Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

20171020. NGHI NGẠI HÌNH THỨC DỰ ÁN BT

ĐIỂM BÁO MẠNG

DỰ ÁN BT LÀ KẼ HỞ CHO LỢI ÍCH NHÓM, THAM NHŨNG

TƯ HOÀNG/ TBKTSG 19-10-2017

Bảo tàng Hà Nội được nêu là một trong những dự án BT có vấn đề. Ảnh: TG
TBKTSG Online) – Các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) đang tạo kẽ hở cho nhóm lợi ích và là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, một hội thảo do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 19-10 cảnh báo.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trong bản tham luận gửi hội thảo nhận xét, hình thức đầu tư BT rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.
Ông cho biết, hầu hết dự án BT là chỉ định thầu, không công bố kế hoạch dự án. Hệ quả là không phát huy tốt nhất được nguồn lực xã hội, nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực và thiếu kinh nghiệm quản lý.
Nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.
Theo Phó giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Đình Hòa, hiện chưa có một báo cáo đầy đủ về toàn cảnh các dự án BT tại Việt Nam.
Ở cấp Bộ Giao thông Vận tải quản lý, chỉ có bốn dự án BT với tổng mức đầu tư 16.035 tỉ đồng đã và đang triển khai, trong đó có hai dự án BT thuộc lĩnh vực hàng hải.
Các dự án BT hầu hết nằm ở các địa phương. Chưa có một thống kê nào cho thấy tại 63 tỉnh, thành trên cả nước hiện nay có bao nhiêu dự án BT và hiệu quả “đổi đất lấy hạ tầng” đến nay ra sao.
Tuy nhiên, ông Hòa lấy ví dụ ở Hà Nội, thì đã thấy quy mô và tầm vóc của các dự án BT tại địa phương lớn biết chừng nào khi so với quy mô của tất cả các dự án BOT trên cả nước đã đi vào khai thác.
Một báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về các dự án BT (tháng 6-2017) cho thấy với 16 dự án đã và đang triển khai từ năm 2015 về trước, tổng mức đầu tư đã lên tới 28.874 tỉ đồng. Trên địa bàn Hà Nội từ năm 2012 trở về trước có đến 63 dự án PPP và đều là BT. Con số này giảm xuống còn 24 dự án từ năm 2014, theo kết luận mới được công bố của Thanh tra Chính phủ về các dự án BOT-BT tại Hà Nội.
Lê Huy Trọng, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành V khẳng định,  nhiều dự án thực hiện hợp đồng BT đã không hiệu quả và cơ hội cho lợi ích nhóm, tham nhũng và tiêu cực gây bức xúc trong dư luận. Một số dự án sau khi hoàn thành theo hình thức BT lại trở thành biểu tượng cho sự lãng phí nguồn lực của nhà nước. Dự án Bảo tàng Hà Nội; dự án BT xử lý nước thải Yên Sở là những ví dụ. 
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, dự án BT xử lý nước thải Yên Sở bị cơ quan kiểm toán đề nghị ghi giảm quyết toán tương đương 61,9 triệu đô la Mỹ.
Ông Trọng nói: “Câu hỏi đặt ra là có thực sự cần thiết phải áp dụng hình thức hợp đồng BT hay không? Tại sao lại lựa chọn hợp đồng BT thay cho hình thức quản lý dự án như truyền thống?“.
Câu trả lời có thể chỉ ra rằng: chúng ta đã áp dụng một hình thức quản lý tiên tiến trong khuôn khổ các hành lang pháp lý chưa đủ mạnh, còn nhiều chồng chéo và kẽ hở để các nhà đầu tư thao túng.
Hơn nữa, khi giao toàn quyền thực hiện cho lĩnh vực tư đã dẫn đến thiếu kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, trách nhiệm của các cơ quan quản lý khi phê duyệt và thẩm định không rõ ràng, các dự án được thực hiện không thông qua đấu thầu đã làm giảm tính cạnh tranh, thiếu minh bạch trong thực hiện dự án, quyền sử dụng đất không được xác định chính xác và đầy đủ… Việc lựa chọn hình thức BT đã làm giảm hiệu lực của quản lý nhà nước trong các khâu để thực hiện một dự án.
Ông cho biết, việc thanh toán bằng đất cũng thường chỉ chiếm một phần, không quá 50% vốn nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện dự án, phần còn lại chủ yếu vẫn từ NSNN hoặc trái phiếu Chính phủ.
“Chúng ta có thể lựa chọn đấu giá đất để thực hiện dự án như thông thường để mang lại tính kinh tế và hiệu quả cao hơn”, ông Trọng cảnh báo.

DỰ ÁN BT LÀ ĐIỂN HÌNH CỦA PHI THỊ TRƯỜNG VÀ LỢI ÍCH NHÓM

THỤY KHANH/ VnF 19-10-2017

(VNF) – Đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Đình Hòa – Phó giám đốc Trường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước) được đưa ra tại hội thảo khoa học “Cơ chế đầu tư BT – Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức sáng 19/10.

Dự án BT là điển hình của phi thị trường và lợi ích nhóm
 Dự án BT đang bị xem là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng

BT – mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng

Theo PGS. TS Nguyễn Đình Hòa, bản chất của dự án BT là một giao dịch mua sắm công với điều kiện thanh toán chậm hay thanh toán sau. Mặc dù là hoạt động mua – bán nhưng dự án BT lại không theo cơ chế thị trường bởi bên mua (nhà nước) không có sản phẩm cùng loại để có thể lựa chọn, còn bên bán (nhà đầu tư) không có ai phải cạnh tranh trực tiếp trong chào giá cạnh tranh.
Về giá cả đối với bên bán, sẽ không thể có giá bán thị trường bởi nó được xác định theo quy trình dự toán và quyết toán của một dự án đầu tư - vốn rất phức tạp để xác định và dễ bị thay đổi theo hướng tăng lên bởi nhiều yếu tố phi thị trường.
“Mỗi con số đều phụ thuộc vào các quyết định chủ quan của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền. Đây là lỗ hổng lớn nhất và là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực tham nhũng”, ông Hòa nói.

Thất thoát từ dự án BT là thất thoát kép

Đối với hầu hết dự án BT hiện nay, tiền sử dụng đất đã được tạm tính ngay tại thời điểm kí hợp đồng (nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện song song cả 2 dự án – dự án BT và dự án đối ứng). Khi dự án hoàn thành, lẽ ra phải thực hiện kiểm toán kĩ thuật và kiểm toán tài chính để xác định chính xác chất lượng, giá trị làm cơ sở cho thanh toán bằng quỹ đất, tuy nhiên thực tế chưa có dự án BT nào được kiểm tra, kiểm toán mà chỉ là quyết toán.
“Thông thường một dự án đầu tư dù dưới hình thức nào cũng phải qua 2 thủ tục pháp lý, đó là các quy trình, thủ tục và thẩm quyền phê chuẩn. Đối với BT, do thiếu công khai minh bạch nên sự lách luật xảy ra trên cả 2 phương diện này và dễ dẫn đến lợi ích nhóm”, ông Hòa phân tích.
Theo ông Hòa, thất thoát nảy sinh từ dự án BT là thất thoát kép. Một là hàng hóa “cơ sở hạ tầng” mà dự án BT đem ra chào không có cạnh tranh nên không phản ánh theo giá thị trường.
Lời giải lợi ích của nhà đầu tư nằm ở chỗ các dự án BT đến nay đều được chỉ định thầu. Việc xác định tổng mức đầu tư, quyết toán thưc hiện “hàng đổi hàng” đều do cơ quan quản lý và doanh nghiệp thỏa thuận với nhau.
Nghị định 15/2015/NĐ-CP lại quy định hết sức dễ dãi đối với việc giám sát chất lượng dự án BT. Theo đó, nhà đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình, dịch vụ dự án; tự giám sát, tự quản lý hoặc thuê tư vấn quản lý giám sát nghiệm thu. Còn cơ quan nhà nước chỉ giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của nhà đầu tư theo hợp đồng.
Thất thoát thứ hai là đất đai. Theo quy định của chính sách tài chính đất đai, việc xác định tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất của quỹ đất thanh toán chỉ được thực hiện khi nhà nước có quyết định giao đất, cho thuê đất. Nhưng trên thực tế, ở thời điểm kí hợp đồng BT, hầu hết quỹ đất thanh toán chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất. Do đó, việc xác định giá trị quỹ đất thanh toán tại thời điểm kí hợp đồng BT là không có căn cứ thực hiện.
“Với 1 dự án BT, khu đất được giao để thanh toán chính bắt buộc phải có giá trị cao, thường được tạo nên bởi chính vị trí đắc địa của nó. Nói một cách khác, trong trường hợp đó, phần tham gia của nhà nước theo cơ chế công – tư chính là các thương quyền, được coi là tài sản công. Tuy nhiên yếu tố này hầu như đã bị lu mờ đi trong quá trình xem xét, phê chuẩn các dự án BT”, ông Hòa cho hay.

Quy định về dự án BT có nhiều chỗ trống, chồng chéo lẫn nhau

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quy định về dự án (hợp đồng) BT đang tồn tại nhiều khoảng trống pháp luật và chồng chéo lẫn nhau.
Chẳng hạn như Luật Đất đai 2013 chỉ có Khoản 3, Điều 155 quy định về việc nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án, ngoài ra không có quy định cụ thể nào về đất đai, loại đất, giá trị đất đai để trả cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.
“Như vậy, đang tồn tại một khoảng trống pháp lý rất lớn về dự án BT tại Luật Đất đai, trong khi nhiều văn bản khác về BT lại cứ quy chiếu về việc thực hiện theo quy định của Luật Đất đai”, ông Võ phân tích.
Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định thi hành chi tiết Luật Đất đai có riêng Điều 54 quy định về đất thực hiện dự án BT và BOT. Tuy nhiên, Nghị định này cũng chỉ quy định về việc nhà nước giao đất và chuyển giao đất, không hề có quy định gì về loại đất đem đổi và xác định giá trị đất đai đem đổi.
Nghị định 15/2015/NĐ-CP có 5 nội dung liên quan đến dự án BT (Khoản 5 Điều 3; Khoản 3 Điều 14; Khoản 3, Điều 43; Khoản 2, Điều 48 và Điều 65). Mặc dù vậy, khi phân tích sâu về khía cạnh chi phí – lợi ích thì có thể thấy nhiều bất lợi cho nhà nước khi thực hiện Nghị định này.
Cụ thể, việc giao đất để trả cho nhà đầu tư trước khi hoàn thành công trình hạ tầng là không phù hợp vì cơ chế nhà nước quy hoạch hạ tầng, đấu giá khu đất để trả cho nhà đầu tư lấy tiền xây dựng hạ tầng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn;
Bên cạnh đó, Nghị định không có quy định chi tiết về đánh giá chất lượng và định giá công trình hạ tầng và định giá khu đất trả cho nhà đầu tư. Vấn đề quản lý giá trị trao toàn quyền cho Bộ Tài chính cũng là một cơ chế quản lý gắn với nguy cơ tham nhũng rất cao. Nghị định khẳng định hợp đồng BT là căn cứ chủ yếu để nhà nước và nhà đầu tư thực hiện nhưng lại không có quy định cụ thể về loại hợp đồng này.
“Về nguyên tắc, đất đai trả cho nhà đầu tư chỉ được thực hiện sau khi công trình hạ tầng hoàn thành, nghiệm thu về chất lượng, quyết toán và kiểm toán độc lập vì lúc đó mới biết giá trị cụ thể. Nghị định 15 cho phép thực hiện ngay điều này trong lúc dự án đang triển khai. Quy định như vậy chứa đựng nguy cơ tham nhũng rất lớn và khả năng thất thoát tài sản đất đai là có thể xảy ra trên thực tế”, ông Võ nhấn mạnh.

Quy định pháp luật về dự án BT hiện nay còn nhiều khoảng trống và chồng chéo

Theo GS Võ vấn đề trung tâm của dự án BT là giá trị công trình hạ tầng và giá trị đất đai đem đổi cần được xác định như thế nào? Cụ thể, giá trị con đường được xây dựng do ai đánh giá chất lượng, do ai định giá, quyết toán, kiểm toán hay chỉ lấy theo giá trị khái toán trong dự án đầu tư?
Tương tự, đất đai ha bên đường đem đổi lấy con đường được tính theo giá đất nông nghiệp hay đất ở, đất đã có công trình hay chưa có công trình?

Đã đến lúc vĩnh biệt cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”

GS Đặng Hùng Võ cho rằng đã đến lúc vĩnh biệt cơ chế đổi đất lấy hạ tầng tại các địa phương đã phát triển tốt. Cơ chế BT chỉ áp dụng đối với địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém và ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư.
“Tại các địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng. Tại các địa phương này, không cho phép thực hiện các dự án BT mà khuyến khích đầu tư công tư đối tác theo hình thức khác dựa trên thu phí dịch vụ sử dụng hạ tầng, dịch vụ công cộng”, ông Võ đề xuất.
GS Võ cũng đề nghị bổ sung một số quy định đối với khung pháp lý về dự án BT.
Cụ thể, cần có quy định chi tiết về yêu cầu phân tích chi phí – lợi ích giữa cơ chế BT và cơ chế nhà nước đấu giá tài sản công để lấy tiền xây dựng hạ tầng (hoặc làm cơ sở cho quyết định thực hiện dự án BT); các nội dung cụ thể phải được đề cập trong hợp đồng thực hiện dự án BT giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Không cho phép giao đất để trả cho nhà đầu tư trước khi nghiệm thu, hoàn thành đánh giá chất lượng và định giá giá trị; sử dụng đất ở để trả cho nhà đầu tư hạ tầng phải phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở cân đối với hạ tầng trong phát triển đô thị.
Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về quy trình đánh giá chất lượng và định giá công trình đã được xây dựng và khu đất dùng để trả cho nhà đầu tư cũng như yêu cầu công khai, minh bạch toàn bộ thông tin về dự án BT, tạo cơ chế để người dân địa phương tham gia giám sát và quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước có liên quan.
Thụy Khanh

MỀM NẮN, RẮN BUÔNG !?

QUANG DŨNG/ DL/ BVB 19-10-2017


Khéo ỡm ờ
Trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngay sau hội nghị trung ương 6, nhiều đảng viên là lão thành cách mạng phát biểu tâm huyết mong đảng đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chống tham nhũng, thu hồi nhiều tài sản lại cho quốc gia. Đáp lại, tbt Trọng nói như dội gáo nước lạnh vào những tâm huyết đó: “Đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để đổ vỡ. Đấu tranh để mọi người khác đừng đi qua vết xe đổ, chứ không phải để gây bất mãn trong xã hội. Không thể đánh một đòn dập cho người ta không ngóc đầu dậy mà kỷ luật cốt để họ sửa để trưởng thành”.
Đây quả là những lời lẽ ngụy biện, chứng tỏ có gì đó không ổn, một sự thối lui, lùi bước, khẩu khí không còn cao trào cảm xúc như khi hồi mới thổi lò.
Theo lý, mà cũng là thực tế, chống tham nhũng, nếu được tiến hành cách rốt ráo và quyết liệt sẽ gây phấn khích và cũng là nhân tố tạo nên đồng thuận, đoàn kết trong toàn xã hội mới phải chứ! người ta còn trông chờ gì ở đảng cs đây? Tự nhận quyền làm chủ đất nước mà để nồi cơm của xã hội gần như là sắp bể( nợ công, nguy cơ vỡ tài khóa). Chỉ còn có chuyện chống tham nhũng, tự làm trong sạch mình mà nay sình mai xọp! bây giờ quần chúng, đảng viên, người ta tinh lắm, đã phóng lao thì phải theo lao, làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn, chứ còn làm nữa vời, người ta cười cho.
"Đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để đổ vỡ". Câu này lập lại ý: chống tham nhũng là ta đánh ta. Tham nhũng từng được đánh giá là một bộ phận không nhỏ trong đảng, nó nghiêm trọng không những bởi số lượng mà ở sức mạnh và sức ảnh hưởng của những quan tham. Ta đánh ta tức là ta tự làm hại chính mình, như vậy, hàm ý của Tbt Nguyễn Phú Trọng là: Nếu cuộc chiến chống tham nhũng có thể ảnh hưởng đến an nguy của Đảng thì bắt buộc phải dừng lại, đảng trên hết. Đánh chuột không để vỡ bình!
Câu nói này lấp lửng, ỡm ờ quá, đấu tranh đương nhiên là đối kháng, nhưng chống tham nhũng mà không để mất tình đoàn kết, tình đồng chí, ý lại là hạ thủ lưu tình? Có phải đánh không nổi, bây giờ quay trở lại ve vãn? Vậy thì làm sao có thể răn đe người khác? đừng để mọi người khác đi qua vết xe đổ? ngược lại, thế còn khuyến khích tham nhũng nhiều hơn. Xử lý tham nhũng là giữ nghiêm phép nước, làm việc tùy tiện như vậy còn đâu chế độ, nhà nước pháp trị?
Đủ đầy cả nhưng thiếu một người
Theo dõi xét xử vụ án Ocean Bank quá báo chí nhà nước, quá trình xét hỏi tại các phiên tòa đã bộc lộ một lỗ hổng rất dễ nhận thấy, đó là sự biến mất của Đinh Là Thăng, chẳng thấy tòa truy vấn và cũng không hiện hữu trong lời khai của các bị cáo, trong khi ĐLT là sếp của PVN, mà PVN và Ocean bank là trung tâm của đại án.
Mốc thời gian từ 2008 đến 2011 Đinh La Thăng đang là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN; Nguyễn Xuân Sơn giám đốc Ocean bank; Ninh Văn Quỳnh là kế toán trưởng PVN, dưới trướng ĐLT. Trước tòa, Ninh Văn Quỳnh đã khai nhận, báo tuổi trẻ tường thuật:
Tại các phiên xét xử trước đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên tổng giám đốc OceanBank khai trong hơn 300 tỉ đồng nhận từ OceanBank, bị cáo đã chuyển cho ông Ninh Văn Quỳnh - phó giám đốc PVN từ 30 đến 40 tỉ đồng
Khi trả lời tòa, ông Quỳnh phủ nhận lời khai của Nguyễn Xuân Sơn. Ngày 31-8, ông bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại PVN.
Trong sáng 7-9, ông Ninh Văn Quỳnh bất ngờ thay đổi lời khai, thừa nhận đã nhận từ Nguyễn Xuân Sơn khoảng 20 tỉ đồng. Ông Quỳnh khẳng định việc thay đổi lời khai này là tự nguyện, không bị bất cứ ai ép buộc.
Cụ thể, Quỳnh xin lỗi vì trước đó đã khai không đúng. Sau khi bị bắt, được cơ quan điều tra khuyên nhủ, ông đã nhận thức được là không thể trốn tránh sự thật mãi được, nay ông xin khai rõ.
"Từ 2009-2010, tôi có một số lần nhận tiền từ Sơn. Tôi không nhớ chính xác nhưng giữa 2009, Sơn đến phòng tôi mang theo chai rượu. Khi tôi mở ra thấy có 500 triệu đồng.
Ngoài ra, trong khoảng từ 2009 đến cuối 2010, có một số lần nữa với hình thức như vậy, Sơn để lại phòng tôi lúc áo sơ mi, lúc chai rượu và tiền. Tổng cộng là 4-5 tỉ đồng"
Tòa chất vấn: Với địa vị vai trò của ông thế nào để Sơn phải biếu quà cho ông đến 4-5 tỉ đồng? Lúc đó tôi chỉ nghĩ là quan hệ công tác. Lúc đó Sơn nói có chai rượu biếu, tôi nghĩ Sơn tự nguyện cho tôi với tư cách giám đốc OCeanBank.
Vế số tiền đó đã sử dụng việc gì? Ông Quỳnh nói ông đã sử dụng cá nhân, mua căn hộ số 081 ở An Phú An Khánh (TP.HCM), mua 1 ôtô, chi tiêu việc cá nhân, chăm lo cho đời sống của cán bộ nhân viên ban Tài chính Kế toán…
Như vậy, Ninh Văn Quỳnh chỉ là tay kế toán trưởng PVN cũng đã nhận được hàng chục tỉ đồng chăm sóc từ Ocean bank, trong khi đó, Đinh La Thăng đương kim chủ tịch HĐTV của PVN lại chẳng được chăm sóc? Nguyễn Xuân Sơn khai nhận từ Ocean bank hơn 300 tỉ đồng để chăm sóc các đối tác. Đã quên mất Đinh La Thăng? Do vậy Hội đồng Xét xử cũng quên không truy vấn? Vô tình hay hữu ý?
Trong khi ĐLT là người có công đưa dòng tiền lên đến hàng chục ngàn tỉ của tập đoàn PVN chạy vào thanh khoản của Ocean bank. Một sự vô lý đến khập khiễng!
Có dấu hiệu móc ngoặc để tham ô
Trong kinh doanh, ai cũng biết một nguyên tắc sơ đẳng là: không để tất cả trứng vào cùng một giỏ, tuy đây chỉ là quy tắc bất thành văn, không có tính pháp lý, nhưng thường phải có lý do thật đặc biệt mới làm ngược lại.
Các luật sư đã đưa ra được bằng chứng ĐLT chỉ đạo các công ty thành viên PVN mở tài khoản giao dịch tại Ocean bank, trong khi Ocean bank là một ngân hàng nhỏ. Thực tế diễn ra như thế nào? Ocean Bank kính doanh thua lỗ đến 10.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần, nợ xấu 15.000 tỉ đồng , chiếm 50% tổng dư nợ. Rốt cuộc ngân hàng bị phá sản, được ngân hàng nhà nước bảo hộ, mua lại với giá 0 đồng. PVN thiệt đơn thiệt kép!
Vậy mục đích (đen tối) việc ĐLT hỗ trợ nguồn vốn dồi dào cho Hà Văn Thắm, chủ tịch Ocean bank là gì?
Số vốn chủ sở hữu Ocean bank chỉ có 4000 tỉ, trong đó của riêng HVT ước tính khoảng 63%, so với số lượng tiền gửi lớn gấp nhiêu lần (tổng dư nợ khoảng 30.000 tỉ), số nợ xấu (vay mà không trả) liên quan đến HVT từng chiếm 79,8%, tức vào khoảng 24.000 tỉ. Vậy sau khi ngân hàng phá sản, chủ tịch Ocean bank có thể sở hữu cao nhất là 24 ngàn tỉ !???
Đây có phải là chiêu" về sầu thoát xác" ?
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở đây vì khó nuốt trôi số tiền này, nếu không có động thái vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước, mua Ocean bank giá 0 đồng. Trên đời có 4 cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu. Thế nhưng, NHNN đã nhanh nhẩu thực hiện ngay một trong tứ đại ngu nhất thế giới, đó là lãnh nợ cho HVT !!!???
Vậy đã rõ: PVN cứ bơm tiền vào, Ocean bank cứ rút ruột, NHNN lấp liếm, bù chì. Cặp đôi, cặp ba hoàn hảo... Tất cả đều là tiền nhà nước!
Mềm nắn rắn buông
Nhiều người nói Đinh La Thăng là cửa ngõ dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng, nếu xử lý hình sự ĐLT tất yếu sẽ kính động NTD, buộc NTD phải ra tay để tự vệ. Người Tử Tế hiện nay tuy đã về vườn, các mối quan hệ với những đồng chí cũ thì vẫn còn, đặc biệt với lãnh đạo quân khu 9. Dầu vậy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là siêu thủ lãnh của cả quân đội và công an, lực và thế có thể nói là một mình một cõi, không có đối thủ, nếu quyết đoán, khiến Nguyễn Tấn Dũng thân bại danh liệt sẽ hoàn toàn khả thi. Vấn đề là tổng Trọng có dám mạo hiểm một chút hay không mà thôi.
Thật ra, giải quyết việc Nguyễn Tấn Dũng dựa thế quân khu 9 không phải quá khó, cũng không phải chưa từng có tiền lệ, hồi năm 2008, nguyên cả bộ sậu lãnh đạo quân khu thủ đô đã bị cách chức bởi được cho là chịu ảnh hưởng của đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Sau Hội nghị Trung ương 6, có vẻ như ông Trọng đã cuốn cờ xếp giáp, dĩ hoà vì quý. Chỉ tội cho gia tộc Nguyễn Văn Chí, Nguyễn Xuân Anh, bị đưa vào vai đóng thế để giữ lửa cho lò chống thấm nhũng của tổng Trọng:" Dập một đòn không thể ngóc đầu lên được".
Đúng là mềm nắn rắn buông!
Quang Dũng/(Dân Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét