Những ông “vua con”
Là người nhiều năm theo dõi và tìm hiểu về bộ máy, cán bộ, cá nhân ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về tình trạng “tư duy nhiệm kỳ” và “hoàng hôn nhiệm kỳ”?
Phải nói rằng nhiệm kỳ là cần thiết, không phải chỉ chúng ta mà tất cả các nước đều có tính toán đến nhiệm kỳ. Như nước Mỹ, nhiệm kỳ Tổng thống là 4 năm, hay Cộng hòa Liên bang Nga, nhiệm kỳ Tổng thống là 6 năm. Việc đưa ra nhiệm kỳ là để giới hạn phạm vi quyền lực và truy xuất trách nhiệm quyền lực. Việt Nam cũng như vậy, nhiệm kỳ của chúng ta là 5 năm, điều đó hết sức bình thường. Nhưng cái “tư duy nhiệm kỳ” lại tạo ra những điều bất thường.
Trước tiên là vấn đề tầm nhìn chiến lược. Trong cả một thời kỳ dài xây dựng quốc gia, với tầm nhìn chiến lược, thì tất cả những nhiệm kỳ nối tiếp nhau phải tuân thủ, và nó được bảo đảm bởi luật pháp. Anh không thể vì lợi ích của nhóm, cũng không thể vì sự giới hạn của nhiệm kỳ mà bất chấp tất cả, phá vỡ tầm nhìn chiến lược ấy, vì thứ trách nhiệm quyền lực vô hạn độ. Nếu làm vậy thì luật pháp sẽ ra tay.
Chúng ta đang nói nhiều đến kiến tạo Nhà nước pháp quyền, thế nhưng chỗ này vẫn đang là một khoảng trống, không ai giám định, không ai xử lý. Một quy hoạch tổng thể Thủ Thiêm như thế mà người ta lại dám ban hành quyết định để bác bỏ Quyết định của Thủ tướng, thì đó là một sự vô lối, vô pháp và vô nhân. Cũng may là người ta làm vài nhiệm kỳ, chứ nếu làm từng nhiệm kỳ, từng người một thì cách làm đó, có lẽ sẽ làm nát, thậm chí tiêu vong Thủ Thiêm rồi.
Thứ hai, là vấn đề chọn người. Điều này mang tính quyết định để thực thi quyết sách tầm chiến lược. Ở các quốc gia mà tôi được biết, cương lĩnh tranh cử của họ rất rõ ràng, rành mạch, qua nhiều vòng, nhiều mức. Chúng ta cũng làm như vậy, nhưng lại chưa chọn người đúng, cộng với chế tài không đủ mạnh thì sẽ “đẻ” ra tư duy nhiệm kỳ. Tức là biến cái dài hạn thành nhiều khúc ngắn hạn, và nhiều khúc ngắn hạn đó mâu thuẫn nhau, thậm chí phủ định nhau. Ai cũng vô can, vì núp bóng cái tập thể, cái quyết sách chung, chứ không thấy trách nhiệm quyền lực cá nhân đâu cả. Nói gì tới kiểm soát quyền lực nữa. Đây chính là “khoảng trống” quyền lực cần phải chỉnh đốn và lấp đầy!
Về tâm lý, “bệnh” sĩ diện vẫn còn nhiều quá, đạo làm quan vô pháp đang án ngữ và lộng hành kinh khủng quá, nên ông nào cũng thích oai cả.
Ông nào cũng muốn hoành tráng, còn hiệu quả không tính đến. Cho nên rất nhiều tỉnh xuất hiện những dự án hàng nghìn tỷ đắp chiếu. Bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu mồ hôi, thậm chí cả máu của nhân dân đổ xuống cũng chỉ vì cái sĩ diện hão được gọi là vị thế, công lao để che đậy thứ lợi ích cá nhân, phe nhóm của cán bộ, quan chức.
Lợi ích nhóm: mầm họa
Theo ông, “tư duy nhiệm kỳ” ở thời nào cũng có, hay chỉ mới xuất hiện gần đây?
“Tư duy nhiệm kỳ” thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều. Tôi nhớ mấy chục năm trước chúng ta không có tình trạng như vậy. Nhưng trong khoảng 4 nhiệm kỳ gần đây, “bệnh” “tư duy nhiệm kỳ” xuất hiện ngày càng nặng, biến đường lối chung thành những quyết sách riêng của từng địa phương, phá vỡ tính thống nhất của đường lối chính trị, phá vỡ tầm nhìn chiến lược của Đảng.
Chưa bao giờ lại như bây giờ, tỉnh nào cũng đòi có sân bay, tỉnh nào cũng đòi có cầu cảng... trong khi quy hoạch chiến lược phát triển quốc gia có rồi. Đó là “tư duy nhiệm kỳ” chứ là gì nữa. Không ít bộ phận vì lợi ích tăm tối của phe nhóm mình, đã biến nơi mình phụ trách thành vùng đất riêng và họ là những “ông vua con”, những ông tướng, bà tướng. Điều này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến rất nhiều lần.
Trong thực thi chiến lược quốc gia thì trên có kế sách, dưới lại có đối sách. Còn trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược, thì trên bảo dưới không nghe, trên một đàng dưới một nẻo, thậm chí trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Điều này lại càng tạo điều kiện cho “tư duy nhiệm kỳ” nảy nòi, phát tác. Đã vậy, chúng ta lại không có bộ chế tài tương dung, cụ thể là kỷ luật trong Đảng không đủ mạnh. Quốc pháp, tức là pháp luật nhà nước, chấp pháp không đủ nghiêm.
Đức không đủ răn, thì pháp trị phải ra tay. Nhưng đáng tiếc, tầm rộng lại không ai làm việc đó, hoặc có thì cũng làm chưa tương xứng. Thế là kỷ luật của Đảng không đủ mạnh, pháp luật của Nhà nước không đủ nghiêm, đâm sinh ra nhờn, mà đã nhờn thì hòa cả làng. Cái nguy hiểm ở đây là Quốc pháp, Đảng cương bị xâm hại lại không bị xử lý thì rõ ràng là đại nguy cơ rồi! Đó là bối cảnh dung dưỡng, duy tồn, thậm chí ở chỗ này chỗ kia nó cũng cổ súy cho lợi ích nhóm. Xét cho cùng, thì tư “duy nhiệm kỳ” cũng chính là lợi ích nhóm, là mầm họa những “sứ quân” đấy.
Bổ nhiệm ký bừa, cấp phép dự án, điều chỉnh dự án vô tội vạ, nếu xuất hiện ở “hoàng hôn nhiệm kỳ” chắc cũng nhằm phục vụ lợi ích nhóm, “lót ổ”, và tranh thủ “chuyến tàu vét” cuối cùng?
Gần đây nhất, Hội nghị T.Ư 5 và Hội nghị T.Ư 6 khóa XII của Đảng đã bàn về bộ máy, trước hết là bộ máy chiến lược và chiến lược công tác cán bộ. Một tầm nhìn chiến lược phát triển quốc gia sẽ đổ bể, thậm chí sẽ thành ảo tưởng, nếu không có một chiến lược cán bộ tương xứng, đặc biệt là cán bộ chiến lược - rường cột của quốc gia, rường cột của các cấp tương dung. Từ đó mới nảy sinh ra tư duy nhiệm kỳ, tranh thủ bổ nhiệm, ký bừa dự án, cán bộ… trước khi rời nhiệm sở.
Cho nên đầu nhiệm kỳ thì nghe ngóng, giữa nhiệm kỳ thì chạy vạy, cuối nhiệm kỳ thì bất chấp thực thi. Điều này sẽ xảy ra hai thái cực: Một là, người ta làm tất cả những điều gì người ta muốn, bất chấp tất cả để vơ vét cho kỳ được cái người ta cần; hai là, người ta không làm gì cả, nín thở chờ đại hội, qua đại hội. Hai thái cực này rất rõ, hoặc án binh bất động, hoặc huyên náo tăm tối ngày đêm.
Đặc biệt, điều đáng sợ là bất chấp trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, bất chấp chiến lược cán bộ, người ta tốc hỉ thiết kế bộ máy, cán bộ cho nhiệm kỳ sau. Cho nên mới có chuyện ông bộ trưởng đổ lỗi cho người tiền nhiệm, mặc dù thời điểm đó ông ta đang làm thứ trưởng. Vì thế, trong công tác cán bộ, mới nảy sinh tình trạng “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba quan hệ, thứ tư đồ đệ, rồi thứ năm (thứ bét) là trí tuệ”. Lợi ích nhóm “đẻ” ra nguy hiểm đến như thế, thậm chí “lót ổ” cha truyền con nối, anh truyền em nối, “cả họ làm quan” một cách tăm tối, thậm chí ô nhục.
Không được ký bổ nhiệm trước một năm kết thúc nhiệm kỳ
Vậy giải pháp để điều trị căn bệnh “tư duy nhiệm kỳ”, “hoàng hôn nhiệm kỳ” là gì, thưa ông?
Suy cho cùng, nếu khi tầm nhìn chiến lược bị xâm hại và chiến lược cán bộ mà hỏng thì chiến lược phát triển quốc gia đổ vỡ, thất bại không tránh khỏi, đó là điều không có gì lạ cả. Công tác cán bộ là then chốt của then chốt là vì vậy. Điều này Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nói rất nhiều lần. Vì công việc đẻ ra bộ máy chứ không phải vì con người đẻ ra bộ máy. Vì tầm nhìn để chọn bộ máy tương hợp với nó chứ không phải vì con người. Vì bộ máy mà tìm ra việc. Hai việc đó là đối nghịch nhau. Muốn đẩy lùi “tư duy nhiệm kỳ”, hay “hậu quả nhiệm kỳ”, phải bắt đầu từ đó.
Ngăn 'chuyến tàu vét' trước thềm Đại hội Đảng: Chặn mầm họa lợi ích nhóm - ảnh 1“Quy hoạch tổng thể Thủ Thiêm như thế mà người ta lại dám ban hành quyết định để bác bỏ Quyết định của Thủ tướng”, Nhà báo, TS Nhị Lê
Vụ việc của Tổng Thanh tra Chính phủ cách đây 2 nhiệm kỳ, trong 6 tháng cuối nhiệm kỳ mà ký bổ nhiệm tới 80 ông, bà cấp vụ phó trở lên, bất chấp tất cả. Điều đó cho thấy cơ chế của chúng ta còn lỏng lẻo, người ta lẻn vào chỗ này. Sự trừng phạt lại không thích đáng nữa, mối họa kiểu đó tới nay, vẫn khôn lường. Tôi kiến nghị, trước khi kết thúc nhiệm kỳ 1 năm, không được ký bổ nhiệm cán bộ, trừ cấp có thẩm quyền cho phép. Như vậy thì, không ai dám ký bừa cả.
Trong bổ nhiệm cán bộ, điều đáng lo ngại nhất là cái gì cũng vin vào, và khi sai thì đổ tất cho quy trình. Dù quy trình luôn đúng, nhưng vì sao lại cho ra sản phẩm sai? Do vậy, chọn người thực thi quy trình hết sức quan trọng. Từ đó đòi hỏi người cầm cân nảy mực, tức đội ngũ những người làm công tác cán bộ, tôi thấy phải thực thi tối thiểu 8 chữ: Trung thực, trách nhiệm, dũng cảm, trong sáng.
Bên cạnh đó, phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ. Quốc pháp vô thân, tối thượng là pháp luật, tối cao là kỷ luật của Đảng. Không cần chờ đến “hoàng hôn nhiệm kỳ” hay khi “hạ cánh” đâu, mà ngay khi bước vào chính trường, anh phải chấp nhận luật của chính trường. Quan ra quan, vua ra vua, dân ra dân, kỷ cương phải thế. Nếu thực sự là Quốc pháp vô thân, sẽ không có thư tay, nhóm lợi ích, không có can dự tăm tối của cá nhân nào.
Theo tôi, giải pháp hiệu quả để kiểm soát cán bộ và bộ máy làm công tác này là truy xuất tài sản ở đầu nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ. Phải kiểm tra, buộc giải trình về nhân thân và thân nhân cán bộ, làm nghiêm được điều này thì không ai không sợ hết. “Hoàng hôn nhiệm kỳ” hay “chuyến tàu vét” cũng không thể thoát được.
Trân trọng cảm ơn ông!

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ví von là phải “nhốt quyền lực vào trong cái lồng cơ chế”. Cái “lồng”, đó chính là kỷ luật của Đảng, toàn bộ hệ thống pháp luật nhà nước đó là Quốc pháp. Trong Đảng, thì Đảng cương và Quốc pháp thực thi, ngoài xã hội thì Quốc pháp toàn dụng và trung tâm là lòng dân và sự tín nhiệm của Nhân dân thẩm xét, giám sát. Như vậy thì không ai, không gì có thể lọt được cả.
Nhà báo Nhị Lê
 LÂN DŨNG THỰC HIỆN

BIỆN PHÁP CƠ BẢN: LẬP QUYỀN DÂN
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 8-9-2019
Vừa qua Nhị Lê có những phát biểu rất đáng chú ý trong bài: “Ngăn 'chuyến tàu vét' trước thềm Đại hội Đảng: Chặn mầm họa lợi ích nhóm”(Tiền Phong, ngày 4-8-2019). Ông đã vạch ra những bất cập, những thối nát do lợi ích nhóm, do tư duy nhiệm kỳ. Nào là:”Ai cũng vô can, vì núp bóng cái tập thể, cái quyết sách chung, chứ không thấy trách nhiệm quyền lực cá nhân đâu cả. Nói gì tới kiểm soát quyền lực nữa. Đây chính là “khoảng trống”quyền lực cần phải chỉnh đốn và lấp đầy!“, nào là: “Bổ nhiệm ký bừa, cấp phép dự án, điều chỉnh dự án vô tội vạ, nếu xuất hiện ở “hoàng hôn nhiệm kỳ” chắc cũng nhằm phục vụ lợi ích nhóm, “lót ổ”, và tranh thủ “chuyến tàu vét” cuối cùng?” Rồi nữa: “Trong thực thi chiến lược quốc gia thì trên có kế sách, dưới lại có đối sách. Còn trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược, thì trên bảo dưới không nghe, trên một đàng dưới một nẻo, thậm chí trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Điều này lại càng tạo điều kiện cho “tư duy nhiệm kỳ” nảy nòi, phát tác
Ông còn lên án một số chuyện bê bối nữa. Những chuyện đó đúng với thực tế, việc lên án rất đáng hoan nghênh. Nhưng chắc vì bị khống chế bởi ý thức hệ mà ông đã bị lệch trong việc đánh giá nguyên nhân và tìm biện pháp khắc phục.
Ông cho rằng: “Kỷ luật của Đảng không đủ mạnh, pháp luật của Nhà nước không đủ nghiêm”, rằng “chưa chọn người đúng, cộng với chế tài không đủ mạnh thì sẽ “đẻ” ra tư duy nhiệm kỳ”, rằng quy trình luôn đúng, nhưng vì sao lại cho ra sản phẩm sai? Rồi ông đề nghị: “trước khi kết thúc nhiệm kỳ 1 năm, không được ký bổ nhiệm cán bộ, trừ cấp có thẩm quyền cho phép”.
Nhận xét và đề nghị của Nhị Lê không sai, nhưng chưa đúng vì chưa chạm vào bản chất. Không phải bản thân kỷ luật, pháp luật không đủ nghiêm mà là cơ quan và người thi hành thiếu năng lực và kém phẩm chất. Tại sao trên bảo dưới không nghe, phải chăng vì sự bất lực của cấp trên. Tại sao quy trình đúng, mà sản phẩm sai.
Thực ra mọi tai họa có bản chất ở Chuyên chính vô sản, ở chỗ Đảng CSVN đã cướp quyền của Dân để thực hành độc quyền đảng trị. Mà sự độc quyền này lại nằm trong tay những người kém trí tuệ, thiếu phẩm chất. Chắc rằng Nhị Lê bị cái vòng kim cô chủ nghĩa Mác Lê xiết chặt nên thấy quy trình lựa chọn cán bộ là luôn đúng, còn nhiều người khác lại thấy rõ quy trình đó chứa nhiều điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ. Quy trình này nhằm chọn lựa những người trung thành với Mác Lê mà loại bỏ những người thực sự là tinh hoa của dân tộc.
Vấn đề cơ bản là chọn lựa được những người thực sự tài giỏi vào bộ máy chính quyền. Muốn thế không gì hơn là Lập Quyền Dân, là Đảng CSVN phải trả lại quyền làm chủ thực sự cho nhân dân.
Trong thời gian dài vừa qua Đảng lớn tiếng tuyên truyền, rằng chính quyền của dân, do dân, vì dân, nhưng thực tế đó là chính quyền của Đảng.
Đảng đang chuẩn bị đại hội 13. Để thoát khỏi bế tắc về vấn đề cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, Đảng nên đề ra, thảo luận, tìm biện pháp để Lập Quyền Dân. Trước hết là từ bỏ việc Đảng cử dân bầu để lập ra Quốc hội.
Biện pháp “trước khi kết thúc nhiệm kỳ 1 năm, không được ký bổ nhiệm cán bộ..” do Nhị Lê đề ra chỉ là nhằm vuốt đuôi mà thội. Ông còn đề nghị: “Giải pháp hiệu quả để kiểm soát cán bộ … là truy xuất tài sản ở đầu nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ”. Đây cũng chỉ là biện pháp đối phó tạm thời nếu vẫn kiên trì Mác Lê và độc quyền đảng trị. Chỉ khi Nhân Dân thực sự làm chủ mới hy vọng thoát được bế tắc “Thiếu nhân tài” trong lãnh đạo và quản lý đất nước.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN