Cái tên Phạm Chí Dũng không hề xa lạ trong giới “dân chủ”. Phạm Chí Dũng thường xuyên viết bài, trả lời phỏng vấn của các báo, đài nước ngoài như Việt Tân, BBC, RFA… với những nội dung sai lệch tình hình thực tiễn, vu khống, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Có thể nói, Phạm Chí Dũng là một “tay viết” khá lão luyện trong giới “dân chủ”.
Thậm chí, để thuận tiện trong việc lợi dụng quyền tự do ngôn luận nhằm chống phá nhà nước, Phạm Chí Dũng và đồng bọn đã tự lập nên cái gọi là Hội Nhà báo độc lập Việt Nam. Đồng thời, Phạm Chí Dũng cũng tham gia xây dựng nội dung, điều hành trang mạng Việt Nam thời báo – một trang mạng có nhiều bài viết sai lệch thực tế về tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.
Vậy nhưng có lẽ ít ai biết, trước khi được kết nạp vào giới “dân chủ”, Phạm Chí Dũng từng là một “hạt giống đỏ”. Sinh năm 1966, tại Đồng Tháp, cha đẻ của Phạm Chí Dũng là ông Phạm Văn Hùng (còn gọi là Ba Hùng), cựu Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Bản thân Phạm Chí Dũng được đào tạo bài bản, tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật quân sự, có học vị tiến sĩ về kinh tế. Trong một thời gian dài, Phạm Chí Dũng công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh và là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tuy nhiên, không nối tiếp truyền thống gia đình, Phạm Chí Dũng đã tự chuyển hoá, trở thành một đối tượng cơ hội chính trị nguy hiểm. Năm 2012, khi vẫn công tác tại Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Phạm Chí Dũng đã bị bắt khẩn cấp vì bị tình nghi biên soạn tài liệu nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Đến năm 2013, Phạm Chí Dũng chính thức ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam và kể từ đây, ông ta bắt đầu quá trình chống đối quyết liệt. Ông ta lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để sản xuất, đăng tải nhiều bài viết có nội dung kích động chống đối, công kích Đảng, Nhà nước, xuyên tạc bản chất chế độ. Tần suất viết bài diễn ra một cách liên tục.
Lợi dụng tâm lý tò mò của quần chúng nhân dân, Phạm Chí Dũng thường xuyên viết những bài có hơi hướng, màu sắc “thâm cung bí sử” về giới chính trị và lồng ghép trong đó những quan điểm, tư tưởng, nội dung sai trái, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của người đọc. Trước các sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là trước Đại hội Đảng các cấp, Phạm Chí Dũng cùng đồng bọn hoạt động với tần suất dày đặc hơn nhiều lần, đưa ra các thông tin trái chiều khiến dư luận hoang mang.
Những bài viết sai lệch của Phạm Chí Dũng có thể kể đến như: “Thư kiến nghị hoãn phê chuẩn EVFTA và IPA”, “Nghị viện châu Âu sẽ treo giò EVFTA?”, “Bị xóa cấp tổng cục, Bộ Công an thất thế nặng nề trước Bộ Quốc phòng?” hay “Dầu cạn kiệt đếm ngược tuổi thọ chế độ”... Thông qua ngòi bút của mình, Phạm Chí Dũng đã xâm phạm đến những lợi ích chung của cộng đồng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh, chính trị của đất nước.
Qua trường hợp của Phạm Chí Dũng, một lần nữa chúng ta không khỏi giật mình khi những “hạt giống đỏ” không còn đỏ; một lần nữa chúng ta thấy được sự nguy hiểm khi cán bộ, đảng viên tự diễn biến, tự chuyển hoá. Khi cán bộ, đảng viên từng giữ các vị trí trong bộ máy Đảng, Nhà nước tự thoái hoá, biến chất, “trở cờ” quay sang chống phá chế độ, tính chất nguy hiểm rất khó lường. Đây là mầm mống của những nguy cơ đe dọa đến an ninh, ổn định của đất nước.
Trước hết, hành động của những người này ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Đảng, Nhà nước, việc họ đưa ra các bài viết nói xấu chế độ, xuyên tạc tình hình đất nước gây ra tâm lý lo ngại trong quần chúng nhân dân. Ở một khía cạnh khác, cần phải khẳng định khi cán bộ, đảng viên từng giữ các vị trí trong bộ máy Đảng, Nhà nước thoái hoá, biến chất, có hành động chống phá đất nước, chống đối chế độ thì hệ quả mà nó để lại nặng nề hơn nhiều lần so với các đối tượng khác trong xã hội. Bởi họ là những người có hiểu biết về tổ chức bộ máy, có chuyên môn, trình độ về kiến thức và đồng thời cũng từng có vị thế nhất định trong xã hội nên sự chống đối diễn ra vô cùng tinh vi, tiếng nói của số này cũng gây chú ý hơn.  
Ngay khi Phạm Chí Dũng bị Cơ quan điều tra bắt giữ, khá nhiều trang báo nước ngoài có nội dung tiếng Việt và các trang mạng tuyên truyền của các tổ chức phản động, chống đối đã đăng tải những bài viết phiến diện, vu khống Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nhiều bài viết chụp mũ như “đàn áp nhà hoạt động dân chủ”, “chính quyền bắt nhà cải cách”… Những thông tin này được lan truyền trên mạng xã hội, trở thành chủ đề để các đối tượng cơ hội chính trị xuyên tạc, đả phá chính quyền.
Đi liền với việc tích cực điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của Phạm Chí Dũng, cơ quan chức năng sẽ củng cố hồ sơ, cung cấp thông tin về vụ án để mọi người được biết và hiểu rõ bản chất vấn đề, tránh tình trạng các đối tượng tung tin đồn thất thiệt, xuyên tạc sự thật, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự. Việc khởi tố, bắt tạm giam bị can Phạm Chí Dũng tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Vụ án một lần nữa là bài học cảnh tỉnh cho những ai đã, đang có ý định “trở cờ”, suy thoái chính trị tư tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hoá, trở thành tay sai cho các thế lực thù địch, phản động, làm những điều phản dân, hại nước – một vấn đề lớn đã được nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Đảng.
Trần Anh Tú

NTB- 'Hạt giống đỏ' 'đổi mầu' như Phạm chí Dũng phải coi là một hiện tượng lạ so với các hiện tượng thoái hoá biến chất của những 'hạt giống đỏ' khác như Nguyễn Bá Cảnh, Nguyễn Xuân Anh, Lê Trương Hải Hiếu v.v... Mục đích của tác giả là rút ra 'bài học cảnh tỉnh' cho các 'hạt giống đỏ' khác, nhưng tiếc rằng lại không vạch ra được nguyên nhân, cơ chế vận động của các nguyên nhân dẫn đến sự 'đổi màu' đó. Chẳng hạn: Sự tác động giáo dục của Ông Phạm Văn Hùng (cha PCD ) đối với PCD, Môi trường chính trị xã hội và tổ chức đảng trước đây PCD sinh hoạt, Khiếm quyết của quá trình  học hành tu dưỡng bản thân PCD, Có thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc, gài bẫy sa ngã; Có động cơ luồn sâu leo cao cơ trục lợi tiền tài danh vọng .v.v.  Bài viết chỉ có giá trị tuyên truyền, không có giá trị phản biện.

TÔI VIẾT VỀ PHẠM CHÍ DŨNG

ĐỖ THÀNH NHÂN/ BVN 26-11-2019

1. Rừng rú
Ngày 21/11/2019, anh Phạm Chí Dũng (PCD) bị Cơ quan an ninh điều tra Công an TP HCM khởi tố và bắt tạm giam, và khám xét về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 – Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Vậy là anh PCD bị bắt vì tội tuyên truyền chứ không phải vì là Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam.
Tội tuyên truyền, nếu có thể thì thông tin anh PCD phát tán qua các kênh website vietnamthoibao.org, facebook facebook.com/ijavn.org/ cũng chỉ đăng lại các bài trên website; không biết anh PCD còn có phát tán qua các kênh thông tin nào khác không?
Các bài viết trên Việt Nam Thời báo đã tỏa hơi nóng của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam dưới nhiều góc nhìn đa dạng, mà báo nhà nước chậm hoặc không đăng tải. Ví dụ gần đây, tàu HD981 xâm phạm vùng Bãi Tư Chính nghiêm trọng, báo chí nhà nước còn đang chờ chỉ đạo thì Việt Nam Thời báo và nhiều trang web, báo tiếng Việt như Tiếng Dân, RFA, BBC … tổng hợp các bài viết trên facebook, blog đưa tin từng giờ. Thông tin từ VTV, các báo đảng thường chậm, thiếu hoặc không đưa tin.
Trong khi nhà nước, hệ thống tuyên giáo với cơ quan báo chí, thông tin truyền thông tự hào có 800 tờ báo các loại, với hàng chục ngàn phóng viên được ngân sách trả lương, bổng lộc, đầu tư trang thiết bị hiện đại; nhưng lại để cho ông PCD “tuyên truyền nhằm chống Nhà nước (!)”.
Ông PCD cũng không bắt buộc ai xem; người xem cũng tự nguyện và cũng không phải là những kẻ ngu đần để dễ bị tuyên truyền; người xem không phải như năm 1946 với 95% dân số mù chữ kéo nhau đi bầu cử như những người mù cần người dẫn dắt; người xem không phải mông muội tin ngay những bài viết kiểu như “địa chủ ác ghê”(1). Người đọc hiện nay đa số có trình độ đại học; có tư duy, biết chọn lọc thông tin với nhu cầu:
- tiếp nhận thông tin trung thực, nhanh chóng;
- sự góp ý, phản biện hướng tới một xã hội văn minh, phát triển; một nhà nước pháp quyền, dân chủ.
Rất tiếc, những gì người đọc cần thì các chế độ độc tài không đáp ứng!
Việt Nam Thời báo đáp ứng được nhu cầu người đọc hiện đại; anh Phạm Chí Dũng chỉ là người thực hiện quyền công dân theo Hiến pháp.
Tuy nhiên nhà cầm quyền sẽ vận dụng luật theo ý chủ quan của họ để xử anh Dũng có tội. Thực tế nền tư pháp Việt Nam đã từng có “vụ án hai bao cao su đã qua sử dụng”(1) của Cù Huy Hà Vũ hay gần đây là Luật sư Trần Vũ Hải phạm tội “trốn thuế”(2).
2. Bẩn thỉu
Nhiều cây bút làm truyền thông cả hai lề hiện nay bẩn thỉu như là những con kền kền tranh nhau rỉa thịt con vật chết. Anh Phạm Chí Dũng mới vừa bị bắt là họ bung nhiều thông tin nhằm bôi xấu người không có khả năng tự vệ. Sao lúc anh Dũng còn tự do; còn khả năng tranh luận, phản biện; họ lại không công bố để trao đổi, đối thoại sòng phẳng. Chơi trò rất bẩn của ký sinh kiểu “dậu đổ bìm leo”; chẳng đáng là người cầm bút.
Nhớ lúc ông Đinh La Thăng vừa bị bắt tất cả các hình ảnh chụp chung, chụp riêng với các cơ quan, quan chức, đại gia, phóng viên, … đều bị xóa sạch; trong khi trước đó, những tấm ảnh này được khoe để chứng minh mối quan hệ với một lãnh đạo trẻ, năng động của thành phố lớn nhất nước. Nên chuyện đưa thông tin bôi xấu về anh PCD cũng chẳng lạ!
Tuy nhiên, có những trò bôi xấu cá nhân rất thô thiển như “ông Phạm Chí Dũng có bằng tiến sĩ từ đại học tại chức”; … Với mục đích gì?!
Ông PCD có dùng bằng Tiến sĩ để tranh ghế, đoạt quyền, đoạt lợi không? Ông PCD có tự xưng Tiến sĩ khi đề tên mình trong các bài viết không? Điều quan trọng là những bài viết, tư duy của anh Dũng có tương xứng với trình độ Tiến sĩ hay không?
Cùng thế hệ với ông PCD cũng có hàng trăm người cũng từ đại học tại chức, chuyên tu; thậm chí thạc sĩ, tiến sĩ học từ xa, mở, online, … làm ở các viện nghiên cứu, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước. Sao chẳng thấy nhà báo nào lên tiếng.
Chuyện các “cây bút kền kền rỉa xác” tôi chỉ viết vậy thôi; bây giờ tôi viết về anh Phạm Chí Dũng.
3. Một con người
Giai đoạn còn Chính phủ nhiệm kỳ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với Quy hoạch điện VII; hàng loạt các dự án nhiệt điện than được cấp phép và rất nhiều nguy cơ sẽ xảy ra, đặc biệt là vấn đề công nghệ, môi trường. Trong khi giá điện mặt trời nối lưới vòng vo mãi nhiều cấp, nhiều năm vẫn chưa được phê duyệt.
Nhóm chúng tôi nghiên cứu dự án chuyển hóa từ cát thành điện. Trong đó có Nhà máy sản xuất pin mặt trời màng mỏng bằng công nghệ plasma cao tần đã được Bộ Công thương thẩm định và đưa vào chương trình công nghiệp công nghệ cao quốc gia; tiếp tục thực hiện các thủ tục về đầu tư. Chủ trì phần công nghệ của dự án là “GS Từ Trung Chấn”(*).
Lúc đó báo chí trong và ngoài nước lên tiếng rất nhiều về hệ lụy của những dự án nhiệt điện than và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Các trang web như Việt Nam Thời báoBauxite Việt NamTiếng Dân (trước đó là Anh Ba Sàm),… thường xuyên đưa tin chuyên đề này của các chuyên gia trong và ngoài nước, có nhiều bài phân tích, phản biện rất công phu. GS Từ Trung Chấn nói tôi liên hệ với những chủ trang web để nói chuyện.
Tôi gửi email, chưa đầy 10 phút sau nhận phản hồi, anh Phạm Chí Dũng trả lời, hẹn chúng tôi uống cà phê ở một quán trong hẻm cụt đường Nguyễn Trọng Tuyển vào một buổi sáng thuận tiện.
Do đã tìm hiểu trước thông tin, nên khi gặp nhau sau cái bắt tay và mấy câu chào, anh Dũng hỏi ngay chúng tôi nhiều vấn đề liên quan tới điện mặt trời, từ các loại công nghệ, quy trình sản xuất tấm pin mặt trời, hiệu suất quang điện, hiệu quả đầu tư, tiềm năng phát triển công nghệ điện mặt trời và điện mặt trời; và cả những nhược điểm. Về phía GS Chấn, trả lời chẳng khác gì thuyết trình với các loại hội đồng, nói chuyện trực tiếp, thay slide bằng ngón tay chấm nước vẽ trên mặt bàn. Anh nói khái quát các công nghệ pin mặt trời mono, poly, thin film; phân tích sâu về tiềm năng phát triển, những số liệu về trữ lượng cát trắng, ánh nắng mặt trời, những vùng đất đang cằn cỗi sa mạc hóa, kết hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao; giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực …
Từ Trung Chấn, Phạm Chí Dũng
Tiếp đến là chúng tôi trao đổi tới các chính sách vĩ mô, có khả năng gây ra những nguy cơ, như là: thành bãi rác chứa tấm pin mặt trời mono từ Trung Quốc; sẽ lợi dụng ưu đãi đầu tư chiếm đoạt đất nông nghiệp khá lớn; lách luật xuất khẩu cát trắng hoặc sản xuất tấm pin giai đoạn đầu để lấy tài nguyên cát tinh, tác động xấu môi trường, giai đoạn sau chuyển ra nước ngoài hoàn thiện thành phẩm giá trị gia tăng cao hơn (đến nay những nguy cơ này đã lộ diện).
Anh Dũng nghe rất chăm chú, quan tâm, thường chen ngang vào những câu hỏi cho rõ thêm vấn đề.
Cuộc gặp cứ nghĩ uống cà phê nói chuyện làm quen chút rồi chia tay, nhưng câu chuyện cuốn hút kéo qua trưa, ăn tại chỗ, trao đổi đến chiều. Đầu giờ chiều anh Dũng về nhà gần đó lấy gói trà Bắc Thái qua pha uống, nói chuyện tiếp.
Cuối buổi nói chuyện anh Dũng có nhờ chúng tôi viết một số bài phân tích đến chính sách phát triển công nghệ điện mặt trời và các dự án điện mặt trời; đặc biệt là cảnh báo trước những nguy cơ có thể xảy ra với những chính sách bị lũng đoạn. Chúng tôi thống nhất sơ bộ đề cương các bài viết, dự kiến khoảng 4-5 bài.
*
Sau buổi nói chuyện với anh PCD, tôi hỏi GS Chấn: “anh thấy anh Dũng thế nào ?”; Giáo sư trả lời: “người như anh Phạm Chí Dũng là rất đáng kính nể”.
Giáo sư Chấn quan hệ với rất nhiều người là lãnh đạo cấp cao, giới khoa học hàn lâm, đại gia, nhưng hiếm người được GS Chấn nói “kính nể”!
Phạm Chí Dũng, Từ Trung Chấn, Đỗ Thành Nhân
Sau đó Giáo sư Chấn chuyển cho tôi hàng ngàn trang tài liệu liên quan tới nghiên cứu của Giáo sư; nhiều dự án mà Giáo sư đang làm tư vấn, cố vấn để tập trung tư liệu cho mấy bài viết. Nhưng vì nhiều lý do, đến hôm nay chúng tôi vẫn còn nợ anh Phạm Chí Dũng mấy bài báo này.
*
Anh Phạm Chí Dũng bị bắt, từng người nên tự đánh giá với quan điểm của mình dưới góc độ quy luật phát triển của một xã hội văn minh, đừng nói leo truyền thông bẩn hay chơi trò “dậu đổ bìm leo”, tự mình biến thành con kền kền.
Còn kết luận như thế nào là chuyện của lịch sử, của tương lai.
Còn chính quyền nếu thích bỏ tủ và nếu những bản án của tòa đều đúng thì cả nước sẽ có hàng triệu người vào tù từ dân đen cho đến cán bộ đảng viên, chỉ với ví dụ đơn giản là tội danh “trốn thuế” như của luật sư Trần Vũ Hải (3).
Với chúng tôi, thì anh Phạm Chí Dũng là người có trách nhiệm với đất nước; tất cả các lĩnh vực đều cần sự phản biện, xã hội phát triển là nhờ sự phản biện; tuy nhiên “trung ngôn nghịch nhĩ”, nên quan trọng sinh tử là người nghe thuộc loại “minh quân” hay “hôn quân” để tiếp thu phản biện hay chụp mũ phản động.
Cuối bài, xin chia sẽ tấm ảnh chụp chung với anh Phạm Chí Dũng, anh vẫn là bạn và đến lúc này [chúng tôi] vẫn nhìn nhận “người như anh Phạm Chí Dũng là rất đáng kính nể”.
Ghi chú:
(*) GS Từ Trung Chấn (Chan Albert Tu), tác giả, chủ sở hữu công nghệ “APP-CVD THIN FILM SOLAR CELL” trên cơ sở các nghiên cứu đã được cấp bằng sáng chế tại Hoa Kỳ, gồm:
- Số 5573171, ngày 12/11/1996, về “Method of Thin Film Patterning By Reflow”.
- Số 12/499590, ngày 08/07/2009, về “Method and system of producing a solar cell using Atmospheric Pressure Plasma Chemical Vapor Deposition”.
- Số US 2010/0009489 A1, ngày 14/01/2010, về “Method and system for producing a solar cell using atmosphric pressure plasma chemical vapor dposition”.
Chủ trì nghiên cứu Pin mặt trời màng mỏng (think film) bằng công nghệ plasma cao tần
Tra trên Google từ khóa tiếng Việt: "Từ Trung Chấn", tiếng Anh "Chan Albert Tu"
(1) Tra cứu trên Google với từ khóa là cụm từ trong ngoặc kép “…”
(2) Bài viết của Trần Đình Triển: https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/2496699690408058?__tn__=-R
(3) Luật sư Trần Vũ Hải bị phạt 1 năm cải tạo không giam giữ vì phạm tội trốn thuế: https://nld.com.vn/phap-luat/tuyen-an-vu-luat-su-tran-vu-hai-pham-toi-tron-thue-20191115182451724.htm
Đ.T.N.
Tác giả gửi BVN

THẾ LỰC NÀO BẢO KÊ CHO CÁC TRANG MẠNG ' ĐỨNG TÊN LÃNH ĐẠO'
PHẠM CHÍ DŨNG/ VOA/ viet-studies 20-11-2019
VOA Blog
20-11-19

Sau nhiều năm công khai hoạt động vô luật ở Việt Nam nhưng các trang mạng bị xem là ‘giả danh lãnh đạo’ vẫn không hề hấn gì, chỉ đến năm 2019 vấn nạn này mới lần đầu tiên được nêu ra một cách tương đối cụ thể trong kỳ họp tháng 10 - 11 của Quốc hội, cũng là lần đầu tiên được nêu công khai trong nội bộ đảng cầm quyền.
Công an đạo diễn?
“Thực tế có nhiều trang mạng làm giả những trang mạng của Chính phủ, của Đảng, làm giả những trang của các lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ. Nhiều trang mạng đưa ra thông tin rất chính thống, sau đó lại khéo léo lồng ghép với thông tin trái lề vào đó thì chúng tôi, người dân, cử tri không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, vì họ đang dùng chiêu hư hư thực thực” - một số đại biểu quốc hội chất vấn Bộ trưởng 4 T (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Mạnh Hùng.
Các trang mạng bị xem là ‘giả danh lãnh đạo’ là nguyentandung.org, nguyenphutrong.org, nguyenxuanphuc.org, nguyenthikimngan.org, tolam.org, …, sinh đẻ theo cấp số cộng qua mỗi năm. Tổng cộng có đến gần… 50 trang mạng như thế.
Nhưng không phải mỗi trang mạng trên đều có ban biên tập riêng, mà chúng chỉ khác nhau về tên gọi và khác đôi chút về hình thức trình bày, còn phần lớn nội dung đăng tải là giống hệt nhau, giống đến mức không cần hoài nghi về việc những trang mạng này được thiết lập bởi cùng một nhóm người.
Trong thực tế, đã có tin trên mạng xã hội cho biết các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ đều có cùng một bàn tay đạo diễn, và bàn tay này thường họp với ‘ban biên tập’ tại một nhà hàng ở Hà Nội định kỳ hàng tháng. Những trang mạng này thường có được nguồn tin tức nhanh hơn và sâu hơn so với khối báo chí nhà nước nói chung, thỉnh thoảng còn đăng cả những tin tức nội bộ trong ngành công an mà báo chí ngoài ngành này khó mà có được.
Cũng đã xuất hiện nhiều dư luận về việc các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ có nguồn gốc và sự tham gia của cơ quan an ninh Việt Nam, được tài trợ bởi một nhóm tài phiệt trong đảng, bao gồm quan chức chính trị và đại gia tài chính.
Cũng không loại trừ khả năng đã có những chóp bu nào đó trong Bộ Chính trị đảng đứng phía sau và ‘bảo kê’ cho những trang mạng này.
Bộ Chính trị có bảo kê’?
Cho dù thỉnh thoảng vẫn có ý kiến trong nội bộ đảng cho rằng những trang mạng trên là giả danh lãnh đạo, nhưng chính tình trạng hết sức an toàn trong hoạt động của chúng, thậm chí còn công khai cả khung nhuận bút mà không bị bất kỳ cơ quan nào - từ Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và Tuyền thông, Bộ Công an đến các cơ quan quản lý thông tin ở Hà Nội và TP.HCM sờ gáy, cho thấy những trang mạng này cần được gọi đích danh là ‘đứng tên lãnh đạo’ và rất có thể được ‘lãnh đạo’ bảo kê.
Rất nhiều người dân đã nghi ngờ rằng liệu có thật các quan chức trong Bộ Chính trị đảng như Nguyễn Phú Trọng, Trần Đại Quang (đã chết), Tô Lâm, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân… không biết gì về những trang mạng vừa nặc danh vừa mạo danh này, hay biết nhưng vẫn ngầm che chắn và toa rập.
Với thực tế nền chính trị Việt Nam mà bị nhiều người xem là đầy rẫy chất liệu mafia, nguồn cơn thật dễ hiểu là các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ chỉ có thể tồn tại được với điều kiện được những cấp rất cao bảo đảm cho các hoạt động của chúng. Chính yếu tố này đã khiến bất kỳ cơ quan quản lý thông tin nào nếu muốn kiểm tra, xử phạt hành chính hay dùng biện pháp hình sự đối với những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ đều phải bó tay.
Nhưng chữ ‘nếu’ trên chỉ mang tính hoàn toàn giả định, vì trong thực tế nhiều năm qua, và ngay cả từ sau khi Luật An ninh mạng được triển khai chính thức vào đầu năm 2019, người ta chỉ thấy hệ thống pháp luật và Luật An ninh mạng gia tăng siết bức đối với những tiếng nói bất đồng chính kiến và phản kháng xã hội trên mạng, nhưng không hề đả động đến các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’. Hẳn lợi ích được đánh bóng và lobby chính trị của một số quan chức cấp cao đã bắt buộc tất cả các cơ quan quản lý truyền thông đều trở thành đồng lõa với những trang mạng này.
Nhưng không chỉ là lợi ích đánh bóng trong thì hiện tại, mà còn là những âm mưu chính trị ủ chứa cho thời tương lai.
Cuộc ‘tổng nổi dậy’ sắp tới
Tương lai đang ập đến chính trường Việt Nam cùng hàng núi biến động mà độ rung chấn của nó có thể chẳng kém thua gì so với vụ ‘cả ba bị bắn’ ở Yên Bái năm 2016.
Nhưng ngay giờ đây, bầu không khí đầy kích động của thời tiền Đại Hội 12 đang trở lại với chính trường Việt Nam sau tháng Tư năm 2019, tức sau thời điểm mà Nguyễn Phú Trọng thình lình bị một cơn bạo bệnh tại xứ Kiên Giang “nhà Ba Dũng.”
Cơn bạo bệnh trên có vẻ cấp tính và nguy hiểm đến mức chẳng bao lâu sau đó đã xuất hiện kịch bản về chuyển giao quyền lực của Nguyễn Phú Trọng cho người khác. Rõ là khoảng trống quyền lực mà Trọng có thể phải từ bỏ là miếng bánh hấp dẫn hơn nhiều so với thời ông ta chỉ là tổng bí thư, tạo sức hút thơm ngậy và mê dại đối với các quan chức khác trong bộ chính trị. Trong dư luận nội bộ cũng ngày càng phổ biến câu cửa miệng “lực bất tòng tâm” nhằm ám chỉ một Nguyễn Phú Trọng rất có thể sẽ không còn với tới Đại Hội 13, tuy chẳng ai dám công khai nói về tương lai “nhắm mắt xuôi tay” của ông ta.
Quy luật thường thấy trong chính trường là độc tôn quyền lực cá nhân đủ lâu hoặc quá lâu sẽ càng sinh biến loạn nội bộ một khi cá nhân đó phải chấm dứt quyền lực. Trường hợp Nguyễn Phú Trọng cũng rất có thể đang và sẽ là như vậy.
Nhưng sự ra đi của người này lại là nỗi vui sướng và niềm hy vọng cho kẻ khác.
“Âm binh” bắt đầu nổi lên ngay dưới ghế của Nguyễn Phú Trọng.
Cuộc chiến của những kẻ được xem là ngang cơ và ẩn mình dưới ghế Trọng cũng bởi thế sẽ tưng bừng và khắp nơi sẽ “nổi lửa lên em,” cho đến khi Đại Hội 13 kết thúc.
Truyền thông dọn đường
Cuộc chiến đó thuộc về những quan chức ‘âm binh’ sôi sục tham vọng lấp vào khoảng trống quyền lực mà Nguyễn Phú Trọng trước sau cũng phải nhả ra, và cũng thuộc về các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’, dẫn dắt và hướng lái dư luận để phục vụ cho những nhân vật chính trị bất ngờ chiếm ghế khi đó, đặc biệt khi chính trường sắp bước vào năm 2020 mang tính quyết định về các nhân sự chủ chốt trong Bộ Chính trị và trong ‘tam trụ’ hoặc ‘tứ trụ’.
Cuộc chiến đó cũng sẽ được dẫn dắt bởi những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’, mà ‘phe cánh chính trị’ đã từ lâu trở thành thuộc tính của chúng. Nếu không có gì thay đổi, vào năm 2020 những trang mạng này sẽ hiện nguyên hình với tên riêng chứ chẳng cần mượn danh lãnh đạo nào nữa.
Dù Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, khi trả lời chất vấn tại Quốc hội, cho rằng “Bộ đã làm rất mạnh về chuyện gỡ xuống các trang mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong hai tháng vừa qua gỡ 207 trang, có những trang là trang web thì chúng ta ngăn chặn, có những trang trên nền tảng mạng xã hội thì chúng ta hợp tác với nền tảng mạng xã hội. Trong số đó có 46 trang liên quan đến tên của đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, nhưng đó chỉ là một cách nói lấp liếm hay một cách nói trong tư thế bị ‘khóa miệng’ của Bộ trưởng Hùng, bởi cho tới nay các trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ vẫn còn nguyên hình dạng và nội dung như một thách thức rất lớn trước Luật An ninh mạng và những kẻ đẻ ra luật này.
Và dù Nguyễn Phú Trọng - chẳng mấy quan tâm đến mạng xã hội và lợi ích có được từ những trang mạng ‘đứng tên lãnh đạo’ - nên có thể đã chỉ đạo cho Bộ Thông tin và Truyền thông tìm cách tém dẹp những trang này, vẫn có thật nhiều kẻ khác không muốn mất đi mối lợi của cơ chế ‘truyền thông dọn đường cho đại hội 13’ và xem lệnh của Trọng chẳng ra gì.


TIẾN SĨ PHẠM CHÍ DŨNG NHƯ TÔI ĐƯỢC BIẾT 

NGUYỄN TƯỜNG THUỴ / BVN 5-12-2019

Tôi chỉ biết đến Tiến sĩ Phạm Chí Dũng sau khi anh bị bắt lần đầu vào ngày 17/7/2012. 6 tháng sau, công an Tp HCM kết thúc điều tra, trả tự do cho anh mà chẳng có một lời giải thích nào. Tôi tò mò tìm hiểu và ngày càng rất thú vị về con người này. Lần đầu tôi gặp anh và nhiều nhân sĩ trí thức Sài Gòn tại nhà chị Dương Thị Tân vào ngày 14/8/2013. Tôi vào là để đi dự phiên tòa phúc thẩm cháu Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha sẽ diễn ra ở Tân An (Long An) 2 ngày sau đó.
§ Từ bỏ hoan lộ
Phạm Chí Dũng sinh ra trong một gia đình có công với chế độ. Bản thân anh, trước khi bị bắt lần đầu cũng làm việc tại các cơ quan Đảng như Ban Tôn giáo, Ban An ninh Nội chính Thành ủy TP HCM. Anh cũng từng làm thư ký cho ông Trương Tấn Sang khi ông này làm Bí thư Thành ủy.
Ngày 5 tháng 12 năm 2013, Phạm Chí Dũng ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam vì cho rằng đảng này không đại diện và phục vụ cho quyền lợi cho nhân dân. Đây là một dấu mốc rất quan trọng trong cuộc đời anh. Anh chính thức ly khai với ĐCSVN, đi vào con đường dân chủ.
Tuy vậy, sự thay đổi không thể là đột ngột mà nó là một quá trình. Có lẽ, anh đã nung nấu và hành động từ nhiều năm trước, có thể ở tuổi trên dưới 40. Việc năm 2012, anh bị bắt để điều tra về hành vi biên soạn tài liệu chống nhà nước, nhằm lật đổ chính quyền đã nói lên điều đó.
Đây là một điều rất đáng quý ở Phạm Chí Dũng. Với học vị tiến sĩ và tài năng, với vị trí công tác của mình, với lý lịch gia đình và với tuổi còn khá trẻ nhưng vào đảng từ rất sớm (khi ra khỏi tổ chức này thì anh đã có 20 năm tuổi đảng), anh có thể có nhiều cơ hội trên con đường hoan lộ. Nhưng Phạm Chí Dũng không theo con đường mà nhiều người đang đi.
Nguyễn Công Trứ có câu:
Đã mang tiếng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông.
Cho đến bây giờ, con người, nhất là giới gọi là có chữ vẫn ảnh hưởng sâu sắc về quan niệm lập thân của đạo Nho. Lập thân ở đây là lập danh, tức là phải đỗ đạt, phải làm quan để vinh quy bái tổ. Quan niệm này đã làm bao nhiêu người khốn khổ vì nó, nhục nhã vì nó và tha hóa cũng vì nó.
Quan niệm của Phạm Chí Dũng khác. Trước hết anh xác định trách nhiệm công dân. Anh không tìm đến danh, vì nếu thế, anh đã yên trí với vị trí của mình trong bộ máy chính trị để từ đó mà lên cao hơn nữa. Vị trí của anh khi ấy là điều thèm muốn của nhiều người. Anh luôn trăn trở phải làm gì cho núi sông chứ không phải là để có danh gì. Háo danh và danh hão đều xa lạ với anh.
Quan niệm phải làm gì cho non sông đất nước khiến Phạm Chí Dũng rẽ hẳn sang hướng khác, chấp nhận thiếu thốn, bị sách nhiễu và tù đày trong khi con đường hoạn lộ của anh đang rộng mở. Mấy ai dám từ bỏ tất cả để trở thành con người có hiếu với đất nước như anh?
Tôi tin rằng anh thành tâm, nhiệt huyết ngay từ thuở thanh niên, khi anh ký lá đơn xin vào ĐCSVN. Hẳn là anh vào đảng để mong được cống hiến cho nhân dân, cho đất nước chứ không để vinh thân phì gia. Nhưng rồi thời gian làm anh nhận ra, đó không phải là con đường anh có thể đi và đành đoạn tuyệt với nó, dù là đau đớn.
§ Tài năng và tâm huyết.
Từ năm 20 tuổi, Phạm Chí Dũng đã theo đuổi nghiệp văn chương. Anh từng xuất bản 2 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn. Nhưng rồi, anh dành tất cả tâm huyết cho viết báo và quên hẳn chuyện văn chương. Có lẽ anh cho rằng về việc đưa thông tin, phân tích thông tin và phổ biến thông tin, truyền tải tư tưởng, báo chí có thế mạnh hơn.
Ngày 29/04/2014, tổ chức Phóng viên Không Biên giới công bố danh sách “100 anh hùng thông tin” năm 2014, trong đó Việt Nam 3 người được vinh danh gồm Nhà báo Trương Duy Nhất, Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh và Nhà báo Phạm Chí Dũng.
Hai tháng sau đó, ngày 4/7/2014 tại Sài Gòn, Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam được thành lập. Phạm Chí Dũng được bầu làm Chủ tịch Hội với sự đồng thuận tuyệt đối, như là việc đương nhiên phải thế.
Hôm sau, có một Hội nghị các tổ chức xã hội dân sự họp ở Chùa Liên Trì. Trong cuộc họp, tôi thông báo về tình hình thành lập Hội Nhà báo Độc lập. Khi tôi nói đến việc tôi được bầu làm Phó chủ tịch Hội, mọi người lên tiếng chúc mừng. Nhưng ý tôi không phải thế. Tôi đưa tay về phía Phạm Chí Dũng và nói: “Ý tôi là tôi rất vui và vinh dự được giúp việc cho Tiến sĩ Phạm Chí Dũng”. Nghe bạn bè kể lại, anh khen tôi khiêm tốn, có lẽ cũng vì cả câu này. Nhưng đó là câu nói rất thật.
Sức viết của Phạm Chí Dũng thật ghê gớm. Hầu như không ngày nào, website Việt Nam Thời báo và các báo khác như VOA, Người Việt… không xuất hiện vài bài viết của anh. Anh là một cây bút phản biện xuất sắc với những bài bình luận sắc sảo. Giọng văn của anh mẫu mực, không xô bồ, không dùng ngôn ngữ miệt thị nhưng vô cùng thẳng thắn, thẳng thắn đến mức làm đối tượng khó chịu. Anh không né tránh lĩnh vực nào, từ chính trị đến kinh tế, văn hóa, từ “giới chóp bu” (chữ anh hay dùng), những chuyện đấu đá trong nội bộ đến các vấn đề bức xúc ngoài xã hội, từ trong nước ra ngoài nước… Tôi không hiểu anh lấy đâu ra kiến thức rộng như thế.
Tôi hay quan tâm đến sức khỏe của Phạm Chí Dũng. Nhìn anh với dáng vẻ như thể chỉ có da bọc xương, tôi hỏi thì anh bảo tạng người em nó thế, không thể khác được. Thế nhưng trong con người gầy gò, vẻ ốm yếu ấy là một năng lượng khủng khiếp. Tôi chưa từng biết đến cây bút nào viết khỏe như anh. Tôi đã chứng kiến có lần anh “viết bài” như sau: Anh đi chầm chậm vài bước, rồi quay lại vài bước, tay lúc chắp đằng sau, lúc day lên trán và đọc như đọc chính tả. Tôi nhìn anh rất ngạc nhiên, không hiểu anh đang làm gì. Đến câu: “xong chưa?” thì tôi mới biết anh đang “viết bài”. Ở một góc bàn, một cô gái nào đó ôm laptop đang gõ theo lời anh. Đến khi anh dừng đọc thì bài viết đã xong và anh gửi đi luôn. Khác hẳn với tôi, một bài viết có khi phải đánh vật cả buổi.
Say sưa với công việc, Phạm Chí Dũng bỏ qua tất cả những việc vặt vãnh. Ngoài việc bày tỏ chính kiến của mình trong các bài viết, hầu như anh không để ý đến những gì người ta nói về anh, kể lời khen và những lời dị nghị. Ngoài thái độ vui vẻ khi giao tiếp, anh không thể hiện những cảm xúc như buồn bã, cau có, nóng giận. Lúc nào, cũng thấy anh đăm chiêu suy nghĩ như nung nấu một điều gì. Khi thành lập Hội Nhà báo Độc lập, có một số người nghi ngờ anh, công khai nói rằng anh vẫn là an ninh cộng sản được “cài cắm” dưới vỏ bọc khác. Có lẽ người ta chỉ đơn giản để ý đến một thời anh làm việc ở các cơ quan đảng mà suy ra. Sau, những nghi ngờ này cũng giảm dần, không thấy nhắc lại nữa.
Phạm Chí Dũng biết cả nhưng anh không thanh minh, ra lời. Nếu buộc phải tranh cãi, anh cũng nói hết sức ngắn gọn, như thể anh sợ tốn thời gian vào những việc vô bổ hoặc không quan trọng. Anh cũng chẳng bao giờ nhắc tới những chuyện ấy với tôi. Anh vẫn cứ căng mình ra, lầm lũi làm việc như thể anh rất xót xa khi thời gian cứ chầm chậm trôi mà không bao giờ quay trở lại.
Tôi cũng một thời say mê văn thơ như Phạm Chí Dũng. Năm 2010, tôi đã chế bản 2 tập thơ và 1 tập truyện ngắn. Nhưng rồi bị báo chí tự do cuốn hút, tôi đành bỏ đấy. Có lần niềm say mê cũ thức dậy, tôi làm bài thơ tình rồi gửi anh đọc cho vui. Anh đáp: “Đến bây giờ mà anh còn viết những thứ này à?
N.T.T.

VNTB gửi BVN


“Việt Nam có muốn quốc tế tiếp tục coi mình là một quốc gia đáng thân thiện trong mắt quốc tế hay không, nếu như nhà cầm quyền tiếp tục có các hành vi ứng xử như với các nhà phản biện, các cây bút độc lập như xảy ra mới đây với nhà báo, Tiến sỹ Phạm Chí Dũng ở TP. Hồ Chí Minh”.
Ý kiến này được Tiến sỹ Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế, nguyên Vụ trưởng Vụ Thống kê Liên Hợp Quốc, đưa ra với BBC News Tiếng Việt tuần này từ New York, khi ông bình luận câu hỏi liệu có phải ông Phạm Chí Dũng đã thực sự ‘chống nhà nước’, như các cáo buộc được đưa ra khi chính quyền tiến hành lệnh bắt và khởi tố với cây bút độc lập và phản biện.
"Tôi chẳng thấy chống nhà nước gì cả. Giả dụ rất nhiều người viết như Phạm Chí Dũng, bản thân tôi cũng viết như vậy thôi, đưa ra những ý kiến để Việt Nam khá hơn, với tinh thần muốn Việt Nam khá hơn, một cách hòa bình.
"Và những việc mình đóng góp ý kiến cũng rất là hòa bình, thế thì Phạm Chí Dũng cũng vậy thôi. Bây giờ đối xử với Phạm Chí Dũng như vậy thì tất cả những người khác mà cùng ý kiến như Phạm Chí Dũng tự nhiên sẽ bị chính quyền Việt Nam coi như là kẻ thù hết."
“Thế bây giờ Việt Nam muốn đứng ở đâu? Nếu muốn chỉ gọi là đàn áp, tiếp tục một chế độ chuyên chế, áp bức nhân dân như hiện nay, thì tôi nghĩ rất là khó làm bạn với người khác” – Tiến sỹ Vũ Quang Việt
Cho rằng trong chính sách đối nội và bang giao của Việt Nam thông qua cách thức ứng xử với giới phản biện, hay tranh đấu cho nhân quyền có ‘mâu thuẫn’ – Tiến sỹ Vũ Quang Việt tiếp tục nêu ý kiến:
"Tôi nghĩ cái này chính là cái mâu thuẫn của Việt Nam, trong vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối phó với Trung Quốc chẳng hạn, thì nếu Việt Nam tiếp tục chính sách bắt, bỏ tù những người tranh đấu cho nhân quyền, càng ngày càng bóp chặt vấn đề tự do dân chủ của Việt Nam, thì đương nhiên dư luận thế giới sẽ coi Việt Nam cũng giống như là kẻ thù, cũng giống như với Trung Quốc thôi.
"Và nếu mà Trung Quốc có hành động gì mà có nguy hại cho Việt Nam, thì với cái nhìn của thế giới như vậy về Việt Nam, đương nhiên người ta sẽ rất là khó mà có thể đi ủng hộ Việt Nam. Người ta sẽ bảo ‘mấy nước này cá mè một lứa’, mà ‘tranh nhau ăn thôi’, thì cái đó là bất lợi cho Việt Nam.
Tiến sỹ Vũ Quang Việt
Tiến sỹ Vũ Quang Việt từ New York, Hoa Kỳ đặt ra một số câu hỏi với chính quyền Việt Nam quanh vụ bắt và khởi tố cây bút và nhà phản biện Phạm Chí Dũng
"Việt Nam muốn bảo vệ được chủ quyền của mình, thì tôi nghĩ bắt buộc là phải nhân quyền hơn, phải dân chủ hơn, chứ còn nếu cũng ‘cá mè một lứa’ như Trung Quốc, thì dù đó là ‘hai anh cộng sản’ khác nhau mà thực sự nó là một, thế giới người ta nhìn như vậy.
"Như tôi lớn lên ở bên Mỹ, trong thời gian mà chiến tranh ở Việt Nam, tại sao có rất nhiều dân chúng người ta ủng hộ, nghĩa là đòi hỏi Mỹ rút quân ra khỏi Việt Nam ở bên Mỹ và đòi hỏi Hòa Bình? Tại vì người ta thấy đó là một cuộc đòi hỏi đúng đắn và rất nhiều trên thế giới ủng hộ, thành ra Mỹ gặp khó khăn trong thời gian như vậy.
"Thế bây giờ Việt Nam muốn đứng ở đâu? Nếu muốn chỉ gọi là đàn áp, tiếp tục một chế độ chuyên chế, áp bức nhân dân như hiện nay, thì tôi nghĩ rất là khó làm bạn với người khác.
"Và nếu làm bạn, thì người ta cũng giả vờ làm bạn thôi, để có một tí lợi, còn không thì đó là chuyện của các anh," Tiến sỹ Vũ Quang Việt nói với BBC hôm 26/11/2019.