Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

20180627. LẠI BÀN VỀ 'KHÁI NIỆM' VÀ 'ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM'

ĐIỂM BÁO MẠNG
LẠI BÀN VỀ "KHÁI NIỆM" VÀ "ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM"

NGÔ THẾBÍNH / NTB' Blog 27-6-2018

Kết quả hình ảnh cho trạm thu giá

Theo báo Vietnam Netc ngày 4.6 cho biết: tại kỳ họp 5 QH14 trong phiên chất vấn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể bày tỏ: "Tiếp thu ý kiến của cử tri, dư luận xã hội và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ đang có phương án trình Chính phủ thay đổi tên gọi trạm thu phí BOT bằng một tên mới phù hợp với pháp luật và các yêu cầu". Nghe vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân liền nói: "Tên cũ không có vấn đề gì thì nên chuyển tên trạm thu giá về tên cũ là được, không cần chờ trình Chính phủ, chờ trình lâu lắm!”. Thủ tướng cũng yêu cầu không dùng tên gọi "Trạm thu giá BOT"-Rất có thể vì thế mà các tranh luận, thậm chí những chỉ trích nặng nề mà trước đó BT Thể hứng chịu  đến nay không còn thấy trên các trang mạng chính thống cũng như mạng xã hội. Một trong những chỉ trích được coi là nặng nề đó là cho đề xuất của BT Thể mang tính ‘đánh tráo khái niệm’.(Nhiều bài viết tôi đã ‘cập nhật’ tại blog này ngày 5-6-2018.)- Tuy nhiên, trong bài này tôi muốn bàn thêm đôi điều cho rõ:
 Sự hình thành Khái niệm và thuật ngữ
Theo triết học Mác-Lê nin  [1] thì nhận thức của con người là một quá trình đi từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính.
  Nhân thức cảm tính là sự ghi lại trong  bộ não các thông tin mà con người nhận được từ các giác quan ( nghe, nhìn, ngửi, nếm, sờ ) khi tiếp xúc với sự vật bên ngoài. Đặc điểm của nhận thức cảm tính là: phụ thuộc vào từng cá nhân, tuy có cụ thể sinh động nhưng riêng lẻ, phiến diện, không cho những thông tin mang tính vừa khái quát vừa đúng bản chất của sự vật. Người ta thường ví nhận thức cảm tính giống như nhận thức về con voi của những anh mù. Vì mù nên họ chỉ có thể phán đoán bằng sờ. Anh A sờ vào tai voi thì nói con vật này giống cái quạt; anh B sờ vào đuôi voi thì lại nói con vật này giống cái chổi; anh C sờ vào chân voi thì lại nói con vật này giống cái cột nhà …
  Nhận thức lý tính là sự ghi lại trong bộ não các thông tin được xử lý từ các thông tin cảm tính. Đặc điểm của nhận thức lý tính là nó mang tính khái quát các thuộc tính riêng lẻ, phiến diện đồng thời phản ánh đúng bản chất (khách quan) của sự vật thông qua khái niệm, biểu hiện bằng từ ngữ. Trong ví dụ trên, giả thử các anh mù có quãng  thời gian trước đó  mắt sáng và đã được nhìn thấy voi, thi cụm từ “con voi” đã hiện hữu  trong não và gợi cho các anh mù tất cả các thuộc tính về voi như hình dáng, kích thước, tiếng kêu…không nhất thiết phải đến tận nơi để sờ, mà vẫn không biết con vật này là gì.  Như vậy nhận thức lý tính là bước phát triển cao của quá trình nhận thức, mà dấu hiệu đầu tiên là hình thành khái niệm qua từ ngữ hay cách dùng từ (thuật ngữ).
Chỉ có con người với tính cách  là động vật cao cấp mới có nhận thức lý tính và trong đó ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng.
Như vậy, khái niệm là kết quả của sự nhận thức của con người đi từ cảm tính đến lý tính về một hiện tượng/ sự vật khách quan, được khái quát cô đọng bằng thuật ngữ, có tác dụng làm phương tiện giao tiếp trong đời sống của một cộng đồng nhất định (thường là của một quốc gia). Ngày nay với sự phát triển nhận thức con người có vô số khái niệm kèm theo thuật ngữ hiện diện trong nhiều lĩnh vực đời sống. Trong lĩnh vực khoa học, khái niệm giống như những viên gạch đầu tiên tạo nên lý thuyết. Cần chú ý: Thuật ngữ là “vỏ” của khái niệm. Đặc điểm chung của thuật ngữ là dùng từ ngữ ngắn gọn, nên muốn hiểu ‘nội dung’ của khái niệm cần phải có định nghĩa. Một định nghĩa tốt là khái quát đúng các thuộc tính bản chất hiện tượng/ sự vật mà nó biểu thị qua thuật ngữ.
  Đánh tráo khái niệm
Theo Lôgíc học. [2], “đánh tráo khái niệm” là sự thay thế một thuật ngữ vốn có để biểu thị một khái niệm nào đó bằng một thuật ngữ biểu thị một khái niệm khác, nhằm mục đích phủ nhận hay che dấu sự thật trong phát ngôn, tranh luận cũng như trong hành động.
    Tùy theo mục đích của chủ thể có thể chia các hình thức đánh tráo khái niệm thường gặp như sau:
- Đánh tráo khái niệm nhằm che dấu một sự thật đã hoặc đang diễn ra. Ví dụ: ‘ăn thịt chó’ được thay bằng ‘ăn đậu phụ’ (trong chuyện tiếu lâm về ông sư ăn vụng thịt chó); ‘biểu tình’ được thay bởi ‘tụ tập đông người’ hay ‘gây rối’; ‘đưa hối lộ’ được thay bằng ‘đưa phong bì’; v.v…
- Đánh tráo khái niệm nhằm giảm nhẹ hoặc tăng mức độ nghiêm trọng của sự thật đã hoặc đang diễn ra. Ví dụ: ‘phản đối’ được thay bằng ‘không đồng tình’ hay ‘chống đối’; ‘tầu Trung quốc’được thay bằng ‘tầu lạ’; ‘xâm lấn’ được thay bằng ‘va chạm’ (phát biểu của Tập Cận Bình tại QH VN tháng 11/2015); ‘ngập úng’ được thay bằng ‘tụ nước’; ‘yếu kém’ được thay bằng ‘khiêm tốn’ hay ‘bât cập’; ‘trả phí’ được thay bằng ‘trả giá’ (cho bài học kinh nghiệm); v.v…
   Theo ý thức chủ thể có thể chia ra: đánh tráo khái niệm vô ý thức và đánh tráo khái niệm có ý thức.
- Đánh tráo khái niệm vô ý thức: đó là trường hợp chủ thể không có kiến thức về lý thuyết, thực tiễn về lĩnh vực có liên quan, kém hiểu biết cả về ngôn ngữ; phát ngôn kiểu ‘nói theo’. Loại đánh tráo khái niệm khá đông trong dân chúng, do ít học và tiếp cận đầy đủ thông tin.
-Đánh tráo khái niệm có ý thức: Đó là trường hợp chủ thể có đặc điểm ngược lại, nhưng cố tình đánh tráo khái niệm phục vụ mưu đồ mờ ám, bất chính của cá nhân và phe nhóm.
   Đánh tráo khái niệm thường phải đánh tráo thuật ngữ, nhưng không phải sự thay đổi thuật ngữ nào cũng nhằm mục đich xấu. Những trường hợp sau đây không bị xem là đánh tráo khái niệm:Thay hay bổ sung cho thuật ngữ vốn có bằng thuật ngữ khác để phản ánh chính xác những nhận thức khách quan  các hiện tượng/ sự vật đã có sự biến đổi. Ví dụ: “tầu chiến” là thuật ngữ có định nghĩa là tầu thủy có trang bị các vũ khí phục vụ trong quân sự, thì ngày nay khái niệm này khó có thể khái quát được đầy đủ, chính xác các thuộc tính của các tầu chuyên dùng trong quân sự- Đó là lý do để “tầu chiến” được thay thế bởi các từ “tầu ngầm”, “tầu sân bay”, “ tầu phóng ngư lôi”, “tầu phóng tên lửa” v.v… và dùng trong từng trường hơp cụ thể. “Kinh tế thị trường” là nền kinh tế vận hành theo các quy luật giá trị, cung cầu, cạnh tranh nhưng ngày nay để làm rõ đặc trưng  của các nền kinh tế đã xuất hiện các thuật ngữ ‘nền kinh tế thị trường sơ khai’, ‘nền kinh tế thị trường hiện đại’…
Tuy nhiên việc thay hay bổ sung thuật ngữ để chính xác hóa khái niệm cần phải bảo đảm những Quy tắc khoa học của xây dựng thuật ngữ.,đồng thời được chấp nhận của xã hội, đặc  biệt được các nhà khoa học chuyên môn cho ý kiến phản biện. Hiện nay trong các văn bản đều có những điều "Giải thích từ ngữ" nhưng không hiếm lỗi giải thích : không đủ, sai ngôn ngữ, và không ổn định... dẫn đến bất cập trong thi hành luật. Ví dụ: lẫn lộn 'lãi suất' với 'tiền lãi' gửi tiết kiệm (Điều 96 Bộ luật Lao động 2012); lẫn lộn "khuyến mãi" với "khuyến mại" (Điều 88, Luật Thương mại 2005); Không ổn định khái niệm "doanh nghiệp nhà nước" (Điều 4, Luật Doanh nghiệp 2005 và 2014). Do đó văn bản pháp luật cũng không nên coi là căn cứ duy nhất để xây dựng thuật ngữ.
“Thu phí BOT” được thay bằng “thu giá BOT” có là đánh tráo khái niệm ?
   Trả lời câu hỏi này phải xác minh được 2 vấn đề: Định nghĩa vốn có của ‘phí’ và ‘giá’ ?; ‘giá hay phí là thứ nhà đầu tư BOT cần thu ?’;
   Theo Kinh tế học về đầu tư thì ‘Phí’ hay “Chi phí” là giá trị bằng tiền của các nguồn lực mà nhà đầu tư đã bỏ ra xây dựng và vận hành doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Đối với hoạt động đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực đường giao thông thì phí là giá trị bằng tiền các nguồn lực mà nhà đầu tư bỏ ra trong khoảng thời gian đã được ghi trong hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ví dụ: toàn bộ đoạn đường theo dự án BOT có chi phí là 1000 tỷ đồng.  “Thu phí” là quá trình nhà đầu tư thu hồi lại chi phí, thông qua bán vé cho người tham gia giao thông.
  ‘Giá’ là giá trị bằng tiền của đơn vị hàng hóa/dịch vụ mà nhà đầu tư bán cho người tiêu dùng, bảo đảm dần dần thu hồi chi phí và có lãi. Đối với hoạt động đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trong lĩnh vực đường giao thông thì giá là giá trị bằng tiền của 1vé qua trạm BOT, tính bằng đ/lượt của loại phương tiện nhất định.Ví dụ giá vé áp dụng cho xe tải là 30.000 đ/ lượt.xe
  “Phí” và “Giá” đều có điểm chung là đều biểu hiện bằng tiền, nhưng nội dung và cách tính các khoản mục đều phải tuân thủ những quy định của pháp luật (không riêng phí hoặc giá).
  ‘Phí’ có sự khác biệt với ‘giá’ ở 3 điểm: a) Nội dung “Phí” không có lãi, nội dung “giá” có lãi; b) Theo ngôn ngừ thống kê:‘Phí’ là con số tuyệt đối (cho biết quy mô chi phí nhà đầu tư bỏ ra để tạo ra khối lượng hàng hóa/dịch vụ nhất định) ; còn ‘giá’ là con số tương đối cường độ (cho biết giá trị bán  của đơn vị hàng hóa/ dịch vụ); c) ‘Phí’ không được niêm yết công khai nhưng là mục tiêu mà nhà đầu tư cần phải thu để bảo đảm ít nhất hòa vốn; còn ‘Giá’ được niêm yết công khai, là phương tiện giao tiếp giữa nhà đầu tư và khách hàng.
  Từ những lập luận ở trên cho thấy nếu thay ‘thu phí BOT’ bằng “Thu giá BOT” là đánh tráo khái niệm. Chỉ có điều không đủ bằng chứng để kết luận: đánh tráo khái niệm vô ý thức hay đánh tráo khái niệm có ý thức.
   NTB
1- Triết học Mác- Lê nin . Vụ huấn học Ban Tuyên huấn trung ương. NXB Sách giáo khoa Mác Lê Nin- HN 1978

3-Thu giá BOT: Bộ Giao thông cứ trả lại tên cũ là được (VNN 4-6-2018)

CÓ MỘT LOẠI 'TIN GIẢ' ĐƯỢC 'CẤP PHÉP'
 
TRÚC GIANG/VNTB /BVN 30-6-2018

Hiểu một cách đơn giản, tin giả là đối lập của tin thật: tin tức sai sự thật thì có thể coi là tin giả.

Khi tin giả là… định hướng của tuyên truyền

Định nghĩa “tin giả” là gì vẫn tiếp tục gây tranh cãi trong giới nghiên cứu. Đây là định nghĩa có thể là mới nhất từ Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, Đại học Oxford: “Tin giả” là: 1) Tin được “sáng tác” để kiếm tiền hay hạ thấp uy tín người hoặc tổ chức khác; 2) Tin có dựa vào dữ kiện cơ bản, nhưng được “cắt gọt” để phù hợp với một mục đích; 3) Những tin tức khiến mọi người không thấy thoải mái, và/hoặc không đồng ý. (Báo cáo Tin tức Kỹ thuật số 2017, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, Đại học Oxford -http://www.digitalnewsreport.org/).
Theo cách hiểu này thì rất nhiều bản tin trên báo chí của Việt Nam đang sản xuất “tin giả” để phục vụ công tác tuyên truyền theo định hướng của cơ quan Tuyên giáo.
Hôm 11-06-2018, báo chí đưa tin có cùng nội dung: “Sáng nay, 11-6, phát biểu ý kiến sau khi Quốc hội (QH) biểu quyết điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu), Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý thêm một số thông tin liên quan đến việc ngày 10-6, tại nhiều nơi, người dân tụ tập đông người, gây ách tắc giao thông, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”.
Trong các bản tin đều không sử dụng cụm từ “biểu tình”, do đó có thể thấy rất rõ rằng việc tường thuật lời của bà Chủ tịch QH là một “tin giả”, vì ở đây người dân tụ tập nhằm để biểu tình phản đối dự Luật Đặc khu và dự Luật An ninh mạng. Hành vi biểu tình được Điều 25 của Hiến pháp bảo hộ. Ngăn cản người dân thực hiện quyền biểu tình là vi phạm Điều 167, Bộ luật Hình sự 2015.
Việc để bà Chủ tịch QH sử dụng cụm từ “tụ tập đông người” là để giúp tránh cho bà Chủ tịch QH trước cáo buộc vi phạm pháp luật hình sự.

Khi “tin giả” được dàn dựng từ “tin thật”

“Tin giả” nhiều khi vốn là “tin thật” được cắt gọn nhằm phục vụ ý đồ tuyên truyền nào đó của báo chí.
“Tôi không còn là tôi!”. Giáo sư Nguyễn Đức Dân chua chát thốt lên như vậy, khi ông bị chính những học trò của mình ‘biên tập’ phát biểu của ông để đưa lên sóng truyền hình. Ông kể: “Xem lại chương trình “Ghế nóng” tôi trả lời nhà đài HTV9 ngày 06-6-2018, tôi thấy lời lẽ và ý kiến của mình bị cắt bỏ, gọt nhẵn trơn tru đến mức tôi không còn là tôi nữa. Vậy, xin có đôi lời giải thích lại là điều cần thiết. Có hai khái niệm cần nói rõ lại.
Thứ nhất, HTV9 hỏi tôi về chuyện “trạm thu giá”, “giá dịch vụ đào tạo”… là “cách dùng từ trong ngôn ngữ hành chính nghe trúc trắc quá”? Tôi đáp, cách nói này mọi người nghe đều thấy kỳ cục, lạ tai vì nó không tồn tại trong tiếng Việt. Đây là cách nói do những người có quyền đặt ra, bịa ra rồi áp đặt vào tiếng Việt, nên “đây không phải là ngôn ngữ hành chính mà là thứ ngôn ngữ quan quyền; dân gian có câu “muốn nói oan làm quan mà nói”!
Tôi nêu ví dụ, trước đây ngành công an (hay ngành giao thông vận tải?) có đưa ra chỉ thị xe phân khối lớn thì phải làm thủ tục đăng ký và lấy bằng xe máy. Phân khối là một đơn vị đo thể tích hay dung tích. Trong hình học và trong vật lý làm gì có khái niệm phân khối lớn và phân khối nhỏ? Thuật ngữ này là sự áp đặt từ ngôn ngữ quan quyền. Nếu có trình độ trung học cơ sở người ta đã không ra một chỉ thị như vậy.
 
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgy9QsdlFr81PUGKKg1s7dlTQTcrQFHXjO-DVFWH762EV93ShXTXXzSQapBKpjSu1b8P4p9fL_7LWg-6CvkfTL6m02mCxLdXatvvOUbi5pLjrZufQhfaXaTqFuxFTN-LfTguB5Fi7efnTo/s640/H1-20.jpg
 
Giáo sư Nguyễn Đức Dân trong chương trình Ghế nóng của đài HTV
Ví dụ thứ hai, “diễn biến hòa bình” là một thuật ngữ trung tính, không tích cực mà cũng chẳng tiêu cực, nhưng trong ngôn từ chính trị chúng ta đã áp đặt ra một thuật ngữ quan quyền “âm mưu diễn biến hòa bình” để chỉ khái niệm âm mưu lật đổ một chế độ bằng con đường diễn biến hòa bình. Dịch nguyên văn “âm mưu diễn biến hòa bình” sang tiếng Anh, Pháp hay Nga thì phải để trong ngoặc kép cụm từ “diễn biến hòa bình” người ta mới có thể hiểu được.
Trong tiếng Việt hiện nay nhiều khái niệm quan trọng vẫn phải để trong ngoặc kép là một minh chứng cho sự tồn tại của những thuật ngữ quan quyền nhưng không được xã hội chấp nhận. HTV9 đã gọt đi thuật ngữ “quan quyền” của tôi và thay bằng thuật ngữ ngôn ngữ hành chính rất chung chung.
Thứ hai, nếu như tôi gọi “trạm thu giá”, “giá dịch vụ đào tạo”… là loại thuật ngữ quan quyền, thì cách dùng thuật ngữ “tụ nước” thay cho “nước ngập” lại là một xảo thuật ngôn từ trong phép ngụy biện. Đó là sự ngụy biện bằng đánh tráo từ ngữ. Dùng những từ ngữ giảm nhẹ tạo ra sự thay đổi nhận thức xã hội nhẹ nhàng đi. Đây là những xảo thuật thường gặp trong chính trị, quân sự, ngoại giao và làm ăn kinh tế. Trong những ví dụ tôi nêu bị cắt bỏ có đoạn sau: Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu trước Quốc hội Việt Nam như sau: “Láng giềng thì khó tránh xảy ra va chạm, […] hai bên cần kiên trì, lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng để xử lý bất đồng; khi đại sự đã được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết” - trích báo Tuổi Trẻ, số phát hành ngày 7-11-2015.
Đây là những xảo ngôn đánh tráo thuật ngữ. Những hành động như đánh chiếm đảo Gạc Ma; đưa giàn khoan HD981 vào thềm lục địa Việt Nam; lập ra tấm bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn trên Biển Đông; bồi đắp, xây dựng những hòn đảo chiếm đóng trái phép thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thành những sân bay-căn cứ quân sự… được gọi là những chuyện đại sự mù mờ.
Gây xung đột căng thẳng, xâm lấn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, phá tàu đánh cá, xua đuổi ngư dân Việt Nam khỏi vùng biển Việt Nam… đã được chuyển thành xảo ngôn “va chạm”, nghĩa đã giảm nhẹ hẳn đi và ám chỉ rằng đó là “chuyện nhỏ”, tiểu sự.
Đáng tiếc là hai khái niệm cốt lõi ngôn ngữ quan quyền và phép ngụy biện bằng xảo thuật đánh tráo từ ngữ đã bị cắt bỏ”.
Xem ra chỉ khi báo chí được tự do đưa tin, không chịu sự lệ thuộc vào ý kiến của Tuyên giáo Đảng, thì mới hy vọng giảm thiểu những “tin giả” nói trên, trả lại cho người dân quyền tự do ngôn luận, quyền biết được sự thật ngay trên đất nước của mình.
T.G.
VNTB gửi BVN.
 
DÙNG TỪ 'BAN GIÁM HIỆU', 'HỘI PHỤ HUYNH' CÓ CHÍNH XÁC KHÔNG ?

NHẬT KHOA/ GDVN 29-6-2018

 
Cần sử dụng cụm từ "Ban đại diện cha, mẹ học sinh" thay thế "Hội phụ huynh". Ảnh minh hoạ: http://thso1thitran.tuangiao.edu.vn 

Hiện nay, trong các phát biểu và trong một số văn bản của mọi thành phần người dân kể cả giáo viên, chúng ta thấy không thiếu những cụm từ như Ban giám hiệu (chỉ Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng), Hội phụ huynh học sinh (đỡ đầu cho học sinh) được sử dụng rất nhiều.
Thậm chí nhiều lãnh đạo, nhiều vị có chức sắc,…cũng vô tư phát biểu 2 cụm từ trên nhưng ít ai biết việc dùng 2 cụm từ trên là sai sót nghiêm trọng.
Việc sai sót trên không chỉ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt mà còn sai sót về ngôn ngữ, văn phong, gây hiểu lầm.
Quan trọng là những phát biểu sai sót đó từ phía giáo viên nên cả triệu học sinh sẽ học theo và có những phát biểu sai, ngộ nhận, để lại hậu quả không nhỏ, không tạo niềm tin cho học sinh.
Từ năm 2005 khái niệm Ban giám hiệu đã không còn
Kể từ năm 2005 khi ban hành Luật giáo dục số 38/2005/QH11, sửa đổi vào năm 2009 và sau đó là văn bản số 23/VBHN-VPQH hợp nhất Luật giáo dục (năm 2005 và 2009) thống nhất được dùng cho đến nay, gần đây nhất là dự thảo Luật Giáo dục mới được trình Quốc Hội khóa XIV để thông qua, tiếp theo là điều lệ trường học ở Thông tư số 12/2011/BGD-ĐT, các văn bản khác,… đều đã không còn dùng cụm từ Ban giám hiệu nữa.
Cho nên, chúng ta phải quán triệt, thống nhất lại cách dùng từ cho chính xác, đảm bảo đúng thể thức văn bản, đúng quy định về ngôn ngữ học, phải bỏ cụm từ Ban giám hiệu.
Trước đây, Ban giám hiệu được hiểu: hiệu (là nhà trường), ban (là một nhóm người), giám (là giám sát, lãnh đạo) như vậy có thể định nghĩa Ban giám hiệu là một nhóm người có chức năng thành lập và cùng nhau lãnh đạo nhà trường.
Còn ở ta hiện nay đa số các trường công thực hiện theo chế độ thủ trưởng (Hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính, phó hiệu trưởng và các thành viên còn lại giúp việc cho hiệu trưởng), còn ở các trường tư thì có Hội đồng quản trị hoạt động theo quy chế.
Do đó cụm từ Ban giám hiệu đã biến mất từ rất lâu nhưng không hiểu sao trong một số văn bản còn dùng cụm từ trên?
Như vậy trong các văn bản, đơn từ chúng ta phải dùng từ kính gửi Hiệu trưởng mà không phải kính gửi Ban giám hiệu.
Trường học cũng không có Hội phụ huynh
Một cụm từ nữa mà tôi tin chắc rằng rất nhiều người, nhiều đơn vị trường dùng sai nữa là từ Hội phụ huynh.
Cụm từ Ban giám hiệu có thể dùng do thói quen và sai sót đó đôi khi có thể được bỏ qua thì sai sót về cụm từ Hội phụ huynh là không thể chấp nhận được.
Cụm từ Hội phụ huynh đang được sử dụng rộng rãi là một cụm từ sặc mùi phong kiến, theo từ điển Việt Nam phụ (là cha), huynh (là anh).
Do đó, Hội phụ huynh được định nghĩa là một nhóm người là cha, anh đại diện cho học sinh.
Đó là tư tưởng xa xưa, cổ hủ thời phong kiến, phân biệt nam, nữ là tư tưởng "quyền huynh thế phụ" (chỉ có anh trai mới có thể thay thế cha toàn quyền quyết định mọi việc trong gia đình), tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (chỉ cần một nam là có, mười nữ cũng như không),…
Nó trái với Luật bình đẳng giới, chống phân biệt nam, nữ ở Luật số 73/2006/QH11 của Quốc hội khóa 11.
Nhận thấy điều trên, trong các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dùng cụm từ Ban đại diện cha, mẹ học sinh và sau đó ở Thông tư số 55/2011/TT-BGD-ĐT ban hành điều lệ Hội cha mẹ học sinh một cách cụ thể và rõ ràng.
Bỏ qua những bất cập đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các ban ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình nước ta hiện nay thì cụm từ "Ban đại diện cha, mẹ học sinh" thay thế "Hội phụ huynh" là phù hợp, đúng quy định pháp luật, chống phân biệt bình đẳng giới.
Theo tôi dùng cụm từ Ban đại diện cha, mẹ học sinh là cụm từ chính xác nó bao gồm cha, mẹ và đại diện cha, mẹ như ông (bà), anh (chị), người đỡ đầu theo quy định pháp luật,… tuân theo Luật bình đẳng giới và không phân biệt đối xử.
Việc các cơ sở giáo dục do hiểu nhầm, vô tình dùng sai các cụm từ trên phải sửa lại cho chính xác đảm bảo đúng quy định ngôn ngữ, giữ gìn sự khoa học, sự trong sáng của tiếng Việt.
Đừng để vì sự hiểu nhầm, sự vô ý mà làm sai thể thức văn bản.
Văn bản phải được dùng chính xác, hợp lý, khoa học và không được sai sót tránh gây ảnh hưởng đến học sinh về lâu dài.
NHẬT KHOA
 
 
LẠM BÀN VAI TRÒ CHUYÊN VIÊN
 
GIA MINH /TBKTSG 28-6-2018
 
(TBKTSG) - Theo số liệu thống kê được trang tin The Next Web đăng tải, tại Việt Nam có 64 triệu người dùng Internet và 74% trong số này dùng Facebook, xếp thứ 7 trong số các nước sử dụng mạng xã hội này trên toàn cầu. Người dân giờ đây qua Internet và Facebook đã truy cập thông tin hàng ngày, chia sẻ suy nghĩ cũng như những tâm sự riêng tư.
 
 
Internet và Facebook đã thâm nhập vào cuộc sống của số rất đông người với tư cách là một phương tiện, nhưng kiến thức đầy đủ về mạng xã hội này thì không phải ai cũng có. Ảnh: Internet
 
Có thể nói Internet và Facebook đã thâm nhập vào cuộc sống của số rất đông người với tư cách là một phương tiện, nhưng kiến thức đầy đủ về mạng xã hội này thì không phải ai cũng có, thậm chí đa phần vẫn còn mù tịt dù hàng ngày “lên phây”. Nói chung không ai trong chúng ta hiểu biết hết mọi chuyện và chẳng có gì xấu hổ về những điều mình chưa biết hoặc không biết.
Mấy tuần qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video về phát biểu của một vị đại biểu tại diễn đàn Quốc hội khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, bộ luật rất quan trọng gây nhiều tranh cãi mà sau đó đã được thông qua với hơn 86% số phiếu đồng thuận.
Cũng chẳng có gì đáng nói nếu phát biểu ấy không vang lên từ diễn đàn Quốc hội, nơi từng lời nói và thái độ cần được cân nhắc đến nơi đến chốn, nghiêm túc, đầy trách nhiệm và thể hiện tính trí tuệ vì liên quan đến qui trình làm luật.
Một quốc hội bán chuyên nghiệp với quy trình làm luật còn khập khiễng, thời gian làm luật không nhiều, thì đầu tư lớn cho một đội ngũ chuyên viên lại trở nên hết sức cấp bách để có một hệ thống luật pháp tiến bộ, phù hợp với thực tế xã hội.
Vậy thì làm sao khắc phục điều này, nhất là khi đa số đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm, quá bận rộn với bao nhiêu công việc, như có lần một bí thư tỉnh ủy là đại biểu Quốc hội than phiền: “Từ địa phương đầu tắt mặt tối, khi tới đây các đồng chí đưa cho cả đống tài liệu bảo nghiên cứu ngay thì chúng tôi không thể hình thành cơ sở lý luận để tham gia ý kiến được”. Chưa kể có những kỳ họp chỉ kéo dài hơn một tháng, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua cả chục bộ luật quan trọng, điều mà Quốc hội các nước phải mất cả năm trời để thông qua. (Trong kỳ họp kỳ thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã thông qua bảy luật và cho ý kiến về chín dự án luật khác để thông qua tại kỳ họp tới).
Thật ra, không phải vị dân cử nào cũng có kiến thức rộng, am hiểu mọi vấn đề và cũng chẳng cơ quan lập pháp nào đòi hỏi như thế. Ngay cả các nước phương Tây, quốc hội của họ đại diện đích thực cho nhiều thành phần khác nhau, trình độ khác nhau, cũng chẳng phải là nơi tập trung trí tuệ xã hội, nhưng đã cho ra đời nhiều bộ luật chặt chẽ để điều tiết hoạt động đất nước. Đó là nhờ trong mọi tình huống, những nhà lập pháp đều được sự hỗ trợ của hàng ngàn chuyên viên ưu tú thuộc nhiều lĩnh vực.
Như Quốc hội Mỹ chẳng hạn, Văn phòng Nghiên cứu của Quốc hội CRS (Congressional Research Service ) là một bộ máy đồ sộ phục vụ nhu cầu phân tích thông tin, nghiên cứu tình hình cho quốc hội trong thời gian nhanh nhất, khách quan và đầy đủ nhất.
Ngoài ra, tại các ủy ban còn có hàng trăm chuyên viên thuộc nhiều lĩnh vực lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ quá trình làm luật, đó là chưa kể chuyên viên riêng của các vị dân cử hoạt động độc lập như một người tham mưu đồng hành. Tất cả tạo nên chất liệu sống làm nền tảng phát biểu cho các thành viên trong ngôi nhà lập pháp, nhất là khi cần có quyết định trong lá phiếu bởi luật lệ vốn “sai một ly đi một dặm”.
Quốc hội chúng ta không thiếu những đại biểu có bề dày kiến thức, cũng sử dụng chuyên viên trong quá trình làm luật, nhưng hình như từng đại biểu vẫn chưa được sự tiếp sức của chuyên viên để tự tin trong tranh luận và ứng xử trước các vấn đề mình chưa nắm vững. Phải chăng vì vậy mà thỉnh thoảng xuất hiện trên diễn đàn quốc hội những phát biểu đại loại như yêu cầu “kéo đám mây về Việt Nam” đang được bàn luận nhiều trên mạng.
Một quốc hội bán chuyên nghiệp (đa phần đại biểu kiêm nhiệm) với quy trình làm luật còn khập khiễng (hầu hết dự thảo luật xuất phát từ hành pháp), thời gian làm luật không nhiều (xuân thu nhị kỳ mới họp), thì đầu tư lớn cho một đội ngũ chuyên viên lại trở nên hết sức cấp bách để có một hệ thống luật pháp tiến bộ, phù hợp với thực tế xã hội trong tình hình hội nhập với bên ngoài. “Tiền nào của nấy” không chỉ là câu nói ví von trong dân gian mà là một quy luật trong đời sống kinh tế xã hội.
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét