Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

20180603. SAO KHÔNG THI HÀNH LUẬT TRƯNG CẦU Ý DÂN ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
LUẬT TRƯNG CẦU Ý DÂN ĐÃ CÓ, SAO KHÔNG THI HÀNH ?

THẢO VI/ VNTB/ BVN 1-6-2018

b5
Bốn vấn đề sẽ phải trưng cầu dân ý
Trong ngày 29-5-2018, có 2 bản tuyên bố được lập bởi một số nhóm xã hội dân sự đều liên quan đến đất đai. Một tuyên bố yêu cầu cần phải có quyền tư hữu đất đai, công bố vào rạng sáng ngày 29-5, và một tuyên bố vào cuối giờ chiều ngày 29-5 về thời gian ‘bán đất’ trong 99 năm của dự luật đặc khu.
Trong “Tuyên bố về quyền tư hữu đất đai của công dân qua trường hợp Thủ Thiêm” do nhóm linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn khởi xướng, sau khi viện dẫn Điều 53, Điều 54 của Hiến pháp 2013, đã đưa ra ba yêu cầu (trích): “Phải thay đổi Hiến pháp, chuyển từ “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân”, thành “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản thuộc sở hữu cá nhân, sở hữu tổ chức, sở hữu cộng đồng quy ước và sở hữu toàn dân”.
Mọi việc giải tỏa theo quy hoạch phải vì lợi ích phát triển của dân cư tại chỗ trước tiên, và họ phải là người được hưởng lợi nhiều nhất trong quy hoạch phát triển mới, chứ không thể để quan chức hay các công ty thuộc nhóm lợi ích hay ăn chia lợi nhuận với quan chức được hưởng lợi chính.
Trường hợp điển hình tại bán đảo Thủ Thiêm, phải giữ nguyên địa giới cùng cơ sở Nhà thờ và Tu viện mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Nhất là phải tính toán đền bù lại cho hơn 1.000 hộ gia đình đã bị giải tỏa và bị buộc phải nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt”. (hết trích)
Mặc dù chỉ đăng tải qua trang facebook cá nhân, song Tuyên bố nói trên nhanh chóng thu hút sự hưởng ứng của các hội đoàn xã hội dân sự, cùng nhiều tầng lớp nhân dân.
Người viết cho rằng nội dung Tuyên bố yêu cầu cần có sự thay đổi về Hiến pháp của nhóm linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn (và cả bản Tuyên bố do Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng khởi xướng, công bố vào cuối giờ chiều ngày 29-5), là phù hợp với Điều 6 của Luật Trưng cầu Ý dân: “Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề sau đây: 1. Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; 2. Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; 3. Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước; 4. Vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước”.
Điều 28 của Hiến pháp đã bảo hộ về ‘quyền ý kiến’ của cả hai nhóm khởi xướng nói trên: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Cần thực thi Luật Trưng cầu Ý dân
Luật Trưng cầu Ý dân được chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành ngày 25-11-2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân kế nhiệm ông Nguyễn Sinh Hùng từ ngày 31-3-2016, và bà đã làm không tròn trọng trách của mình khi mãi cho tới nay vẫn không thực hiện điều cuối cùng của Luật Trưng cầu Ý dân: “Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật và hướng dẫn việc thi hành Luật này” (Điều 52).
Nếu chưa thể thực thi Luật Trưng cầu Ý dân, thì cần dừng ngay dự Luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật Đặc khu).
Lý do: “Thời hạn thuê đất 99 năm thực sự đặt ra mối quan ngại về an ninh quốc phòng mà chúng ta không thể phớt lờ, vì nó hoàn toàn có thể bị lợi dụng để thực hiện các kế hoạch chiếm giữ những vị trí xung yếu về quân sự tại ba vùng đất và biển chiến lược ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nhất là trước hiểm họa thôn tính biển đảo và đất liền thường trực của nhà cầm quyền Trung Quốc hiện nay. Bài học người Trung Quốc mua đất đai hàng loạt với diện tích lớn ở Đà Nẵng vẫn còn nóng hổi tính thời sự, xét dưới góc độ và mưu toan mở rộng “biên giới mềm” mà nhà cầm quyền Trung Quốc đang thực hiện” (trích Tuyên bố của CLB Lê Hiếu Đằng).
Có thể thấy rằng khi người dân vẫn còn niềm tin vào công lý, người ta mới mạnh dạn đưa ra những kiến nghị, yêu cầu cho ích nước – lợi nhà. Nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, Đảng đã khôi phục quyền phúc quyết (trưng cầu dân ý) của người dân đối với Hiến pháp và các vấn đề quan trọng của đất nước. Vậy tại sao Quốc hội vẫn còn chần chừ trong thực thi?
Hiến pháp là đạo luật do nhân dân tạo nên. Nhân dân, với tư cách là chủ thể gốc của quyền lực nhà nước, tự mình đưa ra những giới hạn cho hoạt động của chính quyền. Về nguyên tắc, quyền lực nhà nước nói chung, quyền lực của Quốc hội nói riêng, chỉ là quyền lực được ủy nhiệm. Nếu Quốc hội tự mình làm ra Hiến pháp, sửa đổi và thông qua nó mà không có sự tham gia, phê chuẩn của chủ thể quyền lực gốc là một việc làm mang tính đơn phương, không đúng với tinh thần “mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân”.
Quyền phúc quyết là quyền được quyết định trực tiếp của người dân. Tất nhiên, người dân không thể quyết định trực tiếp mọi vấn đề. Do tính chất của Hiến pháp là đạo luật cơ bản quy định quan hệ của nhà nước với người dân, do vậy, quyền phúc quyết đối với Hiến pháp (cũng như các sửa đổi Hiến pháp) cần được xem như là dấu hiệu cơ bản nhất của quyền làm chủ, của sự đồng thuận, tự nguyện tuân thủ quyền lực do chính người dân ủy nhiệm.
Ngoài quyền phúc quyết Hiến pháp, người dân có thể có quyền phúc quyết đối với một số vấn đề lớn, trọng đại khác liên quan đến vận mệnh quốc gia như dự Luật Đặc khu, dự Luật An ninh mạng… Và để thực thi các quyền đó, nếu như các vị đại biểu Quốc hội, các thành viên Chính phủ vẫn chưa đồng thuận được với nhiều ý kiến của người dân – đơn cử như hai bản Tuyên bố nói ở trên, cần thiết thực thi ngay quyền trưng cầu ý dân.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu”… Lời dạy ấy luôn là một chân lý cho những nhà quản trị quốc gia.
T.V.
VNTB gửi BVN

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ ĐẶC KHU

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ TTVN 1-6-2018

1. Tương quan

Người ta nói đến đặc khu với hình tượng Thẩm Quyến và Thượng Hải mà ngó lơ con số của Ngân hàng Thế giới (WB): 50% đặc khu trên toàn thế giới thất bại thảm hại. Đặc khu, là một canh bạc 5-5. Và, có vẻ như nó đã lỗi thời so với thời điểm Thẩm Quyến từ một làng chài thành thiên đường, thập niên 80 của thế kỷ trước, thời tương quan kinh tế dĩ nhiên lạc hậu hơn.
Trong 5 yếu tố làm nên thành công một đặc khu: Vị trí chiếm số 1, chiến lược giữ vị trí số 2. Tức là kiến tạo giá trị lõi để khi nhắc đến, người ta biết giá trị của nó là gì. Ví dụ: Thẩm Quyến là một thung lũng công nghệ. Thượng Hải là thủ phủ tài chính.
Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, cho đến bây giờ chưa định hình được “giá trị lõi” đó. Tôi đọc báo 1 ngày, chưa thấy mỗi đặc khu sẽ mang một giá trị nhận diện gì. Ngoài những thứ chung chung như công nghệ cao, du lịch, casino.
Làm công nghệ cao thì không biết bắt đầu từ đâu cả. Ngay cả TP.HCM và HN cũng chưa thành công. Du lịch, thì có lẽ không cần đặc khu. Còn casino? Anh Nguyễn Duy Hưng ở SSI nói: Tôi chả thấy ở nơi đâu mà xây dựng giá trị của đặc khu dựa trên casino cả!
Yếu tố thứ 3 quyết định thành công của đặc khu: Chính sách và đột phá thể chế. Điều này, chưa hiển hiện ở cả ba khu vực, chỉ là những “ý định” chung chung chứ chưa định khung những luật lệ, quy định riêng cho đặc khu, và từng đặc khu.
Một sự thay đổi le lói ở Phú Quốc, Bí thư Nguyễn Thanh Nghị từng đề xuất thiết chế Trưởng đặc khu, thay cho chủ tịch và bí thư. Hợp nhất cả các đoàn thể. Đến nay, bặt vô âm tính. Đương nhiên nó vướng quá nhiều ở thực tế.
Để thấy rằng, việc hình thành các đặc khu có vẻ như chỉ đang luẩn quẩn trong ý chí cục bộ (hoặc toan tính) của vài người. Ba tòa cung điện mơ mộng, tổng vốn đầu tư 1.300.000.000.000.000 (1,3 triệu tỷ đồng) đang không có nền móng đủ chắc.



dac khu

Vị trí của 3 đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú Quốc trên lãnh thổ quốc gia. (Đồ họa: vnexpress.net)

2. Thực trạng

Thực trạng chung của Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc là “sốt đất”. Đất tăng giá vài chục lần. Cơn sốt đất đang khiến 3 khu vực này quay cuồng. Mua 800 triệu, bán 18 tỷ. Nạn mua bán tràn lan phá vỡ quy hoạch.
Thực tế đó sẽ đặt nhà cầm quyền vào một thách thức lớn khi quyết tâm làm đặc khu: Đó là xung đột xã hội khi muốn có quỹ đất sạch.
Cơn sốt đất lan rộng trên phạm vi toàn quốc, đẩy giá trị bất động sản (BĐS) lên cao, đương nhiên là giá trị ảo. Dòng vốn chảy vào 3 “thiên đường BĐS này”, phần lớn từ giới lắm tiền nhiều của, khách phía Bắc chiếm phần đông.
Cơn sốt đất, như Phú Quốc chẳng hạn, có từ rất lâu trước khi công bố ý tưởng đặc khu. Nghĩa là có nhiều cá nhân, pháp nhân đã gom đất chờ sẵn. Gợn bóng dáng tham nhũng chính sách.
Nếu thông qua đặc khu, tức là tạo ra sự thiên lệch về đối tượng thụ hưởng chính sách và “bảo hộ” cho các thị trường đất đai tự phát.

3. Thuê đất 99 năm và… Trung Quốc

Như đã nói ở trên, quy hoạch “giá trị lõi” cho 3 đặc khu chưa hiển hiện. Làm sao xác định các đặc thù của từng đặc khu để xác định thời hạn giao đất phù hợp?
Đối với các vị trí nhạy cảm như Vân Đồn, Bắc Vân Phong mà giao đất 99 năm là “mạo hiểm”. Nhất là khi tiệm cận hoặc lọt vào “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Vịnh Vân Phong chỉ cách Nha Trang 30km, khu vực cảng rộng lên tới 43.500 héc ta gấp 3 lần so với vịnh Cam Ranh. Đây là một vị trí chiến lược. Chính phủ Mỹ đã yêu cầu Việt Nam ngăn không cho phép Nga sử dụng căn cứ quân sự ở vịnh Cam Ranh.
Với thời hạn giao đất 99 năm, kịch bản con ngựa thành Troy không phải là không thể. Thực tế quản lý của Bouxite Tây Nguyên và Formosa đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Những cộng đồng người TQ, đường phố tên Trung Quốc được hình thành.
Formosa thậm chí còn không cho quan chức địa phương vào kiểm tra, bên trong còn xây dựng cả công trình tôn giáo.
Thử tưởng tượng, người Trung Quốc, từ Hoàng Sa và một phần Trường Sa đi vào, có những “trạm trung chuyển” là 2 đặc khu với những cơ sở giao đất 99 năm thì sẽ như thế nào?
Chưa hết, vốn đầu tư của Trung Quốc vào bất động sản, nhất là phân khúc nghỉ dưỡng ven biển đang gia tăng. Cộng hưởng với dòng vốn tín dụng đổ vào các doanh nghiệp BĐS lập dự án ở các vị trí “nhạy cảm” trong thời gian gần đây. Nó là một dạng quyền lực mềm mà chẳng có ai giỏi bằng TQ.
Tại Nha Trang, dài đến Đà Nẵng, tình trạng người Trung Quốc mua nhà đất, cư trú tràn lan trong một thời gian rất dài.
Nếu nghĩ về một kịch bản xâm chiếm quy mô kết hợp với du kích, có lẽ nhiều người sẽ nói tôi hoang tưởng. Nhưng những gì hiển hiện trước mắt và trải dài qua một thời đoạn, có lẽ cũng sẽ khiến không ít người chột dạ.
Thông qua đặc khu với những thực trạng như trên sẽ là một quyết định vội vã. Một nút bấm thông qua, chưa chắc đã biến những làng chài thành thiên đường. Nhưng nó có thể sẽ biến tương lai trở lại với quá khứ Giao Chỉ, với dã tâm vô giới hạn của chính quyền Trung Quốc.
Theo Facebook Nhà báo Nguyễn Tiến Tường
(*) Bản đăng có chỉnh sửa chi tiết nội dung so với nguyên bản.

5 KHÁC BIỆT GIỮA ĐẶC KHU KINH TẾ CHO TQ THUÊ VỚI KHU PHÓ TÀU (CHINATOWN)
HUỲNH CHÍ VIỄN/ TTVN 1-6-2018

Nhân dịp có một Đại biểu Quốc hội phát biểu so sánh rằng đặc khu kinh tế cho Trung Quốc thuê thì có khác gì các khu phố Tàu (Chinatown) mà thành phố lớn nào trên thế giới cũng có (*), tôi xin đưa ra 5 khác biệt lớn của hai hình thức dân cư nói trên để phản bác lại ý kiến này.

dac khu
Con đường ban đêm dưới cổng vòm vào khu phố Tàu tại Manila, Philippines, ngày 3/5/2018. (Ảnh: Carlo Gauco/Bloomberg qua Getty Images)
1. Về chính trị:
Những khu phố Tàu có mặt hầu hết khắp nơi trong các thành phố lớn trên thế giới, là nơi người Hoa di dân sang để sống tại đất nước đó. Người Hoa ở các khu phố Tàu phần lớn là những người dân tị nạn chính trị và họ ra đi vì không công nhận sự tồn tại của chính thể đang cai trị tại quê hương họ.
Còn dân của các đặc khu kinh tế cho Trung Quốc thuê là do Chính phủ đưa sang và cài cắm vào đó với mục đích biến đặc khu đó thành đất của chính phủ Trung Quốc về lâu về dài. Cả bộ máy hành chính của đặc khu cũng được đưa từ Trung Quốc sang. Mỗi đặc khu là một đất nước Trung Quốc thu nhỏ về mặt chính trị và hành chính.
2. Về quy mô và vị trí:
Các khu phố Tàu tại các thành phố lớn thường có quy mô nhỏ, chỉ vài con đường. Khu Chợ Lớn được xem là Chinatown lớn nhất thế giới và lâu đời nhất cũng chỉ có quy mô vài quận.
Một đặc khu kinh tế thì quy mô hoàn toàn khác hẳn, rộng lớn hơn rất nhiều, diện tích ít nhất cũng bằng một thành phố nhỏ.
Các khu phố Tàu không hề có ranh giới biệt lập với khu dân cư bản địa, vì nó là một phần của thành phố bản địa, ra vào không cần phải xuất trình giấy tờ đặc biệt cũng không phải nhất thiết là người Hoa mới vào được.
Các đặc khu kinh tế Trung Quốc tuy nằm trên đất Việt Nam nhưng lại tách biệt hoàn toàn, người Việt Nam nếu không có giấy tờ đặc biệt cũng không được vào.
3. Về tư cách công dân:
Dân cư khu phố Tàu qua nhiều thế hệ hòa nhập với dân địa phương và trở thành một phần của cộng đồng nơi đó. Họ nhập tịch của quốc gia sở tại, nếu lập gia đình với người bản địa hoặc với người đồng hương thì con cái của họ vẫn mang quốc tịch nước sở tại chứ không mang quốc tịch Trung Quốc. Con cái họ lớn lên đi học nền giáo dục địa phương, nói tiếng địa phương song song với tiếng Hoa.
Dân cư đặc khu kinh tế Trung Quốc mang quốc tịch Trung Hoa, nếu có lấy vợ người bản địa thì con cái họ vẫn mang quốc tịch Trung Hoa. Họ học chương trình giáo dục Trung Quốc và không cần phải học tiếng địa phương của nước sở tại.
dac khu
Chợ Bình Tây nằm ở khu phố Tàu ở TP.HCM, ngày 6/1/2013. (Ảnh: Munshi Ahmed/Bloomberg qua Getty Images)
 
4. Về việc chấp hành pháp luật:
Dân cư khu phố Tàu chịu sự chế tài của pháp luật nước sở tại và thực hiện quyền lợi cũng như nghĩa vụ của công dân nước sở tại. Họ làm việc, đóng thuế cho nhà nước sở tại và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cộng đồng.
Dân cư đặc khu kinh tế Trung Quốc tuân theo pháp luật Trung Quốc, thực hiện nghĩa vụ công dân với Trung Quốc nhưng lại được hưởng nhiều ưu đãi về mặt quyền lợi kinh tế mà ngay cả doanh nghiệp bản địa cũng không được hưởng. Họ làm việc, đóng thuế cho quốc gia của họ và khai thác tài nguyên nước sở tại góp phần làm giàu cho Trung Quốc.
5. Về quân sự:
Ở các khu phố Tàu, việc thành lập quân đội hay lực lượng cảnh sát riêng là điều không thể xảy ra vì chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ mọi thứ trong khi những đặc khu kinh tế, nơi tách biệt hoàn toàn với nước sở tại và chính quyền địa phương không có quyền hành kiểm soát mọi hoạt động bên trong, việc thành lập một căn cứ quân sự hay xây nhà máy sản xuất vũ khí là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu có xảy ra xung đột giữa dân địa phương và dân trong đặc khu, chính quyền Trung Quốc hoàn toàn có thể đưa quân đội sang với cớ là bảo vệ công dân nước mình. Lúc đó trong đánh ra ngoài đánh vào thành thế gọng kìm coi như ta không thế nào trở tay kịp.
Theo Facebook Huỳnh Chí Viễn
(*) Trong cuộc phỏng vấn trên Nhadautu.vn (9/5/2018), trả lời câu hỏi: “Về vấn đề an ninh – quốc phòng, ông có lo ngại khi thời gian thuê đất dài và các đặc khu nằm ở vị trí khá nhạy cảm?”, TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đặt luận điểm: “Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ… đều có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay không?…”

KHI CHÚNG TA  LÀ 'ĐỈNH CAO CỦA QUỐC TẾ'

TRÂN VĂN/ Blog VOA 1-6-2018

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ.
Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phùng Xuân Nhạ.

Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục – Đào tạo, vừa tự biến chính mình thành bia cho dân chúng Việt Nam liệng ra đủ thứ từ ngữ, nhận định vốn chẳng hay ho chút nào cho cả uy tín của ông lẫn thể diện của chính phủ, khi đề nghị Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Dự luật sửa đổi Luật Giáo dục Đại học theo hướng loại bỏ việc “thu học phí”, cho phép hệ thống giáo dục đại học chuyển sang “thu giá dịch vụ đào tạo”.
Có một điểm đáng ngạc nhiên là tuần trước, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải, đồng liêu của ông Nhạ, vừa “ôm đầu máu” tháo chạy, vứt lại quyết tâm thay đổi những “Trạm Thu phí” cho các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thành “Trạm Thu giá”, giữa con đường đưa Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Lúc các “Trạm Thu giá” đồng loạt chào đời, thiên hạ đã từng mỉa mai, nếu “thu phí” trở thành “thu giá”, hẳn sẽ có ngày viện phí trở thành “viện giá”, học phí trở thành “học giá”, lệ phí trở thành “lệ giá”, cước phí trở thành “cước giá”, án phí trở thành “án giá”, thậm chí đảng phí có thể sẽ được đổi thành… “đảng giá”! Chẳng ai dè trong bối cảnh như vậy, giữa lúc dân chúng thuộc đủ mọi giới đang sôi sùng sục như thế, ông Nhạ vẫn “xô cửa xông vào, liều mình như chẳng… có”!
Ngoài yếu tố có nhiều chuyện khó… ngờ, cuộc đời rõ ràng là còn có nhiều người mà nhận thức, ứng xử, ý kiến cũng thuộc loại… khó ngờ!
Đối diện với viễn cảnh “thu học phí” có thể được chuyển đổi thành “thu giá dịch vụ đào tạo” – theo… “qui định của pháp luật”, Cù Mai Công nhận định: Lúc này, chính phủ… “zui” thiệt. Vừa yên chút xíu là có vị… chọt cho… dân chửi! Hết Kim “Tiêm” (lối ví von có tính miệt thị bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế) đến Thể “BOT” (ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải), Tuấn “Đại cục” (ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Du lịch thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch), tới Nhạ “Giá”!
Phạm Uyên Nguyên, bạn của Công, cho rằng: Chính trường đang bị biến thành… hí trường! Diệu An, một người bạn khác, tin đó là kiểu tấu hài để Quốc hội và nhân dân đỡ buồn ngủ! Quân Võ Minh Quân nghi ngờ, chính phủ hiện giờ không phải “chính phủ kiến tạo” mà là “chính phủ… chọc ngoáy”. Lam Hồng Nguyễn trấn an, tuy chưa có chính phủ kiến tạo nhưng rõ ràng nội các hiện nay là… chính phủ vui vẻ, đáng… phấn khởi! Hoài Lê thắc mắc: Trời nắng, nóng lắm hay sao mà phát bệnh nhiều vậy?..
Tuy rất khó có thể thống kê xem trên các diễn đàn điện tử, mạng xã hội như facebook có bao nhiêu người nguyền rủa, mỉa mai những quyết định như đổi tên những “Trạm Thu phí” cho các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT thành “Trạm Thu giá”, những ý tưởng như loại bỏ việc “thu học phí”, cho phép hệ thống giáo dục đại học chuyển sang “thu giá dịch vụ đào tạo”, những biện giải kiểu như một nhóm du khách Trung Quốc đồng loạt mặc áo thun quảng bá lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả biển Đông của Việt Nam, khi làm thủ tục nhập cảnh Viện Nam là “sự cố nhỏ” và khuyến cáo đừng để “sự cố nhỏ anh hưởng đến… đại cục”,… song có thể khẳng định, con số ấy không dưới hàng triệu và gần như không có ai biểu đạt sự đồng tình với các viên chức hiện là thành viên chính phủ.
Những từ như “ngu”, “điên”, “ngáo đá” (nhận thức đi vắng do dùng ma túy tổng hợp quá liều), khốn nạn,… càng ngày càng phổ biến trên các diễn đàn điện tử, mạng xã hội khi công chúng tham gia bàn luận về những sự kiện có liên quan đến viên chức trong hệ thống công quyền tại Việt Nam. Không ít người trong số này đề nghị xem lại việc canh giữ các bệnh viện tâm thần vì dường như chưa chặt chẽ, thành ra để “sổng”
nhiều… bệnh nhân, khiến… toàn dân khó chịu. Tuy nhiên cũng có những facebooker như Phạm Hoài Nhân, thay mặt… “Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2” (vốn vẫn được dân chúng gọi là Nhà thương Điên Biên Hòa), thông báo, bệnh viện này sẽ không nhận các bệnh nhân từng là Bộ trưởng hoặc Đại biểu Quốc hội vì “vượt quá khả năng điều trị”.
***
Có một điểm rất đáng lưu ý là dẫu số lượng lời nguyền rủa, miệt thị, mỉa mai tăng rất nhanh, mức độ bất bình, thất vọng về hệ thống công quyền của công chúng càng ngày càng cao nhưng các viên chức ở đủ mọi cấp, thuộc đủ mọi ngành vẫn tỏ ra rất vô tư cả trong hành động lẫn phát ngôn. Sự vô tư ấy đã vượt qua mức bình thường và nó khiến người ta nghi ngại đó là sự vô tư có… chủ đích. Đâu phải tự nhiên mà danh sách những viên chức trong hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, ứng xử, phát ngôn,…vô tư đến mức đáng ngại càng ngày càng dài.
Trường hợp ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam, có thể xem là … nặng nhất.
Sau những tuyên bố khiến dư luận trở thành bão, kiểu như: Đừng thắc mắc về công xa, các quốc gia khác còn sắm phi cơ riêng cho lãnh đạo! Nợ nần của Việt Nam không chỉ khoảng 120 tỉ Mỹ kim như Ngân hàng Thế giới công bố mà còn cao hơn nhưng chẳng có gì để phải hốt hoảng! Các dự án BOT không ảnh hưởng đến người nghèo! BOT có sai sót nhưng không tù mù! Giá xăng ngày càng tiệm cận với giá thế giới, đó là thành công về mặt điều hành!.. ông Kiên vẫn tiếp tục “lập ngôn” cho thiên hạ rủa. Tuần trước, ông Kiên bảo: “Thu giá” là… luật định, phải chờ khoảng năm năm nữa, sau khi Quốc hội xem xét, sửa luật mới tính đến chuyện bỏ hay không! Tuần này, ông Kiên chọc ngoáy đám đông thêm một lần nữa: Tại sao nhiều quốc gia có China Town, bang California của Mỹ có Little Saigon toàn người Việt,… nhưng không nơi nào lo ngại về an ninh, quốc phòng mà dân Việt Nam lại lo Trung Quốc kiểm soát các đặc khu mà hệ thống công quyền muốn thành lập?
Giống như nhiều lần trước đó, hàng ngàn facebooker đã tự nguyện xúm vào làm công việc mà họ gọi là “thông… não” cho ông Kiên. Theo đó, các khu China Town ở nhiều nơi trên thế giới, Little Saigon ở California – Mỹ không khiến ai lo vì chúng chỉ là những khu dân cư mà toàn bộ hoạt động phải tuân theo luật pháp của quốc gia sở tại, toàn bộ sinh hoạt được đặt dưới sự giam sát của chính quyền sở tại, khác hẳn với bản chất của các đặc khu… Thế nhưng chẳng có gì bảo đảm, thêm lần này nữa ông Kiên sẽ im lặng, ngưng huyên thuyên, bởi dường như ông Kiên có nhu cầu được xỉ vả.
***
Cũng nên nhắc lại hàng loạt tuyên bố cùng kiểu: Đất nước có bao giờ được như thế này chăng (?) của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng CSVN. Hoặc mới đây, bất kể hàng loạt diễn biến đáng ngại cho chủ quyền Việt Nam trên biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, vẫn khẳng định: Kinh tế quốc phòng trên biển, thế trận quốc phòng toàn dân trên biển ngày càng tốt hơn. Dù thế giới và khu vực phức tạp nhưng chúng ta vẫn giữ được ổn định…Rồi bất kể những câu hỏi về thống kê, thu – chi vang vọng từ năm này sang năm khác và chưa bao giờ được trả lời thỏa đáng, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Việt Nam, vẫn hùng hồn: Ngân sách của ta không còn gì là không minh bạch nữa rồi, đã là đỉnh cao của quốc tế, đỉnh cao về minh bạch... Không hiểu các phát ngôn này là biểu hiện của loại tâm bệnh nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét