Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2020

20200703. BÌNH LUẬN VỀ LUẬT ĐẦU TƯ 2020

ĐIỂM BÁO MẠNG
LUẬT ĐẦU TƯ MỚI CÓ KIỂM SOÁT ĐƯỢC ĐẦU TƯ 'NÚP BÓNG' ?
LƯU MINH SANG */ TBKTSG 2-7-2020
(TBKTSG) - Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) với nhiều sửa đổi để phù hợp với chiến lược, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Một trong những nội dung đáng chú ý là việc kiểm soát đầu tư “núp bóng”.
Muôn hình vạn trạng đầu tư “núp bóng” tại Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, đến cuối năm 2019, hàng trăm doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động tại các khu vực biên giới (biên giới đất liền và biên giới biển) tại 22 tỉnh, thành tại Việt Nam(1). Đặc biệt, tại Đà Nẵng, nhà đầu tư Trung Quốc thông qua nhiều “chiêu thức” đã ẩn nấp dưới danh nghĩa của người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam để có quyền chiếm hữu, sử dụng đất đai tại những khu vực nhạy cảm về an ninh, quốc phòng. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy hệ quả của việc thiếu cơ chế kiểm soát và ngăn chặn đầu tư “núp bóng” tại Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Tình trạng đầu tư “núp bóng” ngày càng trở nên phổ biến với nhiều hình thức khác nhau và vô cùng khó phát hiện.
Mục đích ẩn dưới chiêu trò đầu tư “núp bóng” đều có tính chất trục lợi bất chính như chuyển giá, gian lận thương mại, rửa tiền, thực hiện hành vi phạm tội hay lách luật - tận dụng các chính sách ưu đãi của nước sở tại nhằm trục lợi. Nguy hiểm hơn là mục đích kiểm soát đất đai, các cơ sở hạ tầng thiết yếu, đe dọa an ninh quốc phòng nước sở tại dưới sự tài trợ của một chính phủ nước ngoài.
Luật Đầu tư 2020 - “gạn đục khơi trong”
Thu hút nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) luôn là một chính sách quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không “gạn đục khơi trong” thì hệ quả sẽ khó lường. Trước tình trạng đầu tư “núp bóng” ngày càng phổ biến, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW, trong đó nhấn mạnh đến việc phải hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm kiểm soát và khắc phục được tình trạng đầu tư “núp bóng”.
Chủ trương này bước đầu đã được thể chế hóa thông qua một số quy định mới tại Luật Đầu tư 2020 vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có năm nội dung đáng chú ý:
Thứ nhất, quy định bổ sung các điều kiện về thẩm tra tính hiệu quả, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của dự án trong thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư.
Thứ hai, quy định bổ sung điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của NĐTNN liên quan đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển.
Thứ ba, tạo cơ sở pháp lý cho cơ chế tham vấn ý kiến các bộ, ngành liên quan (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao,...) đối với trường hợp NĐTNN thực hiện dự án đầu tư tại các đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư.
Thứ tư, bổ sung quy định về xác định giá trị vốn đầu tư; giám định giá trị vốn đầu tư, giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ. Theo đó, nhà đầu tư sẽ tự chịu trách nhiệm về việc xác định giá trị. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thực hiện giám định độc lập giá trị vốn đầu tư, chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ sau khi dự án đưa vào khai thác, vận hành.
Thứ năm, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng chế tài chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư đối với nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư trên cơ sở giao dịch dân sự giả tạo.
Chờ hướng dẫn và cậy vào công tác thực thi
Người viết cho rằng những quy định mới được bổ sung nêu trên sẽ tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho việc xử lý đầu tư “núp bóng” và đây cũng là điểm sáng của việc sửa đổi Luật Đầu tư lần này. Tuy vậy, sẽ là quá sớm nếu kết luận những quy định này có tác dụng như “đũa thần” để hạ được đầu tư “núp bóng”.
Bởi lẽ, muốn kiểm soát được các nguy cơ từ đầu tư “núp bóng” thì việc chỉ sửa đổi Luật Đầu tư là chưa đủ mà cần phải có một hệ thống quy định đồng bộ và thống nhất của các luật liên quan như đất đai, doanh nghiệp, thuế, lao động, môi trường, chuyển giao công nghệ. Trong đó, đặc biệt quan trọng là cơ chế kiểm soát đất đai theo Luật Đất đai ở các khâu trong quá trình thực hiện dự án.
Người viết cũng hoàn toàn đồng thuận với ý tưởng cần xây dựng đạo luật về an ninh quốc gia trong lĩnh vực kinh tế cũng như thiết lập hệ thống thiết chế giám sát các giao dịch đầu tư, chuyển nhượng vốn, giao dịch thương mại liên quan đến NĐTNN trong những lĩnh vực thiết yếu, nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia(2). Mô hình Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (Committee on Foreign Investment in the United States) là rất đáng để tham khảo(3).
Các quy định hiện tại của Luật Đầu tư 2020 vẫn còn rất chung chung. Để thực thi được cần phải chi tiết hóa, đặc biệt là cần làm rõ tiêu chí nhận diện thế nào là giao dịch giả tạo trong hoạt động đầu tư. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS), giao dịch giả tạo được hiểu là việc các bên xác lập giao dịch dân sự nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác. Nếu hiểu theo quy định tại BLDS thì không thể bao quát được các hình thức của đầu tư “núp bóng” mà người viết trình bày ở phần trên cũng như đang diễn ra trên thực tế.
Sau tất cả, điều quan trọng nhất vẫn là công tác thực thi. Sự chặt chẽ hay tiến bộ của luật pháp sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu được thực thi bởi một bộ máy công vụ không liêm chính và thiếu năng lực. Rõ ràng, việc “gạn đục khơi trong” đối với việc thu hút NĐTNN là vô cùng cấp thiết nhưng việc thiết lập nên những “bộ lọc” cũng có thể dẫn đến nguy cơ nhũng nhiễu, tham nhũng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang là thành viên của rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), nguy cơ Nhà nước bị kiện bởi NĐTNN luôn hiện hữu. Minh chứng là tính đến năm 2018, đã có tới sáu vụ kiện mà NĐTNN khởi kiện Nhà nước Việt Nam. Cho nên, cách thực thi pháp luật đầu tư của ta không thể tiếp tục tùy tiện mà cần phải thay đổi để trở nên bài bản, chuyên nghiệp. Rốt cuộc thì, muốn kiểm soát các nguy cơ bằng luật pháp thì bộ máy nhà nước phải thừa nhận và tuân thủ nghiêm nguyên tắc pháp quyền.
(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/bo-quoc-phong-neu-ca-nhan-doanh-nghiep-trung-quoc-su-dung-dat-dac-dia-tai-viet-nam-1224722.html
(2) Xem thêm: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/canh-giac-voi-dau-tu-chui-dau-tu-nup-bong-564732.html
(3) Xem thêm: /294820/viet-nam-hoc-duoc-gi-qua-cach-my-xu-ly-giao-dich-dau-tu-anh-huong-toi-an-ninh-quoc-gia-.html
Có thể điểm lại một số hình thức đầu tư “núp bóng” phổ biến như sau:
Một, chiêu thức giám đốc giấu mặt. Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) thông qua danh nghĩa của nhà đầu tư Việt Nam (thông qua hình thức thuê, nhận con nuôi hoặc kết hôn) để thành lập công ty. Công ty này sẽ tiến hành đầu tư vào các dự án bất động sản hay lĩnh vực có tính chất nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh. Tất nhiên, NĐTNN sẽ nắm mọi quyền kiểm soát, điều hành dù danh nghĩa vẫn là công ty do nhà đầu tư Việt Nam thành lập.
Hai, NĐTNN góp 49% vốn điều lệ để thành lập công ty liên doanh với nhà đầu tư trong nước hoặc thông qua việc góp vốn, mua bán - sáp nhập các công ty trong nước để đầu tư đất đai, tài sản tại những vị trí quan trọng, nhạy cảm(*). Sau đó bằng nhiều thủ thuật để nắm quyền kiểm soát, chi phối công ty.
Ba, NĐTNN tài trợ vốn cho các công ty trong nước thông qua hình thức cho vay nợ có điều kiện và chi phối các quyết định điều hành của công ty trong nước.
Bốn, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đã tiến hành thuê mặt bằng, nhà xưởng của công ty trong nước, sau đó nhập 100% nguyên liệu, thậm chí là thành phẩm từ nước ngoài rồi tiến hành gia công đơn giản tại Việt Nam để gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ khi xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu.
Năm, đầu tư lòng vòng núp bóng rửa tiền. Đây là chiêu thức thường được áp dụng bởi các chính trị gia hoặc tập đoàn tội phạm nhằm mục đích che giấu nguồn gốc “tiền bẩn”. Thay vì đầu tư trực tiếp vào các công ty mục tiêu, những chủ thể này sẽ tiến hành chuyển tiền thông qua kênh không chính thức sang nước ngoài (thường là các “thiên đường thuế”) để lập nên một quỹ đầu tư, pháp nhân đầu tư. Quỹ đầu tư này sẽ trực tiếp hoặc thông qua những pháp nhân trung gian (công ty bình phong) để đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các công ty trong nước. Quỹ đầu tư này có thể sẽ tài trợ vốn bằng cách mua trái phiếu của pháp nhân trung gian và kiểm soát mục đích sử dụng nguồn vốn này để mua phần vốn góp, cổ phần của các công ty mục tiêu. Sau đó, pháp nhân trung gian sẽ dùng chính phần vốn góp, cổ phần của công ty mục tiêu làm tài sản bảo đảm cho quỹ đầu tư.
Sáu, chuyển giá từ khâu đầu tư. Thông qua việc định giá khống tài sản góp vốn, đặc biệt là tài sản vô hình so với giá trị thực, NĐTNN tạo được lợi thế trong việc tính toán tỷ lệ vốn góp trong công ty và chiếm quyền kiểm soát công ty. Đồng thời, chiêu thức đội vốn giả tạo này cũng làm tăng chi phí khấu hao tài sản cho doanh nghiệp, giúp những doanh nghiệp tối thiểu hóa số thuế phải nộp cho Nhà nước. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn vốn đầu tư từ việc vay và cho vay giữa các công ty liên kết với lãi suất bị đẩy lên cao cũng được NĐTNN thực hiện để chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp.
Bảy, NĐTNN lập dự án với vỏ bọc đầu tư, kinh doanh để thực hiện các hành vi tội phạm như tổ chức cho vay lãi nặng, đường dây đánh bạc công nghệ cao, buôn lậu, bán hàng đa cấp bất chính...
Tám, nguy hiểm hơn cả là tình trạng một chính phủ nước ngoài “núp bóng” NĐTNN để đầu tư vào Việt Nam nhằm sở hữu nhà ở, chiếm hữu và kiểm soát đất đai.

(*) Vì theo quy định pháp luật hiện hành, công ty có tỷ lệ sở hữu vốn của NĐTNN dưới 49% có địa vị pháp lý như nhà đầu tư trong nước.


CÁC NHÀ THẦU ĐƯỜNG SẮT NHỔN-GA HÀ NỘI DỌA KIỆN RA TRỌNG TÀI QUỐC TẾ
LAN NHI/ TBKTSG 2-7-2020
(TBKTSG Online) - UBND thành phố Hà Nội đang đứng trước khó khăn là các gói thầu ở Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội đang đội giá thêm nhiều triệu đô la/gói thầu nhưng chưa có quy định pháp lý để giải quyết. Trong khi đó, các nhà thầu ngoại gây sức ép đòi kiện chủ đầu tư ra trọng tài quốc tế.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội cũng như các dự án đường sắt đô thị khác của thủ đô đều: kéo dài thời gian, đội vốn gấp nhiều lần và hiệu quả đầu tư rất thấp so với số vốn bỏ ra. Ảnh:TL
Ngổn ngang, kéo dài và đội vốn thêm hơn 30 triệu đô la
UBND thành phố Hà Nội cuối tháng trước đã phải gửi văn bản báo cáo rất chi tiết tới tất cả các Bộ đề nghị giải quyết vướng mắc trong việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng và bổ sung chi phí do kéo dài thời gian của các gói thầu tại Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội.
Đây là dự án được quyết định đầu tư từ 11 năm trước, vay vốn ODA  với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1.176 triệu Euro (tương đương với 32.910 tỉ đồng tại thời điểm đó). Quá trình thực hiện dự án gặp rất nhiều vướng mắc, nay đã có quyết định của Thủ tướng cho phép Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội được điều chỉnh tiến độ kéo dài đến hết năm 2022. Tức là 13 năm sau khi khởi công, dự kiến mới đưa vào hoạt động.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án, hiện nay tổng thể toàn tuyến đã đạt 62,12% tiến độ thi công và dự kiến đến năm 2021 sẽ đưa đoạn trên cao vào khai thác trước. Toàn bộ dự án có năm gói thầu xây lắp và bốn gói thầu cung cấp thiết bị.
Quá trình thực hiện dự án này gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, di dời hạ hầng kỹ thuật, vướng mắc về kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ. Vướng mắc giao diện giữa các gói thầu dẫn đến các hợp đồng gói thầu đều phải kéo dài thời gian và phát sinh hàng loạt những điều chỉnh hợp đồng lớn.
Cụ thể là gói thầu CP 01 (tuyến - đoạn trên cao) được coi là gói thầu lớn nhất ký năm 2014 với Công ty TNHH DAELIM (Hàn Quốc), dự kiến thời gian hoàn thành 30 tháng, hiện phải điều chỉnh kéo dài thêm gần gấp đôi thời gian (thêm 26,5 tháng). Nhà thầu đề xuất bổ sung thêm giá trị 19,18 triệu đô la. Tư vấn và chủ đầu tư dự án đàm phán xuống mức 6,6 triệu đô la tăng thêm.
Gói thầu CP02 ( các ga trên cao), ký năm 2013 với Công ty POSCO (Hàn Quốc), dự kiến hoàn thành sau 57 tháng, nay cũng gia hạn thêm 26,5 tháng nữa. Nhà thầu đề xuất tăng thêm 7,2 triệu đô. Hiện các bên đang đàm phán.
Gói thầu CP 07 (hệ thống đường sắt 2) ký năm 2016 với Công ty Colais Rail (Pháp), dự kiến hoàn thành sau 40 tháng, nay tăng thêm 21 tháng. Nhà thầu đề xuất tăng thêm 3,003 triệu Euro. Chủ đầu tư đàm phán giá 1,47 triệu đô tăng thêm.
Các gói thầu còn lại đều phải kéo dài thời gian thực hiện do tiến độ chung điều chỉnh.
Nếu không hòa giải được, đưa nhau ra trọng tài quốc tế
UBND Thành phố Hà Nội cho biết lý do điều chỉnh thời gian và tính toán bổ sung chi phí hợp đồng do vướng mắc giải phóng mặt bằng của phía Việt Nam, dẫn đến việc các nhà thầu không thể có quyền tiếp cận công trường đúng tiến độ như các hợp đồng đã ký.
Nhiều quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có tiền lệ hướng dẫn phương pháp xác định thời gian kéo dài, chi phí bổ sung nên các bên không có cơ sở để giải quyết hoặc thanh quyết toán cho nhau hay không.
Phía các nhà thầu căn cứ vào hợp đồng để tính toán ra các thiệt hại, lợi nhuận (không thu được)...nên nhiều lần đệ trình yêu cầu gia hạn với chi phí phát sinh tính ra ngoại tệ nhiều triệu đô la như đã nói ở trên. Như hợp đồng CP01, hơn 7 tháng đàm phán các bên vẫn chưa đi đến thống nhất. Nhà thầu Pháp nhiều lần có thông báo ý định dừng thi công, khả năng đám phán không thành.
Các dự án đường sắt đô thị Hà Nội hiện đang thực hiện đều có thời gian thi công kéo dài rất lớn, qua nhiều năm, gặp vô vàn các khó khăn. Thậm chí có dự án Cát Linh-Hà Đông đã hoàn thành 99% tiến độ vẫn không thể đưa vào sử dụng.
Theo UBND Thành phố Hà Nội, việc gia hạn thực hiện hợp đồng, chi phí bổ sung kéo dài chưa có quy định trong pháp luật Việt Nam. Do đó, các nhà thầu lập theo phương án thông lệ (được gọi là phương án cửa sổ thời gian), được áp dụng rộng rãi với các hợp đồng tiêu chuẩn của Liên đoàn kỹ sư tư vấn quốc tế (hợp đồng FIDIC). Các bên tư vấn của Pháp và Tây Ban Nha khuyến cáo chủ đầu tư nên ký phê duyệt phụ lục hợp đồng sau khi kiểm tra kỹ. Nhưng Ban quản lý dự án không thể làm được do chưa có quy định nào.
Phía các nhà thầu không chấp nhận và yêu cầu thành lập Ban hòa giải, tiến tới khiếu kiện ra trọng tài quốc tế đồng thời dừng thi công nếu việc thanh toán không được giải quyết sớm. Theo UBND thành phố Hà Nội, nếu đưa ra trọng tài quốc tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh Việt Nam vay vốn ODA. Do vậy, UBND thành phố Hà Nội đề nghị các bộ cho ý kiến về phương pháp giải quyết vấn đề này.
Mời xem thêm:

SẼ SỚM KÍCH HOẠT TỔ CÔNG TÁC ĐẶC BIỆT VỀ THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
TH/ TBKTSG 2-7-2020

(TBKTSG Online) - Theo Bộ  Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Việt Nam đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và tăng cường xúc tiến thu hút có chọn lọc hợp tác đầu tư nước ngoài và đặc biệt sẽ sớm kích hoạt Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về thu hút đầu tư nước ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra vào sáng 2-7. Ảnh: chinhphu.vn
Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra vào sáng 2-7, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn.
Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng đề xuất cần phải có những hành động nhanh, mạnh mẽ hơn, khẩn trương; cần thiết tổ chức các đoàn công tác để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề hỗ trợ tăng trưởng cho các địa phương.
Chính phủ sẽ nghiên cứu, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế, bộ trưởng cho biết.
Về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, Việt Nam khẩn trương chuẩn bị các điều kiện và tăng cường xúc tiến thu hút có chọn lọc và hợp tác đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về thu hút đầu tư nước ngoài sẽ sớm được kích hoạt để đẩy mạnh vấn đề này.
Việc đẩy mạnh thu hút và giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công, theo bộ trưởng, sẽ là giải pháp trọng yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Thống kê cho thấy, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm chỉ ước đạt 156.000 tỉ đồng, bằng 33,1% kế hoạch. Do đây là giải pháp quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nên trong các tháng cuối năm cần phải thực hiện các giải pháp mạnh, kiên quyết để thúc đẩy thực hiện và giải ngân, ông cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, còn 33 bộ, cơ quan Trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%; trong đó 17 bộ, cơ quan Trung ương đạt dưới 10%, thậm chí còn 10 bộ, cơ quan trung ương có mức giải ngân dưới 5%.
Ông cho rằng dự tính tháng 9 mới điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công của Bộ KH-ĐT là muộn.
Bộ KH-ĐT sẽ báo cáo Thủ tướng giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đảm bảo triển khai được ngay sau khi Quốc hội cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư.
Theo chinhphu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét