Thứ Tư, 18 tháng 10, 2017

20171018. THẾ NÀO LÀ 'GIÁO DỤC ĐẠI HỌC KHAI PHÓNG' ?

ĐIỂM BÁO MẠNG

THẾ NÀO LÀ 'GIÁO DỤC ĐẠI HỌC KHAI PHÓNG' ?

THÙY LINH/ GDVN 18-10-2017

Quang cảnh giao lưu tại hội thảo “Giáo dục khai phóng : Hướng đi mới cho giáo dục đại học tại Việt Nam”, ảnh: Báo Tin tức.


Giáo dục khai phóng (Liberal Arts Education) là mô hình giáo dục đặc sắc của giáo dục đại học Hoa Kỳ, được áp dụng rộng rãi ở Châu Âu và nhiều nước Châu Á.

Đặc trưng của mô hình này  là đào tạo linh hoạt, cả chiều rộng cũng như chiều sâu của môn học, khuyến khích các môn liên ngành, tăng quyền lựa chọn cho sinh viên.

Giáo dục khai phóng là một hệ thống giáo dục được thiết kế để thúc đẩy sinh viên gia tăng mong muốn và khả năng học hỏi, suy nghĩ chín chắn, giao tiếp thành thạo, trở thành công dân có trách nhiệm với xã hội.

Tại Việt Nam, đến nay khái niệm “giáo dục khai phóng” hiện đã xuất hiện trong khẩu hiệu, triết lý giáo dục của một số trường đại học cả miền Bắc và miền Nam.

Điều này được thể hiện thông qua hội thảo “Giáo dục khai phóng : Hướng đi mới cho giáo dục đại học tại Việt Nam” do Đại học Fulbright Việt Nam và Đại học Việt Nhật tổ chức ngày 16/10 vừa qua. 
Các đại biểu tham gia đã có những trao đổi những ý tưởng cốt lõi của giáo dục khai phóng và sự tương tác với giáo dục Việt Nam.

Tại hội thảo, bà Đàm Bích Thủy – Chủ tịch trường Đại học Fulbright Việt Nam - trường đại học độc lập, không vì lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, được truyền cảm hứng bởi mô hình giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ, cho biết:
Các mô hình giáo dục khác dạy sinh viên kiến thức, kỹ năng để làm một công việc cụ thể. Còn giáo dục khai phóng có 3 đặc trưng: dạy cách học, học cách nghĩ và học cách sống.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng nhấn mạnh:
Chúng tôi không cổ xúy một phương pháp học nào tối ưu nhất bởi không có phương pháp nào là phù hợp với 100% sinh viên”.

Sinh viên năm nhất chưa cần trả lời câu hỏi ra trường sẽ làm gì, tránh cho sinh viên đưa ra quyết định khi mới bước qua tuổi 18.
Trong hai năm tiếp theo, sinh viên được tiếp xúc với nhiều môn học khác nhau một cách tự chọn, không áp đặt để các em khám phá ra mình say mê điều gì, khát khao làm việc gì nhất để đưa ra quyết định.

Bà Thủy đưa ra ví dụ về một bạn trẻ say mê kiến trúc nhưng theo mong muốn của cha mẹ nên đi học y.            
Mặc dù việc học rất tốt, ra trường có công việc cũng rất ổn nhưng cậu ấy vẫn mong muốn được thiết kế một thứ gì đó. Và giờ cậu ấy nuối tiếc vì không thời gian để theo đuổi giấc mơ của mình.

Khi 17-18 tuổi, nhiều em chưa biết mình thích gì. Vì vậy, bắt phải lựa chọn nghề nghiệp thì rất nhiều em sau này sẽ cảm thấy nuối tiếc. Giáo dục phải giúp các em sau này không phải nói những điều “giá như” như thế trong vòng 10-15 năm sau” – bà Thủy chia sẻ.

Nói tới đây, bà Đàm Bích Thủy đưa ví dụ về Mark Zuckerburg -  người sáng lập mạng xã hội Facebook rằng:

"Anh học chuyên ngành tâm lý ở Đại học Harvard chứ không phải là khoa học máy tính. Mark luôn nói môn tâm lý đã giúp cho mình nhiều hơn là khoa học máy tính.
Nếu không nhận biết được cách hành xử của người tiêu dùng tại thời điểm đó thì cậu ấy sẽ không thể tạo ra được Facebook như hiện nay”.

Còn theo quan điểm của Ngô Thùy Ngọc Tú, cựu sinh viên của Đại học Stanford (Hoa Kỳ) lại cho rằng, những lớp học đầu tiên của Liberal Art mà cô được học trong trường không phải là triết học hay lịch sử như nhiều người nghĩ, mà là về ý nghĩa cuộc sống, cái chết. 
Khi học những chủ đề đó, sinh viên buộc phải đọc rất nhiều sách về khoa học tự nhiên, sách y học, sinh học và cả những sách về triết học, nhân văn...

Trong khi đó Giáo sư Randall Woods - Trường Nghệ thuật và Khoa học Fulbright, Đại học Arkansas cho biết, ở ngay tại Mỹ, vẫn có những tranh cãi lớn về giá trị của giáo dục khai phóng.

Thừa nhận có tranh cãi về giáo dục khai phóng, Giáo sư Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật (VJU) tiết lộ, ngay cả ở Nhật, nhiều lãnh đạo cũng nghi ngờ giá trị của đường lối giáo dục này.

Dù thừa nhận giá trị của giáo dục khai phóng, song các chuyên gia cũng nhìn nhận, việc thúc đẩy giáo dục khai phóng ở Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.

Giáo sư Furuta Motoo, người có nhiều năm gắn bó với Việt Nam nhắc lại, vào đầu thập niên 90 tại Việt Nam đã xây dựng trường đại học đại cương dạy những kiến thức cơ bản cho sinh viên trước khi chuyển sang đào tạo chuyên ngành là đã bắt đầu đi theo triết lý giáo dục khai phóng.
Tuy nhiên, mô hình này không duy trì được lâu.

Là “tác giả” của đại học đại cương ở Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:
Thực tế, trước năm 1986, giáo dục đại học của Việt Nam đi theo mô hình của Liên Xô, nghĩa là đào tạo những chuyên ngành rất hẹp. Kể cả các môn cơ bản, cơ sở trong chương trình của họ cũng chỉ phục vụ mục đích đào tạo nghề.

Khi đổi mới, Việt Nam tham khảo mô hình của Mỹ, phân chia thành 2 phần: Giáo dục đại cương và Giáo dục chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, việc đưa giáo dục đại cương vào Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn vì ngay cả những người đầu ngành lúc đó cũng đều được đào tạo tại Liên Xô nên không chấp nhận giáo dục đại cương.

Đến nay, nhìn nhận từ thực tiễn, Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho rằng, đến đầu thế kỷ 21, tinh thần giáo dục khai phóng đang bắt đầu trỗi dậy trên cả thế giới và Việt Nam. Hiện nay, vòng đời công nghệ ngắn nên nếu chỉ theo học một chuyên môn hẹp thì rất dễ thất nghiệp.

Thuộc về "lứa" đầu tiên học chương trình giáo dục đại cương 2 năm, Tiến sĩ Giáp Văn Dương cho rằng, việc chia giai đoạn chỉ  là đơn giản cắt một cách cơ học 5 năm thành 2 năm đại cương, 3 năm chuyên sâu. Mọi thứ vẫn như vậy, các môn vẫn như vậy thì việc tách ra không có ý nghĩa gì.

Từ đó, ông Dương góp ý rằng, cái khó của giáo dục khai phóng là những người thầy, bởi không có những “người thầy khai phóng” sẽ không có giáo dục khai phóng.
Thùy Linh

CÓ HAY KHÔNG 'TẬP ĐOÀN TƯ BẢN, NHÓM LỢI ÍCH THÂN HỮU' ?
TIẾNG DÂN/ BVB 17-10-2017
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (phải) nói chuyện với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Nguồn: Zing
Từ chuyện đại gia Vũ Văn Tiền…Cuối tháng Tám vừa qua, truyền thông Việt Nam, cả “lề đảng” lẫn “lề dân”, đều xôn xao trước thông tin đại gia Vũ Văn Tiền, ông chủ tập đoàn Geleximco, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc để xây dựng sân bay Long Thành trong thời gian 3-5 năm.

Việt Nam vốn đã có quá nhiều bài học xương máu trong chuyện “hợp tác” với Trung Quốc. Các dự án do Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam thường xuyên rơi vào tình trạng chất lượng thấp, đội vốn, chậm tiến độ… và đặc biệt là tiềm ẩn những mối đe doạ về mặt an ninh, quốc phòng. Chính vì thế, đề xuất của đại gia bí hiểm Vũ Văn Tiền đã gặp phải sự phản đối gay gắt của dư luận.
Dù vậy, trong bài “Phi trường Long Thành sẽ thuộc… Trung Quốc?”, tác giả Thiền Lâm (bút danh của một nhà báo tên tuổi trong nước), lại nhận định: “Rất nhanh, nhanh đến mức kỳ lạ, chỉ ít ngày sau việc đại gia Vũ Văn Tiền, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco và ông Chen Yi Long, chủ tịch Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang của Trung Quốc, đề xuất Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức PPP, một quan chức của Bộ Giao thông vận tải là Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã chính thức xuất hiện với chỉ đạo ‘giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam lập báo cáo nghiên cứu khả thi, khi thông qua rồi mới có cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư’.”
Và lý do của cái sự “nhanh đến mức kỳ lạ” đó, theo tác giả Thiền Lâm, chính là vì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người được dư luận xem là “thân” với ông Vũ Văn Tiền.
…đến hai tỷ phú Lê Viết Lam và Phạm Nhật Vượng
Vũ Văn Tiền cùng đề xuất xây dựng sân bay Long Thành không phải là vụ việc duy nhất gắn với một “đại gia” trong giới tư bản thân hữu khiến dư luận bàn tán xôn xao mà người ta thấy lấp ló đằng sau bóng dáng của đương kim Thủ tướng Việt Nam.
Chỉ một hai ngày sau đề xuất gây sửng sốt của đại gia Vũ Văn Tiền, công chúng lại phải đón nhận thêm một thông tin đầy thất vọng: Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương xây cáp treo ở Phong Nha – Kẻ Bàng. Và cái tên đứng đằng sau dự án khiến dư luận bất bình này không phải là ai xa lạ mà chính là “kẻ huỷ diệt thiên nhiên” Sun Group.
Vài thông tin dưới đây hẳn sẽ khiến người ta phải đặt câu hỏi là liệu Sun Group có “tác động” đến ngài Thủ tướng hay không:
1) Năm 2014, tỉnh Quảng Bình từng thông báo về dự án đầu tư tuyến cáp treo từ Phong Nha vào cách cửa động Sơn Đoòng 300m của Sun Group. Tuy nhiên, trước phản ứng gay gắt của dư luận, chủ đầu tư đã rút lui. Một năm sau, bản quy hoạch Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đến năm 2030 đã không đề cập đến việc xây dựng cáp treo.
2) Ngày 2/9/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thân chinh đến dự lễ động thổ dự án công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy của Sun Group tại Đông Anh, Hà Nội.
3) Ngày 27/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công dự án khu du lịch sinh thái Tam Đảo của Sun Group tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
4) Ngày 13/4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi thăm khu nghỉ dưỡng do Sun Group làm chủ đầu tư tại Phú Quốc. Tại đây, ông hồ hởi: “Hôm qua, đoàn công tác Chính phủ có lên dự hội nghị ở Lào Cai và tôi đã lên đỉnh cao Fansipan, đỉnh cao nhất Đông Dương, 3.143 m bằng cáp treo hiện đại nhất thế giới do Sun Group đầu tư xây dựng. Một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ về sự đầu tư công phu, trách nhiệm đối với sự phát triển của đất nước ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, cao nhất của khu vực Đông Dương” (!).
Còn với Vingroup, một tập đoàn tư nhân đình đám khác thì sao? Xin thưa, câu hỏi “Ai cho phép xây cao ốc 50 tầng ở Giảng Võ?” của ngài Thủ tướng (liên quan đến tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, officetel và căn hộ chung cư cao cấp do Vingroup xây dựng trên nền Trung tâm Triễn lãm Giảng Võ cũ) như thể rơi tõm đâu đấy giữa không trung, chứ không phải được phát ra ngay tại phiên họp của chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành trong cả nước ngày 29/12 năm ngoái.
Thế rồi ngay trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia lễ khởi động dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Vingroup tại tỉnh Hà Nam. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 26/3/2017, ngài Thủ tướng lại trịnh trọng bấm nút khởi công dự án khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An của Vingroup tại Quảng Nam. Và mới đây, trong lễ khởi công dự án tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast của Vingroup tại Hải Phòng sáng 2/9/2017, người ta còn thấy ông vung tay quả quyết: “Việc khởi công này là một cử chỉ yêu nước” (!).
Và những hệ luỵ khôn lường
Trước hết, cần phải khẳng định, việc tham dự lễ lạt do các tập đoàn tư nhân tổ chức không phải là nhiệm vụ của một Thủ tướng Chính phủ vốn chịu trách nhiệm điều hành bộ máy hành chính quốc gia và nền kinh tế của một đất nước với hơn 90 triệu dân. Hình ảnh một vị Thủ tướng cứ hết “dự lễ động thổ” dự án của tập đoàn cá mập này lại đến “ấn nút khởi công” dự án của ông trùm mafia kinh tế kia khiến công chúng ngày càng ngờ vực tinh thần “liêm chính, kiến tạo” của chính phủ mà ông đang luôn miệng hô hào.
Đáng lo ngại hơn, các nhóm lợi ích thân hữu đang gây ảnh hưởng tới ngài Thủ tướng lại có mối liên hệ đáng ngờ với Trung Quốc.
Tháng 10/2016, Geleximco đã cùng đối tác Hồng Kông là Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép tham gia đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam, với tổng chi phí dự kiến có thể lên tới gần 50 tỷ USD, bao gồm: đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh và Sài Gòn – Khánh Hòa, dự án đường bộ cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam và dự án xây dựng sân bay Long Thành. Theo đăng ký kinh doanh, HUI là một doanh nghiệp của Hồng Kông, thành lập ngày 15/1/2016, trụ sở đóng tại một căn hộ nằm trên đường Queen, Central, Hồng Kông. HUI đã thành lập Công ty TNHH MTV Hong Kong United Investors Holding Việt Nam (HUI Việt Nam) vào ngày 15/8/2016 và đặt trụ sở tại toà nhà 36 Hoàng Cầu (Hà Nội) của Geleximco.
Với Sun Group, hồi đầu tháng 8 vừa qua, cộng đồng mạng “lề dân” còn xôn xao trước thông tin nhân viên lễ tân khách sạn InterContinental Danang Sun Peninsula Resort của Sun Group ở Đà Nẵng đeo phù hiệu cờ Trung Quốc 6 sao. Một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như thế nhưng khách sạn InterContinental lại trả lời rất lấp liếm và trí trá.
Trang The Leader của Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam ngày 5/9 thì cho biết là nhiều ngân hàng Trung Quốc và Đài Loan đã cung cấp vốn cho Vingroup.
Đặc biệt, hồi tháng Ba vừa qua, dư luận đã một phen xôn xao trước thông tin Sungroup, Vingroup và Geleximco cùng góp tiền lập dự án quy hoạch cho đô thị hai bên bờ Sông Hồng rồi mời Viện Thiết kế và Quy hoạch Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch.
Theo thống kê của Forbes thì trên thế giới, bất động sản đứng ở vị trí thứ ba trong những ngành sản sinh ra tỷ phú dollar. Trong khi đó, hiện nay 7/10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam lại kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, mà 3 nhân vật nêu trên là những tên tuổi điển hình. Cố nhiên, theo “thông lệ” Việt Nam, bệ đỡ cho sự phát triển thần tốc của họ những năm qua chính là những thế lực chính trị siêu khủng. Vì thế, việc họ vây quanh và tìm cách gây ảnh hưởng đến trung tâm quyền lực mới “hậu Nguyễn Tấn Dũng” là điều tất yếu.
Bất luận thế nào, sau một Nguyễn Tấn Dũng qua hai nhiệm kỳ Thủ tướng với vô số tai tiếng về việc điều hành đất nước “theo định hướng nhóm lợi ích”, tạo điều kiện cho một loạt tập đoàn tư bản thân hữu lên ngôi và xâu xé nền kinh tế, không một người dân nào chờ đợi người kế nhiệm “đồng chí X” đi vào vết xe đổ đó cả.
(Tiếng Dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét