tiếng đàn của nhiều nhạc công, tiếng hát của nhiều ca sĩ, tưng bừng với vũ điệu của nhiều vũ công ở đủ mọi độ tuổi. Bài hát chỉ ba từ “Hevenu Shalom Alehem” (lời chào, lời chúc hòa bình cho thế giới) lập đi, lập lại ở nhiều cung bậc khác nhau đã kéo những thanh niên gốc Do Thái lần đầu về Israel, sung sướng nhập cuộc hát, múa như về nhà?
Do Thái là dân tộc duy nhất lưu vong khắp thế giới trong 20 thế kỷ (giữa thế kỷ thứ nhất đến giữa thế kỷ 20) và cuối cùng tái lập được quốc gia trên đất đai vốn từng thuộc về tổ tiên của mình. Vì nhiều lý do, quốc gia Israel nhỏ bé, lọt thỏm giữa thế giới Ả Rập bị các quốc gia Ả Rập nằm chung quanh xem là kẻ thù nhưng dù “bất cộng đái thiên”, thề không đội chung Trời với Israel nhưng thế giới Ả Rập vẫn chưa nuốt được Israel.
Ngày 14/5/1948, khi tuyên bố tái lập Israel, những người Do Thái ở Israel chỉ nói vài lời, chủ yếu là thông báo với người Do Thái trên toàn thế giới rằng họ vừa có tổ quốc, rằng khát vọng 2.000 năm của ông bà, cha mẹ họ đã thành sự thật, tuy nhiên sự thật ấy hiện hữu trong bao lâu là trách nhiệm của từng cá nhân tự xem mình là Do Thái. Người Do Thái đã không để Israel bị thế giới Ả Rập nuốt chửng dù mới… ra ràng.
Không về Israel cầm cuốc để xây dựng, cầm súng để bảo vệ quê cha, đất tổ, người Do Thái góp tiền, góp sức, kể cả vận động chính quyền quốc gia nơi họ cư trú và cộng đồng quốc tế hỗ trợ xứ sở của họ… Israel giờ là quốc gia có mức sống cao nhất khu vực Trung Đông, kinh tế Israel – quốc gia thiếu đủ thứ tài nguyên, kể cả nước, chỉ toàn đá và cát – giờ đứng thứ 32 trong bảng xếp hạng của thế giới (6).
Israel là một trong số rất ít quốc gia cưỡng bức thi hành nghĩa vụ quân sự đối với cả nam (hai năm 8 tháng), lẫn nữ (hai năm) (7), đồng thời thu nhận cả những thanh niên gốc Do Thái đang sống tại những quốc gia khác trên thế giới vào quân đội. Năm nào cũng có thanh niên gốc Do Thái từ 41 quốc gia trên thế giới quay về Israel thi hành nghĩa vụ quân sự (8) và không ít người an nghỉ trên quê cha, đất tổ sau những đợt tấn công khủng bố.
***
Israel được như ngày hôm nay vì là của mọi người Do Thái, kể cả những người chỉ có gốc Do Thái nhờ cha mẹ, hoặc cha hay mẹ mang dòng máu Do Thái. Thành quả mà Israel đạt được, vị trí mà Israel có được, luôn được khẳng định là công sức của các thế hệ Do Thái trong và ngoài Israel, không có đảng phái hay tổ chức chính trị nào ở Israel giành những thành quả ấy là công của mình để đòi lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối.
Israel không thuộc về bất kỳ đảng phải, tổ chức chính trị nào nên không cần định hướng bởi những thứ như Nghị quyết 36 NQ/TW. Còn đòi “hòa” mà vẫn không cho nói, không muốn nghe, không khoan thứ những “đối tượng” không chịu “thờ” mình, thậm chí những chuyện rất nhỏ như giải trừ nhũng nhiễu đồng… bào tại các cơ quan ngoại giao đại diện Việt Nam ở nước ngoài mà cũng không muốn làm thì… giải thế nào được!
Chú thích


Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

20190329. BÀN VỀ QUY ĐỊNH NÊU GƯƠNG ( 08/QĐ-TW 25-10-2018)

ĐIỂM BÁO MẠNG
NÊU GƯƠNG-MỘT PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

PHAN XUÂN SƠN, NGUYỄN THỊ THANH DUNG /TCCS 25-12-2018

Ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Ảnh: TTXVN
Nêu gương - Khái niệm và những giá trị đặc trưng
Nói về khái niệm, nêu gương, hay làm gương (exemple) là làm mẫu; là tạo ra một mẫu mực cho người khác học và làm theo. Làm gương và noi gương là một quá trình hình thành các tập quán, tập tính, hay nói cách khác, là cách mà con người xã hội hóa nhân cách cá nhân. Nói một cách nôm na, đơn giản, các hành động noi gương hay làm theo gương của người khác là “bắt chước”, học tập, thực hành...Vì vậy nêu gương và noi gương, trước hết là một phạm trù của giáo dục, của lãnh đạo.
Vấn đề nêu gương được chú ý như một phương thức quản trị xã hội được nói đến trong các lý thuyết triết học, chính trị từ thời cổ đại, ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Con người và ngay cả thế giới động vật nói chung để sinh tồn, trước hết phải thông qua các hành vi bắt chước, làm theo, học tập từ các hành vi mẫu. Nhờ đó, hình thành các loại hành vi mang tính chuẩn mực của đời sống cộng đồng, xã hội, của loài.
Trong đời sống xã hội, nêu gương chủ yếu được nhấn mạnh ở việc thực hành các chuẩn mực xã hội (đạo đức, pháp luật...). Như vậy, nêu gương hay làm gương luôn phải đi kèm với noi gương, học tập và làm theo các tấm gương ấy. Nói gọn lại, nêu gương và noi gương là loại hành vi thuộc tính của xã hội loài người trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực lãnh đạo, quản lý.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất hiểu và vận dụng khéo léo, hợp lý các nguyên lý, bản chất nêu gương của Đông - Tây. Suốt đời Người thực hành nêu gương, làm gương và noi gương; và chính Người đã trở thành tấm gương sáng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Làm người lãnh đạo (dẫn đường) phải có nhiều phẩm chất, nhưng một trong những phẩm chất quan trọng nhất là đi tiên phong, phải làm gương cho người theo sau. Người nói, đảng viên đi trước, làng nước theo sau và “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(1).
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nêu gương luôn là một phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, dù phải chịu tra tấn, tù đày, án chém, bom đạn, đói khát... đảng viên của Đảng là những tấm gương hy sinh tất cả, vì thắng lợi của cách mạng. Trong hòa bình xây dựng đất nước, nhiều đảng viên của Đảng cũng phải lao tâm khổ trí, chịu nhiều thiệt thòi, quyết tìm tòi con đường đổi mới; gắn vận mệnh đổi mới với vận mệnh đất nước, gia đình, bản thân; sướng khổ, vui buồn cùng những thăng trầm của đất nước, của sự nghiệp đổi mới.
Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.
Ngày 07-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó, quy định rõ bảy nội dung nêu gương: 1-Về tư tưởng chính trị; 2- Về đạo đức, lối sống, tác phong; 3- Về tự phê bình, phê bình; 4- Về quan hệ với nhân dân; 5- Về trách nhiệm trong công tác; 6- Về ý thức tổ chức kỷ luật; 7- Về đoàn kết nội bộ. Tiếp theo Quy định số 101-QÐ/TW, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25-10-2018(2) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”.
Trong Quy định số 08-QĐ/TW, không quy định theo từng lĩnh vực, nhưng quy định thành các điều, nêu rõ: Để thực hiện trách nhiệm nêu gương, cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải đi đầu thực hiện trách nhiệm nêu gương, phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực, như chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, lạm quyền, trục lợi...
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, người suốt đời hy sinh, chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, đấu tranh không ngừng nghỉ vì sự nghiệp giải phóng đồng bào, giải phóng nhân loại bị áp bức, đọa đày, đau khổ ở Việt Nam và trên thế giới là một tấm gương vĩ đại, toàn diện và gần gũi mà toàn Đảng, toàn dân cần học tập và noi theo.
Đảng ta đã có ba chỉ thị về học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 7-11-2006, của Bộ Chính trị khóa X, về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị khóa XI, về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hiện các chỉ thị này đã trở thành các cuộc vận động lớn với nhiều hình thức, giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có dịp tìm hiểu sâu sắc thêm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu, tiếp thu một cách hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ với tư cách là một lãnh tụ, mà là với tư cách một Con Người, một chiến sĩ đấu tranh vì sự giải phóng và tiến bộ, để học tập và noi theo gương của Người.
Các quy định, chỉ thị về thực hiện việc nêu gương của Đảng không những đã cụ thể hóa một phương thức lãnh đạo (bằng nêu gương) của Đảng, mà còn phù hợp với các “nguyên lý” về nêu gương trong đời sống xã hội nói chung, trong đời sống chính trị nói riêng, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Các quy định, chỉ thị của Đảng về học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh và về nêu gương vừa mang tính khách quan, tất yếu, vừa thể hiện rằng, nêu gương là một vấn đề quan trọng, không thể thiếu trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, trong việc trao truyền văn hóa giữa các thế hệ con người Việt Nam hiện nay.
Chủ thể và đối tượng nêu gương
Nêu gương là một phương pháp giáo dục đạo đức hiệu quả. Giáo dục đạo đức là giáo dục con người tiếp nhận và thực hành theo những chuẩn mực được xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, nhất là trong những giai đoạn có những biến đổi mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, khi đó lối sống, các chuẩn mực đạo đức vốn đã trừu tượng, không chỉ cũng biến đổi theo mà nhiều lúc còn trở nên lẫn lộn, rối rắm, phức tạp. Trong bối cảnh đó, chỉ ra được một tấm gương sẽ có tác dụng rất lớn trong sinh hoạt tư tưởng và định hướng tâm trạng xã hội. Ví dụ, một tấm gương vượt khó làm giàu chính đáng hiện nay, có thể cắt nghĩa được rất nhiều khái niệm từ “bóc lột”, “yêu nước” đến các khái niệm như “cá nhân”, “tập thể” và “đóng góp cho xã hội”... Trong bối cảnh mà “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”... thì việc chỉ ra một tấm gương tốt dễ hiểu hơn, cụ thể hơn nhiều, nhất là đối với đa số quần chúng nhân dân, những người ít có điều kiện để nghiên cứu và hiểu rõ các khái niệm, thuật ngữ khoa học. Khi đã hiểu rõ được thế nào là tốt - xấu, thiện - ác, thông qua tấm gương, con người sẽ hành động theo tấm gương đó.
Do tính hiệu quả của nêu gương trong lãnh đạo, nhất là trong công tác tư tưởng, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Vấn đề đặt ra là ai nêu gương cho ai? Hồ Chí Minh cho rằng: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”(4).
Nêu gương là một công cụ và thuộc tính của lãnh đạo. Người lãnh đạo là người dẫn đường, truyền cảm hứng, động viên, tổ chức quần chúng nhằm đạt đến mục tiêu, tầm nhìn nhất định. Mục tiêu, tầm nhìn của người lãnh đạo thông thường phải xa hơn quần chúng. Người lãnh đạo là đi tiên phong thực hiện tầm nhìn ấy, phải chấp nhận tất cả những khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro, hy sinh trên con đường mới. Muốn thu hút, lôi kéo, động viên được quần chúng theo mình, người lãnh đạo không chỉ đi tiên phong, mà còn là người nêu gương cho những người đi theo. Do vậy, nêu gương là công cụ, là thuộc tính của người lãnh đạo. Ai muốn trở thành người lãnh đạo, người đó phải là một tấm gương và phải biết nêu gương.
Như vậy, nêu gương là trách nhiệm, nhiệm vụ của người lãnh đạo, quản lý. Ở nước ta, những người phải có trách nhiệm làm gương cho nhân dân, cho quần chúng, trước hết phải là những cán bộ, đảng viên của Đảng. Cương vị càng cao, chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng lớn. Chính vì vậy mà khi nói về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, các quy định của Đảng đều nhấn mạnh “nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”. Trong cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, Quy định số 08-QĐ/TW yêu cầu “trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “gương mẫu thực hiện trách nhiệm nêu gương”.
Đảng ta là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, để có những thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã từng đi tiên phong, gương mẫu. Để giữ được vai trò lãnh đạo, các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng luôn luôn phải đi tiên phong và gương mẫu. Đó không chỉ là một yêu cầu đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn được đặt ra như là một chuẩn mực, một phẩm chất đạo đức của người đảng viên, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau; lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ.
Hiện nay, sự suy giảm vai trò nêu gương của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Không ít cán bộ, đảng viên, không những không nêu gương, mà còn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Không những không đi trước thiên hạ trong việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mà lại chạy theo lối sống ích kỷ, vụ lợi, “vinh thân phì gia”, kéo bè kéo cánh, lách luật, lách quy trình, bổ nhiệm con cháu, người nhà vào các vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước; tham ô, tham nhũng, sống xa hoa, lãng phí trên tiền của do tham nhũng, đục khoét, ăn cắp của Nhà nước và của nhân dân.
Năng lực, trách nhiệm của người lãnh đạo trong nêu gương là phải biết nắm bắt những xu thế vận động mới của đời sống xã hội, đổi mới tư duy, đổi mới hành động sao cho đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển của đất nước, của địa phương, của cộng đồng. Đây lại là một vấn đề lớn trong nêu gương, nêu gương về tư tưởng, hay có thể nói là về sinh hoạt tư tưởng, về tư duy. Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII đã bổ sung và làm rõ nội dung này.
Tấm gương đổi mới tư duy của Đảng mở ra một thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước là một bài học lớn về nêu gương trong sinh hoạt tư tưởng. Cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một tấm gương sáng về tư duy, tư tưởng, về việc vận dụng sáng tạo các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, của tinh hoa văn hóa nhân loại, truyền thống tư duy dân tộc, vượt qua các loại tư duy bảo thủ, trì trệ, giáo điều, máy móc để hoạch định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên của Đảng
Nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc.
Đối với mình, không được tự cao tự đại, tự mãn, mà phải cần, kiệm, liêm, chính; phải là “Nhân, Trí, Dũng, Liêm”; bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên học tập, rèn luyện, tự phê bình, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân về mọi mặt để tiến bộ.
Ðối với người, phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. Đối với người, trước hết và quan trọng nhất là đối với đồng chí, đồng sự, nhất là đối với cấp dưới và sau đó là đối với quần chúng nhân dân. Đối với cấp dưới, “Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn, v.v.”(5). Đối với quần chúng, phải gắn bó với quần chúng, lấy quyền, lợi ích, nguyện vọng của quần chúng làm điểm xuất phát để xây dựng các chủ trương, chính sách. Chúng ta phải yêu dân, kính dân, thì dân mới yêu ta, kính ta.
Đối với việc, phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; phải luôn giữ vững nguyên tắc “Dĩ công vi thượng”, phải “chí công vô tư”, phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.
Ba mối quan hệ ấy chứa đựng nhiều nội dung cụ thể rất phong phú và chúng cũng biến đổi theo từng thời kỳ phát triển của cách mạng. Ngày nay, trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế... đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của các yếu tố thời đại, ba mối quan hệ đó chứa đựng nhiều nội dung về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và phải được cụ thể hóa, thậm chí thể chế hóa trong nêu gương và noi gương.
Nhiều nội dung rất mới được nêu trong Quy định số 08-QĐ/TW cho thấy rõ điều đó. Ví dụ, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương: “Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm” (Điều 2, khoản 1); “Chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách hành chính, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ” (Điều 2 khoản 3); “Tích cực thực hiện quy định về phân cấp, phân quyền và kiểm soát chặt chẽ quyền lực” (Điều 2, khoản 5); “Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ” (Điều 2, khoản 8)...
Phương thức nêu gương
Nêu gương và noi gương là thực hành đạo đức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn nêu gương, thì cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện nói đi đôi với làm, và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền, nói ít làm nhiều, nói được làm được. Tránh thói ba hoa, chống thói nói một đằng làm một nẻo. Người nói: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước...Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”(6).
Phải xây dựng những tấm gương tốt để nêu gương. Cần thấy rằng, các tấm gương, các mẫu mực luôn biến đổi theo sự biến đổi xã hội, trong đó có những giai đoạn biến đổi rất nhanh chóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(7).
Vấn đề quan trọng cần làm rõ là trong đời sống xã hội nói chung, trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội..., ai, chuẩn mực gì thì được coi là tấm gương, ai và tổ chức nào phải noi theo, làm theo? Một đảng lãnh đạo và cầm quyền như Đảng ta, trong mỗi bước chuyển của lịch sử, trong mỗi giai đoạn của cách mạng, cần phải chủ động xây dựng các điển hình, các tấm gương tốt, thậm chí phải thể chế hóa vấn đề nêu gương, làm gương và noi gương. Phải có thái độ đúng đắn, rõ ràng đối với các tấm gương tốt (chính diện) và gương xấu (phản diện). Điều này làm cho vấn đề nêu gương, làm gương và noi gương trở thành một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, cấp thiết và thường xuyên trong sinh hoạt chính trị nói chung, trong xây dựng Đảng nói riêng.
Vấn đề nêu gương, làm gương, noi gương là một trong những công cụ và phương thức quan trọng của lãnh đạo, nhưng không phải là duy nhất. Cần đặt vấn đề nêu gương trong mối quan hệ với các công cụ lãnh đạo khác nữa, để phát huy cao nhất hiệu quả lãnh đạo của Đảng, nhất là trong điều kiện hiện nay. /.
-----------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 16
(2) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Quy-dinh-08-QDi-TW-2018-trach-nhiem-neu-guong-cua-can-bo-dang-vien-Uy-vien-Bo-Chinh-tri-397977.aspx
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 184
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 322
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 16, tr. 130
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672
Phan Xuân Sơn(*), Nguyễn Thị Thanh Dung(**)(*) GS, TSKH, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (**) TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
VÀI Ý 'THU HOẠCH'
NGÔ THẾ BÍNH/ NTB Blog 29-3-2019
Đọc xong, xin được nêu vài ý "thu hoạch':
- 'Nêu gương' là một thuật ngữ của khoa học và nghệ thuật quản lý, biểu thị những hành vi của chủ thể quản lý có tác dụng lôi kéo, thúc đẩy các đối tượng quản lý bắt chước, làm theo mà không cần tới các biện pháp hành chính và kinh tế. (Đối tượng quản lý là con người trong một tổ chức nhất định ( đơn vị kinh tế, chính trị xã hội, v.v...)
- Nêu gương là phương thức lãnh đạo quan trọng của ĐCSVN được thể hiện trong tư tưởng HCM và nhiều văn bản nghị quyết của ĐCSVN.
- Để quy định nêu gương đi vào cuộc sống, theo tôi:
   *Nêu gương phải xuất phát từ mục đích đúng đắn, phù hợp với cương vị đảng viên và hoàn cảnh. Tránh hình thức, phô diễn giả tạo. Người có cương vị càng cao thì trách nhiệm nêu gương càng lớn.
   *Nói HAY phải đi đôi với việc làm HAY. Việc làm HAY phải kết hợp tuyên truyền vận động quần chúng cùng làm. Nói phải có suy nghĩ, để phản ánh đúng sự thật. Đảng viên 'trong sạch' phải nêu gương cho các  đảng viên khác là dũng cảm đấu tranh với những bất hợp lý và tiêu cực trong tổ chức và xã hội.
   *Tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện quy định nêu gương là góp phần nâng được lòng tin của quần chúng, nâng cao cao chất lượng  mọi hoạt động của tổ chức (năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh v.v...)
ÔNG NHỊ LÊ: "LÀ ĐẢNG VIÊN, TÔI SUY NGHĨ RẤT NHIỀU VỀ CHỮ LIÊM SỈ" 
LAN ANH ghi/ TVN 23-3-2019
 - Phải chăng những đảng viên thiếu gương mẫu, những cán bộ suy thoái, biến chất đã làm cho niềm tin của dân đối với Đảng suy giảm? Đó là một thực tế rất đáng suy nghĩ!
Đảng đã ban hành rất nhiều quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương nhưng khi thực thi thì hiệu quả chưa như mong đợi.
Tôi băn khoăn một số điểm. Những quy định đó có phù hợp với thực tiễn hay không; việc tổ chức thực hiện có tương xứng với mục tiêu đề ra; những người thực thi có nghiêm túc; và các thiết chế cần và đủ để bảo đảm thực hiện các quy định đó đã hoàn thiện chưa.
Chỉ trong vòng bốn năm nay, Đảng đã ban hành 3 quy định về nêu gương. Đó là Quy định 101 ngày 7/6/2012 dành cho tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng; Quy định 55 ngày 20/12/2016 về tăng cường một bước mạnh mẽ vấn đề nêu gương trong toàn Đảng và Quy định 08 vào tháng 10/ 2018 của Ban Chấp hành Trung ương.
Bên cạnh đó, Đảng còn có quy định về giám sát, kiểm tra ở tất cả các cấp từ Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và ở tất cả các đối tượng đảng viên.

Ông Nhị Lê: ‘Là đảng viên, tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ liêm sỷ’
 Ông Nhị Lê: ‘Là đảng viên, tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ liêm sỷ’
Chưa có thời kỳ nào vấn đề nêu gương được Đảng đề ra mạnh mẽ và nghiêm khắc ở tất cả các nội dung, đối với tất cả các đối tượng đảng viên như bây giờ. Tuy nhiên, theo tôi, việc thực thi các quyết định chưa tương xứng, chưa được như mong muốn, đặc biệt là chưa tương xứng với nguyện vọng của  nhân dân đối với cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền. Thực tiễn đã đi rất xa.
Chúng ta hãy nhìn lại một loạt cán bộ các cấp bị kỷ luật, bị khai trừ. Trong lịch sử của Đảng, lần đầu tiên một Ủy viên Bộ Chính trị bị truy tố trước pháp luật về tội tham nhũng; một loạt cán bộ cao cấp bị xử lý kỷ luật, truy tố...
Tất cả những “ung nhọt” mà cán bộ, Đảng viên ở các cấp mắc phải phản ánh rất rõ một thực tế: Đảng dù đã rất cố gắng xử lý tệ thoái hóa, biến chất nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu. Điều đó nhắc nhở, mục tiêu đã rõ, lộ trình đã được minh định nhưng còn vấn đề thể chế.
Đã nhiều lần tôi đề cập đến vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, đặc biệt theo Quy định 08 đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, nơi là hạt nhân của Đảng. Nếu hạt nhân bị tổn thương, không còn nguyên vẹn sẽ không sử dụng được nữa. Trong vòng 6 năm nay, Trung ương Đảng hết sức lo lắng, tìm mọi phương sách để chỉnh đốn Đảng.
Nói ngắn gọn, gia có gia phong, nước có quốc pháp, đảng có đảng cương. Gia phong, quốc pháp, đảng cương mà lỏng lẻo thì không nói chuyện gì đến gia đình tốt, đến đất nước yên ổn, đảng hùng mạnh cả. Cho nên những vấn đề xung quanh thể chế là một trong những phương sách căn bản để thực thi nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Trong 6 năm qua, 3 quy định nêu gương ở mọi tầm mức cho thấy, vấn đề nêu gương ngày càng trở thành vấn đề hệ trọng, then chốt, có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng lòng tin của nhân dân.
Quy định 08 được ban hành trong Đảng, được phổ biến đến toàn thể xã hội, trong bối cảnh chúng ta bước qua giai đoạn rất quan trọng trong việc quyết định thành bại của Nghị quyết Đại hội XII tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đối tượng điều chỉnh của Quy định này trước hết  là 200 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, là tinh hoa của Đảng.
Điều này cho thấy, chúng ta rất khó nâng cao vị thế, nâng cao năng lực, nâng cao trách nhiệm cầm quyền của Đảng nếu không tập trung nâng cao trách nhiệm nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương.
Vấn đề này không chỉ là cam kết về mặt chính trị mà còn là cam kết về mặt đạo lý, đạo đức của Đảng với quốc gia, dân tộc, với toàn thể nhân dân.
Quy định 08 trước hết tập trung ở tinh hoa của Đảng, tức là 200 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, dù chính thức hay dự khuyết. Một dân tộc người đứng đầu không xứng đáng với trách nhiệm của người đứng đầu thì dân tộc đó sẽ đi đến đâu? Một Đảng cũng như vậy, dù ở cấp nào.
Cho nên, tiếp tục phát triển Quy định 101, Quy định 55, Quy định 08  cho chúng ta thấy tầm mức của sự cấp bách trong lộ trình đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng. Nếu chúng ta không thực thi tốt Quy định 08, rất khó nói về tương lai, nói về vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Với tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với tinh thần thượng tôn pháp luật, việc nghiêm túc chấp hành vô điều kiện đường lối của Đảng là yêu cầu sống còn với các cán bộ, đảng viên.
Lòng tin của nhân dân là tài sản thiêng liêng nhất, quý báu nhất của Đảng. Lòng tin của nhân dân là quốc bảo để giữ gìn, phát triển quốc gia, dân tộc. Lòng tin là tín chấp chiến lược đối với bạn bè quốc tế. Việc xử lý cán bộ của chúng ta không có vùng cấm. Kỷ luật của Đảng là bình đẳng đối với mọi đảng viên, dù đảng viên giữ trọng trách, hay chưa giữ trọng trách trong Đảng. Như vậy mới có lòng tin.
Những vụ “đại án” cho thấy, nếu Đảng không giữ vững tay chèo sẽ rất khó giữ vững sự nghiêp của Đảng. Nó như con sóng vỗ, ăn mòn niềm tin của dân với Đảng, của đảng viên với Đảng, ăn mòn niềm tin của bạn bè quốc tế với Đảng, thì hậu quả khôn lường. Cho nên, nêu gương trước hết là nêu gương trong xử lý kỷ luật.
Trước đây được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào, vinh dự, có ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người, đối với cũng như cả gia đình, dòng họ. Bây giờ không ít người “ngại” vào Đảng. Phải chăng  những đảng viên thiếu gương mẫu, những cán bộ suy thoái, biến chất vừa qua đã làm cho niềm tin của dân đối với Đảng suy giảm? Đó là một thực tế rất đáng suy nghĩ!
Thực tế đó không phải bây giờ mới diễn ra. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề cập nhiều lần rồi. Qua nhiều năm vì sao lại như thế? Đó không phải chỉ là câu hỏi của Đảng, trước hết cố nhiên đó là trọng trách của toàn Đảng, là niềm đau đáu của nhân dân.
Là đảng viên, tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ liêm sỉ. Vì sao Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là trí tuệ, là danh dự, là lương tâm của thời đại, là đứa con nòi của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, mà đây đó, thanh niên của chúng ta chưa có nguyện vọng, chưa khao khát đứng, thậm chí “ngại ngần” đứng trong hàng ngũ của Đảng?
Tôi nghĩ từ có rất nhiều lý do. Họ nhìn thấy những đảng viên hàng ngày hàng giờ sống quanh họ chưa thực sự nêu gương, ảnh hưởng đến niềm tin của họ về Đảng. Thậm chí có những đảng viên đi ngược đạo lý, ngược lại lợi ích của nhân dân. Chính vì như vậy, chúng ta bàn định vấn đề nêu gương ở tất cả các tầm mức, các đối tượng trong toàn Đảng.
Ban Bí thư đã ra một Chỉ thị về việc sàng lọc đảng viên trong Đảng, để thực sự Đảng ta là tinh hoa của dân tộc, là đạo đức của dân tộc, đặc biệt để giữ gìn kỷ luật của Đảng.
Tôi theo dõi suốt mấy chục năm nay, hiếm có thời kỳ nào như hiện nay, việc đề ra và giữ vững kỷ luật Đảng, kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện nghiêm khắc pháp luật Nhà nước trong việc xử lý cán bộ, đảng viên mạnh mẽ, hiệu quả và công khai như bây giờ.
Điều đó cũng góp phần củng cố niềm tin của Đảng ta trong việc nêu gương. Xử lý các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng vi phạm kỷ luật ngay trong khóa XII, đấy chính là nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương trước toàn Đảng, toàn dân.
Đảng chúng ta là đảng cách mạng, là đảng hành động. Những quy định đề ra phải được thực hiện nghiêm; đã là quy định thì không thể không làm. Cá nhân tôi và đông đảo nhân dân trông chờ Ban Chấp hành Trung ương hành động một cách công khai, không nói suông.
Hội nghị mới đây nhất lựa chọn, quy hoạch 250 đồng chí cho Đại hội Đảng khóa XIII, theo tôi hiểu đó là những tấm gương. Nếu không chọn được những tấm gương tốt, thực sự là tấm gương thì là phản nêu gương, không nói chuyện nêu gương được nữa. Ngay trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, mới hết nửa nhiệm kỳ đã có 3 đồng chí bị cách chức… để thấy rằng hành động trước hết của Ban Chấp hành Trung ương là như vậy.
Bác Hồ nói một ý rất hay: Dưới ngọn cờ của Đảng, các thành quả không được xây trên nền nhân dân, vì nhân dân thì không có nghĩa gì cả. Hơn 5 triệu đảng viên của Đảng phải thực sự là những tấm gương.
Lan Anh ghi
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
THẢO LUẬN:
  • NGUYỄN ĐỨC VINH 16:50 Chủ nhật
    Liêm sỷ là thứ xa xỉ, tuy nhiên những người không có cơ hội vô liêm sỉ thì tất nhiên là họ có liêm sỉ và ngược lại. Vậy cơ hội vô liêm sỉ thường xảy ra ở đâu? Và thường đến với những ai?
  • NAM NGUYEN HOAI 06:39 Thứ bảy
    Việc nêu gương là phải làm gì, ai cũng nói được, nhưng thực hành thì lại khác xa. Một điều rất khó làm là thế này : sếp cao nhất thường là đảng viên, nhưng chuyện lương bổng, đề bạt... cấp dưới thế nào là do quyền ông ta hết. Vậy ...
  • LÊ HỒNG HUYÊN 14:35 Chủ nhật
    Tôi cho rằng, là con người bình thường thì phải có liêm sỹ.
  • TRẦN NGỌC 09:08 Thứ bảy
    Các quy định về nêu gương có đủ rồi, những tấm gương về không thực hiện các quy định của Đảng đã xuất hiện như: khoán sử dụng tài sản công, giảm biên chế, cắt giảm các thủ tục hành chính, thu phí không dừng trạm BOT....không bị xử lý công khai sẽ càng làm mất niềm tin nơi dân chúng
  • HÀ MY  07:07 Thứ bảy
    Thực chất chúng ta chưa có quy định bảo vệ người dân và đảng viên tốt khi nói lên sự thật và tố cáo đảng viên là lãnh đạo. Người tố cáo bị trù dập thậm chí còn bị đẩy vào tù tội oan sai vì người tố cáo không có ...
  • NGUYỄN QUANG THẮNG 08:21 Thứ bảy
    Cảm ơn đ/c Nhị Lê, đã có bài viết sâu sắc cả lý luận và thực tiễn, góp phần tuyên truyền một cách đúng đắn trong Đảng và ngoài xã hội.Phải siết chặt kỷ cương hơn nữa, phòng chống tham nhũng trong Đảng hơn nữa để nâng cao niềm tin của ...
TRAO ĐỔI VỚI ÔNG NHỊ LÊ
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ viet-studies 27-3-2019
Được biết ông là tiến sĩ, phó TBT tạp chí Công sản. Như vậy ông thuộc loại trí thức bậc cao của ĐCSVN. Tôi đã đọc nhiều bài viết của ông để biết các trí thức của Đảng suy nghĩ và viết như thế nào. Tôi vừa đọc bài do Lan Anh ghi, đầu đề : Ông Nhị Lê :’ Là đảng viên tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ liêm sỷ” (Viet-Studies  ngày 23/ 3/ 2019). Đọc xong tôi cảm thấy buốn cho trình độ hiểu biết của các trí thức đảng, đặc biệt khi xem lời bình “ Còn THD không phải là đảng viên nên nghĩ rất ít về 2 chữ này”.
Liêm sỷ! Tại sao đảng viên, trí thức cấp cao suy nghĩ rất nhiều, thế  mà không phải đảng viên lại nghĩ rất ít.
Khi đọc bài này  của tôi chắc ông sẽ có phản ứng. Xin bình tĩnh suy xét. Tôi rất muốn gửi Email hoặc gọi điện thoại cho ông nhưng không tìm thấy địa chỉ. Tôi để lại địa chỉ cuối bài , rât mong được trao đổi ý kiến. Sẽ rất tốt khi ông vui lòng gặp trực tiếp để trao qua đổi lại kịp thời. Tôi vẫn mong được đối thoại về Mác Lê, về Đảng cầm quyền với các trí thức bậc cao của Đảng mà chưa có dịp.
Ông  đã có một số câu phù hợp với tôi, như là : “ Tất cả những “ung nhọt” mà cán bộ, Đảng viên ở các cấp mắc phải phản ánh rất rõ một thực tế: Đảng dù đã rất cố gắng xử lý tệ thoái hóa, biến chất nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu…..; Lòng tin của nhân dân là tài sản thiêng liêng nhất, quý báu nhất của Đảng…..; Trước đây được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào, vinh dự, có ý nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người,cũng như cả gia đình, dòng họ…;”
Tuy vậy những giải thich, những lập luận của ông là ngược với tôi. Ông có biết vì sao trước đây được vào Đảng là niềm tự hào, vinh dự….không? Đó là do  3 nguyên nhân chính sau : (1) Vào Đảng sẽ có đặc quyền, đặc lợi. (2) Sự tuyên truyền rất mạnh về vinh dự trở thành đảng viên. (3) Đảng còn dựa vào lòng yêu nước và người ta còn thấy nhiều đảng viên tốt.
Trước đây nhiều người vì lòng yêu nước, vì muốn cống hiến mà vào Đảng. Những người như vậy dần dần giảm xuống, chỉ còn chiếm một tỷ lệ thấp trong tổng số đảng viên. Chính vì nguyên nhân (1)  và (2), cộng với  một số sai lầm trong thủ tục xét kết nạp mà khi Đảng đã nắm chính quyền thì rất nhiều bọn cơ hội tìm cách lọt vào bằng những thủ đoạn thiếu trong sáng, đồng thời làm cho các bí thư chi bộ, bí thư đảng ủy trở thành những người nắm và quyết định vận mệnh chính trị của người dân, họ trở nên cậy  quyền, cậy thế. Cũng vì vậy  mà một số trí thức có trí tuệ cao và trung thực đã không được kết nạp.
Ông có biết tại sao Đảng đã rất cố gắng…, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu?  Tôi cho rằng trong việc phát triển Đảng cũng như trong đường lối cán bộ, Đảng đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng từ gốc. Trong bài “ Phản biện đường lối cán bộ CS” (*) tôi chỉ ra đống bùng nhùng mà Đảng đang vướng phải, đang quẩy đạp trong đó. Những Quy đinh như 101 ( tháng 6/2012), 55 (2/2016), 08 (10/2018) về nêu gương được ông  xem như bảo bối thì tôi chỉ thấy nhàm chán, vô tác dụng. Tháng 10/2018 tôi đã viết bài “ Phản biện Quy định nêu gương” (*), trình bày rõ các lập luận.
Ông  tỏ ra quá tin tưởng vào Quy hoạch cán bộ, với việc hội nghị mới đây lựa chọn được 250 đồng chí tinh hoa của đảng cho ĐH XIII. Tôi nghiên cứu kỹ nội dung Quy hoạch, rút ra nhận xét rằng nó phản dân chủ, phản tiến bộ. Cứ theo cách làm của Quy hoạch thì chủ yếu tìm được tinh hoa dỏm, có thể có bằng cấp cao, nhưng trình độ thấp, trong đó có bọn cơ hội với nhiều chước quỷ mưu ma mà thiếu trí tuệ, thiếu trung thực. Những tinh hoa thực chất của dân tộc, số thì đã ra nước ngoài, số đang bị nhốt trong tù, số còn lại đã bị loại ngay từ vòng ngoài.
Ông Nhị Lê thắc mắc :  Vì sao Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là trí tuệ, là danh dự, là lương tâm của thời đại, là đứa con nòi của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, mà đây đó, thanh niên của chúng ta chưa có nguyện vọng, chưa khao khát đứng, thậm chí “ngại ngần” đứng trong hàng ngũ của Đảng?
Đảng ta là đạo đức, là văn minh…đó là Hồ Chí Minh nói thế, mơ ước được như thế và trước đây có lúc đạt được một phần rất nhỏ. Thực tế có lẽ không bao giờ đạt được.  Còn bây giờ Đảng ta là như thế nào mà thanh niên ngại ngần gia nhập, mọi người đều biết và chắc  ông biết rõ hơn tôi. Khá nhiều người có nhận xét Đảng trước đây (của Hồ Chí Minh) tốt hơn Đảng bây giờ ( của Nguyễn Phú Trọng). Tôi cho rằng đó là một nhầm lẫn. Tôi đã đăng bài “Nhầm ở đâu” (*). Thực ra trước nay Đảng vẫn thế, vẫn Mác Lê, vẫn công nông liên minh, vẫn chuyên chính vô sản, vẫn đàn áp và dối trá v.v…Khác nhau chủ yếu là chất lượng đảng viên. Khi nhìn vào Đảng người ta nhìn thông qua đảng viên. Trước đây có nhiều đảng viên tốt, ngày nay có nhiều đảng viên xấu. Mức độ tốt xấu của đảng viên chủ yếu là do phẩm chất của họ trước khi vào Đảng. Các phẩm chất trung thực hay liêm chính, các  đảng viên trước đây mang theo khi gia nhập Đảng. Ở lâu ngày trong Đảng những phẩm chất ấy khó tăng lên mà còn có thể bị giảm. Những tính cách tham lam, dối trá, đểu cáng thì bọn cơ hội đã có sẵn, nhưng chúng che giấu được khi xin vào Đảng. Vào được rồi, có quyền lực rồi thì những thói xấu bộc lộ ra. Đảng định dùng vũ khí phê và tự phê, dùng các quy định về kỷ luật, về nêu gương và các điều cấm đẻ làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh. Nhưng các biện pháp đó chỉ như mò trăng đáy nước, như gãi ngứa ngoài da. Tôi đã viết các bài “Bình luận về nghị quyết của Đảng” (*)
Ông Nhị Lê quan tâm đến “tầm mức của sự cấp bách trong lộ trình đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng”. Về vấn đề Đảng lãnh đạo hay Đảng cầm quyền tôi đọc khá nhiều nhưng chưa gặp bài nào của Nhị Lê. Qua các bài của những cây bút lý luận của Đảng tôi thấy ĐCSVN đang mắc vào trong một đống rối như tơ vò. Tôi vừa đăng  bài “ Bàn về đảng cầm quyền”( *), mong rằng có thể có một vài gợi ý nào đó.
Ông lo lắng : “nếu Đảng không giữ vững tay chèo sẽ rất khó giữ vững sự nghiệp”.  Có lẽ ông bị nhầm từ “tay lái” thành “tay chèo”. Lái hay chèo đều phải vững, nhưng quan trọng là đi chọ đúng luồng lạch. Sau cách mạng dân tộc, đến giai đoạn kiến thiết đất nước, thực hành Dân chủ thì Đảng không theo luồng lach rộng mở mà lại dẫn con thuyền vượt thác gềnh đi vào chốn tù mù. Trong trường hợp đó càng vững tay lái, càng mạnh tay chèo càng đi xa sự phát triển bền vững, đi xa mục tiêu tự do và hạnh phúc của toàn dân, mà  chỉ đem lại  giàu có và quyền lực nhất thời cho một số nhóm lợi ích.
Xem đây là thư ngỏ thì “Thư bất tận ngôn”. Xin tạm dừng. Mong được trao đổi trực tiếp.
Chú : (*)Các bài đã đăng trên Facebook và Báo Tiếng Dân. Nếu ông Nhị Lê hoặc bạn nào chưa đọc và muốn đọc xin gửi yêu cầu qua Email, tôi sẽ chuyến.
Địa chỉ của tôi : ĐT 0389 578 620; Email : ndcong37@gmail.com
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 27-3-19
BÀN VỀ ĐẢNG CẦM QUYỀN
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 27-3-2019

  1. Giới thiệu
Khái niện đảng cầm quyền (ĐCQ) được dùng rộng rãi tai các nước dân chủ. Trước đây các đảng theo Mác Lê chủ yếu nói về cách mạng, lãnh đạo, thống trị giai cấp, không hoặc rất ít nói về vai trò cầm quyền. Ở Việt Nam, hình như Hồ Chí Minh là người  đầu tiên viết “Đảng ta là ĐCQ”. Gần đây vấn đề ĐCSVN lãnh đạo và cầm quyền được bàn đến nhiều, nhưng phần lớn chỉ chung chung, chưa thấy có ý kiến nào bàn sâu về nhận thức và về những cải cách cụ thể, cần thiết. ĐCSVN nổi tiếng kịp thời ra các nghị quyết dài dòng về mọi việc nhưng chưa thấy ra nghị quyết liên quan đến ĐCQ.
Viết bài này tôi xin góp một tiếng nói để thảo luận.  
  1. Đảng trong lịch sử
Thời quân chủ độc quyền việc bí mật lập đảng là tội rất nặng. Thời đó không có đảng hợp pháp. Sự hình thành đảng phái  công khai có lẽ bắt đầu từ nước Anh, thế kỷ 16, do nhu cầu vận động đưa người của phe nhóm vào cơ quan quản lý xã hội. Các đảng được lập  chủ yếu để vận động bầu cử. Đó là các đảng chính trị. Đảng nào giành được đa số sẽ trở thành ĐCQ.Như vậy ĐCQ trước hết phải là đảng chính tri. Việc này dần mở rộng ra nhiều nước.
Đến thời kỳ Mác Lê Nin  xuất hiện đảng lãnh đạo cách mạng (ĐLĐ), một loại đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Vai trò chủ yếu của ĐLĐ  là tập hợp quần chúng đấu tranh giành chính quyền bằng bạo lực. Khi đã giành được chính quyền thì ĐLĐ nắm giữ chính quyền. Vậy phải chăng họ thành ĐCQ.
Nếu từ ĐLĐ trở thành ĐCQ thì như vậy nó có 2 loại. Một loại được chuyển giao chính quyền bằng bầu cử dân chủ, một loại giành được  bằng bạo lực cách mạng. Liệu về phương diện cầm quyền, giữa các đảng có gì giống và khác nhau. Phải chăng sự khác nhau cơ bản là do sự lựa chon thể chế  chính trị. Thể chế dân chủ đa nguyên với tam quyền phân lập hay thể chế độc quyền đảng trị.
Trên kia có trình bày ĐCQ phải là một đảng chính trị. Phải chăng đó là điều bắt buộc. Đúng, nếu như đất nước có ít nhất 2 đảng cạnh tranh nhau. Sai, nếu như chỉ có duy nhất 1 đảng độc quyền. Đảng đó không phải đảng chính trị, vậy là đảng loại gì? Chưa thấy ai nghiên cứu vấn đề này, theo tôi thì đó là đảng thống trị.
Trong bài ”Chính trị là gì” GS Lê Hữu Khóa đưa ra khẳng định rằng “ có độc đảng thì không có chính trị” ( Báo Tiếng Dân ngày 20/3/2019). Trong xã hội tồn tại một số tổ chức tự xưng là đảng nhưng không phải đảng chính trị.
Với ĐCSVN, trong điều lệ ghi rằng: Đảng là Đội tiên phong của giai cấp…, có tổ chức chặt chẽ…, là đảng cầm quyền. Tôi chưa tìm thấy văn bản nào ghi rằng ĐCSVN là một đảng chính trị hoặc là một tổ chức chính trị.

  1. Lãnh đạo và cầm quyền
Trong khi còn làm cách mạng (CM) thì ĐLĐ chủ yếu làm công tác vận động, tuyên truyền, tổ chức, v.v…, không cầm quyền. Khi đã nắm chính quyền thì đảng vẫn còn giữ một số vai trò lãnh đạo. Sự lãnh đạo trong hai thời kỳ có điểm giống và khác nhau.
Chỗ giống nhau là đề ra chủ trương, sách lược, đường lối .
Lãnh đạo  CM chủ yếu bằng vận động, tuyên truyền, thời gian đầu nhiều lúc phải làm bí mật và không ít khi phải dùng mưu mô. Có những đàng cách mạng  vì nóng vội tuyên truyền sự tốt đẹp, sự ưu việt của xã hội chưa có thật nên phải dùng chiêu bài bịa đặt, dùng nhiều quá thành thói quen dối trá.
Lãnh đạo khi đã cầm quyền bằng cách đưa các đảng viên nắm các vị trí chủ chôt trong chính quyền, biến các chủ trương sách lược thành luật pháp. Nhưng trước hết, quan trọng nhất là lựa chọn thể chế. Khi chọn thể chế dân chủ thì  phải nghĩ ngay đến việc trả quyền cho dân, xây dựng chế độ pháp quyền, công khai, minh bạch mọi văn bản pháp luật và hoạt động, đưa người của đảng giữ những vị trí chủ chốt trong Chính phủ..
Khi chọn thể chế độc quyền đảng trị theo quan điểm Nhà nước giai cấp của Lê Nin thì chủ yếu là thống trị, áp đặt, nói đến lãnh đạo chủ yếu là rêu rao, lợi dụng sự tù mù của khái niệm.
Chính quyền, dù là quân chủ hay cộng hòa, dù do đảng chính trị cầm quyền hay do đảng độc tài thống trị, muốn có được tính chính danh thì phải có được QUANG= MINH – CHÍNH - ĐẠI.
Khi chuyển từ vai trò lãnh đạo làm CM thành  lực lượng cầm quyền cần có thay đổi về nhận thức, kèm theo là thay đổi về tổ chức. Thế nhưng mấy chục năm qua ĐCSVN vẫn cố giữ nguyên tổ chức như cũ, bị mắc kẹt trong một đống bùng nhùng, vì thế tuy  đảng tìm đủ mọi cách để làm trong sạch và vững mạnh mà không sao làm được.
4- Điểm một số bài viết
Hồ Chí Minh viết về ĐCQ từ giữa thế kỷ 20, nhưng đến đầu thế kỷ 21, kể từ Đại hội 10 của Đảng mới xuất hiện nhiều bài viết vè ĐCQ và ĐLĐ. Theo nội dung, tinh thần và quan điểm có thể chia các bài thành 2 loại: Trong luồng và ngoài luồng. Luồng ở đây là tư tưởng chính thống của chế độ hiện hành.
Loại trong luồng  có khá nhiều. Tôi đã đọc gần trăm bài trên các nguồn thông tin khác nhau như tạp chí, báo trung ương và địa phương, chuyên khảo v.v… Nội dung cơ bản xoay quanh các  chủ đề: Đảng ta vừa là ĐLĐ, vừa là ĐCQ, có truyền thống huy hoàng, có chủ nghĩa Mác Lê soi sáng, Nhận thức, khái niệm về ĐCQ. Tư tưởng HCM và ĐCQ, Vị trí, vai trò của ĐCS cầm quyền, Nâng cao năng lực cầm quyền của đảng, Sứ mệnh cầm quyền của ĐCSVN, v.v… Nội dung chủ yếu chép từ các văn kiện, số khác sao đi chép lại của nhau, xào xáo, thêm chỗ này một chút, bớt chỗ kia một chút. Người ta tìm những từ  hay, hấp dẫn để đặt tên bài, nhưng nội dung quá nhàm chán, nghèo nàn, giáo điều, có khá nhiều ngụy biện. Thỉnh thoảng có gặp vài đoạn suy luận, chứng minh, nhưng chỉ ở trình độ thấp.
Tôi có ghi chép lại trên 40 bài, kể tên ra sẽ quá dài, chỉ xin nêu tên vài tác giả như : Trần Lan Anh, Phạm Minh Chính, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Văn Chiến,  Hà Đăng, Nguyễn Hữu Đổng (*), Ngô Huy Đức (*), Phạm Xuân Hằng, Nguyễn Đình Hòa, Đỗ Hữu Khoa, Nguyễn Hữu Lập, Hoàng Minh, Bùi Đình Phong, Nguyễn Trọng Phúc, Tâm Quang, Nguyễn Quốc Sửu, Nguyễn Thế Thắng, Mạch Quang Thắng, Nguyễn Viết Thông, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thế Trung, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Quốc Tuấn, Trần Đức Tường, Nguyễn Huy Viện, Trần Khắc Việt (*), Đinh Hồng Yến  .[ chú: (*) - người có nhiều bài].
Loại ngoài luồng  tương đối ít, tôi mới tìm thấy 9 bài. Xin điểm qua từng bài.
i- Lại Huy Phương - Cần xây dựng luật về ĐCQ
ii-Ngọc Trâm - Ai giao cho đảng cầm quyền?
iii-Đinh Tấn Lực - Đảng lãnh đạo, cầm quyền hay đảng trị?
iv-Việt Hoàng - ĐCQ  là ai và nhiệm vụ của nó là gì?
v-Tống văn Công - Chế độ dân chủ không có ĐLĐ, chỉ có ĐCQ
vi-Trần Đức Tường - Ý niệm ĐCQ trong chế độ dân chủ
vii-Ngô Huy Đức - Phương thức lãnh đạo của ĐCQ ở một số nước
viii-Nguyễn Đăng Dung - Vấn đề ĐCQ và thẩm quyền quản lý nhà nước ở các nước tư bản
ix-Hồ Anh Hải - Chính đảng cầm quyền thành công nhất thế giới.
  1. Đảng cầm quyền thành công
Đó là Đảng Hành động nhân dân của Singapore( HĐND) Tôi xin tóm tắt một số ý quan trọng từ bài báo của Hồ Anh Hải.
Đảng HĐND thành lập năm 1954, họ cầm quyền liên tục  hơn 50 năm qua, trong môi trường dân chủ đa nguyên, đa đảng với tam quyền phân lập. Đảng HĐND luôn ổn định, không hề xẩy ra thoái hóa biến chất, không phải lo gì đến việc làm cho đảng trong sạch vững mạnh.
Đảng HĐND là một đảng chính trị, không là đội tiên phong của giai cấp nào cả, không tôn thờ một học thuyết chính trị nào cả. Đảng viên không cần đông (chỉ chiếm khoảng 0,2% dân số) mà cần chất lượng cao. Họ chú trọng kết nạp những người xuất sắc trong xã hội, đã thành đạt trong một lĩnh vực nào đó, đồng thời hay phản biện đảng HĐND và chính phủ  với thái độ xây dựng.
Về tổ chức, họ không có các cơ sở đảng ở khu dân cư, trong các cơ quan, trường học và quân đội. Họ chỉ tổ chức các chi bộ cho từng khu vực bầu cử. Toàn quốc có 84 chi bộ, hoạt động chủ yếu trong vận động bầu cử. Không đặt những cơ quan, tổ chức của đảng bên cạnh  chính quyền hoặc bất kỳ một tổ chức nào.
Ban chấp hành trung ương có 12 thành viên. Họ đều là những trí thức thứ thiệt, những tinh hoa thực chất. Đảng lãnh đạo Nhà nước thông qua viêc cử Tổng bí thư giữ chức Thủ  tướng và một số đảng viên làm Bộ trưởng, Thứ trưởng.
Trong Hiến pháp không viết gì về đảng. Truyến thông không tuyên truyền về đảng và vai trò của nó, khi giới thiệu ai không nhắc đến chức vụ đảng, chỉ giới thiệu chức vụ chính quyền. Đảng không sử dụng bộ máy quyền lực nhà nước.
Trụ sở của đảng chỉ là một ngôi nhà nhỏ với 9 cán bộ làm việc. Vai trò của đảng chỉ được nhắc tới mỗi khi bầu cử Quốc hội
Xã hội Singapore hầu như chỉ biết tới chính quyền mà không cảm thấy sự hiện diện của đảng. Đảng HĐND chủ trương thực hiện nguyên tắc nhân viên công vụ (công chức nhà nước) trung lập về chính trị, tức không tham gia đảng phái nào. Lý lịch viên chức không có mục khai đảng phái.
Hiến pháp Sing quy định toàn bộ cử tri trực tiếp bầu Tổng thống và Tổng thống phải trung lập về chính trị, không thuộc đảng phái nào. Nếu trước đó TT đã là đảng viên thì sau khi được bầu phải ra khỏi đảng .
Lực lượng giám sát và chế ước đảng cầm quyền là các đảng đối lập và nhân dân. Cử tri dùng lá phiếu bầu cử của mình để quyết định chọn đảng nào được cầm quyền.
  1. Sự loay hoay, lúng túng của ĐCSVN
Mọi việc quan trọng cần được bắt đầu bằng nhận thức chính xác, được kịp thời đánh giá  trong hành động và kiểm chứng kết quả để điều chỉnh phương hướng và mục tiêu. Nhận thức về vai trò lãnh đạo và cầm quyền của ĐCSVN trong mấy chục năm qua, luôn kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê  quá lạc hậu, kiểm chứng kết quả thấy tuy có đạt một số thắng lợi trong chiến tranh, nhưng đã phạm nhiều sai lầm trong quản lý xã hội và cả trong việc xây dựng đảng.
Khi không thể chối bỏ sai lầm Đảng có sửa sai, có đổi mới, nhưng sửa được sai này lại phát sinh sai khác nặng hơn , đổi được chỗ này lại làm hỏng chỗ khác tệ hại hơn. Tai sao vậy? Tại cơ bản vì không hiểu, không vận dụng được quy luật sau: “Không thể sửa được cái sai bằng nguyên lý đã làm phát sinh ra nó”.
Không những thế, ĐCSVN còn mắc trong một đống bùng nhùng  tự tạo ra bằng việc lãnh đạo tập thể, bằng cách sử dụng phê và tự phê làm vũ khí phát triển. Lại còn thiếu trí tuệ mà cứ nhầm tưởng là quá thông minh, thiếu trung thực mà cứ tự hào rất chính trực, kém đạo nghĩa  mà hay rao giảng đạo đức v.v…, nói tóm lại là phạm vào điều tối kỵ đối với người cầm quyền là “Danh thực bất tương đồng” (Tên gọi và việc làm không giống nhau). Đó là việc mồm nói to vì dân chủ, vì hạnh phúc của nhân dân mà đầu  nghĩ, tay làm lại hướng về độc quyền đảng trị.
Những việc như vậy nhằm lừa dối  quần chúng có dân trí thấp. Có thể lừa dối một số ít trong thời gian dài, hoặc lừa được số đông trong thời gian ngắn. Không thể nào lừa được số đông trong thời gian dài.
  1. Thay lời kết
Với ĐCSVN trước mắt nên thảo luận và khẳng định sự lựa chọn làm một đáng chính trị cầm quyên hay làm đảng thống trị. Mà phải thật sự trung thực. Dù là cầm quyền hay lãnh đạo khi đã nắm chính quyền thì yêu cầu số một là trung thực. Phải  trung thực với dân và trung thực trong nội bộ. Khi không trung thực thì người ta lo nghĩ mưu mô để lừa dối nhau, không thể dùng lý và tình, không thể dùng loogic hay biện chứng gì cả.
Khi  lựa chọn mô hình đảng thống trị thì trung thực công nhận, công khai tuyên bố cho toàn dân. Úp mở mà làm gì, dối trá mà làm gì.
Nếu thật sự muốn trở thành đảng chính trị cầm quyền và lãnh đạo thì phải thay đổi từ cương lĩnh và tổ chức, chuyển đổi từ một đảng cách mạng sang ĐCQ. Cách làm của Đảng HĐND của Singapore là có thể tham khảo.
Sau đường lối thì quan trọng là các công việc và cách làm cụ thể. Việc này không thể trông chờ vào trí tuệ của Bộ Chính trị, của Hội đồng lý luận trung ương cũng như các trí thức của Đảng mà đầu óc đã bị xơ cứng. Vậy nên trông cậy vào ai? Tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này nhưng xin phép tạm chưa bàn đến.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN