Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

20190724. BẤT CẬP CỦA ĐẠI HỌC CÔNG MỞ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
RỦI RO PHÁP LÝ KHI ĐẠI HỌC QUỐC GIA CHO THU HỌC PHÍ CAO GẤP 40 LẦN QUY ĐỊNH

HỒNG THỦY/ GDVN 20-7-2019

Trong bài viết trước, Ai cho Đại học Giáo dục mở trường phổ thông, thu tiền gấp 40 lần trường công?, chúng tôi đã phân tích việc trường phổ thông công lập thu học phí cao như tư thục đang trái với các quy định nào.
Ở khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích tiếp các căn cứ pháp lý mà Đại học Quốc gia Hà Nội dựa vào đó để đồng ý đề xuất mức học phí phổ thông công lập cao hơn hàng chục lần so với quy định.
Qua đây, chúng tôi hy vọng góp phần làm sáng tỏ những bất cập của xu thế các trường đại học công lập đua nhau mở trường phổ thông.
Thiết nghĩ, vấn đề có hay không việc kinh doanh dịch vụ giáo dục trái luật đã đến lúc cần được làm rõ.
Học phí trường công tự đặt cao hơn quy định hàng chục lần
Năm học 2016-2017, Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 1/8/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức học phí cao nhất của bậc phổ thông công lập với chương trình đại trà là 80 nghìn đồng / học sinh / tháng.
Cũng năm học này, Đại học Quốc gia Hà Nội đồng ý cho Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục thu học phí 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng, cao gấp 40 lần.
Ảnh chụp một phần văn bản số 3306/ĐHQGHN-KHTC ngày 24/10/2016 của Đại học Quốc gia Hà Nội về mức thu học phí của Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục.
Ngày 8/7/2019, Hội đồng nhân dân thành phố vừa thông qua nghị quyết quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2019-2020.
Theo đó học phí cấp trung học cơ sở giữ nguyên, cao nhất là 155 nghìn đồng / học sinh / tháng; học phí trung học phổ thông công lập cao nhất là 217 nghìn đồng / tháng.
Tuy nhiên, 2 trường phổ thông trong trường đại học thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội được xác định là cơ sở giáo dục công lập, nhưng đều có mức học phí 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng, cao hơn hàng chục lần so với quy định.
Mới nhất là Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ vừa tuyển sinh khóa đầu tiên và đang tạm thu học phí 3,2 triệu đồng/học sinh/tháng, cao hơn 20,6 lần quy định, chưa kể các khoản thu khác.
Theo văn bản số 653/ĐHNN-KHTC ngày 31/5/2019 của Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ gửi Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, thì 2 căn cứ để nhà trường trình mức học phí đề xuất cho Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ gồm:
Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 17/3/2013 và Nghị quyết số 14/2016/NQ-HĐND ngày 6/12/2015 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về cơ chế tài chính áp dụng đối với các trường công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.Quyết định số 668/QĐ-UBND ngày 26/3/2019 của Ủy ban nhân dân quận Cầu Giấy về việc thành lập trường;
Chúng tôi được biết, đến nay, khoản học phí 3,2 triệu / học sinh/tháng cho học sinh lớp 6 Trường Đại học Ngoại ngữ mới tạm thu 1 tháng, Đại học Quốc gia Hà Nội chưa phê duyệt chính thức.
Nhưng Đại học Quốc gia Hà Nội đã từng có tiền lệ duyệt học phí bậc trung học phổ thông cao hơn quy định.
Đại học Quốc gia Hà Nội đồng ý cho thu học phí phổ thông cao, trái với chính quy định trong các căn cứ pháp lý của mình
Thứ nhất là Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Thứ hai là Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn thủ đô (theo Khoản 4, Điều 12, Luật Thủ đô).
Tuy nhiên việc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng ý cho Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục thu học phí 3,2 triệu đồng / tháng / học sinh trái với chính các quy định trong 2 văn bản quy phạm pháp luật này. Cụ thể:
Khoản 3, Điều 4 (khung học phí đối với giáo dục mầm non và phổ thông), Chương II, Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015, quy định:
Căn cứ quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức học phí cụ thể hàng năm phù hợp với thực tế của các vùng trên địa bàn của mình.
Khoản 1, Điều 1 (phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng), Chương I, Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 17/7/2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, quy định rõ:
Nghị quyết này quy định cơ chế thu, chi, quản lý thu, chi và các tài sản khác đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô được Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định công nhận theo tiêu chí do Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành.
Cả Trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ lẫn Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục đều chưa được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định công nhận cơ sở giáo dục chất lượng cao, nên không nằm trong đối tượng điều chỉnh của 2 nghị quyết nêu trên.
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 19, Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân tỉnh bao gồm việc quyết định giá dịch vụ giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục, đào tạo công lập thuộc phạm vi quản lý của mình theo quy định của pháp luật;
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định giá thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật đối với: dịch vụ giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập (học phí).Theo quy định tại Khoản 7, Điều 1, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 thì:
Như vậy, việc Đại học Quốc gia Hà Nội đồng ý đề xuất thu học phí Trường Trung học phổ thông Khoa học giáo dục là không đúng thẩm quyền, thẩm quyền việc này thuộc về Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội.
Trường Đại học Ngoại ngữ có văn bản số 653/ĐHNN-KHTC ngày 31/5/2019 gửi Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội để "báo cáo và xin ý kiến" mức thu học phí 3,2 triệu đồng / học sinh / tháng là không đúng với các quy định nêu trên của pháp luật.
Đề xuất trên là không có cơ sở pháp lý, mà chỉ có "tiền lệ" không đúng quy định của pháp luật. 
Hơn nữa, Luật Giáo dục hiện hành chỉ có 2 loại hình cơ sở giáo dục công lập và tư thục, không có cái gọi là "cơ sở giáo dục chất lượng cao" hay chương trình chất lượng cao.
Theo tác giả Quang Anh, Báo Điện tử Zing.vn, ngày 18/2/2017 Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố đã mạnh dạn xóa việc đầu tư cho những trường được gọi là “chất lượng cao” của Hà Nội.
“Những trường này chẳng theo tiêu chuẩn Việt Nam, chẳng theo tiêu chuẩn Asian, chẳng theo tiêu chuẩn quốc tế, mà do nhóm người yêu cầu thành phố hỗ trợ tiền. Sau khi hết hỗ trợ, học sinh cũng chuyển đi hết”, ông Chung được Zing.vn dẫn lời, cho biết. [3]
Thiết nghĩ Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nên lưu tâm đến thông tin này.
Rủi ro pháp lý
Công cụ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý tài chính ở các cơ sở giáo dục đại học công lập khi chuyển sang cơ chế tự chủ là kế toán, kiểm toán và hệ thống kiểm soát nội bộ.Theo phân tích của Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh trong tham luận tại Hội thảo "Cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán nhà nước" tháng 3/2019:
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, hệ thống pháp luật về các chế độ kế toán (chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán) và hệ thống các chuẩn mực kế toán, kiểm toán áp dụng cho cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ vẫn đang trong tình trạng thiếu hoặc chắp vá "nham nhở" và pha tạp giữa chế độ kế toán doanh nghiệp với chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng toàn bộ kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Do vậy, ranh giới giữa sai và đúng trong hoạt động quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục đại học công lập rất mờ nhạt.
Lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ luôn trong tình trạng đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ bị chế tài khắc nghiệt nhất, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự, do vận dụng linh hoạt các nguyên lý tự chủ tài chính trong Luật Giáo dục đại học 2012 và Nghị quyết 77/NQ-CP.
Thiết nghĩ đã đến lúc Đại học Quốc gia Hà Nội cần phải xem lại và điều chỉnh các khoản thu trái quy định nói trên để đảm bảo làm đúng các quy định của pháp luật. 
Tài liệu tham khảo:
[1]//hes.vnu.edu.vn/wp-content/uploads/2017/03/3306.pdf
[2]//www.thudo.gov.vn/newsdetail.aspx?NewsID=4f6e6672-19ce-e14c-ba32-bdb053b207e2&CateID=96bafa2f-25de-5242-90fb-6f9a70a8bcb5
[3]//news.zing.vn/ha-noi-xoa-co-che-dau-tu-truong-chat-luong-cao-post722007.html
Hồng Thủy
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

TỌA ĐÀM  VỀ THỰC TIỄN, PHÁP LÝ VÀ CHÍNH SÁCH CỦA  MỞ TRƯỜNG PHỔ THÔNG TRONG ĐẠI HỌC

TRINH PHÚC/ GDVN 22-7-2019

Ngày 22/7, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Trường phổ thông trong trường đại học - thực trạng, cơ sở pháp lý và chính sách".
Tới dự buổi tọa đàm có Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Ban Dân nguyện của Quốc hội;
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - nguyên Đại biểu Quốc hội; Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch hội đồng Hệ thống giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.
Tiến sĩ, Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy - Hà Nội.
Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie - Hải Phòng...
Vấn đề mở trường phổ thông trong các trường đại học đang tạo ra những bất cập, làm méo mó chính sách xã hội hóa giáo dục (ảnh Trinh Phúc).
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, Luật Giáo dục hiện hành cũng như Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020 đều quy định rõ: “Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ”.
Tuy nhiên, nhiều năm nay vẫn tồn tại mô hình trường phổ thông, thậm chí mầm non trong trường đại học và cao đẳng ở các địa phương và đang có xu hướng nảy nở tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Các trường phổ thông trong cao đẳng, đại học được xác định loại hình là trường công lập nhưng lại được tuyển sinh và thu học phí như trường tư thục.
Điều này sẽ có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách Xã hội hóa giáo dục, thu hút đầu tư của xã hội vào giáo dục bởi sự bất bình đẳng từ cơ chế, đồng thời làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật và có thể tạo ra những kẽ hở chính sách để biến tài sản công thành công cụ thu lời cho một nhóm người.
Do đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm này để cùng các chuyên gia, nhà giáo phân tích thực trạng, cơ sở pháp lý và chính sách để góp ý vào việc triển khai Luật Giáo dục sửa đổi 2019 sao cho hiệu quả, nhất là việc xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành luật.
Tại buổi tọa đàm, thầy Hoàng Xuân Khóa cho biết: “Mô hình trường đại học đào tạo mầm non, tiểu học cho đến bậc đại học có ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan... nhưng hầu hết là trường tư.
Trong hệ thống Luật Giáo dục của mình không có mô hình này. Nên bàn mô hình này có tổ chức ở Việt Nam hay không thì đó là vấn đề tương lai.
Luật hiện hành và Luật Giáo dục sắp tới đã ban hành rồi mà chưa có quy định nhưng để tồn tại như vậy tôi cho rằng không được”.
Phó Tổng biên tập Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - Đào Ngọc Tước phát biểu. Ảnh: Trinh Phúc.
Cũng theo thầy Khóa, ở Việt Nam thực ra các trường đại học, các trường sư phạm có những lớp năng khiếu đào tạo nhân tài, hoặc là nơi thực tập giảng dạy cho các giáo sinh, các phương pháp giảng dạy. Đây là những trường đặc thù, người ta không thu học phí, hoặc thu thấp.
Những mô hình đặc thù, riêng biệt thì Nghị định sẽ điều chỉnh cho nó tồn tại. Nhưng hiện nay có nhiều loại trường người ta đã tuyển sinh nhiều năm nay như ở Hải Phòng, có trường đại học không đứng ra mở mà cho các trường khác thuê lại cơ sở vật chất để mở trường phổ thông. Trong khi đó, theo quy định thì cơ sở đại học công lập không được cho tư nhân thuê.
“Tôi cho rằng, ở Việt Nam nếu trong cơ cấu luật không có thì không cho tồn tại, nếu không luật không nghiêm. Tôi cảm thấy đằng sau loại hình trường này có đặc quyền” – thầy Khóa nhấn mạnh.
Thầy Hoàng Xuân Khóa còn cho rằng, nếu tồn tại như thế này các trường phổ thông tư thục không thể cạnh tranh với một số trường đại học công lập trường phổ thông tư.
Vì các trường công họ không đóng thuế, trong khi trường tư thì đóng thuế 10%. Cơ sở vật cất của nhà nước trong khi cơ sở vật chất trường tư lại do tư nhân phải bỏ tiền ra. Do đó, ở đây có vấn đề pháp lý cần phải phân tích thấu đáo.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Phú Cường cho rằng, mô hình trường phổ thông trong trường đại học không có trong luật. Cái không có trong luật cần phải nghiên cứu thêm.
Hiện đang có thực trạng, các trường chuyên của các trường đại học đang hoạt động méo mó. Cụ thể, các lớp cận chuyên người ta tuyển sinh chiếm đến 40 – 50% tổng số học sinh trong khi chỉ cho phép tuyển sinh không quá 20%.
“Tôi cho rằng, cách làm trường chuyên của các trường đại học hiện nay cần phải xem lại.

Nhiệm vụ chính trị của họ là đào tạo nhân tài không phải làm kinh tế.
Trong khi thực tế tổ chức các lớp cận chuyên hiện nay là đang làm cho méo mó trở thành chỗ làm kinh tế.
Cơ sở vật chất của công nhưng tuyển sinh, thu học phí như tư nhân do đó cần phải nghiên cứu rõ. Nếu để mô hình như thế này thì tôi cho rằng chỉ có một nhóm có lợi.
Như trường chuyên ngữ hàng năm tổ chức 4 kỳ thi thử, một em nộp 500.000 đồng, mà có hàng nghìn em tham gia thi nên kiếm cả tiền tỉ cả. Mà tiền này không rơi vào tay nhà nước” –  thầy Cường cho biết.
Trinh Phúc
ĐẠI HỌC CÔNG LẬP MỞ TRƯỜNG PHỔ THÔNG THU HỌC PHÍ CAO GÂY BẤT BÌNH ĐẲNG GHÊ GỚM
TÙNG DƯƠNG/ GDVN 24-7-2019
Tới dự buổi tọa đàm có Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Ban Dân nguyện của Quốc hội; Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - nguyên Đại biểu Quốc hội.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch hội đồng Hệ thống giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.
Tiến sĩ, Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy - Hà Nội.
Nhà giáo Hoàng Xuân Khóa - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie - Hải Phòng.
Mời quý bạn đọc theo dõi video Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ quan điểm xung quanh vấn đề này tại buổi tọa đàm.
Video: Trường Đại học mở phổ thông gây bất bình đẳng ghê gớm.
Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng Biên tập báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cho rằng, Luật Giáo dục hiện hành cũng như Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 1/7/2020 đều quy định rõ: “Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ”.
Tuy nhiên, nhiều năm nay vẫn tồn tại mô hình trường phổ thông, thậm chí mầm non trong trường đại học và cao đẳng ở các địa phương và đang có xu hướng nảy nở tại các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.
Các trường phổ thông trong cao đẳng, đại học được xác định loại hình là trường công lập nhưng lại được tuyển sinh và thu học phí như trường tư thục.
Điều này sẽ có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách Xã hội hóa giáo dục, thu hút đầu tư của xã hội vào giáo dục bởi sự bất bình đẳng từ cơ chế, đồng thời làm mất đi tính nghiêm minh của pháp luật và có thể tạo ra những kẽ hở chính sách để biến tài sản công thành công cụ thu lời cho một nhóm người.
Tùng Dương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét