Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

20190725. AI PHÁ KẾT QUẢ THỬ NGHIỆM SÔNG TÔ LỊCH ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
HÀ NỘI KHÔNG PHÁ KẾT QUẢ THỬ NGHIỆM LÀM SẠCH SÔNG TÔ LỊCH, THẤT BẠI DO NÓNG VỘI

ĐỖ THƠM / GDVN 24-7-2019

Ngày 23/7, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Phó Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Lê Tự Lực đã có thông tin chính thức về việc xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch vừa qua.
Ông Lê Tự Lực phát biểu. Ảnh: Đỗ Thơm
Xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch không phải việc làm cá biệt
Ông Lực cho biết, theo đề nghị của Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt (gọi tắt là JVE) xin thử nghiệm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-Bioreactor (JVE tự nguyện thực hiện thử nghiệm và tự bố trí kinh phí).
Trước đề xuất này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân nhân dân Thành phố Nguyễn Thế Hùng đã chủ trì cùng Sở Xây dựng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội và các đơn với liên quan làm việc với đơn vị thử nghiệm, chấp thuận cho đơn vị tổ chức thử nghiệm, yêu cầu thực hiện các nội dung.
Cụ thể, trong đó yêu cầu đơn vị thử nghiệm lưu ý các nội dung: đặc thù nước thải Hà Nội, sông Tô Lịch có dòng chảy liên tục, là chủ lưu thoát nước chính của Thành phố khi có mưa và xả nước điều tiết hồ Tây khi có nguy cơ úng ngập.
Khi thử nghiệm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội được Thành phố giao phối hợp với JVE thực hiện.
Ông Lực cũng thông tin, Hồ Tây là hồ giữ vai trò điều hòa, điều tiết mực nước cho hệ thống thoát nước của Thành phố. Hằng năm, quy trình quản lý vận hành hồ và mực nước khống chế được thực hiện theo quy định của Sở Xây dựng, có cửa xả nước trực tiếp ra sông Tô Lịch.
“Theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, ngày 9/7/2019 qua công tác dự báo thời tiết, trong thời gian từ 3- 5 ngày sau sẽ xuất hiện mưa, có cường độ khoảng từ 40-50 mm trên địa bàn Thành phố; đồng thời, hiện trạng mực nước hồ Tây là 5,96 mét, đang vượt 0,26 – 0,36 mét so với mực nước khống chế đã được chấp thuận (5,6- 5,7 mét).
Do đảm bảo khả năng điều hòa nên mưa ngày 17/5, lưu vực Hồ Tây không xảy ra úng ngập. Việc xả, hạ mực nước hồ Tây về mực nước quy định của Công ty Thoát nước Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với quy trình vận hành và phương án chống úng ngập của Thành phố từ trước tới nay”, ông Lực khẳng định.
Về tác động của việc xả nước hồ Tây đến việc thử nghiệm của JVE, ông Lực cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, Công ty Thoát nước Hà Nội đã lưu ý với JVE về việc xả hạ mức nước hồ Tây khi mưa lớn. JVE đã khẳng định việc xả nước không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm.
“Nội dung này được JVE khẳng định lại tại buổi làm việc với Sở Xây dựng và các đơn vị ngày 22/7/2019).
Trên cơ sở kết quả dự báo thời tiết, vào lúc 9 giờ 15 phút và 9 giờ 30 phút ngày 9/7/2019, đồng chí Võ Kim Oanh cán bộ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội đã gọi điện thông báo cho cán bộ phụ trách kỹ thuật của JVE (ông Nguyễn Tuấn Anh và ông Hiếu) thông báo về việc xả nước, điều tiết mực nước hồ Tây để chống úng ngập”, ông Lực nói.
Theo đó, để đảm bảo thoát nước, chống úng ngập cho khu vực, ngày 12/7/2019 Công ty Thoát nước Hà Nội đã thực hiện vận hành cửa điều tiết hồ Tây A-B theo đúng quy trình để điều tiết mực nước về đúng mực nước khống chế.
Trên thực tế, đúng như dự báo vào chiều tối ngày 15/7 đã diễn ra trận mưa lớn trên địa bàn Hà Nội lượng mưa đo được một trên các quận như sau: Ba Đình 49 mm; Tây Hồ 55 mm; Đống Đa 56 mm; Hoàng Mai 72 mm làm mực nước sông dâng cao (tại cửa cống Hoàng Quốc Việt là 4.26 mét) nước đã tràn vào khu vực quây xử lý bùn của JVE và chảy mạnh.
Theo ông Lực, tại buổi làm việc với Sở Xây dựng ngày 22/7/2019, các đơn vị và JVE đã đánh giá: trong thời gian vận hành thử nghiệm, đơn vị thử nghiệm đã thu thập, cập nhật dữ liệu hằng ngày.
“Tuy nhiên do thời gian chuẩn bị thử nghiệm ngắn (1 tuần) nên công ty JVE chưa khảo sát kỹ, chưa cập nhật đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết, diễn biến mực nước, lưu tốc... trên sông Tô Lịch, không tham khảo hướng dẫn vận hành hệ thống thoát nước của Dự án Thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội.
Việc thử nghiệm trong thời điểm mùa mưa của năm là không phù hợp, phương án thử nghiệm chưa tính đến việc có dòng chảy lớn khi có mưa lớn hoặc xả nước hồ Tây.
Phía Công ty JVE đề nghị được thông báo sớm hơn về thời điểm xả nước hồ Tây để đơn vị chuẩn bị kỹ hơn”, ông Lực  thông tin.
Một lần nữa, ông Lực khẳng định, việc công ty Thoát nước Hà Nội xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch là công tác vận hành thường xuyên từ trước đến nay tuân thủ đúng quy định để đảm bảo công tác thoát nước mùa mưa, chống úng ngập, không phải việc làm cá biệt.
Việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-Bioreactor do nhà đầu tư đề xuất; Thành phố đã giao các Sở, ngành đơn vị liên quan cùng phối hợp thực hiện.
Trong đó lưu ý sông Tô Lịch là sông thoát nước của Thành phố, dòng chảy liên tục, nên khi thử nghiệm, yếu tố xả nước hồ Tây cũng như khi mưa lớn là yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả công nghệ.
Thực tế khi xả nước từ hồ Tây tạo dòng chảy làm ảnh hưởng đến yếu tố kỹ thuật của thử nghiệm, cho thấy công nghệ áp dụng cho việc làm sạch nước sông chảy liên tục với lưu tốc lớn cần phải nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng.
Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ chỉ đạo các Sở, ngành xem xét sau khi các đơn vị báo cáo kết quả thử nghiệm.
Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thành viên Thoát nước Hà Nội trả lời câu hỏi của các phóng viên. Ảnh: Đỗ Thơm
Công ty Thoát nước Hà Nội không phá kết quả thử nghiệm
Trả lời câu hỏi của các phóng viên, phải chăng Hà Nội không thiện chí với việc làm từ phía Công ty JVE, ông Võ Tiến Hùng- Tổng Giám đốc, công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên thoát nước Hà Nội khẳng định, ngay từ khi dự án được triển khai phía công ty đã phối hợp chặt chẽ với công ty thử nghiệm.
Theo đó, công ty đã đảm bảo tối đa về con người, thuyền, mặt bằng cho việc thử nghiệm.
Trước khi triển khai, ông Hùng cho biết cũng đã cảnh báo cho họ những vấn đề có thể xảy ra đó là việc thử nghiệm trên đầu nguồn sông, thời điểm thực hiện vào mùa mưa sẽ xảy ra các tình huống: khi mưa lớn, khi mưa lớn phải xả nước từ hồ Tây vào.
“Đích thân chuyên gia Nhật khẳng định không ảnh hưởng. Chúng tôi còn nhắc nhở tại sao thử nghiệm ở đầu nguồn, nhưng họ khẳng định yên tâm không vấn đề gì”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, trước khi công ty xả nước đã có thông báo, nhưng bên đó không phản ứng, do đó “chúng tôi xả từ từ, một cống. Khi dòng chảy chúng tôi mở không vượt qua ngưỡng quây của họ, không tràn vào hệ thống quây. Xả trong 2 ngày, để duy trì mực nước dưới quy định”, ông Hùng nói.
Đến ngày 15/7, mưa lớn, thời điểm đó nước mưa tràn vào vùng quây. Vì thế theo ông Hùng, việc cuốn trôi thành quả như lời chuyên gia Nhật nói thời điểm đó không phải “do vấn đề xả nước mà do mưa lớn”.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Họ nói xả trôi mất vi sinh của họ, chúng tôi chỉ làm công tác phối hợp, họ nói như vậy tôi không thấy có căn cứ nào cả. Thí điểm hoàn toàn độc lập, không có hội đồng khoa học nào cả nhưng khi mưa kết luận ngay “trôi hết”.
Theo ông Hùng, ngày 22/7, Công ty cũng đã mời phía Nhật sang làm việc. Họ thừa nhận 2 vấn đề: Việc xả nước là khách quan; họ thừa nhận do nóng vội không nghiên cứu kỹ, chưa cập nhật đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết, diễn biến mực nước, lưu tốc... trên sông Tô Lịch, không tham khảo hướng dẫn vận hành hệ thống thoát nước của Dự án Thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội.
Ông Hùng cũng bác thông tin “Công ty thoát nước Hà Nội phá kết quả thử nghiệm” nhằm “tranh công việc”. Ông cho biết, hiện Công ty chưa tham gia gì trong việc xử lý sông Tô Lịch.
“Hiện chúng tôi đề nghị họ nghiên cứu đặt vị trí ở giữa sông Tô Lịch.
Vừa qua, người ta thử nghiệm 300 mét đầu, nếu thành công, Thành phố phê duyệt triển khai phải chuyển tiền cho họ. Chứ không phải như một số người nói là họ cho không mà chúng ta lại phá”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đỗ Thơm
CON ÔNG CHUNG 'KHỞI NGHIỆP' 
TRƯƠNG CHÂU HỮU DANH/ BVN 22-7-2019
Sau khi hơn 1,5 triệu m3 nước hồ Tây ồ ạt đổ vào sông Tô Lịch làm mất toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi đã kích hoạt; cuốn trôi công sức của chuyên gia Nhật Bản trong gần 2 tháng qua, dư luận băn khoăn với câu hỏi: Xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nhật (miễn phí) và ngân sách chi gần 160 tỷ mua hóa chất xử lý ở công ty “con ông Chung”, cái nào hiệu quả hơn?
Tổ chức Xúc tiến thương mại – môi trường Nhật Bản vừa có công văn báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hà Nội cùng các sở, ngành về việc lùi thời gian thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch thêm 2 tháng, tới ngày 17/9.
Theo công văn này, dự án tài trợ thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ Nano – Bioreactor Nhật Bản đang được triển khai và kết quả bước đầu rất khả quan dưới cả góc độ kỹ thuật và thực tế cảm nhận của người dân. Tuy nhiên, khi mọi việc đang diễn biến rất tốt thì Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả hơn 1,5 triệu m3 nước hồ Tây vào đầu nguồn sông Tô Lịch – nơi có khu thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch của dự án!
Lượng nước xả ra rất lớn, gấp 10 lần lượng nước thải/ngày đêm từ 280 cống chảy vào sông Tô Lịch nhưng lại chỉ chảy cuồn cuộn vào khu xử lý từ MỘT cửa xả đầu nguồn duy nhất! Khi chuyên gia Nhật Bản kiểm tra hệ vi sinh vật của tấm Bioreactor thì thấy toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong gần 2 tháng qua đã bị cuốn trôi và không còn ở khu 300m để đánh giá. Các chuyên gia Nhật phải làm lại từ đầu và cần thời gian trên một tháng để kích hoạt trở lại hệ vi sinh vật có lợi. Đến lúc đó, việc lấy mẫu đánh giá ở khu vực thí điểm mới chính xác, khách quan.
Ông Võ Tiến Hùng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, cho biết trong tháng 6 qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo đưa chế phẩm Redoxy-3C vào thí điểm một đoạn trên sông Tô Lịch. Cùng thời điểm này, Hà Nội cũng cho thí điểm chế phẩm này ở Hồ Tây. Việc thí điểm chỉ trong vòng một tháng. Sau khi đưa chế phẩm này vào thử nghiệm, bước đầu khu vực thử nghiệm đã cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, để có kết quả thử nghiệm khách quan, thành phố đã giao một đơn vị quan trắc độc lập cùng Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội theo dõi các chỉ số, sự thay đổi của nguồn nước và sẽ tổng hợp, báo cáo thành phố xem xét các bước tiếp theo. Đến nay, chưa rõ kết quả thế nào nhưng việc thí điểm trên sông Tô Lịch bằng chế phẩm Redoxy-3C thì đã dừng.
Điều đáng quan tâm là, việc xử lý ô nhiễm do các chuyên gia Nhật thực hiện là miễn phí. Báo chí và người dân ghi nhận các chuyên gia Nhật không chỉ áp dụng khoa học kỹ thuật mà còn trực tiếp lội xuống bùn để thực hiện công việc. Việc làm của các chuyên gia Nhật Bản khác hoàn toàn với cách mà chàng sinh viên 20 tuổi con trai Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã làm là mở công ty và bán hóa chất độc quyền cho thành phố xử lý ô nhiễm với số tiền rất khủng.
Theo hồ sơ, ông Nguyễn Đức Hạnh, 20 tuổi, con trai ông Nguyễn Đức Chung, đứng ra mở Công ty TNHH Arktic tại số 12 Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa. Trụ sở công ty này được đặt cùng với siêu thị Minh Hoa của gia đình ông Nguyễn Đức Chung. Siêu thị Minh Hoa do vợ ông Chung là bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa và con trai ông Chung là Nguyễn Đức Hạnh đứng tên.
Image result for Hình Nguyễn Đức Hạnh con Nguyễn Đức Chung
Nguyễn Đức Hạnh, con trai ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội. Ảnh trên mạng
Sau khi con trai mở công ty, ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo xuất ngân sách mua độc quyền hóa chất RedOxy-3C tại Công ty Arktic. Để giúp Arktic bán được hàng với số lượng lớn dù công ty này chưa từng có kinh nghiệm xử lý ô nhiễm, nhiều sở, ngành ở Hà Nội đã họp bàn liên tục và quyết định chỉ mua duy nhất tại công ty của gia đình ông Chung (con trai ông Chung vẫn đang sống cùng ông) và không mua ở bất cứ nơi đâu.
Image result for Hình Nguyễn Đức Hạnh con Nguyễn Đức Chung
Hai bố con ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh trên mạng do BVN thêm.
Theo hồ sơ do Tổng cục Hải quan đang quản lý, chỉ riêng hóa chất RedOxy-3C, công ty con ông Chung đã nhập về khoảng 420 tấn, giá khai báo hải quan khoảng 90 tỷ đồng. Số hóa chất này bán độc quyền cho Hà Nội, theo chào giá của công ty Arktic là khoảng 158 tỷ đồng! Con số chênh lệch giá gần 70 tỷ đồng, sau khi trừ thuế má và chi phí khác, Arktic phải bỏ túi sơ sơ hàng chục tỷ đồng.
Cho đến nay, việc tiêu tốn ngân sách để mua sản phẩm từ công ty con trai ông Chung đã quá lớn, nhưng kết quả xử lý ô nhiễm rõ ràng không khả quan và thành phố vẫn đang nhờ các chuyên gia Nhật Bản xử lý ô nhiễm.
Xử lý ô nhiễm bằng công nghệ Nhật hay “công nghệ con ông Chung” chưa biết cái nào tốt hơn, nhưng Công ty Arktic do cậu sinh viên 20 tuổi sáng lập đã thu lãi cực lớn từ chỉ đạo mua độc quyền của ông Nguyễn Đức Chung là có thật.
Sau khi dư luận lên tiếng, ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo cấp dưới thành lập đoàn thanh tra để thanh tra… công ty con mình lập ra. Việc thanh tra có thể cho ra kết quả rất đẹp, rằng không có tiêu cực gian dối, rằng hóa chất này rất tốt và nên sử dụng. Nhưng với cách thức vận hành của Arktic cũng như sự sốt sắng chỉ đạo mua độc quyền của ông Chung, rõ ràng cha con ông không hề trong sáng! Với những gì đang diễn ra, cấp dưới của ông Nguyễn Đức Chung sẽ khó mà “thanh tra” khi chính ông chỉ đạo mua hóa chất từ công ty gia đình ông sở hữu.
Theo GS Mai Đình Yên – chuyên gia về môi trường nước, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam – không có lý gì mà Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lại không biết việc các chuyên gia Nhật đang thí điểm dự án trên sông Tô Lịch trước khi xả nước.
“Vì sao lại xảy ra tình trạng như thế? Nguồn cơn phía sau là gì? Ai chịu trách nhiệm cho việc này khi mà toàn bộ thành quả gần 2 tháng của các chuyên gia Nhật Bản đã thành công cốc chỉ sau một đợt xả nước” – GS Yên nêu, đồng thời cho rằng các bên liên quan cần có cái nhìn tổng thể, hãy nhìn đa chiều để đánh giá khách quan vấn đề, nếu không sẽ dễ gây hiểu lầm.
Đảng, Chính phủ khuyến khích giới trẻ khởi nghiệp, làm giàu chính đáng để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và Tổ quốc. Nhưng với cách khởi nghiệp mà cha con ông Chung đang thực hiện tại Arktic, lợi ích cho bản thân và gia đình đã quá rõ, còn lợi ích cho Tổ quốc, thì phải xem lại.
Việc ông Chung cần làm lúc này, là chuyển hồ sơ cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương để vụ việc được khách quan hơn!
T.C.H.D.

CÁC BẠN NHẬT BẢN KHỔ RỒI !
FB LƯƠNG NGỌC HUỲNH/ BVN 22-7-2019

Ở Hà Nội có một hội mà giới chuyên môn hay gọi là “Hội Quỷ Môn Quan” gồm có hơn chục giáo sư, tiến sĩ tạm gọi là hội đồng khoa học. Hội này không có thiện chí với những công nghệ mới nếu họ không được tham gia bàn và cãi, thứ nữa là các hệ thống quản lý ngành vô cùng lắt léo và đều có vấn đề trong đó.
Cuối năm 2009 đến đầu năm 2010 tôi đã vấp phải muôn vàn khó khăn khi đưa công nghệ xử lý nước thải bằng từ tính của Nga kết hợp với Israel về định bụng làm sạch sông Tô Lịch và các hồ nước không sạch để chào mừng 1000 năm Thăng Long.
Ngoài công nghệ của chúng tôi ra thì còn có nhiều công nghệ khác của nhiều nước cùng đưa về, trong đó có cả vợ của các đồng chí lãnh đạo, và một đồng chí đương nhiệm là đại sứ ở nước ngoài lúc bấy giờ, cũng đưa công nghệ từ Bỉ, Hàn Quốc, và một vài trường hợp khác của Việt Nam cùng tham gia mong muốn cống hiến.
Chúng tôi họp lên họp xuống, báo cáo các loại báo cáo, và tất cả các nhóm muốn tham gia đều phải “biểu diễn thí nghiệm” để cho Hội quỷ môn quan này xem xét!
Trong thời điểm ấy chúng tôi là đơn vị đưa ra giá thành rẻ nhất nghĩa là 8 ngàn đồng cho 1 mét khối nước thải được làm sạch đạt chất lượng từ B2 trở lên, nghĩa là loại nước có thể sử dụng trong sinh hoạt như tắm rửa..., còn lại tất cả các công nghệ khác thì đều báo giá từ 25 ngàn đến 45 ngàn cho việc làm sạch 1 mét khối nước thải.
Các công ty khác chủ yếu xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh, hoặc hoá chất, chỉ có mỗi chúng tôi là không dùng bất kỳ loại hoá chất nào.
Tất cả chúng tôi lao vào như thiêu thân nào họp nào bàn nào làm thử... tốn tiền tốn của mất gần 6 tháng lăn lộn, nhưng vẫn không thể làm hài lòng hội quỷ môn quan này!
Cuối cùng chúng tôi chết sặc tiết, tôi thiệt hại mất hơn 4 tỷ tiền đầu tư máy móc, tiền chi phí các loại...! Nhưng có nhóm còn mất nhiều hơn chúng tôi!
Mặc dù lúc bấy giờ thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Văn Lạng rất nhiệt tình giúp đỡ và mong đưa các công nghệ tiên tiến vào để xử lý môi trường, anh Lạng ngày đêm cùng chúng tôi ra hiện trường những nơi thử nghiệm để trực tiếp kiểm tra đánh giá kết quả khách quan. Nhiều lãnh đạo nhà nước lúc bấy giờ cũng rất quan tâm và ủng hộ.
Nhưng “Hà Nội Không Vội Được Đâu” đã trở thành cái đầu lâu xương chéo nhiều năm nay rồi! Ở đó có hoàng thành kiên cố phòng thủ vững chắc, có những con người có thể gọi là bố của các loại ma, họ không thích chia sẻ quyền lực và lợi nhuận!
Tôi xin làm thí điểm ở một đoạn sông Kim Ngưu, tôi cũng đã đến để báo cáo với anh cả một thành viên này rồi, mấy ngày đầu làm tốt, tiến triển từng ngày, thậm chí có lãnh đạo cao cấp của đảng, nhà nước vì thương anh em vất vả đêm đến còn đưa cho tôi bánh nói rằng mang ra cho anh em ăn đỡ đói.
Đến ngày thứ 3 tự nhiên nước dâng lên đột ngột, các loại nước bẩn ầm ầm kéo đến tràn vào khu vực thực nghiệm!!! Xong phim... Thằng bé chỉ còn biết chửi thề thôi!
Điện thoại báo cáo với anh Lạng rồi điều tra thì biết anh cả cấp thoát nước mở cống?!
Chiều hôm sau gặp anh Tuân lúc đó là tổng giám đốc Vinaconex anh ấy nói: "Huỳnh ạ, em muốn yêu nước thì em phải làm đơn"! Nghe xong câu nói đó tôi buồn hẳn và thất vọng hoàn toàn.
Tôi cũng báo cáo toàn bộ sự thất bại đó cho chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thường trực ban bí thư Trương Tấn Sang, và phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biết, đồng thời xin rút lui toàn tập vì không thể chọc thủng hàng phòng thủ của thủ đô Hà Nội!
Cho nên tôi rất thương các bạn Nhật Bản, các bạn cứ từ từ chiến đấu và cảm nhận, tôi rất mong có một ngày dòng sông Tô Lịch và các dòng sông chảy qua Hà Nội trong xanh hiền hoà, nam thanh nữ tú bơi thuyền thiên nga vui đùa té nước cùng những tiếng sáo diều và tiếng cá nhảy lõm bõm trên những dòng sông thơ mộng uốn lượn trong lòng thủ đô ngàn năm văn hiến.
Tôi chia buồn cùng các bạn Nhật!
L.N.H.

ĐÂU LÀ SỰ THẬT VỤ XẢ NƯỚC LÀM TRÔI KẾT QUẢ THÍ NGHIỆM Ở SÔNG TÔ LỊCH ?
TRÚC NGUYỄN /TVN 31-7-2019

 - Sau vụ xả hơn 1 triệu m3 nước Hồ Tây làm trôi khu thí điểm công nghệ nano-Bioreactor trên sông Tô Lịch khiến dự án phải lùi thêm 2 tháng, chiều 23/7 Thành ủy Hà Nội tổ chức cuộc họp báo.

Tại đây ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thoát nước HN (TNHN) và ông Lê Tự Lực, Phó Chánh Văn phòng UBND Thành phố đã phát biểu những thông tin phân bua như: đã xả nước đúng quy trình, có thông báo trước, đã giúp đỡ hết mình cho phái đoàn Nhật Bản làm công tác, đại diện NB (JVE) đã thừa nhận sai, đồng thời cung cấp các thông số kỹ thuật như lưu lương mưa, cường độ dòng chảy... (1)
Tôi không phải là cư dân gần sông Tô Lịch, cũng không phải chuyên gia thoát nước nên không lạm bàn chuyên môn. Nhưng trong vụ việc này, về phương pháp làm việc, văn hóa ứng xử và một số khía cạnh khác chưa đi đến cùng của sự thật, nên cần góp phần làm rõ để giải tỏa những xầm xì trong dư luận và sự khó hiểu cho các chuyên gia nước ngoài.
Được biết buổi họp báo hôm 23/7 không có phía JVE tham dự. Có thể công ty TNHN có mời nhưng JVE không dự, có thể họ không được mời, hoặc mời nhưng không thiện chí thiếu trân trọng nên JVE không đi. Nguyên nhân gì chăng nữa nhưng để tôn trọng sự khách quan và tính thông tin đa chiều, buổi họp báo hôm đó đáng ra không nên tiến hành, mà đợi cho đến khi đủ ba bên.
Đâu là sự thật vụ xả nước làm trôi kết quả thí nghiệm ở sông Tô Lịch?
Đoạn sông Tô Lịch nơi thử nghiệm công nghệ Nhật Bản chiều 16/7
Nếu vì lý do bất khả kháng phải họp thì công ty TNHN không nên một bề nói về mình, rồi nói thay cho đối tác Nhật: "Công ty JVE cũng thừa nhận đã nóng vội, không nghiên cứu kỹ hệ thống thoát nước nói chung, khu vực đầu mối Hồ Tây và sông Tô Lịch cũng như không tính đến thời điểm mưa, không đánh giá hết những yếu tố rủi ro", là những căn bản về nguyên tắc họp báo, văn hóa ứng xử và tôn trọng đối tác.
Trang báo mạng Vtc.vn đưa tin về cuộc họp này, nhiều bạn đọc đã phản ứng. Độc giả tên Thế Bình nói: "Khi mà có 1 Công ty đang độc quyền xứ lý ô nhiễm tại Hà Nội bằng công nghệ Red3C thì đố các chuyên gia Nhật thử nghiệm thành công ở sông Tô Lịch"; Nguyễn Khánh thì: "Tôi sống bờ sông Tô hơn 60 năm nay, chưa thấy xả nước hồ Tây qua sông Tô. Nhân dịp người Nhật xử lý gần có kết quả thì mới xả cho trôi". Còn Nguyễn Xuân thì: "Tại sao bao năm nay Sông Tô Lịch không xả nước bỗng nhiên khi có dự án thí điểm làm sạch thì lao vào xả nước"? (2)...
Ngày 26/7, Tiến sĩ Tadashi Yamanura - Chuyên gia Liên hợp Quốc về môi trường trực tiếp tới khu thử nghiệm sông Tô Lịch để kiểm tra tình hình và thông tin một số nội dung.
Theo ông Tadashi thì trong văn bản gởi lên Thủ tướng, phía Nhật không quy trách nhiệm cho ai, đồng nhận trách nhiệm và ông khẳng định an toàn tính mạng của người dân phải là điều kiện tiên quyết trong thực hiện dự án.
Ông cũng cho rằng tại cuộc họp báo Thành ủy Hà Nội hôm 23/7 phía Nhật không được dự và có một số thông tin là một chiều, chưa chính xác: "việc xả nước chỉ được thông báo trước 15 phút, trong khi ở Nhật phải báo trước ít nhất 3-5 ngày" (3).
Phải chăng ông ngầm ý rằng bên xả nước nêu lý do "vì an toàn tính mạng người dân" nên JVE không thể thương thảo, và thời gian báo trước quá gấp rút làm họ không kịp trở tay?
Lần theo lời bình của các độc giả trên Vtc.vn, tôi tra cứu thuật ngữ "Red3C" (Redoxy-3C) thì được biết đây là chất xử lý ô nhiễm môi trường nước của một công ty ở Đức sản xuất, được công ty Arktic nhập về bán lại cho công ty TNHN với giá chênh lệch khá cao.
Cụ thể trong hai ngày15 và 29/8/2016, Công ty Arktic nhập 19.440kg, tổng cộng năm 2016 nhập 74.440 kg. Giá nhập khẩu là 213.000 đồng/kg, họ báo giá cho Công ty thoát nước Hà Nội là 372.900 đồng/kg (4). Ghi nhận có dư luận khen chế phẩm Redoxy-3C đã mang lại hiệu quả tốc độ xử lý nhanh, mùi hôi thuyên giảm, nhưng đồng thời cũng tồn tại thông tin tiêu cực như dùng tiền ngân sách mua sản phẩm mà không tổ chức đấu thầu công khai…
Với sự cẩn trọng cần thiết, nên chăng công ty TNHN và UBND thành phố Hà Nội làm rõ các thông tin vừa nêu để giải tỏa nghi vấn trong dân. Nếu "sự cố" xả nước là vô tư, trong sáng thì nên kiểm điểm kinh nghiệm về phương pháp làm việc, tinh thần cộng tác của hai bên là công ty TNHN và JVE.
Còn nếu có vi phạm, tiêu cực thì phải truy cho ra cái gốc, quy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu. Không để một dự án liên quan đến quốc kế dân sinh ngay giữa thủ đô mà bị ai đó ngang nhiên giở chiêu trò mờ ám, gây sự tổn hại thanh danh của chính quyền, tài sản nhà nước, niềm tin của nhân dân.
Muốn cải thiện môi trường nước sông Tô Lịch cần phải cải thiện nhiều điều, trong đó phương pháp làm việc, văn hóa ứng xử và cả đạo đức của cán bộ... Nếu không nước sông Tô Lịch khó mà được cải thiện; chiêu trò mờ ám sẽ lại tiếp diễn, cuốn trôi kết quả thử nghiệm đồng thời cuốn trôi cả danh dự và lòng tử tế.
Trúc Nguyễn
(1)https://nld.com.vn/thoi-su/ chuyen-gia-nhat-cong-ty-thoat- nuoc-chua-hieu-ve-cong-nghe- va-phat-ngon-chua-chinh-xac- 20190724105059381.htm?fbclid= IwAR12nd78Mrf3zLKkX- 5Pk59wEBZcJ9N5eYhygAekSBt4z59_ DPQT5UjGOFs
(2) https://vtc.vn/chuyen-gia- nhat-ban-khong-tinh-toan-ky- nong-voi-nen-thi-diem-lam- sach-song-to-lich-bi-anh- huong-d488559.html
(3) http://danviet.vn/media/ xa-nuoc-ra-song-to-lich- chuyen-gia-nhat-noi-chi-duoc- bao-truoc-15-1000087.html? fbclid= IwAR1opvfpfMGW7DVcBlh85SilXyXr gmfe4PLDezOLX6JfDr_h7y0KRirN4- w
(4) https://moitruong.net.vn/ xu-ly-o-nhiem-nuoc-ho-o-ha- noi-bang-che-pham-redoxy-3c/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét