ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: Nếu Mỹ không thận trọng có thể tạo ra "Triều Tiên thứ 2"(GD 17/10/2017)-Lời thỉnh cầu Tổng thống Donald Trump "hãy thương lấy người dân vô tội" (GD 16/10/2017)-Phản đối của Trung Quốc việc Mỹ tuần tra ở Biển Đông chỉ là “trò lố” (GD 15/10/2017)-Tổng thống Mỹ sẽ đến Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam (VNN 17/10/2017)-Tp. HCM đứng 6/10 ‘đô thị nguy hiểm nhất thế giới’ (VOA 16-10-17)-
- Trong nước: Một Trung tá công an Yên Bái bị bắt vì nghi nhận hối lộ (GD 17/10/2017)-Kiến nghị làm rõ cựu ĐBQH Châu Thị Thu Nga chi 'tiền tấn' cho ai (VNN 17/10/2017)-Chức vụ thật, bổng lộc thật, dùng bằng giả khó mà từ chức (VNN 17/10/2017)-Bắt nguyên Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Trà Vinh (VNN 17/10/2017)-Ban Bí thư: Công khai tài sản của lãnh đạo để người dân giám sát (DT 16-10-17)-
- Kinh tế: Ngăn chặn những yếu kém trong BOT giao thông (GD 17/10/2017)-Dự án BOT hình thành qua các tầng nấc nào? (TP 16-10-17) -Tân Bí thư Đà Nẵng lo lắng về tiến độ hầm chui Điện Biên Phủ (GD 16/10/2017)-Điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp (GD 16/10/2017)-Dệt may hồi sinh và những rào cản mới (KTSG 17/10/2017)-Kinh tế vĩ mô nhìn từ "đỉnh tăng trưởng" 2017 (KTSG 17/10/2017)-Không dễ mua xăng “kiểu Nhật” (KTSG 16/10/2017)-Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh: Không muốn “thất trận” thì bỏ hất hàm và gắt gỏng (DDDN 16-10-17) -Tâm điểm cổ phần hóa doanh nghiệp dầu khí! (KTSG 16/10/2017)-Hệ quả từ can thiệp thị trường (KTSG 16/10/2017)-Nỗi lo điện than! (KTSG 16/10/2017)-Xuất siêu hơn 24 tỉ đô la sang Mỹ trong 9 tháng (KTSG 16/10/2017)-'TPP không có Mỹ vẫn rất hấp dẫn' (VnEx 16-10-17)-Giới đầu tư Trung Quốc đang thực hiện 'tour mua sắm' doanh nghiệp Việt (DT 16-10-17)-Cử nhân ngồi lề đường xin tiền, hứa đền ơn khi thành công ở tương lai (TN 16-10-17)-Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp nhất trong khu vực(SGGP 16-10-17)-
- Giáo dục: Một vài kiến nghị của thầy Đỗ Tấn Ngọc về phụ cấp đứng lớp và thâm niên nhà giáo (GD 17/10/2017)-Thầy Bùi Nam cho rằng giáo viên chủ nhiệm đang phải chịu thiệt thòi (GD 17/10/2017)-Chúng ta đang là "vật tế thần" cho các hãng dịch vụ, công nghệ (GD 17/10/2017)-Giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ được áp dụng tại Đông Á như thế nào? (GD 17/10/2017)-Lời của thầy Trần Xuân Ngọc còn vô tình hơn cánh cổng han gỉ vô tri (GD 17/10/2017)-Bình Thuận lại có chuyện lạ đời trong trường học? (GD 17/10/2017)-Chuyện về những sinh viên xứ “Triệu voi” học trên đất Việt (GD 17/10/2017)-Bổ nhiệm thừa phó hiệu trưởng – trách nhiệm thuộc về ai? (GD 17/10/2017)-Kết luận thanh tra trường Thụ Lộc không minh bạch, gây bức xúc (GD 17/10/2017)-Giáo viên kiện Hiệu trưởng ra Tòa, đòi bồi thường gần 60 triệu đồng (GD 17/10/2017)-Đa số giáo viên dạy thêm vì….tiền (GD 17/10/2017)-
- Phản biện: Chiến thuật thời nay phải là “một đòn … chết tươi” (GD 16/10/2017)-Xuân Dương-‘Thủ khoa chăn lợn’: Sau tranh cãi là gì? (TVN 15/10/2017)-Phúc Lai-Vì sao các tập đoàn kinh tế quốc doanh lớn của VN luôn gặp thất bại nhục nhã khi đầu tư ra thị trường quốc tế. (Blog Phương Thơ 15-10-17)-Hội nghị Trung ương 6: Chưa có lời giải cho kinh tế (BVB 14/10/2017)-Thiên Điểu/VNTB-Đôi bên cùng có lợi (BVN 16/10/2017)-Thiện Tùng-Tính đảng và việc ông Nguyễn Đức Chung phản bội cam kết (BVN 16/10/2017)-Paulus Lê Sơn-Vụ Đồng Tâm: Đằng sau thư ‘kêu gọi tự thú’ là gì? (BVN 16/10/2017)-Thiền Lâm- Petrolimex và câu chuyện nghèo đạo đức kinh doanh (BVB 14/10/2017)-Anh Văn/VNTB-Cái gì đến sau Hội nghị Trung ương 6? (BVN 14/10/2017)-Bùi Quang Vơm-Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật ngạc nhiên về GDP 2017 (BVN 17/10/2017)-Hà Vũ-TS Lưu Bích Hồ: "Chỉ số tăng trưởng kinh tế quý III rất khó hiểu và khó lường" (BVN 17/10/2017)-Thu Phương-Tăng trưởng GDP quý III cao đột biến phản ánh điều gì? (BVN 17/10/2017)-Chân Hồ-Giải mã 2,6 triệu tỉ đồng nợ công Việt Nam (BVN 17/10/2017)-Hoàng Phi- WB: Áp lực trả nợ của Việt Nam sẽ lớn trong 3 năm tới (BVN 17/10/2017)-Bạch Dương-WB: Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có nợ công tăng nhanh nhất (BVN 17/10/2017)-Anh Minh-Nên biết sợ! (BVN 17/10/2017)-FB Chau Doan-
- Thư giãn: Lão nông Đồng Tháp nuôi đàn cá trê màu hồng khổng lồ kỳ lạ (VNN 17/10/2017)-13 cách nói 'đùa thôi mà!' trong tiếng Anh (VNN 17/10/2017)-
CHỦ NHIỆM ỦY BAN PHÁP LUẬT NGẠC NHIÊN GDP NĂM 2017
HÀ VŨ/ VnE/ BVN 17-10-2017
Tổng vốn đầu tư tăng, xuất khẩu tăng, năng suất lao động cũng tăng, ICOR giảm..., tại sao GDP lại tăng chỉ bằng kế hoạch là 6,7%? Câu hỏi này được Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đặt ra gần cuối phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngày 12-10-2017.
Băn khoăn con số
Nhấn mạnh là hết sức phấn khởi vì từ năm 2008 đến nay, kinh tế - xã hội mới đạt cả 13 chỉ tiêu Quốc hội quyết, nhất là GDP đã về đích, song ông Định cho rằng cần làm rõ thêm một số thông tin để tin rằng đó là những con số thuyết phục. Và trên cơ sở đó thì sang năm phấn đấu ít nhất bằng tỉ lệ của năm nay.
Tại báo cáo, Chính phủ cũng đã đưa ra khá nhiều con số để chứng minh việc GDP có thể cán đích sau nhiều năm hụt hơi là có cơ sở. Đó là tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cả năm 2017 ước đạt 1.672,5 nghìn tỉ đồng, bằng 33,42% GDP, cao hơn so với kế hoạch đề ra (31,6%) và tăng 12,6% so với năm 2016. Rồi hệ số ICOR là 6,27, giảm nhẹ so với năm 2016 là 6,41. Ngoài ra, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2017 cao hơn so với năm 2016, ước tăng khoảng 5,87% (năm 2016 tăng 5,29%), tính theo giá hiện hành ước đạt khoảng 93,2 triệu đồng/lao động. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp ngày càng tăng trong tăng trưởng kinh tế. Năm 2017, đóng góp của TFP trong tăng trưởng GDP ước đạt 44,13%, cao hơn so với năm 2016 (40,68%) và cao hơn nhiều so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (33,58%). Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 14,4% (kế hoạch là 6-7%)...
Băn khoăn từ Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng chính từ những con số này. Ông Định phân tích là khi xây dựng chỉ tiêu tăng GDP 6,7% cho năm nay thì Chính phủ đều đã tính hết các cân đối lớn để đạt được kết quả đó. Nay xuất khẩu dự kiến tăng gần gấp đôi, các con số về vốn đầu tư, TFP, ICOR… đều cho thấy số lượng tăng và chất lượng cũng tăng. "Thế thì tại sao GDP lại chỉ tăng 6,7% như kế hoạch ban đầu?" - ông Định hỏi.
Giả thiết không thay đổi về số lượng có nghĩa là tăng trưởng đi vào chất lượng, ông Định đề nghị Chính phủ làm rõ chất lượng hơn thể hiện ở chỗ nào?
Cần đánh giá kĩ
Không trả lời thẳng vào câu hỏi của ông Định nhưng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng tăng trưởng đạt 6,7%, ngoài sự quyết liệt chỉ đạo của cả hệ thống thì đương nhiên thì ở đây cũng có những vấn đề của nền kinh tế. Cụ thể, tổng cầu của nền kinh tế thể hiện ở sức mua tăng rất mạnh. Nhờ tổng cầu tăng mà cung cũng được kích thích ở mức đáng kể, nông nghiệp phục hồi tốt, thuỷ sản tăng rất cao (5,42%), cả ngành nông nghiệp tăng 2,78% trong khi năm ngoái chỉ 0,76%. Rồi công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ cũng tăng, xuất khẩu cũng tăng rất cao (dự kiến cả năm 14,4% trong khi năm ngoái chỉ 9%). Bộ trưởng phân tích: "Tăng trưởng như thế hoàn toàn có cơ sở một cách chắc chắn trong khi lượng khai thác dầu giảm rất mạnh, trung bình 2 triệu tấn/năm. Như vậy là đã thay đổi dần mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng thừa nhận để đạt được mức 6,7% cả năm thì 3 tháng còn lại cũng còn rất thách thức, như thiên tai đang ảnh hưởng nhiều. Vì thế cần thực hiện đồng bộ, tích cực tất cả các nhiệm vụ để có thể đạt được kết quả cao nhất như dự kiến.
Với băn khoăn chỉ tiêu tăng trưởng 2018 chỉ từ 6,5-6,7%, Bộ trưởng Dũng lí giải là nếu tính trên nền năm 2017 là rất cao mà nếu đặt tiếp 2018 trên nền cao vậy thì rất khó khăn. Mặt khác, một số mặt hàng là đột phá của năm nay thì sang năm không còn đột phá nữa. Khai khoáng tiếp tục giảm, như năm nay giảm tiếp 2 triệu tấn dầu. Trong khi các chuyển đổi của mô hình kinh tế cũng chưa thể mang lại kết quả ngay lập tức, cần thời gian thêm để thể hiện.
Ngắt lời Bộ trưởng Dũng và gói lại phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ phải làm rõ và phân tích sâu hơn một số nội dung, trong đó có tốc độ, cơ cấu và mô hình tăng trưởng. "Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn những vấn đề cần đánh giá kĩ như tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng, xử lí nợ xấu, xử lí một số ngân hàng" - ông Hiển lưu ý. Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt 2018 là lấy ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững làm chính và cần phân tích rõ hơn vì sao năm tới chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7%.
H.V
Nguồn: http://vneconomy.vn/thoi-su/chu-nhiem-uy-ban-phap-luat-ngac-nhien-ve-gdp-2017-20171012044817716.htm
TS LƯU BÍCH HỒ: 'CHỈ SỐ TĂNG TRƯỞNG GDP QUÝ 3 RẤT KHÓ HIỂU VÀ KHÓ LƯỜNG'
THU PHƯƠNG/Theleader/ BVN 17-10-2017
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lưu Bích Hồ. Ảnh Đời sống pháp luật
Tăng kỉ lục
Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III-2017 của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho thấy kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao bất thường trong quý III, với mức tăng 7,46%, cao nhất trong vòng 7 năm qua, cao hơn nhiều so với quý trước cũng như cùng kì các năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 6,41%, tăng đáng kể so với cùng kì năm 2016 (6,0%) tuy vẫn thấp hơn một chút so với năm 2015 (6,5%). Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 7,25% trong ba quý đầu năm, liên tục gia tăng trong các năm từ 2015-2017. Trong đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn nửa thập kỉ, lần lượt đạt 7,89% và 3,99%.
Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cũng cho thấy rõ sự phục hồi so với năm 2016. Tăng trưởng khu vực này trong 9 tháng đầu năm đạt 2,78%, cao hơn nhiều so với mức tăng của năm ngoái và cũng cao hơn đáng kể so với mức 2,08% của năm 2015. Tình hình thời tiết từ đầu năm đến nay khá thuận lợi cho hoạt động của ngành thủy sản và lâm nghiệp, đưa tăng trưởng của hai ngành này lần lượt đạt 5,42% và 5,00%. Trong khi đó, tình trạng mưa lũ trên diện rộng trong quý III khiến nông nghiệp chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn là 1,96%.
Trong khi đó, tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục đạt thấp, chỉ 7,17%, thấp hơn so với cùng kì hai năm trước đó, đặc biệt thấp hơn đáng kể so với năm 2015. Sự suy giảm này vẫn chủ yếu đến từ ngành khai khoáng (giảm 8,08%).
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn không ngừng cải thiện tốc độ tăng trưởng với mức tăng trưởng rất cao 12,77% trong ba quý đầu năm, cao nhất so với cùng kì nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, ngành xây dựng vẫn tăng trưởng khả quan ở mức 8,3%, mặc dù thấp hơn mức tương ứng của hai năm trước, đều trên 9%.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, mức tăng trưởng cao trong quý III phần nào cho thấy kết quả của hàng loạt biện pháp và chỉ thị quyết liệt của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận tín dụng đối với cả hộ gia đình và các doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, các biện pháp và chỉ thị này mới chỉ mang tính ngắn hạn vì chưa hướng đến các nền tảng cơ bản của tăng trưởng kinh tế như năng suất lao động hay sức sản xuất của nền kinh tế - ông Thành cho biết
"Khó hiểu và khó lường"
Nhận định về mức tăng trưởng 7,46% của kinh tế Việt Nam trong quý III-2017, tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III-2017, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lí kinh tế trung ương cho biết mức tăng trưởng của Việt Nam trong quý III tăng kỉ lục, tuy nhiên chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài. Đặc biệt là các doanh nghiệp lớn như Formosa, Samsung... Nếu không có các doanh nghiệp này, có lẽ nền kinh tế Việt Nam sẽ không có được con số này. Trong khi đó, tác động của các chính sách từ Chính phủ như thực hiện đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra rất chậm, công cuộc tái cơ cấu ngân sách, giảm chi thường xuyên còn nhiều nan giải... Điều này đang hạn chế rất nhiều tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay và trong những năm tới nếu Việt Nam không thay đổi. Do đó, con số tăng trưởng kỉ lục trong quý III cần được xem xét một cách bình tĩnh hơn - ông Doanh nhấn mạnh.
Theo TS Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cũng cho rằng chỉ số tăng trưởng kinh tế quý III rất khó hiểu và khó lường. Điều này không có thông lệ trong lịch sử, cũng không đúng với lí thuyết kinh tế nhưng lại thực tế qua số liệu của Tổng cục Thống kê. "Chúng ta phấn khởi nhưng cũng ngỡ ngàng trước những con số này. Song cần tiếp tục theo dõi những diễn biến kinh tế trong thời gian tới trước khi đưa ra kết luận" - TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh
Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Thế Anh, chuyên gia đến từ Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại nhiều yếu tố tăng trưởng bất ổn, không bền vững do bị phụ thuộc rất nhiều vào FDI. Xuất siêu của Việt Nam trong quý III lớn nhưng chủ yếu đến từ khu vực vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực này đã bù đắp cho sự suy giảm của khu vực doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, động lực tăng trường lại phụ thuộc một số doanh nghiệp FDI lớn. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Lấy ví dụ tại Samsung, quý vừa qua xuất khẩu của doanh nghiệp này tăng mạnh, tuy nhiên tăng trưởng này chỉ mang tính chu kì, phụ thuộc việc họ ra mắt sản phẩm mới. Do đó, không phải lúc nào họ cũng có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao như quý vừa qua. Với mức tăng trưởng kinh tế 7,46% trong quý III, có thể nói mục tiêu đạt 6,7% năm 2017 là trong tầm tay, Tuy nhiên, một nền kinh tế không phát triển từ những yếu tố nội tại sẽ khó có thể bền vững. Hi vọng Chính phủ sẽ bớt chạy theo những mục tiêu ngắn hạn để tập trung cho phát triển dài hạn trong tương lai – PGS-TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
T.P
TĂNG TRƯỞNG GDP QUÝ III CAO ĐỘT BIẾN PHẢN ÁNH ĐIỀU GÌ ?
CHÂN HỒ/ Trithuc/ BVN 17-10-2017
GDP quý III của Việt Nam tăng đột biến 7,46% (mức cao nhất trong 6 năm trở lại) khiến nhiều chuyên gia kinh tế ngờ vực mức độ đáng tin cậy của số liệu. Thậm chí, nhiều chuyên gia từ chối bình luận về con số này.
Tăng trưởng chủ yếu nhờ khối doanh nghiệp nước ngoài
Tại buổi họp báo Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tăng trưởng kinh tế đột biến không phải do khai khoáng, cũng không phải vì tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, ông tiết lộ sản xuất thành phẩm điện tử, đặc biệt là điện thoại tăng cao. Dòng điện thoại Galaxy Note 8 mới ra mắt đã đẩy sản xuất tại các nhà máy của Samsung tại Việt Nam tăng cao, nâng giá trị xuất khẩu của Samsung năm 2017 ước tính 50 tỉ USD, chiếm tới 22,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Điều này khiến cho Cục Hải quan Bắc Ninh, nơi xử lí thông quan hàng xuất khẩu của Samsung vươn lên đứng đầu cả nước, vượt trên cả TP HCM về kim ngạch xuất khẩu. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu qua hải quan Bắc Ninh đạt 79,34 tỉ USD, tăng 34,9% so với cùng kì năm 2016.
Có thể thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp FDI, mà đặc biệt là Samsung. Do đó, tăng trưởng GDP cao của Việt Nam trong quý III-2017 được hỗ trợ lớn bởi hãng sản xuất di động lớn từ Hàn Quốc. Điều này cũng gợi nhớ tới sự cố Galaxy Note 7 của Samsung năm trước đã làm xuất khẩu của Việt Nam lao dốc.
Tăng trưởng GDP có đi liền với thực lực quốc gia?
TS Lê Đăng Doanh lưu ý rằng không nên quá lạc quan với tốc độ tăng trưởng GDP, đặc biệt khi động lực chính của sự tăng trưởng này đến từ các doanh nghiệp FDI. Khi các doanh nghiệp này làm ăn tốt lên thì chỉ số kinh tế sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, khi họ làm ăn không tốt, chắc chắn tốc độ tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng không nhỏ. Để nói về chất lượng của tăng trưởng, thường có một chỉ số khác để đo lường, đó là chỉ số tổng thu nhập quốc dân (GNI - Gross National Income). Chỉ số này cho biết mức thu nhập thực tế của quốc gia, không tính đến phần thu nhập của các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) như cách tính hiện tại của GDP, do đó sẽ phản ánh được chính xác thực lực của quốc gia đó. Theo đó, TS Lê Đăng Doanh cho rằng Chính phủ nên quan tâm về chỉ số GNI hơn là chỉ tiêu GDP như hiện tại.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Khắc Giang, thành viên Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng để đạt được mức tăng trưởng GDP như Tổng cục Thống kê công bố, điều chắc hẳn là Chính phủ đã phải đánh đổi một số yếu tố về mặt vĩ mô, tăng trưởng dựa vào những yếu tố ngắn hạn như đầu tư nước ngoài và khai khoáng nhiều là không bền vững.
Nói về bản chất của GDP, mức độ quan trọng của GDP đến đâu, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng bản chất của GDP được hiểu là tổng nhu cầu cuối cùng (final demand) và chỉ tiêu này thường phản ánh tình hình kinh tế trong ngắn hạn và nhất thời. Thậm chí, nếu tăng biên chế, đầu tư tràn lan không hiệu quả, thổi bong bóng bất động sản… cũng làm tăng GDP. Tất nhiên, hệ quả tất yếu của cách tăng trưởng đó là nguồn lực chung của nền kinh tế bị yếu đi do không xét đến yếu tố hiệu quả.
Do đó, trong trường hợp một đất nước cơ bản là sản xuất gia công, không nên coi GDP là chỉ tiêu duy nhất để đánh giá sức khỏe của nền kinh tế. Trong một số trường hợp, GDP càng tăng càng làm giảm nguồn lực của nền kinh tế.
Các tồn tại vẫn cần phải được tháo gỡ trong thời gian tới
Về vấn đề liên quan thể chế, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận nhận định sự thiếu lành mạnh trong cơ chế hiện nay đã làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. Các thủ tục hành chính, lỗ hổng chính sách và cách thức làm việc hiện nay của các cơ quan nhà nước đang nuôi dưỡng thêm sức ì, hoặc sự phản ứng với cải cách. Điều này khiến doanh nghiệp vận hành theo kiểu "đầu tư quan hệ, công nghệ phong bì". Do đó, bà Lan nhấn mạnh cải cách thể chế vẫn là việc quan trọng cần tiếp tục thực hiện.
TS Lê Đăng Doanh thì cho rằng lỗ hổng trong các khâu thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là điều các cơ quan quản lí cần chú ý. Ông cho rằng việc cổ phần hóa DNNN cần được diễn ra trên sàn chứng khoán để bảo đảm tính công khai và minh bạch. "Thoái vốn DNNN mới được 8%, 92% còn lại vẫn ở trong tay nhà nước. Cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn là ông chủ và nhà đầu tư nhỏ lẻ vào đó không có tiếng nói. Cho nên cần phải thay đổi cơ bản mô hình cổ phần hóa này" - ông Doanh nói.
Trong khi đó, TS Lưu Bích Hồ cho rằng ổn định môi trường kinh tế vĩ mô trong những tháng cuối năm cần được ưu tiên ở vị trí số 1, nhất là trong bối cảnh biến động địa chính trị trong khu vực đang ngày càng khó lường, tăng trưởng tín dụng không được vượt quá mức và kiểm soát lạm phát vào thời điểm cuối năm.
C.H (tổng hợp)
WB : ÁP LỰC TRẢ NỢ CỦA VIỆT NAM SẼ LỚN TRONG 3 NĂM TỚI
BẠCH DƯƠNG/ VnE/BVN 17-10-2017
Báo cáo đánh giá về chi tiêu công Việt Nam do Chính phủ Việt Nam phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy tỉ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam tăng nhanh do chính sách tài khoá nới lỏng trong những năm qua. Nợ công so với GDP tăng đáng kể từ 51,7% năm 2010 lên 61% năm 2015, trong đó nợ Chính phủ chiếm 49,2%, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 10,9% và nợ chính quyền địa phương khoảng 0,9%. Không tính nợ bảo lãnh và vay nợ nội bộ, nợ trực tiếp của Chính phủ được ước tính ở 43,3% GDP (năm 2015) gần sát với mức bình quân của các quốc gia trong khu vực và tương đương về thu nhập.
Áp lực trả nợ lớn
Báo cáo của WB nhấn mạnh Việt Nam nằm trong những quốc gia có tỉ lệ nợ trên GDP tăng nhanh nhất (tăng khoảng 10% trong 5 năm qua) cho dù có thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại về bền vững tài khoá. "Đi cùng với nợ tăng cao, cơ cấu nợ công cũng đã có sự thay đổi. Bởi lẽ nhu cầu huy động ngày càng lớn, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nước ngoài dần hạn chế, Chính phủ đã phải dựa chủ yếu vào nguồn vay trong nước. Tỉ trọng nợ trong nước trên tổng nợ công tăng từ 45% năm 2010 lên đến 55,4% năm 2015. Nợ trong nước giúp giảm rủi ro tỉ giá và góp phần phát triển thị trường vốn trong nước nhưng cũng làm giảm đáng kể kì hạn danh mục nợ" - báo cáo nêu.
WB nhận định áp lực huy động để đảo nợ vẫn còn lớn với khoảng 50% nợ trong nước của Việt Nam sẽ đáo hạn trong 3 năm tới. Đây sẽ là áp lực rất lớn trong điều kiện các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ còn hạn chế như hiện nay. Nhìn chung, kì hạn nợ trung bình của Việt Nam vẫn chưa thể bằng kì hạn bình quân của trái phiếu Chính phủ ở các quốc gia thu nhập trung bình và các quốc gia khác trong khu vực. "Dù nợ công vẫn nằm trong ngưỡng cho phép nhưng hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro lớn. Bội chi ngân sách hiện đang ở mức cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là khoảng 5,6% GDP" - WB cho hay.
Theo đó, nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn duy trì như hiện nay thì tỉ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần cho phép (65% GDP) trong những năm tới, kể cả khi tăng trưởng GDP có được duy trì ở mức cao và chi phí huy động vẫn còn tương đối thuận lợi như hiện nay. Mặt khác, dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng, khiến cho nợ công có thể trở nên mất bền vững ngay cả khi có những cú sốc nhẹ. Nghĩa vụ nợ dự phòng nếu được hiện thực hoá có thể làm cho Việt Nam càng thêm dễ tổn thương với lộ trình nợ như hiện nay ngay cả khi cân đối ngân sách cơ bản của Việt Nam vẫn được cẩn trọng.
WB cho rằng dù Chính phủ với nguyên tắc tăng cường kỉ luật tài chính, không có trách nhiệm trả nợ cho doanh nghiệp thua lỗ nhưng trên thực tế Chính phủ vẫn có thể can thiệp nếu tình trạng thua lỗ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Vì vậy, báo cáo khuyến nghị công tác quản lí nợ của Chính phủ phải tính đến những rủi ro đó, đồng thời phải duy trì được dư địa ngân sách đủ để hấp thụ những cú sốc đó trong trường hợp xảy ra. Các kế hoạch củng cố ngân sách theo các cam kết hiện nay của Chính phủ phải được triển khai một cách nhất quán để bảo đảm quỹ đạo nợ công quay lại lộ trình bền vững, đặc biệt trong bối cảnh yếu tố ưu đãi của nợ nước ngoài đang có xu hướng giảm xuống.
4 khuyến nghị của WB
Trên cơ sở đó, WB đã đưa ra các khuyến nghị chính trong quản lí nợ công cho Chính phủ Việt Nam.
Thứ nhất, Chính phủ cần xây dựng và thực hiện một lộ trình củng cố tình hình tài khóa, để bảo đảm sự bền vững tài khóa song không hoặc ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi Chính phủ phải có cam kết mạnh mẽ về giảm bội chi và duy trì nợ công trong phạm vi giới hạn cho phép (65% GDP). Các phương án củng cố tình hình tài khóa có thể được cân nhắc trên cơ sở phối hợp các biện pháp nhằm đẩy mạnh huy động thu, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, tăng cường hiệu quả quản lí, sử dụng và khai thác tài sản công, quản lí nợ công và rủi ro tài khóa. Tái cơ cấu chi tiêu công cũng cần bảo đảm các khoản chi an sinh xã hội, đầu tư phát triển và dành dư địa cho các chi phí tái cấu trúc nền kinh tế.
Thứ hai, Chính phủ cần phải nâng cao hiệu quả đầu tư công, tăng cường động lực tăng trưởng bền vững như cơ cấu lại ngân sách ở mức độ nhất định cho phù hợp, nâng cao hiệu suất sử dụng tài sản thông qua việc từng bước tăng chi khai thác và duy tu bảo dưỡng qua kế hoạch tài chính - ngân sách và kế hoạch đầu tư trung hạn.
Thứ ba, Chính phủ phải nâng cao công bằng trong phân phối nguồn lực giữa các địa phương. Theo đó, cần chú trọng hơn đến việc nuôi dưỡng nguồn thu, ví dụ cân nhắc tạo thêm cơ hội nâng cao tự chủ về thu cho các địa phương và nghiên cứu áp dụng cơ chế phân chia nguồn thu đối với một số sắc thuế gián thu lớn (như thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt) công bằng và minh bạch hơn, nhằm khuyến khích địa phương phát triển kinh tế đồng đều hơn.
Thứ tư, WB khuyến nghị cải cách thể chế quản lí tài chính công của Việt Nam, trong đó cần tăng cường mức độ toàn diện và minh bạch của ngân sách. Tăng cường cơ chế quản lí hiệu quả hoạt động và giải trình trách nhiệm; giám sát và kiểm toán của cơ quan kiểm toán nhà nước và kiểm toán bên ngoài và cải thiện hệ thống thông tin quản lí.
Mới đây, Bộ Tài chính đã công bố Bản tin nợ công số 5. Theo đó, tính đến hết năm 2015, nợ công của Việt Nam lên tới 61% GDP, tăng 3% so với năm trước đó. Trong đó nợ nước ngoài chiếm 42% GDP. Nợ Chính phủ so với GDP năm 2015 là 49,2%. Năm 2015, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách là 14,9% GDP. Trong năm 2015, tổng dư nợ mà Chính phủ vay là 2,064 triệu tỉ đồng, tương ứng 94,3 tỉ USD. Trong đó, nợ nước ngoài là 39,6 tỉ USD, nợ trong nước là 54,67 tỉ USD. Cũng trong kì, Chính phủ đã trả nợ được 13,3 tỉ USD. Bản tin nợ công lần này của Bộ Tài chính có thống kê các khoản nợ vay nước ngoài của cả Chính phủ và doanh nghiệp. Tính đến hết năm 2015, tổng dư nợ vay nước ngoài của Việt Nam lên tới 1,759 triệu tỉ đồng, tương ứng 80,84 tỉ USD. Trong đó nợ nước ngoài của Chính phủ lên tới 39,6 tỉ USD, nợ nước ngoài của doanh nghiệp đạt 41,22 tỉ USD.
B.D
Nguồn: http://vneconomy.vn/thoi-su/wb-ap-luc-tra-no-cua-viet-nam-se-lon-trong-3-nam-toi-20171003030052326.htm
KINH TẾ VĨ MÔ NHÌN TỪ 'ĐỈNH TĂNG TRƯỞNG ' 2017
NGỌC LAN/ TBKTSG 16-10-2017
(TBKTSG Online) - Nhiều tín hiệu cho thấy, năm 2017 là năm đạt đỉnh tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây khi tăng trưởng GDP từ chỗ tưởng như không đạt mục tiêu đề ra nay đã có nhiều cơ sở “cán đích” ngoạn mục. Nhờ đó sẽ có hàng loạt chỉ tiêu vĩ mô khác cũng hoàn thành. Vấn đề là nền kinh tế đã phát triển vững chắc hay chưa, xét từ những con số trên đỉnh tăng trưởng 2017?
Một cuộc bứt phá
Từ mức tăng trưởng kinh tế quí 1-2017 gặp một số khó khăn với tốc độ tăng GDP chỉ đạt 5,15%, công nghiệp khai khoáng sụt giảm sâu, vốn tín dụng, đầu tư nhích chậm… các nhà kinh tế tính toán rằng, để cán đích mục tiêu tăng trưởng 6,7% như kế hoạch, mỗi quí GDP đều phải đạt mức trên 7%. Đây được cho là một mục tiêu cực kỳ khó khăn, vì tất cả các yếu tố tác động đến tăng trưởng đều đã chạm ngưỡng, trong khi các biện pháp thúc đẩu tăng trưởng đều có độ trễ.
Tuy nhiên, sau cuộc bứt phá mạnh mẽ từ quí 2 (tăng 6,28%), con số tăng trưởng quí 3 được Chính phủ công bố là 7,46% (9 tháng đầu năm ước tăng 6,41%) khiến cho mục tiêu cả năm sát lại gần hơn nếu GDP quí cuối năm vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng như quí 3.
Đóng góp mạnh nhất vào tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của GDP những quí vừa qua là nhờ tổng vốn đầu tư phát triển cả năm 2017, theo công bố của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 12-10, tăng ước tới 33,4% GDP, cao hơn kế hoạch và cao hơn 12,6% so với năm 2016.
Tổng vốn đầu tư có yếu tố nước ngoài ước thực hiện cả năm 2017 (bao gồm cả vốn FDI) đạt khoảng 28 tỉ đô la Mỹ (tăng 4,5 lần so với năm 2016 và vượt 12% so với mục tiêu năm 2017). Trong số này, vốn cấp mới và tăng thêm khoảng 23,2 tỉ đô la, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 17 tỉ đô la. Một lượng vốn lớn đổ vào, nhất là dự án của Samsung Display đầu tư thêm bắt đầu xuất khẩu làm cho chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) tăng nhanh, dự kiến sẽ đạt 7% đến 8,1% trong năm nay.
Xuất khẩu cũng dự kiến sẽ tăng gấp đôi kế hoạch với mức 154 tỉ đô la trong 9 tháng và ước thực hiện cả năm khoảng 202 tỉ đô la (tăng gấp 14,4%). Mức tăng đột biến này nhờ nhóm hàng công nghệp chế biến đạt tốc độ tăng trưởng khá cao với nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn. Nhất là xuất khẩu của khu vực FDI – chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, bứt phá mạnh hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.
Tóm lại, nhờ vào tổng vốn đầu tư tăng mạnh, vốn FDI rót vào nhiều và kim ngạch xuất khẩu vượt trội, tăng trưởng của nền kinh tế năm 2017 đã thực sự đạt đỉnh, nhất là trong bối cảnh công nghiệp khai khoáng giảm (trừ dầu thô tăng khai thác thêm 1 triệu tấn). Nó kéo theo tổng thu cân đối ngân sách năm nay sẽ vượt thu 10,1% so với năm trước và tăng 2,3% so với dự toán, bội chi ngân sách như kế hoạch.
Dư địa còn lại
Với tình hình kinh tế khả quan, cán cân vĩ mô cơ bản ổn định, sẽ có nhiều người nghĩ rằng các kế hoạch năm 2018 sẽ dễ dàng hoạch định hơn. Tuy nhiên, nhìn sâu vào các con số, sẽ thấy toàn bộ bức tranh vĩ mô không hẳn là một cú bứt phá bằng việc bỏ lại phía sau những khó khăn vốn lâu nay chưa thể giải quyết. Khi thẩm tra sơ bộ báo cáo về kinh tế-xã hội mà Chính phủ soạn để trình ra Quốc hội trong kỳ họp cuối tháng 10 tới, thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách đã tính toán, trong số 2,3% số vượt thu của năm nay, khoảng 27,3 ngàn tỉ đồng chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách trung ương khó có thể đạt. Nếu năm nay hụt thu thì ngân sách trung ương sẽ có ba năm hụt thu liên tiếp, ảnh hưởng đến việc giảm bội chi.
Ngay cả thu nội địa năm 2017, dự kiến ở cả ba khu vực kinh tế DNNN, FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán. Việc tiếp tục cổ phần hóa các DNNN làm giảm nguồn thu từ khối này nhưng nguyên nhân lớn nhất là khả năng cạnh tranh, phát triển của DNNN ngày càng yếu đi nên số cổ tức, lợi nhuận nộp về ngân sách cũng giảm. Ví dụ, 9 tháng đầu năm, số thu cổ tức, lợi nhuận, tiền bán vốn DNNN chỉ đạt hơn 48 ngàn tỉ đồng, trong khi kế hoạch năm nay phải thu 120 ngàn tỉ đồng. Tiến độ bán vốn chậm, thu cổ tức, lợi nhuận cũng thấp cho thấy hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn của DNNN ngày càng đi xuống thấp hơn.
Tổng đầu tư phát triển năm nay dự kiến cũng sẽ tăng 33,42% GDP được đánh giá là một bất ngờ ngoài dự đoán. Ngoài tích cực thúc đẩy tăng GDP, nó cho thấy việc xây dựng kế hoạch chưa chính xác làm ảnh hưởng các kế hoạch cân đối nguồn lực nói chung. Trong khi thực tế việc thực hiện kế hoạch đầu tư công lại rất chậm trễ. Như cuối tháng 9-2017 mới giao chưa được 50% số vốn trái phiếu Chính phủ chuyển nguồn từ năm 2016 sang; hoặc chỉ giao được 38,8% dự toán vốn trái phiếu Chính phủ năm nay. Sâu xa hơn nữa thì vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ nguồn ngân sách giải ngân chậm nhất trong vòng 5 năm gần đây (53%), mới giải ngân 7% vốn trái phiếu Chính phủ XDCB là minh chứng chuẩn bị dự án đầu tư chậm, các khâu tiếp theo cũng chậm dẫn đến lãng phí nguồn lực đã vay về, giảm hiệu quả đầu tư công. Nếu đặt trong mối tương quan so sánh với tốc độ giải ngân vốn của khối doanh nghiệp FDI tăng đột biến trong năm nay thì trái ngược càng lớn.
Việc tăng đột biến về xuất khẩu nhờ sự quy mô và giá trị của khối FDI cho thấy sức khỏe của nền kinh tế phụ thuộc vào khối doanh nghiệp nước ngoài ngày càng rộng hơn, trong khi xuất khẩu vẫn chủ yếu dưới hình thức gia công, thâm dụng lao động, hiệu ứng lan tỏa và liên kết đến khối doanh nghiệp trong nước thấp. Mặt khác, nó tạo ra hiện tượng chen lấn đến các thành phần doanh nghiệp khác. Hay sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nếu không thẩm định kỹ sẽ kéo theo sự dịch chuyển về công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường như nhiều bài học gần đây.
Như vậy, xét đỉnh tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2017 tác động thế nào đến ba trụ cột là tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu nền kinh tế thông qua sức cạnh tranh thì thấy để đạt được sự bền vững trong phát triển vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét