Trước hết cần nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ về việc một số cá nhân xin ra khỏi Đảng thời gian qua và âm mưu lợi dụng xuyên tạc nhằm chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị.
Điểm qua tên tuổi những người xin ra khỏi Đảng được những kẻ rắp tâm hại Đảng, hại dân liệt kê trong các bài viết đăng trên một số trang báo điện tử ở nước ngoài, hoặc qua mạng xã hội thì việc xin ra khỏi Đảng của họ cũng không khó hiểu. Không phải đến bây giờ, những người một thời mang danh đảng viên mới bộc lộ tư tưởng, mà một thời gian dài, họ đã lợi dụng dân chủ nói và viết trái với quan điểm, đường lối của Đảng; trái với chủ trương, chính sách của Nhà nước; trái với nguyện vọng và tình cảm của tuyệt đại đa số nhân dân. Sau khi được một vài trang báo nước ngoài cố súy, được một số kẻ lưu vong, nhất là tổ chức khủng bố Việt Tân “hà hơi”, số người này ảo tưởng cho rằng, tiếng nói của mình là quan trọng, là “khuôn vàng, thước ngọc” có thể từ đó tạo dựng nên một xã hội tốt đẹp (!).
Việc những người từng mang danh đảng viên có quan điểm, tư tưởng trái với quan điểm, đường lối của Đảng không phải mới diễn ra, mà đã kéo dài trong nhiều năm. Nhưng với bản chất tốt đẹp, nhân nghĩa, trên tình đồng chí, đồng đội, các tổ chức đảng và đảng viên đã có nhiều biện pháp giúp đỡ để họ nhận ra lỗi lầm, mà sửa chữa, phấn đấu. Tuy nhiên, khi họ đã cố tình đi ngược lại lợi ích của Đảng, của nhân dân, của dân tộc, thì sự giúp đỡ dù chân tình đến đâu cũng đều không mang lại hiệu quả. Với bản chất và truyền thống cách mạng, một chính đảng chỉ biết chiến đấu, hy sinh vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp công sức, trí tuệ của từng cá nhân đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không dung túng, mà luôn xử lý nghiêm minh với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có suy nghĩ, hành động đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đó cũng là việc làm bình thường không chỉ ở Việt Nam mà với mọi quốc gia trên thế giới. Vì vậy, những đảng viên có quan điểm, tư tưởng trái ngược nhằm mục đích chống phá Đảng, chống phá Nhà nước phải sớm loại ra khỏi hàng ngũ của Đảng.
Cần nói thêm rằng, mọi công dân Việt Nam, trước khi vào Đảng đều phải trải qua những lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng. Thông qua những lớp học này giúp những quần chúng ưu tú có động cơ phấn đấu vào Đảng nắm chắc và hiểu rõ được bản chất và truyền thống cách mạng của Đảng, mục tiêu của Đảng; đồng thời thấy rõ trách nhiệm của mình khi trở thành đảng viên. Ngay ở Chương 1, Điều 1, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, thể hiện sự tự nguyện của đảng viên: (1). Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng. (2). Công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng.
Có thể thấy trách nhiệm, nghĩa vụ và sự tự nguyện cống hiến, hy sinh của người đảng viên đối với Tổ quốc, với dân tộc và nhân dân là rất rõ ràng. Bởi vậy, những ai tự nhận thấy mình không còn đủ tư cách, trí tuệ và năng lực; cũng như không chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thì việc tự nguyện xin ra khỏi Đảng là điều nên làm và đó là việc làm bình thường. Mặt khác, theo quy luật chọn lọc tự nhiên thì mọi tổ chức, mọi sự vật, hiện tượng luôn vận động, phát triển không ngừng. Theo đó, những nhân tố không còn phù hợp, hoặc không đáp ứng được yêu cầu, sớm muộn cũng bị đào thải, loại bỏ. Sự phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật tự nhiên đó. Vì vậy, những đảng viên không còn thấy mình xứng đáng đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản tiên phong; không còn đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, nhất là những người “mang danh đảng viên” nhưng có tư tưởng đi ngược lại lợi ích của Đảng, của dân tộc thì tốt hơn hết là tự nguyện xin ra khỏi Đảng. Việc những người này sớm rút ra khỏi đội ngũ không làm cho Đảng yếu đi, mà càng làm cho Đảng thêm trong sạch, vững mạnh.
Cần nói thêm rằng, không phải ai xin ra khỏi Đảng cũng là hết tình yêu với Đảng, mà không ít đảng viên do điều kiện, hoàn cảnh gia đình hay cá nhân; hoặc do tuổi cao, sức yếu; cũng có những người tự thấy mình không xứng đáng với danh hiệu đảng viên, nên tự nguyện xin ra khỏi Đảng. Đó là những con người có danh dự, thể hiện phẩm giá cá nhân và không thể "vơ đũa cả nắm" xếp họ cùng những người “mang danh đảng viên” nhưng đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong hàng chục vạn cán bộ và đảng viên xứng đáng, còn lẫn vào một số người thấp kém về tinh thần đạo đức cách mạng… Họ sống và làm việc một cách riêng rẽ, không đoàn kết và hợp tác với người khác. Hễ có đôi chút hiểu biết, đôi chút thành công thì tự cao tự đại, vênh vang kiêu ngạo, tự cho mình tài giỏi hơn người. Ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền hơn hết thảy, định đoạt mọi việc; ở ngành nào, địa phương nào thì coi đó như một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích toàn cục… Số người đó coi Đảng như cái cầu thang để thăng quan phát tài...”.
Thực tiễn xã hội Việt Nam có rất nhiều điều để dẫn chứng, để khẳng định việc tuyệt đại đa số người dân, không chỉ riêng đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn tin tưởng vào Đảng, nguyện đi theo Đảng. Niềm tin của nhân dân Việt Nam đối với Đảng Cộng sản Việt Nam được xây đắp, thử thách thông qua thực tiễn cách mạng. Kể từ khi được thành lập cho tới nay, Đảng Cộng sản Việt Nam không có mục tiêu nào khác là phấn đấu, hy sinh vì tự do, hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc, để “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Vì vậy, bất kỳ đảng viên nào, dù ở cương vị nào, nếu thấy mình không đủ dũng khí, phẩm chất để hy sinh, cống hiến cho Đảng, cho dân tộc thì việc xin ra khỏi Đảng là điều cần thiết. Bởi, “vào Đảng là để làm đầy tớ phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp…”. Đó vừa là mục tiêu luôn hướng tới, vừa là bản chất, truyền thống của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà không một thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận được.
VÂN HÀ

ĐỪNG VÌ LƯƠNG THỰC MÀ BÁN RẺ LƯƠNG TÂM

THIỆN TÙNG/ BVN 2-10-2017

Hôm 19/09/2017, tôi ghé thăm trang Web Bauxite VN – trang tôi từng cộng tác khi nó mới ra đời, gặp bài Bản chất, truyền thống Cách mạng của Đảng CSVN là không thể xuyên tạc” của tác giả Vân Hà nào đó tôi vốn không quen. Sau khi đọc mấy lời “dẫn độ” khéo léo của chủ trang Bauxite [xin xem ở đây], suy tư mãi, tôi dành ít thời gian viết đôi điều mang tính chất phản biện đối vời bài viết của Vân Hà.
Càng đọc sâu vào bài, tôi có cảm nhận, Vân Hà là một học viên viết luận án tốt nghiệp cuối khóa ở học viên chính trị quốc gia. Chẳng biết do sinh sau đẻ muộn không hiểu quá khứ hay do chưa va chạm thực tế, Vân Hà “trả bài” về Đảng CSVN (Đảng) chỉ đúng một nửa – đúng về những gì Đảng nói, sai về những gì Đảng làm. Dưới đây là những trích dẫn từ bài của Vân Hà và lời bình (phản biện) của người viết (chữ nghiêng, là trích).
Với bản chất và truyền thống cách mạng, một chính đảng chỉ biết chiến đấu, hi sinh vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc
Vân Hà muốn nói Đảng nào thế?. Trong những tháng năm kháng chiến từ 1946 đến năm 1975 chỉ có các đảng: Đảng Lao động VN, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội Cấp tiến, Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam VN. Bối cảnh ra đời của Đảng CSVN: Sau khi thống nhứt đất nước, năm 1976, dựa vào thế thượng phong (anh cả đỏ), Đảng Lao động VN mở Đại hội lần thứ 4, tự đổi tên thành Đảng CSVN rồi “khuyên” các đảng chiến hữu “tự nguyện” giải thể, được xem như những cái chết “tự chọn”. Các Đảng chiến hữu chỉ giải thể về mặt tổ chức, nhưng các thành viên (đảng viên) của những Đảng ấy một số cũng được kết tập trở lại vào Đảng CSVN. Chính từ đó, Đảng CSVN trở thành một Đảng tạp chủng – cái Bình mang nhãn hiệu Cộng sản theo mẫu hình Mac-Lê-Mao, cái Ruột là hỗn tạp, mang nhiều khuynh hướng khác nhau, chia bè chia phái, cãi nhau, sát phạt nhau không ngơi nghỉ, ngày càng đậm độ? Từ khi mang tên Cộng sản, ngoài cải tạo XHCN làm cho nền kinh tế lụn bại, trước sức ép của Dân, Đảng phải chấp nhận trở lại kinh tế thị trường, gọi là “Đổi mới” – đổi cũ mới đúng chớ?. Chưa vừa, Đảng còn ngoan cố, muốn trở lại đường cũ: đã “kinh tế thị trường” còn thòng cái đuôi “định hướng XHCN”, tạo ra nền kinh tế “Tư bản thân hữu”, quan chức thi nhau “đốp” [đớp] – lớn đốp lớn nhỏ đốp nhỏ. Đốp riết dân chịu hết nổi phải đến biệt phủ của Tổng Trọng than khóc, kêu cứu… – bộ Vân Hà ngủ quên sao không chịu thấy?!
Phòng tiếp khách của tổng thống Obama và ngai vàng cựu TBT Nông Đức Mạnh
clip_image001
Phòng tiếp khách của TT Hoa Kỳ Barack Obama (phải, đang tiếp Đức Dalai Latma ở Bạch Cung) thua xa với "phòng khánh tiết rồng lộn" của riêng cựu tổng bí thư đảng CSVN Nông Đức Mạnh.
“… Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lí tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân”
Trước khi luận bàn về bài ca muôn thuở nầy, người viết xin chi ly một tí: Đảng CSVN ra đời năm 1976 trên cơ sở sát nhập các “chiến hữu” như đã nói, tính đến nay đã 41 năm, đảng viên khi vào đảng thấp nhứt cũng phải 18 tuổi đời. Vậy thì những đảng viên vào đảng bất kỳ trước khi Đảng mang tên Cộng sản đến nay ít nhất cũng 59 tuổi đời (41+18=59), đại đa số đã nghỉ hưu, chỉ một vài năm nữa thì Đảng CSVN hết tạp chủng, trong bộ máy cầm quyền sẽ rặt là đảng viên Cộng sản “thứ thiệt” – vào Đảng sau 1976, phần lớn trở thành những tư sản đỏ, sống chủ yếu là hưởng thụ? Đừng “trả bài” nữa, Vân Hà nên dựa vào thực tế, hãy giải thích xem: Ai chủ trương đánh đập, bỏ tù những người chống Trung Quốc xâm lấn biên cương, biển, đảo?,… Ai chủ trương cho Công an, côn đồ đánh đập, tù giam Công nhân khi họ đình công, biểu tình chống áp bức bất công của giới chủ?. Ai cho Công an, côn đồ, thậm chí Quân đội đánh đập, giam cầm người dân giữ nhà, giữ đất để mưu sinh?. Những ai cậy quyền cậy thế nhũng lạm của công, cướp đất của dân để làm giàu phi pháp? v.v…
Những ai tự nhận thấy mình không còn đủ tư cách, trí tuệ và năng lực; cũng như không chấp hành nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thì việc tự nguyện xin ra khỏi Đảng là điều nên làm và đó là việc làm bình thường”
Sao Vân Hà lại cao ngạo như thế, theo không những tôi thấy, những người từ bỏ Đảng CSVN là những ngưởi tử tế, bất bình trước việc Đảng CSVN ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc, trước sự “bầy hầy” ngày càng cao độ của các thành viên Đảng CSVN. Để bảo vệ nhân cách vốn có của mình, họ ra đi vì không thể tiếp tục sống chung với bọn nói một đàng làm một nẻo, chuyên lừa đảo, dối trá, cướp giựt,… Họ ra đi không phải vì thiếu trí tuệ, năng lực đóng góp cho đời. Họ buồn bã ra đi như người nông dân bị gãy cày khi chưa cày xong thửa ruộng.
Vì vậy, những đảng viên không còn thấy mình xứng đáng đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản tiên phong; không còn đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, nhất là những người "mang danh đảng viên" nhưng có tư tưởng đi ngược lại lợi ích của Đảng, của dân tộc thì tốt hơn hết là tự nguyện xin ra khỏi Đảng. Việc những người này sớm rút ra khỏi đội ngũ không làm cho Đảng yếu đi, mà càng làm cho Đảng thêm trong sạch, vững mạnh”
Đúng là Vân Hà đang trả bài, bất chấp thực tế: Hiện nay, một thực tế không thể chối cãi, trong hơn 90 triệu dân Việt Nam, không ai tiên phong về lạm quyền, gian dối, lừa đảo, tham nhũng… hơn những đảng viên Cộng sản, khiến Tổng Trọng buộc phải “đốt lò” nướng bớt bọn gian manh đó? Thiểu số những đảng viên thanh liêm, ăn ngay nói thẳng bỏ đảng ra đi là phải, vì họ không cùng “chuẩn chất” với đa số đảng viên hiện thời. Họ ra khỏi đảng sẽ tránh được nạn “đồng sàng dị mộng”, bớt đi sự cản trở, đảng sẽ tinh chất hơn, vững mạnh hơn, tha hồ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền?.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Trong hàng chục vạn cán bộ và đảng viên xứng đáng, còn lẫn vào một số người thấp kém về tinh thần đạo đức cách mạng…”
Giờ đây nếu Hồ Chí Minh còn sống, Người sẽ nói ngược lại: “Trong hàng triệu đảng viên không xứng đáng, còn lẫn vào một số người cao thượng về tinh thần đạo đức cách mạng…?”. Khi sinh tiền, những gì Cụ Hồ bảo tối kỵ thì hiện nay đảng cầm quyền đang tối ưu: “Hễ có đôi chút hiểu biết, đôi chút thành công thì tự cao tự đại, vênh vang kiêu ngạo, tự cho mình tài giỏi hơn người. Ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền hơn hết thảy, định đoạt mọi việc; ở ngành nào, địa phương nào thì coi đó như một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích toàn cục… Số người đó coi Đảng như cái cầu thang để thăng quan phát tài". Họ nói theo Cụ, nhưng làm khác Cụ. Chẳng hạn, Cụ Hồ bảo cán bộ phải “Cần, kiệm, liêm, chính. Chí công vô tư” thì họ “lười biếng, phung phí, tham lam, đểu cáng, chí tư vô công”.
v.v…
Chừng ấy cũng đủ rồi, trước khi bái biệt, Tùng tôi nhắc nhở Vân Hà: “Đừng vì lương thực mà bán rẻ lương tâm”.
01/10/2017
T.T.
Tác giả gửi BVN

MUỐN GIỮ VỮNG ĐỘC LẬP, PHẢI XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA PHÁT TRIỂN

TS VŨ NGỌC HOÀNG/ GDVN 2-10-2017

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh do tác giả cung cấp.
Thưa các bạn!
Tôi rất hân hạnh được có mặt tại đây hôm nay để được chúc mừng các thầy cô giáo, các bạn sinh viên về những gì các anh chị đã đạt được trong năm học vừa qua. 
Và nhân đây, tôi xin phép được trao đổi vài ý kiến xung quanh câu hỏi: “Hiện nay việc gì là quan trọng nhất đối với Việt Nam ta, và nên tiếp cận vấn đề đó như thế nào?”
Nền văn hóa Việt Nam trường tồn qua mấy ngàn năm đã thể hiện rõ mặt mạnh nổi trội là văn hóa giữ nước và mặt yếu lớn nhất thuộc về văn hóa phát triển. 
Nói văn hóa giữ nước hay văn hóa phát triển là nói rút gọn, nói tắt, chứ đúng ra nói đầy đủ phải là văn hóa trong giữ nước và trong xây dựng-phát triển đất nước. 
Không chăm lo xây dựng văn hóa phát triển, dễ đánh mất độc lập
Từ thời hai bà Trưng đến nay đã có hàng chục cuộc chiến tranh lớn để bảo vệ Tổ quốc.
Trong đó, chiến tranh với phương Tây cũng có, nhưng ít, còn hầu hết là với các thế lực xâm lăng từ phương Bắc, nhất là với phương Bắc phong kiến trước kia. 
Đối thủ thường mạnh hơn ta gấp nhiều chục lần, xét về tương quan lực lượng vật chất. 
Một dân tộc tha thiết yêu hòa bình, nhưng sự lâm nguy của Tổ quốc buộc cha ông ta phải cầm súng. Và họ đã chiến đấu với tinh thần thượng võ. 
Dân tộc Việt Nam đã chiến thắng trong hầu hết các lần chiến tranh ấy, giữ vững độc lập dân tộc và bảo vệ được Tổ quốc. 
Có thời kỳ dân tộc ta đã bị phương Bắc đô hộ trực tiếp gần một ngàn năm, họ đã dùng mọi thủ đoạn để đồng hóa dân tộc Việt.
Nhưng cuối cùng, Việt Nam đã giành lại độc lập và trường tồn với tư cách là một dân tộc văn hiến. 
Xét tới cùng, nguyên nhân sâu xa của các cuộc bị xâm lăng và mất nước ấy không phải do ta thiếu anh hùng, cũng không phải do ta nhỏ, mà là do nước ta lạc hậu. 
Tất nhiên cũng còn có những nguyên nhân khác nữa, nhưng nguyên nhân chính yếu – vừa sâu xa vừa trực tiếp - là do nước ta lạc hậu. 
Ta lạc hậu nên bị mất nước, bằng anh hùng ta lấy lại đất nước, nhưng sau đó vẫn lạc hậu, không phát triển được, và lại mất nước. 
Lịch sử đã từng lặp lại không ít lần như vậy.
Thời gian xây dựng trong hòa bình vẫn chiếm tỷ lệ phần lớn, có thể nói là đại bộ phận, nhiều hơn gấp bội so với thời gian có chiến tranh.
Nhưng cho đến nay nước ta vẫn là quốc gia chưa phát triển, có nhiều mặt còn tụt hậu và lạc hậu đến mức đáng phải lưu ý. 
Nếu không phát triển được thì không khéo sẽ lại mất độc lập dân tộc. 
Ngày nay, trong thời hội nhập, cơ hội và thách thức đều lớn ngang nhau, nếu yếu kém kéo dài, thì việc mất độc lập có thể bằng cách khác.
Không có chiến tranh, không phải bằng sự thua trận trong chiến đấu chống xâm lược như ngày xưa, nhưng chúng ta vẫn có thể đánh mất độc lập ngay trong hòa bình.
Độc lập có thể bị đánh mất ngay trong chính sự cạnh tranh phát triển kinh tế, trong quan hệ làm ăn, buôn bán và dần dần lệ thuộc.
Trước tiên là lệ thuộc về kinh tế rồi sau đó dẫn đến lệ thuộc về chính trị. 
Việc mất độc lập trong trường hợp như vậy thì không thể lấy lại bằng sự chiến đấu anh hùng theo cách truyền thống trước đây.
Đối với truyền thống văn hóa giữ nước, thì hôm nay và mai sau vẫn mãi mãi cần học tập cha ông đến cùng. 
Học để biết, để tự hào về những giá trị lớn lao của nền văn hóa dân tộc;
Học để có kinh nghiệm, để khôn lớn và trưởng thành, để noi theo và xứng đáng, để tiếp tục giữ nước bền lâu cho muôn đời mai sau. 
Nhưng điều đó là chưa đủ, hoàn toàn chưa đủ. 
Thời kỳ này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải học tập một cách nghiêm túc, thật sự cầu thị, tinh hoa của văn hóa nhân loại;
Nhất là phải học tập kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, tức là không ngừng bổ sung vào văn hóa dân tộc những giá trị về văn hóa phát triển.
Chính điều này sẽ bổ khuyết cho phần yếu kém của văn hóa Việt Nam, để trên cơ sở đó mà thực hiện một cuộc cải cách căn bản và toàn diện nhằm phát triển đất nước và dân tộc. 
Biết khiêm tốn học tập người khác là con đường để trưởng thành, và cũng là biểu hiện bắt đầu của một sự trưởng thành.
Phải phát triển! Đó là yêu cầu lớn nhất, quan trọng nhất, là mệnh lệnh của cuộc sống. 
Muốn tránh nguy cơ mất nước, muốn giữ vững lâu dài nền độc lập dân tộc, muốn xứng đáng với truyền thống giữ nước vẻ vang của cha ông;
Muốn cải thiện đời sống nhân dân và xây dựng một xã hội tốt đẹp…thì đất nước và dân tộc này phải phát triển. 
Nếu không phát triển được thì mọi lý tưởng dù đẹp đẻ bao nhiêu cũng sẽ chỉ là những mơ ước xa xôi và không bao giờ thành hiện thực.
Trong công cuộc phát triển quốc gia thì sự phát triển của con người, từng con người, những con người, cả một cộng đồng dân tộc, là quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định.
Khi có sự phát triển của con người thì đất nước nhất định sẽ phát triển, vì đất nước như thế này hay thế kia đều là sản phẩm của con người. 
Kinh tế hay chính trị đều do con người làm nên, do con người thực hiện.
Và văn hóa là con người, với chữ Người viết hoa. Vậy nên, văn hóa là nền tảng quan trọng nhất của sự phát triển một quốc gia. 
Mặt khác, mọi sự phát triển của một quốc gia cuối cùng cũng là để phát triển con người với nhân cách văn hóa. 
Cho nên, văn hóa – con người không chỉ là nền tảng, mà còn là mục tiêu chiến lược lớn nhất. Để có một cộng đồng phát triển thì trước nhất cần có một tầng lớp trí thức thật sự trưởng thành, để từ đó lan tỏa ra. 
Giáo dục đại học và trách nhiệm đào tạo ra đội ngũ trí thức tự do và trách nhiệm
Giáo dục đại học có nhiệm vụ quan trọng nhất là góp phần trực tiếp tạo ra tầng lớp trí thức ấy. 
Họ là những con người có trách nhiệm cao với đất nước và cộng đồng dân tộc, có tầm rộng và chiều sâu về văn hóa;
Họ là những con người thật sự tự do, trong xã hội và với chính mình, có tự do tư tưởng và tư duy độc lập, có bản lĩnh để bảo vệ các chân lý khoa học. 
Đất nước thật sự cần những con người như vậy, chứ không phải những con người chỉ biết nói theo, dựa dẫm, không có chính kiến, luôn thực dụng, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của cộng đồng quốc gia. 
Để có thể tạo ra những người trí thức chân chính và đẳng cấp ấy, nhất thiết cần có một nền đại học có tính tự chủ cao.
Quan trọng nhất là tự chủ về chương trình, và thực hiện tự do học thuật, với một đội ngũ giảng viên giỏi. 
Tự chủ đại học, tự do học thuật, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận là bộ phận hợp thành quan trọng bậc nhất của công cuộc đổi mới căn bản, không chỉ riêng đối với nền giáo dục quốc gia, mà còn đối với tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội nói chung. 
Đất nước ta rất cần phải đổi mới đồng bộ và căn bản như vậy. 
Tất nhiên chúng ta hiểu đó là sự tự do trong tất yếu, tự do gắn với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đối với cộng đồng. 
Đồng thời cần có một phương pháp đào tạo đúng, giúp cho người học phát triển được tối đa năng lực của chính mình.
Trong nền đại học ấy, sinh viên là những con người có tinh thần tự học rất cao, biết tư duy độc lập và tự đào tạo mình trong môi trường học tập hiện có. 
Lâu nay, tại Việt Nam, và trên thế giới cũng vậy, các trí thức lớn chủ yếu nhờ tự học mà thành, họ chủ động tự tạo ra mình, chứ không phải nhà trường nặn ra được họ. 
Còn nhà trường là môi trường hết sức quan trọng, nơi tạo mọi điều kiện cần thiết và các thầy cô giáo là những người hướng dẫn phương pháp tự học.
Chứ thày cô không phải là những người cung cấp đầy đủ tất cả kiến thức có sẵn theo cách áp đặt một chiều. 
Thầy cô giáo là người bạn lớn, đồng hành cùng học sinh trong quá trình đi tìm chân lý;
Thầy cô là người giúp đỡ về phương pháp tiếp cận để học sinh có thể vượt thầy, vượt sách, chứ không phải là những người nắm giữ độc quyền các chân lý để cấp phát cho học trò.
Trường Fulbright là cơ sở đào tạo có điều kiện rất thuận lợi trong quan hệ với các trường đại học lớn của Hoa Kỳ, để có thể thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong công tác đào tạo. 
Hoa Kỳ có một nền giáo dục đại học, nhất là sau đại học, có nhiều ưu điểm.
Chúng ta cần hết sức cầu thị để học hỏi và chủ động tiếp thu có chọn lọc được nhiều nhất những kinh nghiệm tốt và phù hợp cho giáo dục của Việt Nam. 
Trong chương trình Fulbright trước đây cũng như trong quá trình chuẩn bị và triển khai dự án đại học Fulbright hiện nay, có nhiều nhà khoa học-giáo dục và hoạt động xã hội ở Mỹ đã rất tận tâm, hết lòng góp công sức và trí tuệ cho công việc phát triển giáo dục ở Việt Nam. 
Đó là những người bạn lớn, những người bạn tốt. Chúng ta thật sự cảm kích và rất cảm ơn những người bạn chân tình ấy.
Trong quá khứ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ rất đáng tiếc đã xảy ra một cuộc chiến tranh như mọi người đã biết. 
Những năm qua cả hai nước đã cùng nhau xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng phát triển với nhiều ý nghĩa chiến lược lâu dài. 
Hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ đều yêu chuộng độc lập và tự do, đều có tinh thần thượng võ.
Trong lịch sử của mỗi bên đã từng có những trường hợp từ cựu thù trong chiến tranh trước đó đã trở thành bạn lớn, thành đối tác tốt đáng tin cậy của nhau sau chiến tranh. 
Tôi nghĩ và tin rằng, mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ ngày càng tốt đẹp và bền chặt hơn.
Trường Đại học Fulbright ngoài công việc đào tạo, nghiên cứu khoa học sẽ còn có vai trò quan trọng, góp phần đáng kể tham gia tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp ấy.
Xin chúc các bạn thành công ./.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 30.9.2017.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng
KHI NHỮNG 'HẠT GIỐNG ĐỎ' KHÔNG...'ĐỎ'