Thứ Tư, 7 tháng 7, 2021

20210708. VỤ TỬ VONG CỦA QUÂN NHÂN TRẦN ĐỨC ĐÔ

 ĐIỂM BÁO MẠNG

VỤ QUÂN NHÂN TRẦN ĐỨC ĐÔ: HÃY ĐỂ SỰ THẬT CẤT LỜI

UÔNG NGỌC DẬU/ TVN 1-7-2021

Sự việc quân nhân Trần Đức Đô ở Trường Quân sự Quân khu 1 chết bất thường đang được 5 đơn vị tiến hành điều tra.

Các đơn vị đang vào cuộc gồm: Phòng Điều tra hình sự Quân khu 1, Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng), Cục Bảo vệ an ninh quân đội (Bộ Quốc phòng), Viện Pháp y quân đội và Công an tỉnh Thái Nguyên.

Nên gọi đây là vụ quân nhân chết bất thường.

Bất thường, vì đây là tân binh, chết trong giờ hành chính, khi đơn vị đang huấn luyện, trong khu vực thao trường dã ngoại, địa bàn đơn vị đang kiểm soát; và ngay từ đầu, giữa gia đình và đơn vị có phát ngôn khác nhau.

Hãy để sự thật cất lời
Gia đình tổ chức tang lễ cho quân nhân Trần Đức Đô chiều 1/7 tại thôn Đa Hội, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: Nhị Tiến

Trong trường hợp cái chết này, ngay lúc này, ai đó nói quân nhân Trần Đức Đô chết do nguyên nhân nào, đều là vội vàng, chủ quan, và rất dễ vi phạm luật tố tụng. Bởi đây là vụ việc nghiêm trọng, một cái chết bất thường, có nhiều nghi vấn; đặc biệt, cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra.

Khi cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra, những nội dung khám nghiệm hiện trường, dựng hiện trường, thực nghiệm điều tra… chưa hoàn tất, chưa có kết luận chính thức, thì mọi suy đoán, suy luận, thậm chí, đi xa hơn, thay cơ quan điều tra kết luận, đều không được phép.

Nó sẽ tác động tiêu cực đến tính khách quan, tuân thủ sự thật của pháp luật; nó không có lợi trong việc trấn an dư luận, tạo đồng thuận xã hội, điều rất nên chú ý trong những vụ việc như thế này.

Lúc này, dư luận cần nghe thông tin chuẩn xác từ cấp đơn vị trực tiếp quản lý quân nhân, tiểu đội, trung đội, đại đội.

Vụ quân nhân chết bất thường là nỗi đau, trước hết cho gia đình quân nhân, đơn vị, đồng đội, thêm nữa, quân đội, cộng đồng xã hội. Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, huống hồ sinh mạng một quân nhân, từng tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ, được đánh giá là quân nhân tu dưỡng tốt, được chọn đi học lớp tiểu đội trưởng!

Cái chết bất thường, nhưng đừng để vụ việc thành phức tạp, nghiêm trọng.
Trong chế độ ta, môi trường xã hội, môi trường quân đội là rất ưu việt, tốt đẹp, nhưng không hoàn toàn vô trùng, vô nhiễm. Trong cuộc sống này, chuyện gì cũng có thể xảy ra. “Lò” đốt tiêu cực mà Tổng bí thư của Đảng nhóm lên từ nhiều năm qua vẫn thường xuyên đỏ lửa!

Vậy thì, đừng ngại ngần, hãy để sự thật cất tiếng nói!

Biết đâu, đây là cơ hội, để Quân đội càng xứng đáng là Quân đội Nhân dân, để Nhân dân thêm tin yêu Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu!

Uông Ngọc Dậu

HY VỌNG NGÒI NỔ SẼ ĐƯỢC THÁO VÀ  CÂU HỎI AI LÀ THẾ LỰC 

THÙ ĐỊCH Ở ĐÂY ?

LƯU TRỌNG VĂN/ TD 2-7-2021

Theo chỉ đạo của tướng Phan Văn Giang và lãnh đạo Bộ Quốc phòng, hàng loạt cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng như Cục Điều tra Hình sự, Viện pháp y quân đội, cục Bảo vệ An ninh quân đội đã vào cuộc điều tra sự thật về cái chết và nguyên nhân cái chết của binh nhì Trần Đức Đô.

Việc vào cuộc kịp thời ấy đã lấy lại niềm tin cho gia đình của Đô vì vậy 14h chiều qua Đô đã được gia đình an táng cùng vòng hoa với dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Trần Đức Đô.” của chính quyền địa phương và đơn vị quân đội.

Để xảy ra những xáo động dư luận về cái chết của Đô phải nói thẳng là do phát ngôn vội vã cũng như thái độ ứng xử không cẩn trọng của đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1.

Trong khi đó trao đổi với báo Thanh Niên sáng 30.6, thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng), khẳng định, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của quân nhân Trần Đức Đô và sẽ thông tin khi có kết quả chính thức.

Phát ngôn của tướng Đức đại diện cho Bộ Quốc phòng là chuẩn mực và đúng đắn. Tất cả phải chờ kết quả điều tra chính thức. Tuy vậy, thật ngạc nhiên sáng 1.7, cũng trao đổi với báo Thanh Niên, đại tá Nguyễn Xuân Thìn, lại tỏ ra bức xúc cho rằng nhiều trang mạng xã hội, diễn đàn bóp méo, xuyên tạc sự thật về cái chết của Đô.

“Chúng tôi cung cấp thông tin ban đầu là “phát hiện quân nhân Trần Đức Đô trong tư thế treo cổ”, nhưng một số tờ báo, trang mạng xã hội lại cho rằng đó là “tự tử” khiến sự việc đi theo hướng khác”, ông Thìn nói.

Đại tá Thìn còn đẩy sự việc đi xa hơn đó là quy kết có bàn tay thế lực thù địch và đe doạ dư luận trái ý với ông. Ông cho rằng: “Nhận định của chúng tôi trong sự việc này đang có một bàn tay nào đó lợi dụng xúi giục, kích động dư luận. Chúng tôi đang tập hợp để báo cáo Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TT-TT xung quanh thông tin xuyên tạc, sai sự thật trong vụ việc này để kiến nghị xử lý”.

Thưa đại tá Thìn, ông nghĩ sao khi báo Tuổi Trẻ thông tin:

“Thông tin thêm về sự việc, đại tá Nguyễn Xuân Thìn – trưởng Phòng tuyên huấn Quân khu 1 – cho biết chiều 28.6, đơn vị Tiểu đoàn 4, Đại đội 14, Trường quân sự Quân khu 1, đóng quân tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên tổ chức huấn luyện tại thao trường dã ngoại, cách trường hơn 20km.

“Đầu giờ chiều, khi đơn vị tập trung để quán triệt chuẩn bị bước vào huấn luyện thì quân nhân Đô xin ra ngoài với lý do đau bụng để đi vệ sinh.

Khoảng 14h đơn vị bước vào huấn luyện, 20 phút sau vẫn không thấy quân nhân Đô quay lại thì chính trị viên đại đội và một đồng chí nữa đi tìm ở khu nhà vệ sinh không thấy, nên tiếp tục đi tìm thì phát hiện quân nhân Đô treo cổ trên cây ở đằng sau khu vệ sinh.

Bước đầu khẳng định quân nhân Đô tử vong không phải do đánh nhau và đồng chí tự tử trong khi đang thực hiện nhiệm vụ. Không có chuyện quân nhân bị đánh bởi đơn vị đang tập trung thực hiện nhiệm vụ, lúc đó không có ai đi cùng với quân nhân Đô” – đại tá Thìn khẳng định.

Đối với một số vết xây xước, bầm tím trên cơ thể quân nhân Đô, đại tá Thìn cho hay có thể trong quá trình treo cổ tự tử, quân nhân Đô đã giãy giụa, vùng vẫy nên bị dây treo cổ sát vào má, thành cằm, còn đầu có thể va vào thân cây trước khi chết”.

Với thông tin truyền đạt phát ngôn của chính ông vội vã kết luận vụ án trong khi chưa điều tra khoa học cẩn trọng của các cơ quan chức năng là nguyên nhân gây bất bình dư luận chứ chả có thế lực thù địch nào hết như ông đổ vạ quy kết.

Chính ông phải kiểm điểm nghiêm khắc trước hành động của mình chứ không phải ai khác. Ông đã vô tình làm rối loạn dư luận không cần thiết ảnh hưởng đến uy tín Quân đội trong lúc cả nước đang phải chống dịch như chống giặc và Quân đội đang phải ngày đêm gìn giữ an ninh Đất nước trước đe doạ của Trung Quốc ở Biển Đông.

EM ĐÔ TỰ TỬ HAY CHẾT VÌ LÝ DO GÌ ?

LÊ NGỌC LUÂN/ BVN 2-1-2021

Bài phân tích này dựa trên một số thông tin do người cha của Đô và Đại tá Nguyễn Xuân Thìn (Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 - Bộ Quốc phòng) cung cấp với báo chí chính thống (Tuổi trẻ, Thanh niên, PL.TPHCM, Tiền phong…). Mục đích của bài viết duy nhất chỉ là sự phân tích pháp lý dựa trên kinh nghiệm của người hành nghề luật sư với niềm tin sự việc đau đớn của em Đô được sáng tỏ, nếu em Đô bị chết do đánh phải đòi công lý cho em, còn nếu em mất vì điều không may mắn khác thì coi như là nén nhang thơm thắp cho em và mong gia đình an lòng để vượt qua được nỗi đau này.

Trước hết, cần đặt câu hỏi là có việc quân nhân bị đánh đập khi đi nghĩa vụ quân sự không?

Việc dư luận nghi ngờ Đô chết bị đánh có căn cứ không, cái đó hồi sau sẽ rõ. Tuy nhiên, tôi khẳng định thực tế có một số trường hợp quân nhân đi nghĩa vụ bị đánh là chính xác 100% vì bản thân từng là luật sư đã đứng ra bảo vệ cho một quân nhân tuổi đời còn rất trẻ bị chính đồng đội đánh dập tinh hoàn. Đó là vụ án gây ra làn sóng phẫn nộ của gia đình cũng như dư luận. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm tuyên án treo, sau đó gia đình tìm gặp, kết quả may mắn công lý đã về nhưng nỗi đau đớn mà Thân chủ tôi gánh chịu sẽ mãi còn đó vì mất khả năng làm cha.

Quay trở lại vụ em Đô, có mấy vấn đề mà luật sư của gia đình Đô (nếu gia đình có nhờ) và cơ quan điều tra cần thực hiện, hay nói một cách thẳng thắn là PHẢI LÀM RÕ VÀ làm một cách NHANH CHÓNG, cụ thể:

1) Một người phụ nữ trong đám tang của Đô thông tin: "Trước ngày 25, cháu tôi có gọi gọi điện tôi, cháu bảo chỉ huy hay đánh cháu... Cách mấy ngày sau, tôi nhận được tin của cháu, cháu nói sẽ đi Đà Bạt một tháng trời và bảo tháng sau, cháu không đi nữa đâu. 28 cháu chết...".

Đây là một nguồn chứng cứ, thông tin này có chính xác không? CQĐT cần ngay lập tức lấy lời khai của người phụ nữ và trích xuất lịch sử cuộc gọi để xem Đô có gọi điện và nói như vậy không? Phải làm ngay vì nếu để thời gian kéo dài dữ liệu sẽ mất, bản thu âm của mạng viễn thông không thể lưu.

2) Ông Hội cha của em Đô thông tin: "Khoảng 17h ngày 28/6 (thời điểm sau khi Đô chết), tôi nhận được điện thoại của người xưng là thủ trưởng của cháu Đô gọi đến báo với gia đình cháu bị đột quỵ tại thao trường. Đến 10 phút sau thì họ lại gọi bảo con tôi đang nguy cấp được cấp cứu tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên nên gia đình tôi tức tốc lên đó".

Thông tin này có chính xác không? Quá dễ để cơ quan điều tra làm rõ. Nếu điều tra cho thấy thông tin của ông Hội là chính xác thì vụ này có nhiều vấn đề, bởi tại sao có lúc thông tin "đột quỵ tại thao trường", có lúc bảo "nguy cấp"? Nếu phát hiện Đô "tự tử", "đột quỵ", "nguy cấp" sao không gọi ngay báo mà phải đợi đưa đến bệnh viện mới gọi?

3) Ông Nguyễn Xuân Thìn - Trưởng Phòng tuyên huấn Quân khu 1 thông tin trên Báo Tuổi trẻ rằng: "Chiều 28-6 tổ chức huấn luyện tại thao trường dã ngoại, cách trường hơn 20 km. Đầu giờ chiều, khi đơn vị tập trung để quán triệt chuẩn bị bước vào huấn luyện thì quân nhân Đô xin ra ngoài với lý do đau bụng để đi vệ sinh. Khoảng 14h đơn vị bước vào huấn luyện, 20 phút sau vẫn không thấy quân nhân Đô quay lại thì chính trị viên đại đội và một đồng chí nữa đi tìm ở khu nhà vệ sinh không thấy, nên tiếp tục đi tìm thì phát hiện quân nhân Đô treo cổ trên cây ở đằng sau khu vệ sinh".

CQĐT cần phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ lấy toàn bộ lời khai của các quân nhân có mặt tại buổi thao trường ngày hôm đó xem có trùng khớp với lời của ông Thìn đưa ra hay không? Việc lấy lời khai như thế nào để đảm bảo khách quan không mớm cung thì cái này không có gì khó. Đặc biệt, cần làm rõ tại sao một người trẻ tuổi như Đô, với ước mơ khát vọng trở thành người lính đặc công phục vụ QĐVN lại tự tử? Đô có bị sức ép gì không? Có bị chèn ép hay bị ức chế tinh thần trong quãng thời gian nhập ngũ không?

Giả sử Đô chết không phải bị đánh như dư luận nghi ngờ mà tự tử vì những lý do sức ép từ nơi đóng quân thì rõ ràng có dấu hiệu của tội "Bức tử" được quy định trong Bộ Luật Hình sự 2015 và cơ quan điều ra cần ra quyết định khởi tố vụ án. Cơ quan luật pháp cần lý giải hợp lý, hợp tình tại sao một người quân nhân nếu bình thường, yêu màu áo lính lại tự nhiên đi tự tử? Nếu cho rằng Đô có bệnh về tâm lý trước khi nhập ngũ thì sự việc này bất hợp lý bởi muốn đi nghĩa vụ phải trải qua khâu khám sức khỏe rất chặt chẽ. Đủ tiêu chuẩn mới được đi.

4) Trung tướng Dương Đình Thông - bí thư Đảng ủy, chính ủy Quân khu 1, Bộ Quốc phòng cho biết cơ quan đang điều tra, khẩn trương làm rõ nguyên nhân quân nhân Trần Đức Đô và cho rằng: "Tôi cũng biết việc gia đình phát video cho rằng nạn nhân bị đánh, nhưng thực tế, sự việc không hẳn như thế".

Ông Thông khẳng định "KHÔNG HẲN NHƯ THẾ" nghĩa là chưa chắc Đô tự tử hay bị đánh dẫn đến tử vong, nhưng tại sao Đại tá Thìn lại khẳng định trên Báo Tuổi trẻ rằng:

“Chúng tôi dựa vào kết luận của cơ quan điều tra. Khi tìm ra nguyên nhân sẽ làm việc theo đúng trình tự pháp luật. Nếu động cơ dẫn đến tử vong do mâu thuẫn sẽ xử lý công minh chứ không bao che. Các vết thương trên người Quân nhân Trần Đức Đô không có tác động ngoại lực".

Điều này có nghĩa là chưa có bất kỳ kết luận nào của cơ quan chức năng về nguyên nhân Đô chết thì tại sao trước sự việc đặc biệt nghiêm trọng như vậy lại vội vàng cho rằng Đô "tự tử"? "Không có tác động ngoại lực"? Mục đích ở đây là gì?

5) Việc Đô có tự tử hay không, không quá khó để kết luận thông qua việc khám nghiêm tử thi ban đầu và quá trình giải phẫu tử thi để tìm rõ có lực tác động bên ngoài hay không. Điều này cần sự chính xác, khách quan của Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát. Trường hợp này cần sự chuyên sâu và tâm huyết luật sư của Đô để góp phần bảo vệ cho Thân chủ của mình. Thông qua đây tôi chia sẻ pháp luật là nếu gặp trường hợp nạn nhân bị tử vong và nghi ngờ có dấu hiệu tội phạm thì cần nhờ luật sư ngay để luật sư lập tức tham gia chứng kiến buổi mổ tử thi nhằm có phương án bảo vệ trong trường hợp có "bất thường".

Dù biết việc khám nghiệm tử thi sẽ có sự tham gia giám sát của VKS nhưng với kinh nghiệm của mình, ngoài việc cần có niềm tin với cơ quan tiền hành tố tụng thì tôi chỉ tin chắc chắn khi mình tận mắt chứng kiến việc khám nghiệm. Tất nhiên, luật sư cũng phải có kiến thức về pháp y.

Đây là sự việc đau lòng và đặc biệt nghiêm trọng cần cơ quan pháp luật làm rõ và phải trả lời cho gia đình nạn nhân câu trả lời thỏa đáng đúng pháp luật. Muốn thỏa đáng thì cần làm rõ một số giả thiết mà tôi đã nêu ra trong bài phân tích này.

P/S: Tổ Quốc là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là những chàng trai trẻ sẽ tự hào khoác lên mình màu áo xanh người lính. Vì thế, cần sớm có kết luận sớm vụ việc này để em Đô được bình an ở đất Mẹ yêu thương.

Tôi mạn phép đăng clip cách đây mấy năm, một quân nhân - Thân chủ của tôi bị đồng đội đánh dập tinh hoàn - mất khả năng làm cha. Bạn ấy tập đi trước khi vào phiên tòa. Vụ việc này tạo nên nỗi phẫn uất của gia đình khi công lý không được thực thi ở phiên tòa cấp sơ thẩm.

Link video: https://www.facebook.com/LSLeNgocLuan/posts/1640984036232958

May mắn nhân duyên người nhà thông qua một nhà báo giới thiệu và họ đã tìm đến chúng tôi, hành trình mòn mỏi tìm lại công bằng cho em đã được thực thi, nhưng nỗi đau còn lại của chàng thanh niên trẻ là hồi chuông thức tỉnh LƯƠNG TRI làm người cho tất cả chúng ta.

Sài Gòn, 01/7/2021

L.N.L.

Nguồn: FB LS Lê Ngọc Luân


VỤ QUÂN NHÂN TỬ VONG: MÔ TÍP HÀNH XỬ QUEN THUỘC CỦA CHÍNH 

QUYỀN VỚI NHỮNG CÁI CHẾT BẤT MINH

YÊN KHẮC CHÍNH/ BVN 2-7-2021


Ngày nào còn độc quyền chân lý, ngày đó công lý còn bị bắt nạt.

Cái chết của quân nhân Trần Đức Đô, sinh năm 2002, đang làm dậy sóng mạng xã hội.

Báo Chính phủ dẫn thông tin từ Phòng Thông tấn Quân sự, Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng mô tả sự việc là một vụ tự tử [1]. Theo đó, Trần Đức Đô bị phát hiện treo cổ chết vào chiều ngày 28/6/2021 khi đang tham gia buổi huấn luyện quân sự ngoài trời.

Vụ việc, như tường thuật, xảy ra vào chiều ngày 28, nhưng phải hai ngày sau, vào chiều 30/6/2021, thông tin mới đồng loạt được báo chí nhà nước đăng tải.

Lý do cho sự chậm trễ, hay chính xác hơn là việc cuối cùng truyền thông nhà nước cũng phải lên tiếng, là vì gia đình nạn nhân đã quay phim, chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội để nêu nghi vấn về cái chết của người thân. Dựa vào các dấu hiệu chấn thương bất thường trên cơ thể của Đô, người nhà tin rằng đây là một vụ giết hại [2]. Các bài viết được lan truyền nhanh chóng khiến dư luận sục sôi.

Đáp lại sự giận dữ của dư luận, chiều 30/6, trang Facebook Thông tin Chính phủ mới đề cập sự việc, với nội dung lấy từ bài viết trên Báo Chính phủ ở trên [3]. Bài viết chỉ tường thuật sự việc từ phía quân đội, không nói gì đến những nghi vấn, bức xúc của người nhà nạn nhân, nhưng lại kết thúc bằng việc khẳng định “cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc”.

Tuy đang điều tra, nhiều tờ báo lớn dường như đã sớm có kết luận. Báo Thanh Niên giật tít “Các vết thương trên người quân nhân Trần Đức Đô ‘không có tác động ngoại lực’”, dẫn lời của Đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 [4]. Ông Thìn “khẳng định không có chuyện quân nhân Trần Đức Đô bị đánh”.

Báo Vietnamnet cũng dẫn lời Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1, Bộ Quốc phòng, khẳng định “theo đánh giá ban đầu không có việc đánh nhau dẫn đến tử vong” [5].

Báo Dân Trí trong khi đó đăng bài “Xử lý thông tin xấu độc quy chụp vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong” [6]. Bài báo dẫn lời của Đại tá Thìn cho biết “các thế lực thù địch đang lợi dụng vụ việc” để dựng “các trang tin giả”, “thông tin xấu độc”.

Một số ít tờ báo như báo điện tử VTC tường thuật tương đối đầy đủ lời của gia đình nạn nhân, đặt ra rất nhiều dấu hỏi về vụ việc [7]. Theo đó, cha của nạn nhân cho biết từ lúc 17h ngày 28/6, gia đình liên tiếp nhận được các thông tin trái ngược nhau từ phía quân đội: ban đầu là thông báo nạn nhân đột quỵ tại thao trường, 10 phút sau cho biết đang cấp cứu tại bệnh viện, cuối cùng báo là nạn nhân thắt cổ tự tử.

Đáng lưu ý, theo tin của Bộ Quốc phòng do các tờ báo dẫn lại, Trần Đức Đô được phát hiện treo cổ tự tử vào lúc 14h30, sau đó được đưa đi cấp cứu. Đến 15h30 ngày 28/6, Bệnh viện Gang thép, TP. Thái Nguyên thông báo nạn nhân đã thiệt mạng.

Vào 17h cùng ngày, gia đình mới được phía quân đội liên hệ, với các thông tin mâu thuẫn như trên.

Cái chết bất ngờ của quân nhân trẻ tuổi Trần Đức Đô khiến dư luận bức xúc không chỉ vì hàng loạt câu hỏi từ phía gia đình nạn nhân chưa được giải đáp.

Nó còn đến từ những thông tin trên mạng xã hội về việc chính quyền tiến hành phong tỏa khu vực gia đình nạn nhân sinh sống, hạn chế truy cập Internet, thậm chí cắt điện tại khu vực. Nhiều người chia sẻ hình ảnh gia đình nạn nhân mua tủ đông để bảo quản thi thể, nhằm lưu giữ bằng chứng cho đến khi họ nhận được câu trả lời thỏa đáng từ chính quyền.

Những thông tin này đến thời điểm hiện tại chưa thể được kiểm chứng, khi chính quyền và hệ thống báo chí quốc doanh đều không lên tiếng đề cập gì đến nó.

Và đây mới là gốc rễ của mọi vấn đề.

Khi nhà nước nắm giữ độc quyền thông tin, tự cho mình quyền quyết định người dân biết gì và không được biết gì, họ đang nắm độc quyền chân lý.

Một khi chân lý bị độc chiếm – chỉ có những gì một nhóm người nói ra mới được tính là sự thật, mọi thứ khác đều là giả dối – thì công lý luôn bị bắt nạt và trở nên què quặt.

***

Nhiều người liên hệ vụ việc này với văn hóa bắt nạt (bullying culture) rất phổ biến trong quân đội.

Đó là sự liên hệ hợp lý. Môi trường quân đội từ lâu đã có tai tiếng với vấn nạn bạo lực, đặc biệt kiểu “ma cũ bắt nạt ma mới”. Đây là vấn đề xuất hiện ở mọi quốc gia, kể cả các nước phát triển như Mỹ [8], Anh [9], Đức [10] hay Hàn Quốc [11]. Ngoài xâm hại bạo lực, các vụ xâm hại tình dục trong quân đội cũng là vấn đề phổ biến [12].

Tuy vậy, điểm khác biệt chính yếu là tại các quốc gia trên, những vấn đề này đều được báo chí khai thác mổ xẻ, các chuyên gia độc lập tập trung nghiên cứu, các tổ chức dân sự theo dõi chặt chẽ, và từ đó gây áp lực buộc chính quyền phải hành động để thay đổi.

Dù điều này không đảm bảo công lý đến với mọi trường hợp nạn nhân bị xâm hại, nhưng thể chế này đảm bảo chính quyền và quân đội không đứng trên luật pháp.

Vào năm 2014, Tham mưu trưởng Quân đội Hàn Quốc đã phải từ chức sau khi báo chí thông tin về hàng loạt trường hợp xâm hại bạo hành trong quân đội [13]. Tháng 6/2021, sau sự việc một nữ quân nhân lực lượng không quân tự sát vì bị đồng nghiệp xâm hại tình dục, chỉ huy trưởng lực lượng không quân của nước này cũng đã xin từ chức [14]. Năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Anh phải nộp đơn từ chức sau khi báo chí phanh phui các hành vi quấy rối tình dục của ông đối với phụ nữ [15].

Tại Việt Nam, chưa có quan chức chính quyền hay lãnh đạo quân đội nào thừa nhận sự tồn tại của văn hóa bắt nạt và xâm hại trong quân đội. Không thừa nhận, dĩ nhiên cũng không bàn đến cách giải quyết.

Liên hệ vụ việc này với văn hóa bắt nạt trong quân đội cũng không thể hiện được bức tranh toàn cảnh vấn đề của Việt Nam.

Cách thức chính quyền phản ứng với cái chết của quân nhân Trần Đức Đô là một mô típ đã lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua với hàng loạt cái chết bất thường trong các trại tạm giam, đồn công an [16].

Đó là những cái chết mà nghi vấn của người thân chưa bao giờ được giải thích thỏa đáng, còn chính quyền chỉ việc đưa ra những lời giải thích khó tin, như “tự đâm kéo vào cổ”, hay thậm chí là “thắt cổ bằng dây thun quần” [17].

Người ta cũng không thể không liên hệ với vụ tấn công Đồng Tâm xảy ra vào đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9/1/2020 [18]. Ngay sau sự việc, các phiên bản khác nhau và đầy mâu thuẫn của chính quyền được tung ra. Cùng lúc đó, lực lượng dư luận viên hùng hậu được huy động để dập tắt mọi chất vấn trong dư luận.

Tháng 9/2020, chính quyền đưa những người dân Đồng Tâm ra xét xử chóng vánh và khép lại vụ án, bất chấp hàng loạt nghi vấn vẫn không được giải đáp [19].

***

Nhiều người đặt niềm tin rằng khác với những vụ việc trước, lần này nạn nhân và gia đình sẽ được trả lại công lý.

Đó là nội dung của nhiều bình luận để lại trên bài viết được đăng ở trang Facebook Thông tin Chính phủ [20].

Kết quả điều tra như thế nào, dư luận sẽ cần phải kiên nhẫn chờ đợi.

Nếu điều tra xác minh Trần Đức Đô bị đánh đập và giết hại, và những kẻ thủ ác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, đó có thể xem là một niềm an ủi cho gia đình nạn nhân.

Tuy vậy, vẫn còn đó hàng trăm, hàng ngàn những nạn nhân oan ức, không có nguồn lực lẫn ý chí để đấu tranh cho sự thật, không được dư luận chú ý đến. Công lý đối với họ vẫn là một thứ xa xỉ.

Ngày nào chân lý còn nằm trong tay một nhóm người, ngày đó bất kỳ người dân nào cũng có thể trở thành nạn nhân bị bắt nạt.

Luật Khoa hoan nghênh các quan điểm khác nhau. Mọi bài bình luận xin gửi cho Luật Khoa tại đây.

Chú thích

1.  Thông tin bước đầu về vụ quân nhân Trần Đức Đô, Trường Quân sự Quân khu 1 bị chết. (2021). Baodientu.Chinhphu.Vn. http://baochinhphu.vn/Doi-song/Thong-tin-buoc-dau-ve-vu-quan-nhan-Tran-Duc-Do-Truong-Quan-su-Quan-khu-1-bi-chet/436430.vgp

2.  R. (2021, July 1). Quân nhân tử vong khi làm nghĩa vụ, gia đình nghi ngờ người thân bị đánh đến chết. Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/soldier-died-on-duty-family-suspects-he-was-tortured-to-death-06302021085833.html

3. Facebook Thông tin Chính phủ. (2021). Facebook. https://www.facebook.com/thongtinchinhphu/posts/4107720015971821

4.  Cường, T. (2021, June 30). Các vết thương trên người quân nhân Trần Đức Đô ‘không có tác động ngoại lực’. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/thoi-su/cac-vet-thuong-tren-nguoi-quan-nhan-tran-duc-khong-co-tac-dong-ngoai-luc-1406594.html.

5.  News, V. N. N. (n.d.). Bộ Quốc phòng thông tin vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong. VietNamNet. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bo-quoc-phong-thong-tin-vu-quan-nhan-tran-duc-do-tu-vong-751572.html

6.  Dân Trí. (2021, June 30). Xử lý thông tin xấu độc quy chụp vụ quân nhân Trần Đức Đô tử vong. Báo điện tử Dân Trí. https://dantri.com.vn/xa-hoi/xu-ly-thong-tin-xau-doc-quy-chup-vu-quan-nhan-tran-duc-do-tu-vong-20210630170029023.htm

7.  Dũng T. H. T.-. (2021, June 30). Nam quân nhân chết ở đơn vị: Trường quân sự Quân khu 1 báo cáo gì? Báo điện tử VTC News. https://vtc.vn/nam-quan-nhan-chet-o-don-vi-truong-quan-su-quan-khu-1-bao-cao-gi-ar621516.html

8.  Schogol, A. (2018, February 9). Military bullies beware — new policy means marks on records. Military Times. https://www.militarytimes.com/news/your-military/2018/02/09/military-bullies-beware-new-policy-means-marks-on-records/

9.  Rawlinson, K. (2019, July 16). MoD promises changes after report into harassment in army. The Guardian. https://www.theguardian.com/uk-news/2019/jul/16/mod-promises-changes-after-report-into-harassment-in-army

10.  Deutsche Welle (www.dw.com). (2004). When Bullies Enter the Military. DW.COM. https://www.dw.com/en/when-bullies-enter-the-military/a-1421418

11.  Salmon, B. A. (2014, August 28). South Korea military under fire over abuse. BBC News. https://www.bbc.com/news/world-asia-28933724

12.  Godier-McBard, L., Fossey, M., & Caddick, N. (2017, July 27). Why we need to talk about sexual violence in the military. The Conversation. https://theconversation.com/why-we-need-to-talk-about-sexual-violence-in-the-military-81289

13.  Xem [11]

14.  Al Jazeera. (2021, June 5). South Korea air force chief quits over death, sex abuse case. Military News | Al Jazeera. https://www.aljazeera.com/news/2021/6/5/south-korea-air-force-chief-quits-over-death-sex-abuse-case

15.  Jill Lawless, The Associated Press. (2017, November 1). UK defense secretary resigns amid allegations about behavior. Defense News. https://www.defensenews.com/global/europe/2017/11/01/uk-defense-chief-resigns-after-improper-behavior/

16.  R. (2020, October 11). 2018: Có ít nhất 11 người chết trong đồn công an, quá nửa bị cho là tự tử. Radio Free Asia. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/2018-at-least-11-dead-in-police-custody-01012019103446.html

17.  Nguyên, C. (2017, June 15). Một người tử vong do ‘thắt cổ bằng dây thun quần’. Báo Thanh Niên. https://thanhnien.vn/thoi-su/mot-nguoi-tu-vong-do-that-co-bang-day-thun-quan-845661.html

18.  Team, L. K. (2020, September 25). “Báo cáo Đồng Tâm”: Bạch hóa và lưu trữ. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2020/09/bao-cao-dong-tam-bach-hoa-va-luu-tru/

19.  Chính, Y. K. (2021, March 8). Tổng hợp các thông tin cần biết về vụ án Đồng Tâm. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/03/tong-hop-cac-thong-tin-can-biet-ve-vu-an-dong-tam/

20.  Xem [3]

Y.K.C.

Nguồn: Luật Khoa

TAI HỌA TỪ ĐÂU TỚI ?

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 2-7-2021

Đó là tai họa bạo hành trong quân đội và công an trên đất nước Việt nam. Trong quân đội thì sĩ quan bạo hành với chiến sĩ, cựu binh bạo hành với tân binh. Trong công an thì chiến sĩ công an bạo hành với người dân bị bắt về đồn do bị nghi ngờ hoặc bị vu oan việc gì đó. Gần đây, rộ lên nhiều vụ thảm thương, mới nhất là tân binh Trần Đức Đô, 19 tuổi bị đánh chết.

Truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt không có loại bạo hành như vậy. Từ các triều đại phong kiến đến thế hệ Hồ Chí Minh vẫn giữ được tinh thần “Phụ tử chi binh” (tướng sĩ một lòng phụ tử) như Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô Đại Cáo.

Thế thì ở đâu ra thói bạo hành “coi người như cỏ rác”? Đó là kết quả của việc xây dựng quân đội và công an theo đường lối cộng sản. Nhưng những thủ đoạn độc ác đó không phải do cộng sản Việt nghĩ ra. Dù là cộng sản nhưng trong dòng máu của họ còn có chút tình cảm đồng bào, đồng loại.

Những thủ đoạn tàn độc trong quân đội và công an của cộng sản Việt được Trung cộng dạy dỗ, huấn luyện, bắt ép phải làm theo. Truyền thống của Hán tộc xem tướng lĩnh như chim ưng, binh lính như gà vịt. Xem trong lịch sử Trung Quốc thì thấy, những sự tàn độc đầy rẫy trong các triều đại và được chúng nó xem là bình thường.

Hàng năm, cộng sản Việt gửi hàng ngàn sĩ quan quân đội và công an sang Tàu để được huấn luyện những thủ đoạn xảo quyệt và độc ác.

Năm 1983, ông Chu Đình Xương, cán bộ an ninh cao cấp, đã từng nhiều năm bên cạnh Hồ Chí Minh, trước khi qua đời đã viết thư cho Bộ Chính trị và Trung ương ĐCSVN cảnh báo về mọi điều nguy hiểm từ phía Trung Cộng. Đầu đề bức thư là: “Bàn tay nham hiểm và tàn bạo của Mao Trạch Đông đã thò sang Việt Nam chúng ta như thế nào”. Nhưng tiếc thay lãnh đạo đảng CSVN vẫn bám vào bọn chúng, đến mức bị thao túng. Đau đớn thay! Nhục nhã thay!


Một trang thư của ông Chu Đình Xương gửi lãnh đạo đảng CSVN. Nguồn: Ngô Vĩnh Long

SỰ THẬT KHÔNG BAO GIỜ CŨ
TẠ DUY ANH/ BVN 5-7-2021

Việc Ban quản trị Facebook xóa bài của tôi, thực ra là do những DLV đánh phá, hóa ra rất phản tác dụng. Tôi không bịa đặt một chi tiết nhỏ, vì thế tôi hoàn toàn bình thản. Sự thật không bao giờ cũ. Một nhà triết học, kịch tác gia cổ Hy Lạp có câu nói bất hủ: “Tôi nắm trong tay sức mạnh của sự thật”. Không vũ khí hủy diệt nào xóa được sự thật. Mong các vị nhớ cho điều đó.

Tự truyện (một kiểu hồi ký) DƯỚI BÀN TAY VÔ HÌNH tôi viết xong từ năm 2012. Sau khi về hưu, tôi có sửa sang lại, bổ sung vài chi tiết không đáng kể. Nó gần 200.000 chữ. Phần viết về nạn quân phiệt trong quân đội (chỉ kể lại những gì tôi chứng kiến tận mắt và những gì tôi trải qua (như bài viết vừa rồi) gồm hai chương: NƠI HẦM TỐI và CHUỘC TỘI chiếm gần 1/6 cuốn sách. Bài vừa bị xóa chỉ là phần rất nhỏ, chưa bằng 1/10 của hai phần trên và chưa phải là chuyện kinh khủng nhất. Chuyện kinh khủng nhất xảy ra với một quân nhân tên là Tiện, cùng lúc bị năm tên chỉ huy và một A trưởng hạ sỹ quan (tôi ghi tên từng thằng) lao vào đánh đấm trước mặt hơn 200 tân binh (trong đó có tôi).

Khi ông Lê Đức Anh qua đời, tôi đọc thấy có bài báo hiếm hoi nói về việc ông nhắc tới nạn quân phiệt trong quân đội. Tôi đã định nhân cớ ấy kể về chuyện tôi bị tra tấn, để lãnh đạo Bộ Quốc phòng biết một sự thật nhức nhối, diễn ra tàn khốc nhưng luôn bị bao che, tuy gần đây có giảm nhưng vẫn chưa chấm dứt, tại các đơn vị quân đội. Nhưng rồi nhìn vài gương mặt, tôi cảm thấy chưa phải là lúc.

Chắc chắn Bộ Quốc phòng còn lưu trữ hồ sơ về những vụ lính bắn chỉ huy (dù chủ yếu bị giấu, thì cũng khá nhiều) chỉ vì bị ngược đãi, tra tấn.

Hẳn chuyến đi thị sát của bà Nguyễn Thị Bình đến một số đơn vị bộ đội khoảng năm 1987, còn lưu trong hồ sơ công tác của Quốc hội. Bà Bình đi chuyến công tác ấy vì có đơn thư tố cáo nạn quân phiệt ào ạt gửi về từ khắp nơi.

Còn đây là đoạn đối thoại giữa Thiếu tá Lưu Văn Hậu, Trung đoàn phó chính trị Trung đoàn 254, Sư đoàn 355 với tôi, khi báo Chiến sỹ Tây Bắc yêu cầu Trung đoàn 254 giải quyết vụ việc tôi tố cáo. (Xin nói qua: Sau khi ông Hậu dọa tôi bằng súng không xong thì ông ấy quay sang “mua” tôi bằng thuốc lá. Đoạn đối thoại dưới đây diễn ra trong ngữ cảnh ấy).

“Chú mày là dân viết lách, hẳn phải rất hiểu biết. Chú mày thấy đấy, anh em chúng nó có sung sướng gì đâu. Trong khi ở Hà Nội, những người chả có công lao chó gì cũng còn được ưu đãi đủ thứ. Nào là lương bổng, tiêu chuẩn thực phẩm, nhà cửa, xe cộ… lại được kè kè bên vợ con để hú hí đêm ngày. Vậy mà anh em ở đây thì quanh năm chỉ cứ sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. Ăn uống thì kham khổ. Thành ra chúng nó cũng bức xúc. Không biết trút vào đâu thì trút lên lính tráng. Bậy vô cùng. Anh sẽ không để yên cho những hành vi như em vừa tố cáo.

Mà em nói toàn sự thật, anh công nhận. Nhưng ngoài xã hội tiêu cực nhiều quá, tham ô, hối lộ, giết người, lừa thầy phản bạn, chạy chức chạy quyền tùm lum… đủ cả. Quân đội cũng là một phần của xã hội, làm sao thoát không bị tệ nạn nó tràn vào. Nó tràn vào một bộ phận thôi. Nhưng con sâu làm rầu nồi canh. Mình cũng nên công bằng mà nhìn nhận. Và phải có thời gian em ạ. Không thể đem kỷ luật đuổi về xuôi hết được. Lấy ai chỉ huy? Lấy ai canh biên giới? Liệu có bảo mấy thằng béo mẫm dưới xuôi, chỉ quen ngồi chảy bụng ra trong phòng lạnh, lên thay vào vị trí chúng nó được không. Chả có đứa ma nào lên đâu em ạ. Gớm, còn lâu nhé, tao biết tỏng.

Tao nói cho mày biết, tin mật đấy nhé. Chúng tao vừa được thông báo một thằng lính ở X.M dùng B40 thiêu cháy cả một tiểu đoàn bộ, cũng vì quân phiệt của chỉ huy... Các mặt trận khác cũng đầy rẫy. Lạng Sơn, Quảng Ninh… có cả. Lính viết thư bằng máu tố cáo chỉ huy gửi đến tận Quốc Hội, Trung ương Đoàn thanh niên.

Nói thế để chú em hiểu, không phải cấp trên không biết. Nhưng từ biết đến xử lý cần phải có một thời gian. Anh khẳng định, hiện tượng quân phiệt là nghiêm trọng và phải chấm dứt, không được phép tồn tại, anh đồng ý với mày về cơ bản. Nhưng anh nói lại, phải cho anh thời gian. Nếu chú mày lại gửi đơn đi tiếp thì khác nào bắt bí anh...” (Hết trích).

Tại sao tôi đăng bài viết trong dịp này?

– Thứ nhất: tôi không thể im lặng trong vụ việc của cháu Trần Đức Đô. Là nhà văn, nếu tôi im lặng trước bất công, thì xin bạn đọc hãy đái vào tác phẩm của tôi và tiện thể đái luôn vào tôi.

– Thứ hai: tôi có thiện cảm rõ ràng với Thượng tướng Phan Văn Giang, qua một vài việc ông ấy làm, qua những lần ông ấy nói và qua gương mặt ông. Tôi hy vọng ông Phan Văn Giang sẽ cải cách triệt để quân đội, để nó thực sự mạnh, đủ sức đương đầu lâu dài với gã khổng lồ phương Bắc ngày càng khốn nạn.

Chỉ đơn giản vậy thôi.

Có thể là hình ảnh về 5 người, mọi người đang đứng và ngoài trời

Chú thích ảnh: Người ngồi đặt tay lên vai tôi là Bùi Minh Thắng, nguyên hiệu phó Trường đào tạo Ngân Hàng Trung Ương, vừa nghỉ hưu, là người cũng bị chỉ huy Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung Đoàn 254 (tên là Ngọc) hành hung vô cớ.


'TÔI ĐÃ TỪNG BỊ ĐỒNG ĐỘI TRA TẤN GẦN CHẾT'

LAO TA/ BVN 5-7-2021


Hôm đó là ngày 13-8 năm 1985, gần tròn 6 tháng tôi khoác áo lính và đang đồn trú tại một phố nhỏ của thị xã Lào Cai đã bị bỏ hoang sau cuộc chiến ngắn ngủi nhưng tàn khốc năm 1979.

Nấu xong chảo cơm cho hơn một trăm người ăn, rang nhanh khoảng 2 kg muối trắng, tôi bảo với Minh, người Hà Nam Ninh (tên tỉnh lúc ấy) nhập ngũ năm 1983 và cùng làm anh nuôi với tôi, nhờ cậu ấy chia cơm giúp. Vừa hay đúng lúc Tiểu đoàn trưởng Phạm Lâm Hồng từ nhà chỉ huy đi xuống đường, gần nơi tôi đứng. Tôi bèn tiện thể báo cáo và xin phép ông cho tôi ra tiểu đoàn huấn luyện chơi và có lẽ sẽ ăn cơm tối với Phạm Văn Chiến ở đó. Chiến cùng công tác với tôi ở Trung tâm thí nghiệm, công trình thủy điện Hòa Bình và cùng nhập ngũ. Tiểu đoàn trưởng gật đầu, nheo nheo mắt bảo: “Đừng có về khuya quá nhé”.

Sau khi cơm no, đáng lẽ hết ấm trà pha kênh nắp là chúng tôi ra về. Nhưng gần đến lúc đứng dậy thì Chiến bỗng như nhớ ra, reo lên: “A, bọn mày chưa về được, xuống nhà chị em “Bò Ma” (biệt danh lính đặt cho hai chị em tên là Bình và Minh) ăn mít đã. Lúc chiều nó hẹn tao”.

Từ chỗ Chiến, để đến được nhà chị em Bò Ma, chúng tôi phải đi hàng một, bám vai nhau xuống một cái dốc mà đường chỉ vừa đặt bàn chân. Đã thế lại ngoằn ngoèo, lồi lõm. Trời miền núi vào những ngày nhiều mây, không có trăng nên cực kỳ tối. Chúng tôi có cảm giác đêm đang quánh lại xung quanh mình. Cây cối rậm rạp nên chúng tôi đi rất chậm. Cuối cùng chúng tôi cũng xuống được chỗ đất bằng phẳng, cảm giác thấy rất rõ lớp cỏ khá dày và êm dưới đế giầy của mình.

Ánh đèn le lói, tiếng chó sủa, tiếng băm chặt đâu đó… cùng với mùi thơm của hành mỡ thật ấm lòng bởi nó gợi cảnh gia đình. Trước chiến tranh có lẽ làng xóm, phố xá ở khu vực này cũng sầm uất lắm… Tôi chỉ vừa kịp nghĩ thế và Chiến hay Tâm hay ai đó cũng vừa khẽ kêu lên thích thú khi nghe tiếng nước chảy ngay bên trong một bụi cây, thì thấy ánh đèn pin, loại nối thêm ống để tăng độ sáng, loé lên chĩa thẳng về phía chúng tôi.

Chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì tôi nghe tiếng quát đanh và nặng nề: “Đứng lại!”. Ba bốn người đã ở ngay bên cạnh, trước mặt chúng tôi nhưng không thằng nào trong chúng tôi nhìn rõ họ là ai. Sau đó đèn pin quét một lượt xuống phía dưới, từ chân lên đầu cả bốn chúng tôi.

Nhờ ánh phản quang mà tôi nhận ra trước mặt chúng tôi có ba người. Hai người mặc áo lính, thắt bao da, đeo súng AK, đầu đội mũ sắt sơn trắng, có mấy chữ cái mầu đỏ nhưng tôi không nhìn rõ, trông rất đáng gờm. Người còn lại, chính là người cầm đèn pin. Trong ánh sáng hắt ngược lại của đèn pin, tôi nhận ra người này đội mũ lưỡi trai mềm, mặc áo sỹ quan, thấp hơn, có vẻ cứng tuổi.

Trong hai người đội mũ sơn trắng thì một rất cao to, da như mầu đồng hun, mặt hình quả dưa, miệng thu lại y như miệng con rắn hổ mang, tướng mạo cực kỳ dữ dằn. Phải so sánh ngược lại, tức con rắn hổ mang giống anh ta mới đúng! Ống quần anh ta thắt lại ở phía cổ chân, để lộ ra một đôi Côsơgin đen và to. Sau này tôi biết tên anh ta là Bùi Văn Nhừn, người Mường, quê ở Lạc Thuỷ (Hà Sơn Bình lúc ấy), nhập ngũ tháng 3-1983, làm vệ binh trung đoàn. Người thứ hai nhỏ hơn, mặt trắng trẻo và cũng bớt dữ dằn hơn, sau này tôi biết tên là Bùi Văn Tiển, cũng người Mường, cùng quê và cùng nhập ngũ, cùng làm vệ binh trung đoàn như Nhừn. Còn người mặc áo sỹ quan, như sau này tôi biết, là Nguyễn Văn Định, biệt danh Định Mắm, quê ở huyện Bảo Thắng, Lao Cai. Cũng sau này tôi mới biết, Định Mắm được coi là một trong bốn con hổ ăn thịt người dữ nhất của trung đoàn 254… Còn khi ông ta soi đèn pin vào mặt từng đứa chúng tôi, thì trong khoảng mấy giây tôi lại nghĩ mình đang gặp thám báo Trung Quốc. Có thể lắm chứ! Đường biên chỉ cách chỗ chúng tôi chưa đầy một km. Khi còn ở bên ngoài, tôi nghe những chuyện kể về thám báo Tầu rất rùng rợn. Chúng không chỉ nhiều mưu mô, tàn ác, thâm độc mà còn táo tợn, giỏi võ thuật và tinh quái. Nếu đúng là thám báo Tầu thì sẽ phải làm gì đây? Tôi chưa nghĩ ra. Tôi đang tính toán trong đầu cho tình huống ấy. Tôi có lẽ đã làm động tác huých tay cho Chiến nhưng cậu ta không nhận được tín hiệu. Thì cũng vừa lúc gã chỉ huy lần lượt chĩa thẳng đèn pin sáng chói vào mặt từng đứa chúng tôi. Đầu tiên là Chiến. Chiến vội đứng nghiêm, hai tay nép vào chỉ quần như quy định, tín hiệu cho thấy cậu ta đang chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện.

– Mày ở đơn vị nào?

Chiến run run đáp:

– Thưa thủ trưởng, em ở tiểu đoàn huấn luyện.

Đèn pin chĩa vào mặt Tâm:

– Mày ở đơn vị nào?

– Dạ, thưa - giọng Tâm còn run hơn - dạ, em ở tiểu đoàn bộ tiểu đoàn Bảy…

Đèn pin chĩa vào cậu lính đi cùng:

– Mày ở đơn vị nào?

Cậu lính cũng run run trả lời, cho thấy cậu ta rất biết lỗi.

– …Còn thằng này, mày ở đơn vị nào?

Đèn pin chĩa vào mặt tôi. Sau này tôi cứ băn khoăn tự hỏi tại sao mình lại là người bị hỏi cuối cùng mặc dù tôi đứng ở giữa.

Vốn là lính già, từng công tác ở cơ quan gần chục năm, lại có tính ngang tàng, nên tôi không thể quỵ lụy làm như ba đứa kia. Tôi mới chỉ vừa nói trọn vẹn từ “Tôi…” thì Định Mắm tức khắc ra đòn. Bị chói mắt nên tôi đương nhiên là không kịp có bất cứ động tác tự vệ nào. Tôi chỉ thấy một vầng pháo sáng bung lên ngay trước mắt mình. Trong vòng hàng chục giây tôi không ý thức cụ thể về bất cứ điều gì.

Nhiều năm sau tôi vẫn ghi dấu cảm giác mặt mình bị lệch sang một bên sau cú vả trái cực mạnh, đúng tầm của một gã võ biền luôn thích thú với việc đánh người. Tôi không hề có cảm giác đau mà chỉ thấy man mát, nhồn nhột, hơi tưng tức như bị ai đắp thêm đất dẻo vào một bên má! Sự thật thì nó cũng khá thú vị! Tôi cảm nhận rất rõ hình như mặt mình đang phồng lên từ từ và cũng từ từ chảy xệ về một bên. Đúng hơn, nó như bị nung chảy rồi bị bóp méo. Không phải cứ muốn mà có được cái cảm giác ấy đâu nhé! Ngay lúc đó tôi đã nghĩ: “Nếu anh ta không làm một cú tương tự như vậy nhưng theo chiều ngược lại, thì mặt mình sẽ lệch vĩnh viễn mất”. (Và đúng là phải gần nửa năm sau tôi mới thấy mặt mình bình thường trở lại).

Tiếp theo đó là cú đá kẻ một vệt thẳng tắp từ háng tới cằm tôi nhưng chỉ sướt bên ngoài quần áo, cũng xứng đáng để coi là ngoạn mục.

Một cú đá mang tính hạ sát! Sau này tôi ngẫm lại và tin rằng vào thời điểm đó có bàn tay vô hình nào đấy đẩy nhẹ chân gã miệng rắn ra, khiến cữ chân của hắn không còn chuẩn như khi hắn đá hàng trăm người khác. Bởi chỉ cần cú đá ăn sâu chút nữa, khoảng vài cm thôi, thì cả hạ bộ của tôi đã bị bóc gọn cùng với cái cằm và chóp mũi.

Hình như tôi có “a” lên một tiếng, người hơi ngửa ra phía sau. Chính cái tiếng “a” bản năng ấy lại là liều thuốc kích thích cơn say máu của kẻ đi săn. Nhừn lập tức lao vào tôi bằng một cú tạt cực mạnh khiến tôi hoa mắt và mất cân bằng. Bên này, Tiển kịp thời bồi thêm một phát báng súng. Thế là tôi lại ở tư thế nghiêm!

Tất cả diễn ra ngay trước mắt ba thằng đồng đội đi cùng đang run cầm cập vì sợ.

Không hiểu sao, dù lẻo khoẻo như bộ gọng nhưng tôi vẫn quyết không đo ván trước những cú đòn của mấy gã võ biền cao to. Có lẽ linh cảm riêng thấy điều gì, hoặc cũng có thể thấy đấm đá chúng tôi ở đó không tiện, Định Mắm ra lệnh đưa chúng tôi về đồn.

Bốn chúng tôi thành hàng một, bập bõm bước phía trước, y như lũ tù binh bị áp giải. Ở phía sau, hai khẩu AK thúc hai bên, ánh đèn loang loáng. Định Mắm bước khệnh khạng theo kiểu quan lớn, như là mọi quyền lực, trong đó có cả quyền làm thịt chúng tôi, đang trong tay ông ta. Ông ta cho thấy có thể lột da, quay chả chúng tôi, tuỳ thích. Dọc đường về trạm gác trung đoàn, khoảng gần 1 km, Nhừn và Tiển không ngớt bảo: “Về đồn rồi ông cho mày ăn cháo đĩa”.

Những lời ấy nhằm vào riêng tôi. Tôi biết vậy nhưng cũng chưa tìm ra cách chống lại. Tôi đã kịp thuộc vài từ lóng của lính để biết cháo đĩa là gì nên hiểu sự nghiêm trọng của lời đe doạ ấy. Ăn cháo đĩa có nghĩa là phải bò ra đất, dùng mồm vục vào đĩa cháo, tợp từng miếng như chó ăn. Chỉ những người liệt cả tứ chi mới phải ăn như vậy vì không còn sức cầm nổi bát đũa. Nhưng tôi, một tấc sắt không có trong tay, lại thuộc diện trói gà không chặt, đành phó mặc cho số phận.

Trời vẫn tối đen như mực nên tôi không nhìn rõ những người, về nguyên tắc là đồng đội, lầm lỳ ra đón chúng tôi ở cổng Trung đoàn bộ, góp thêm những câu chửi tục tĩu và thích thú. Trông họ giống như bầy linh cẩu đánh hơi thấy con mồi do đồng bọn săn được, đang ở đoạn cùng đường chờ bị cắn xé. Cả bốn chúng tôi bị đẩy về phía chiếc hầm được tạo nên bằng cách chôn một cái boong-ke sắt xuống đất. Chính xác thì nó là bồn đựng xăng lấy ra từ chiếc xe hỏng nào đó. Thông thường nó dùng làm hầm giam thám báo hoặc bọn lính vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, có thể gây nguy hiểm. Giờ thì chúng tôi sẽ bị tống xuống đó.

Nhừn và Tiển cùng vài người nữa mà tôi không có cơ hội biết mặt biết tên, bắt chúng tôi đứng dàn hàng ngang. Chúng tách tôi ra rồi “hỏi cung” vài câu. Thấy tôi vẫn xưng “tôi” một cách cứng rắn, Nhừn gầm lên: “Hỏi làm gì, tẩn cho nó nát nhừ đi”. Dứt lời, anh ta tông thẳng một phát báng súng vào ngực tôi khiến tôi bật ngửa ra sau. Ở phía sau đã có sẵn một vệ binh khác dùng chân đạp cho tôi bật trở lại. Tôi cố lấy thăng bằng để lát sau lại đứng vững và bỗng thấy mình có khả năng chịu được tra tấn. Lúc đầu quả tình tôi cũng thấy hơi sợ. Khi ba bốn bóng đen cứ lượn xung quanh và không ngớt phóng ra hàng loạt cú đấm loang loáng, khó mà không hoang mang. Có thể tôi sẽ vĩnh viễn bỏ xác lại nơi hoang lạnh này, trong đêm tối mịt mùng và sẽ bị làm cho vô tăm tích. Một kết cục như vậy khó mà không khiến tinh thần hoang mang. Đúng là tôi có thấy ớn lạnh khắp cơ thể. Nhưng bỗng nỗi sợ tan biến mất, khiến tôi bình tĩnh trở lại, thậm chí còn có phần cao ngạo. Cứ coi như mình đang chiến đấu chống lại quỷ sứ đi!

Trong khi tôi nghĩ như vậy thì có thêm khoảng 4-5 cú đấm đạp và báng súng nữa giáng thẳng vào tôi. Lần này thì Tiển hay ai đó rít lên: “Mày quỳ xuống thì chúng tao tha mạng, bằng không có về được nhà cũng thành tật”.

Đứng chứng kiến tôi bị đánh, cả Chiến, Tâm và cậu lính Hà Nội đều run rẩy lo tôi không chịu được. Vào thời điểm đó tôi chỉ có 45 kg cả quần áo, có tiền sử đau dạ dầy và đang bị nghi là viêm cầu thận. Người tôi mảnh khảnh như sắp gẫy thành mấy khúc. Vì thế hình như Tâm thì thầm bảo tôi xin chúng nó một câu. Nhưng thay vì làm theo, tôi cười khẩy và đáp gọn lỏn: “Có con buồi tao đây này”.

Cả mấy tay vệ binh đều không tin vào tai mình. Vì thế khi họ nghe rõ tôi nói đúng như vậy thì có đứa cảm thấy chùn tay. Riêng Nhừn và Tiển lại tiếp tục lao vào. Tôi bị chúng đè xuống đất, y như đè một cái bao tải lép. Chúng thọc tay vào ngực tôi như muốn moi ra bằng hết từng dẻ xương. Chúng vo tròn tôi như vo cái hình nộm bằng vải vụn. Sau đó chúng kêu lên như hứng chí bởi thấy máu con mồi, bẻ gập cổ tôi về phía ngực, đầu gối tì vào phần bụng dưới. Bầy linh cẩu khi cùng xâu xé một con mồi, cũng kêu y như vậy. Vừa khoái trá vừa đầy mùi chết chóc! Sau đó tôi thấy những cú đấm lại liên tiếp giáng xuống, kèm theo những tiếng rít: “Đ. mẹ mày, chết đi này, đ. mẹ mày chết đi! Đ. mẹ mày, chết đi!”. Đấm chán, chúng dùng chân di lên ngực tôi, chắc muốn tôi nát bét dưới chân chúng.

Nhưng tôi tin rằng có đấng Thần Phật nào đó đã che đỡ giúp nên tôi không ngất đi, không đau, không thấy kiệt sức mà còn đủ mạnh để chửi lại nham nhảm. Tôi bảo nếu chúng mày không giết được “bố mày” thì sẽ chẳng thằng nào thoát bị trừng phạt. Tôi rủa chúng là quân Pôn-pốt, bọn Mao-ít (lính Pôn-pốt chắc cũng chỉ ác đến thế là cùng!), những thằng vô phúc, những kẻ uống máu người không tanh, lũ đầu trâu mặt ngựa. Chúng lại dựng tôi dậy. Tôi bèn chỉ về phía chúng, bảo: “Chúng mày chỉ đáng tuổi em tao nhưng ác độc hơn quỷ dữ. Còn lâu chúng mày mới giết nổi tao”. Tôi gào lên bất chấp mọi hiểm nguy, cảm thấy rất sướng miệng, đến nỗi có thằng nào đó quát lên: “Thôi, bịt miệng thằng chó già lại, tống cổ chúng nó xuống hầm”.

Cả bốn thằng chúng tôi bị nhốt chung. Tôi bị đám vệ binh xúm vào túm chân dốc ngược lên rồi thả tõm một cái. Đến lúc ấy tôi mới biết trong hầm đầy nước, mùi thum thủm. Tôi lục sục một lúc rồi cũng ngoi đầu lên được để thở. Ba đứa kia vẫn chưa hết run, cùng đưa tay đỡ lấy tôi. Tôi bảo chúng nó là tôi không hề làm sao. Thậm chí tôi còn vừa nhổ nước bùn ra khỏi miệng, vuốt mặt, vừa pha trò rằng, có thế này mới biết đời lính là thế nào, tình đồng chí, đồng đội là thế nào, đạo đức cộng sản là thế nào, chứ cứ nghe đài thì ăn hết cả thóc giống của bố mẹ cũng không khôn ra được.

Bấy giờ tôi mới thấy đau toàn thân, đau như kiểu bị dần bằng búa, thịt da nhức nhối, các khớp xương như muốn rời ra.

(Còn rất dài, trích từ tự truyện DƯỚI BÀN TAY VÔ HÌNH - chưa xuất bản).

T.D.A.

Nguồn: FB Lao Ta

KHI TÍNH MẠNG CỦA MỘT NGƯỜI CHIẾN SĨ QUÂN ĐỘI BỊ COI THƯỜNG ?

LÝ TRỰC DŨNG/ TD 6-7-2021


Chiều 2.7, trao đổi với Thanh Niên, đại tá Nguyễn Xuân Thìn, Trưởng phòng Tuyên huấn Quân khu 1 (Bộ Quốc phòng), cho biết có 5 đơn vị điều tra đang vào cuộc làm rõ nguyên nhân tử vong của binh nhì Trần Đức Đô.

Ông này cũng cho biết: “Khoảng 14 giờ ngày 28.6, trong lúc chuẩn bị huấn luyện thì quân nhân Trần Đức Đô báo cáo chỉ huy đơn vị ra ngoài đi vệ sinh, lý do bị đau bụng. Khoảng 20 phút sau không thấy quân nhân Đô quay lại, chỉ huy Đại đội 14 đã cử 3 chiến sĩ đi tìm thì phát hiện quân nhân này đang trong trạng thái treo cổ trên cây keo phía sau đỉnh đồi, cách địa điểm huấn luyện khoảng 50m, nên đã đưa xuống và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên.”

Những điều phi lý gây bức xúc cho gia đình nạn nhân và dự luận xã hội ở đây là:

– Vì sao chỉ huy đơn vị quân nhân Trần Đức Đô lúc đầu thông báo với gia đình Đô bị đột quỵ rồi ngay sau đó lại treo cổ tự tử?

– Cây keo tai tượng là loại cây thân gỗ thẳng đứng người ta trồng để lấy thân còn cành rất bé, nhỏ không thể nào không gãy khi một người nặng 60-70kg như quân nhân Trần Đức Đô treo cổ mà cành không gãy. Đô biết trèo cây cao 5-7m thẳng đứng như cây keo từ khi nhập ngũ?

– Nếu cháu Đô treo cổ tử tự thì ai đã tham gia đưa cháu Đô xuống:

+ 3 chiến sĩ phát hiện cháu Đô đang trong trạng thái treo cổ lúc 14g30 là ai? Chắc chắn họ không dám tự tiện đưa nạn nhân xuống mà phải báo cáo cho chỉ huy Đại đội. Vậy chỉ huy Đại đội có chụp ảnh hiện trường không? Đã là chỉ huy Đại đội thì chắc người đó phải có điện thoại đi động, và các chiến sĩ phần lớn đều có điện thoại di động. Có hình nạn nhân đang treo cổ không? Đã cung cấp ảnh cho cơ quan điều tra? Nếu không có ảnh thì tại sao không chụp?

+ Cháu Đô đã thắt cổ bằng giây thừng, dây điện hay dây dù? Tang vật này rất quan trọng, hiện ai giữ?

+ Chỉ huy Đại đội phải có trách nhiệm chỉ cho 5 cơ quan điều tra của quân đội và công an Thái nguyên chính xác cây keo mà quân nhân Trần Đức Đô đã tự treo cổ tự tử.

+ Chỉ huy Đại đội có lập biên bản vụ quân nhân Trần Đức Đô tự treo cổ không? Nếu không thì vì sao? Hay cái chết tự treo cổ trong quân đội thì không cần lập biên bản?

Cái chết của quân nhân Trần Đức Đô thực sự quá gây bức xúc cho gia đình và dư luận xã hội. Nhưng đó không phải là cái chết đầy uẩn khúc của một quân nhân mới nhập ngũ, mà thực tế mấy năm qua đã có những cái chết rất bất thường, tang thương gây uất ức cho gia đình những quân nhân đó. Đơn cử:

– Quân nhân Phạm Đình Hưng, sinh 8.6.1995 ở Đaklak. Nhập ngũ tháng 2.2019. Đóng quân tại Lữ đoàn pháo binh 572 thuộc quan khu 5, xã Phú Mỹ, Tỉnh Bình Định. Là một thanh niên khỏe mạnh nhập ngũ lúc 24 tuổi nhưng chỉ sau 2 tháng nhập ngũ gia đình nhận được tin báo tử. Nguyên nhân tự sát và có để lại thư tuyệt mệnh?! Gia đình yêu cầu được xem thư tuyệt mệnh nhưng đơn vị không đưa và tự ý khâm liệm em không cho gia đình tiếp xúc hiện trường nơi bị cho em tự sát.

Ảnh trên mạng

– Quân nhân Phạm Minh Huy sinh 10.8.2000. Nhập ngũ tháng 3.2019. Ngày 18.8.2019 bà ngoại và cậu hai có lên thăm em và em vẫn cười vui bình thường. Hai tuần sau gia đình nhận được điện thoại của Đại đội trưởng báo em Huy đã nhập Viện quân y 175 và đã chết. Khi gia đình truy hỏi lý do chết thì được trả lời do Huy buồn rồi té lầu chết! Đơn vị đóng quân của em: Lữ đoàn phòng không 77 (152 Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp).

Ảnh trên mạng

– Đáng tiếc cũng còn có nhiều cái chết của quân nhân mới nhập ngũ được cho là “tự tử “…

Một câu hỏi phải được giải đáp: Những trường hợp quân nhân “tự tử” đó có được Đợn vị của họ lập biên bản? Gia đình của quân nhân gặp nạn đó có quyền được yêu cầu xem biên bản đó? Hay không được vì đó là tài liệu mật của quân đội?

Một ví dụ về biên bản phải lập khi có người tử vong: Năm 2020 ở một câu lạc bộ bóng bàn ở Hà Nội nơi tôi tham gia tập luyện, một người bạn của chúng tôi là một quân nhân nghỉ hưu vừa đánh xong đang ngồi nghỉ thì tự nhiên từ từ gục xuống. Chúng tôi lập tức gọi cấp cứu 115 và sơ cứu nhưng bất thành và anh ấy đã mất. Chúng tôi liền báo cho con anh ấy… Sau gần 1 giờ, xe cứu thương 115 cùng bác sĩ đến, họ khám nghiệm, xác nhận nạn nhân đã chết trước khi họ đến, lập biên bản có chữ ký xác nhận của chúng tôi và con trai của nạn nhân và của đại diện câu lạc bộ rồi theo yêu cầu của gia đình. Được sự đồng ý của thẩm quyền họ mới chở xác của nạn nhân về nhà để lo tang lễ cho nạn nhân.

TỪ 'ĐÁNH CON ĐỂ DẠY CON' ĐẾN 'ĐÁNH QUÂN ĐỂ DẠY QUÂN'

TRỊNH HỮU LONG/LK/ TD 6-7-2021


Ảnh: aFamily, Youtube. Đồ họa: Luật Khoa

Tuy xa mà gần.

Đó đây, nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL) tìm cách biện minh cho chuyện đánh quân nhân trong quá trình huấn luyện. Họ cho rằng quân đội là phải thế, phải rèn cho ra bã, phải chịu đựng gian khổ, phải bị ép vào khuôn phép, phải chấp hành kỷ luật. Có một vị nhà báo còn bảo là mỗi lần đánh xong là “đâu ra đấy”. Đại khái là “thép phải tôi thế đấy”.

Có điều, tôi thép thế nào mà thỉnh thoảng lại nghe có quân nhân bị đồng đội đánh chết. Chết dưới tay đồng đội chứ chẳng được chết dưới tay quân thù hay chết khi đang làm nhiệm vụ.

Mỗi lần nghe tin như vậy thì dư luận lại dậy sóng, giận dữ. Chuyện hoàn toàn chính đáng và cần phải được ủng hộ.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, cái lối biện minh cho tội ác kể trên thực ra gần gũi hơn người ta tưởng rất nhiều, vì nó không nằm ở đâu xa, nó nằm ở cái roi trong góc mỗi gia đình và ở cái bàn tay sẵn sàng bạt lên mặt con cái của mỗi bậc phụ huynh.

“Thương cho roi cho vọt”, người ta bảo thế.

Giờ chỉ cần dùng đúng cái logic đó và đặt câu hỏi: con cái thương cha mẹ thì có được dùng roi vọt đánh cha mẹ không? Đừng nói là cha mẹ không bao giờ sai.

Và, binh sĩ muốn chỉ huy “đâu ra đấy” thì có được đánh chỉ huy không? Cũng đừng nói là chỉ huy không bao giờ sai.

Những ai biện minh cho chuyện “đánh quân để dạy quân” thì phải trả lời được câu hỏi này: họ có sẵn sàng bị đánh và chấp nhận rủi ro có thể chết dưới tay đồng đội trong quá trình huấn luyện không?

Câu hỏi dễ trả lời hơn: họ có sẵn sàng cho con cái của mình bị đánh trong quân đội và chấp nhận rủi ro con mình có thể chết không?

Hay nói cách khác, nếu quân nhân Trần Đức Đô là con của bạn thì bạn có lên Facebook nói rằng “quân đội là phải thế” không?

***

Liên kết hai chuyện “đánh con” và “đánh quân” với nhau để thấy rằng hai chuyện có cùng bản chất: dùng bạo lực để áp chế.

Chẳng vì cha mẹ có công dưỡng dục mà chuyện đánh con trở thành đẹp đẽ.

Chẳng phải vì quân đội là lực lượng bảo vệ Tổ quốc mà chuyện đánh quân trở nên đúng đắn.

Đó đều là hành vi cố ý gây thương tích trong Bộ luật Hình sự, mà dân gian hay gọi là hành hung. Nó là hành vi phạm tội, hoặc nhẹ thì cũng là vi phạm hành chính, bất kể bạn muốn khoác cho nó áo hoa áo gấm gì. Lấy mục đích biện minh cho phương tiện vốn chẳng phải là chuyện hay.

Liên kết hai chuyện với nhau cũng để nói rằng ta hay mạnh miệng lên án một hành vi bạo lực của kẻ khác mà ít khi ngó lại chính bản thân mình, rằng mình cũng từng dùng bạo lực với con mình, với bạn mình, với đồng nghiệp của mình.

Cái văn hóa bạo lực trong quân đội chẳng phải từ trên trời rơi xuống. Nó từ mỗi gia đình đi ra. Một đứa trẻ lớn lên trong roi vọt thì tự khắc não bộ sẽ phát triển theo hình cái roi. Roi là thứ ngôn ngữ tốt nhất mà nó hiểu, ngoài ngôn ngữ mẹ đẻ. Đứa trẻ đó lớn lên sẽ lại dùng roi để dạy con cái, dùng bạo lực ngôn từ để đe dọa bạn bè, dùng nắm đấm để “xử lý” đồng đội, dùng giang hồ để “xử lý” con nợ, và dùng nhà tù để “xử lý” nhà báo. Vòng lặp bạo lực cứ như vậy tiếp nối từ đời này sang đời khác, không bao giờ thôi.

Nếu thay vì “đánh con để dạy con”, người ta dùng trí, dùng lý lẽ, dùng sự tôn trọng con để dạy con thì xã hội sẽ bớt đi một người bạo lực và thêm một người khoan dung. Ta không thể đổ hết mọi thứ tội lỗi lên đầu xã hội và chính quyền được, vì cái xã hội và chính quyền đó phần nhiều cũng chỉ là bản phóng chiếu của chính gia đình ta mà thôi.

Hay nói cách khác, tất cả những ai dùng bạo lực, cổ xúy cho bạo lực và im lặng trước bạo lực đều có dấu vân tay trên trên thi thể của những nạn nhân chết vì bạo lực.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét