Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

20180629. NHÌN NHẬN VỀ VAI TRÒ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHÌN NHẬN VỀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC ĐÃ THAY ĐỔI , NHƯNG CHƯA THỂ AN TÂM

PHAN MINH NGỌC/ TBKTSG 28-6-2018

(TBKTSG) - Quốc hội mới đây đã thông qua nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Nghị quyết này có một số nội dung đáng chú ý liên quan đến số phận các DNNN trong thời gian tới.

Việt Nam không nhất thiết phải dồn nguồn lực khan hiếm cho DNNN để mong ngóng chúng đóng tròn vai “chủ đạo” một ngày nào đó trong tương lai. Ảnh: NGUYỄN NAM
Thái độ đã thay đổi?
Một nội dung rất quan trọng được nêu trong nghị quyết là “DNNN đã chuyển dịch theo hướng tập trung hơn vào những ngành nghề then chốt của nền kinh tế hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không tham gia, tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, góp phần bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa”(1).
Trước đây, quan điểm chính thống vẫn là khoác cho DNNN vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần để đảm bảo định hướng kinh tế xã hội chủ nghĩa. Do thực tiễn đã thay đổi nên về sau quan điểm này đã được sửa đổi cho hợp thời hơn. Cụ thể, thay vì DNNN, các văn kiện, văn bản sau này đã dùng khái niệm kinh tế nhà nước, bao gồm trong đó DNNN, để rồi Đại hội XII của Đảng đã chính thức khẳng định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”(2).
Tuy nhiên, trên thực tế, dường như không ít người hiểu rõ chuyện thay đổi chữ nghĩa trên chỉ là chuyện “hồn Trương Ba, da hàng thịt”.
Nay, với nghị quyết trên của Quốc hội, DNNN “tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế đất nước”, một vai trò có thể nói là khiêm tốn hơn nhiều so với vai trò chủ đạo trước đây và ngầm định như hiện nay.
Chưa thể an tâm
Nhận thức về DNNN tỏ ra là đã tiến thêm được một bước quan trọng như được thể hiện qua việc “giáng cấp” vai trò của chúng trong nền kinh tế, đi kèm với khẳng định không dùng ngân sách xử lý thua lỗ của chúng. Nhưng chắc chắn rằng việc đưa chuyển biến nhận thức này thành hành động, thành kết quả sẽ rất khó khăn.
Bên cạnh chuyện thay đổi thái độ đối với vai trò của DNNN để có thể từ đó Việt Nam không nhất thiết phải dồn (thêm) nguồn lực khan hiếm cho DNNN để mong ngóng chúng đóng tròn vai “chủ đạo” một ngày nào đó trong tương lai, nghị quyết trên của Quốc hội còn nêu rõ không dùng ngân sách để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp. Nếu được thực hiện nghiêm túc, đây là những thay đổi, quyết định rất sáng suốt, hợp lòng dân. Bởi nếu mổ xẻ những dự án, những DNNN làm ăn thua lỗ trong suốt thời gian dài đều thấy rõ những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như tham ô, tham nhũng, cố ý làm trái quy định của pháp luật và sự yếu kém của lãnh đạo doanh nghiệp và các cơ quan chủ quản. Không có một ngân sách nào, không có một nguyên tắc tài chính nào cho phép và/hoặc đủ khả năng để bù lỗ mãi cho những yếu kém và sai phạm như vậy. Và cũng không có một phép màu nào để nói “chắc như bắp” rằng nếu bỏ tiền ngân sách ra xử lý nợ nần, thua lỗ của DNNN thì chỉ cần một vài năm sau DNNN sẽ hồi phục và làm ăn có lãi, như đã từng được tuyên bố trước đây.
Tuy nhiên, nghị quyết là một chuyện, thực tế có thể là một chuyện khác. Từ góc độ của cơ quan chủ quản, của Chính phủ, nếu không được phép dùng ngân sách để xử lý nợ nần, thua lỗ của DNNN, Chính phủ chỉ còn hai lựa chọn. Một là để DNNN phá sản, đóng cửa. Hai là bằng một hình thức nào đó, Chính phủ vẫn (gián tiếp) sử dụng ngân sách để tài trợ cho các DNNN thua lỗ. Điều rõ ràng ở đây là lựa chọn thứ nhất sẽ rất khó khăn, “nhạy cảm” về chính trị, và là điều không mong muốn (cả vì lợi ích chính trị chung của quốc gia cũng như lợi ích riêng của cá nhân, của một nhóm người liên quan).
Trong khi đó, thực hiện lựa chọn thứ hai vừa có lợi hơn trên nhiều mặt, cho một số người, mà thực ra lại không khó khăn lắm, vì ít khả năng vấp phải sự phản đối của dư luận do không dùng đến từ nhạy cảm là “sử dụng ngân sách”!
Để minh họa, hãy xem kế hoạch xử lý một số dự án thua lỗ của Bộ Công Thương được công bố. Tuy các chủ dự án, các cơ quan chức năng không dám, không còn đề xuất nhà nước tiếp tục rót ngân sách để tái cấp vốn hay tăng vốn cho những DNNN thua lỗ này nữa, nhưng thay vào đó lại đưa ra nhiều kiến nghị và đề xuất mà xét cho cùng đều là lấy từ ngân sách, hoặc làm tổn hại đến ngân sách, hoặc làm tổn hại đến lợi ích công cộng.
Chẳng hạn, với Nhà máy PVTex, các đối tác của nhà máy “mong muốn Chính phủ cam kết bảo đảm quyền lợi của họ trong quá trình hợp tác, áp dụng các hàng rào kỹ thuật đối với nhập khẩu polyester, bảo đảm nguồn điện ổn định tại khu công nghiệp Đình Vũ...”(3).
Nếu Chính phủ cam kết đảm bảo quyền lợi thì cũng không khác gì một hình thức Chính phủ sẽ phải bù lỗ cho doanh nghiệp, và tất nhiên là bằng ngân sách. Áp dụng hàng rào kỹ thuật đối với nhập khẩu polyester chẳng qua là một hình thức bảo hộ, làm lợi cho doanh nghiệp và làm hại cho nền kinh tế nói chung, đồng thời gây ra xung đột thương mại với các nước đối tác. Bảo đảm nguồn điện ổn định nghe có vẻ hợp lý hơn, không dính dáng gì đến ngân sách, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Chính phủ vẫn phải bảo đảm cung cấp điện cho nhà máy kể cả khi nhà máy thua lỗ, không (muốn) chi trả tiền điện?
Tương tự, về phương án tài chính, phương án chung vẫn là giảm khấu hao và yêu cầu các tổ chức tín dụng khoanh nợ, giãn nợ (thông qua Ngân hàng Nhà nước). Có những nhà máy như PVTex và DAP thì lại đề nghị tiếp tục được vay (dùng) tiền của tập đoàn là Petro Vietnam hay Vinachem. Do tiền cấp hoặc cho vay từ những tập đoàn, tổ chức tín dụng này cũng là tiền ngân sách (hoặc ngân sách sẽ phải chịu trách nhiệm khi các tập đoàn, tổ chức tín dụng này không thu hồi được vốn cho vay hoặc cấp phát), nên rốt cuộc thì vấn đề sẽ quay trở về điểm xuất phát là không dùng ngân sách xử lý thì không xong!
Tóm lại, nhận thức về DNNN tỏ ra là đã tiến thêm được một bước quan trọng như được thể hiện qua việc “giáng cấp” vai trò của chúng trong nền kinh tế, đi kèm với khẳng định không dùng ngân sách xử lý thua lỗ của chúng. Nhưng chắc chắn rằng việc đưa chuyển biến nhận thức này thành hành động, thành kết quả sẽ rất khó khăn, ít nhất là trong vài năm tới. 
(1) http://cafef.vn/quoc-hoi-khong-dung-ngan-sach-xu-ly-thua-lo-cua-doanh-nghiep-20180615104506093.chn
(2) http://www.qdnd.vn/thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-trung-uong-iv-khoa-xii-cua-dang/kinh-te-nha-nuoc-giu-vai-tro-chu-dao-501779
(3) http://vneconomy.vn/12-du-an-thua-lo-dang-tren-da-hoi-sinh-20180226230401355.htm
TIN BÀI LIÊN QUAN:
LẠM BÀN VAI TRÒ CHUYÊN VIÊN

GIA MINH /TBKTSG 28-6-2018

(TBKTSG) - Theo số liệu thống kê được trang tin The Next Web đăng tải, tại Việt Nam có 64 triệu người dùng Internet và 74% trong số này dùng Facebook, xếp thứ 7 trong số các nước sử dụng mạng xã hội này trên toàn cầu. Người dân giờ đây qua Internet và Facebook đã truy cập thông tin hàng ngày, chia sẻ suy nghĩ cũng như những tâm sự riêng tư.

Internet và Facebook đã thâm nhập vào cuộc sống của số rất đông người với tư cách là một phương tiện, nhưng kiến thức đầy đủ về mạng xã hội này thì không phải ai cũng có. Ảnh: Internet
Có thể nói Internet và Facebook đã thâm nhập vào cuộc sống của số rất đông người với tư cách là một phương tiện, nhưng kiến thức đầy đủ về mạng xã hội này thì không phải ai cũng có, thậm chí đa phần vẫn còn mù tịt dù hàng ngày “lên phây”. Nói chung không ai trong chúng ta hiểu biết hết mọi chuyện và chẳng có gì xấu hổ về những điều mình chưa biết hoặc không biết.
Mấy tuần qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video về phát biểu của một vị đại biểu tại diễn đàn Quốc hội khi trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật An ninh mạng, bộ luật rất quan trọng gây nhiều tranh cãi mà sau đó đã được thông qua với hơn 86% số phiếu đồng thuận.
Cũng chẳng có gì đáng nói nếu phát biểu ấy không vang lên từ diễn đàn Quốc hội, nơi từng lời nói và thái độ cần được cân nhắc đến nơi đến chốn, nghiêm túc, đầy trách nhiệm và thể hiện tính trí tuệ vì liên quan đến qui trình làm luật.
Một quốc hội bán chuyên nghiệp với quy trình làm luật còn khập khiễng, thời gian làm luật không nhiều, thì đầu tư lớn cho một đội ngũ chuyên viên lại trở nên hết sức cấp bách để có một hệ thống luật pháp tiến bộ, phù hợp với thực tế xã hội.
Vậy thì làm sao khắc phục điều này, nhất là khi đa số đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm, quá bận rộn với bao nhiêu công việc, như có lần một bí thư tỉnh ủy là đại biểu Quốc hội than phiền: “Từ địa phương đầu tắt mặt tối, khi tới đây các đồng chí đưa cho cả đống tài liệu bảo nghiên cứu ngay thì chúng tôi không thể hình thành cơ sở lý luận để tham gia ý kiến được”. Chưa kể có những kỳ họp chỉ kéo dài hơn một tháng, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua cả chục bộ luật quan trọng, điều mà Quốc hội các nước phải mất cả năm trời để thông qua. (Trong kỳ họp kỳ thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã thông qua bảy luật và cho ý kiến về chín dự án luật khác để thông qua tại kỳ họp tới).
Thật ra, không phải vị dân cử nào cũng có kiến thức rộng, am hiểu mọi vấn đề và cũng chẳng cơ quan lập pháp nào đòi hỏi như thế. Ngay cả các nước phương Tây, quốc hội của họ đại diện đích thực cho nhiều thành phần khác nhau, trình độ khác nhau, cũng chẳng phải là nơi tập trung trí tuệ xã hội, nhưng đã cho ra đời nhiều bộ luật chặt chẽ để điều tiết hoạt động đất nước. Đó là nhờ trong mọi tình huống, những nhà lập pháp đều được sự hỗ trợ của hàng ngàn chuyên viên ưu tú thuộc nhiều lĩnh vực.
Như Quốc hội Mỹ chẳng hạn, Văn phòng Nghiên cứu của Quốc hội CRS (Congressional Research Service ) là một bộ máy đồ sộ phục vụ nhu cầu phân tích thông tin, nghiên cứu tình hình cho quốc hội trong thời gian nhanh nhất, khách quan và đầy đủ nhất.
Ngoài ra, tại các ủy ban còn có hàng trăm chuyên viên thuộc nhiều lĩnh vực lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ quá trình làm luật, đó là chưa kể chuyên viên riêng của các vị dân cử hoạt động độc lập như một người tham mưu đồng hành. Tất cả tạo nên chất liệu sống làm nền tảng phát biểu cho các thành viên trong ngôi nhà lập pháp, nhất là khi cần có quyết định trong lá phiếu bởi luật lệ vốn “sai một ly đi một dặm”.
Quốc hội chúng ta không thiếu những đại biểu có bề dày kiến thức, cũng sử dụng chuyên viên trong quá trình làm luật, nhưng hình như từng đại biểu vẫn chưa được sự tiếp sức của chuyên viên để tự tin trong tranh luận và ứng xử trước các vấn đề mình chưa nắm vững. Phải chăng vì vậy mà thỉnh thoảng xuất hiện trên diễn đàn quốc hội những phát biểu đại loại như yêu cầu “kéo đám mây về Việt Nam” đang được bàn luận nhiều trên mạng.
Một quốc hội bán chuyên nghiệp (đa phần đại biểu kiêm nhiệm) với quy trình làm luật còn khập khiễng (hầu hết dự thảo luật xuất phát từ hành pháp), thời gian làm luật không nhiều (xuân thu nhị kỳ mới họp), thì đầu tư lớn cho một đội ngũ chuyên viên lại trở nên hết sức cấp bách để có một hệ thống luật pháp tiến bộ, phù hợp với thực tế xã hội trong tình hình hội nhập với bên ngoài. “Tiền nào của nấy” không chỉ là câu nói ví von trong dân gian mà là một quy luật trong đời sống kinh tế xã hội.
TIN BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét