Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019

20191123. QUANH VẤN ĐỀ TĂNG TUỔI NGHỈ HƯU

ĐIỂM BÁO MẠNG

THẦY CÔ GIÁO 60-62 TUỔI CÒN SỨC ĐỂ DẠY HỌC TRÒ NỮA KHÔNG ?

NGUYỄN CAO/ GDVN 21-11-2019

Sau rất nhiều những ý kiến phản biện về việc không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động nói chung, nhà giáo nói riêng thì sáng ngày 20/11 đã có kết quả chính thức.
Với 453 đại biểu tham gia biểu quyết, 435 đại biểu tán thành (chiếm 90,06%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Điều này cũng đồng nghĩa với việc những năm tới đây sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Khi bước gần đến ngưỡng tuổi 60 thì liệu giáo  viên có còn nhảy múa với học trò như thế này?
 (Ảnh minh họa: TTXVN).
Không có quy định riêng cho nhà giáo
Theo điều 169, Bộ luật Lao động (sửa đổi) hướng dẫn: "Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. 
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ".
Như vậy, cũng đồng nghĩa là đội ngũ nhà giáo không nằm ngoài quy định chung này. Vẫn biết, nhà giáo cũng là người lao động nên việc mong muốn có một chính sách riêng cũng là một việc rất khó trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, nghề dạy học có những đặc thù rất riêng bởi chủ yếu họ là người lao động trực tiếp, kể cả lãnh đạo nhà trường thì họ cũng đang trực tiếp giảng dạy theo hướng dẫn hiện hành.
Hàng ngày, nhà giáo trực tiếp giảng dạy, nếu có những hôm dạy 4-5 tiết liên tục liệu các thầy cô 60- 62 tuổi có còn kham nổi công việc hay không?
Mỗi lớp hiện nay có trên dưới 40 học trò, gặp phải lớp học mà có nhiều em nghịch ngợm thì thầy cô chỉ quản lớp cũng đã khổ chứ chưa nói là chuyện dạy dỗ.
Nhất là nhiều học trò thấy thầy cô lớn tuổi, chậm chạp mà không tạo điểm điểm nhấn riêng biệt thì thường là các em không thích thú. Lúc đó, thầy cô làm sao có thể làm trọn vai trò dẫn dắt, quán xuyến được lớp học một cách trọn vẹn?
Trong khi đó, cũng tại điều 169, Bộ luật Lao động (sửa đổi) hướng dẫn đối với các trường hợp được nghỉ hưu sớm hơn quy định như sau:
“Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Theo hướng dẫn này thì đội ngũ nhà giáo chỉ có thể về hưu sớm đối với trường hợp “suy giảm khả năng lao động” hoặc “làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” là có thể về hưu khi nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 57 tuổi.
Các trường hợp khác còn lại có lẽ nhà giáo không được nghỉ hưu sớm hơn quy định bởi giáo viên không được xếp vào các trường hợp “công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”.
Canh cánh nỗi lo khi tăng tuổi hưu đối với giáo viên
Nghề dạy học thời nay không bao giờ được xem là một nghề nhàn hạ và dễ dàng, nhiều người còn nói nghề giáo bây giờ là nghề nguy hiểm bởi có nhiều hiểm họa bất chợt đến với người thầy.
Áp lực công việc đối với giáo viên bây giờ rất lớn, nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây đang hướng tới việc dạy 2 buổi/ngày và phải bồi dưỡng chuyên môn suốt nhiều năm.
Ngoài chuyên môn thì sức khỏe của đội ngũ thầy cô giáo, nhất là đối với những giáo viên nữ rất khó đảm nhận được công việc giảng dạy khi đã chạm ngưỡng 60 tuổi.  
Khi đó, mắt mũi kém, chân tay chậm chạp mà gặp trường xa thì phải nói là tiềm ẩn nhiều rủi ro vô cùng. Hơn nữa, học sinh bây giờ mấy em thích học với thầy cô lớn tuổi.
Vẫn biết ai rồi cũng già đi theo năm tháng bởi đó đã là quy luật của tạo hóa rồi. Song, đứng trước mấy chục học trò mà thầy cô không đủ năng lượng để truyền dạy, không có sức hút với học trò thì hiệu quả công việc liệu có tốt và đáp ứng được yêu cầu của ngành hay không?
Đặc biệt, đối với những thầy cô ở nông thôn thường vất vả từ nhỏ, lao động sớm nên đến ngưỡng trên 50 tuổi đã già đi trông thấy. Nhiều người đã chậm chạp lắm rồi.
Lúc ấy, thầy cô có còn múa hát (giáo viên mầm non), còn hướng dẫn cho học sinh những kiến thức cần thiết mà chương trình giáo dục phổ thông mới đã đề ra hay không?
Thiết nghĩ, dù Quốc hội đã bấm nút đồng ý việc tăng tuổi hưu đối với người lao động nhưng các bộ, ngành cũng cần xem xét, tham mưu những chính sách cần thiết đối với người lao động, trong đó có đội ngũ nhà giáo trước khi Luật đi vào thực hiện.
Chúng ta vẫn còn một chút hy vọng bởi ngay sau khi Quốc hội biểu quyết về việc tăng tuổi hưu thì Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã chia sẻ với báo chí rằng:
“Một lần nữa tôi muốn nói đây là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chung và điều chỉnh trong điều kiện người lao động bình thường, còn đối tượng đặc thù sẽ có hướng dẫn rất cụ thể”. Vì thế, người lao động vẫn đang còn hy vọng...
Có lẽ không riêng gì đội ngũ giáo viên mà phần đông những người đang lao động trực tiếp ở nhiều ngành nghề khác nhau cũng sợ khi tăng tuổi hưu trong những năm tới đây.
NGUYỄN CAO

GIÁO VIÊN CÓ CẦN DẠY ĐẾN ĐỦ TUỔI HƯU MỚI NGHỈ KHÔNG ?
LÊ MAI /GDVN 22-11-2019
Ngày 20/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi trong đó điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028; đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Thực tế, cũng có những thầy giáo đang dạy học, tuổi thật đã trên 60, tuổi trên giấy tờ nhỏ hơn một vài năm, đang khắc khoải chờ đợi từng ngày để mong nghỉ chế độ.
Tại sao vậy? Do lịch sử để lại, việc quản lý hộ tịch hộ khẩu trước đây không chặt chẽ như hiện nay, nên việc khai tăng hay tụt tuổi là bình thường. Thầy giáo Tr. trường tôi cũng nằm trong số đó.
Giáo viên sắp về hưu. (Hình minh họa trên Tạp chí điện tử Saostar)
Thầy giáo trên 60 tuổi đi dạy như thế nào?
Đã 2 năm học nay, thầy T. chỉ xin dạy trung học cơ sở, dù thầy đủ chuẩn dạy chuẩn dạy trung học phổ thông; thầy T. cũng được anh em đồng nghiệp đánh giá có “phong độ” so với tuổi tác.
Yêu cầu của thầy T. với chuyên môn “Xếp thời khóa biểu cho mình đừng có xếp liên tục; muốn xếp tiết dạy, tiết nghỉ; trong tuần không nghỉ ngày nào cũng được; xin không làm công tác chủ nhiệm”.
Cứ dạy xong một tiết, áo thầy T. đẫm mồ hôi, lấy “lưng làm ghế” ngay tại phòng nghỉ giáo viên.
Mọi hoạt động khác của nhà trường thầy T. đều không tham gia được vì lý do “sức khỏe”; không ít lần ban giám hiệu đã phải làm “công tác tư tưởng” với học sinh để “hủy đơn” đề nghị đổi thầy giáo khác.
Thầy T. đã có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 9 năm, chủ tịch công đoàn tư vấn thầy nghỉ trước 9 tháng, hưởng 9 tháng lương thất nghiệp, vừa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn kiên quyết “bám trường, bám lớp”.
Giáo viên có cần dạy đến tuổi nghỉ hưu mới nghỉ không?
Theo Luật Bảo hiểm xã hội, chỉ cần đóng đủ 20 năm bảo hiểm là người lao động có quyền nghỉ việc; hay nói cách khác là có thể nghỉ việc khi đã đóng bảo hiểm xã hội đủ số năm, chờ đến đúng mốc tuổi quy định sẽ được lĩnh lương hưu.
Trên thế giới, chuyện nghỉ sớm chờ hưu trí khi đã đóng đủ năm bảo hiểm xã hội là khá phổ biến; người lao động chỉ nhận bảo hiểm xã hội một lần khi xảy ra rủi ro về sức khỏe hay tai nạn lao động.
Ở Việt Nam, theo thống kê của bảo hiểm xã hội, đã có hàng chục nghìn lao động đã chốt sổ bảo hiểm xã hội; tìm việc khác phù hợp điều kiện của bản thân hoặc nghỉ ngơi trong khi chờ đến tuổi lĩnh lương hưu.
Ngoài ra, người lao động nói chung, giáo viên nói riêng, có thể về hưu trước tuổi theo luật Bảo hiểm xã hội khi suy giảm sức khỏe từ 61% trở lên; nam từ 55 tuổi; nữ từ 50 tuổi.
Việc gắng sức đi làm chờ đến tuổi nghỉ hưu để có lương hưu cao nhất là một sai lầm của bất cứ ai.
Nghỉ hưu sớm, có thể lương hưu thấp hơn nhưng tuổi thọ kéo dài hơn; nghỉ hưu muộn có thể lương hưu cao hơn nhưng tuổi thọ ngắn hơn; tiền bạc không còn ý nghĩa khi chúng ta không còn sống.
Quyền nghỉ hưu thuộc về người lao động; quý thầy cô toàn quyền chủ động thời điểm nghỉ hưu có lợi nhất cho sức khỏe của mình, không cần phụ thuộc vào mức trần tuổi nghỉ hưu của Luật Lao động (sửa đổi).
Với thầy cô, sức khỏe không tốt, nghỉ hưu sớm, là biện pháp tốt nhất cho chính mình và học trò; không cần dạy đến tuổi nghỉ hưu mới nghỉ.
Tài liệu tham khảo:
1: //luatvietnam.vn/bao-hiem/nghi-huu-truoc-tuoi-cho-nguoi-lao-dong-563-21533-article.html
Lê Mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét