Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2020

20200710. TƯ NHÂN HÓA TRƯỜNG CHUYÊN NHÌN TỪ BÓNG ĐÁ

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ TRƯỜNG CHUYÊN NHÌN TỪ QUÁ TRÌNH TƯ NHÂN HÓA BÓNG ĐÃ VIỆT NAM
NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ GDVN 6-7-2020
Ở bài viết trước, tôi đã phân tích và chỉ ra mục đích đào tạo nhân tài của hệ thống trường chuyên ở Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập.
Cụ thể, cách làm lâu nay đang đi chệch khỏi mục tiêu và sứ mạng trong giáo dục và đào tạo con người nói chung.
Không những vậy, với cách tư duy và vận hành như hiện nay, các trường chuyên ở Việt Nam đã và đang là nơi tạo cơ hội cho căn bệnh thành tích trong giáo dục ngày một trầm trọng hơn.
Thế nên, đề xuất tư nhân hóa hệ thống trường hiện nay của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành rất cần được lắng nghe và trao đổi một cách cầu thị và chân thành nhất.
Phân bổ nguồn lực quốc gia cần liệu cơm gắp mắm
Nhiều người cho rằng, hệ thống trường chuyên hiện nay là nhằm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài để sau này “phục vụ”, “cống hiến” cho đất nước.
Quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia hàng năm hầu hết là học sinh trường chuyên, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn
Lý thuyết và mơ ước là vậy nhưng thực tế thì sao? Vì chưa có một cuộc khảo sát hay tổng kiểm kê vấn đề “cống hiến” và “phục vụ đất nước” của những nhân tài xuất thân từ các trường chuyên nên rất khó để có thể đưa ra những kết luận thuyết phục.
Tuy vậy, có một thực tế đã và đang xảy ra mà theo tôi, rất đáng để tất cả chúng ta cùng tham chiếu để có thêm góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.
Hẳn mọi người vẫn chưa quên chuyện liên quan đến các nhà vô địch trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” từng là đề tài tranh luận trước đây.
Tại sao Nhà nước phải đầu tư tài lực, trí lực để phát hiện nhân tài nhưng cuối cùng để các nước khác thụ hưởng? (Ảnh minh họa trên Toquoc.vn)
Những nhà vô địch này đa phần cũng xuất thân từ các trường chuyên nhưng sau khi thắng giải đều chọn ra nước ngoài du học và ít người trở về nước “phục vụ” và “cống hiến”.
Có người sẽ nói rằng, giờ là thời đại “toàn cầu hóa”, là “thế giới phẳng”, việc đóng góp và phục vụ đất nước của các nhân tài trên nên được nhìn nhận ở góc độ của những “công dân toàn cầu”…
Tôn trọng suy nghĩ này, nhưng tôi muốn phản biện lại như sau:
Thứ nhất, tôi cho rằng, dù thế giới hôm nay có “phẳng” như thế nào thì những vấn đề thuộc về bản sắc văn hóa, sắc tộc, dân tộc sẽ không bao giờ “phẳng”.
Không phải chúng ta vẫn thường gọi một cá nhân tài năng nào đó đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài là “người Mỹ, người Pháp, người Đức… gốc Việt” như một niềm tự hào, kiêu hãnh đó sao?
Thứ hai, nếu tin vào lý thuyết “công dân toàn cầu” thì chúng ta sẽ lý giải như thế nào về câu nói “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”?
Chúng ta luôn miệng bảo rằng, quốc gia muốn thịnh vượng nhất định phải có hiền tài, nhân tài làm “đầu tàu” dẫn dắt.
Thế nhưng, hiền tài, nhân tài, của chúng ta hiện đang trôi dạt muôn phương, không chịu về nước thì có phải cái “nguyên khí” của quốc gia đang bị vơi dần hay thậm chí mất rồi không?
Thứ ba, một trong những lý do các nhà vô địch trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” không trở về nước “phục vụ” và “cống hiến” là “độ vênh” giữa môi trường và điều kiện làm việc giữa Việt Nam và các nước mà họ sang du học đặc biệt là trong hệ thống bộ máy công quyền Nhà nước.
Tất cả chúng ta đều nhìn thấy và thừa nhận thực tế này nhưng thử hỏi đến nay đã có giải pháp nào để dung hòa hay không lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc của Nhà nước chưa?
Đến đây có thể thấy, lập luận của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành theo tôi là có cơ sở. Hệ thống trường chuyên ở phổ thông hiện nay được Nhà nước đầu tư rất nhiều, tuy vậy, hiệu quả, thành quả mang lại thì chỉ tồn tại trên lý thuyết và trí tưởng tượng của nhiều người.
Nói khác đi, mô hình các trường chuyên hiện nay trên thực tế là cách làm “cốc mò cò xơi”.
Nhà nước Việt Nam bỏ kinh phí ra đầu tư rất nhiều nhưng các tài năng vừa chớm nở đã bị các nước khác hớt tay trên.
Xét ở góc độ kinh tế thì việc đầu tư này là không hiệu quả.
Không những vậy, về mặt xã hội rõ ràng việc này đã và đang gây ra sự bất bình đẳng trong thụ hưởng các giá trị vật chất và văn hóa, giáo dục giữa các em học sinh phổ thông chuyên và không chuyên mà Nhà nước đang đầu tư.
Nhiều người nói rằng, ở các nước phát triển nhà nước cũng đầu tư và quản lý các trường chuyên ở phổ thông như Việt Nam. Điều này không sai.
Tuy vậy, nên nhớ rằng tư duy và cách vận hành các trường chuyên ở các nước ấy hoàn toàn khác với chúng ta. Đó là chưa nói, mặt bằng chung về giáo dục của họ so với chúng ta cũng một trời, một vực.
Không những vậy, việc đầu tư cho việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài ở các quốc gia này là xuyên suốt và liên tục bằng một hệ thống giáo dục đại học tiên tiến, hiện đại.
Trong khi đó, ở Việt Nam tất cả dồn hết vào cho các trường chuyên ở bậc phổ thông để rồi sau đó các tài năng vừa chớm nở lại khăn áo ra đi vì hệ thống giáo dục đại học không đáp ứng được nhu cầu để họ tiếp tục tỏa sáng.
Ở các nước mà nhiều người mang ra so sánh, các học sinh tài năng ở bậc phổ thông hiếm có ai khăn gói sang đất nước chúng ta du học để trở thành các chuyên gia hàng đầu thế giới.
Dĩ nhiên, chọn ở lại để làm việc và sinh sống lâu dài thì càng hiếm hơn nữa.
Đây là những sự thật khó mà chối cãi. Thế nên, tôi cho rằng Việt Nam chưa giàu nên chúng ta cần phải liệu cơm gắp mắm trong phân bổ nguồn lực quốc gia cho giáo dục.
Tại sao Nhà nước phải đầu tư tài lực, trí lực để phát hiện nhân tài nhưng cuối cùng để các nước khác thụ hưởng?
Đáng nói hơn nhiều người tuy đã nhận ra vấn đề nhưng thay vì nhìn thẳng vào sự thật thì chỉ biết tự an ủi mình bằng phép “thắng lợi tinh thần” của AQ?
Nhân tài thật sự chỉ có thể tỏa sáng ở môi trường giáo dục đại học
Mọi so sánh đều khập khiễng tuy vậy, nếu chúng ta nhìn sang sự phát triển của bóng đá Việt Nam thời gian gần đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn bao quát và toàn diện hơn.
Trước đây, bóng đá Việt Nam chỉ lẹt đẹt trong cái “ao làng” Đông Nam Á nhưng thời gian gần đây đã lên đỉnh bảng.
Tôi cho rằng, có được thành công này là nhờ chúng ta có một quá trình đã tư nhân hóa hệ thống bóng đá trẻ nước nhà.
Trước đây, tất cả những vấn đề này đều do nhà nước bao cấp cả về tài chính và cách làm.
Các đội bóng với tên gọi gắn với với quan chủ quản Nhà nước một thời như Cảng Sài Gòn, Công An Thành phố Hồ Chí Minh, Thể Công,… tuy để lại nhiều ký ức đẹp trong lòng người hâm mộ nhưng bóng đá Việt Nam khi đó không thể cất cánh.
Trong cái nhìn như vậy, tôi cho rằng mô hình trường chuyên cần được duy trì. Tuy vậy, trong điều kiện và tình hình của Việt Nam thì việc tư nhân hóa hệ thống rất nên được xem xét nghiêm túc.
Việc tư nhân hóa hệ thống trường chuyên trước hết là một giải pháp xã hội hóa nhằm chia sẻ gánh nặng về nguồn lực tài chính với Nhà nước trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa giàu. Tư nhân hóa sẽ góp phần đa dạng nhu cầu và sản phẩm giáo dục.
Với ý thức về nguồn lực tài chính và sự cạnh tranh của thị trường thì việc tư nhân hóa chắc chắn sẽ góp phần điều chỉnh ý nghĩa, mục đích cũng như phương thức tuyển chọn học sinh của các trường chuyên so với cách làm nhiều bất cập hiện nay.
Ngoài ra, tư nhân hóa còn có lợi ích gián tiếp đó là Nhà nước có thêm cơ hội và thời gian nhiều hơn để kiện toàn hệ thống giáo dục đại học.
Trên thực tế, các nhân tài thật sự chỉ có thể tìm thấy và tỏa sáng ở giai đoạn giáo dục đại học.
Thế nhưng, có thể thấy, chính những hạn chế của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra “sự chảy máu chất xám”; làm cho việc đầu tư nhằm phát hiện các nhân tài trong hệ thống trường chuyên ở phổ thông trở nên vô nghĩa.
Thực tế cho thấy, trí tuệ và tài năng của học sinh phổ thông của Việt Nam hiện nay không thua học sinh ở các nước có nền giáo dục phát triển. Tuy vậy, lên tới đại học thì hoàn toàn ngược lại.
Như vậy, xét trong tính hệ thống và sự liên tục trong vấn đề đầu từ nhằm tìm kiếm và bồi dưỡng nhân tài thì việc chúng ta chỉ chú trọng ở giai đoạn phổ thông với hệ thống trường chuyên như cách làm hiện nay không những sai lầm mà còn rất lãng phí.
Thay lời kết
Để có thể phát hiện nhân tài trong giáo dục điều quan trọng trước hết là quan điểm, cách nhìn và hướng đi đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh thực tế về văn hóa, xã hội của cộng đồng, dân tộc, quốc gia.
Với giáo dục phổ thông đi đôi với việc bồi dưỡng những tố chất hay năng khiếu đặc biệt của thế hệ trẻ thì việc vun đắp bồi dưỡng tâm hồn cho các em là cực kỳ quan trọng. Nhận thức lệch về một bên nào cũng khó mà tạo ra những nhân tài đúng nghĩa.
Và như thế việc đầu tư cho nhân tài với suy nghĩ sau này phục vụ xã hội và đất nước sẽ khó mang lại kết quả như mong muốn.
Quan điểm và lập luận của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, xét về mặt câu chữ có thể “cực đoan” nhưng nếu chúng ta biết “gạn đục khơi trong” chắc chắn sẽ tìm được một hướng đi phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của Việt Nam hôm nay.
Nguyễn Trọng Bình
TIN LIÊN QUAN:


MÔ HÌNH TRƯỜNG CHUYÊN TỪ GÓC ĐỘ CHÍNH SÁCH CÔNG
VĂN THỊNH/ TBKTSG 9-7-2020
(TBKTSG) - “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”(1) , “Đất nước thịnh vượng tất ở việc cử hiền”(2). Việc lựa chọn, bồi dưỡng nhân tài từ lâu đã được coi là việc cần thiết, ưu tiên của các bậc đế vương. Thời nay, ngân sách nhà nước trợ cấp mạnh cho các trường chuyên cũng trên cơ sở tin tưởng rằng những tài năng này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Vậy trường chuyên liệu có thực sự đem lại hiệu quả dưới góc nhìn của khoa học chính sách công hay không?

Học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM. Ảnh: THÀNH HOA
Trợ cấp cho trường chuyên là trợ cấp cho nhân tài
Theo lý thuyết chính sách công, cơ sở chủ yếu để biện minh cho trợ cấp giáo dục tại trường chuyên là “ngoại ứng tích cực”(3). Giáo dục tại các trường chuyên sẽ mang lại ngoại ứng tích cực cho xã hội nếu có thể phát hiện, bồi dưỡng các nhân tài, nhà khoa học hoặc các lãnh đạo cộng đồng.
Để đơn giản cho việc hình dung, ta giả định chỉ có trường chuyên đào tạo được nhân tài và số lượng nhân tài trong xã hội được xác định bởi cung nhân tài do các trường chuyên đào tạo (đường S)(4) và cầu nhân tài của xã hội (đường D)(5) như thể hiện trong hình 1. Trên thị trường tự do, các trường chuyên sẽ cung ứng nhân tài tại điểm cung và cầu gặp nhau, tương ứng với điểm A.

Nếu để các trường chuyên tự gánh chi phí, họ sẽ luôn cung ứng ít nhân tài hơn mức tối ưu của xã hội do chi phí biên để đào tạo thêm một nhân tài của trường (PMC) cao hơn chi phí biên của xã hội (SMC). Sự thiếu hụt nhân tài còn làm xã hội tổn thất một khoảng lợi ích bằng diện tích ABC, là phần mất không do nguồn lực không được phân bổ tối ưu. Để giải quyết vấn đề này, trên lý thuyết, nhà nước có thể trợ cấp cho trường chuyên ngân sách đào tạo là MB, qua đó cân bằng chi phí biên của trường chuyên với chi phí biên xã hội. Được trợ cấp, đường cung nhân tài của trường chuyên sẽ dịch chuyển từ S sang S’, cung gặp cầu tại điểm B, xã hội có số lượng nhân tài tối ưu ở mức Q2.
Việc các trường chuyên đào tạo thêm một nhân tài sẽ tạo ra tác dụng phụ có lợi cho xã hội. Các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước có thể tiếp cận được nhân lực chất lượng cao hơn mức bình quân, thu về nhiều lợi nhuận hơn mà không phải trả chi phí đào tạo. Các cộng đồng cũng phát triển ổn định, tiến bộ hơn nhờ có được những nhà lãnh đạo tài năng. Nói cách khác, mỗi nhân tài tạo ra thêm một khoảng lợi ích biên cho xã hội tương đương với khoảng MB trên đồ thị.
Các vấn đề nảy sinh
Tuy vậy trên thực tế, không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được lợi ích biên (MB) để trợ cấp cho phù hợp. Thêm vào đó, việc trợ cấp cho trường chuyên quá mức sẽ dẫn đến sự lệ thuộc vào bầu sữa ngân sách và suy giảm chất lượng đào tạo. Các trường muốn tối đa hóa số tiền trợ cấp, có thể phân bổ đầu tư vào cơ sở vật chất nguy nga và vô bổ thay vì đầu tư vào học sinh, giáo viên, chương trình dạy.
Trợ cấp cao cũng tăng thêm rủi ro “lựa chọn nghịch” khi mà các trường chọn nhầm người để đào tạo do những người hám lợi nhất cho dù không thực sự có tài, sẽ tìm đủ mọi cách để vào trường. Việc tuyển chọn đầu vào trường chuyên thông qua một kỳ thi, cho dù được tổ chức nghiêm túc, chỉ có thể đánh giá được kết quả tại thời điểm chứ không phản ánh đầy đủ năng lực hoặc tiềm năng của một con người. Do đó, cũng không có gì đảm bảo trường chuyên chọn lọc được đúng nhân tài.
Hiện nay, các ưu đãi ngân sách quá lớn cho học sinh trường chuyên, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM(6), càng khuyến khích các phụ huynh “chạy đua vũ trang” cho con mình từ rất sớm.
Trên phương diện cá nhân, việc học thêm cực nhọc, gian khổ trong quá trình luyện thi vào trường chuyên và áp lực giành giải quốc gia, quốc tế khi học chuyên sẽ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cả về thể lực lẫn trí lực của học sinh. Trong dài hạn, các khiếm khuyết này sẽ giảm thiểu năng suất lao động và khả năng đóng góp cho xã hội của các tài năng trẻ.
Ngoài ra, việc các học sinh trường chuyên được học tập trong một môi trường khá đồng nhất với toàn bạn bè, thầy cô giỏi, gia cảnh tương đồng sẽ khiến họ thiếu đi trải nghiệm cần thiết với các bạn bè có năng lực khác, ở các tầng lớp khác trong một xã hội đa dạng. Điều này có thể dẫn đến tâm lý “mây ở tầng nào sống ở tầng đấy” như đã thể hiện qua nhiều phát biểu, bình luận bảo vệ trường chuyên của chính các cựu học sinh trường chuyên. Chúng ta đầu tư lớn với kỳ vọng những học sinh chuyên sẽ trở thành những lãnh đạo tài năng dẫn dắt cộng đồng. Dẫn dắt như thế nào đây trong khi họ không có đủ sự thấu cảm hoặc thậm chí còn không biết tới “các tầng mây khác” trong xã hội?
Tăng cường đầu tư vào trường chuyên gây ra chi phí cơ hội đó là sự thiếu đầu tư tại các trường trung học phổ thông (THPT) không chuyên. Thiếu thầy cô giỏi, cơ sở vật chất tốt và chương trình học phù hợp, học sinh các trường THPT thường hoặc trường đào tạo nghề chắc chắn sẽ thiếu cạnh tranh hơn trong cuộc đua vào trường đại học và thị trường lao động. Trong dài hạn, việc thiếu đầu tư tại đa số trường công sẽ tác động tiêu cực tới khả năng tăng năng suất lao động của nền kinh tế vì lẽ 98% lực lượng lao động của xã hội là những học sinh “không chuyên”.
Trong giai đoạn 2013-2017, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đã tăng trưởng trung bình 12,4%/năm trong khi tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt khoảng 7,9%/năm. Chi tiêu mạnh tay cho giáo dục không nhất thiết cải thiện năng suất lao động một cách tương xứng.
Do đó, việc chúng ta xem xét kỹ càng các khoản chi tiêu cho giáo dục, đặc biệt là trợ cấp ngân sách cho các trường chuyên càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn.
Giải pháp nào cho trường chuyên?
Để trường chuyên có thể thực hiện tốt sứ mệnh của mình, người viết có một số đề xuất sau:
Thứ nhất, cơ quan cấp ngân sách nên có khảo sát toàn diện về kết quả đầu ra của trường chuyên để làm cơ sở đánh giá lợi ích, chi phí của mô hình này, từ đó đặt ra các mức trợ cấp tương xứng. Kết quả đầu ra của trường chuyên nên được đo lường cụ thể bằng triển vọng thu nhập, năng suất lao động, khả năng lãnh đạo cộng đồng, năng lực nghiên cứu trong trường đại học và sự tham gia vào khu vực công của các cựu học sinh.
Thứ hai, trợ cấp cho trường chuyên sẽ dẫn tới lãng phí nếu sử dụng sai mục đích, tuyển sai đối tượng hoặc đối tượng nhận trợ cấp đi du học và định cư nước ngoài. Trong các trường hợp này, xã hội sẽ nhận được rất ít ngoại ứng tích cực. Do đó, chúng ta nên giảm trợ cấp cho các trường chuyên có đầu tư cơ sở vật chất xa hoa, quy trình tuyển chọn sai sót hoặc có tỷ lệ học sinh du học quá nhiều.
Thứ ba, chúng ta nên cân đối giữa đầu tư cho nhân tài và đầu tư cho nguồn lực lao động chung của xã hội. Giảm bớt trợ cấp cho các trường, khối chuyên không hiệu quả và tăng cao suất đầu tư cho học sinh các trường công, trường dạy nghề sẽ có tác dụng cải thiện năng suất lao động của lực lượng lao động chính trong xã hội.
Thứ tư, thị trường hóa sẽ cải thiện ngân sách chung cho giáo dục, giúp tăng nguồn lực để trợ cấp tốt hơn cho các nhóm yếu thế và giáo dục phổ thông bắt buộc(7). Các nhà đầu tư, các nhà cải cách giáo dục tư nhân khi được tham gia vào sở hữu và điều hành các trường chuyên sẽ cải thiện quản trị, tính cạnh tranh và chất lượng của các trường chuyên để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đa dạng của thị trường. Với kinh nghiệm dày dặn về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ hoàn toàn có thể tự tin cổ phần hóa các trường chuyên tiềm năng để xây dựng được một nền giáo dục đa dạng, hiệu quả và không bỏ lại bất kỳ ai.
(1) Thân Nhân Trung (1442)

(2) Lê Thái Tổ (1419) “Chiếu cầu hiền”
(3) Ngoại ứng tích cực (positive externality) là các tác động phụ có lợi mà một người khác được hưởng miễn phí. Ví dụ một người đầu tư tiền bạc để nâng cao học vấn, trình độ văn hóa thì hàng xóm của họ cũng được nhờ.
(4) Đường cung S, xác định bằng chi phí biên của trường chuyên (PMC) để đào tạo thêm một nhân tài
(5) Đường cầu S, xác định bằng lợi ích biên mà cá nhân (PMB) và xã hội (SMB) nhận được khi có thêm một nhân tài
(6) Chênh lệch trợ cấp giữa trường chuyên và trường công thường là 12,2 triệu đồng/học sinh/năm tại TPHCM và 10,7 triệu đồng/học sinh/năm tại Hà Nội
(7) Giáo dục phổ thông bắt buộc bao gồm tiểu học và trung học cơ sở còn mang lại ngoại ứng tích cực lớn hơn cho xã hội so với giáo dục các bậc cao hơn.

TRỢ CẤP CHO TRƯỜNG CHUYÊN- NƯỚC CHẢY CHỖ TRŨNG
LÊ DUNG-HOÀI THU/ TBKTSG 9-7-2020
(TBKTSG) - Gần đây, cuộc thảo luận về ý tưởng bán các trường chuyên cấp 3, điển hình là trường THPT Hà Nội Amsterdam, đã thu hút được đông đảo sự quan tâm, thảo luận đa chiều. Một trong những câu hỏi tâm điểm của cuộc thảo luận này là hiện nay các trường công đang được trợ cấp như thế nào? Ngân sách cấp cho trường thường có khác biệt gì với trường chuyên?

Thí sinh dự thi vào lớp 10 trường PTTH Hà Nội Amsterdam. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Trường chuyên - ngân sách được chia cũng “chuyên”
Hệ thống trường trung học phổ thông (THPT) chuyên đã bao phủ tất cả 63 tỉnh, thành phố, với tổng số học sinh chuyên năm học 2018-2019 là 72.998 em (chiếm khoảng 2,1% số học sinh THPT)(1).
Các trường THPT chuyên có thể nhận ngân sách từ cả hai nguồn trung ương và địa phương. Nguồn ngân sách trung ương dành cho các trường chuyên có thể thực hiện thông qua các chương trình, đề án nhà nước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ và cải tiến chương trình học. Tiêu biểu nhất có thể kể đến là Đề án Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 với trị giá gần 2.313 tỉ đồng.
Nguồn ngân sách quan trọng hơn cấp cho các trường chuyên là thông qua phân bổ ngân sách của địa phương. 89% ngân sách công cho giáo dục giai đoạn 2013-2017 được chuyển xuống địa phương để phân bổ cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Trong gói ngân sách này, các trường THPT trung bình nhận 11-12%.
Khảo sát định mức ngân sách chi sự nghiệp giáo dục của hội đồng nhân dân 63 tỉnh, thành trong giai đoạn 2017-2020, chúng tôi nhận thấy định mức ngân sách địa phương chi cho học sinh trường THPT chuyên cao hơn so với chi cho học sinh trường THPT thường trung bình từ 1,08 đến 3,5 lần(2). Trong đó, tỉnh có mức chênh lệch tương đối cao nhất là Thái Bình (3,5 lần) và thấp nhất là Yên Bái (1,08 lần). Tuy nhiên, mức chênh lệch tuyệt đối cao nhất là TPHCM với định mức chi 17,76 triệu đồng/năm/học sinh, cao hơn 12,19 triệu đồng so với một học sinh trường THPT thường. Tại Hà Nội, mức chênh lệch tuyệt đối cũng khá cao: một học sinh trường chuyên Hà Nội Amsterdam hưởng định mức chi 18 triệu đồng/năm, cao hơn 10,7 triệu đồng so với học sinh trường THPT bình thường.
Học sinh trường chuyên tại thành phố lớn nhận mức trợ cấp cao hơn so với học sinh các trường chuyên tại các tỉnh, khu vực khó khăn. Trường THPT chuyên Nguyễn Du, Daklak nhận định mức 1,8 triệu đồng/học sinh/năm, trong khi học sinh THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội nhận gấp 10 lần.
Số liệu cũng cho thấy tại các thành phố lớn, đồng bằng thì mức chênh lệch trợ cấp cho trường chuyên và trường thường cao hơn nông thôn, các tỉnh miền núi.
Tuy nhiên, tại một số tỉnh miền núi, điển hình như Lào Cai, các trường THPT chuyên còn được hưởng thêm các chính sách ưu đãi riêng bên ngoài các ưu đãi chung về chi ngân sách của tỉnh và các quy định của Chính phủ(3). Ví dụ như Lào Cai có học bổng cho học sinh chuyên có hoàn cảnh khó khăn, học bổng cho học sinh giỏi, chính sách cử giáo viên đi học nước ngoài và thuê giáo viên nước ngoài, giáo viên dạy thi quốc gia…
Phân tích trường hợp Hà Nội
Hệ thống trường chuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hiện nay (không kể khối phổ thông chuyên trực thuộc trường đại học) bao gồm bốn trường: Hà Nội Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây. Năm 2020, phân bổ ngân sách cho các trường này bao gồm chi thường xuyên và không thường xuyên, thực hiện theo quyết định về việc công khai phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2020, số 2259/QĐ-SGDĐT của UBND thành phố Hà Nội.
Đầu tiên, định mức chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố có sự chênh lệch khá rõ ràng giữa các khối học, trong đó khối THPT bình thường, có định mức là 7,3 triệu đồng/học sinh/năm và khối phổ thông chuyên (bốn trường) có định mức từ 12-18 triệu đồng/học sinh/năm.
Giữa định mức chi của bốn trường chuyên này lại phân cấp ra làm hai nhóm với hai định mức chi trên đầu học sinh/ năm khác biệt: Hà Nội - Amsterdam và Nguyễn Huệ: 18 triệu đồng/học sinh/năm, Chu Văn An và Sơn Tây 12 triệu đồng học sinh/năm. Sự khác biệt này có lẽ đến từ đặc điểm trong mục đích và tính chất đào tạo của các trường, khi hai trường nhận định mức cao hơn chỉ có hệ chuyên và hệ song bằng tú tài (A - level) tức là hệ thống cho phép học sinh được sở hữu hai bằng tốt nghiệp THPT trong nước và Anh quốc sau khi học xong. Trong khi hai trường còn lại bao gồm cả hệ chuyên và hệ không chuyên với tỷ lệ xấp xỉ 50/50. Học sinh học hệ chuyên thuộc hai trường này sẽ được hưởng định mức 12 triệu đồng/năm, còn lại áp dụng định mức bình thường dành cho khối THPT .
Trong định mức chi không thường xuyên, cũng có sự chênh lệch rõ rệt giữa các trường THPT không chuyên và trường chuyên. Theo phụ lục số 3, Quyết định số 2259/QĐ-SGDĐT, tổng số chi nghiệp vụ (bao gồm kinh phí thực hiện ký hợp đồng công việc, bồi dưỡng học sinh, tập huấn giáo viên, triển khai các dự án nâng cao năng lực cho giáo viên và học sinh, mua sắm trang thiết bị, cải tạo sửa chữa chống xuống cấp...) cho các cơ sở giáo dục đào tạo THPT dự toán năm 2020 là 500 tỉ đồng, chia cho tổng cộng 115 trường trên địa bàn, trong đó có bốn trường chuyên. Theo đó, trường Hà Nội Amsterdam nhận được số chi cao nhất là hơn 6,5 tỉ đồng, Chu Văn An là 4 tỉ đồng, hai trường còn lại mỗi trường từ 1-1,2 tỉ đồng. Số chi có sự cách biệt lớn giữa các trường, với những trường thấp nhất vào mức vài chục triệu đồng. Chỉ riêng bốn trường chuyên có một khoản đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, với mức cao nhất vẫn thuộc về Hà Nội Amsterdam là 4 tỉ đồng, Chu Văn An và Nguyễn Huệ mỗi trường 1 tỉ đồng, Sơn Tây 900 triệu đồng.
Nên trợ cấp như thế nào cho trường chuyên?
Từ các số liệu, phân tích trên, ta có thể rút ra một số kết luận và giải pháp sau:
Thứ nhất, các trường chuyên được hưởng trợ cấp theo các cách khác nhau, tùy thuộc địa phương và đặc trưng của từng trường. Do đó, ta không nên nhìn nhận mỗi trường chuyên đều giống nhau và cũng không nên áp công thức chung để cải cách hệ thống trường chuyên hoặc cách thức tài trợ cho nó.
Thứ hai, để phân bổ ngân sách được hiệu quả và công bằng hơn, các địa phương nên công khai, minh bạch nguyên tắc trợ cấp. Bên cạnh đó, cần khảo sát, đánh giá thực trạng, kết quả sử dụng trợ cấp của các trường chuyên. Ngân sách phân bổ cho trường chuyên nên gắn với kết quả đầu ra có thể đo lường được.
Thứ ba, các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM nên giảm trợ cấp cho học sinh trường chuyên và phân bổ thêm ngân sách cho học sinh các trường THPT không chuyên để tạo nguồn nhân lực giàu năng lực hơn cho chính địa phương và cũng để giảm bớt các hệ lụy xấu của bất bình đẳng và tiêu cực trong giáo dục.
(1) https://thanhnien.vn/giao-duc/bo-gd-dt-bao-cao-ra-sao-ve-he-thong-truong-thpt-chuyen-gan-10-nam-qua-1243910.html

(2) Kết quả dựa trên tính toán từ 22 tỉnh, thành phố có văn bản quy định rõ ràng các định mức
(3) Nghị định 116/2016/NĐ-CP về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn
Tài liệu tham khảo:
- https://www.statista.com/statistics/1113951/china-public-education-expenditure-as-a-share-of-gdp/
- http://data.uis.unesco.org/index.aspx?queryid=181
- https://eng.stat.gov.tw/ct.asp?xItem=41873&ctNode=6343&mp=5
- https://www.oecd.org/pisa/pisa-2015-results-in-focus.pdf


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét