Chủ Nhật, 8 tháng 10, 2017

20171008. VÌ SAO CHÂU THỊ THU NGA KHÔNG ĐƯỢC KHAI VIỆC DÙNG 30 TỶ 'CHẠY' VÀO QUỐC HỘI ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
HỌ ĐÃ 'LẺN' VÀO QUỐC HỘI

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ BVB 7-10-2017

Bà Châu Thị Thu Nga. Ảnh: Báo PLTP.
“Chúng tôi tin Châu Thị Thu Nga vì danh Đại biểu Quốc hội”- một câu nói gói gọn vụ lừa đảo 384 tỷ đồng liên quan đến bà nghị Nga.
Không tin thế nào được khi chưa đầy 500 con người đại diện cho hơn 90 triệu con người để lập pháp, để duy trì mạch sống cho một quốc gia. Đó là những người đương nhiên phải có năng lực cao hơn thường dân và có tâm huyết vì đất nước hơn người dân.
Nhưng niềm tin ấy đã được biến thể thành một thứ lợi ích. Lợi ích, đương nhiên phải có đường đi. Bà Nga trước tòa tha thiết xin khai về việc chi 1,5 triệu đô la để “chạy” vào Quốc Hội, tại sao tòa không cho khai? Lý do tòa đưa ra không liên quan đến vụ án là không thuyết phục. Vì có thể hiểu 1,5 triệu đô ấy bà Nga coi như một khoản đầu tư và lừa đảo để kiếm lời.
Phải cho khai mới rõ. Càng im lặng càng ngờ vực. Bà Nga đã chạy tiền cho ai và sắp xếp bằng cách nào? Nếu không có, cũng có thể truy tố thêm bà về tội vu khống.
Một cơ quan lãnh đạo tối cao của quốc gia, nhiều năm bị than phiền chất lượng đại biểu thấp, nhiều vị ngồi cho có tụ hoặc ngủ hết phiên, đã là một thực trạng đau xót. Đằng này, cái ghế đại biểu cũng coi như là một phần cuộc chơi vụ lợi thì nhân dân còn biết trông cậy vào ai?
Nguyên giám đốc Lê Minh Hoàng của điện lực TP.HCM là đại biểu quốc hội, cùng thuộc cấp đạo diễn vụ 300 nghìn điện kế Singapore ra lò Phú Nhuận để lắp cho dân. Đại biểu Mạc Kim Tôn ở Thái Bình nhận 100 triệu đồng để đưa máy tính kém chất lượng vào trường học. Đại biểu QH cũng ăn của dân không từ cái gì, thì làm ai làm gương, ai ngăn trở lòng tham của quan chức hành chính?
Doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng nhập quốc tịch Malta khi đang là ĐBQH. Chuyện cười ra nước mắt người ta hay kháo nhau, một ông đi uống bia ôm ở Hà Nội bị công an bắt, chìa cái thẻ ĐBQH ra xin. QH là nơi nào mà ai vào cũng được, thích vào thì vào thích ra thì ra. Đại biểu của dân, có còn một thiên chức thiêng liêng, hay chỉ là khẩu hiệu? Nhiều kẻ lợi dụng nó để vinh thân phì gia mà thôi.
Tại sao, trong một thể chế Đảng cử, dân bầu mà chúng ta hay nói công khai minh bạch ưu việt, lại có những kẻ cắp lẻn vào bằng cửa hậu như vậy?
Quốc Hội, hãy nhìn thẳng vào sự thật đó để trả lời câu hỏi, liệu có xứng đáng nhận sự phó thác của nhân dân hay không?
Nguyễn Tiến Tường/(FB Nguyễn Tiến Tường)
CHÂU THỊ THU NGA HAI LẦN XIN KHAI 30 TỶ 'CHẠY' ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
AN AN/ BVN 7-10-2017

Tại phiên xử chiều 5/9, khi được luật sư bào chữa cho mình hỏi, Châu Thị Thu Nga đã hai lần xin khai số tiền 1,5 triệu USD dùng để “chạy” Đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, đề nghị của bị cáo Nga không được Chủ toạ không chấp nhận với lý do "vụ việc không nằm trong phạm vi vụ án", còn lần sau bị mời về chỗ.
clip_image001
Bị cáo Châu Thị Thu Nga. Ảnh: Thanh niên
Cụ thể khi luật sư đặt câu hỏi thẩm vấn cho bà Nga đã đề cập đến khoản tiền 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỉ đồng) mà bà Nga đã khai là dùng để "chạy" đại biểu Quốc hội.
Bị cáo Nga xin phép trả lời nhưng chủ tọa nói: nội dung này nằm trong tổng số tiền hơn 157 tỉ đồng chi không có chứng từ của bà Châu Thị Thu Nga.
Khi vị chủ tọa nói hết câu, nguyên đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga nói muốn khai ngắn gọn về câu hỏi của luật sư Hướng, nhưng tòa vẫn không chấp nhận.
Theo cáo trạng truy tố bị cáo nguyên là đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga, khoản tiền hơn 157 tỉ đồng còn lại được bị can này khai đã chi, nhưng không có chứng từ, có khoảng 66 tỉ đồng cho một số cán bộ của Housing Group để chi phí việc giải quyết thủ tục đầu tư dự án được thuận lợi.
Tuy nhiên, một số cán bộ của Housing Group đã chết, nên không có điều kiện để đối chứng.
Cáo trạng cũng thể hiện Châu Thị Thu Nga khai đã chi khoảng 47,5 tỉ đồng để chạy dự án B5 Cầu Diễn và để được ứng cử đại biểu Quốc hội..., song những người có liên quan khi được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệu tập đều không thừa nhận.
Quá trình đối chất giữa hai bên, Châu Thị Thu Nga và những người liên quan vẫn giữ nguyên lời khai của mình.
Do thời hạn điều tra đã hết, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tách các nội dung này để tiếp tục điều tra.
Phải làm rõ lời khai
Liên quan tới vụ việc, trước đó, hai lần đề cập tới vấn đề trên, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội đều cho rằng chưa nhận được thông tin cụ thể liên quan tới việc chạy ĐBQH. Tuy nhiên, ông khẳng định, đã có tin đồn thì phải làm rõ ràng lời khai.
Ông Phúc nói: “Nếu có thông tin thế thì phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội. Phải làm rõ có đưa tiền không, đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu, đưa làm gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời.
Chạy một khoản tiền lớn thế vào Quốc hội làm gì, giải quyết được vấn đề gì. Tôi không tin có chuyện chạy tiền vào Quốc hội, nhất là với khoản tiền lớn thế.
Nhiều người nói để đeo mác Đại biểu Quốc hội, nhưng mác đó để làm gì khi pháp luật không loại trừ ai, ai vi phạm cũng đều bị xử lý”.
An An

Bị cáo Châu Thị Thu Nga hai lần xin khai số tiền 1,5 triệu USD “chạy” Đại biểu Quốc hội nhưng không được chấp nhận.

1,5 triệu USD, tức hơn 30 tỉ đồng.
Hơn 30 tỉ đồng, tương đương với 4.515 tháng thu nhập bình quân của người lao động trong năm 2017.
Hơn 30 tỉ đồng ấy là số tiền mà cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga khai đã chi để chạy vào Quốc hội. Đó là tiền mà bà Nga đã lừa đảo của những người mua nhà. Đó là tiền mồ hôi công sức mà nhiều người dân đã phải vay mượn, đã tằn tiện tích cóp, đã thắt lưng buộc bụng mà có.
Nếu lời khai ấy là sự thật thì đồng nghĩa những kẻ đã nhận 30 tỉ đồng mà Châu Thị Thu Nga chạy ghế đại biểu Quốc hội đã ăn cắp mất số tiền tương đương một tháng thu nhập bình quân của 4.515 người. Những kẻ này, thực sự đã ăn cả xương máu của nhân dân.
Nếu lời khai của Châu Thị Thu Nga là thực, thì những kẻ đã vì tiền đưa một kẻ lừa đảo vào Quốc hội, lẽ ra phải bị vạch trần, phải bị lôi ra ánh sáng và cũng phải đứng trước vành móng ngựa để pháp luật trừng trị. Họ phải trả giá cho hành vi nhận hối lộ của mình.
Quốc hội là gì nếu không phải nơi tập hợp những con người đại diện cho tiếng nói của nhân dân, là nơi bàn thảo và xây dựng pháp luật. Vậy mà, lại có những kẻ chà đạp lên pháp luật để đưa một kẻ lừa đảo vào vai một đại biểu Quốc hội. Những kẻ ấy là ai? Họ có đang cũng ngồi trong hội trường Ba Đình hay không? Họ có đang đương chức đương quyền? Họ là ai? Làm gì? Ở đâu? Người dân cần được biết và có quyền được biết.
Thế nhưng, thật không thể nào hiểu nổi, tại phiên toà xét xử Châu Thị Thu Nga hôm nay, bị cáo Châu Thị Thu Nga xin khai về việc dùng 30 tỉ đồng để chạy đại biểu Quốc hội khóa 13, nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận cho khai.
Tại sao lại không cho khai khi đó số tiền đó là tiền bà Nga đã lừa đảo của người dân trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà bà Nga đang bị xét xử? Có điều gì khiến toà lại gạt đi điều này?
Lẽ thường, toà án phải yêu cầu các bị cáo thành khẩn khai báo hết mọi sự thật để xét xử vụ án một cách công minh, chính xác, đúng người đúng tội. Lẽ thường, ở toà án, kẻ có tội mới là kẻ thường dùng mọi chiêu trò bưng bít sự thật nhằm che đậy hành vi phạm pháp của mình. Vậy tại sao ở đây, toà lại không muốn cho bị cáo khai ra sự thật? Tại sao?

Một phiên toà như thế, liệu người dân có thể tin tưởng được không? Một phiên toà như thế thì liệu sự thật có được đi đến cùng và công lý có được thực thi hay không?


PHẢI ĐỂ BÀ THU NGA KHAI VIỆC 'CHẠY' ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI !

THANH TÙNG ghi/ NĐT 7-10-2017

Theo các chuyên gia, TAND TP Hà Nội không cho bị cáo khai báo về hành vi “chạy” là xử cắt khúc, là vi phạm nguyên tắc xác định sự thật của vụ án.
Như đã đưa tin, tại phiên xử cựu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Châu Thị Thu Nga lừa đảo chiếm đoạt 350 tỉ đồng ngày 5.10, HĐXX TAND TP Hà Nội đã không cho bị cáo Thu Nga khai về việc chi 30 tỉ đồng để “chạy” ĐBQH.
Tòa cho rằng nội dung này không thuộc phạm vi của vụ án, CQĐT đã tách hành vi này để điều tra, xử lý sau.
Bị cáo Châu Thị Thu Nga sau giờ xét xử. Ảnh: Tuyến Phan

Xin giới thiệu ý kiến của hai luật sư (LS) về tình huống tố tụng hiếm có này.
LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa:
Tòa tự giới hạn quyền tư pháp của mình
Tôi cho rằng tòa án đã tự giới hạn quyền tư pháp của mình khi xét xử trong vụ án đặc biệt quan trọng này. Việc không cho bị cáo khai như thế sẽ dẫn tới khả năng bỏ lọt người, lọt tội về hành vi tham nhũng (đưa và nhận hối lộ). Vì chính cáo trạng thể hiện nội dung bà Thu Nga đã có lời khai tại CQĐT là bà đã chi 47,5 tỉ đồng để “chạy” dự án và ứng cử ĐBQH.
Kết luận điều tra thì quy kết bà đã chi 1,5 triệu USD (tương đương khoảng 30 tỉ đồng) để “chạy” làm ĐBQH. Như vậy, trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án này đã phát hiện ra dấu hiệu về tội phạm tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng và chưa có quyết định khởi tố vụ án. Ấy vậy nhưng các cơ quan tố tụng lại cho rằng “thời hạn điều tra đã hết, CQĐT đã ra quyết định tách hành vi này để điều tra và xử lý ở giai đoạn 2 của vụ án” là không đúng. Bởi luật tố tụng không có quy định tách hành vi xử lý sau, luật chỉ quy định tách hoặc nhập vụ án đã khởi tố.
Việc không cho LS hỏi, không cho bị cáo khai báo về hành vi “chạy” là xử cắt khúc, tước bỏ quyền khai báo, mất cơ hội làm sáng tỏ sự thật vụ án. Nói cách khác, HĐXX đã vi phạm nguyên tắc xác định sự thật của vụ án, vi phạm nguyên tắc tranh tụng khi xét xử.
Nếu công khai, dân chủ, minh bạch trong xét xử, HĐXX phải để bị cáo khai báo, cung cấp tài liệu chứng cứ có liên quan đến hành vi đang bị truy tố, xét xử hoặc tạo điều kiện để bị cáo tự thú, đầu thú về hành vi phạm tội khác chưa bị phát hiện, khởi tố.
Nếu có căn cứ, HĐXX hoàn toàn có thẩm quyền quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hoặc quyết định khởi tố vụ án về hành vi tham nhũng để xử lý nghiêm minh. Đây cũng là tình tiết giảm nhẹ đặc biệt cho bị cáo khi họ ăn năn hối cải, tự nguyện khai báo.
Việc xử cắt khúc như vậy cho thấy tòa án chưa thực hiện hết quyền tư pháp, quyền bảo vệ công lý mà hiến pháp và BLTTHS đã trao cho.
LS Nguyễn Văn Đức, Đoàn LS TP Cần Thơ:
Không đúng tinh thần cải cách tư pháp
Theo tôi, việc chủ tọa phiên tòa nhắc nhở bị cáo Châu Thị Thu Nga để không được khai hoặc hạn chế nội dung khai báo có liên quan đến số tiền 1,5 triệu USD “chạy” vào ĐBQH tại phiên tòa xét xử công khai là chưa ổn. Bởi vì số tiền này là một phần tiền nằm trong tổng giá trị 348 tỉ đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt.
Có hai trường hợp có thể xảy ra. Thứ nhất, cơ quan tố tụng đã có quyết định khởi tố vụ án, nội dung có liên quan đến khoản tiền 1,5 triệu USD, thì việc tòa án hạn chế nội dung khai báo tại tòa là phù hợp. Vì nếu khai báo tại phiên tòa xét xử công khai sẽ ảnh hưởng đến bí mật điều tra và sẽ gây khó khăn cho CQĐT được quy định tại Điều 214 BLTTHS (quy định không được tiết lộ bí mật điều tra).
Thứ hai, cơ quan tố tụng chưa có quyết định khởi tố vụ án, nội dung có liên quan đến khoản tiền 1,5 triệu USD mà thẩm phán hạn chế hoặc không cho bị cáo khai báo là chưa đúng. Trong khi tôi được biết hiện nay chưa có quyết định khởi tố.
Tòa án cần làm rõ số tiền bị cáo đã chiếm đoạt sử dụng vào mục đích gì để khắc phục, trả cho bị hại là cần thiết; trên cơ sở lời khai này, tòa có thể triệu tập thêm người tham gia tố tụng (nhận 1,5 triệu USD từ việc phạm tội mà có) để làm rõ.
Lẽ ra tòa cần phải làm rõ số tiền 1,5 triệu USD, nếu có đủ căn cứ việc đưa và nhận hối lộ thì tòa án có quyền khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 13 BLTTHS năm 2003.
Việc HĐXX hạn chế nội dung hỏi của LS và nội dung trả lời của bị cáo là vi phạm tinh thần cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2.6.2005 đã minh định, ảnh hưởng không tốt đến dư luận đối với vấn đề có tính thời sự.
Số tiền “chạy” ĐBQH có liên quan đến vụ án
Kết luận điều tra và cáo trạng truy tố bà Châu Thị Thu Nga lừa đảo chiếm đoạt 385 tỉ đồng (trong đó có 157 tỉ đồng chi không có chứng từ). Bà Nga lý giải trong 157 tỉ đồng này bà đã dùng 30 tỉ để “chạy” vào ĐBQH, 17,5 tỉ để “chạy” dự án. HĐXX cho rằng do hết thời hạn điều tra nên CQĐT đã tách khoản này để điều tra (giai đoạn 2). Từ đó HĐXX “cắt” không cho bị cáo trả lời câu hỏi của LS về khoản tiền này vì cho rằng khoản này không liên quan vụ án.
Nếu đã không liên quan vụ án thì cáo trạng phải tách khoản 47,5 tỉ ra khỏi tổng số 385 tỉ đồng đã cáo buộc bị cáo chiếm đoạt. Còn nếu đã quy kết bị cáo chiếm đoạt 385 tỉ đồng thì phải để bị cáo trả lời, làm rõ khoản chi 157 tỉ không có chứng từ, trong đó có 47,5 tỉ chi "chạy" dự án và "chạy" ĐBQH. HĐXX không xét hỏi làm rõ số tiền này, không cho bị cáo trả lời LS về khoản này là không minh bạch.
Ngãi Cứu (minhtam250…@gmail.com)
Thanh Tùng ghi 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét