Thứ Năm, 10 tháng 9, 2020

20200911. CÂU CHUYỆN VĂN HÓA QUAN CHỨC

 ĐIỂM BÁO MẠNG 


HÌNH ẢNH KHÔNG ĐẸP CỦA MỘT SỐ QUAN CHỨC TRÊN TRUYỀN HÌNH
BÙI ĐÌNH PHONG/ VHNA 3-9-2020

Dân tinh lắm. Cái gì họ cũng thấy, cũng nghe, cũng biết. Với tư cách một người dân, xem một số chương trình truyền hình gần đây, tôi thấy hình ảnh một số quan chức ở các bộ, ban, ngành Trung ương và tương đương trở xuống - không phải là tất cả nhưng cũng chiếm một bộ phận không nhỏ - không được đẹp lắm, có thể nói là phản cảm.

Thứ nhất, trong các đoàn công tác, làm việc, khi lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nói chuyện với nhân dân hay cán bộ, công chức ở một chỗ nào đó (thường thì đứng nói chuyện một cách rất tự nhiên), một số quan chức đứng sau, đứng cạnh gật đầu, thậm chí có quan chức còn gật đầu lia lịa, tỏ vẻ tán thưởng. Nếu thật sự tâm phục, khẩu phục thì cũng nên kín đáo một chút. Kiểu gật đầu như thế thì “lộ” quá. Hình như những quan chức gật đầu là những người coi lời nói của vua Càn Long bên Trung Quốc là “chân lý”. Vua Trung Quốc nói đại ý thế này: “những kẻ trung thần không dùng; những kẻ gian thần không dùng; chỉ dùng những kẻ nịnh thần”. Gật đầu là một biểu hiện của loại người nịnh thần. Mà cán bộ xu nịnh, a dua theo kiểu “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi, theo gió bẻ buồm” như Bác Hồ chỉ ra là vô cùng nguy hiểm, thậm chí còn đáng lên án hơn cả loại cán bộ lãng phí, tham ô. Vì loại này dễ leo cao, chui sâu vào bộ máy của Đảng và Nhà nước để phá hoại. Trong công tác cán bộ hiện nay, phải có con mắt tinh tường, tinh đời để phát hiện ra loại cán bộ xu nịnh.

Khi tôi nói chuyện với một số đồng nghiệp về loại quan chức gật đầu, có người bảo có thể là thói quen của họ, chấp làm gì. Thói quen ư ? Thói quen xấu thì phải bỏ, phải bị quét sạch chứ! Tôi hỏi lại, vậy quan chức có thói quen quan liêu, tham nhũng, ăn của dân không từ một thứ gì, hách dịch, đè đầu dân, cưỡi cổ dân, vác mặt làm quan cách mạng mà Bác Hồ nhiều lần nói tới, cũng không chấp à? Không được! Tuyệt đối không được. Phải diệt sạch loại cán bộ có “thói quen” xu nịnh, a dua kiểu đó. Nếu không thì đến lúc mất cả Đảng và chế độ.

Thứ hai, các buổi truyền hình trực tiếp họp Quốc hội ở các phiên chất vấn, rất nhiều quan chức cấp bộ trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu. Hầu hết các câu hỏi đều muốn các quan chức cấp bộ nói rõ giải pháp để khắc phục, giải quyết những việc tồn đọng hoặc khuyết điểm, và nêu trách nhiệm thuộc về ai, thì lại nhận được câu trả lời nào là lý do khách quan, nào là biểu hiện của khuyết điểm, hạn chế. Không thấy một quan chức Bộ trưởng nào nhận trách nhiệm về mình. Đó là một thực tế buồn.

Tại các kỳ họp của Quốc hội, rất nhiều quan chức cấp bộ trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi của đại biểu, trả lời quá giờ và xin "gửi lại báo cáo"

Thông thường, trong các kỳ họp Quốc hội, báo cáo của người thay mặt Chính phủ đã nói khá đầy đủ, chi tiết về thành tựu, hạn chế, nguyên nhân của các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước. Nhưng đến khi quan chức các bộ phát biểu lại nói lại, thậm chí còn dài hơn cả báo cáo của Chính phủ. Ví dụ gần đây nhất là thành tựu chống dịch covid. Quan chức nào phát biểu cũng nhắc lại báo cáo của Chính phủ. Nhắc lại như vậy để làm gì? Câu giờ chăng? Hay cũng để chứng tỏ bộ mình, ngành mình cũng có nhiều đóng góp vào thành tích đó?

Một biểu hiện không đẹp khác là trả lời quá giờ. Nhiều khi chủ tọa rung chuông vẫn cố nói thêm. Cái phần quan trọng nhất có khi để cuối. Để lại cuối, hết giờ thì còn cách duy nhất là “gửi lại báo cáo”. Gửi báo cáo cho ai khi câu chuyện truyền hình trực tiếp cho toàn thể đồng bào nghe? Cái mà đồng bào cần nghe nhất lại không được nghe, nằm lại ở báo cáo gửi sau.

Một điều đáng nói là sự hiểu biết, chất lượng thật sự ở một số câu trả lời của quan chức cấp bộ làm người dân đáng lo ngại. Tôi nhớ có kỳ họp Quốc hội, đại biểu chất vấn lý do xuống cấp về đạo đức của xã hội nói chung, của một bộ phận cán bộ, đảng viên nói riêng. Người chịu trách nhiệm về vấn đề này trả lời là do kinh tế! Tôi không hiểu quan chức này nói do kinh tế là do kinh tế kém phát triển hay do kinh tế phát triển? Nói do kinh tế phát triển hay kém phát triển đều trật hết. Nếu do kinh tế kém phát triển mà đạo đức suy đồi thì lý giải làm sao thời chống Pháp, Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kinh tế kém như vậy mà đạo đức tốt đẹp? Còn nếu do kinh tế phát triển thì đạo đức - một kiến trúc thượng tầng - phải phát triển trên nền của cơ sở hạ tầng, thì phải tốt lên chứ, sao lại tụt dốc?

Lần khác, có quan chức nói chúng ta phấn đấu thành cường quốc kinh tế, thì cũng cần phấn đấu thành cường quốc văn hóa. Nói “cường quốc văn hóa” thì chịu rồi, vì như vậy có nghĩa là mấy chữ a, b, c về văn hóa, các quan chức còn phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được như tinh thần một lời dạy của Bác Hồ.

Thứ ba, xem truyền hình đôi khi thấy quan chức các bộ, ban, ngành làm lễ khởi công, khai trương, khánh thành dưới trời nắng chang chang mặc com lê, đeo cà vạt. Có thật sự cần thiết như vậy không? Một là thủ tục rườm rà, tốn kém; Hai là, đây là câu chuyện phong cách, quan cách. Chúng ta nói và đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhưng những biểu hiện đó xa lạ với tấm gương đạo đức của Bác.

Thứ tư, câu chuyện “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí về thăm và làm việc” đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở thời học tập Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và đã được khắc phục. Hồi đó, người đứng đầu Đảng ta nói xuống với dân, làm việc với cơ sở mà như thế thì xa dân lắm, quan cách lắm.

Bây giờ còn chuyện “kính thưa”. Tôi nhớ không nhầm thì mấy năm trước, hình như đã có quy định trong hội nghị, hội họp chỉ kính thưa người cao nhất. Bây giờ xem truyền hình thấy trong nhiều cuộc họp, người lên khai mạc, phát biểu, tổng kết kính thưa nhiều quan chức lắm. Kính trọng không nhất thiết phải kính thưa. Làm như vậy vừa tốn thời gian vừa không đạt hiệu quả cao.

Một vài chuyện nêu trên tưởng nhỏ, nhưng hoàn toàn không nhỏ. Nó làm giảm niềm tin của nhân dân vào những người được coi là trí tuệ, danh dự, lương tâm của đất nước, của nhân dân. Giảm niềm tin đến mất niềm tin là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn. Mà mất niềm tin là mất tất cả.

CHUYỆN TẶNG QUÀ ĐẠI BIỂU

NGUYỄN DUY XUÂN/ VHNA 30-8-2020

 Truyền thông những ngày qua rộ lên chuyện các địa phương triển khai gói thầu mua quà tặng đại biểu dự đại hội các đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo đó, tỉnh Quảng Bình bỏ ra 2,2, tỷ tiền ngân sách mua cặp giả da, mỗi chiếc có giá giao động từ 3,5 đến 3,7 triệu đồng.[1]

Tuy nhiên trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận về một kế hoạch “vung tay quá trán” trong bối cảnh địa phương chưa thoát nghèo, đại dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh này đã quyết định hủy bỏ toàn bộ các gói thầu trị giá 2,2 tỉ đồng nói trên.

 Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Phan Thanh Cường - Chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình cho hay, đây là quyết định hủy bỏ toàn bộ các gói thầu, còn quà tặng thì “Văn phòng Tỉnh ủy sẽ cân nhắc kỹ và thực hiện các thủ tục mua sắm cặp đựng tài liệu với mức giá phù hợp, thấp hơn”.[2] Thế có nghĩa là việc tặng cặp da vẫn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đã phê duyệt, chỉ có điều là “mức giá phù hợp, thấp hơn”.

Sau Quảng Bình, đến lượt Lâm Đồng thông qua gói thầu trị giá gần 1,2 tỷ mua sắm cặp tài liệu phục vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh.

Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết: “Giá trị quà theo quy định 3 triệu đồng nhưng địa phương chỉ mua hơn 2 triệu đồng. Tiền này trích từ nguồn kinh phí của Trung ương cấp và địa phương chuẩn bị cho đại hội, được phê duyệt từ đầu năm”.[3]

Có nên duy trì những hình thức gây tốn kém, lãng phí khiến người dân suy giảm niềm tin?

Chuyện tặng quà nhân dịp đại hội đảng các cấp dường như đã thành thông lệ mấy chục năm nay. Thời bao cấp do diều kiện kinh tế khó khăn, quà tặng đơn giản chỉ là cuốn sổ tay ghi chép kèm cây bút bi. Thế rồi, theo đà phát triển của kinh tế xã hội, quà tặng dịp đại hội cũng được nâng cấp dần, có giá hàng triệu đồng một món, như cặp giả da theo dự tính của tỉnh Quảng Bình nói trên.

Điều đáng quan tâm là số tiền chi mua quà cho đại hội từ cấp cơ sở trở lên là rất lớn bởi số lượng người được tặng nhiều, cộng với các khoản chi khác thì kinh phí dành cho đại hội là không hề nhỏ.

Theo dõi hình ảnh báo chí đưa tin về đại hội đảng các địa phương trong thời gian qua, không khó để có một nhận xét chung, đại hội nào cũng được tổ chức rất hoành tráng.Có đại hội trang hoàng lòe loẹt, Đoàn chủ tịch ngập trong rừng hoa -hoa trang trí, hoa chúc mừng,…

Tổ chức một kỳ đại hội tất nhiên đòi hỏi sự tốn kém nhưng như thế không có nghĩa là cứ vung tay quá trán để phô trương hình thức. Trong lúc kinh phí dành cho đại hội đều lấy từ nguồn ngân sách nhà nước (như kế hoạch chi của tỉnh Quảng Bình, tỉnh Lâm Đồng, v.v…). Quả là một sự lãng phí không cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn, đại dịch Covid-19 hoành hành, người dân còn vất vả trong cuộc mưu sinh.

Thiết nghĩ, đây là vấn đề cần được các cấp ủy đảng quan tâm nhất là trong bối cảnh hiện tại, Đảng và Nhà nước đang quyết liệt thực hiện triệt để chủ trương thực hành tiết kiệm. Hơn ai hết tổ chức đảng các cấp phải luôn đi đầu và gương mẫu trong việc chi tiêu ngân sách. Đảng viên tham dự đại hội là tinh hoa của Đảng, phải thể hiện sâu sắc phẩm chất cao quý của người cộng sản, không màng danh lợi, tận tụy phấn đấu, hi sinh vì hạnh phục của nhân dân.

Để làm được điều đó, cần mạnh dạn cải cách công tác tổ chức đại hội. Nên xem đại hội là hoạt động bình thường của tổ chức đảng. Nhân dân quan tâm và trông chờ kết quả đại hội về chủ trương, đường lối vạch ra có phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, chính trị, kinh tế địa phương, đất nước; về đội ngũ lãnh đạo được bầu ra có đảm bảo tiêu chuẩn tài đức hay không chứ không phải ở hình thức tổ chức hoành tráng, tốn kém.

Theo đó, một đại hội nên thực hiện 4 “không”:

- Không trang hoàng lòe loẹt, bài trí thảm hoa.

- Không nhận lẵng hoa, quà chúc mừng, tiền tài trợ của các tổ chức, doanh nghiệp.

- Không tặng quà đại biểu, khách mời.

- Không tổ chức đoàn đại biểu các đoàn thể chào mừng.

Vừa rồi, khán giả truyền hình rất ấn tượng với lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành ngoại giao. Buổi lễ được tổ chức giản dị mà trang trọng trong không khí tôn nghiêm, không hề có thảm hoa trang trí hay lẵng hoa chúc mừng chưng trên lễ đài, ngay cả trên bục phát biểu của lãnh đạo cũng không có hoa bài trí.

Một lễ kỷ niệm giản dị, tiết kiệm như thế, tại sao lại chưa trở thành nếp văn hóa phổ biến của thời hiện đại?

 

 

Nguồn tham khảo:

[1]. https://nld.com.vn/thoi-su/quang-binh-chi-22-ti-dong-mua-cap-dung-tai-lieu-cho-dai-bieu-va-khach-moi-trong-ngay-dai-hoi-20200826185446684.htm?fbclid=IwAR1uZo7LzHKvmsqrYv93H5-v0MV5Z3SCCxEd8ybD7RtPfaZSyIopzd2t9jU

[2]. https://nld.com.vn/thoi-su/quang-binh-huy-viec-chi-hon-22-ti-dong-mua-cap-dung-tai-lieu-cho-dai-bieu-va-khach-moi-20200827170107182.htm

[3]. https://vtc.vn/lam-dong-chi-gan-12-ty-dong-mua-cap-da-tang-dai-bieu-ar566683.html

LIỆU TÔI CÓ NGHE NHẦM KHÔNG ?

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ TD 6-9-2020

Trong buổi thời sự 19 giờ ngày 6/9/2020, VTV1 đưa tin về lễ kỷ niệm 75 năm Đài Tiếng nói VN. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu. Trong bản tin ấy tôi nghe được câu sau của người dẫn chương trình:

Thủ tướng nhắc lại lời của Bác Hồ kính yêu với Đài Tiếng Nói Việt Nam năm 1947: ‘Đài phát thanh là công cụ hết sức quan trọng của Đảng, Chính phủ để chỉ đạo và động viên nhân dân cả nước trường kỳ kháng chiến và chọc thủng bức màn bưng bít của địch nhằm cô lập ta. Các cô, các chú phải giữ gìn bằng được tiếng nói của Đảng và Chính phủ trong mọi tình huống’, Thủ tướng nêu rõ, lời căn dặn ấy đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị” (*).

Nghe xong tôi bàng hoàng. Phải chăng năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trọn vẹn câu đó hay ai đã thêm thắt vào? Tôi nhớ rất rõ rằng năm 1947 không có bất kỳ một ai công khai nói về đảng. Hồ Chí Minh càng không. Phải chăng câu trên được nói một cách bí mật? Hay tôi nghe nhầm? Tôi đã hỏi mấy người nhà cùng xem VTV có phải tôi nghe nhầm không, họ nói, họ cũng nghe như vậy.

Cán bộ và đặc biệt là lãnh đạo của Việt Nam luôn luôn ghép chặt Chính phủ với Đảng trong mọi công việc mà xét ra có nhiều việc không thể ghép được.

Tôi không tin là năm 1947 Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ghép Đảng với Chính phủ vì đảng Cộng sản đã giải tán và đảng Lao động chưa thành lập.

Nếu thật như vậy thì Nguyễn Xuân Phúc đã phạm tội thêm thắt vào lời nói của Hồ Chí Minh. Thêm thế để làm gì? Thôi thì đành đổ tội cho thư ký vậy.

_____

(*) Ghi chú của Tiếng DânClip của VOV sau đây, người dẫn chương trình cũng có nói đoạn này ở phút thứ 3’10 giây:

Nguyên văn như sau: “Thủ tướng nhắc lại lời của Bác Hồ kính yêu với Đài Tiếng Nói Việt Nam năm 1947: ‘Đài phát thanh là công cụ hết sức quan trọng của Đảng, Chính phủ để chỉ đạo và động viên nhân dân cả nước trường kỳ kháng chiến và chọc thủng bức màn bưng bít của địch nhằm cô lập ta. Các cô, các chú phải giữ gìn bằng được tiếng nói của Đảng và Chính phủ trong mọi tình huống’. Lời căn dặn ấy, đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị”.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét