Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

20210703. VAI TRÒ GIÁO DỤC TRONG PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC

 ĐIỂM BÁO MẠNG


VIỆT NAM CÓ THỂ CẤT CÁNH  TỪ 'ĐƯỜNG BĂNG GIÁO DỤC' 
ĐƯỢC KHÔNG ?

PHẠM MINH/ GDVN 1-7-2021

Trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo tháng 5 vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo lựa chọn một số giải pháp cấp bách, khả thi, có tính chất "đòn bẩy, điểm tựa" để phát triển giáo dục.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 29/TW chúng ta đã triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nhưng kết quả chưa thực sự đạt được những kỳ vọng đặt ra.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm khẳng định, kinh tế xã hội của một đất nước chỉ có thể phát triển khi có một nền giáo dục chất lương. (Ảnh: Phạm Minh)

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới Giáo dục đào tạo nói rằng, vấn đề cốt lõi của giáo dục là phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước cất cánh bay cao. Nếu chừng nào chưa làm được điều đó thì giáo dục vẫn chưa hoàn thành được sứ mệnh.

Tổng thống Nelson Mandela đã từng nói rằng: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để thay đổi cả thế giới”. Và lịch sử thế giới đã chứng minh điều đó. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều đặt vấn đề phát triển kinh tế trên nền tảng ưu tiên phát triển giáo dục.

Bài học từ Ireland

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, câu chuyện về Giáo sư Nguyễn Minh Thọ (Đại học Leuven – Bỉ) và nền giáo dục của Ireland là minh chứng rõ ràng cho việc phát triển đất nước từ sự đầu tư cho giáo dục.

Giáo sư Nguyễn Minh Thọ được đi nghiên cứu giáo dục Ireland năm 1983 vì nơi đây có nền giáo dục tốt, có uy tín với cộng đồng EU. Trên một hòn đảo nhỏ bé không có tài nguyên, không có 1 km đường cao tốc nào nhưng giáo dục thì được miễn phí từ phổ thông đến đại học.

Đây là 1 trong 9 nước nghèo có thu nhập thấp nhất trong cộng đồng EU lúc bấy giờ nhưng sản phẩm giáo dục của họ đều xuất khẩu sang Mỹ, Anh, Pháp, Đức… vì thanh niên ra trường không có việc làm. Kinh tế của Ireland còn nghèo, chưa phát triển nhưng nhân lực của họ là nguồn nhân lực chất lượng cao nên được các nước phát triển chấp nhận, dễ dàng cho định cư.

Nước nghèo nhưng họ vẫn có chính sách ưu tiên phát triển giáo dục. Các trường đại học được đầu tư, có những chương trình nghiên cứu không thua kém các trường đại học ở các nước phát triển. Học sinh, sinh viên được học miễn phí, con nhà nghèo còn được cấp học bổng. Đặc biệt giáo viên tiểu học, trung học được ưu tiên hưởng lương cao hơn các ngành công chức khác có bằng cấp tương đương.

Thế mà sau hơn 10 năm, Giáo sư Nguyễn Minh Thọ trở lại Ireland thì nơi đây đã thành một nước có nền công nghệ phát triển, thu hút đầu tư của nhiều nước phát triển, thu nhập trung bình của người dân ở tốp đầu châu Âu.

“Từ bài học thực tế của Ireland, chúng ta phải nhìn nhận lại về vai trò của giáo dục, đặc biệt phải đặt vấn đề, liệu Việt Nam có thể đưa đất nước cất cánh từ giáo dục? Nếu chỉ lo phát triển kinh tế mà không thực sự chú trọng ưu tiên cho giáo dục thì đất nước không thể đuổi kịp các cường quốc.

Theo quan điểm của tôi, nếu xác định đúng vị trí của giáo dục và đầu tư để giáo dục đủ sức phát triển kịp các nền giáo dục tiên tiến, Việt Nam của chúng ta hoàn toàn có đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ này”, thầy Lâm khẳng định.

Đó chính là lý do chúng ta phải nêu ra và thực hiện cho bằng được những giải pháp để phát triển nền giáo dục như kỳ vọng mà Thủ tướng đã đặt ra.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, trong số nhiều việc cần làm, phải ưu tiên đầu tư công nghệ, ngoại ngữ cho các trường học.

Học sinh của chúng ta cứ chăm chăm giải những bài toán khó trong khi các em vẫn mù mờ về công nghệ, năng lực ngoại ngữ còn yếu kém.

Trình độ công nghệ và ngoại ngữ là thước đo của nguồn nhân lực chất lượng cao, thước đo điều kiện hội nhập quốc tế.

Học sinh học để lấy điểm, rồi vất vả học song bằng, tại sao chúng ta không thực hiện dạy ngoại ngữ một cách thực chất. Khi có tiếng Anh rồi, các em có thể thi quốc tế, hoặc phải làm sao để chất lượng bằng của Việt Nam được quốc tế công nhận.

Học sinh bậc trung học phổ thông phải sử dụng được ngoại ngữ, học không phải để lấy điểm mà là học để vận dụng. Học tiếng Anh phải đạt 4 kỹ năng nhưng thi quốc gia chỉ kiểm tra được một kỹ năng.

"Các nước như Singapore đã tận dụng công nghệ, đầu tư dạy tiếng Anh, họ làm thật và đạt kết quả thật, còn chúng ta vẫn đang vật vã bao nhiêu năm, tốn kém bao nhiêu tiền cho đề án dạy tiếng Anh, để rồi vẫn quanh quẩn ở vạch xuất phát ban đầu.

Tôi kiến nghị bỏ thi ngoại ngữ trong các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Để các trường tự do đáp ứng nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh. Nhưng học sinh trung học phổ thông trong quá trình học phải lấy bằng kiểm tra từ 1 trung tâm khảo thí phải thi cả 4 kỹ năng, đạt trình độ nào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường đại học lấy chuẩn này để tuyển sinh” , thầy Lâm nêu đề xuất.

Các trường học từ mầm non đến đại học cần phải được tự chủ

Tự chủ là động lực để thúc đẩy sự phát triển vươn lên của mỗi cơ sở giáo dục, là vấn đề bức thiết đặt ra đối với tất cả các trường học từ mầm non đến đại học.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết: “Chúng ta vẫn còn đang hiểu sai về tự chủ trong giáo dục, áp dụng tự chủ trong kinh tế cho các doanh nghiệp vào tự chủ giáo dục, giao việc theo cách khoán cho các trường làm, tự chủ để phát triển nhưng lại cắt bớt ngân sách nhà nước. Điều này chỉ đúng với các đơn vị doanh nghiệp làm kinh tế.

Giáo dục là một dịch vụ công đặc biệt, đất nước phải chú trọng đầu tư để phát triển chứ không thể ngồi chờ đợi tư nhân đầu tư. Tự chủ là trao cho nhà trường quyền tự quyết trên cơ sở hành lang pháp lý và kinh phí nhà nước đầu tư, những người làm giáo dục phải tạo ra hiệu quả giáo dục cao nhất. Như vậy về mặt kinh tế nhà nước đã lãi lắm rồi”.

Vấn đề hiện nay là cơ chế quản lý của Nhà nước phải làm sao để các trường phát huy quyền tự chủ. Nếu chúng ta vẫn nặng về tư tưởng bao cấp, cơ chế xin cho thì nền giáo dục vẫn ì ạch, không thể phát triển.

Tự chủ phải đảm bảo ở 3 vấn đề là tự chủ xây dựng chương trình đào tạo, tự chủ trong tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng giáo viên và tự chủ về việc sử dụng nguồn tài chính. Và phải có tự chủ thực sự chứ không phải chỉ nêu khẩu hiệu rồi vẫn phải xin phép, chờ phê duyệt.

“Phải xác định rằng, tự chủ là nâng cao chất lượng giáo dục bằng đồng tiền nhà nước cung cấp chứ không phải để các trường tự lo, tự thu tiền của nhân dân. Hiện nay một số trường công lập tự chủ được thu tiền học phí còn cao hơn các trường tư thục vì họ bị nhà nước rút dần ngân sách đầu tư. Mang tiếng trường công nhưng học phí cao hơn trường tư. Liệu có tạo ra công bằng trong giáo dục không? Liệu đây có phải là mục tiêu của tự chủ giáo dục không?

Tất nhiên với mỗi cơ sở giáo dục, nếu áp dụng một chương trình đào tạo mới, tiến bộ và tốn kém hơn thì họ được phép huy động nguồn lực từ cha mẹ học sinh, dựa trên sự thỏa thuận, cam kết theo một tỷ lệ nhất định và sử dụng đúng mục đích”, thầy Lâm khẳng định.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, thực hiện tự chủ phải có lộ trình rõ ràng, không làm ồ ạt. Trường nào đảm bảo đạt tiêu chí, yêu cầu thì cần trao quyền tự chủ. Các cấp lãnh đạo, quản lý nhà nước phải đặt niềm tin vào các thầy cô, cho họ quyền quyết định để họ được sáng tạo, chủ động, đổi mới với những chiến lược phát triển giáo dục sáng tạo của mỗi nhà trường.

“Đòn bẩy” cho phát triển giáo dục là phải xây dựng đội ngũ trình độ cao

Giải pháp mang tính chất “đòn bẩy” cho nền giáo dục là phải chú trọng làm tốt việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn và sử dụng giáo viên, hướng đến mục tiêu đào tạo học sinh, sinh viên trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giáo dục có thể đi lên khi đội ngũ nhân lực công tác trong ngành giáo dục phải đảm bảo chất lượng.

Thầy Lâm nêu quan điểm: “Người thầy phải được đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và sử dụng như thế nào? Không phải cứ học sư phạm xong là làm thầy giáo. Giáo viên phải qua quá trình chọn lọc, nếu không phù hợp thì không thể giao nhiệm vụ.

Liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn giáo viên thì phải thực hiện chính sách đãi ngộ xứng đáng. Chúng ta chỉ xem trọng bằng cấp nhưng không chú trọng vào năng lực thật của giáo viên”.

Đề cập tới thực trạng đào tạo hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nói: “Hàng ngàn cử nhân giấu bằng đại học để đi làm công nhân, vậy chúng ta đào tạo để làm gì? Chưa làm tốt chất lượng đầu ra thì không thể có nguồn lao động chất lượng.

Trường đại học phải siết chặt chuẩn đầu ra, xây dựng chuẩn cho sinh viên theo từng năm. Phải thực hiện công khai, minh bạch và dứt khoát vấn đề này, trường nào đào tạo yếu kém thì phải cho dừng lại”.

Một vấn đề nữa mà Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đề cập là chiến lược phát triển giáo dục cần có vai trò phối hợp chặt chẽ của các bộ và của chính quyền địa phương.

Cần làm rõ vai trò của từng địa phương trong việc phát triển giáo dục, mỗi địa phương phải có trách nhiệm để đào tạo ra nguồn nhân lực cho địa phương mình. Phải đánh giá theo từng năm, các tỉnh thành đầu tư và phát triển chất lượng giáo dục như thế nào. Thủ tướng nên chỉ đạo để có chỉ số của các địa phương đầu tư cho giáo dục như các chỉ số CPI (chỉ số cạnh tranh) để đánh giá hàng năm.

“Hiện nay, cơ chế của chúng ta đang chồng chéo. Nhân lực thuộc về Bộ Nội vụ, tài chính thuộc Bộ Tài chính nắm giữ, những công việc chiến lược của Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể thực hiện do vướng mắc về tài chính, nhân lực.

Nhà nước quan tâm phát triển, mở rộng cơ chế, địa phương phải thực sự chú trọng đầu tư thì giáo dục mới thực sự cất cánh, kinh tế xã hội mới thực sự phát triển để đất nước sánh vai cùng cường quốc năm châu”, thầy Lâm nhận định.

Phạm Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét