Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

20210727. BÌNH LUẬN VỀ PHÁT BIỂU CỦA GS LÊ QUÂN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

3 ĐỀ XUẤT CỦA ĐẠI BIỂU LÊ QUÂN VỀ TĂNG CƯỜNG TỰ CHỦ ĐẠI HỌC

THUỲ LINH/ GDVN 25-7-2021
GDVN- Chúng ta phải coi học phí đối với người học là nguồn đầu tư và theo thông lệ quốc tế, học phí bao giờ cũng bằng hai năm tiền lương sau khi tốt nghiệp.

Sáng 25/7, tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Đại biểu Quốc hội Lê Quân (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề về phát triển nguồn nhân lực.

Đại biểu Quốc hội Lê Quân cho rằng, vấn đề tự chủ đại học và tự chủ ở trường nghề trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được nhiều thành công tuy nhiên trong quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc.

“Tôi cho rằng, trong 5 năm tới Chính phủ cần quan tâm hơn vấn đề này. Nếu chúng ta triển khai tốt về tự chủ đại học, tự chủ các trường nghề thì mới nhanh có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển”, Đại biểu Quốc hội Lê Quân nói.

Đại biểu Lê Quân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau thảo luận tại phiên họp. (ảnh: quochoi.vn)

Muốn được như vậy, Đại biểu Lê Quân chỉ ra 3 vấn đề cần điều chỉnh.

Thứ nhất, thời gian qua cơ sở giáo dục và cơ sở y tế đóng góp rất quan trọng vào cắt giảm chỉ tiêu biên chế, người hưởng lương vào ngân sách. Tuy nhiên chủ trương và tư duy của Chính phủ đã thay đổi, không còn hiểu tự chủ đi liền với cắt giảm chi thường xuyên của ngân sách nhưng trong quá trình triển khai nhiều cơ sở giáo dục còn lúng túng, việc chuyển từ cơ chế chi thường xuyên sang đặt hàng vô cùng khó khăn, thiếu hành lang pháp lý.

Vị này lý giải, những lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, hoặc sư phạm có đặt hàng đó là những chỉ tiêu cho khu vực công, còn lại khu vực tư thì đa phần các doanh nghiệp không thể ký đặt hàng trừ những doanh nghiệp lớn cần nhân lực kỹ thuật sâu và chuyên môn kỹ năng cao.

Do đó, trong thời gian qua có nhiều cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển sang tự chủ nhưng không nhận được chi thường xuyên.

Thấy rằng, ưu tiên cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp đòi hỏi ngân sách chi tăng lên hàng năm không thể giảm đi được. Do đó Đại biểu Quốc hội Lê Quân kiến nghị, trong thời gian tới cần có quan điểm chuyển chi thường xuyên cho các cơ sở tự chủ thành chi đầu tư, có thể không chi lương nhưng hoàn toàn chi đầu tư để giúp nâng cao chất lượng và thu hút người học.

Thứ hai, theo ông Lê Quân một vấn đề vướng mắc đó là quan điểm về thu học phí.

Hiện nay, mức học phí thấp, có nhiều quan điểm cho rằng cần có mức trần học phí tức là mức học phí cao nhất đối với cơ sở giáo dục.

Mức trần này thường đáp ứng rất thấp so với kỳ vọng, yêu cầu của các cơ sở giáo dục. Do đó, cần có quan điểm tư duy làm sao có chính sách tốt con em nghèo học giỏi, hoặc học sinh học giỏi có thể tiếp cận được học bổng và được học đại học. Phải đảm bảo học phí cũng là rào cản kỹ thuật, tránh việc học sinh lao vào học đại học trở thành “học đại”.

“Chúng ta phải coi học phí đối với người học là nguồn đầu tư và theo thông lệ quốc tế, học phí bao giờ cũng bằng hai năm tiền lương sau khi tốt nghiệp. Do đó, làm sao để cho các cơ sở giáo dục không nhất thiết phải tự chủ hoàn toàn mới được xác được học phí trên cơ sở định mức kinh tế, kỹ thuật”, giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.

Vấn đề thứ ba được đại biểu Lê Quân nêu ra là tư duy về tự chủ, thay đổi tư duy quản lý. Nhiệm kỳ trước có chuyển biến tốt, nhiệm kỳ này phải tự chủ mạnh hơn, làm sao quản lý chất lượng đầu ra và bộ chỉ số để đánh giá hiệu quả chất lượng của từng cơ sở, từng ngành nghề chất lượng việc làm và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tự chủ phải buộc từng cơ sở giáo dục giải trình được đóng góp của mình như thế nào đối với xã hội. Tự chủ mà hiểu theo nghĩa đếm m2, giáo viên để giao chỉ tiêu và can thiệp quá sâu vào vấn đề người chức danh này kiêm chức danh kia sẽ không phù hợp.

"Chúng ta có những quy định như bắt buộc đối với Chủ tịch Hội đồng trường phải là cán bộ cơ hữu nên đó cũng là hạn chế. Hay quan điểm, dạy chính quy xong mới dạy tại chức, dạy đại học xong mới dạy cao học, tư duy này cần thay đổi để đảm bảo các cơ sở được tự chủ về học thuật cao hơn", Đại biểu Lê Quân nêu quan điểm.

Thùy Linh
HỌC PHÍ TRƯỜNG CÔNG CẦN ĐƯỢC KHỐNG CHẾ, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRƯỜNG NÊN LÀ CƠ HỮU
THÙY LINH/ GDVN 26-7-2021
GDVN- Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, đối với hệ thống trường công, học phí phải được khống chế ở mức thu nhập trung bình của người dân nên cần phải có mức trần.

Tự chủ đại học, học phí luôn là vấn đề được quan tâm trong nhiều năm qua. Vấn đề này, ngày 25/7, tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Đại biểu Quốc hội Lê Quân (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề về phát triển nguồn nhân lực trong đó nhấn mạnh đến 3 vấn đề cần điều chỉnh khi thực hiện tự chủ đại học.

Lắng nghe phát biểu của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam – chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực giáo dục đại học đánh giá cao ý kiến của Đại biểu Quốc hội Lê Quân về “nếu chúng ta triển khai tốt về tự chủ đại học, tự chủ các trường nghề thì mới nhanh có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển”.

Về vấn đề “chuyển từ cơ chế chi thường xuyên sang đặt hàng” thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, nhiệm vụ, trách nhiệm của nhà nước là phải hỗ trợ cho giáo dục công lập trong đó có giáo dục đại học bởi người dân đóng thuế, thuế đó chuyển thành ngân sách nhà nước. Do đó không có lý gì các phúc lợi người dân được hưởng lại không có giáo dục.

“Theo như các tài liệu mà tôi đọc, nghiên cứu cho thấy, trong chi phí đào tạo thì học phí người học đóng góp chỉ chiếm 1/3 còn 2/3 là nguồn khác trong đó nguồn chính đối với đại học công lập là ngân sách nhà nước, mà ngân sách chính là thuế do người dân đóng góp do đó đúng là có chuyện doanh nghiệp đặt hàng các cơ sở giáo dục tuy nhiên trách nhiệm của nhà nước là phải hỗ trợ cho trường công”, Tiến sĩ Khuyến phân tích.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Xuân Trung)

Tuy nhiên Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng có một vài trao đổi về mức trần học phí hay đào tạo đại học thì mới được đào tạo sau đại học.

Theo đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, trên thế giới, có trường chỉ đào tạo sau đại học chứ không phải cứ đào tạo đại học thì sau đó mới được nâng lên để đào tạo sau đại học, do đó các ngành nghề ở bậc đại học và sau đại học không nhất thiết phải trùng nhau mà có thể là liên ngành hoặc theo hướng gần với nhau.

Ví dụ, đào tạo đại học là giáo viên dạy Toán, nhưng lên bậc sau đại học thì hoàn toàn có thể học về quản lý giáo dục, phương pháp giáo dục…

Còn về mức trần học phí thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, đối với hệ thống trường công, học phí phải được khống chế ở mức thu nhập trung bình của người dân nên cần phải có mức trần, trường tư thì học phí có thể vô hạn. Bởi chi phí đào tạo ở trường công bao gồm học phí và nhiều nguồn khác như ngân sách nhà nước, khoa học sản xuất, ủng hộ từ các Mạnh Thường Quân… do đó nếu cân bằng học phí với chi phí đào tạo là hoàn toàn sai lầm.

Nếu không cơ hữu thì Chủ tịch Hội đồng trường không thể đảm nhận Bí thư Đảng uỷ

Liên quan đến vấn đề quy định bắt buộc đối với Chủ tịch Hội đồng trường phải là cán bộ cơ hữu sẽ gây ra nhiều hạn chế. Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm – Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho rằng, trong thực tế, các thành viên ngoài trường hiện tại là đại diện các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp... nên khá bận công việc, tỷ lệ vắng họp khá cao, ý kiến phản biện còn hạn chế. Mô hình trường đại học hiện là đơn vị hành chính sự nghiệp, nên việc quản trị, quản lý điều hành khác nhiều so với mô hình doanh nghiệp.

Do đó, các thành viên ngoài trường thông thường chỉ có đóng góp có tính vĩ mô, chung chung. Các cơ chế, chính sách nội bộ hiện nay vẫn phải do nội bộ Trường xây dựng, trong đó Hội đồng trường có vai trò quyết định. Theo Luật 34/2018/QH14, Hội đồng trường có vai trò quản trị rất rộng, không chỉ là định hướng, mà còn là quyết định nhiều công việc cụ thể. Do đó, Chủ tịch Hội đồng trường là cơ hữu là hợp lý. Việc này cũng đồng nhất với Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch Hội đồng trường theo Nghị quyết 19-NQ/TƯ năm 2017. Nếu không cơ hữu thì không thể đảm nhận Bí thư Đảng uỷ.

Nếu Hiệu trưởng hoặc Giám đốc đại học sẽ kiêm Bí thư Đảng uỷ thì vai trò Hội đồng trường sẽ khó phát huy...

Phó giáo sư Nguyễn Khắc Khiêm (bên trái) và Tiến sĩ Phạm Trí Thành (bên phải) đều cho rằng, Chủ tịch Hội đồng trường nên là cán bộ cơ hữu

Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho rằng, Chủ tịch Hội đồng trường là cán bộ cơ hữu là hoàn toàn hợp lý. Vì công việc của Chủ tịch Hội đồng trường và Hội đồng trường rất nhiều và quan trọng trong cơ chế tự chủ, do đó chỉ có làm cán bộ cơ hữu mới toàn tâm, toàn ý gắn bó hữu cơ với sự nghiệp đào tạo của trường và đại diện cho tiếng nói của cán bộ viên chức trong toàn trường.

Hơn nữa, khi chủ tịch Hội đồng trường là cán bộ cơ hữu và nếu là người hiểu biết chuyên môn sâu của trường thì càng tốt, giúp ích cho quyết định chiến lược phát triển của trường được. Đó chính là tâm nguyện, mong đợi của tập thể cán bộ, người dạy, người học của trường đó.

“Nếu muốn thu hút người tài ở ngoài vào vẫn có thể mời làm Chủ tịch Hội đồng trường mà chỉ có yêu cầu là chuyển thành cơ hữu của trường thôi”, Tiến sĩ Phạm Trí Thành nhấn mạnh.

Thùy Linh
THUẾ HỌC
THÁI HẠO/ TD 25-7-2021

Bạn gửi cho cái hình kèm phát ngôn của một đại biểu trên diễn đàn quốc hội. Dù “choáng” nhưng mình liền trấn an, “chuyện thường ngày ở QH” thôi mà. Nhưng lại vốn tính tò mò, mình search xem tỉnh nào đã vinh dự có được vị đại biểu QH kỳ khu ấy, giật bắn cả mình: Giám đốc ĐH Quốc Gia Hà Nội, ông Lê Quân, ông này vừa được điều về từ vị trí chủ tịch tỉnh Cà Mau để lãnh đạo một đại học to nhất nước.

Ý ông giám đốc là nâng học phí thì người ta sẽ không đổ xô vào đại học nữa, và cũng khiến người học không thể học qua quýt một cách vô trách nhiệm được nữa. Thú thật là “nghĩ mãi không ra”, nếu vì mục đích ấy thì có nhiều cách, mà toàn là những cách khoa học, mang tính giáo dục và sẽ đảm bảo chất lượng chắc chắn hơn. Hay ông Lê Quân đang nghĩ theo một logic khác rằng, việc học cũng cần bị đánh thuế giống như bia rượu thuốc lá để hạn chế sự tiêu dùng vì sự độc hại của nó?

Nếu muốn người ta không “lao vào đại học” thì cần một cơ cấu ngành nghề mang lại thu nhập, tức là tạo ra những nhu cầu xã hội cũng như cơ hội việc làm để đáp ứng năng lực và điều kiện cho những người vừa rời ghế nhà trường phổ thông, chứ sao lại đánh vào túi tiền của họ để “ngăn ngừa” không cho họ vào đại học? Còn để đại học không trở thành “học đại” thì cái quyết định là nằm ở cung cách tổ chức dạy học, ở chất lượng đào tạo, ở khâu quản lý chuyên môn v.v., chứ sao lại mang tiền ra để hù dọa?

Tôi không nói rằng tăng học phí là đúng hay sai, cái tôi nói là lý do của việc tăng học phí kia, nó thuộc vào tư duy giáo dục. Cái tư duy này của một giám đốc đại học quốc gia thật là nguy hại vì, thứ nhất ông ấy (đại diện cho lãnh đạo giáo dục và quản trị xã hội nói chung) đã tự mình trút bỏ trách nhiệm, cái trách nhiệm mà dĩ nhiên là thuộc về các ông trong việc kiến thiết xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo.

Ông, thay vì làm cái công việc mà vị trí đã quy định cho mình thì lại bình thản đẩy nó sang người dân. Làm lãnh đạo như thế thì sướng quá! Cái nguy hiểm nữa của lối tư duy này là tạo ra sự bất bình đẳng trong giáo dục: những con cái nhà nghèo dù học giỏi thì cũng khó có cơ hội vào đại học; trong khi nhà giàu, dù học dốt thì vẫn thẳng tiến vào giảng đường. Hay ông Lê Quân đang xây dựng một nền giáo dục của người giàu mà ở đó người nghèo dù có tài năng cũng sẽ bị xua đuổi?

Đây là quan điểm cực kỳ “khôn ngoan” của một “nhà giáo dục”. Vì nó vừa khỏe lại vừa thu được nhiều tiền, dân gian gọi là “ngồi mát ăn bát vàng”.

Tự dưng mình lại thèm được làm giám đốc một đại học quá! Và tôi đề nghị đổi tên “học phí” thành “học thuế”/”thuế học” cho đúng bản chất hơn, từ “học giá” từng xôn xao trước đây đã lỗi thời rồi.

Thái Hạo

HỌC PHÍ VÀ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC

THÁI HẠO/ TD 26-7-2021

Khi còn đương nhiệm, ông bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu “Học phí thấp, khó đòi hỏi chất lượng giáo dục cao”. Và ngày hôm qua, Giám độc Đại Học Quốc gia Hà Nội Lê Quân một lần nữa khẳng định “phải đảm bảo học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại”. Như vậy theo các vị lãnh đạo của ngành giáo dục thì học phí và chất lượng giáo dục là tỉ lệ thuận với nhau. Tư duy này có nhiều điểm bất ổn.

Thứ nhất, giả sử sổ toẹt ra cái quan niệm rằng dịch vụ giáo dục là một loại hàng hóa, thì loại hàng hóa ấy có tính chất gì và cần đảm bảo logic nào trong kinh doanh?

Đúng, tiền nào của ấy. Vấn đề là anh có “của” để bán hay không? Bởi giáo dục không phải là một mặt hàng thông thường chỉ cần nhập khẩu một cách đa dạng về để đáp ứng nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi người mua; mà chất lượng giáo dục gắn chặt với con người, với bộ máy cho nên nếu anh chưa thay đổi những yếu tố ấy thì không có gì đảm bảo được rằng khi tôi bỏ tiền nhiều thì sẽ chắc chắn nhận về một món hàng giáo dục tốt.

Thứ 2, xét về logic, nếu anh muốn bán một món hàng bằng giá cao thì trước tiên món hàng ấy cần có chất lượng tốt trước đã. Đối với giáo dục, không phải là “tiền nào của ấy” mà phải là ngược lại, “của nào tiền ấy”. Anh có cái “của nào” ấy chưa mà đòi lấy tiền nhiều? Nếu anh có rồi thì làm ơn trưng ra. Còn anh bảo “Cứ đưa tiền trước đã, tôi sẽ dùng tiền ấy để chế tạo cho anh món hàng tốt tương ứng” thì ô hô, anh khôn quá! Muốn kinh doanh thì trước tiên anh phải bỏ vốn để đầu tư và tạo ra sản phẩm tốt rồi mới đưa ra thị trường, không ai bán hàng mà lại dám đòi khách hàng trả tiền trước khi có hàng bao giờ. Khôn như thế quê tôi đầy!

Đó là chưa nói nếu rủi, số tiền tôi bỏ ra để mua món-hàng-chưa-có kia mà ông lại sản xuất thất bại thì tính sao đây? Ai sẽ hoàn vốn cho tôi? Và nhất là các ông sẽ lấy cái gì ra để trả lại 4 năm thanh xuân đại học của tôi? Rồi cả cuộc đời tương lai của tôi, ai sẽ chịu trách nhiệm? Đến đây, nếu các ông giám ký giao kèo rằng, nếu không giao hàng đúng chất lượng thì chúng tôi sẽ ngồi tù chung thân hoặc bị xử bắn thì ô kê, mua (tất nhiên là bản giao kèo ấy cần được pháp luật xác nhận thì tôi mới chơi).

Bán cái mình không có (hoặc chưa có) thực ra là bán lời hứa. Các ông định kinh doanh lời hứa ư? Đất nước này đã có quá nhiều lời hứa rồi, đa phần là “họ hứa”, cứ hứa cho sướng mồm cái đã, đường nào thì hết nhiệm kỳ các ông cũng về, cần gì phải e ngại mà không phát đi những cái “tầm nhìn” vĩ đại cho nó bay bổng! Đó là tôi chưa nói tới việc nhìn vào bộ máy và con người trong cái “công ty giáo dục” của các ông, không một ai có chút lý trí mà có thể yên tâm được về nó.

Kinh doanh giáo dục, ok, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi, nhưng trước tiên, làm ơn, hãy đưa sản phẩm ra đây, chúng tôi sẽ mua nó với đúng giá trị mà nó có. Đừng bán hàng theo kiểu trạng Quỳnh!

Thái Hạo

PHÁT NGÔN CỦA ÔNG LÊ QUÂN NGUY HIỂM TỚI MỨC NÀO ?

THÁI HẠO / TD 26-7-2021

Câu đầy đủ của ông Lê Quân là “phải đảm bảo học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại” (Báo Lao Động). Hôm qua tôi đã viết bài “Thuế học”, phê bình gay gắt quan điểm này của ông Quân, nhưng thấy vẫn cần phải nói thêm cho rốt ráo vấn đề.

Vấn đề của giáo dục không phải là “cản” người ta đi học, mà là chọn lựa. Anh phải thiết kế ngành giáo dục sao cho chọn được người giỏi và đào tạo ra người giỏi chứ không phải chỉ là lấy đủ chỉ tiêu về số lượng. Dùng tiền để “cản”, không cho họ “lao vào đại học” là một hạ sách cực kỳ nguy hiểm, vì nó hoàn toàn bỏ quên các yếu tố và mục đích khác – trong khi, đó lại là những mục đích quan trọng nhất của ngành này. Khi anh đề ra một phương pháp chỉ nhằm “cản” người ta đi học thì tôi sẽ gợi ý giúp anh những cách khác nữa, triệt để hơn như, dùng lý lịch, dùng bốc thăm, tổ chức thi chạy điền kinh hay chơi oẳn tù tì cũng được; cứ đủ số là dừng. Đây là một phương pháp hoàn toàn phản giáo dục. Nhưng tôi hiểu tại sao anh lại dùng tiền để “cản”, chúng ta rất hiểu nhau mà.

Đại học phải là một nơi đẹp đẽ, sang trọng, là giấc mơ của mỗi người chứ không phải là chỗ xú uế hay nguy hại để phải “cản” con người ta vào đó. Ông Quân đã gián tiếp xây dựng một hình ảnh đại học (và giáo dục nói chung) là một cái gì cần phải tránh xa vì sự gớm guốc của nó? Tình yêu với tri thức và những giấc mơ tinh thần cao đẹp của con người với “giáo đường của tri thức” sẽ bị hủy hoại bởi cái quan niệm này của một lãnh đạo đang nắm giữ linh hồn một đại học lớn nhất nước.

Khi ông muốn “cản” một cách chính đáng việc người ta vào đại học thì ông phải dùng các phương pháp thuần túy giáo dục để sàng lọc ban đầu như thi cử để đánh giá năng lực chứ sao ông lại dùng tiền? Dùng tiền thì ông chọn được ai? Chọn được người giàu, và chỉ người giàu (tôi không tin vào lời hứa sẽ hỗ trợ đối với người nghèo của các ông đâu!). Như vậy, học sinh phổ thông thay vì lo học cho giỏi thì từ chính sách này của ông Quân, chúng (và cha mẹ chúng) sẽ tập trung vào một mục tiêu khác: kiếm tiền. Như thế, ông đã làm thất bại không những giáo dục đại học, mà thông qua cái giải pháp này, ông chính thức sẽ hủy hoại luôn giáo dục phổ thông. Tội ông to lắm.

Ông Quân đã phạm phải một sai lầm nghiêm trọng khác trong việc thiết kế giáo dục đại học: tạo ra một quy trình ngược. Với đại học, cần mở rộng cửa vào nhưng thắt chặt đầu ra. Có như thế thì chất lượng giáo dục đại học mới được nâng cao. Đây là một cách khôn ngoan bậc nhất vì nó sẽ giúp các ông vừa thu được nhiều tiền (vì có đông người học), vừa chắc chắn về sản phẩm đầu ra. Và từ đó, nó sẽ tạo thành văn hóa, người ta sẽ không “lao vào đại học” nữa khi chứng kiến bài học gian nan từ người khác. Rồi từ đó, họ sẽ tự tìm một hướng đi phù hợp với năng lực và sở thích của mình, xã hội sẽ ổn định và phân công lao động tự nhiên sẽ được thiết lập một cách êm ái.

Tóm lại, nhìn ở góc độ nào thì tư duy của giáo sư Lê Quân – giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – cũng là không thể chấp nhận được, vì ở đó nó thể hiện cả sự thiển cận, kém cỏi lẫn phi nhân. Ông Lê Quân nên từ chức.

Thái Hạo

MỘT TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC QUÁI GỞ

ĐOÀN BẢO CHÂU/ TD 26-7-2021

Trong khi xã hội văn minh động viên học đại học bằng cách giảm học phí hay thậm chí miễn phí như ở Đức thì vị giáo sư này lại muốn tăng học phí để tạo rào cản.

Tôi không biết vị này học ở đâu mà tư tưởng quái gở như vậy?

Một xã hội công bằng là một xã hội sẽ trao cơ hội giáo dục bình đẳng cho tất cả mọi người.

Tuy điều này không thể thành hiện thực một cách tuyệt đối bởi sự phân cấp giàu nghèo một cách tự nhiên, những trường đại học đắt tiền thì chỉ con nhà giàu mới có điều kiện học nhưng việc trao cơ hội giáo dục một cách bình đẳng không chỉ có ý nghĩa nhân văn, bình đẳng với các tầng lớp xã hội mà còn phát huy được nhân tài ở mọi tầng lớp xã hội.

Tôi đoán vị giáo sư này xuất phát từ một gia đình giầu có lắm nên mới có tư tưởng phân biệt, ngăn chặn cơ hội giáo dục với những tầng lớp khó khăn trong xã hội. Người có tư duy thông thường sẽ hiểu rằng thường con nhà nghèo rất ít có cơ hội học giỏi để có học bổng, trừ những cá nhân có tài năng đặc biệt.

Con nhà nghèo, nhất là ở nông thôn đã thiệt thòi khi mới bước vào đời bởi không được học thày giỏi, thời gian phải giúp bố mẹ làm ruộng, làm việc nhà, nếu có thể vào được đại học thì sẽ cơ cơ hội đổi đời và tương lai có thể giúp bố mẹ, làng xóm của mình.

Theo như tôi hiểu thì chúng ta đang sống ở chế độ XHCN và hướng tới thiên đường cộng sản tươi đẹp và lý tưởng của cộng sản là xây một xã hội bình đẳng trong ấy tầng lớp công nông là tiên phong. Chẳng thế mà xưa có phong trào long trời lở đất bắt giết cường hào địa chủ để chia nhà, chia ruộng cho bần cố nông, rồi cướp “có văn hoá” của cải, phương tiện sản xuất của người có của trong phong trào Cải tạo Công Thương nghiệp Tư bản Tư doanh ở thành phố.

Tất cả để tạo một sự cào bằng về tài sản, đưa cho con em công nông cơ hội đổi đời. Vậy mà vị giáo sư, lại là một đại biểu quốc hội này lại dám đứng ở quốc hội mà ngang nhiên nêu ra tư tưởng phân biệt giai cấp, phân biệt giàu nghèo như vậy. Chẳng lẽ cái lý tưởng kia chỉ là một trò đạo đức giả và đến nay mới ngang nhiên lộ chân tướng thật?

Giáo sư, lại là giám đốc một trường lớn mà dám công khai đưa ra tư tưởng phản động như vậy, nếu lên chức to hơn nữa thì con em công nông nghèo sẽ phải chịu cảnh lầm than đến đâu?

Đừng nghe việc cấp học bổng cho học sinh nghèo học giỏi mà lầm, người học giỏi chỉ là số rất ít, một nền giáo dục nhân văn phải có tác dụng đổi đời những con người bình thường.

Đoàn Bảo Châu

LẠI TIẾP TỤC 'HÂN HOAN, PHẤN KHỞI' 

TRÂN VĂN/ VOA 26-7-2021

Ông Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng được hệ thống chính trị Việt Nam lựa chọn, giới thiệu để làm đại biểu của dân chúng tỉnh Cà Mau tại Quốc hội khóa 15 - vừa khuấy động dư luận khi cho rằng: Học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại” (1)!

***

Theo tường thuật của hệ thống truyền thông chính thức thì khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm nay, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới (khóa 15), ông Quân đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự chủ đại học.

Theo ông: Tự chủ đại học không có nghĩa là cắt bỏ sự hỗ trợ cho các đại học từ công quỹ. Muốn phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp thì phải tăng chi từ công quỹ chứ không thể giảm, có như vậy mới nâng cao chất lượng, thu hút người học. Vì mức học phí còn rất thấp so với kỳ vọng và yêu cầu của cơ sở giáo dục nên một mặt, vừa phải bảo đảm quyền lợi của người học để học sinh giỏi, học sinh nghèo nghèo có thể tiếp cận được học bổng, bảo đảm quyền được học đại học Mặt khác, phải bảo đảm học phí là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại”…

Ông Quân nhấn mạnh: Phải coi học phí đại học là một nguồn đầu tư và thông lệ quốc tế, học phí bao giờ cũng bằng hai năm tiền lương sau khi tốt nghiệp… Chỉ khi triển khai tốt vấn đề tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học và nghề nghiệp thì mới có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước…

Phát biểu của ông Quân có một số điểm đúng (phải giúp các đại học sớm tự chủ, gia tăng đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nếu muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển) nhưng những điểm đó không mớiĐáng ngại là một vài điểm mới, đặc biệt là dùng học phí là rào cản kỹ thuật hoàn toàn… không đúng!

***

Bởi ông Quân lập luận học phí đại học là một nguồn đầu tư và học phí bao giờ cũng bằng hai năm tiền lương sau khi tốt nghiệp là… thông lệ quốc tế nên cần tăng học phí, dùng học phí làm… rào cản kỹ thuật để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước nên có lẽ cần nhìn qua thiên hạ một chút…

Bàn về tương quan giữa học phí với nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của một quốc gia, có lẽ nên chọn Đức vì hai lý do: Một, Đức là quốc gia thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Hai, Đức đã, đang và sẽ còn tiếp tục tiếp nhận hàng chục ngàn học sinh từ phía Bắc cho tới miền Nam Việt Nam đổ đến học đại học cũng như học nghề. Gia cảnh của đa số du học sinh chọn Đức chỉ bình thường hoặc trên bình thường một chút nên các bạn và gia đình không thể hoặc không dám chọn du học tại: Mỹ, Canada, Úc ,…

Hàng chục ngàn du học sinh và thân nhân của các bạn tại Việt Nam chính là nhân chứng hoặc sẽ giúp bất kỳ ai muốn kiểm chứng điều này: Rằng gần như toàn bộ đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại tại Đức không thu học phí ngay cả với du học sinh (học sinh, sinh viên ngoại quốc). Chỉ có đại học của 1/16 bang thu học phí ở mức 1.500 Euro/học kỳ (2). Thậm chí, vì Đức ngữ không phổ biến, những người đã tốt nghiệp đại học ở bên ngoài nước Đức, có thể xin đến Đức học thạc sĩ, tiến sĩ trong các đại học Đức bằng tiếng Anh. Ngoài chuyện miễn học phí, du học sinh có quyền đi làm thêm, miễn phí hoặc chỉ phải trả một khoản phí rất nhỏ khi sử dụng các phương tiện công cộng và bảo hiểm y tế...

Đức được gì khi làm như thế? Phần lớn du học sinh sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học hoặc các chương trình đào tạo sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) của Đức đều tìm việc làm tại Đức, rồi xin định cư ở Đức. Xét cho đến cùng, chi phí nuôi dưỡng, giáo dục một cá nhân từ khi sinh ra cho đến lúc tốt nghiệp trung học hay đại học dẫu là “cơm cha, áo mẹ, công thầy” nhưng vẫn là tài sản xã hội… Đức chỉ “đầu tư” vài năm học phí nhưng thị trường lao động Đức liên tục được bổ sung bởi nhân lực chất lượng cao thuộc đủ mọi lĩnh vực, chưa kể những du học sinh và thân nhân của họ còn biết ơn nước Đức.

***

Ông Quân đề cập đến học phí – thông lệ quốc tế nhưng ông có biết chuyện Đức đã làm trong vài thập niên để vươn lên, trở thành một trong những quốc gia không những dẫn đầu châu Âu mà còn dẫn đầu thế giới? Chẳng lẽ Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội không biết hoặc biết mà không thấy có gì để nghĩ?

Cứ nhìn vào thực trạng giáo dục nói chung, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nói riêng sẽ thấy ông Quân cũng như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chỉ nhìn thấy tiền, chỉ muốn vừa thu tiền, vừa huyên thuyên về nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước!

Ý tưởng: Học phí phải là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học và trở thành “học đại” không chỉ bất trí, bất nhân mà còn bất nghĩa? Trong 499 đại biểu Quốc hôi, ít nhất cũng có một đại biểu Quốc hội, nay đang làm Chủ tịch Quốc hội từng ôn nghèo, kể khổ về một thời… “dữ dội” cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, thậm chí phải dùng… “đom đóm để học bài” (3). Ngày xưa, ông Huệ có thể học hành tới nơi, tới chốn chính là nhờ nguồn lực do toàn xã hội đóng góp. Nếu học phí thật sự được dùng làm rào cản kỹ thuật như đề nghị của ông Quân, giờ này, có lẽ ông Huệ vẫn còn đang luẩn quẩn đâu đó huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An...

Có bao nhiêu đại biểu trong Quốc hội khóa này từng trải qua… “tuổi thơ dữ dội” như ông Huệ? Không rõ song chắc chắn là không ít. Có bao nhiêu đại biểu thấy ý tưởng của ông Quân không ổn, tước đi cơ hội học hành, khả năng thăng tiến trong tương lai của nhiều cá nhân, triển vọng đổi đời của nhiều gia đình? Chưa có! Chỉ có ông Huệ long trọng thưa với đồng bào: 499 đại biểu khóa này (trong đó tất nhiên có ông) là kho tàng kiến thức, kinh nghiệm vô giá (4)!

Hai ngày trước khi ông Huệ khẳng định như thế, ông Trọng (Tổng Bí thư đảng CSVN, cũng là Đại biểu Quốc hội) từng tuyên bố với đồng chí, đồng bào rằng: Cả nước đang hân hoan, phấn khởi trước thành công rực rỡ của Đại hội Đảng 13 và kết quả tốt đẹp của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 15 (5)! Ai hân hoan, phấn khởi xin mời!

Chú thích

(1) https://laodong.vn/giao-duc/hoc-phi-phai-la-rao-can-de-tranh-viec-vao-dai-hoc-tro-thanh-hoc-dai-934349.ldo

(2) https://www.trabi.vn/du-hoc-duc.html

(3) https://www.baogiaothong.vn/cau-tro-ngheo-hoc-gioi-vuong-dinh-hue-trong-ky-uc-thay-co-d501365.html

(4) https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-chu-tri-hop-bao-sau-kien-toan-nhan-su-758536.html

(5) https://baodantoc.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-phien-khai-mac-ky-hop-thu-nhat-quoc-hoi-khoa-xv-1626751773986.htm

TƯ DUY TIỂU NÔNG

VÕ ĐẮC DANH/ TD 26-7-2021

Năm 1971, khi mẹ tôi đưa tôi về quê ngoại để đi học, một bà hàng xóm nói: “Biết đọc biết viết, biết cộng trừ nhân chia là được rồi, nông dân mình lấy táo đong lúa chớ có ai lấy táo đong chữ đâu”.

Năm 2007, GS Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục phát biểu trong một hội nghị: “Biết rằng tăng học phí sẽ có một tỷ lệ học sinh nghỉ học, nhưng chúng ta phải chấp nhận để tăng học phí”.

Lúc bấy giờ, chị Mai Lan, phóng viên báo SGGP viết một bài thời luận phê phán ý kiến của ông Nhân. Vài ngày sau, ông ấy gởi công văn phản bác, có đoạn viết: “Tôi, GS Nguyễn Thiện Nhân, với tư cách là Phó Thủ tướng chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ giáo dục, tôi không bao giờ phát biểu một câu vô cảm và vô trách nhiệm như thế, đề nghị BBT báo SGGP cung cấp chứng cứ…”. Tổng biên tập lúc bấy giờ là nhà thơ Dương Trọng Dật làm công văn giải trình và cử anh trưởng văn phòng đại diện của báo tại Hà Nội mang băng ghi âm tới nhà riêng mở cho ông Nhân nghe. Sự việc êm xuôi.

Năm 2021, GS-TS Lê Quân, giám đốc đại học quốc gia Hà Nội phát biểu tại diễn đàn quốc hội: “Nên dùng học phí làm hàng rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào đại học…”.

Cũng tại diễn đàn nầy, chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ tự hào nói rằng: “499 ĐBQH khóa XV là kho tàng kiến thức, kinh nghiệm vô giá.”

Xin thưa, cái kiến thức và kinh nghiệm của ông Lê Quân (Gọi là GS-TS đang đứng ở vị trí quan trọng trong ngành giáo dục) thuộc loại tư duy “Lấy táo đong lúa” của giới tiểu nông thời khẩn hoang Miền Nam hơn trăm năm trước, cái tư duy mà mẹ tôi và nhiều nông dân khác đã vứt bỏ cách đây hơn 50 năm khi chèo xuồng tiễn con đi học. Nó chỉ còn sót lại trong số ít người như bà hàng xóm của tôi lúc ấy mà thôi.

Để quốc hội xứng đáng là cái kho tàng kiến thức và kinh nghiệm vô giá như niềm tự hào của ông Vương Đình Huệ, tôi để nghị ông nên miễn nhiễm tư cách đại biểu ông Lê Quân, đồng thời các cơ quan nhà nước nên thu hồi học hàm giáo sư và học vị tiến sĩ, cách chức giám đốc đại học quốc gia của ông ấy, trả ông ấy về kiếp tiểu nông cho cho phù hợp với não trạng của ông.

Võ Đắc Danh

GS LÊ QUÂN CÓ XỨNG ĐÁNG LÀ GIÁO SƯ VÀ NHÀ CHÍNH TRỊ 

HAY KHÔNG ?

KIM VĂN CHÍNH/ TD 26-7-2021

1. TẠI SAO PHẢI ĐỂ Ý GS LÊ QUÂN

Tôi không hề để ý đến trường hợp GS Lê Quân, một nhân tố trẻ và mới trong bổ nhiệm cán bộ mấy năm vừa qua, cho đến khi nghe ông ấy phát biểu trước Quôc hội hôm qua (25/7/21).

Phát biểu của Lê Quân, nhất là ý phải tăng học phí như một rào cản kỹ thuật để cho học sinh không lao vào đại học, buộc tôi phải chú ý đến ông.

Tư liệu trên các trang như Wikipedia và các báo (xem ảnh) cho chúng ta biết:

– Lê Quân trưởng thành về đào tạo, học thuật theo hệ đào tạo Pháp – Việt của Đại học thương mại. Ai ở Hà Nội và có hiểu biết về ngành giáo dục đại học và sau đại học đều rất hiểu chương trình này. Những ai đi học theo hệ kỹ thuật bên pháp thì rất khá, nhưng những ai đi học theo hệ quản trị thì cũng rất tầm thường. Lê Quân là sinh viên, thạc sỹ, tiến sỹ và sau tiến sỹ đều theo hệ quản trị.

– Lê Quân gắn sự nghiệp chính trị và cả khoa học nữa với ông Phùng Xuân Nhạ (ai cũng biết rồi). Vì vậy mới chuyển từ ĐH Thương Mại sang đầu quân cho ĐH Quốc gia, phụ trách Khoa Quản trị Kinh doanh liên kết nước ngoài đầy tai tiếng của ĐH Quốc gia, nơi Phùng Xuân Nhạ được bổ nhiệm GĐ. Có nhiều bài báo viết chung với ông Nhạ và theo đơn tố cáo của 1 giáo sư có uy tín, các bài báo này đều có dấu hiệu sao chép, vi phạm bản quyền…

– Bản thân thành tích khoa học của Lê Quân, tôi là người trong nghề dạy quản trị mà không hề biết có ông GS quản trị tên Lê Quân. Nghĩa là tôi không hề biết gì về thành tích, đóng góp khoa học quản trị và các công trình để trích dẫn dạy học… Trong 6 bài báo đăng quốc tế, có đến 5/6 bài toàn đăng ở các tạp chí “gà rừng”, tức tạp chí “lá cải”, tức là các tạp chí mà giới khoa học quốc tế coi là chuyên mồi chài lấy tiền đăng bài chứ chất lượng khoa học rất thấp…

– Lê Quân được bổ nhiệm tiến thân trên đường chính trị rất nhanh (xem ảnh kèm).

2. BÀI HỌC CỦA KHỔNG TỬ

Chuyện kể trong giai thoại Hậu Khổng tử (Tân Luận ngữ), rằng Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn luôn cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ không theo học nữa để về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo của thầy.

Tử Cống thấy vậy hỏi thầy:

– Người ấy về nước rồi làm quan có sao không?

Khổng Tử rung đùi đáp:

– Không sao.

Lại hỏi tiếp:

– Làm tướng có được không?

Khổng Tử vuốt râu đáp:

– Được.

Lại hỏi tiếp:

– Thế nhỡ về làm giặc?

Khổng Tử vừa ngáp vừa trả lời:

– Cũng không hại gì!

Bấy giờ Tử Cống mới yên tâm mà thủng thẳng bạch với thầy:

– Nghe nói Mỗ ấy xin về nước chỉ để làm thầy!

Khổng Tử vừa nghe câu đó, bỗng giật nẩy mình. Thế là chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc giải, vội vàng chạy bắn ra khỏi cổng!

Học trò đuổi theo hỏi:

– Thầy chạy đi đâu?

Khổng Tử vừa thở vừa đáp:

– Sang ngay nước Đằng.

Học trò lại hỏi:

– Thầy sang nước Đằng làm gì?

Khổng Tử vẫn vừa chạy vừa trả lời:

– Sang ngăn không cho tên Mỗ này làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ!

3. KẾT LUẬN GÌ

– Ngày xưa, các trí thức lớn lộ diện khá nhiều, một trong những cơ quan tập trung làm việc là Đại học Quốc gia Hà Nội và ĐH Bách khoa bây giờ. Lãnh đạo các khoa, lãnh đạo trường, và nhất là lãnh đạo Bộ Đại học đều là những trí thức thực thụ, không những có thành tích khoa học cao, mà còn là mẫu mực về đạo đức, tác phong, cả phong độ (tướng mạo) nữa. Họ thường là những nhà khoa học lớn về khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Ngày nay, từ hồi Nguyễn Minh Hiển, Phạm Vũ Luận, rồi đến Phùng Xuân Nhạ, là một thoái trào về cán bộ ngành GD đại học, kết tinh ở anh hề Nhạ có đệ tử là Lê Quân.

– Lê Quân lập thân ở ngành dạy học, nhưng lập danh lại chuyển rất nhanh sang chính trị (giống ông Nhạ). Đây có thể kết luận là kiểu cơ hội chủ nghĩa điển hình núp danh nhà khoa học, trí thức để tiến thân.

– Phát biểu của lê Quân tại Quốc hội chứng tỏ ông ta thiếu hiểu biết về chính ngành mình làm việc, chính là giáo dục đại học, thiếu nhãn quan chính trị của một nhà tổ chức giáo dục. Có thể ông ta chính là nhân vật Mỗ điển hình trong câu chuyện giai thoại về Khổng Tử.

– Nhiệm kỳ qua, công luận tốn khá nhiều công mới truất phế được một tên bất tài, vô dụng nhưng chui sâu, leo cao là Phùng Xuân Nhạ, nay tiếp tục có học trò, cộng sự của Nhạ là Lê Quân tiếp tục chui rất sâu vào bộ máy. Rất may là kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, phát biểu vài câu trực tiếp trước Quốc hội cho thấy ngay trình độ và động cơ…

Mọi người hãy chịu khó nghe hết bài phát biểu ở link dưới.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/gs-le-quan-dung-hoc-phi-lam-hang-rao-chong-lao-vao-hoc-dai-20210725113426515.htm

GỞI ÔNG QUÂN, ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, GIÁM ĐỐC ĐẠI HỌC QUỐC GIA

 HÀ NỘI

NGUYỄN ĐÌNH TRỌNG/ BVN 27-7-2021

Tôi là 1 người dân, khả năng nhận thức có hạn, không Yên Bát và giỏi như ông, như 499 tinh hoa trí tuệ đại biểu quốc hội. Tôi có đồng ý một số điểm trong phát biểu của ông. Tuy nhiên, có mấy thắc mắc về bài phát biểu của ông như sau:

1. Nếu dùng học phí làm rào cản vào đại học nghĩa là chấp nhận quốc gia mất gốc nhân tài, mất người giỏi, mất gốc giáo dục với mục tiêu nhân văn. Vì những người giỏi và cận giỏi, là con em nông dân, gia đình nghèo sẽ phải từ bỏ ước mơ thành các nhà khoa học, thành người giỏi để cống hiến. Đất nước sẽ lụi tàn đấy ông ạ.

2. Ông có đề cập đến học bổng cho sinh viên giỏi để khắc phục điều ông nói. Vậy xin hỏi ông, học bổng hiện nay giúp được bao nhiêu sinh viên giỏi đến trường được. Ông làm giáo dục mà phi giáo dục, không nắm được gì thực tiễn cả. Hiện nay số học bổng dành cho giỏi xuất sắc chứ giỏi khó có lắm, số lượng rất hạn chế. Hơn nữa đánh giá có được học bổng phải tham gia đảng đoàn các loại cùng với nhiều tiêu chí khác. Nhiều sinh viên giỏi xuất sắc muốn thành nhà khoa học, muốn giỏi thuần tuý chuyên môn giúp đời, giúp dân mà không thích tham gia đảng đoàn thì liệu họ có nhận được học bổng không? Nếu có đếm trên đầu ngón tay à? Thế là đồng nghĩa với việc học phí cao là chính sách tận diệt nhân tài tiềm năng có khả năng mà vì nghèo đấy ông Quân.

3. Ông cho rằng học phí thấp, càng tăng lên để ngăn cản vào đại học để học đại. Xin hỏi ông là ông có nắm được thu nhập người dân trung bình và nghèo là bao nhiêu không, thực tế nhé, đừng nhìn số rởm mà phán. Hiện nay nếu lấy 2 năm lương của mặt bằng chung đi, ví dụ Bs là 4,5 triệu/ tháng, 2 năm tổng khoảng 100 triệu. Mức này đủ đóng học phí 6 năm ở nhiều trường không? Chưa kể sinh viên ra trường chạy Grab, làm công nhân, thất nghiệp... vậy thu nhập họ bao nhiêu mà đóng học phí cho cao theo ý ông? Hiện nay nhiều trường học phí lên 5 hay 10 năm lương đấy ông Quân ạ.

Tôi tin chính sách ông đưa ra sẽ đưa người giỏi, cận giỏi sẽ lụi tàn, gác lại ước mơ cống hiến. Con đường sẽ nhường lại đám con nhà giàu thừa tiền học kém điền vào danh sách đại học thôi ạ.

Nếu một đại biểu Quốc hội mà không nắm được thực tiễn người dân, không có ý kiến tốt đóng góp giúp dân và công bằng thì nên thôi đừng làm. Bia miệng, tiếng đời ngàn năm còn đấy ông Quân!

Thân mến!

Nguồn: FB Nguyễn Đình Trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét