Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

20171031. NGHĨ NGHIÊM TÚC VỀ VỤ KHAISILK

ĐIỂM BÁO MẠNG
KHAISILK VÀ 'LÒNG TỰ TÔN DÂN TỘC' CỦA NGƯỜI VIỆT
NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ viet-studies 30-10-2017

clip_image002
Đại gia Hoàng Khải
  1. Bản chất vấn đề
Bản chất của vụ Khaisilk là gì? Theo tôi, đó đơn giản chỉ là chuyện “mua gian, bán lận”; là “treo đầu dê bán thịt chó”, là “tay không bắt giặc”; là lợi dụng và “kinh doanh niềm tin” từ đám đông dân chúng… Đây là những chiêu trò, thủ thuật mần ăn rất phổ biến ở bất cứ nơi đâu trên quả đất này nhưng có lẽ phổ biến và đặc biệt nhất là ở xã hội Việt Nam hiện nay. Sở dĩ nói đặc biệt là vì sự “đặc thù”, rất không giống ai của cái thể chế chính trị và kinh tế Việt Nam của Việt Nam hôm nay chính là điều kiện để các chiêu trò kia nẩy nở và phát huy tác dụng ở mức cao nhất.
Đặt vấn đề như thế để thấy rằng, dư luận báo chí truyền thông những ngày qua cứ ầm ĩ và đao to búa lớn; nào là Khaisilk là sự “khủng hoảng”, là cơn “địa chấn”…; hay thậm chí có người (trong đó có ông Bộ trưởng Bộ Công thương) còn nghiêm trọng hóa cho rằng Khaisilk đã “phản bội niềm tin” của người tiêu dùng; làm “tổn thương niềm tự hào” và “lòng tự tôn dân tộc”… nghe mà không thể nhịn cười.  
Nói cách khác, trước khi bàn đến những chuyện to tác và lớn lao trên thiết nghĩ, cần phải trả lời câu hỏi ông chủ Hoàng Khải của “thương hiệu” Khaisilk là người như thế nào; có phải là một doanh nhân đúng nghĩa hay không? Phải trả lời câu hỏi này trước rồi mới bàn đến những chuyện trọng đại kia.
Thực ra, trong bối cảnh chung về tình hình xã hội, văn hóa hiện nay, theo tôi khái niệm doanh nhân trên thực tế không tồn tại ở Việt Nam. Nhưng nếu buộc phải thừa nhận là có thì theo tôi số người được gọi là doanh nhân ở Việt Nam hiện nay, có lẽ cũng đếm không hết hai bàn tay. Vì sao tôi nói như vậy?
Trước hết, chúng ta biết rằng nền kinh tế Việt Nam mấy mươi năm qua cả về lý luận lẫn thực tiễn đều lấy kinh tế Nhà nước làm nền tảng, chủ đạo. Với chủ trương và đường hướng như vậy, nên trước hết xã hội Việt Nam đã vô tình tự thủ tiêu cái gọi là “ý tưởng” khởi nghiệp của các cá nhân trong xã hội (hứa hẹn trở thành doanh nhân đúng nghĩa); gây ra sự mất cân bằng, mất cân đối giữ các thành phần kinh tế. Không dừng lại ở đó, tuy kinh tế Nhà nước được ưu ái mọi thứ nhưng cho đến nay có thể khẳng định các tập đoàn kinh tế Nhà nước, phần nhiều chỉ là những đống hoang tàn, đổ nát; là gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia. Bởi lẽ những người được phân công lèo lái các tập đoàn này về cơ bản chỉ có một năng lực duy nhất là… tham nhũng và phá hoại. Điều này thì ai cũng biết và ai cũng thấy.
Kế đến, tuy Việt Nam hiện tại cũng có không ít doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế với danh nghĩa chủ tập đoàn là những cá nhân như trường hợp Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức hay Vingroup của tỉ phú Phạm Nhật Vượng…nhưng nói cho cùng bản chất kinh doanh ở những tập đoàn này trên thực tế chỉ là đầu cơ, tích trữ dựa vào mối quan hệ thân hữu và “lợi ích nhóm” từ đó chi phối và thao túng cả nền kinh tế. Tài “thao lược” và sở trường của các “đại gia” ở các tập đoàn này, nói cho cùng là khả năng “móc nối”, “cấu kết” và mua chuộc “một bộ phận không nhỏ” các quan chức lãnh đạo biến chất để dành lấy các dự án béo bỡ nhất. Họ cũng sở hữu một đặc điểm nổi trội và quan trọng khác là khi có cơ hội sẽ luôn miệng rao giảng vấn đề “đạo đức kinh doanh” hay làm từ thiện nhằm quảng cáo và PR.
Minh chứng rõ nhất cho vấn đề này trường hợp ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức liên quan đến sự kiện bất động sản năm 2013. Khi ấy, thị trường bất động sản ở Việt Nam bị đóng băng, các đại gia bất động sản đã tìm cách tác động để Chính phủ Việt Nam bơm tiền giải cứu bằng gói hỗ trợ 30.000 tỉ. Trong tư cách của một chuyên gia đồng thời là một doanh nhân thành đạt, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường quốc tế, Tiến sĩ Alan Phan khi ấy đã có nhiều bài viết phân tích chỉ ra rằng cách làm ấy sẽ không mang lại hiệu quả, hãy để cho thị trường bất động sản rơi tự do thì sẽ có lợi hơn. Lúc bấy giờ, trong tư cách của một “ông trùm”, ông Đoàn Nguyên Đức đã không ngần ngại lên tiếng mắng chửi Tiến sĩ Alan Phan bằng lời lẽ và ngôn từ của kẻ đầu đường xó chợ. Điều đáng nói là, những phân tích và dự báo của Tiến sĩ Alan Phan đã không sai, gói 30.000 tỉ trên thực tế chỉ giúp những đại gia đầu cơ bất động mà thôi, người dân bình thường không hưởng được chút lợi lộc nào. Đến nay thì gói 30.000 tỉ coi như hoàn toàn phá sản và bầu Đức hiện nay về cơ bản cũng đã tháo chạy khỏi lĩnh vực bất động sản.       
Từ đây, theo tôi những trường hợp như Bầu Đức, Phạm Nhật Vượng hay Hoàng Khải… nói cho cùng không thể coi là những doanh nhân đúng nghĩa mà chỉ là những “con buôn” ranh mãnh, “thức thời” và cơ hội mà thôi. Hay nói khác đi đó là những tên “gian thương” theo đúng nghĩa “vi phú bất nhân, vi nhân bất phú” trong truyền thống mần ăn chụp giựt của người Việt và người Trung Quốc trước đây.
Cũng từ đây, nếu bảo rằng Hoàng Khải và tập đoàn Khaisilk làm “tổn hại thương hiệu Việt” hay “tổn thương niềm tự hào, tự tôn dân tộc” thì thật là một chuyện khôi hài. Lẽ nào, một tên gian thương, “mua gian bán lận” lại có thể dễ dàng gây ảnh hưởng và làm tổn thương đến niềm tự hào của cả dân tộc này hay sao? Nói như vậy là phê phán hay khen ngợi, đề cao Khaisilk? Mà dân tộc Việt hôm nay dễ bị tổn thương đến vậy à?
Còn về chuyện “phản bội niềm tin của người tiêu dùng” ư? Thật ra, có khi phải nói ngược lại mới đúng. Nghĩa là đám đông tiêu dùng đã và đang phản bội lại niềm tin của ông chủ Khaisilk. Vì lẽ, ông ta làm giàu với “thương hiệu” Khaisilk có hơn 30 năm rồi; ông ta luôn tin rằng việc “treo hàng Việt bán hàng Tàu” của mình là bình thường, là đúng đắn, là “đứa nào làm ăn ở Việt Nam mà không làm như vậy”. Ấy vậy mà cái đám đông người Việt hôm nay vì cái tâm lý “ghét người Tàu” nên tiện đó ghét và bày trừ hàng Tàu luôn. (Nhưng đó chỉ là cái miệng nói thế thôi chứ trên thực tế không hẳn như vậy. Bởi không phải thấy hàng hóa giá rẻ mang thương hiệu Tàu đang tràn ngập khắp xứ sở nghèo hèn này hay sao?). Và thế là, ông chủ Khaisilk chết vì cái niềm tin mù quáng này của ông. Giá như ông “treo hàng Việt và bán hàng Nhật” hay hàng của quốc gia nào khác thì có lẽ đâu đến nỗi như hôm nay!?
  1. Khaisilk - nạn nhân, thủ phạm và đồng phạm?
Kinh doanh, làm giàu và nếu có thể, qua đó tạo dựng thương hiệu quốc gia vốn là một ước mơ, một khát vọng chính đáng. Tuy vậy, mọi ước mơ và khát vọng nhất thiết phải được thiết kế dựa trên nền tảng thực tế về “nội lực quốc gia” cũng như tất cả mọi phương diện đời sống, văn hóa của xã hội và đất nước. Nếu không mọi ước mơ rất dễ rơi vào ảo tưởng hoặc không thì cũng vô tình tự biến mình thành nô lệ và nạn nhân cho những đòi hỏi và kỳ vọng rất vô lý và mơ hồ của đám đông (vốn có đặc điểm quan trọng là thiếu bao dung nhưng thừa bảo thủ, luôn định kiến nhưng cũng rất xu thời).
 Từ đây, công bằng mà nói, xét trong bối cảnh xã nhất là môi trường và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, có thể nói ông chủ Khaisilk không chỉ là thủ phạm (hành vi lừa đảo, bán hàng giả mạo cho người tiêu dùng) mà ở phương diện nào đó còn là một nạn nhân. Nạn nhân của chính ông và chính đồng bào mình.
 Sự bẽ bàng của Khaisilk hôm nay, về sâu xa là do cái tâm lý ảo tưởng về “niềm tự hào và tự tôn dân tộc” của người Việt mà ra. Nói khác đi, ông Hoàng Khải chính là nạn nhân của một đám đông người người Việt đang ngày đêm xây dựng cái lâu đài “thương hiệu Việt” trên cát; ông ta chết vì những tràng pháo tay cùng lời tung hô của đám đông tuy vẫn đang vùng vẫy, ngập ngụa trong cái ao làng nhưng lúc nào cũng “hoang tưởng về biển lớn” (chữ của Tiến sĩ Alan Phan năm nào) và rất hiếm khi biết tự vấn lại bản thân mình, dân tộc mình.
Tiếp theo, Hoàng Khải còn là nạn nhân của cái thể chế chính trị và kinh tế không giống ai ở xứ sở này. Cái xứ sở mà muốn làm ăn và tồn tại bền vững, lâu dài thì nhất định phải vứt bỏ liêm sỉ, vứt bỏ lương thiện và tử tế đi. Một quốc gia sản xuất cà phê thuộc loại hàng đầu thế giới mà người dân phải uống cà phê pha bắp rang hoặc khốn nạn hơn là hóa chất (mua từ chợ tử thần Kim Biên – cũng là hàng Tàu) thì “tử tế” và “lương thiện” chỉ là lời lẽ hoa mỹ của những kẻ đạo đức giả mà thôi.
Thế nên, những ai nhanh nhảu lên tiếng phê phán, chỉ trích Khaisilk hết lời những ngày qua thiết nghĩ hãy nghiêm túc nhìn lại vấn đề này.
Và nếu cứ lớn tiếng và khư khư cho rằng Khasilk làm “tổn hại thương hiệu quốc gia”, “tổn thương niềm tự hào dân tộc” thì nói cho cùng, ở Việt Nam hôm nay không phải chỉ một mình Khaisilk làm chuyện này. Tội của Khaisilk dù sao cũng chỉ là cái móng tay so nếu với tội của những kẻ đã và đang làm cho Việt Nam trở thành quốc gia “không chịu phát triển”; ngày một kiệt quệ và băng hoại mọi giá trị.
Khaisilk đã lợi dụng và khai thác sự ảo tưởng và dễ dãi của người Việt – như đã nói cũng là một cách “kinh doanh niềm tin” vốn rất phổ biến trong môi trường làm ăn ở xã hội Việt Nam hôm nay. Đây là hành vi lừa đảo, “treo đầu dê bán thịt chó” cần phải phê phán.
Tuy vậy, dù sao thì Khaisilk cũng không để lại hậu quả là một đống nợ công quốc gia do làm ăn thua lỗ như các lãnh đạo và các quan chức trong các tập đoàn kinh tế Nhà nước thời gian qua (nhưng cuối cùng chỉ có vài “con chốt” xấu xố bị mang ra hành quyết). Những đống nợ mà theo các chuyên gia kinh tế là toàn thể dân chúng nước Việt hôm nay và mai sau không biết có trả hết không.
Thêm nữa, dù sao ông chủ của Khaisilk cũng rất can đảm thừa nhận việc làm gian dối của mình và lên tiếng xin lỗi dân chúng chứ không như những kẻ vừa làm “công bộc” vừa đi “buôn chổi đót”, hay “chạy xe ôm” nhưng vẫn có thể xây được biệt phủ và mở tài khoản ở nước ngoài.
Cuối cùng, cần phải thấy rằng những cây lụa có nguồn gốc “made in China” trước khi có mặt trong các cửa hàng của Khasilk trên toàn quốc có “hành trình riêng” của nó. Nghĩa là sự gian dối này suốt 30 năm qua không phải chỉ có Hoàng Khải mà rất nhiều người biết thậm chí biết rất tường tận. Vấn đề là tại sao tới giờ này nó mới bị phanh phui để rồi những ngày qua cả xã hội cứ lồng lộn lên chẳng khác gì đĩa phải vôi?  
  1. Thay lời kết
 “Ông Hoàng Khải không phải doanh nhân thành đạt đầu tiên được biết tới bởi xây dựng thương hiệu thành công trên sự lừa dối”. Tác giả của một bài viết đăng trên chuyên mục “Góc nhìn” của báo điện tử Vnexpress ngày 30/10/2017 đã khẳng định như thế.
Nhận định trên quả không sai. Tuy vậy, đáng tiếc là mục đích cuối cùng của tác giả trong toàn bài viết cũng chỉ để ném thêm một cục đá to tướng về phía ông chủ Khaisilk!? Tác giả chỉ trích ông chủ Khaisilk đã “chọn con đường ngắn” để làm giàu bằng cách so sánh với Herve Joncour - một thương gia nổi tiếng và giàu có trong ngành tơ lụa nước Pháp nhưng lại cố tình không chịu thấy cái môi trường và văn hóa kinh doanh ở Pháp và Việt Nam trong hai thời điểm là hoàn toan khác xa nhau.
“Tơ lụa xứ mình vốn đã đẹp, chỉ cần gắn lên đó sự chân thật, tử tế thì đã đủ làm nên một thương hiệu Việt bền vững”.
 Chắc không? Viết như thế nhưng liệu có bao giờ tác giả tự hỏi thời gian qua, có khi không chỉ có ông chủ Khaisilk mà nhiều người khác nữa cũng đã rất nhiều lần ngước mặt lên trời mà cảm thán “muốn làm người lương thiện” của anh Chí Phèo trong câu chuyện cùng tên của Nam Cao trước năm 1945? Nghĩa là những người tham gia làm ăn như ông chủ Khaisilk thật ra không phải không thấy điều đó. Trong số họ cũng có không ít người muốn làm ăn lương thiện và tử tế nhưng với cái “môi trường” kinh doanh cực kỳ phức tạp và hoàn toàn không công bằng giữa các thành phần kinh tế ở Việt Nam hiện nay đã cho họ biết “tử tế” và “lương thiện” chỉ là những khái niệm thừa thãi và xa xỉ mà thôi. Muốn làm ăn lương thiện nhưng trước đó phải “bôi trơn” và chung chi thì lương thiện cái nỗi gì? Sự tha hóa và trượt dài của Khaisilk suốt 30 năm qua hay sự phá sản của vô số các doanh nghiệp trên khắp cả nước hiện nay không phải cũng có nguyên nhân từ đây hay sao?
Nói tóm lại, nói ra tất cả những điều trên đây không phải để bào chữa hay bênh vực cho hành vi lừa dối khách hàng của Khaisilk mà để thấy rằng, nếu giờ đây cả xã hội chỉ biết chăm chăm moi móc nhất là đổ hết mọi chuyện liên quan đến những vấn đề lớn lao (như xây dựng thương hiệu hay làm “tổn thương niềm tự hào và tự tôn dân tộc”) cho Khaisilk thì cũng là “té nước theo mưa” hay “dậu đổ bìm leo” mà thôi. Chẳng giúp ích được gì!
Vậy nên, chuyện nào ra chuyện đó. Xin chớ có dễ dãi mang “lòng tự hào” và “tự tôn dân tộc” gì đó (vốn rất mơ hồ) ra để áp đặt và bắt một mình ông chủ Khaisilk phải gánh lấy. Chơi như thế là không đẹp. Hơn nữa, không phải chính cách tư duy cũ kỹ này đã và đang hại chính ông ta và dân tộc này hay sao!?
CT, 30/10/2017
------------
Nguồn tham khảo:

1. “Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Vụ Khaisilk làm tổn thương đến lòng tự tôn dân tộc”. Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Bo-truong-Tran-Tuan-Anh-Vu-Khaisilk-lam-ton-thuong-den-long-tu-ton-dan-toc-post180760.gd

  1. “Lụa và Khaisilk”. Xem tại: https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/lua-va-khaisilk-3662662.html
  Tác giả gởi cho viet-studies ngày 30-10-17


KHI CÁC ĐẠI GIA KINH DOANH 'TINH THẦN DÂN TỘC'

NGƯỜI QUAN SÁT/ Calitoday/ BVN 30-10-2017

Ngày 17/10/2017, trong một lô hàng 60 chiếc khăn lụa (644,000 đồng/chiếc) của nhãn hàng nổi tiếng Khaisilk, khách hàng Nguyễn Hồng Phương phát hiện 1 chiếc khăn vừa gắn mác “Made in China” lại có thêm mác gắn “Khaisilk Made in Vietnam”. Từ đó, câu chuyện làm ăn gian dối của đại gia Hoàng Khải, người nổi tiếng giàu có bậc nhất ở Việt Nam, sở hữu nhiều bất động sản, dịch vụ giải trí và nhất là giàu lên nhờ kinh doanh mặt hàng tơ lụa Việt Nam bị phanh phui.
Hoàng Khải sinh năm 1964 tại Hà Nội. Đến năm 1989 ông mở cửa hàng Khaisilk đầu tiên tại Hàng Gai, từ cửa hàng này, ông phất lên mở liên tiếp nhiều resort, trung tâm thương mại, dịch vụ giải trí khác.
Ngay sau khi bất bình của bà Nguyễn Hồng Phương được đưa lên mặt báo, một khách hàng khác là chị Đặng Như Quỳnh cũng đăng trên Facebook cá nhân của mình vì đã mua phải khăn lụa Khaisilk nhưng lại gắn mác “Made in China”.
Khaisilk được biết đến là công ty chuyên sử dụng lụa tơ tằm được sản xuất trong nước, từ đó cho ra đời những sản phẩm giá trị, mà với một người thu nhập trung bình ở Việt Nam không thể sở hữu được. Trong rất nhiều lần trên truyền thông, đại gia Hoàng Khải tự hào sở hữu sản phẩm Khaisilk, một nhãn hàng Việt Nam được nổi tiếng trên toàn thế giới. Không biết bao nhiêu du khách trên khắp thế giới đã mua sản phẩm do ông làm ra.
Vậy nhưng, rất nhiều người phải giật mình hoảng hốt vì chiếc khăn tơ lụa mà họ sở hữu những tưởng được sản xuất tại Việt Nam thì đó là sản phẩm của Trung Quốc.
Trước làn sóng chỉ trích kinh hoàng, từ truyền thông trong nước, lan đến trên khắp Facebook, chiều ngày 25/10, ông Hoàng Khải, Chủ tịch tập đoàn Khaisilk dã có trao đổi với báo chí. Tại lần trao đổi này, ông đã thừa nhận có đến 50% sản phẩm của Khaisilk được bán ra thị trường là hàng của Trung Quốc.
Sau khi thừa nhận sự gian dối trong kinh doanh nói trên, chính quyền CSVN đã phải vào cuộc, không phải là để bảo vệ người tiêu dùng, mà là nhằm cho thấy sự hiện diện của họ ở Việt Nam, trong những vấn đền liên quan đến các đại gia.
Sáng ngày 27/10, bên hành lang Quốc hội, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công thương cho rằng, việc Khaislk sử dụng hàng Trung Quốc rồi trà trộn với tơ lụa Việt Nam bán ra thị trường là “làm tổn thương lòng tự tôn dân tộc”. Đây chính là phát ngôn của một lãnh đạo cao nhất trong Chính phủ CSVN cho tới nay.
clip_image004
Chiếc khăn lụa được cho là hàng Trung Quốc nhưng lại gắn mác “Khaisilk Made in Vietnam”. Ảnh: VOV
Ông Trần Tuấn Anh, người được biết là anh em cột chèo với đại gia Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen. Ông Tuấn Anh đã từng hậu thuẫn cho đại gia Lê Phước Vũ để xây dựng nhà máy thép tại Cà Ná (Ninh Thuận), mà từ công nghệ nhà máy cho đến nguyên liệu đều được nhập cảng từ Trung Quốc. Rất may, dưới sự phản ứng quyết liệt và mạnh mẽ của dư luận, dự án nhà máy thép đã phải dừng lại.
Quay trở lại vụ gian dối của Khaisilk, Bộ Công thương đã nhanh chóng ra công văn hỏa tốc, yêu cầu phải kiểm tra xuất xứ hàng hóa của Khaisilk.
Rất có thể trong suốt gần 30 năm qua, đại gia Hoàng Khải đã nhập những chiếc khăn lụa từ Trung Quốc về Việt Nam với giá vài chục ngàn, nhưng ông này đã khôn khéo lợi dụng tinh thần dân tộc, đề cao thương hiệu được sản xuất tại Việt Nam để đẩy giá lên đến vài trăm ngàn và cả trên triệu đồng trên mỗi chiếc khăn.
Chưa hết, ông Hoàng Khải còn rêu rao trên Facebook cá nhân kêu gọi người Việt Nam phải dùng hàng Việt Nam, tẩy chay hàng Trung Quốc để thể hiện lòng yêu nước. Cùng với đó, tha thiết kêu gọi người Việt trong nước hãy mua các sản phẩm của Khaisilk để giúp đỡ các hộ nông dân nuôi trồng tơ tằm, một ngành nghề đang đứng trước nguy cơ biến mất tại Việt Nam.
Vậy nhưng, chính ông ta lại nhập hàng Trung Quốc về bán, lợi dụng tinh thần dân tộc để trở nên giàu có, lừa gạt niềm tin của rất nhiều người.
Nhưng, Việt Nam đâu phải chỉ có mỗi đại gia Hoàng Khải lợi dụng tinh thần dân tộc, ở Việt Nam có rất nhiều đại gia cũng làm điều tương tự như ông.
Còn nhớ, vào năm 2015, khi cho ra mắt Bphone, sản phẩm điện thoại di động (cellphone) đầu tiên được chế tạo trên dây chuyền Việt Nam, Nguyễn Tử Quảng (Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS) đã không ngại ngần chê bai các sản phẩm Iphone 6, hay Samsung Galaxy S6 là những sản phẩm không thể so sánh được với Bphone của ông. Ông còn khơi gợi, kêu gọi người dân trong nước hãy sử dụng điện thoại Bphone, vì nó được sản xuất để dành cho người dân Việt Nam. Sử dụng Bphone để thể hiện tinh thần dân tộc, lòng ái quốc.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi ra mắt, sản phẩm Bphone mắc phải rất nhiều lỗi. Đáng nói hơn, chiếc điện thoại Bphone không phải được sản xuất ở Việt Nam, mà là ở Trung Quốc.
Điện thoại Bphone cho đến nay vẫn không được người trong nước sử dụng, mà họ lại ưa chuộng các loại sản phẩm “kém phẩm chất” Iphone, Samsung.
Nhưng, vụ Khaisilk hay Bphone chỉ là những cái kim nằm trong bọc, lâu ngày nên bị rớt ra ngoài và công chúng nhận thấy sự gian dối của nó. Còn rất nhiều đại gia khác ở Việt Nam cũng lợi dụng tinh thần ái quốc, chủ nghĩa dân tộc để trục lợi, chỉ có điều họ chưa bị lộ. Và, họ cũng không phải là những kẻ kinh doanh tinh thần dân tộc thành công nhất, kẻ trục lợi, được hưởng nhiều nhất từ tinh thần dân tộc phải là Đảng CSVN.
Lợi dụng tinh thần dân tộc, Cộng sản đã cướp được chính quyền. Lại nhân danh tinh thần dân tộc, CSVN đã đẩy hàng triệu thanh niên Bắc Việt ra chiến trường, bằng mọi cách phải chiếm cho được miền Nam, cho dù đốt cả dãy Trường Sơn (theo lời Hồ Chí Minh). Rồi khi chiếm được miền Nam, CSVN lại lợi dụng tinh thần dân tộc để đầy thanh niên lao vào cuộc chiến mới với những người từng là đồng chí của mình là Cộng sản Campuchia và Cộng sản Trung Quốc trong hai cuộc chiến biên giới diễn ra vào những năm cuối thập niên 70s của thế kỷ trước.
Biết bao nhiêu mạng người đã đổ xuống, xương cốt của họ đã được dùng để xây chắc cho thành lũy Cộng sản. Từ đó, những người Cộng sản Việt Nam thoải mái bóc lột người dân, vơ vét tài nguyên, từng đảng viên trở nên giàu có với biệt thự nguy nga, tài sản nhiều vô kể. Họ ra nước ngoài mua biệt thự, xe hơi sang trọng và để lại trong nước những đống hoang tàn, nợ nần ngập đầu lên mỗi người dân.
N.Q.S.

Nguồn: http://www.baocalitoday.com/viet-nam/khi-cac-dai-gia-kinh-doanh-tinh-dan-toc.html


TỪ VỤ KHAISILK, CHẠNH LÒNG NGHĨ ĐẾN DOANH NHÂN NHẬT

TRÚC NGUYỄN/ TVN 31-10-2017

Việc Khaisilk hàng chục năm “treo lụa Việt bán lụa Tàu” khiến tôi chạnh lòng nghĩ đến triết lý “ba bên cùng có lợi” (Sanpo-yoshi) trong kinh doanh của người Nhật.   
Nhiều chuyên gia và báo chí gần đây bàn về triết lý kinh doanh "win - win", hiểu nôm na là hai bên, chủ và khách cùng thắng. Từ khi du nhập vào Việt Nam, triết lý này đã thổi một luồng gió mới vào môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự thoát khỏi "tư duy tiểu nông" của nước ta.
Sách lịch sử ghi rằng từ thế kỷ XII ở Nhật Bản đã hình thành triết lý kinh doanh Sanpo-yoshi (ba bên cùng có lợi). Tức là không phải hai chữ "win" như đã nói ở trên mà còn thêm một chữ "win" nữa: không chỉ là bên bán, bên mua cùng thắng mà cộng đồng dân cư nơi người thương nhân đến làm nghề cũng phải được hưởng lợi.
Khi so sánh, tôi nhận thấy triết lý kinh doanh Sanpo-yoshi của Nhật Bản bao hàm cả nội dung "Phát triển bền vững" mà hiện nay các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, ngân hàng ADB... khuyến cáo các nước đang phát triển áp dụng.

Khaisilk,Hoàng Khải,Nhật Bản,Triết lý win - win,Lụa Trung Quốc,Lụa Việt Nam
Khaisilk chỉ nghĩ đến cái lợi, phần thắng của riêng mình. Ảnh: VnEconomy
Sách dạy môn Đạo đức cho học sinh trong nhà trường Nhật Bản quyển dùng cho lớp 5 – 6, chương "Làm việc lợi ích vì cộng đồng" ghi lại câu chuyện: "Từ thời đại Kamakura (1192 – 1333) ở Nhật Bản ra đời cụm từ “Thương nhân vùng Oumi”. Người dân vùng Oumi (ngày nay thuộc tỉnh Shiga) có truyền thống làm kinh doanh, họ đi khắp các vùng miền nước Nhật để hành nghề buôn bán.
Một tiêu chí hành nghề do họ đặt ra là công việc kinh doanh được coi là thành công phải mang lại điều lợi ích cho ba đối tượng: chủ thể là người kinh doanh, khách thể là người mua hàng và cộng đồng dân cư tại địa phương nơi họ đến hành nghề. Từ đó mà hình thành ra thuật ngữ Sanpo-yoshi (ba bên cùng có lợi) trong kinh doanh của người Nhật.
Nhờ làm theo triết lý kinh doanh Sanpo-yoshi mà những thương nhân vùng Oumi đã cống hiến cho sự phát triển ngành thương mại của xã hội thời bấy giờ, đồng thời trở thành nền tảng triết học giúp nước Nhật sản sinh ra những thế hệ thương nhân tài năng, luôn tuân thủ đạo đức kinh doanh.
 
Thực tế cho thấy nhiều thương gia Nhật Bản khi đến Việt Nam đầu tư làm ăn luôn luôn đề cao chữ tín và giữ đức kiên nhẫn. Khác với tính qua loa cả nể thích phóng đại của đa số người Việt, các thương gia Nhật Bản cẩn trọng trong từng việc làm tỉ mẫn từng thao tác nhỏ... Nhiều người địa phương nếu không am hiểu văn hóa kinh doanh của Nhật dễ phát sinh những đánh giá bốc đồng, thậm chí nảy sinh sự bất hòa và đánh mất thiện chí hợp tác...
Hàng hóa mang thương hiệu Nhật Bản có chất lượng cao trụ vững qua nhiều cơn sóng gió của thương trường, đồng thời nhận được sự yêu chuộng của số đông người tiêu dùng trên thế giới là câu trả lời khách quan nhất về đạo đức kinh doanh của người Nhật.
Trông người lại ngẫm đến ta. Vụ việc Khaisilk hàng chục năm bán hàng lụa của Trung Quốc mà dán nhãn “Made in Vietnam” để thu lãi gấp nhiều lần so với giá vốn cho thấy ngay cả một doanh nghiệp nổi tiếng là "đại gia" mà "tư duy tiểu nông", vẫn còn nặng nề đến nhường nào! Một doanh nghiệp thành công mà chỉ biết giành cái lợi, phần thắng về cho mình, bất chấp lợi ích của khách hàng cũng như cộng đồng.
Và Khaisilk chắc hẳn không phải trường hợp cá biệt. Ở Việt Nam không ít người khi hành nghề kinh doanh chỉ hướng tới nhấn mạnh một chữ "win" đầu tiên trong triết lý "win - win" mà thôi! So với tiêu chuẩn hai chữ "win" của thế giới và ba chữ "win" của Nhật Bản thì chúng ta còn một khoảng cách xa.
Trúc Nguyễn

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

20171030. THƯ NGỎ GỬI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CỦA GS NGUYỄN ĐÌNH CỐNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
THƯ NGỎ GỬI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 30-10-2017

Kết quả hình ảnh cho nguyễn đình cống

Trước đây nhiều lần tôi gửi thư góp ý cho Quốc hội về một số việc. Có lần ý kiến được đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân, được nhận tiền nhuận bút, còn phần lớn không có phản hồi. Lần này tôi gửi thư ngỏ, hy vọng có một số đại biểu (ĐB), đọc được, ngoài ra để những ai quan tâm có thể bình luận.
Quốc hội (QH) mang danh là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, nhưng thực chất cơ bản là bù nhìn. Những vấn đề lớn của Quốc gia đã được thảo luận và thông qua tại Bộ Chính trị của ĐCS, đem ra QH để bỏ phiếu. Việc như vậy chỉ là hình thức, không những lãng phí công sức, thời gian và tiền của, tạo ra tâm lý coi thường QH, mà còn làm lộ rõ tính chất nô lệ, làm mất lòng tin của nhân dân.
Trong số ĐBQH do đảng cử dân bầu có một số được cơ cấu để trở thành những cái máy bỏ phiếu, họ thường tranh thủ ngủ trong các buổi họp. Còn lại cũng có một số người lương thiện, trung thực, có dũng khí, biết xấu hổ, vượt qua được sự sợ hãi để giữ được nhân cách. Tôi muốn tâm sự với những ĐB như vậy. Các vị nên và cần cố gắng vớt vát một chút danh dự cho ĐBQH, tạo một chút niềm tin cho cử tri. Để làm được việc này, ngoài điều kiện cần là lòng dũng cảm, phải có thêm điều kiện đủ là thông tin. Thông tin phải chính xác và phong phú. Xin đừng chỉ tin vào báo và đài chính thống vì ở đó chủ yếu đưa tin một chiều, từ một nguồn. Phải thu thập thông tin từ các nguồn khác. Không nhất thiết phải giỏi ngoại ngữ (giỏi được thì càng tốt) vì thông tin bằng tiếng Việt trên các trang mạng xã hội có nhiều.
Có một số chuyện quan trọng liên quan đến hoạt động của Nhà nước và Nhân dân, được xã hội quan tâm, nhưng Hội nghị TƯ 6 của Đảng bỏ qua, như vụ Trịnh Xuân Thanh, Trịnh Vĩnh Bình, như nợ công đã vượt trần và không có khả năng trả, như việc phải sớm có luật về lập hội, về biểu tình v.v… Tôi mong ước và đề nghị có vài đại biểu chất vấn Chính phủ về các vấn đề đó.
Một vấn đề rất quan trọng mà QH cần làm rõ, phải chăng QH chủ yếu là cơ quan chấp hành của Đảng. Nếu khẳng định như vậy thì chỉ cần Đảng chọn mà không cần tổ chức bầu cử cho tốn kém. Còn nếu cho rằng QH có một số quyền độc lập nào đó thì phải thảo luận để cho rõ điều 4 của Hiến pháp đối với QH như thế nào. Cái gì mà Bộ Chính trị Đảng đã quyết định thì chỉ thông báo cho QH biết mà QH không cần mất thì giờ thảo luận và bỏ phiếu.
Tôi suy nghĩ, về lâu dài phải bỏ điều 4 của Hiến pháp. Trong lúc còn giữ nó, nên tổ chức QH và Trung ương Đảng độc lập với nhau. Đã là Ủy viên TƯ Đảng thì không vào QH. Có thể tạm xem như có 2 viện. Trung ương Đảng đóng vai trò như Thượng viện, còn QH như Hạ viện. Và như vậy có những việc mà QH có thể bác bỏ quyết định của Trung ương Đảng, ngay cả của Bộ Chính trị.
Học thuyết của Khổng Tử có một số điều lạc hậu, cần vạch ra và bãi bỏ, nhưng có một thứ tôi thấy còn giá trị, đó là Thuyết Chính danh. Nội dung chủ yếu là: Ai có danh gì thì phải có thực xứng với nó. Thực bao gồm phầm chất và công việc. (Phẩm chất có: đạo đức, trí tuệ, tình cảm, quan hệ, sức khỏe v.v…). Xét ra ở Việt Nam hiện nay QH và ĐBQH chưa đạt được sự chính danh, mắc vào lỗi “Hữu danh vô thực”.
Tôi mong ước có được vài ĐBQH thấy được nỗi nhục vì mang tiếng hữu danh vô thực của QH, của các ĐBQH mà tự đấu tranh để chiến thắng nỗi sợ hãi, chiến thắng sự hèn nhát của bản thân, dũng cảm đặt ra và thảo luận công khai những vấn đề cấp thiết của đất nước, không chịu cúi đầu khom lưng làm nhân vật giữ ruộng dưa, chỉ biết biến mình thành cái máy bỏ phiếu theo sự chỉ đạo từ đâu đó. Mong lắm thay, ước lắm thay.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
GIỚI CHUYÊN GIA PHẢN BÁC KÍCH TÍN DỤNG CỦA THỦ TƯỚNG PHÚC
THIỀN LÂM/ BVN 30-10-2017
Chủ trương được hiểu là “tăng trưởng bằng kích thích tín dụng” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang bị chính giới chuyên gia ngân hàng, hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp, phản bác.
Một trong số chuyên gia phản bác như thế là tác giả Phạm Xuân Hòe (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), viết trên tờ Lao động, nêu quan điểm: “Chúng ta không nên tăng trưởng bằng mọi giá mà nhất là tăng trưởng thông qua kích thích tín dụng để bơm tiền ra nền kinh tế trong khi các tế bào của nền kinh tế vẫn đang ốm yếu…”.
Tác giả Phạm Xuân Hòe cũng nhắc lại một bài học đắt giá về kích tín dụng:
“Những năm thập niên 80 là thời kỳ siêu lạm phát (1986-1989). Có năm chỉ số CPI trên 800%. Phát kiến “sai lầm” trong việc in tiền thực hiện bù giá vào lương gây ra lạm phát phi mã, Ngân hàng Nhà nước lúc đó buộc phải đẩy lãi suất huy động lên 9-12%/tháng để hút tiền về (tương đương khoảng 108-144%/năm).
Kết quả, giảm lạm phát nhưng gây ra hệ lụy khoảng 68 ngàn doanh nghiệp nhà nước phá sản, trên 60 vạn lao động mất việc làm…

clip_image004
     Ảnh: Soha
Ở thời kỳ đó, Việt Nam nâng mặt bằng giá lên 10 lần, nhưng phần chênh lệch giá vật tư nguyên liệu tăng lên 9 lần được bóc ra chênh lệch đưa hết về ngân sách để chi tiêu, phần doanh nghiệp nhà nước giữ lại chỉ là 1. Đó là căn nguyên làm cho gánh nặng vay nợ của doanh nghiệp nhà nước gia tăng…
Tín dụng ngân hàng chính là rốn đựng cho số thiếu vốn này; Cái giá phải trả về rủi ro lạm phát ở thời kỳ này rõ nhất là người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng lúc gửi là cả con bò đến khi rút ra không mua nổi bát phở.
Toàn cảnh về chủ thể vay vốn ngân hàng trong nước hầu như còn đang ốm yếu như vậy nếu cứ thúc đẩy bơm tín dụng thì cuối cùng vốn sẽ chảy vào khu vực luôn “ngốn tiền” nhiều nhất là bất động sản và chứng khoán. Xin hãy thận trọng đừng để loại “bong bóng” này tái phát, và đừng để lần nữa quốc gia lại đau đầu về nợ xấu ngân hàng…”.
Vì sao lại có những phản bác của giới chuyên gia về “kích tín dụng”?
Gần đây, Thủ tướng Phúc đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng “Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngân hàng nhà nước cố gắng nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 21%-22% thay vì mức 18% như kế hoạch đề ra từ đầu năm” để “hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra”. Theo đó, khối ngân hàng thương mại đang mang trên mình sứ mệnh phải cấp tốc đẩy ra thị trường một lượng tiền khổng lồ lên tới 1,2 triệu tỷ đồng trong năm 2017.
Vậy tiền ở đâu để đẩy ra thị trường?
Hãy nhớ lại vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay của khối ngân hàng là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn 6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Phải chăng một cách tương ứng, lượng tiền được Ngân hàng Nhà nước cho in và bổ sung vào lưu thông đã có thể vào khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần “lạm phát in tiền” đã chiếm đến 10 - 15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền bình quân của các nước phương Tây?
Trong khi đó, đang có nhiều dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Phúc là người… khoái thành tích và hình ảnh.
Ngay trước thời điểm diễn ra hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào đầu tháng 10/2017, phía Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đã tung ra bản báo cáo với thành tích tăng trưởng kinh tế quý 3/2017 lên đến 7,46%, và còn dự kiến quý 4/2017 sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng 7,31%, để tính chung cả năm 2017 có mức tăng trưởng là 6,7%.
Từ tháng Bảy đến nay, sự xuất hiện của Nguyễn Xuân Phúc trên mặt báo chí nhà nước là dày đặc hơn hẳn, không mấy kém thua “hiện tượng ồn ào Đinh La Thăng” vào năm 2016. Một trong những xuất hiện dày nhất của ông Phúc là đi thăm các tỉnh thành cùng phát ngôn lặp đi lặp lại về “đầu tàu kinh tế” dành cho nhiều địa phương.
Sau vụ cả hai ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang đều thình lình “bị bệnh”, danh sách ứng cử viên cho chức vụ Tổng bí thư một khi Nguyễn Phú Trọng nghỉ đã rút ngắn hẳn. Theo đó, Nguyễn Xuân Phúc vẫn giữ vị trí cố định và được xem là “đầy tiềm năng”.
Hẳn nhiên có thể nhận ra rằng ông Nguyễn Xuân Phúc đang rất cần những thành tích kinh tế để tôn tạo vai trò không chỉ Thủ tướng mà còn ứng cử viên Tổng bí thư.
Nếu khả năng in tiền ồ ạt là có cơ sở, lẽ đương nhiên thị trường tín dụng phải tràn ngập tiền, để nguồn tiền quá dư dả nhưng khó có lối thoát này lại trở thành “động lực kiến tạo” khiến GDP quốc gia tăng vọt trong các báo cáo của Chính phủ, dẫn đến phản ứng của chính Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào giữa tháng 10/2017: “Tăng trưởng GDP 6,7% nhưng tăng thu ngân sách so với dự toán chỉ 2,3%? Giải ngân vốn đầu tư thì chậm mà tăng trưởng lại cao, điều này nghe có mâu thuẫn?…”. Còn Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì cảnh báo “Nếu tiếp tục yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm nay sẽ gây sức ép vĩ mô khi mô hình tăng trưởng chưa có dấu hiệu cải thiện”.
T.L.

20171029. BÀN VỀ ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHỪNG NÀO NHÀ NƯỚC MỚI CHẤM DỨT LÀM KINH TẾ ?

TBKTSG 29-10-2017
Nhà máy đóng tàu Dung Quất, một trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ. Ảnh: TL
(TBKTSG) - Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nêu ra quan điểm như vậy trong việc xử lý các doanh nghiệp gây thua lỗ trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội.
Việc Nhà nước không dùng tiền thuế của dân để cứu những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ là quyết định đúng đắn. Tuy nhiên, quyết định đó cũng chỉ là “chữa cháy” và mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề, vì suy cho cùng những thiệt hại, khoản lỗ khổng lồ mà các doanh nghiệp này tạo ra Nhà nước vẫn phải gánh chịu, nghĩa là vẫn phải lấy tiền thuế của dân để bù vào.
Kinh doanh thì phải có rủi ro, nhưng với doanh nghiệp nhà nước thì mức độ rủi ro cao hơn rất nhiều bởi vì với nhiều vị lãnh đạo doanh nghiệp, đồng tiền không đi liền “khúc ruột”. Chưa kể, tâm lý ỷ lại đã có Nhà nước đứng sau, thua lỗ thì xin Nhà nước rót vốn cứu, còn rất lớn. Việc Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định không cấp thêm vốn vào dự án, doanh nghiệp thua lỗ phần nào nói lên điều đó.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy việc Nhà nước cứu doanh nghiệp nhà nước thua lỗ là rất phổ biến. Hình thức cứu khá đa dạng, như trực tiếp bơm thêm tiền để tăng vốn cho doanh nghiệp, hoặc cứu thông qua cho sáp nhập với doanh nghiệp khác; cho bán bớt tài sản và hạ vốn chủ sở hữu; tăng chính sách ưu đãi về thuế; cho khoanh nợ, xóa nợ hoặc giảm lãi suất các khoản vay… Nhưng dù là cách nào thì ngân sách cũng phải gánh chịu.
Để tránh Nhà nước phải dùng tiền thuế của dân để cứu hoặc bù lỗ cho các doanh nghiệp nhà nước, giải pháp căn cơ vẫn là Nhà nước không làm kinh tế nữa. Đây cũng là vấn đề được nhiều chuyên gia kinh tế nêu ra từ rất nhiều năm nay, nhưng đáng tiếc là đến nay nó chưa thể trở thành chủ trương cụ thể.
Có thể thấy trong 12 dự án thua lỗ ngàn tỉ mà Bộ Công Thương đang phải vất vả xử lý hậu quả, có nhiều dự án mà khả năng thất bại đã được một số chuyên gia trong ngành nhìn thấy từ khi nó còn ở trên giấy. Câu hỏi đặt ra là phải chăng các chủ đầu tư kém đến mức không nhận ra sự thiếu khả thi của dự án? Chắc chắn không phải như vậy. Nhưng dự án vẫn được cấp vốn để làm và câu trả lời cho nghịch lý này chỉ có thể là nó được triển khai không dựa theo chuẩn mực kinh doanh, mà được quyết định bởi ý muốn chủ quan hay vì lý do không minh bạch nào đó.
Câu chuyện về những dự án của doanh nghiệp nhà nước đã nhìn thấy thất bại ngay từ khởi đầu, nhưng vẫn được bật đèn xanh cho làm, không phải hiếm. Trong đó có những dự án thiệt hại rất lớn như trong ngành đóng tàu, khai khoáng. Nếu nhà nước không dễ dàng bật đèn xanh và cấp vốn hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư của các dự án này vay vốn, hoặc nếu chủ đầu tư của các dự án không phải doanh nghiệp nhà nước, thì chắc chắn tình thế đã khác hẳn.
Có thể nói, chừng nào Nhà nước vẫn trực tiếp làm kinh tế và chừng nào tiền bỏ ra kinh doanh, đầu tư không gắn liền với khúc ruột của các lãnh đạo doanh nghiệp, thì nguy cơ Nhà nước mất mát tài sản sẽ vẫn còn, dù có trực tiếp bỏ tiền ra để cứu những đơn vị làm ăn thua lỗ hay không.

THỜI KỲ PHÁT TRIỂN ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

PGS TS NGUYỄN NINH KHIẾU/ TCCS 28-10-2017

Phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa xã (XHCN) không qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa (TBCN) là một vấn đề lý luận cốt yếu trong lý luận cách mạng XHCN không chỉ đối với Việt Nam, mà cả với sự phát triển lý luận cách mạng XHCN ở các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.
Mấy chục năm qua, các học giả đã có hàng chục nghìn công trình, bài viết nghiên cứu xoay quanh chủ đề con đường phát triển chủ nghĩa xã hội (CNXH). Các thành tựu nghiên cứu đạt được rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên, những kết quả ấy lại rất khác nhau, và thường không đạt được sự đồng thuận giữa các nhà nghiên cứu, kể cả những nhà nghiên cứu theo lập trường mác-xít. Đó là do mục đích nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, cách tiếp cận, lập trường tư tưởng… khác nhau.

Hơn thế, phong trào XHCN vừa trải qua khủng hoảng toàn diện, nghiêm trọng cả về thực tiễn và lý luận. Đó là hệ thống lý luận xây dựng CNXH theo mô hình Xôviết trước đây là giáo điều, xơ cứng, chủ quan, duy ý chí, bất chấp quy luật khách quan… đã thực sự lỗi thời, không phù hợp với những thay đổi nhanh chóng của xã hội hiện đại. Đó là hệ thống CNXH hiện thực rơi vào khủng hoảng toàn diện, tan rã ở châu Âu. Những nước XHCN còn lại đã mở cửa, đổi mới toàn diện và đã bước vào một giai đoạn phát triển mới không còn theo mô hình cũ.

Về mặt lý luận và thực tiễn cần phải nhìn nhận một cách khách quan, khoa học rằng sau hơn 30 năm cải cách ở Trung Quốc và 30 đổi mới ở Việt Nam, mô hình lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH mới mà hai quốc gia này chủ trương và tiến hành hiện thực hóa đã khác rất xa mô hình CNXH Xôviết trước đây. Tuy nhiên, cả lý luận và thực tiễn xây dựng CNXH ở Việt Nam và Trung Quốc cơ bản là khác nhau, mặc dù về nguyên tắc và mục tiêu XHCN là tương đồng.

Dù có nhiều điểm khác nhau nhưng, sau cải cách, đổi mới các nước phát triển theo con đường XHCN mới đã tạo ra sự phát triển kinh tế - xã hội được đánh giá là thần kỳ. Trong khi, các nước Đông Âu và Liên Xô sau khi hệ thống XHCN ở châu Âu tan rã và không ít nước rơi vào khủng hoảng toàn diện cả kinh tế, chính trị và xã hội. Cho đến nay, mặc dù đã qua 30 năm, nhiều nước vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi khủng hoảng. Mặc dù vậy, vào thời điểm hiện nay, dù nhiều quốc gia còn bất ổn, đời sống của người dân còn rất khó khăn nhưng hầu như đa số người dân ở các quốc gia này, không muốn quay trở lại xây dựng CNXH theo mô hình như trước đây.

Rõ ràng, niềm tin của người dân về CNXH theo mô hình trước đây ở những quốc gia châu Âu đã từng xây dựng CNXH hiện thực ở thế kỷ XX đã bị tổn thương nặng nề. Chủ nghĩa xã hội như đã tồn tại trở thành nỗi ám ảnh trong đời sống nhân loại. Chính điều này đặt ra cho những nhà nghiên cứu cần phải có cách tiếp cận mới với lý luận về CNXH của nghĩa Mác - Lênnin. Cần phải vận dụng sáng tạo lý luận ấy không chỉ bởi những điều kiện đặc thù của mỗi quốc gia, mà phải đặt nó trong bối cảnh mới của tiến trình lịch sử thế giới. Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay không một quốc gia nào có thể tồn tại và phát triển nếu không nằm trong chỉnh thể vận động và phát triển chung của toàn nhân loại.

Qua nghiên cứu, phân tích, tìm hiểu các quan điểm của các nhà kinh điển, của các học giả mác-xít và ngoài mác-xít xung quanh vấn đề CNXH và con đường XHCN ở các quốc gia theo mô hình Xôviết trước đây; tìm hiểu những nhân tố tác động đến quá trình phát triển định hướng XHCN không trải qua giai đoạn TBCN; các nhân tố thời đại và nhân tố đặc thù của mỗi nước; thực trạng công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN ở nước ta 30 năm qua, bước đầu chúng tôi xin trao đổi một số vấn đề lý luận căn bản về thời kỳ phát triển định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất, vấn đề bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa


Nêu vấn đề thời kỳ phát triển định hướng XHCN về mặt lý luận sẽ liên quan tới quan điểm “quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa”. Đây là một vấn đề lý luận hiện nay đã được khẳng định. Tìm hiểu quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này từ khi thành lập đến nay ta thấy đây là một vấn đề lý luận cốt yếu nhưng cũng đã có nhiều sự điều chỉnh trong các thời kỳ cách mạng khác nhau.

Thật vậy, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1930 đến nay để tiến lên CNXH, đã có sự thay đổi căn bản: Từ “tiến thẳng lên CNXH”, đến “bỏ qua giai đoạn phát triển TBCN”, và hiện nay là “bỏ qua chế độ TBCN”. Cần làm rõ: có thể bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN) với tư cách là một chế độ xã hội được không ? Bỏ qua chế độ TBCN nhưng có sử dụng và phát huy những nhân tố nào của giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa?.

Đặt vấn đề về mặt tư duy: bỏ qua chế độ TBCN có phải là sự khẳng định chế độ TBCN là chế độ xã hội xấu xa đã lỗi thời, không còn phù hợp với sự phát triển của nhân loại, do đó cần phải “bỏ qua”, loại bỏ chế độ đó trong quá trình phát triển của lịch sử loài người hay không. Như vậy, có nhận thức đúng sự tồn tại khách quan, tất yếu hiện nay của CNTB không? có phù hợp với sự phát triển tự nhiên của lịch sử không? và có tiếp tục gây ra sự kỳ thị, đối kháng, đối đấu giữa sự phát triển của Việt Nam hiện nay với phần còn lại của thế giới là TBCN hay không? Có tách biệt sự vận động và phát triển của Việt Nam hiện nay ra khỏi quỹ đạo phát triển chung của thế giới ngày nay hay không? Đây là một vấn đề lý luận rất cốt yếu.

Với sự nhận thức phát triển của Việt Nam hiện nay là “thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa” nghĩa là chúng ta chỉ xác định con đường và đích đến của riêng Việt Nam, không đề cập, không làm tổn thương đến sự phát triển và mô hình phát triển của các quốc gia khác, các chế độ chính trị khác. Thực tế là với toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, Việt Nam ngày càng tham gia một cách toàn diện vào đời sống chung của toàn cầu và đã trở thành một thực thể tích cực có nhiều đóng góp cho phát triển chung của khu vực và thế giới.

Thứ hai, về những điều kiện tiên quyết để tiến lên chủ nghĩa xã hội ở “các nước lạc hậu” trong thời đại ngày nay


Những điều kiện tiên quyết mà C. Mác, Ph. Ănghen, V.I. Lê-nin đã dự đoán khả năng các nước lạc hậu phát triển lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN đó là:

- Chủ nghĩa tư bản đã phát triển lên tới đỉnh cao ở các nước tiên tiến;
- Cách mạng vô sản đã thắng lợi ở Tây Âu;
- Cách mạng vô sản ở Tây Âu kết hợp với cách mạng ở các nước lạc hậu;
- Sự nêu gương và sự ủng hộ tích cực của cách mạng XHCN ở phương Tây đối với các nước lạc hậu đi theo con đường XHCN;
- Những lực lượng tiên tiến của các nước “lạc hậu” chủ động thực hiện quá trình phát triển bỏ qua CNTB.

Rõ ràng, những điều kiện tiên quyết mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, dự báo khi đó đến nay hầu như không còn nữa /hay không còn phù hợp. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan các điều kiện này ta thấy, vào thời điểm đó, trong tư duy của các ông luôn thường trực ý thức quyết liệt rằng, giữa CNTB và chủ nghĩa cộng sản luôn hiện diện trong tình trạng đấu tranh sinh tử “một mất một còn”, kiểu như “chủ nghĩa xã hội là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”. Nghĩa là CNTB và CNXH luôn đối đấu và phủ định nhau. Nhân loại được đặt trước lựa chọn duy nhất: hoặc CNTB, hoặc CNXH. Hệ lụy của tư duy ấy là đã chia thế giới thành hai phe, hai hệ thống đối đầu nhau, tìm mọi cách tiêu diệt nhau… đã dẫn đến chiến tranh lạnh, chạy đua vũ trang và cuối cùng là góp phần dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn hệ thống XHCN ở châu Âu nửa cuối thế kỷ XX. Trong cuộc đối đầu “một mất một còn” ấy CNXH hiện thực theo mô hình Xôviết về cơ bản đã bị tiêu diệt và CNTB với rất nhiều khuyết tật của nó vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển.

Vì lẽ đó, trong điều kiện hiện nay, khi mà các điều kiện tiên quyết nêu trên không còn thì để tiến lên CNXH chúng ta phải làm thế nào?.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thế giới đã ở một trạng thái hoàn toàn mới. Có người gọi đó là một “thế giới phẳng”. Hầu như mọi rào cản giữa các quốc gia, các khu vực cơ bản đã được dỡ bỏ. Mọi quốc gia tồn tại trong trạng thái tùy thuộc lẫn nhau. Một sự kiện kinh tế, chính trị, an ninh, môi trường… diễn ra ở một quốc gia có thể ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác. Đặc biệt sau khi hệ thống CNXH ở châu Âu sụp đổ và chiến tranh lạnh kết thúc thì CNTB trở thành “nhân vật chính” của vũ đài thế giới và sự vận động, phát triển của lịch sử thế giới ngày nay nhìn chung bị chi phối bởi CNTB hiện đại.

Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quan hệ hữu nghị với hầu như các quốc gia trên thế giới; đặc biệt có quan hệ đối tác chiến lược với hầu như các cường quốc. Việt Nam không chỉ là thành viên tích cực của cộng đồng thế giới mà còn là thành viên có vai trò và vị trí quan trọng trong các thế chể, định chế, các liên minh kinh tế, xã hội rộng lớn toàn cầu.

Trong bối cảnh mới, mặc dù chúng ta gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng rõ ràng chúng ta cũng có nhiều điều kiện và cơ hội phát triển hơn. Vấn đề là ta phải đặt mình vào trong bối cảnh ấy, một cách khách quan và đề cao tính mục đích của thời kỳ phát triển định hướng XHCN để ta có chiến lược, chủ trương, biện pháp và giải pháp hướng tới ngăn chặn nguy cơ, hạn chế thách thức, có nhiều điều kiện để tận dụng thời cơ và cơ hội hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Vấn đề quan trọng là trong quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng chúng ta cần phải đề cao tính mục đích của sự phát triển - đó là CNXH, từ sự đề cao mục đích, chúng ta phải biết tận dụng nhiều điều kiện, cơ hội khách quan, kịp thời nắm bắt thời cơ - nghĩa là tìm phương tiện, phương thức, nguồn lực, động lực để sớm đạt được mục đích xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam.

Muốn vậy chúng ta phải ngày càng thực sự trở thành một thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng thế giới; cũng như thực sự trở thành “bạn” của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới. Đây chính là một điều kiện “tiên quyết”, “bắt buộc” để chúng ta thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ của thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực là những điều kiện khách quan và chủ quan cho sự phát triển của mỗi quốc gia ở những thời điểm nhất định chỉ xuất hiện vào đúng những thời điểm đó, vì vậy, những dự báo lý luận dù có thần kỳ đến mấy cũng không thể bao chứa hết.

Thứ ba, xuất phát điểm của Việt Nam khi bước vào thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa 


Xuất phát từ tình hình cụ thể, hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia là nguyên tắc chỉ đạo quan trọng nhất. Đây cũng chính là một nguyên tắc cơ bản của phép biện chứng duy vật. Chỉ có xuất phát từ thực tiễn mới nắm vững được thực trạng đời sống xã hội, các xu thế vận động cũng như quy luật vận động của thực tiễn. Xa rời thực tiễn, chủ quan, duy ý chí, giáo điều, quan liêu, bất chấp quy luật khách quan là những bài học đắt giá mà Đại hội VI của Đảng ta đã chỉ ra.

Không xuất phát từ thực tiễn đất nước sẽ ban hành những chỉ thị, nghị quyết không phù hợp với thực tiễn vì vậy sẽ không đạt được hiệu quả mong muốn. Không xuất phát từ thực tiễn khi áp dụng những kinh nghiệm quốc tế thường dập khuôn, máy móc, giáo điều xa lạ đối với tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Khi đó, người dân sẽ không tích cực tham gia vào các chương trình, kế hoạch phát triển đất nước.

Chẳng hạn, đối với nước ta hiện nay, nhiều người do xa rời thực tiễn, máy móc, giáo điều, duy ý chí... nên khi nhận định về xuất phát điểm của nước ta tiến hành “quá độ lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN”, nghĩa là khi bước vào thời kỳ phát triển định hướng XHCN họ vẫn “một mực” khẳng định xuất phát điểm của Việt Nam vẫn từ “một nước nông nghiệp lạc hậu”, “thực dân nửa phong kiến”, “chúng ta vừa bước ra từ chiến tranh và chịu hậu quả nặng nề của hai cuộc chiến tranh tàn khốc”... Với sự nhận diện như thế, rõ ràng chúng ta không thể có chủ trương, đường lối, chính sách sát hợp để lãnh đạo và chỉ đạo công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng CNXH hiện nay.

Thực ra, chúng ta đã “từ giã” nước “nông nghiệp lạc hậu”, “thực dân, nửa phong kiến” gần 70 năm, chúng ta đã bước ra khỏi chiến tranh đã 40 năm, và chúng ta đã có 30 năm thực hiện thành công công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Thực tiễn nước ta hiện nay, khác rất xa những năm trước năm 1945, những năm trước năm 1975. Sau 30 năm đổi mới chúng cũng đã khác rất xa năm 1986 khi đất nước ta bước vào đổi mới. Thành tựu của công cuộc đổi mới đã đưa nước ta trở thành một thành viên có vai trò, vị trí và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình... Vì vậy, nếu không xuất phát từ tình hình thực tiễn đất nước thì rõ ràng chúng ta không thể nhận diện đúng thời cơ, thách thức, nguồn lực, động lực… và do đó sẽ không thể có được các chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp để phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Do đó, cũng sẽ không thực hiện được những nhiệm vụ và mục tiêu của thời kỳ phát triển định hướng XHCN mà chúng ta đã đề ra.

Thứ tư, vấn đề phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa 


Sau 30 năm đổi mới thành tựu to lớn nhất, quan trọng nhất của chúng ta là sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có thể khẳng định là đột phá về mặt lý luận và thực tiễn. Lý luận kinh tế thị trường định hướng XHCN đã soi sáng cho sự phát triển của đời sống kinh tế của nước ta 30 năm qua. Tuy nhiên, xã hội là một cơ thể thống nhất và đồng bộ. Các lĩnh vực của đời sống xã hội trong quá trình vận động và phát triển dù có thể có sự phát triển không đều nhưng về căn bản các lĩnh vực, bộ phận phải tương thích, đồng bộ và thống nhất với nhau tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh. Không có một cơ thể xã hội hài hòa ổn định thì không thể phát triển bền vững được.

Sự thành công hết sức thuyết phục của kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta thời gian qua chỉ cho ta thấy rằng cần phải xác định đúng thời điểm hiện nay Việt Nam đang tồn tại và phát triển ở trạng thái là thời kỳ phát triển định hướng XHCN. Đây không phải là cách diễn đạt khác của “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” mà là sự nhận diện thực trạng xã hội và xu hướng vận động tất yếu của nó. Ai cũng biết mọi sự vận động phát triển đều là thời kỳ quá độ từ trạng thái này sang trạng thái khác một cách phổ biến. Xác định thời kỳ phát triển định hướng XHCN nghĩa là đề cao tính mục đích của sự phát triển. Nói cách khác, sự phát triển là quá trình vận động theo những quy luật khách quan nhưng có sự tham gia của nhân tố chủ quan để đạt tới mục đích đề ra.

Thứ năm, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam 

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển định hướng XHCN một điều kiện tiên quyết có tính nguyên tắc là phải kiên quyết giữ vững vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam và phải kiên quyết đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội.

Đảng Cộng sản cộng sản Việt Nam người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 85 năm qua. Điều này đã được lịch sử khẳng định. Lịch sử cũng cho thấy vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản với cách mạng Việt Nam không phải bằng lý luận mà bằng chính thực tiễn đời sống.

Với xuất phát điểm là một xã hội chưa trải qua thời kỳ phát triển TBCN hội nhập vào sự phát triển chung của nhân loại, nếu theo sự phát triển bình thường của quá trình lịch sử tự nhiên thì như nhiều quốc gia khác, chúng ta tiến lên CNTB là một lẽ bình thường. Trong khi, CNTB sau hơn 200 tồn tại mặc dù mang lại cho nhân loại rất nhiều thành tựu nhưng cũng có những thời kỳ đen tối nhiều máu và nước mắt đối với tiến trình phát triển nhân loại. Chế độ bóc lột, phân tầng xã hội, phân hóa giầu nghèo, chiến tranh và tha hóa con người là những sản phẩm tất yếu của chủ nghĩa tư bản mà bất cứ quốc gia nào đi theo con đường TBCN không thể tránh khỏi.

Trong khi đó, giai đoạn hiện nay, nhiều nước tư bản phát triển đang đứng trước ngưỡng cửa của một thời đại mới, một chế độ xã hội mới. Đó là thời đại của sự phát triển đỉnh cao của nhân loại. Đó không còn là chủ nghĩa tư bản với đúng nghĩa của nó nữa. Có người gọi đó là xã hội hậu tư bản. Thực tiễn cho thấy, trong các nước tư bản phát triển ở đỉnh cao hiện nay đã xuất hiện rất nhiều nhân tố của chủ nghĩa cộng sản như các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác dự báo.

Với Việt Nam từ một quốc gia đang phát triển với mức sống trung bình của thế giới trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay phát triển theo định hướng XHCN là hoàn toàn hiện thực và đó là một tất yếu khách quan. Thực chất, đây là một sự phát triển rút ngắn mà lịch sử cho thấy có nhiều dân tộc đã từng trải qua.

Vấn đề cốt lõi ở đây là chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới là người lãnh đạo đất nước ta đi theo con đường XHCN. Vì vậy, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam là một vấn đề có tính nguyên tắc, một điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, để giữ vững được nguyên tắc này Đảng Cộng sản Việt Nam cần thực hiện một số vấn đề cốt lõi sau:

Một là, Đảng Cộng sản không phân chia quyền lãnh đạo quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam cho bất cứ lực lượng chính trị nào khác nhằm đảm bảo sự thống nhất và tính nhất quán của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN;

Hai là, Đảng phải đổi mới toàn diện về tổ chức và phương thức lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội.

Ba là, Đảng cần kiên quyết chỉnh đốn xây dựng đảng. Kiên quyết chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đảng viên nhất là đội ngũ lãnh đạo cao cấp; Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng xây dựng lòng tin trong nhân dân; Kiên quyết giải tán các tổ chức đảng cơ sở suy thoái, mất sức chiến đấu; Kiên quyết loại bỏ những phần tử thái hóa, biến chất ra khỏi đội ngũ Đảng.

Bốn là, Kiên quyết đấu tranh chống những thế lực phản động trong nước và quốc tế nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng. Kiên quyết chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, giữ vững vai trò lãnh đạo của đảng, giữ vững ổn định chính trị;

Năm là, Mở rộng quan hệ quốc tế, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo đảm đời sống hòa bình cho nhân dân.
PGS.TS. Nguyễn Linh KhiếuTạp chí Cộng sản
TỪ CÁCH MẠNG VÔ SẢN TRỞ VỀ TƯ SẢN
VIỆT DƯƠNG/ BVN 29-10-2017
Có đảng Cộng Sản mới có đổi mới.
Đỗ Mười
Cho tới nay cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đi qua hai giai đoạn: Giai đoạn phá hủy xã hội tư sản để làm cách mạng vô sản và giai đoạn từ bỏ cách mạng vô sản trở lại xã hội tư sản. Trong giai đoạn đầu, dân Việt đã bị làm tình làm tội để được giải phóng thành người vô sản. Còn giai đoạn thứ nhì cho chúng ta thấy Đảng Cộng Sản đã sử dụng cơ chế chính trị vô sản (độc tài toàn trị) để tư sản hóa đảng viên. Dưới đây chúng tôi xin ghi lại những sự việc đảng viên Cộng Sản đã và đang tung hoành để biến giai cấp đảng thành giai cấp tư sản đỏ.
Những đường vòng oan nghiệt
Trong những năm 1978, 79, trước sự thất bại của chương trình kinh tế xã hội chủ nghĩa, với kinh tế tập sản và quốc doanh, hai ông Võ Văn Kiệt và Nguyễn Văn Linh ở miền Nam đã liều đột phá hàng rào kinh tế giáo điều Mac-xit – Lênin-nit bằng cách lùi ở cả nông, công, thương nghiệp:
- Lùi ở nông nghiệp là cho nông dân thuê đất khoán, làm ăn cá thể.
- Lùi ở công thương nghiệp là bãi bỏ việc ngăn sông cấm chợ, khuyến khích phát triển kinh doanh theo phương thức 3 lợi ích là lợi ích nhà nước, lợi ích cơ sở và lợi ích cá nhân. Cho tư nhân lập cơ sở sản xuất và được phép bán giá tự do những sản phẩm trên mức chỉ tiêu kế hoạch. Người Tàu được phép kinh doanh trở lại và trong các xí nghiệp dùng hình thức khoán sản phẩm để kích thích năng xuất công nhân.
Trong việc phá rào, Võ Văn Kiệt đã dùng Ba Hòa, một cán bộ Hoa vận, người Triều Châu, thành lập công ty Cholimex, hoạt động theo kiểu tư bản. Và Ba Hòa đã liên lạc với một số thương gia Tàu còn lại và những người trung gian như Triệu Vĩnh Thiệt có họ hàng điều khiển những cơ sở kinh tế ở Hongkong, Singapore để khai thông việc xuất nhập cảng. Từ đó, Cholimex đã nhập cảng nguyên liệu, hóa chất, phụ tùng thay thế, máy móc và xuất cảng nhiều hàng nông sản và hải sản như yến, vi cá, mực khô, tôm cá, hột vịt, hạt sen và gạo ngon. Triệu Vĩnh Thiệt đã tái lập công ty Tân Tiến sản xuất đồ nhựa bằng plastic nhập cảng. Charles Đức, một Tiến sĩ có quốc tịch Pháp, cũng đã được Võ Văn Kiệt trọng dụng để giao dịch buôn bán với Pháp trong chức vụ Giám Đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản, và Phó Giám Đốc Công ty Imex. Một cựu thị trưởng xuất thân Viện Quốc gia Hành chính của Việt Nam Cộng hòa đã nằm trong Công ty Lương thực thành phố của bà Ba Thi, dùng khả năng tính toán quản lý thương mại giúp bà Thi đạt nhiều cờ tiên tiến và huân chương anh hùng lao động. Một điều cần nói thêm là từ chính sách đột phá của hai ông Kiệt và Linh, người Tàu Chợ Lớn đã đi đầu trong việc sản xuất và họ lại làm giàu từ giai đoạn này.
Như thế là có sự mâu thuẫn về chính sách kinh tế giữa trung ương và địa phương? Chúng ta biết là khoảng năm 1966-67, để cứu dân khỏi đói, ông Kim Ngọc, Bí thư tỉnh Vĩnh Phú, đã phá rào chính sách hợp tác xã bằng cách cho dân thuê đất khoán sản phẩm (ông Kim Ngọc đã đi trước Đặng Tiểu Bình hàng chục năm về chính sách khoán). Chính sách khoán có kết quả, nhưng trái với chính sách tập sản, tập thể, nên ông Kim Ngọc bị thanh trừng. Còn hai ông Kiệt và Linh đã đi ra ngoài rào xa hơn ông Kim Ngọc cả nông, công, thương nghiệp mà sao lại có thể được yên? Theo những câu chuyện trên bàn nhậu của cán bộ ở Sài Gòn vào thời gian đó thì có xung đột. Trung ương không chấp nhận kiểu làm ăn tự phát của Sài Gòn và những người chống triệt để là Trường Chinh và Đỗ Mười, người mà mấy ông cán bộ thường nói là một tên nghiện giáo điều và chỉ biết húc. Nhưng tình hình kinh tế xuống dốc, quá bết bát và có lẽ hai ông Linh và Kiệt được các tỉnh B2 ủng hộ nên thoát chuyện thanh trừng.
Trước tình hình đó, Đại hội 5 được triệu tập (3/1982), và trong đại hội thành phần lãnh đạo bảo thủ đạt được ưu thế. Võ Văn Kiệt được triệu ra Bắc làm Phó thủ tướng đặc trách Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, còn Nguyễn Văn Linh thay Võ Văn Kiệt, vẫn duy trì cách làm ăn của ông Kiệt và trở thành một bộ mặt có giá của phe cải cách được toàn thể các tỉnh B2 ủng hộ, mặc dù ở Đại Hội 5, Nguyễn Văn Linh bị loại khỏi Bộ Chính trị.
Đại hội 5 thay đổi kế hoạch kinh tế:
- Bỏ chính sách ưu tiên công nghiệp nặng của đại hội 4.
- Nông nghiệp trở thành mặt trận hàng đầu.
- Trở lại chính sách xã hội hóa triệt để với những biện pháp xiết chặt cả nông, công, thương nghiệp.
Đường lối xã hội hóa và xiết chặt các ngành kinh tế của Đại hội 5 lại đưa xã hội vào những khủng hoảng mới và nghị quyết 8 về thay đổi giá, lương, tiền với cuộc đổi tiền lần thứ 3 (1 đồng mới ăn 10 đồng cũ) đã đưa nền kinh tế tới phá sản. Lạm phát lên tới trên 700% và giá cả đại loạn không thể kiểm soát được.
Trước tình thế đó, Đảng Cộng sản và nhà nước đã nhận sai lầm trong chính sách kinh tế và đã tổ chức chiến dịch học tập, phê bình trên toàn quốc. Trong chiến dịch học tập, Nguyễn Văn Linh đã có một bài phân tích về sự sai lầm trong đường lối lãnh đạo kinh tế. Trong đó, ông Linh nói rằng Trung ương đã sai lầm trong Cải cách ruộng đất vì làm theo kiểu Trung Quốc, rồi phạm nhiều sai lầm khác trong công, thương nghiệp, vì đã đi theo con đường làm ăn cũ, ý nói làm ăn theo chính sách giáo điều xã hội chủ nghĩa. Và ông Linh đã kết luận với câu: “Nền kinh tế này không còn phải ở bên bờ vực thẳm mà thật sự đã ở dưới vực thẳm. Chúng ta phải tìm cách nhảy lên, không sẽ chết”. Phê bình như thế thì ông Linh đã sổ toẹt tất cả chương trình kinh tế của đảng. Nếu như trước kia mà nói thế thì khó sống, nhưng năm 1986 lại trở thành sáng suốt, vì cả trung ương đã nhận chương trình của Đại hội 5 sai lầm.
Trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam của mấy ông Giáo sư Kiều Xuân Bá, Lê Mậu Hãn và Trần Duy Khang đã viết: “Nhìn chung thời kỳ 1975-1985 là thời kỳ sử dụng mô hình kinh tế cũ mà đặc trưng là cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa (tư bản, cá thể) bị xóa bỏ sớm ở mức cao. Những nhược điểm của mô hình đó đã trở thành sức cản lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội, dẫn đến cuộc khủnghoảng kinh tế xã hội gay gắt”
(Lịch Sử Đảng Cộng Sản Việt Nam – NXB Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 158).
Chính vì sự thất bại của mô hình kinh tế tập sản, mô hình vô sản hóa toàn xã hội mà Đảng Cộng sản phải nói đến đổi mới tư duy kinh tế, và họ đã đem tư duy đổi mới này vào Đại hội 6 (12/86), và Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng bí thư để thực hiện chính sách đổi mới.
Nội dung căn bản của chính sách đổi mới là cởi trói các ngành kinh tế với những điểm:
Về nông nghiệp:
- Ban hành nghị quyết 10, gọi là khoán 10, thay cho chỉ thị khoán 100. Khoán 10 thiết lập chính sách khoán trắng, cho phép xã viên thuê đất canh tác không hạn chế diện tích và chịu trách nhiệm hoàn toàn về số ruộng đất khoán.
- Với khoán 10 cùng luật đất đai do Quốc hội biểu quyết tháng 12/86, Nhà nước Cộng sản đã luật hóa chính sách khoán, hủy bỏ chính sách sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa, nới rộng thời gian cho nông dân thuê đất dài hạn là 15 năm, và cho phép người thuê có quyền để lại cho con kế thừa phần đất ruộng thuê hoặc nhượng lại cho một nông dân khác.
Về công thương nghiệp:
Đối nội:
- Cởi trói tư nhân, cho phép làm ăn cá thể.
- Huỷ bỏ ngăn sông cấm chợ để lưu thông hàng hóa.
Đối ngoại:
- Mở cửa giao thương với thế giới tư bản bằng bộ luật đầu tư được Quốc hội biểu quyết tháng 12.1988. Với luật này, Nhà nước kêu gọi tư bản nước ngoài vào đầu tư và dành cho xí nghiệp nước ngoài nhiều đặc quyền như cho phép làm chủ xí nghiệp 100% vốn đầu tư và không bị quốc hữu hóa.
- Sau đó luật đầu tư được nâng cấp dần để thu hút tư bản nước ngoài và Đảng Cộng sản độc chiếm quyền làm ăn với tư bản nước ngoài, thiết lập một hệ thống tư bản của thành phần cán bộ cao cấp để thành giai cấp tư bản đỏ, rồi tiến tới việc cho phép đảng viên phát triển kinh doanh tư nhân. Chính sách này được Đảng Cộng sản gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng không nói nội dung của việc định hướng XHCN là gì, nhưng theo cách làm của nhà nước xã hội chủ nghĩa thì ta có thể hiểu nội dung của cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa là đảng duy trì độc đảng toàn trị. Đảng làm chủ ruộng đất và duy trì hệ thống xí nghiệp quốc doanh. Như thế có thể gọi đó là nền kinh tế cởi trói trong vòng tay của đảng.
Qua những điều trình bày trên, có thể nhận định là từ cách mạng vô sản trở về tư sản, Đảng Cộng sản đã đi theo 4 đường vòng:
Thứ nhất là đường vòng nông nghiệp:
Trước cách mạng vô sản, người nông dân làm ăn cá thể. Trong cách mạng vô sản, cách mạng ruộng đất xã hội chủ nghĩa, đảng đưa nông dân vào hợp tác xã làm ăn tập thể, làm thuê ăn điểm. Tới đổi mới, trở về tư sản, đảng bỏ làm ăn tập thể, cho phép nông dân trở về làm ăn cá thể với mảnh đất thuê dài hạn của nhà nước.
Thứ nhì là đường vòng công thương nghiệp:
Trước cách mạng vô sản, người dân lập xí nghiệp, làm ăn tự do. Tới cách mạng vô sản, đảng hủy diệt giai cấp tư sản, cấm tư thương và đảng trở thành chủ nhân công, thương nghiệp. Tới đổi mới, đảng trở về tự do kinh doanh.
Thứ ba là đường vòng tư sản:
Trước cách mạng vô sản, quyền tư hữu được tôn trọng. Tới cách mạng vô sản, đảng hủy diệt quyền tư hữu, xây dựng xã hội với con người mới vô sản (con người mới xã hội chủ nghĩa). Tới đổi mới, đảng trở về tư sản, xây dựng xã hội tư sản với giai cấp tư sản đỏ.
Thứ tư là đường vòng lệ thuộc:
Đảng Cộng sản khởi nghiệp nhân danh giải phóng dân tộc khi Việt Nam bị Pháp đô hộ. Dưới sự yểm trợ của Liên Xô và Trung Cộng, Đảng Cộng sản thắng Pháp, chiếm miền Bắc năm 1954, rồi thắng Việt Nam Cộng hòa và Mỹ năm 1975. Sau đổi mới, Đảng cộng sản Việt Nam dựa vào Trung Quốc và đưa đất nước vào vòng lệ thuộc Trung Quốc.
Với Đảng Cộng sản thì 4 đường vòng trên là sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp đổi mới của đảng, nhưng với dân và nước thì đó là những đường vòng oan nghiệt. Gọi là oan nghiệt vì trên những con đường này, Đảng Cộng sản đã dùng xác dân để thử nghiệm chính sách vô sản, hủy diệt vốn liếng trí não dân tộc, tàn phá cơ cấu xã hội tư hữu để xây dựng xã hội vô sản. Nhưng cuối cùng Đảng Cộng sản lại phải xóa bỏ xã hội vô sản để làm lại xã hội tư hữu với giai cấp mới là giai cấp tư sản đỏ. Còn đường vòng thứ tư thì 4 triệu dân Việt đã chết cho danh nghĩa cách mạng giải phóng khỏi ách thực dân đế quốc, danh nghĩa cứu nước của Đảng Cộng sản, để cuối cùng Đảng Cộng sản lại trở thành đảng bán nước khi mở đường cho Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam.
Nghĩa trang liệt sĩ trên khắp nước
Để đi tới những đường vòng oan nghiệt, Đảng Cộng sản đã phải phát động 2 cuộc chiến tranh, thứ nhất là chiến tranh kháng Pháp khi Pháp trở lại Việt Nam (1946 - 1954). 9 năm kháng chiến, số tổn thất không nhỏ. Nhưng chắc chỉ miền Bắc có thể xây dựng nghĩa trang, còn miền Nam thì không, vì miền Nam sau 1954 thuộc chính quyền quốc gia – Việt Nam Cộng hòa. Vì thế ở đây chỉ nói đến cuộc chiến thứ nhì từ 1960 đến 1975, khi miền Bắc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng và đưa quân vào xâm lăng miền Nam và Việt Nam Cộng hòa phải tự vệ với sự trợ giúp của Hoa Kỳ.
Tổn thất của cả hai bên trong 15 năm không thể có số thống kê chính xác, nhưng con số ước lượng là khoảng 4 triệu. Vì thế, những năm sau 1975, nghĩa trang liệt sĩ đã mọc lên như nấm trên khắp nước. Hầu như tỉnh, thành phố nào cũng có vài nghĩa trang liệt sĩ. Có nhiều tỉnh nghĩa trang liệt sĩ đã phải xây dựng tới cấp xã. Vào google, chúng tôi biết tỉnh Quảng Trị là miền đất có nhiều nghĩa trang nhất, và là những nghĩa trang lớn nhất nước. Trong một lần trò chuyện về việc những nhà ngoại cảm đi tìm xác liệt sĩ bị vùi lấp ở một nơi nào đó, một anh bạn người Quảng Trị cho biết là dưới đáy sông Thạch Hãn là một lớp xương và sọ của bộ đội chết trong trận đánh và giữ Thành Cổ trong 81 ngày đêm và sông Thạch Hãn đã trở thành một nghĩa trang không mồ. Do đó ngày 13/4/2012, Quảng Trị đã tổ chức nghi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trong trận chiến ở Thành Cổ năm 1972 và thả 8100 hoa đăng trên dòng Thạch Hãn, những bông hoa tượng trưng cho 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ.
Mới đây chúng tôi đọc được bài bút ký Cổ Thành Quảng Trị của Đặng Văn Sinh, thấy rợn người khi tác giả kể tên những nghĩa trang vùng hỏa tuyến với cái chết trong trận chiến Cổ Thành, nên xin ghi lại một đoạn:
“ Chúng tôi ghé thăm hầu hết các địa danh được coi là “đất thiêng” ở thời kỳ trước năm 1975, từng là chiến trường đẫm máu của những xung đột ý thức hệ. Hành trình xuyên Việt lần này, cảnh trí và những hồi ức đã làm cho một số văn nghệ sĩ nhìn nhận cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc ít khắt khe và trái tim độ lượng hơn. Từ thị xã Đông Hà chúng tôi lần lượt viếng thăm chiến địa cũ Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, cửa khẩu Lao Bảo, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Gio Linh, nghĩa trang Cam Lộ... mấy chục vạn linh hồn có tên và không tên đã ngã xuống trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn, giờ này đang phiêu lãng nơi đâu ở một vùng hoang địa đầy tử khí? Chỉ riêng Đường 9 đã có gần mười vạn ngôi mộ. Đám người nhỏ nhoi trước một bãi tha ma khổng lồ bất giác làm tôi thấy cô đơn. Rừng Trường Sơn hoang sơ, gió ngàn vi vu tạo nên một không gian rờn rợn lúc chiều tà. Hỡi những linh hồn trận vong! Các anh các chị hãy yên giấc ngàn thu.
Tất cả chỉ còn là ký ức, một ký ức đau buồn hằn vào lịch sử kéo theo nỗi trầm luân của cả một dân tộc khi chưa thuộc lời dạy của cha ông về lòng tha thứ. Nơi dừng chân lâu nhất là Thành Cổ. Tại đây người ta xây một đài tưởng niệm những chiến sĩ trận vong (tất nhiên chỉ là chiến sĩ QĐNDVN). Thắp hương xong, đoàn sang viếng thăm nhà lưu niệm. Đây là ngôi nhà hai tầng, giống như một bảo tàng quân sự thu nhỏ, trưng bày những chiến tích, chiến cụ cùng sa bàn trận địa của cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm giữa hai bên Giải Phóng và Quốc Gia năm 1972. Nhìn toàn cảnh chiến trường xưa, lòng tôi chợt nhói lên kinh hoàng về một thời đẫm máu và nước mắt. Cánh cổng phụ phía tây thành còn lại như một chứng tích khủng khiếp bởi hàng trăm vết đạn xuyên qua như mắt sàng mặc dù nó được làm bằng thép 7 ly.
Trên trời mây trắng vẫn lững thững bay ra biển. Cỏ non Thành Cổ vẫn tươi xanh như lời ca của một bài hát mới sáng tác gần đây, bất giác tôi nhớ đến mấy câu thơ bộc lộ cảm xúc rất chân thành của một tác giả nào đó tôi không nhớ tên, nhưng thật tiếc là nó vẫn chỉ là sản phẩm cuối cùng trong chuỗi những kỹ thuật thượng thặng của công nghệ tuyên truyền:
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm.
Nhớ lại lúc ở nhà lưu niệm trong khuôn viên Thành Cổ, một nhà thơ trong đoàn hỏi người lính thuyết minh rằng, quân số thương vong của chúng ta là bao nhiêu khi công bố 26 ngàn lính Việt Nam Cộng hòa tử trận.
Anh bộ đội trẻ lặng đi một lúc rồi từ tốn nói:
- Thưa các bác, số thương vong của quân ta Bộ Quốc phòng chưa thống kê được!
Nghe xong, nhà thơ Nguyễn Ngọc San, một trong những cựu chiến binh Trường Sơn ghé tai tôi nói nhỏ:
- Mỗi ngày đêm ít nhất “nướng” một đại đội, cứ tính sơ sơ mỗi đại đội một trăm người, nhân với 81 ngày thì sẽ ra, việc gì phải hỏi. Mà đó mới chỉ là số hy sinh trong thành, còn những đơn vị “bị” ở bên kia sông Thạch Hãn cũng không ít đâu.
Ông nói đúng. Khỏi phải bình luận gì thêm đễ đỡ làm đau thêm các linh hồn trẻ đang yên nghỉ dưới thảm cỏ non Cổ Thành.
Ngay đêm hôm ấy, trong nhà nghỉ thị xã Đông Hà, cách Thành Cổ không xa, Nguyễn Ngọc San đọc cho tôi nghe bài Cổ Thành Quảng Trị mới sáng tác:
Cổ Thành chẳng thấy thành đâu
Một vuông đất hẹp vùi sâu vạn người.
Bát hương cháy đỏ giữa trời
Khôn thiêng một nén cho nguôi ngoai lòng.
Cổ Thành máu chảy thành sông
Xương gom thành núi thành không còn thành.
Bên ni, ừ cả bên tê
Thành hoang, gạch vụn gửi về mai sau.
Bài thơ chỉ có 8 câu, nhưng nghe xong tôi chợt bàng hoàng bởi sức nặng của những vần lục bát. Nó chẳng những tuyệt vời về mặt cấu tứ mà còn bộc lộ một cái nhìn mới, một cách cảm nhận mới về chiến tranh sau khi có độ lùi 34 năm... Về một mặt nào đó, ta còn có thể xem bài thơ là lời sám hối muộn mằn, nhưng cần thiết cho những thế hệ sinh ra sau, khi đất nước đã im tiếng súng để chọn con đường đến tương lai mà không cần nổ súng vào nhau”.
Bài ký Cổ Thành Quảng Trị nói lên được nỗi lòng của những người sau cuộc chiến, nhưng khi đọc đến mấy lời của ông Sinh coi bài thơ là lời sám hối thì chúng tôi khựng lại tự hỏi Ai Sám Hối? Nhà thơ Nguyễn Ngọc San không gây ra cuộc chiến mà chỉ là một người trong lớp lớp thanh niên theo lệnh của Đảng Cộng sản xẻ dọc Trường Sơn đi giải phóng miền Nam với kết quả là sau cuộc chiến nghĩa trang liệt sĩ mọc lên như nấm sau cơn mưa, với dân oán nước nguy, thì lời sám hối nếu có, phải là lời của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhưng không, Đảng Cộng sản đã coi đó là những chiến thắng để cho đảng tung hô với pháo bông liên hoan và biểu ngữ đỏ đường để mừng ngày mà đảng đã dùng những nghĩa trang liệt sĩ trên khắp nước như những lớp đá lát đường để Đảng Cộng sản trở về tư sản, và những cán bộ đảng đã đưa gia đình con cái của họ qua Mỹ, Canada và Úc... để tránh cái xã hội mà đảng đã xây dựng với mấy chữ cộng sản và xã hội chủ nghĩa.
Vinh quang đường về tư sản
Sự vinh quang của đảng Cộng Sản trên đường về tư sản đã hiện rõ ở mấy điểm sau:
1. Biến nhân dân thành nguồn để ăn cướp
Chính sách cởi trói, công nhận quyền làm ăn cá thể với quyền sử dụng đất đai dài hạn và chuyển nhượng đất đã thúc đẩy canh tác, nên chỉ sau một năm Việt Nam đã có thể xuất cảng gạo. Nhưng việc cởi trói đã gây nên một trận chiến mới ở nông thôn và cả thành thị. Đó là trận chiến cướp đất và giữ đất. Vẫn là đấu tranh giai cấp, nhưng bây giờ là đấu tranh giữa nông dân và đảng viên cộng sản. Trận chiến ngày càng khốc liệt, đã và đang diễn ra dưới nhiều hình thức. Trong đó có hai hình thức phổ biến nhất:
Thứ nhất, đảng viên thành địa chủ:
Sau cải cách ruộng đất ở miền Bắc, rồi miền Nam sau 1975, chế độ Cộng sản đã hủy diệt giai cấp địa chủ, phú nông, trung nông và tiểu nông để chỉ còn lại một giai cấp nông dân vô sản. Nhưng với chính sách cởi trói nông nghiệp (nghị quyết 10), chế độ lại tái tạo một giai cấp địa chủ mà lâu nay dân đã gọi là đám cường hào ác bá mới với 3 tầng bóc lột:
- Dùng quyền để ấn định những thứ thuế phi pháp trong vùng họ cai trị và chiếm nhiều đất để trở thành địa chủ.
- Nông dân có ít đất đã phải đi làm thuê cho địa chủ mới và do không có luật pháp bảo vệ, nông dân làm thuê đã bị bóc lột tàn tệ.
- Tầng lớp địa chủ mới đã cho nông dân thuê nông cụ và cho vay với lãi cao gấp 3 lần lãi thường. Từ đó nông dân nghèo đã tùy thuộc vào tầng lớp cường hào ác bá mới với nợ chồng chất, mà nhà thơ cộng sản Nguyễn Duy trong bài thơ Nhìn từ xa...Tổ quốc đã đúc kết thành mấy câu:
Lãnh chúa sứ quân san sát vùng cát cứ
Lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa
Luật pháp như đùa – như có – như không.
Thứ nhì, đảng viên cướp đất bán cho tư bản ngoại quốc
Từ thập niên 1990 đến nay, theo đà phát triển kinh tế thị trường XHCN, đất là nơi dễ làm giàu nhất, nên đất của nông dân (nhà cửa, ruộng vườn) đã bị thu hồi dưới nhiều cái tên như giải phóng mặt bằng, phục vụ qui hoạch các khu công nghiệp, các dự án đầu tư quốc tế... để đảng viên làm ăn với tư bản. Việc thu hồi đất này có bồi thường, nhưng là thứ bồi thường ăn cướp theo chế độ chuyên chính vô sản mà nhà văn Nguyên Ngọc trong bài Đất và Nông dân đã nói: “Cái thứ đất quen thân, thống thiết, máu thịt với họ thế, mà bỗng nhiên trở nên rất đỗi kỳ lạ, ở trong tay họ, khi họ bị tước đi thì giá chỉ có mấy đồng, nhưng chỉ cần chuyển sang tay doanh nghiệp nào đó, một ông nước ngoài xa lạ, sang trọng nào đó thì bỗng có giá nhiều “tỷ” (tiasang.com/2/7/08).
Còn Luật sư Trần Lâm trong bài Luật Đất và Tam nông cho biết: “Đất thu hồi đền bù 23 triệu một sào (360 m2), thế rồi đo, vẽ, lên dự án, rồi bán, rồi mua: 15, 20 triệu/m2, thế là công an và dân xô xát. Tự điển thêm một từ mới “Dân Oan”, công an thêm một nhiệm vụ mới “Bảo vệ nhà đầu tư” (doithoai.com/9/15/08).
Từ đó dân oan đi khiếu kiện đã trở thành một phần lịch sử của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ vô sản trở về tư sản. Phần lịch sử này là thảm kịch của nông dân, vì hàng ngày, hàng tháng... lớp lớp dân oan lũ lượt kéo đến trụ sở tiếp dân tỉnh, thành phố, Quốc hội, dinh Chủ tịch, dinh Thủ tướng, Tổng thanh tra... trương biểu ngữ tố cáo đích danh những ông quan địa phương: Bí thư, Chủ tịch tỉnh, huyện xã cướp đất, cướp nhà và xin các quan trên đèn trời soi xét, cứu giúp. Nhưng quan trên không xét và khi nào dân oan tới nhiều quá làm phiền lãnh đạo thì quan ra lệnh cho công an nhân dân đàn áp, hốt quẳng lên xe chở đi, rồi liệng xuống ở một nơi nào đó như những con vật. Trước mắt những ông quan tư sản đỏ thì đây là đám người gây rối, mất trật tự, làm xấu bộ mặt thành phố, nhưng không thể bỏ tù và bắn bỏ, vì quá nhiều (hàng triệu) mà trong đó đa số là gia đình đã đi theo Đảng Cộng sản, đi theo Mặt trận Dân tộc giải phóng, nên đã dùng sách thời gian và trời đất để trừng trị dân oan. Họ tin rằng sự kiệt sức, cạn tiền và bệnh tật của dân oan sẽ giúp họ đưa những lớp sóng khiếu kiện ra biển Đông.
2. Biến nước thành nơi để rút ruột, tàn phá và ăn cắp
Xin ghi lại mấy thí dụ điển hình về chuyện rút ruột những công trình xây dựng:
- Trên mạng Nghệ An (10/7/17) ông Hoàng Phạm cho biết: Tuyến đường N5, con đường chiến lược kinh tế của tỉnh Nghệ An vừa mới đưa vào sử dụng được 3 tháng, con đường vốn ngân sách hàng nghìn tỷ đã hư hỏng, được chắp vá như “tổ đỉa”.
- Ông Thành Nam trong bài Điểm mặt các công trình giao thông đình đám vừa thông đã hỏng, đã ghi lại:
- Đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu (Hà Nội) dù chỉ dài 500m, nhưng được đầu tư tới 900 tỷ đồng, nên được mệnh danh là “đường đắt nhất hành tinh”, nhưng con đường này lại trở thành “đường hỏng nhanh nhất hành tinh”, vì chỉ mới thông xe vài ngày thì vỉa hè đã hư hỏng, phải đào lên lát lại.
- Cầu đường 5 kéo dài nằm trên quốc lộ 5 kéo dài, tổng mức đầu tư hơn 6000 tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ 2 tháng sau khi khánh thành, tuyến đường đã bị vỡ khe co giãn, trơ lõi thép tại cầu Ngũ Huyện Khê (Đông Anh, Hà Nội).
- Cao tốc Nội Bài dài 245 km, chạy qua 5 tỉnh thành, là dự án trọng điểm với kinh phí đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng. Nhưng chỉ sau 1 tháng thông xe (21/9/14), đoạn km 83 đã xuất hiện vết nứt kéo dài, nguy cơ sụt lún, phải cắm biển báo Nguy (infonet.18/12/14).
Xin ghi lại mấy chuyện điển hình về việc Phá rừng và đào khoáng sản:
Ông Tô Văn Trường, trong bài Tận diệt tài nguyên, đã viết:
“Điều đáng nói là ở Việt Nam, tình trạng “ăn dày” tài nguyên và bất chấp hậu quả đang là xu thế đáng báo động. Các địa phương được phân quyền, thiếu sự kiểm soát chặt chẽ của Trung ương theo quy hoạch nên chỉ nhằm vào những cái có sẵn nhiều hơn là tạo ra cái mới. Vì vậy, các tỉnh, thành đua nhau khai thác khoáng sản đem bán (chứ không phải để chế biến nâng cao giá trị), từ các mỏ kim loại nhỏ, đá granite, đá hoa, đá vôi ở phía Bắc đến quặng Titan ở ven biển miền Trung... Cũng chính “tư tưởng nhiệm kỳ” và “nền kinh tế tỉnh” đã khiến các địa phương lao vào tận diệt tài nguyên thiên nhiên như thế. Cái gì đẽo được là đẽo ngay, giống như chuyện cấp tập chặt cây xanh ở Hà Nội, dự án lấn sông Đồng Nai, lấp vịnh Nha Trang, loạn thủy điện, cho thuê dài hạn rừng phòng hộ ở biên giới, khai thác khoáng sản tại nhiều tỉnh thành” (Người Lao động 12/4/15).
Để nhìn cụ thể hơn, xin dẫn lời ông Liên Sơn, trong bài Dồi dào tài nguyên, khoáng sản, nhưng dân trắng tay: Tây Nguyên, nơi mà rừng được khai thác cạn kiệt để phục vụ làm giàu ngắn hạn cho các đại gia người Việt như Đoàn Nguyên Đức. Theo số liệu thống kê của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), công bố năm 2013, trong 5 năm (2007-13), 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Gia Lai, Kon Tum, Dăk Lăk, Dăk Nông, Lâm Đồng đã mất đi hơn 129.000 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên mất hơn 107.400 ha, rừng trồng mất trên 22.200 ha. Trung bình mỗi năm khu này bị mất hơn 25.700 ha rừng. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp lợi dụng trồng cao su, dự án thủy điện để phá rừng. Tây Nguyên trở thành bằng chứng điển hình về lối tư duy ăn xổi và sự bắt tay giữa các quan chức với cá nhân nhằm trục lợi bất chính dưới chiêu bài “Vì sự phát triển kinh tế” ở Việt Nam. (Việt Nam thời báo 13/10/2014).
Trong bài Nhà gỗ và xác dân, ông Trương Châu Hữu Danh cho thấy một tình trạng thê thảm hơn: “Chỉ trong vòng 40 năm, những cánh rừng bạt ngàn của Việt Nam gần như bị xóa sổ. Bao nhiêu năm chiến tranh, hứng chịu bom đạn, rừng vẫn bạt ngàn xanh “che bộ đội, vây quân thù”. Sau chiến tranh thì rừng mất sạch. Rừng đi đâu? Vào nhà các đại gia. Nhưng đại gia mê gỗ còn thua xa cán bộ. Trong một tháng chúng tôi đã đi khắp các cánh rừng Tây Nguyên, từ Dăk Nông đến Dăk Lăk, Gia Lai, rồi Kon Tum, Lâm Đồng, đâu đâu cũng thấy rừng bị tàn sát. Sau lệnh đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nạn phá rừng vẫn tràn lan. Gỗ ở K’Bang (Gia Lai) vẫn ào ạt chạy ra khỏi rừng, dù từ rừng ra ngoài chỉ có con đường độc đạo, có barie chắn ngang của lực lượng kiểm lâm. Gỗ ở Ngọc Hồi, Sa Thầy (Kon Tum) cũng ồ ạt chạy ra khỏi rừng cả đêm lẫn ngày – dù muốn qua chốt chặn phải “bay lên trời” mới thoát.
Ông Hữu Danh cho biết một sự thật là chính những ông lãnh đạo huyện, miền rừng núi đã là những lâm tặc cỡ lớn. Vì thế trên khắp giải đất hình chữ S này, nhà gỗ triệu đô không hiếm. Nhưng những ngôi nhà này không thuộc về giới siêu giàu, giới doanh nhân, mà trớ trêu thay lại là nhà của cán bộ. Một thực tế là nhà cán bộ càng to thì lũ càng lớn, dân chết càng nhiều. Những ngôi nhà xa hoa này được đánh đổi bằng mạng dân. Các vị ngủ có ngon không khi dưới chân mình là xác dân lập lờ trong lũ dữ?” (boxitvn. 2017/17/10).
Ông Bùi Quang Vinh, Bộ Trưởng Kế hoạch Đầu tư, tại một buổi thảo luận nội bộ của Đoàn Đại biểu Quốc hội cho biết: Nguồn thu chính của Việt Nam những năm vừa qua là khai thác tài nguyên đem bán. Năm năm nữa, dầu hết sẽ không còn gì để thu. Khoáng sản thô cũng đã bị đào bới mang bán hết rồi. Dầu khí từ 18 triệu tấn xuống dần 17, 15, 14 rồi 1 triệu và cuối cùng là đóng cửa. Và chúng ta tụt hậu. Ông Vinh cảnh báo: Nếu không đổi mới chúng ta sẽ chết. Chúng ta sẽ chỉ còn từ củ mài trở xuống để ăn thôi (nguoi viet.com/2411/2013).
Ông Vinh đã tuyệt vọng báo động về sự lụn bại của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng đó là lụn bại với dân, với nước, còn chính nền kinh tế ấy lại là môi trường thuận lợi cho lãnh đạo làm giàu. Ông nói chuyện hết dầu, nhưng đến tháng 3/2017, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí, trong một bức thư ngỏ đã cho biết: Việc ăn cắp dầu thô trên biển đã được thực hiện từ đời Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng, tính đến nay đã gần 30 năm, và lãnh đạo Đảng Cộng sản đã bán hàng trăm triệu tấn dầu ngoài biển. Với khách hàng là Nhật hay châu Âu thì có lẽ chuyện mua bán sòng phẳng, có hóa đơn chứng từ. Nhưng với khách hàng Trung Quốc thì khác. Chẳng hạn xuất bán 100.000 tấn thì họ trả 70.000 tấn qua ngân hàng có hóa đơn, còn 30.000 tấn được trả bằng tiền mặt trên tàu với giá chỉ bằng 50% giá thị trường. Từ đó, đời sống của lãnh đạo tập đoàn dầu khí vô cùng xa hoa lãng phí. Chỉ cần một cán bộ cấp trưởng phòng hay giàn trưởng... cũng có thể nói chuyện hàng chục triệu đô và chuyện mua nhà bên Mỹ hay châu Âu đối với họ là chuyện “cái móng tay”. Từ ngày ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm Thủ tướng và Đinh La Thăng lên làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí thì khách hàng khoảng 70% là Trung Quốc. Trong thời gian này giá dầu thô lên rất cao, có lúc hơn 120 đô/thùng, tức khoảng 850 đô/tấn. Chỉ tính trong 10 năm ông Dũng làm Thủ tướng, mỗi năm Việt Nam xuất bán 20 triệu tấn dầu thô, với lượng ăn cắp khoảng 6 triệu tấn/năm. Mỗi tấn tính rẻ 600 đô, như vậy là băng ông Dũng và Đinh La Thăng đã ăn gọn 36 tỷ đô (10x6x600).
Những biểu hiện khó tưởng tượng của giai cấp tư sản đỏ
Ở miền Bắc sau khi nông dân thành vô sản, có người đã sử dụng sào đất quanh nhà nuôi ít con gà lấy trứng, trồng ít luống cà chua đem bán, đã bị cán bộ Hợp tác xã cảnh cáo là không được để cho đầu óc tư sản nổi dậy. Ở miền Nam sau 1975, mấy bà, mấy cô giấu ít kí đậu, ít kí cà phê trong người đã bị công an tịch thu với lời dạy bảo: Mua chui, bán chui là đầu óc tư sản gian thương. Nhưng sau khi Đổi mới, trở về tư sản thì không có cái gì đè được đầu óc tư sản của đảng viên, cán bộ. Vì thế, cán bộ từ thấp đến cao đã tìm mọi cách ăn cướp để làm giàu và họ đã trở thành một giai cấp mới, giai cấp tư sản đỏ, mà phần trên đã nói. Còn ở phần này chúng tôi xin ghi lại mấy hiện tượng đặc biệt về sự phô bày giàu sang, phú quí của những ông quan ấy.
Thứ nhất, nhà và văn phòng của các quan đã trở thành mục tiêu làm ăn của trộm:
Tác giả Hương Khê trong bài Chọn mặt trộm vàng đã ghi tên mấy chục quan chức bị trộm tước đoạt tiền bạc với những số tiền hàng trăm tỷ đồng, hàng triệu đô và hàng trăm lượng vàng. Có một vụ đặc biệt với tên trộm vui tính là vào đêm 27/7/2014, trộm đã vào phòng làm việc của ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (nay là Bí thư Tỉnh ủy) lấy hàng chục tỷ đồng. Theo camera ghi lại, tên trộm sau khi khoắng được chiến lợi phẩm đã ung dung rải số phong bì và tiền ra bàn làm việc của ông Chiến, gồm 1 cọc tiền năm trăm triệu đồng (nguyên mác ngân hàng), 1 phong bì 10.000 USD ghi tên công ty Tratex, 1 phong bì 80 triệu đề tên đ/c Nhuần, Cục phó Cục Kiểm lâm, 1 phong bì 50 triệu đề tên Bộ phận Mầm non Sở GD&ĐT Thanh Hóa... để chụp ảnh và ghi lại lời nhắn với dòng chữ “Hẹn lại lần sau nhé” (Bacaytruc.15/10/2017).
Thứ nhì, các quan đã đua nhau xây dinh thự và biệt phủ nguy nga:
Nếu muốn thấy dinh thự của họ chỉ cần vào google vn, với mấy chữ Biệt thự của Chủ tịch, Bí thư tỉnh nào đó thì ta sẽ thấy được những toà lâu đài của họ. Chỉ vào google hơn nửa tiếng, chúng tôi đã có thể ngắm nhìn mấy chục biệt điện, biệt phủ, dinh thự đồ sộ với nhiều kiểu cách. Xin ghi lại mấy tên:
- Biệt phủ của Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường, Yên Bái.
- Biệt thự nguy nga nhất đô thị Hòa Mạc, Duy Tiên, Hà Nam của Bí thư Huyện uỷ Duy Tiên Nguyễn Đức Vượng.
- Biệt thự xây dựng trên đất rộng hơn 16.000 m2 tại xã Sơn Đông, Bến Tre của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
- Biệt phủ của gia đình ông Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an, Yên Bái.
- Biệt điện của Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Ngôi biệt thự rộng khoảng 474 m2, có giá khoảng 70 triệu vnđ/m2.
- Lâu đài nguy nga của ông Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm toán tỉnh Sơn La.
- Vườn Thượng uyển của con trai Bí thư tỉnh Hải Dương, Bùi Thanh Tùng, vườn có tường gạch bao quanh, xây kiểu cổ như ngự uyển của vua chúa ngày xưa. Trong vườn có kỳ hoa dị thảo với những cây cổ thụ quý hiếm (vườn trong thành phố thì những cây cổ thụ này chắc phải được đào từ xa đem về).
Thứ ba, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã biến tư dinh của mình bên hồ Tây thành sân rồng để vua ngự triều:
Ngày 1 tết Ất Dậu (19/2/15), đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, do Bí thư Trung ương đoàn Nguyễn Đắc Vinh hướng dẫn, đã tới chúc tết ông Nông Đức Mạnh, cho thấy tư dinh ông Mạnh đã trở thành 1 cung điện của thiên tử. Phải nói như thế, vì phòng khánh tiết (theo lời ông Mạnh) là một phòng rất lớn, lát đá hoa cương bóng lộn, đã không trưng bày đồ đạc gì ngoài bộ ngai vàng khắc đầu rồng với tượng bán thân Hồ Chí Minh, tất cả được nạm vàng. Nhìn suốt dọc phòng khánh tiết tới ngai vàng, ta có cảm tưởng đây là sân rồng để vua thiết triều. Nhìn ảnh ông Mạnh ngự trên ngai tiếp Bí thư Vinh, mặt hớn hở, dáng bệ vệ, có lẽ ông nghĩ ông đang ngự triều, còn bí thư Đắc Vinh và mấy chục học sinh và quan chức tới chúc tụng là quan, dân vào triều kiến.
Sau khi những bức ảnh được đăng trên báo Tiền phong online, cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, đã gây nên những làn sóng phê phán ông Mạnh sống xa hoa, phung phí, kệch cỡm, đồng bóng lố bịch mà với cung cách vua chúa ấy, ông Mạnh đã coi mình là Mạnh vương. Còn chúng tôi thấy đó là thảm kịch lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự bất hạnh của dân Việt và sự đáng thương của một ông Tổng bí thư, đầu óc quá thấp lại tăm tối. Nhưng đó là vinh quang của Đảng Cộng sản trên đường về tư sản.
Kết luận
Qua những sự việc và nhận định trên đây, xin được kết luận như sau:
1. Từ việc bỏ chế độ vô sản trở về tư sản và với những chính sách của chế độ độc tài tư sản, trên 3 thập niên qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tự hủy cái tên Đảng Cộng sản. Vì cộng sản sao được khi lãnh đạo và đảng viên đã tích tụ từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ Mỹ kim với cơ sở kinh doanh và biệt điện, biệt phủ trên khắp nước. Và cái tên xã hội chủ nghĩa cũng phải bỏ đi vì xã hội chủ nghĩa Mácxit-Lênin-nit cũng đã tự hủy khi đảng trở về tư sản. Còn xã hội chủ nghĩa phổ biến hiện tại trên thế giới như xã hội chủ nghĩa của những quốc gia Bắc Âu, Úc hay Canada với chính sách quân bình giàu nghèo và hệ thống an sinh xã hội vững chắc thì Việt Nam không thể đứng vào đây, vì những quốc gia ấy không có độc đảng, độc quyền, không có những tượng đài nghìn tỷ trước những đứa trẻ sinh hoạt như thú hoang (lời GS Ngô Bảo Châu). Trước sự thực ấy, ông Trọng và mấy trăm trung ương ủy viên nên tìm cho đảng một cái tên gì thích ứng với tài sản và những việc các ông đang làm. Các ông thử làm công việc chính danh một lần cho dân thấy, chớ làm triệu phú, tỷ phú đô la mà cứ phải mang cái xác cộng sản thì ngước mặt sao được trước những người dân đang sống bật máu quanh các ông.
2. Trên đường Phát triển chế độ tư sản kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, vì nhu cầu kéo dài chế độ, Đảng Cộng sản đã bám lấy Tàu và tự nguyện biến Việt Nam thành bãi rác công nghiệp của Tàu. Vì thế, 90% những dự án trọng điểm về điện, xi măng, hóa chất, cầu đường... đã lọt vào tay nhà thầu Tàu, và tất cả những dự án này, nhà thầu Tàu đều sử dụng máy móc, thiết bị lạc hậu Tàu đã phế thải. Vì thế, gần chục năm qua chúng ta đã nghe nhiều lời ta thán và cảnh báo về những bãi rác công nghiệp trên khắp nước. Về chuyện này, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân khi được dân hỏi đã thú nhận: “Có khả năng chúng ta trở thành bãi rác công nghệ của thế giới. Điều này chúng tôi thấy hoàn toàn có khả năng, nếu như chúng ta không có những giải pháp, những hàng rào kỹ thuật”. Thưa ông Nguyễn Quân, dân Việt đang khốn đốn trước những đống rác khổng lồ có tên như Bauxite Tây Nguyên, nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1,2,3, Bình Thuận, nhà máy giấy Lee & Man sông Hậu... như thế những thứ này không phải là bãi rác thải hay sao mà lại còn nếu với khả năng gì nữa. Còn chuyện giải pháp và hàng rào kỹ thuật thì mới đây (13/9/17), khi Quốc hội thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật chuyển giao công nghệ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hỏi: “Luật này rồi có khắc phục được Việt Nam đang và sẽ trở thành bãi rác công nghệ, hay là có giải quyết được vấn đề kiểm soát công nghệ và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước?” Hỏi như thế là bà Ngân đã hiểu rõ thực trạng của thứ luật như có như không và không tin vào việc thi hành luật của cơ quan nhà nước trong chế độ mà bà đang là một trong 4 nhà lãnh đại cao nhất nước. Sự việc này ông Tô Văn Trường trong bài Tận diệt tài nguyên đã cùng nhận định như bà Ngân khi viết: “Ở nước ta có hẳn một “rừng“ luật, nhưng lại vận động không theo luật” mà vận động theo lợi ích nhóm, mà nhóm ở đây là những tập đoàn của các quan tư sản đỏ. Thêm một việc sống động khác chứng thực mối lo của bà Chủ tịch Quốc hội là sau trận lụt chết trên năm chục người ở miền Trung vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng gỗ vẫn ào ạt chạy ra khỏi rừng trên những độc đạo, vì ông Phúc không thể hóa thân thành trăm Phúc để đứng gác những con đường ấy.
Như thế nhìn lại Việt Nam, chúng ta có thể nói, trên thế giới, những quốc gia như Hàn, Đài Loan, Singapore, Indonesia, Mã Lai, Thái Lan... người ta phát triển để nâng cao đời sống, còn ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì phát triển để nâng cao cái chết. Đó là con đường mà Đảng Cộng sản đã đi đến chỗ cùng của tham, ác và hèn và con đường ấy đã đẩy dân Việt tới chỗ cùng của cái sống bị cùng khổ, bị áp chế, bị tước đoạt và bị môi trường ô nhiễm đe dọa. Hai chỗ cùng này sẽ là nút chuyển lịch sử để dân Việt có thể đứng lên giành lại đời sống yên lành, đồng thời giải phóng cho Đảng Cộng sản./.
V.D.
Tác giả gửi BVN