Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

20190828. SUY NGHĨ TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI XIII

ĐIỂM BÁO MẠNG
VÀO TRUNG ƯƠNG KHÔNG PHẢI ĐỂ OAI, HAY KIẾM CHÁC CÁI GÌ, MÀ ĐỂ CỐNG HIẾN, HY SINH

TTXVN /GDVN 28-8-2019

Sáng 27/8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gặp mặt đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo lời Bác, nhân 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ (1969 – 2019).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên; Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong cùng 392 đảng viên trẻ tiêu biểu.
Chương trình gặp mặt đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác, nằm trong khuôn khổ đợt tổng kết hoạt động "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác" được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động từ tháng 1 – 9/2019.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng hoa các đảng viên trẻ tiêu biểu. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tại cuộc gặp mặt, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đã báo cáo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về kết quả đợt hoạt động "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác".
Theo đó, sau 8 tháng triển khai, các cấp bộ Đoàn đã thực hiện nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, ý nghĩa, thiết thực, lôi cuốn sự tham gia hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, thanh thiếu nhi, gắn với các dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước.
Đợt hoạt động là một lời tri ân, khẳng định niềm tin, tự hào, sự kính trọng của tuổi trẻ Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu, nguyện sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong nhấn mạnh, hiệu quả của đợt hoạt động còn được đánh giá qua sự trưởng thành của mỗi đoàn viên, thanh niên.
Qua hoạt động, phong trào, các cấp bộ đoàn đã phát hiện, tuyên dương hơn 35.000 điển hình thanh thiếu nhi học tập và làm theo lời Bác ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
392 đảng viên trẻ có mặt trong buổi gặp mặt lần này là những điển hình tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác, là những tấm gương sáng có sức ảnh hưởng tích cực trong thanh thiếu nhi và xã hội, xứng đáng về Thủ đô, báo cáo với Bác, với Đảng về sự trưởng thành của thanh niên Việt Nam hôm nay, sẵn sàng tiếp nối, đón nhận trọng trách những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội theo Di chúc của Người. 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng hoa các đảng viên trẻ tiêu biểu. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự phấn khởi, vui mừng được gặp gần 400 đại biểu đảng viên trẻ về Thủ đô báo công dâng Bác.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi đến các đồng chí đảng viên trẻ tiêu biểu những tình cảm, niềm tin sâu sắc, đồng thời chúc mừng thành tích mà các đảng viên trẻ đã đạt được.
Hoan nghênh sáng kiến của Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức đợt sinh hoạt "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thanh niên là lực lượng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thành lập và hoạt động của Đảng ta.
Các đại biểu về dự cuộc gặp mặt lần này vừa là cán bộ đoàn, đoàn viên, đồng thời là những đảng viên trẻ.
Thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn các đảng viên trẻ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cũng như thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình.
Với khoảng 11 triệu thanh niên tham gia đợt hoạt động "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ:
"Muốn nhớ lời Bác dặn, theo chân Bác, không chỉ nhớ và học thuộc lòng mà phải ngấm vào máu, vào tim vào óc của mình, trở thành những điều mình trăn trở, suy nghĩ, day dứt để học và làm theo Bác, sống, chiến đấu, học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại".
Tinh thần đó không chỉ cần truyền đạt tới tất cả đoàn viên, thanh niên, đảng viên trẻ, mà toàn Đảng, toàn dân ta cũng cần ghi nhớ và thực hiện những điều này.
Các đại biểu và đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đã là đoàn viên, thanh niên cần xung kích, đi đầu, phát huy tinh thần "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".
Đảng viên trẻ càng cần gương mẫu, tiên phong hơn nữa, đúng với vai trò, vị trí của Đảng viên trẻ Việt Nam, xứng đáng trở thành lực lượng dự bị tin cậy, hùng hậu để bổ sung vào nguồn lãnh đạo của Đảng bộ các cấp.
Động viên, căn dặn và định hướng cho các đảng viên trẻ trong việc tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn và giao nhiệm vụ, trong số đảng viên trẻ có mặt hôm nay, sau này sẽ có nhiều đồng chí đứng trong hàng ngũ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
"Nhưng không phải vào Trung ương để cho oai, hay là vào Trung ương để kiếm chác cái gì, mà vào Trung ương để hy sinh, phấn đấu, để cống hiến, trưởng thành hơn nữa, làm cho Đảng ta mạnh lên, mỗi đồng chí là một hạt nhân ở trong Trung ương", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Nhắc nhở các đồng chí đảng viên trẻ không được sớm tự hài lòng với những thành tích, kết quả đã đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, để tiên phong, gương mẫu trên từng lĩnh vực đòi hỏi mỗi đảng viên cần có đức, có tài.
"Đức đi đôi với tài, nhưng đức phải là gốc, đức phải trước tiên. Đức và tài đi song song với nhau. Có đức mới có thể làm được những việc nhân nghĩa đúng đắn", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Toàn cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với các đảng viên trẻ tiêu biểu dự buổi gặp mặt. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Cho rằng đảng viên trẻ còn nhiều cơ hội cống hiến, nhiệm vụ trách nhiệm còn nặng nề, để rèn đức, luyện tài, giữ tâm trong, trí sáng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước căn dặn các đảng viên trẻ:
"Đức là sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên tối cao, làm việc gì cũng phải nghĩ vì đất nước, vì Tổ quốc, đừng nghĩ đến mình".
Là nguồn bổ sung phát triển cho Đảng, đội hậu bị đáng tin cậy của Đảng, đảng viên trẻ có trách nhiệm kế tục, phát huy những thành quả của các thế hệ đi trước, trở thành những hạt nhân trong các phong trào, phấn đấu trưởng thành hơn nữa để đóng góp cho đất nước.
Để làm được những điều đó, các tổ chức đảng có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng các đảng viên trẻ, xây dựng thế hệ cách mạng cho đời sau.
Là lực lượng đi đầu, tích cực, tự giác xây dựng, bảo vệ Đảng, đảng viên trẻ phải chủ động tự rèn luyện, tu dưỡng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá, đợt hoạt động "Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác" với những hoạt động thiết thực, cụ thể là đợt sinh hoạt có giá trị như bài học lớn để đoàn viên, thanh niên nói chung và đảng viên trẻ nói riêng trưởng thành hơn nữa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tin tưởng, thế hệ trẻ Việt Nam nhất định sẽ vươn lên để không thua kém các thế hệ đi trước và thanh niên các nước tiên tiến trên thế giới.
Ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu, rèn luyện trong học tập, công tác của các đảng viên trẻ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tặng hoa chúc mừng 392 đồng chí đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo lời Bác.
Tại buổi gặp mặt, 10 đảng viên trẻ đã đại diện các đại biểu đón nhận hoa và tình cảm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Theo TTXVN
VÀI SUY NGHĨ TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI XIII
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 27-8-2019
Đại hội XIII của ĐCSVN cũng giống như các ĐH trước đây, có 2 việc quan trọng nhất là Nhân sự và Báo cáo. Về 2 việc này tôi đã có bài đăng trên Báo Tiếng Dân và Boxitvn (bài Góp ý về chuẩn bị ĐH XIII, ngày 11/6 / 2019; bài Trao đổi về ĐH XIII, ngày 10/6/2019). Tôi cho rằng nếu không có những thay đổi cơ bản về nhận thức và cách làm thì mặc dầu tốn rất nhiều công sức, thời gian và kinh phí, vẫn chỉ có thể chọn ra đội ngũ cán bộ làng nhàng với nhiều kẻ cơ hội, chỉ có thể soạn ra một báo cáo dài dòng với lời lẽ văn hoa nhưng nội dung thiếu chân thật, tạo ra sự lãng phí lớn.
Bài này tôi trình bày vài suy nghĩ theo hướng đánh giá tình hình.
1- Các mức độ của sự thật
Hãy nhìn thẳng vào sự thật. Đó là phương châm, là khẩu hiệu được nêu ra mạnh mẽ từ ĐH VI của ĐCSVN.
Chuẩn bị cho ĐH XIII, một số văn kiện nhắc lại khẩu hiệu trên. Quan trọng của nhìn vào sự thật chủ yếu không phải để ca ngợi thành tích và vinh quang mà là để thấy được những điều bất cập, những sai lầm. Nhưng nhìn mà có thấy không? Thấy rồi có dám công nhận và công khai nói ra hay không? Nhìn và nhận là hai việc khác nhau.
Sai lầm, có thứ lộ rõ, ai cũng thấy, có thứ ẩn giấu hoặc bị che đậy, mà thông thường cái ẩn giấu mới là bản chất. Thấy được cái sai lộ rõ là tương đối dễ. Thấy cái sai ẩn giấu, thuộc bản chất là khó, đặc biệt là quá khó đối với những cái đã được nhận nhầm là chân lý, được nhồi sọ, đã tốn công sức để nghĩ ra và thực hành, đã có được một số thành công nào đó, đã mang lại lợi ích và tiếng tăm cho một số người, đã được bồi bút ca ngợi đến tận mây xanh.
Để thấy được những sai lầm bị ẩn giấu cần có trí tuệ cao, dũng cảm lớn, phương pháp đúng. Khi thiếu những thứ đó thì rất cần giúp đỡ từ bên ngoài, của những người phản biện, mà phải là những phản biện có trí tuệ cao, có phương pháp tốt. Được nghe lời khen thì sướng lỗ tai, nhưng phần lớn là vô ích. Nghe chỉ trích, có thể khó chịu, nhưng biết nghe sẽ sửa được sai lầm. Mà phản biện của những người trung thực, đặc biệt là của đối lập thì không tránh khỏi những lời chỉ trích.
Sự thật có thứ rõ ràng, trần trụi, nhưng đa số có ngóc ngách, có phần lộ ra, có phần ẩn giấu. Xin ghi nhớ câu châm ngôn “Một nửa cái bánh mỳ vẫn là bánh mỳ, còn một nửa của sự thật lắm khi là dối trá”.
Đại hội XIII của ĐCSVN dự kiến thảo luận những vấn đề về củng cố và làm trong sạch Đảng, về những kế hoạch phát triển đất nước. Những việc làm đó chỉ có giá trị khi được dựa trên nhận thức đúng, đánh giá đúng tình hình thực tế. Khi nhận thức sai, đánh giá sai, chỉ dựa vào một phần sự thật sẽ dễ dàng tạo ra cách làm sai, vạch ra đường lối trái quy luật. Nhìn lại nhiều ĐH trước đấy của ĐCSVN thấy rằng phần lớn đã phạm phải nhận thức sai sự thật, chỉ dựa vào một phần sự thật, vì vậy đã tạo ra nhiều sai lầm và thất bại.
2- Liệu Đảng CS có tìm thấy sự thật
Có chứ, nhưng tiếc rằng chỉ tìm thấy một phần. Đó là thành tích và một số sai lầm lộ rõ. Tiếc rằng phần tìm được ấy chứa đựng rất ít bản chất. Phải tìm được phần sự thật bị giấu kín, chứa đựng bản chất của sai lầm mới thực sự có giá trị. Thế nhưng theo cách làm của Đảng hiện nay thì rất khó, hầu như không thể làm được.
Chuẩn bị cho ĐHH XIII, lãnh đạo Đảng vẫn kiên trì Mác Lê, vẫn theo tư tưởng và cách làm cũ, đã lỗi thời, vẫn dựa vào đội ngũ cán bộ trung thành nhưng kém năng lực. Mặc dầu có Hội đồng Lý luận, có Ban Tuyên giáo, lập thêm nhiều Ban chuẩn bị văn kiện, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tăng cường lãnh đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư, phát huy đến tối đa trí tuệ và dân chủ, v.v., nhưng rồi cũng không thể nào tìm được sự thật ẩn giấu.
Vì sao vậy?
Vì những người tham gia vào việc tìm kiếm này, ngoài kém trí tuệ, thiếu dũng cảm, không có phương pháp đúng, họ còn không được tự do, bị vòng kim cô Mác Lê chụp lên đầu, bị nguyên tắc tập trung dân chủ khống chế, bị 19 điều cấm trói buộc. Họ chỉ được phép tìm ra những sự thật mà lãnh đạo muốn nghe và chấp nhận.
Có thể một số đảng viên cán bộ thấy được phần nào sự thật ẩn giấu, nhưng không dám phát biểu công khai khi còn phải dựa dẫm vào Đảng để tồn tại. Còn những người được lọt vào diện quy hoạch, được cơ cấu thì dù có thấy cũng tìm cách che đậy. Những đảng viên dũng cảm, dám nói lên sự thật thì lập tức bị quy kết vào tội tự diễn biến, bị thi hành kỷ luật, một số buộc phải từ bỏ Đảng để được làm người trung thực. Chu Hảo là một trong số đó.
3- Làm sao để có được sự thật còn bị giấu kín
Sự thật bị giấu kín có 2 loại: che giấu và ẩn giấu.
Che giấu một mưu mô, một mục đích, là khi chủ thế biết rõ, có chủ trương thực hiện, nhưng giữ bí mật. Điều họ nói ra công khai về lý do và mục đích, luôn trong sáng, tốt đẹp, nhưng chỉ nhằm lừa dối. Đó là lý do phụ, mục đích phụ, là một phần của sự thật, nhưng họ biến phụ thành chính. Họ kết hợp một phần sự thật đó với thuật ngụy biện. Thí dụ ông chủ tịch tỉnh nọ, làm dự án xây tượng đài hết trên ngàn tỷ. Điều chủ yếu ông nhắm tới là qua việc này có thể tham nhũng được vài trăm tỷ để chia nhau. Nhưng ông giấu kín mưu mô. Ông tuyên bố làm tượng đài là để phục vụ nhu cầu văn hóa của nhân dân.
Có phục vụ không? Có phục vụ, nhưng mục đích chính đối với ông chủ tịch nằm ở chỗ khác, được che giấu.
Sự thật bị ẩn giấu là khi chủ thể cũng không biết đến nó, không lường trước được nó sẽ xuất hiện trong tương lai. Chủ thể không biết vì kém trí tuệ, thiếu kinh nghiệm hoặc bị lừa.
Thí dụ 1: Khi nông dân Đà Lạt làm nhiều nhà kính để trồng cây, họ không lường trước mưa sẽ làm ngập lụt.
Thí dụ 2: Năm 1983 Quốc hội thông qua luật “Đất đai sở hữu toàn dân”. Nhiều đại biểu bỏ phiếu vì chỉ nghe được những mặt hay, mặt tốt của luật mà không lường trước được rằng luật đó là nguồn gốc của tham nhũng và thảm họa của dân oan.
Khi sự thật bị che giấu, người ngoài muốn biết được, việc đầu tiên là nghi ngờ, rồi tiến hành điều tra, nghiên cứu hoặc nhờ một dịp may nào đó. Không biết nghi ngờ một cách khoa học thì khó mà biết được sự thật ẩn giấu. Biết rồi, muốn cho người khác cùng biết thì cần có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nếu không có tự do mà biết sự thật nhiều khi nguy hiểm. Trong lịch sử nhiều người đã bị giết chết chỉ vì biết được sự thật mà người ta cần giấu kín.
Muốn biết được sự thật bị che giấu hoặc ẩn giấu, trước hết cần có những con người tự do, có trình độ và dũng cảm. Họ không bị trói buộc bởi và không cần trung thành với bất kỳ học thuyết nào, không bị khống chế bởi bất kỳ thế lực nào. Họ dám nghi ngờ điều mà nhiều người khác đã và đang tin là đúng.
Trong tình hình của xã hội Việt Nam hiện nay, khi mà ĐCSVN bị một số hạn chế để tự mình không thể nào tìm ra được sự thật bị ẩn giấu thì một trong những biện pháp để tiếp cận chúng là tổ chức đối thoại giữa các trường phái, mà chủ yếu là bên A và B.
Bên A đại diện cho Đảng.
Bên B đại diện cho những người có cách nhìn khác về một số đường lối và hoạt động của Đảng.
Cần đối thoại vì mỗi bên tự cho mình là hay, là đúng, là thật sự yêu nước thương dân và lên án bên kia. A cho rằng B thuộc loại thù địch, phải đấu tranh để loại bỏ chứ không thể hợp tác. B cho rằng A giáo điều, bảo thủ, đi sai đường, cản trở sự phát triển của dân tộc.
Đối thoại tạo cho mỗi bên trình bày, bảo vệ quan điểm, tiếp nhận những lập luận và phê phán của bên kia, để hợp tác, tìm ra đâu là sự thật. Tốt nhất là tổ chức đối thoại công khai để có sự tham gia, chứng kiến của nhân dân. Nhưng trước mắt có thể tổ chức đối thoại trong phạm vi hẹp.
Chính ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo của ĐCS đã phát biểu: “Không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận”.
Cần có tự do ngôn luận hoặc tổ chức đối thoại. Hiện nay, cách làm của A nhằm triệt hạ B chỉ gây chia rẽ dân tộc, làm hủy hoại tinh hoa, làm yếu đi sức mạnh của phát triển.
Đối thoại giữa A và B có thể làm cho vài người lãnh đạo khó chịu vì bị B công khai chỉ ra những sai lầm được che giấu.
Sai lầm như khối u ác tính ở bên trong. Nếu khôn ngoan, chịu phẩu thuật cắt đi thì có hy vọng phục hồi sức khỏe. Nếu cố tình che giấu thì sẽ đến lúc phải chấp nhận hậu quả thảm hại.
4- Một vài điều là thật hay giả dối ở đâu
Xin nêu ra vài điều mà quan điểm của A và B khác nhau để mọi người tham gia bàn luận.
Về Chính quyền
- A: Đảng đã lập nên chính quyền của dân, do dân, vì dân, gồm 3 tầng, Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, dân làm chủ (thông qua Mặt trận TQ). Chính quyền là thống nhất gồm 3 quyền theo phân công (lập pháp, hành pháp, tư pháp).
- B: Chính quyền, đúng ra phải là của Dân, nhưng đã bị biến thành của Đảng. Ba tầng lớp Đảng – Chính quyền – Mặt trận dẫm đạp lên nhau, nặng nề, kém hiệu lực. Cần xây dựng thể chế Dân chủ với Tam quyền phân lập.
Về ổn định
- A: Việt Nam đang rất ổn định về chính trị và xã hội, được nhiều nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao. Có ổn định là nhờ tài lãnh đạo của Đảng và lòng tin của dân.
- B: Giữa ổn định chính trị và ổn định xã hội thì ổn định xã hội quan trọng hơn. Ổn định chính trị là một trong những điều cần cho ổn định xã hội. Ổn định chính trị của VN là không bền vững (không được như ổn định của con búp bê lật đật, dưới nặng trên nhẹ). Ổn định chính trị của VN phải được chống đỡ, dựa vào thế lực của công an trị làm cho dân sợ và tuyên truyền dối trá để đánh lừa. Ổn định chính trị tạm thời của VN đang bị thử thách vì lòng tin của dân vào Đảng đang giảm sút nghiêm trọng. Còn về xã hội thì VN chưa có được sự ổn định cần thiết. Không thể xem ổn định vững chắc khi xã hội có nhiều rối loạn như hiện nay.
Về nguyên nhân của tham nhũng và nhiều tai họa
- A: Nguyên nhân chủ yếu là do một số đảng viên, cán bộ thoái hóa, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hoá, do các cấp ủy Đảng lơ là, không kịp thời trong lãnh đạo, kiểm tra, xử lý.
- B: Số thoái hóa về phẩm chất và số tự diễn biến về tư tưởng là hoàn toàn khác nhau. Chính sự độc quyền toàn trị của Đảng làm sinh ra và nuôi dưỡng bọn thoái hóa, chúng là sản phẩm của chuyên chính vô sản. Vậy nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân chủ yếu của nhiều tai họa là xuất phát từ sự độc quyền đảng trị của chuyên chính vô sản.
Về Chủ nghĩa Mác Lê
- A: Mác Lê là chân lý, là ánh sáng, là kim chỉ nam, kiên trì thực hiện nó sẽ đưa dân tộc đến tương lai tươi sáng.
- B: Mác Lê phạm những sai lầm ngay từ gốc, đem lại cho nhân loại lợi ít hại nhiều. Liên xô và phe XHCN đã sụp đổ. Cần từ bỏ Mác Lê, kiên trì nó chỉ dẫn dân tộc đi sai đường.
Về Quy hoạch cán bộ
- A: Quy hoạch cán bộ nhằm chọn được những người đủ đức đủ tài, ngăn cản những kẻ chạy chức chạy quyền và bọn hậu duệ kém năng lực, nó là kết tinh trí tuệ của lãnh đạo.
- B: Quy hoạch cán bộ tuy có một số điểm tích cực, nhưng chứa đựng không ít nội dung phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học. Theo quy hoạch ấy khó tìm được tinh hoa thực chất mà chỉ chủ yếu tìm được bọn cơ hội lắm mưu mô.
Tạm kể ra vài điều như trên, chủ yếu liên quan đến thể chế chính trị. Xin trích một ý kiến của học giả nước ngoài về kinh tế.
Đó là ý kiến của Michael Spence, người đã từng đoạt giải thưởng Nobel về kinh tế và là Giáo sư Kinh tế học tại Đại học New York, thành viên cao cấp tại Viện Hoover, Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu độc lập về Tăng trưởng và Phát triển
Ông viết về VN trong bài The Inequality of Nations (Sự bất bình đẳng của các quốc gia):
Nhà nước Việt Nam độc tài lo củng cố quyền lực chính trị, tạo một sân chơi kinh tế thu hẹp tối thiểu lo phục vụ cho lãnh đạo và thân tộc. Những bất công và nghịch lý làm phí phạm tài nguyên và hiệu năng kinh tế, chưa tạo điều kiện thịnh vượng cho đất nước, không thoả mãn nhu cầu cho mọi tầng lớp dân chúng trong đời sống hàng ngày và sinh hoạt xã hội, nhà nước biến Việt Nam thành một xã hội thị trường. Thay vì dùng tiền để thanh toán cho các trao đổi trong thị trường, họ dùng tiền để mua bán cho toàn bộ hoạt động xã hội, những phạm vi không thuộc về thị trường. Hậu quả là uy lực đồng tiền chế ngự mọi quan hệ không có đặc tính thị trường, tất cả được định bằng một trị giá trao đổi. Đời sống gia đình, quan hệ thân thiết, bảo vệ sức khoẻ, cơ hội giáo dục, định mức tội phạm, xác định trình độ văn hoá và cơ hội tuyển dụng là chuyện mua bán, mà tiền đâu là đầu tiên. Cuối cùng, tham nhũng lên ngôi thành quốc nạn và đạo đức suy vi tận đáy. Trầm trọng nhất mà Adam Smith không thể nhận thức được đề cập tới là hiểm hoạ diệt vong cho đất nước, khi giới lãnh đạo Việt Nam công khai biến lãnh thổ, tài nguyên và độc lập dân tộc thành một món hàng mua bán”.
Về chính trị, điều đáng quan tâm là tổng kết của Zbigniew Brzezinski (1928-2017), trong sách THẤT BẠI LỚN – Sự ra đời và cái chết của chủ nghĩa cộng sản… (THE GRAND FAILURE – The Birth and Death of Communism…). Brzezinski, cố vấn an ninh của mấy đời Tổng thống Mỹ, khẳng định rằng Chủ nghĩa cộng sản thế nào cũng sụp đổ do thiếu trí tuệ.
5- Trí tuệ – nguồn gốc và sự thể hiện
Trí tuệ khác với kiến thức. Nó gần với trí thông minh. Trí tuệ được hình thành từ 2 nguồn: Tiên thiên và Hậu thiên.
Tiên thiên là phần có trước, do bào thai tiếp nhận từ di truyền, từ năng lượng tâm linh. Hậu thiên là phần có sau, do tiếp nhận từ học tập và hoạt động. Tiên thiên là  cơ bản, là hạt giống, hậu thiên là môi trường, là bổ sung. Người có trí tuệ cao thường được xem là thiên tài, nhân tài, tinh hoa.
Khi tiên thiên không tốt, không đủ thì dù có đào tạo bao nhiêu, may lắm cũng chỉ thành được người có trí thức, có bằng cấp chứ không có trí tuệ cao được. Trí tuệ thuộc lĩnh vực vô hình, nó thể hiện ra thành những câu nói, những hành động, những cách giải quyết sự việc với nhiều hình, nhiều vẻ trong cuộc sống, mà chủ yếu là chọn lựa phản ứng khi chịu một tác động nào đó. Cùng một tác động, dù tốt hay xấu đến đối tượng A thì tùy theo mức độ của trí tuệ mà A có những phản ứng khác nhau, cho những kết quả khác nhau.
Thí dụ một A nào đó bị B mắng hoặc đánh. Tùy theo trí tuệ (hoặc phẩm chất) mà các A sẽ có phản ứng khác nhau:
A1- Chửi lại, đánh lại hung hăng hơn.
A2- Ghi nhận thù hận vào lòng, lập mưu để trả thù vào dịp khác.
A3- Xem như không nghe lời chửi, tránh bị đánh hoặc chỉ đỡ đòn.
A4- Bình tĩnh, tạm  tránh, tìm hiểu xem B có hành động như vậy vì lý do gì. Nếu B bị nhầm thì hãy tha thứ. Nếu mình có lỗi thì nhận lỗi và nếu cần thì phải đền bù thiệt hại.
Việc phản ứng như thế nào có thể xảy ra tức thời hoặc sau một thời gian. Phản ứng tức thời vì không kịp phân tích và suy nghĩ, thường theo bản năng, mà bản năng này là kết quả tích lũy của tiên thiên và hậu thiên. Phản ứng về sau là có sự can thiệp của lý trí.
Một trong những phản ứng của con người là khi thấy được, ngửi được cái lợi về vật chất. Lúc này sẽ thể hiện khá rõ mức độ của trí tuệ. Người tầm thường tìm cách kiếm lợi, không nghĩ sâu xa đến mưu mô và rủi ro (vì thế nhiều người bị mắc lừa), kẻ ích kỷ cố đoạt được lợi mặc cho nó mang tai họa đến cho người khác, bọn đểu cáng tìm cách lừa dối, hãm hại, tiêu diệt đồng loại. Với người có trí tuệ thì phải “kiến lợi tư nghĩa” (thấy lợi phải nghĩ đến đạo nghĩa) hoặc thấy lợi phải nghĩ ra, tìm ra cho hết những điều hại có thể kèm theo.
Mác và những đồ đệ của Mác, dù là lãnh tụ của đảng này đảng kia vẫn mắc vào lỗi kém trí tuệ vì họ quá tin vào học thuyết duy vật. Học thuyết cho rằng bản chất của vũ trụ là vật chất mà thuộc tính của nó là vận động, rằng vật chất có trước ý thức, rằng ý thức là sản phẩm bậc cao của vận động vật chất. Học thuyết duy vật của Mác, cũng như thuyết tiến hóa của Darwin một thời khuất phục những người cộng sản, nhưng rồi nó đã bị đánh đổ ở nhiều nơi trên thế giới. Chỉ còn những người kém trí tuệ vẫn tin theo, tạo thành vòng luẩn quẩn, càng tin theo càng làm cho trí tuệ kém hơn.
Cộng sản không công nhận Tâm linh, là phần quan trọng của Vũ Trụ và Con Người, là nguồn tiên thiên của trí tuệ. Họ chỉ chú trọng vào vật chất, làm cách mạng vô sản chỉ nhằm chiếm đoạt vật chất. Ngay như khi cai trị đất nước cũng ưu tiên phát triển kinh tế để thỏa mãn nhu cầu vật chất.
Một số người tuy có tiên thiên tốt (giống tốt), nhưng bị hãm vào môi trường khắc nghiệt thì cũng không phát triển được  để có thể phát huy toàn bộ tài năng, may lắm chỉ thể hiện được trong một số phạm vi hạn chế.
6- Một số thể hiện kém trí tuệ của CS
6.1- Các ông tổ của CS
Mác được những người CS tôn thành thiên tài vì những luận giải về duy vật, về đấu tranh giai cấp, về bóc lột của tư bản, về chủ nghĩa cộng sản…
Tuy vậy khi tìm hiểu kỹ về thân thế và sự nghiệp của ông tôi phát hiện ông đã bị nhầm lẫn nhiều chỗ, chứng tỏ ông có trí tuệ  tầm thường chứ chẳng là thiên tài hay nhân tài gì cả. Những người tôn ông thành thiên tài càng bị nhầm hơn, có trí tuệ kém hơn. Trước đây tôi đã công bố một loạt bài phân tích một số nhầm lẫn của Mác, ở đây chỉ xin nêu ý chính.
+ Cực đoan theo học thuyết duy vật ( như đã trình bày ở trên).
+ Đánh giá sai bản chất con người, cho rằng nó là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, đánh giá sai về bản chất và vai trò của quần chúng vô sản (tôi không gọi giai cấp vô sản).
+ Nhầm khi khẳng định Đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội loài người.
+ Bỏ sót vài yếu tố quan trọng khi phân tích tư bản bóc lột bằng giá trị thặng dư, đã nhầm khi cho rằng sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất là một quy luật.
+ Bộ Tư bản luận tuy được một số người đánh giá cao, nhưng nhiều nhà khoa học và triết học cho rằng đó chỉ là một mớ hổ lốn.
Lênin, người được xem là lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng, cũng đã phạm nhiều sai lầm, trong đó thể hiện thiếu trí tuệ nhất là quan niệm về chính quyền nhà nước. Ông chủ trương nhà nước là của giai cấp này dùng để thống trị giai cấp khác. Từ đó ông xây dựng nên nhà nước chuyên chính vô sản, một thảm họa trong lịch sử nhân loại.
6.2- Cộng sản quốc tế
Những người lãnh đạo của phong trào cộng sản trong thế kỷ 20 cũng đã có nhiều nhầm lẫn vì kém trí tuệ như đã quá tin vào những điều sau:
+ Tin Mác, Lênin là những lãnh tụ thiên tài. Từ đó mù quáng răm rắp tin theo họ, phạm phải những sai lầm do họ tạo ra, đề cao sự sùng bái cá nhân.  Ai nghi ngờ các lãnh tụ liền bị quy kết là bọn xét lại, bọn thù địch.
+ Tin là có thể và cần xây dựng CNXH trên nền tảng liên minh công nông.
+ Tin thời đại của 3 giòng thác cách mạng, thời đại thắng lợi của CNXH trên toàn thế giới.
+ Tin rằng chủ nghĩa đế quốc là giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản, đế quốc Mỹ là kẻ thù số một của nhân loại.
+ Tin rằng giai cấp công nhân là giai cấp đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, là giai cấp lãnh đạo.
+ Tin tình cảm quốc tế vô sản là không gì phá vỡ.
Khi tin như thế họ cũng dựa vào sự thật, nhưng tiếc thay, đó mới chỉ là một phần sự thật. Họ cũng dựa vào các chứng minh rất chặt chẽ, nhưng chứng minh dựa vào một phần không bản chất của sự thật sẽ rút ra kết luận dối trá.
6.3- Đảng Cộng sản VN
Ngoài những phần chung của Mác và phong trào CS (xem 6.1 và 6.2), lãnh đạo ĐCSVN còn thể hiện kém trí tuệ trong:
+ Cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo tư sản (sau 1954 ở Miền Bắc và sau 1975 ở Miền Nam), quốc hữu hóa ruộng đất.
+ Kiêu ngạo về cách mạng tháng 8, về thắng cuộc trong chiến tranh.
+ Quá bị ám ảnh về kẻ thù giai cấp dẫn đến huynh đệ tương tàn, rất khó hòa hợp dân tộc.
+ Lập ra hệ thống đảng, chính quyền, mặt trận chồng chéo, dẫm đạp lên nhau, kém hiệu quả, nặng nề, lãng phí, bất lực.
+ Quy hoạch cán bộ có những điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ. Chỉ một đảng kém trí tuệ mới để cho người như Nông Đức Mạnh làm TBT hai nhiệm kỳ.
+ Không thấy được tai họa từ Trung Cộng.
+ Rõ ràng nhất (nhưng ít người thấy) là trong việc soạn thảo các báo cáo, các nghị quyết dài tràng giang đại hải với nhiều sáo rỗng và mâu thuẩn.
+ Rất thích phô trương hình thức, phạm phải giả dối trong tuyên truyền.
Tạm nêu trong mỗi mục trên vài việc thôi, vì kể ra còn nhiều lắm!
7- Vài gợi ý 
Đảng CSVN vốn xuất phát là đảng của những người yêu nước, tranh đấu cho độc lập dân tộc. Vì lẽ đó mà thời gian đầu Đảng thu hút được nhiều người tốt gia nhập và được nhân dân ủng hộ. Về sau càng ngày Đảng càng lệ thuộc vào chủ thuyết, mắc phải nhiều sai lầm.
Chắc rằng Hồ Chí Minh đã nhận ra những sai lầm của chủ thuyết cộng sản nên đã bỏ tên ĐCS mà lấy tên Đảng Lao động. Phải chăng việc Lê Duẩn đổi tên Đảng từ Lao động thành Cộng sản là một sự thụt lùi, một sai lầm do thiếu trí tuệ.
Có người thấy Đảng trước đây và ngày nay khác nhau. Tôi nhận xét rằng khác cơ bản ở chất lượng đảng viên, còn chủ thuyết, chính cương, điều lệ thì trước và sau không khác nhau mấy.
Nhân dân nhìn vào Đảng chủ yếu nhìn vào các đảng viên và việc làm của họ. Trước đây có nhiều đảng viên tốt nên tưởng là Đảng tốt. Mà cái tốt của các đảng viên đó là thuộc bản chất con người họ trước khi vào đảng.  Bây giờ có quá nhiều đảng viên xấu nên cho là Đáng xấu. Có nhiều đảng viên xấu vì Đảng đã nhận vào Đảng quá nhiều phần tử cơ hội. Nhưng tôi tin rằng vẫn còn nhiều đảng viên có lương tri, nhận ra được những nhầm lẫn của lãnh đạo.
Một hy vọng mong manh là trông chờ vào các đảng viên có lương tri, đặc biệt là các cán bộ cấp cao. Có lương tri mới nhận ra những sai lầm để thay đổi.
Để nhận ra sự thật trong đó có sai lầm thì tốt nhất là tổ chức đối thoại như đã viết ở trên. Nếu Đảng ngại đối thoại thì có thể tổ chức các buổi thuyết trình kín, mời một số trí thức phản biện, đến trình bày nhận thức của họ để tham khảo, họ nói đúng thì nghe, họ nói “bậy”, “phạm pháp”, “phạm luật” thì đọc lệnh bắt, đưa ngay ra tòa xét xử, chẳng cần điều tra gì thêm (!).
Những trí thức được mời không phải do tổ chức Đảng chọn lựa, cũng không thuộc diện cán bộ đang tại chức. Đảng cần thông báo công khai rằng muốn nghe ý kiến phản biện, ai có thể đến trình bày thì đăng ký. Nếu số đăng ký quá đông thì hãy để cho những người đó bình chọn với nhau. Buổi thuyết trình có thể kín, nội dung có thể tạm chưa công bố, nhưng tên người thuyết trình cần được cho mọi người biết để xem người đó có đủ tín nhiệm của đông đảo hay không.
mage result for đối thoại
Nguồn ảnh: dotchuoinon.com
ĐCSVN hiện đang vướng mắc trong một đống bùng nhùng. Nếu cứ theo cách làm do cán bộ kém trí tuệ của Đảng nghĩ ra thì không sao thoát được. Cần tìm cách làm mới. Một trong những cách làm có hiệu quả cao là  theo phương pháp “Não công” (Brainstorming method – GS Phan Dũng) với những thành viên có nhiều khả năng sáng tạo.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
HỎI AI, HỎI CÁI GÌ ?
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 28-8-2019
Ngày 26 tháng 8 tiểu ban KTXH (chuẩn bị ĐH 13) mở hội nghị xin ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận về kế hoạch phát triển 5 đến 10 năm sắp tới. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và thông báo sẽ tổ chức nhiều buổi hội thảo lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước.
 Thủ tướng nêu ý kiến của một số người, rằng chỉ cần đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 6-7%/năm, nhưng cần chú trọng hơn các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, đời sống của người dân.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, khoảng 7-8 %/năm. Cũng theo Thủ tướng, chúng ta có chế độ chính trị xã hội ổn định, hội nhập ngày càng sâu rộng, uy tín vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Vì vậy, có thể khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này.
Thủ tướng cho rằng, những thành quả cũng như bất cập, tồn tại là nội dung còn có ý kiến khác nhau, cần đánh giá đúng thực chất, trung thực, khách quan, không “tô hồng” nhưng cũng không “bôi đen”, từ đó có quan điểm, định hướng, giải pháp đúng đắn trong thời gian tới.
Tôi nhận xét, trong việc trên đây có một điều nghi ngờ và vài điều cần trao đổi.
Điều nghi ngờ là mục đích tổ chức hỏi ý kiến. Chỉ nên hỏi cái gì khi mình không hiểu hoặc về một việc mà mình chưa thể quyết định, còn do dự. Một việc mình đã quyết định rồi mà còn đi hỏi thì không phải lừa dối cũng là đóng kịch.
Điều cần trao đổi  thứ nhất là hỏi nhầm đối tượng. Thử xem trong số rất đông người dự đã có được mấy ý kiến có giá trị tham khảo. Phần lớn họ đến chỉ để nghe và gặp gỡ nhau. Ngồi trong hội trường họ lơ ma lơ mơ, không thể tập trung chú ý. Việc hỏi rộng rãi không có nghĩa là hỏi nhiều người mà là tìm hỏi được người có ý kiến sắc sảo trong số đông . Hỏi cho nhiều, mặc dầu hỏi các cựu lãnh đạo, các nhà khoa học và chuyên gia mà chẳng nhận được ý gì hay thì hỏi làm gì cho tốn công tốn của. Dân gian có câu “Hỏi cái đầu gối còn hơn”. Hỏi ý kiến theo lối tổ chức hội nghị chỉ là trò tuyên truyền. Nếu thật tâm muốn hỏi ý kiến thì tốt nhất là  tổ chức các nhóm nhỏ, gồm những người có trí tuệ, trung thực, dũng cảm và đặc biệt là tự nguyện.
Điều thứ hai là hỏi về chỉ tiêu tăng trưởng. Chỉ tiêu do Nhà nước đưa ra là đặc điểm của nền kinh tế kế hoạch hóa. Trong kinh tế thị trường, khi nền sản xuất chủ yếu thuôc tư nhân (mà ở VN một số đáng kể là tư nhân nước ngoài) thì Nhà nước khó có thể đặt ra chỉ tiêu để buộc họ thực hiện. Ở các nước kinh tế thị trường, chỉ có các tập đoàn kinh tế, các tư nhân có thể đặt chỉ tiêu, còn Nhà nước chỉ nên theo dõi, dự báo và tổng kết. Rất nên xem xét lại việc đặt ra các chỉ tiêu trong các nghị quyết, việc này có khá nhiều mặt trái.
Tôi nghĩ những người đòi Nhà nước đặt chỉ tiếu phát triển cao có thể họ chỉ nói theo cảm tính vu vơ mà không biết gì cả.
Thứ ba là trong tình hình VN hiện nay mà ĐCS đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế là có phần lệch lạc. Chính vì mờ mắt, vội vàng chạy theo phát triển kinh tế mà để cho nhiều thứ quan trọng bị hủy hoại. Miệng thì hô hào “Phát triển bền vững, bảo vệ môi trường”, nhưng tay làm lại hủy hoại môi trường, nạn rác thải tràn ngập, đạo đức xuống cấp, tham nhũng tràn lan. Trong những năm 1980, khi đất nước kiệt quệ vì đói kém thì việc kiếm được miếng cơm, manh áo là cấp thiết, phải ưu tiên phát triển kinh tế. Bây giờ tình  hình đã khác xa. Việc phát triển kinh tế chủ yếu là của tư nhân. Hiện nay Nhà nước có thể chấp nhận sự chậm lại của tăng trưởng kinh tế để tập trung cho những vấn đề cấp thiết về môi trường, về văn hóa, đạo đức xã hội.
Thư tư là  đánh giá của Thủ tướng rằng chúng ta có chế độ chính trị xã hội ổn định.
Không tô hồng, không bôi đen, nhưng phải đánh giá cho đúng sự thật. Trong bài “Vài suy nghĩ trước thềm ĐH 13” tôi có trình bày là bằng cách làm như hiện nay ĐCS không sao tìm đúng sự thật. Theo tôi VN hiện nay không có ổn định xã hội, còn ổn định chính trị chỉ là tạm thời, cần chống đỡ.
Trước khi bàn về công việc sắp tới cần có đánh giá đúng tình hình hiện tại. Đánh giá sai sẽ đề ra những chủ trương không phù hợp, mắc vào bệnh duy ý chí. Khả năng ĐCS đánh giá không đúng thực chất của tình hình là rất lớn. Vì sao vậy? Vì những người được giao nhiệm vụ này không có được tự do cần thiết, bị khống chế bởi vòng kim cô Mác Lê, bởi các điều cấm đảng viên. Hơn nữa đa số kém trình độ, thiếu dũng cảm, yếu về phương pháp.
Thôi thì đành tự an ủi bằng cách tổ chức các hội nghị, hội thảo huy động nhiều người tham dự. Cách tổ chức hội nghị, hội thảo để xin ý kiến như đảng vẫn thường làm từ trước đến nay là một hoạt động rất kém hiệu quả, chỉ để tuyên truyền, gây ra  lãng phí lớn, lợi ít hại nhiều.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét