Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

20190703. BÌNH LUẬN VỀ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G-20

ĐIỂM BÁO MẠNG

THƯƠNG CHIẾN MỸ-TRUNG BÊN LỀ HỌP G-20 VÀ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆT NAM

PHẠM ĐỖ CHÍ/ BVN 30-6-2019


Tin tức cho hay sẽ có cuộc họp Thượng đỉnh Trump-Tập lần nữa bên lề cuộc họp G-20 ở Osaka, Nhật Bản vào ngày 29/6 do các dàn xếp giờ chót của 2 bên, để hai nguyên thủ nối lại vòng đàm phán thương mại.
Cần nhắc lại là cuộc thương nghị này đã rơi vào bế tắc từ cuối tháng 3/19 khi Tổng thống Trump quyết định tăng thuế biểu 25% lên trên 200 tỷ đô hàng nhập từ Trung Quốc, do Trung Quốc rút lại giờ chót các nhường nhịn đã thỏa thuận ở cấp Phó Thủ tướng Trung Quốc (Lưu Hạc) và các bộ trưởng tài chính và thương mại Hoa kỳ.
Nhưng các câu hỏi lớn vẫn còn đặt ra chung quanh diễn biến sắp tới ngày 29/6 này, che mờ phần nào nội dung cuộc họp của 20 nguyên thủ quốc gia trong vài ngày tới.

Tại sao Chủ Tịch Tập quyết định tham dự G-20 và gặp Tổng thống Trump?

Cách đây vài tuần, khi nghe tin ông Tập có thể tránh cuộc họp G-20, Tổng thống Trump và sau đó Phó Tổng thống Pence nhắc lại, đã lên tiếng đe dọa là Mỹ sẽ đơn phương nâng thuế 25% lên trên 300 tỷ hàng nhập Trung Quốc còn lại nếu ông Tập tránh cuộc họp. Đe dọa này đã thành một đòn bất ngờ của Trump tăng cường thêm áp lực của thế Cờ Vây của Mỹ đang có sẵn và có vẻ dồn Trung Quốc vào chân tường.
Nếu ông Tập không đi dự G-20, có thể Tổng thống Trump sẽ tăng áp thuế biểu thật, áp lực sẽ vô cùng lớn lên kinh tế Trung Quốc, ông Tập sẽ chịu chỉ trích nặng nề trong chính trị nội bộ.
Ngược lại, nếu ông Tập sẽ đi như đã quyết định, đe dọa của Mỹ như đã có tác dụng thật sự và cho quốc tế thấy thế yếu của Trung Quốc: tình trạng “no-win” của họ và bị dồn vào thế bí!

Liệu họp Thượng đỉnh Mỹ-Trung Quốc có đạt được kết quả mong chờ?

Tuy ông Bộ trưởng Tài chính Mỹ lại xác nhận hôm qua 26/9 là các đàm phán đã đạt được 90% kết quả, nhưng giới quan sát viên quốc tế nhận định đây là tuyên bố lạc quan để mang lại chờ đợi hào hứng cho kết quả tốt.
Thực tế như nhiều người đã rõ, lập trường hai bên đã quá khác nhau, và đòi hỏi của Mỹ vượt quá mức sơ khởi là Trung Quốc phải nhập hàng Mỹ nhiều hơn để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Tin tức về “tài liệu 150 trang” của ký kết sơ khởi giữa 2 bên (đã bị gác lại do Trung Quốc đổi ý giờ chót vào cuối tháng 3) cho thấy Mỹ đòi hỏi những tái cấu trúc căn bản của nền kinh tế và luật lệ thương mại của Trung Quốc, bao gồm các nhượng bộ quan trọng về tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, ngăn ngừa chuyện ăn cắp thông tin công nghệ Mỹ, và các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ nếu Trung Quốc vi phạm các thỏa thuận đã đồng ý.
Nếu ông Tập đã không đồng ý với các nhượng bộ quan trọng này vào cuối tháng 3, khó có lý do nào để ông đổi ý bây giờ, dù nền kinh tế Trung Quốc đã đi vào những khó khăn rõ nét hơn. Nhất là vì cấp chuyên viên cao hai bên đã ngưng hẳn cuộc đàm phán giằng co từ 3 tháng nay, không thể có ngay một bản thỏa thuận chi tiết sẵn sàng khác để hai nhà lãnh đạo ký ngay trong kỳ họp G20 này vào cuối tháng 6/2019?!
Điều gì dễ xảy ra nhất: một tuyên bố chung để xoa dịu tình trạng căng thẳng giữa hai bên và không tiếp tục tăng thêm thuế biểu nhập cảng (tariffs) như đã dọa nhau nữa, trong một thời gian ngắn làm mát dịu “short cooling-off period” độ 3-6 tháng để thay đổi bản nháp thỏa ước lần chót.

Hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang ở đâu và sẽ ra sao nếu không có thỏa thuận tương lai gần?

Nhận xét đầu tiên là có rất ít phân tích xác đáng và khả tín về ảnh hưởng trên nền kinh tế Mỹ do cuộc thương chiến gây ra. Phe Dân chủ và các nhà trí thức phe tả trong xã hội Mỹ, chuyên tài về chỉ trích bất cứ chính sách nào của Trump, cũng chỉ tuyên bố rời rạc như kinh tế Mỹ sẽ suy yếu đi nhiều, lạm phát Mỹ tăng nhanh vì áp lực thuế quan cao trên hàng nhập Trung Quốc, nông dân bất mãn vì hàng nông sản Mỹ không bán được, v.v… Nhưng gần một năm qua từ lúc thuế quan tăng được áp đặt, các chuyện này đã không xảy ra như họ “mong muốn” để làm yếu đi thế đứng của ứng viên Trump trong kỳ tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ, đã bắt đầu từ tháng 6 năm nay cho tới cuối hè năm tới trước bầu cử tháng 11/2020.
Nếu áp thuế 25% xảy ra trên 300 tỷ hàng Trung Quốc còn lại vì thương chiến tiếp tục, ảnh hưởng đáng kể nhất là tăng trưởng Mỹ sẽ chậm lại độ 0,3-0,5% trong năm 2019 và 0,5-1,0% trong năm 2020, nhưng ngay điều này cũng chưa chắc chắn vì Ngân hàng Trung ương FED của Mỹ đang sửa soạn hạ lãi suất 1-2 lần trong năm nay! Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn vững mạnh là nhà tiên tri khả tín cho điều đó!
Còn về phía Trung Quốc, các tin tức cho thấy tác động lớn hơn nhiều. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ còn độ 6%, chúng khoán sụp đổ và tiền được tháo chạy mãnh liệt với các hãng Trung Quốc và hãng đầu tư ngoại quốc rời khỏi xứ sang các nước lân cận (như Ấn Độ, Mã Lai, Việt Nam…) và dân thường chuyển tiền ồ ạt ra nước ngoài. Tỷ giá tiền yuan xuống thấp là 6,9 yuan/1 USD. Nếu tỷ giá này nhích thêm xuống mức báo động 7 yuan, sẽ là mức “panic” được dự báo để gây cuộc hỗn loạn tiền tệ đáng kể cho Trung Quốc.
Hai vấn đề nghiêm trọng nhất đang xảy ra ở Trung Quốc: nạn thất nghiệp thành thị (do các hãng đóng cửa hay rời xứ) gây cho dân chúng ào ạt kéo về nông thôn tìm việc và vấn đề lạm phát cho giá cả lương thực, cả hai đều gây áp lực chính trị đáng kể cho cá nhân ông Tập.
Cùng lúc, vòng vây xiết chặt công nghệ qua hãng Huawei và cả trăm hãng khác đang và sẽ làm tê liệt nền công nghệ và sản xuất Trung Quốc.
Các tác dụng trên đến nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động như của cả trăm “sư đoàn” giả tưởng của Mỹ được gửi đến Trung Quốc, như nhận xét của một số nhà phân tích kinh tế. Nhưng trong thực tế, Mỹ cũng đã điều động hải quân thật sự, phối hợp với liên minh hải quân các nước khác trong vùng, để tạo lập vòng vây ở Biển Đông và eo biển Đài loan, như là các biện pháp quân sự tương lai lúc cần thiết.
Trung Quốc không thể không thấy những điều này của Mỹ và liên minh Tây phương, Ấn Độ, Úc và Nhật, để ngăn chặn giấc mơ bành trướng của họ trong tương lai, qua “Nhất đới, Nhất lộ’, hay “Giấc mơ Trung Hoa năm 2025 hay 2035”. Chính sách khôn ngoan “Nằm yên, chờ thời” của Đặng Tiểu Bình đã bị bỏ qua, thay vào đó móng vuốt của Rồng dữ Trung Quốc đã làm cả thế giới e ngại và Mỹ đang ra tay ngăn chặn đầu tiên.

Liên hệ nào đến Việt Nam?

Tất nhiên không thể không bàn đến Việt Nam khi phân tích tình hình thương chiến Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Trong một biến cố bất chợt, Hoa Kỳ có vẻ sửa soạn chúi cả mũi dùi thương chiến sang Việt nam ở cấp cao nhất có thể. Trả lời phỏng vấn với Fox Business Network phát hôm 26/6/19, Tổng thống Trump nói: “Nhiều công ty đang chuyển sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng tôi còn tệ hơn Trung Quốc”.
Tuyên bố này hàm ý cả việc nhiều hàng Trung Quốc tuồn sang mang mác Việt Nam để tránh thuế, như báo Wall Street Journal (27/9/2019) đã điều tra báo cáo cả tỷ đô la hàng Trung Quốc đã tiếp tục sang Mỹ bằng cửa này.
Việt Nam cũng không phải là quốc gia châu Á duy nhất ngoài Trung Quốc đang bị ông Trump công kích. Mới đây nhất, Tổng thống Hoa Kỳ đã gọi biểu thuế quan mới mà Ấn Độ áp lên 28 sản phẩm của Mỹ là “không thể chấp nhận” và đòi New Delhi phải rút lại. Biểu thuế quan mới được đưa ra vào đầu tháng 6/19 là nhằm trả đũa việc Mỹ tuyên bố chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ.
Nhưng tuyên bố này không phải là câu nói vô tình của Tổng thống Mỹ, mặc dù ông nổi tiếng với nhiều câu nói ngẫu hứng. Cũng hôm đó, Tổng thống Trump không loại trừ khả năng sẽ đánh thuế lên hàng Việt Nam: “Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam. Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều, nhưng họ gần như là kẻ lợi dụng tệ nhất”. (Nguyên văn: “It’s almost the single worst abuser of everybody”.)
Nhiều người có thể thắc mắc sao Tổng thống Trump lại nói mạnh như thế đến Việt Nam, ngay lúc sắp đi phó hội quan trọng với Trung Quốc về thương mại? Tin bên lề từ Hoa Thịnh Đốn cho là ông được báo cáo đầy đủ vụ tuồn hàng Trung Quốc sang Mỹ qua mác Việt Nam để tránh thuế, như tin tức từ hãng Asanzo và vài hãng thép, và thêm vào đó là tin xuất cảng Việt Nam đã tăng tới 38% trong 5 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ.
Theo người viết, Việt Nam nên chú ý cảnh cáo này là nghiêm trọng và cần nhìn vào bức tranh toàn cảnh liên hệ Mỹ-Trung Quốc-Việt Nam, và nên tuyên bố ngay là sẽ có chương trình cụ thể nhập cảng thêm một số hàng hoá của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, cũng như chặn ngay vụ tuồn hàng Trung Quốc sang Mỹ, là hai mối quan tâm trong tuyên bố của ông Trump.
Tuy nhiên, ông Trump khen Việt Nam đã mua nhiều than từ bang West Virginia, khiến “tôi vui”. Từ đó, vài thí dụ cụ thể mua thêm hàng Mỹ có thể nêu ra dễ làm ông Trump “còn vui hơn”:
Về hàng không, như nhập máy bay Boeing cho các hãng mới thành lập, nhất là nhấn mạnh cho việc sửa soạn lập đường bay thẳng sang Mỹ (SGN-SFO-SGN hay SGN-LAX-SGN).
Cũng cần cho mua thêm xe hơi Mỹ và giảm thuế nhập cảng, vốn là nhu cầu lớn sẵn có trong dân chúng. Hiện các nông sản đang ứ đọng của Mỹ như đậu tương, thịt bò, gà, nhất là thịt heo đang thiếu hụt bên nhà vì cơn dịch tả châu Phi,... nếu Việt Nam mua sẽ gây nhiều thiện cảm trong dân Mỹ.
Việt Nam cũng cần chú ý nhập cả các dụng cụ y tế cao cấp của Mỹ trong nhu cầu cấp thiết để nâng cao dịch vụ săn sóc y tế ở nhà.
Ngoài ra,Việt Nam cần chặn đứng ngay việc một số hãng xuất hàng sản xuất từ Trung Quốc nhưng dán mác Việt Nam như Asanzo, thép... Cần truy tố và phạt nặng các vi phạm này để làm gương cho các hãng khác và gây uy tín với Mỹ.
Để tránh bị ‘dán nhãn’ như Trung Quốc, Việt Nam cũng cần nâng cao việc kiểm soát và tôn trọng sở hữu trí tuệ với Mỹ.
Tuy thế, xung khắc Mỹ - Trung tạo ra cơ hội cho Việt Nam, Việt Nam cần khuyến khích sinh viên sang du học và nghiên cứu sau đại học ở Mỹ, thay vào “lỗ hổng” của sinh viên Trung Quốc mà Mỹ đang chặn lại.
Nhưng nhìn xa hơn, việc làm thật sự để tránh một cuộc thương chiến mới do Mỹ đặt ra, là cải tổ nền kinh tế thị trường ở Việt Nam một cách thật sự và sâu rộng, thí dụ nâng cao khu vực tư nhân, khuyến khích khởi nghiệp với công nghệ cao từ Mỹ, cải tổ hệ thống thương mại và cho nới rộng hoạt động của các hãng bảo hiểm cùng ngân hàng tư nhân...
Hơn nữa, cần duyệt lại chính sách đầu tư FDI một cách chọn lọc hơn, khuyến khích các hãng Mỹ có móc nối (“linkages”) với việc phát triển công nghệ Việt Nam.
Sau cùng và quan trọng nhất là chú trọng đến việc thiết lập chính sách đối tác chiến lược và toàn diện với Mỹ, là mục tiêu chính yếu của cuộc thăm viếng Mỹ đang chờ đợi của lãnh đạo Việt Nam trong vài tháng tới.
Nhìn toàn cục, Việt Nam thực ra đang ở vào thế vô cùng thuận lợi với Mỹ trong kế hoạch lưu thông hàng hải tự do ở Biển Đông, mà Hoa Kỳ và các đồng minh trong khối Ấn Độ-Thái Bình Dương đang muốn tăng cường thiết lập và bảo vệ. Việc này sẽ bảo vệ an ninh quân sự và chính trị của Việt Nam, mục tiêu mong mỏi bất chiến tự nhiên thành!
Việt Nam cần coi đây là mục tiêu tối hậu, đừng để mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là chuyện nhỏ nhưng có thể gây ảnh hưởng xấu đến chiến lược đối tác dài hạn với Hoa Kỳ.
Tựu chung, có hai điều căn bản mà Việt Nam phải làm:
1. Trong chiến lược thương mại toàn cầu, mua thêm hàng Mỹ đơn giản sẽ là cách “thoát Trung dần dần”, giảm lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, mà lại giúp bớt đi xuất siêu sang Mỹ hầu tránh áp lực chính trị Mỹ đang tăng dần qua lời tuyên bố mạnh mẽ, hơi bất chợt của Tổng thống Trump, trước thềm cuộc viếng thăm Hoa Kỳ chính thức của một lãnh đạo Việt Nam.
2. Một điểm khác là để phản ứng lại chỉ trích của Tổng thống Trump, Việt Nam cần sẵn sàng soạn 1 cuốn sách trắng về xuất cảng, “A White Book on Vietnam’s exports to the US in the last five years 2014-2018”. Giải thích rõ tính cách gia công trong các hàng Việt Nam xuất cảng điện tử chẳng hạn, thí dụ rõ nhất là điện thoại Samsung, trong đó giá trị gia tăng (“value-added”) của Việt Nam chỉ là 5-10%. Vì vậy con số xuất cảng sang Mỹ thực, “true Việt Nam exports to the US” thấp hơn con số thống kê xuất bản nhiều (hàng xuất từ Việt Nam nhưng 90% số thu thực sự lại đi về các nước khác). Điểm này được rất ít chuyên viên bên Mỹ biết đến, đừng nói gì là nhà chính trị như Tổng thống Trump.
Việt Nam nên sẵn sàng với các tài liệu này khi trần tình hay đàm phán chính thức với Mỹ, trong cuộc viếng thăm nêu trên, về các biện pháp làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam./.
P.Đ.C.
TS PGM chuyển BVN

G-20  OSAKA SUMMIT VÀ BÀN CỜ MỸ -TRUNG

NGUYỄN QUANG DY / viet-studies 1-7-2019

G-20 được chính thức thành lập từ năm 1999, chiếm 85% nền kinh tế thế giới. G-20 gồm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) là Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada, sau đó thêm Nga (G-8). Sau này, có thêm 12 nước khác tham gia G-20 là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Argentina,  Brasil, Mexico, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, và EU. Vì vậy, cũng có người nói G-20 là kết tinh của hai nhóm G-7 và G-77.
Từ năm 2008, G-20 đồng thuận mở rộng hợp tác về tài chính-tiền tệ và họp theo cơ chế summit. G-20 không có Ban thư ký mà ghế chủ tịch luân phiên hàng năm giữa các thành viên được chọn từ nhóm các nước khu vực khác nhau. Ghế chủ tịch là một phần của nhóm quản trị gồm 3 thành viên luân phiên (gọi là Troika). Chủ tịch đương nhiệm năm 2019 là Nhật (nước chủ nhà) lập ra ban thư ký lâm thời trong nhiệm kỳ của mình để phối hợp công việc và tổ chức các cuộc họp của G-20. Vai trò của Troika nhằm đảm bảo hoạt động liên tục của G-20.
Đúng 11 giờ ngày 28/6/2019, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã khai mạc G-20 Osaka summit 2019, với sự tham gia của các nguyên thủ/lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới. Khách mời gồm 8 quốc gia (trong đó có Việt Nam), và lãnh đạo của Liên Hợp quốc (UN), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), và Ngân hàng Thế giới (WB). Sau khi dự G-20 Thủ tướng Việt Nam nguyễn Xuân Phúc đến thăm Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Abe. Sau G-20, ông Trump đến thăm Hàn Quốc và gặp ông Kim Jong-un tại khu phi quân sự.
G-20 Osaka Summit và Mỹ-Trung
Trong diễn văn khai mạc G-20 Osaka, Thủ tướng Abe nhấn mạnh 3 vấn đề quan trọng hiện nay là mậu dịch tự do và công bằng (free and fair trade), kinh tế kỹ thuật số (digital economy), và xử lý các vấn đề môi trường một cách sáng tạo. Nhưng đối đầu Mỹ-Trung và khủng hoảng Iran như đám mây đen đang ám ảnh thế giới, nên 3 vấn đề mà ông Abe đặt ra có thể bị lu mờ trước các cuộc gặp tay đôi bên lề G-20 Osaka (như cuộc gặp Trump-Tập).
Hội nghị G-20 Summit tại Osaka 2019 dự kiến kết thúc vào chiều 29/6, thông qua tuyên bố chung, sau đó Thủ tướng Abe với tư cách chủ tọa sẽ chủ trì họp báo để thông báo kết quả. Nhưng cũng giống G-20 Summit tại Buenos Aires 2018, cuộc gặp Trump-Tập (29/6/2019) là sự kiện quan trọng nhất thu hút sự chú ý của dư luận, với thỏa thuận “nối lại đàm phán” (back on track). Theo học giả Cheng Li (Brookings), ông Trump và Tập đều chịu sức ép nên cả hai đều cần có tiến bộ và thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại.
Trong khi ông Trump muốn nhân dịp này ép Trung Quốc tiếp tục đàm phán thương mại như là một “thắng lợi” của Mỹ, thì ông Tập cũng muốn nhân dịp này thuyết phục Mỹ tiếp tục bán linh kiện điện tử (chips) cho Huawei, như một thắng lợi của Trung Quốc. Nói cách khác, tuy đây là trò chơi “vừa đánh vừa đàm”, hai bên đều cần thỏa thuận dù tạm thời, nên chắc không ai ngây thơ (naïve) tin rằng xung đột lợi ích chiến lược Mỹ-Trung đã chấm dứt.
Lập trường hai bên còn rất khác nhau và không có lý do để hai bên thay đổi lập trường vào lúc này. Ông Tập nhấn mạnh Trung Quốc “thành tâm” (sincere) nhưng đàm phán phải “công bằng” (equality) và “tôn trọng lẫn nhau” (mutual respect). Trung Quốc thỏa thuận nhập thêm nhiều hàng Mỹ để giảm thâm hụt thương mại, và Mỹ thỏa thuận không tăng thêm thuế nhập khẩu (350 tỷ USD) như Trump dọa. Nhưng hai bên không có ngay một văn bản thỏa thuận để ký tại G-20, nên thỏa thuận đàm phán tiếp chỉ là kế hoãn binh (truce) khoảng 2-3 tháng để xoa dịu căng thẳng (cooling-off period). Trong cuộc đàm phán kéo dài 80 phút (29/6) có các cố vấn chủ chốt của Trump như Robert Lighthizer (đại diện thương mại), Mike Pompeo (ngoại trưởng), Steven Mnuchin (bộ trưởng tài chính), Peter Navarro (cố vấn thương mại).
Nhưng Trump có một nhân nhượng đáng kể là cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán linh kiện điện tử (chips) cho tập đoàn Huawei. Nhân nhượng này đã đảo ngược lệnh cấm vận của Bộ Thương mại Mỹ (tháng trước) đối với Huawei vì “những hoạt động đe dọa đến an ninh quốc gia”. Nếu cấm vận có hiệu lực, Huawei có thể mất khoảng 30 tỷ USD doanh thu trong năm nay, và xô đẩy Mỹ-Trung vào một cuộc chiến tranh lạnh mới về công nghệ.
Theo Ely Ratner (CNAS/CFR), “đây là hưu chiến tạm thời…Nó không giải quyết được các vấn đề cơ bản là trung tâm của cuộc tranh chấp”.  Nhiều nghị sỹ của hai đảng đã lên tiếng phản đối quyết định của Trump cho các công ty Mỹ tiếp tục bán chips cho Huawei. TNS Marco Rubio nói: “Nếu Tổng thống Trump đồng ý đảo ngược lệnh trừng phạt Huawei, thì ông ấy mắc sai lầm tai hại” (catastrophic mistake)... Điều này sẽ phương hại đến uy tín của Chính quyền vì đã cảnh báo về mối đe dọa của Huawei…Nay không ai còn tin họ nữa”.
Quyết định của Trump về Huawei lập tức dẫn đến phản ứng chính trị tại Washington. Theo TNS Charles Schumer (Senate Minority Leader), “Huawei là một trong vài đòn bẩy để Mỹ ép Trung Quốc phải thay đổi hành vi thương mại. Nếu Tổng thống Trump lùi bước (backs off) thì sẽ phương hại lớn đến khả năng làm thay đổi hành vi thương mại của Trung Quốc”. (Trump allows US firms to sell technology to Huawei after G-20 talks with Xi, David Lynch, Damian Paletta, David Nakamura, Simon Denyer, Washington Post, June 29, 2019).
Tại cuộc họp báo (ngày 29/6), khi Trump được hỏi là ông nhận được gì từ Trung Quốc để đánh đổi lại nhân nhượng về Huawei, Trump nói Trung Quốc đồng ý mua thêm nhiều nông sản Mỹ, nhưng không đưa ra con số cụ thể hay cam kết nào của Trung Quốc. Trước đây Trump đã nhiều lần nói như vậy trong khi các trại chủ Mỹ vẫn phàn nàn. Việc Trump thường thay đổi như vậy làm nhiều người Mỹ đặt câu hỏi vậy mục tiêu tối hậu của Mỹ là gì. Theo Aaron Friedberg (Princeton University), “đã có sự điều chỉnh lớn để đối đầu với Trung Quốc. Nhưng nơi bất ổn nhất chính là Tổng thống, vì Trump thay đổi thất thường (run hot and cold). Câu hỏi đặt ra là Trump quan tâm đến đâu về các vấn đề không phải thương mại”.
Đàm phán thương mại tác động lớn đến kinh tế của cả hai nước và có hệ quả chính trị đối với Trump, nên ông đã chuẩn chi 20 tỷ USD cho các trại chủ nhằm ngăn chặn họ phản ứng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, tình hình xuất khẩu thực phẩm của Mỹ đã giảm 7% từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019 so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong 4 tháng đầu 2019 đã giảm 20.8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 12.8% tương ứng. Riêng xuất khẩu thịt gà giảm 10% và xuất khẩu đậu tương giảm 32% (từ 15 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD). Nên nhớ đậu tương là sản phẩm chủ yếu của mấy tiểu bang đã ủng hộ Trump (như Iowa, Illinois, Ohio, Nebraska). Chắc Trump lo nếu không ép được Trung Quốc mua đậu tương thì ông sẽ mất nhiều phiếu trong bầu cử sắp tới.
Việc hưu chiến không đánh thuế tiếp để tiếp tục đàm phán là một tiến triển tích cực cho thị trường (trong ngắn hạn), nhưng hưu chiến không có nghĩa là cuộc chiến kết thúc. Thuế nhập khẩu trị giá hàng trăm tỷ USD vẫn còn nguyên, và hai bên phải đàm phán để thỏa thuận. Nói cách khác, đây chỉ là hưu chiến tạm thời giữa hai siêu cường kinh tế, chứ không phải là giải pháp lâu dài cho cuộc chiến đang làm ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Trump đã nói với báo chí lúc kết thúc hội nghị G-20 tại Osaka rằng không đánh thuế thêm (new taiffs) nhưng vẫn giữ nguyên thuế cũ (existing duties): “Tôi hứa ít nhất lúc này, chúng ta không bỏ thuế đánh vào hàng Trung Quốc, nhưng chúng ta không đánh thuế thêm (350 tỷ USD). Việc hoãn binh này là kết quả đàm phán 80 phút ngày 29/6, nhằm vạch ra lộ trình đàm phán tiếp. Nó gần giống thỏa thuận Trump-Tập tại G-20 Buenos Aires Summit 2018.
Cũng như Trump, Tập Cận Bình cần hưu chiến để hoãn binh, vì kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Tăng trưởng kinh tế chỉ còn khoảng 6%, chứng khoán sụp đổ và dòng tiền tháo chạy khỏi Trung Quốc khi dân chuyển tiền ồ ạt ra nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đang rời Trung Quốc và chuyển sang các nước lân cận (như Ấn độ, Việt Nam, Malaysia). Nạn thất nghiệp và lạm phát là hai vấn đề đau đầu đang gây áp lực chính trị đáng kể cho ông Tập, trong khi vòng vây đang xiết chặt về công nghệ đánh vào Huawei và hàng trăm công ty khác, có thể làm tê liệt sức sản xuất và phát triển công nghệ của Trung Quốc.
G-20 Osaka Summit và Việt nam
Báo WSJ trích dẫn số liệu Hải quan Việt Nam cho thấy hàng nhập từ Trung Quốc và xuất sang Mỹ tăng mạnh (trong 5 tháng đầu 2019), chứng tỏ có sự trung chuyển (transshipment) để tránh thuế. Cụ thể, máy tính và hàng điện tử của Việt Nam xuất sang Mỹ tăng 71,6% (lên 1,8 tỉ USD), gấp 5 lần so với tốc độ xuất khẩu trên toàn thế giới, trong khi hàng nhập từ Trung Quốc (cùng danh mục) tăng 80,8% (lên 5,1 tỉ USD), gấp 4 lần tốc độ nhập khẩu trên toàn thế giới. Trong khi đó, máy móc và thiết bị từ Việt Nam xuất sang Mỹ tăng 54,4% (lên 1,7 tỉ USD) so với mức tăng 6,7% trên toàn cầu, và hàng nhập từ Trung Quốc trong cùng thời gian tăng 29,2% (lên 5,7 tỉ USD), gấp 2 lần tốc độ đã được báo cáo. (American Tariffs on China Are Being Blunted by Trade Cheats, Chuin-Wei Yap, Wall Street Journal, June 26, 2019).
Gần đây, Hải quan và Biên phòng Mỹ đã xác định được việc trung chuyển bất hợp pháp nhiều hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ qua một số nước như Việt Nam, Malaysia và Philippines.  Không lâu sau khi báo WSJ đưa tin trên, ông Trump đã công kích Việt Nam bằng những lời lẽ gay gắt trong cuộc phỏng vấn trực tiếp trên kênh Fox Business Network (26/6/2019): “Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn Trung Quốc…Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người” (It's almost the single worst abuser of everybody).
Tuy Việt Nam không phải là nước duy nhất bị ông Trump công kích, nhưng tuyên bố này không phải là ngẫu nhiên. Ông Trump có thể dọa, nhưng không loại trừ khả năng Mỹ có thể đánh thuế cao lên hàng Việt Nam (như trước đây Mỹ đã từng đánh thuế cao lên thép và nhôm). Nhiều người thắc mắc tại sao lâu nay ông Trump có vẻ ưu ái Việt Nam nhưng nay lại lên án mạnh như vậy? Có nhiều khả năng ông Trump vừa được báo cáo đầy đủ hơn về thực trạng hàng hóa Trung Quốc được tuồn quá nhiều qua Việt Nam để gắn mác “Made in Vietnam” trước khi được trung chuyển sang Mỹ, nhằm tránh thuế quan cao hơn của Mỹ gần đây.
Theo điều tra của báo Tuổi Trẻ (24/6/2019), Công ty Điện tử Asanzo đã bị phát giác nhập khẩu các bộ phận và linh kiện hàng hóa từ Trung Quốc, và bóc tem xuất xứ để thay nhãn “Made In Vietnam” (nhằm tránh thuế nhập khẩu vào Mỹ). Trước khi đi Nhật dự họp G-20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu điều tra xác minh vụ việc và báo cáo kết quả (trước 30/7/2019). Ngày 27/6/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng lên tiếng “Chính phủ Việt Nam kiên quyết ngăn chặn và sẽ xử lí nghiêm các hành vi gian lận thương mại, hàng hóa nước ngoài lấy danh nghĩa hàng Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường khác… Tổng cục Hải quan Việt Nam đang có những bước đi cụ thể để ngăn chặn hành vi này”.
Tuy các phản ứng trên của Việt Nam là cần thiết, nhưng dư luận cho rằng quá ít và quá muộn (too little too late), vì tình trạng gian lận thương mại nói trên đã xẩy ra từ lâu, được cảnh báo nhiều lần, và Asanzo chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Sẽ là sai lầm tai hại nếu người Việt chủ quan nghĩ rằng Mỹ đang cần Việt Nam (là đối tác khu vực) nên sẽ châm chước bỏ qua cho các hành vi gian lận thương mại nói trên. Ông Trump không chỉ công kích Việt Nam mà còn công kích các đồng minh lớn như Đức và Nhật (trước họp G-20).
Việt Nam nên coi cảnh báo này của Trump là nghiêm trọng vì bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung còn kéo dài, để tránh bị mắc kẹt vào cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết (vừa đánh vừa đàm). Việt Nam nên tuyên bố ngay kế hoạch nhập khẩu thêm hàng hoá Mỹ để giảm thâm hụt thương mại, và có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn việc hàng Trung Quốc tuồn qua Việt Nam để trung chuyển sang Mỹ. Nếu để các công ty gian lận thương mại trục lợi trước mắt, sẽ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia lâu dài, vì họ chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”.
Trước chuyến thăm Mỹ sắp tới của lãnh đạo nhà nước, Việt Nam cần điều tra và phạt nặng những sai phạm của Asanzo (và các công ty khác) để nâng cao uy tín với Mỹ về thương mại, đồng thời tăng cường hợp tác với Mỹ để nâng cao việc kiểm soát và tôn trọng sở hữu trí tuệ. Việt Nam cần xem lại chính sách đầu tư FDI chọn lọc hơn, và khuyến khích sinh viên du học Mỹ vì hiện nay nhiều sinh viên Trung Quốc đang bị Mỹ cấm. Về lâu về dài, để tránh xung đột thương mại với Mỹ, Việt Nam cần đổi mới thể chế để có một nền kinh tế thị trường thật sự, và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển một cách lành mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí (BBC, 27/6/2019), Việt Nam nên mua thêm hàng hóa Mỹ để giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, và cần soạn ngay một sách trắng về xuất khẩu trong 5 năm qua (A White Book on Vietnam’s exports to the US in the last 5 years) để giải thích về thực trạng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ (như iphone Samsung) vì giá trị thực sự của Việt Nam chỉ có 5-10% (thấp hơn nhiều so với con số thống kê chính thức).
Việt Nam cần làm ngay hai việc đó, trước chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Nhà nước, vì người Mỹ không biết rõ chuyện này (kể cả các chuyên gia và chính khách). Ông Trump nói Việt Nam mua nhiều than của West Virginia khiến “ông vui”, cũng như mua nhiều máy bay Boeing và lập đường bay thẳng sang Mỹ. Việt Nam nên mua xe hơi Mỹ, thiết bị y tế, và nông sản Mỹ như đậu tương, thịt gà, thịt bò và thịt lợn, để gây thiện cảm với Mỹ.
Lời cuối
Theo Robert Kaplan, Trung Quốc không muốn Mỹ rút khỏi Trung Đông. Nếu Mỹ sa lầy ở Trung Đông, Trung Quốc sẽ dễ kiểm soát Biển Đông và cạnh tranh với Mỹ tại Indo-Pacific. Trung Quốc sẽ rất hài lòng nếu Mỹ đánh Iran và sa lầy tại đó, nên chắc Washington sẽ không dại như vậy. EU cũng không muốn cuộc khủng hoảng Iran sẽ bùng nổ. Mỹ chẳng được gì nếu mất thời gian và nguồn lực can thiệp vào Syria. Ấn Độ và Đài Loan quan trọng hơn nhiều so với Syria và Afghanistan. Nếu Trung Quốc thống trị được Đài Loan, họ sẽ thống trị Biển Đông. Vì vậy, Mỹ nên triển khai trên nhiều mặt trận khác như thế giới mạng, quan hệ kinh tế, hải quân, và ngoại giao, mà không cần đến chiến tranh. Quan hệ Mỹ-Trung quá rộng lớn và phụ thuộc lẫn nhau, nên đừng sa vào xung đột quân sự tại một khu vực. (America Must Prepare for the Coming Chinese Empire, Robert Kaplan, National Interest, June 17, 2019).
Nhìn toàn cục, Việt Nam tuy thuận lợi trong quá trình nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Mỹ (nhân chuyến thăm cấp cao sắp tới), nhưng vẫn còn rủi ro. Điều quan trọng nhất là phải chấn hưng đất nước bằng cải cách thể chế và kiểm soát quyền lực. Trong bối cảnh Mỹ và đồng minh tăng cường hợp tác tuần tra FOPOP với tầm nhìn Indo-Pacific, Việt Nam cần tiếp tục ủng hộ tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông. Về lâu dài, điều đó là thiết yếu để bảo vệ chủ quyền và không gian sinh tồn của mình tại khu vực này, nhằm khai thác dầu khí và hải sản trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển (theo nghị quyết 36-NQ/TW).

Tham khảo

  1. America Must Prepare for the Coming Chinese Empire,Robert Kaplan, National Interest, June 17, 2019
  2. Xi Jinping’s Trade Conundrum: Why the Chinese Leader Isn’t About to Back Down,Christopher Johnson, Foreign Affairs, June 20, 2019
  3. American Tariffs on China Are Being Blunted by Trade Cheats,Chuin-Wei Yap, Wall Street Joural, June 26, 2019
  4. Trump says trade talks “back on track” after meeting Xi,Kevin Liptak, CNN, June 28, 2019
  5. Trump allows US firms to sell technology to Huawei after G-20 talks with Xi,David Lynch, Damian Paletta, David Nakamura, Simon Denyer, Washington Post, June 29, 2019
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-6-19

VIỆT NAM ĐẠT ĐƯỢC GÌ TỪ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G-20 ?

VƯƠNG THỦY / GDVN 2-7-2019
Tối 1/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn cấp cao đã về đến Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và hàng đầu thế giới (G20) và thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.
Với 57 hoạt động trong chương trình làm việc khẩn trương, từ ngày 27/6 - 1/7, chuyến công tác tại Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt nhiều kết quả tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác song phương giữa hai nước, thể hiện tinh thần chủ động hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực với Hội nghị Thượng đỉnh G20.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn tham dự hội nghị G20 chụp ảnh chung. Ảnh: VGP

Dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka
: Đây là lần thứ 2 trong 2 năm qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị của nhóm 20 nền kinh tế lớn, chiếm 2/3 dân số thế giới, 90% GDP toàn cầu.
Với tư cách khách mời đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia thảo luận tại tất cả các phiên họp của Hội nghị và đóng góp ý kiến vào dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị.
Tại phiên họp chính thức đầu tiên của Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo thảo luận tình hình, triển vọng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo đã đánh giá căng thẳng thương mại còn tiếp diễn khó lường, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại với nhiều rủi ro; khẳng định tiếp tục sử dụng, phối hợp các công cụ chính sách để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, cân bằng và bao trùm, củng cố lòng tin, ngăn ngừa rủi ro bất ổn…
Phát biểu tại phiên họp về Đổi mới sáng tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu kết nối các Trung tâm đổi mới sáng tạo, trong đó có các các Trung tâm nghiên cứu – phát triển trí tuệ nhân tạo, để thúc đẩy chia sẻ tri thức, công nghệ mới, hỗ trợ các nước đang phát triển tranh thủ các cơ hội từ đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo để không ai bị bỏ lại phía sau và thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Thủ tướng ủng hộ sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản về lưu chuyển dữ liệu số, đi đôi với bảo đảm an toàn, độ tin cậy của thông tin trên môi trường mạng (DFFT).
Thủ tướng nhấn mạnh con người là trung tâm của đổi mới sáng tạo, mọi sáng tạo công nghệ trước hết phải vì con người và gìn giữ các giá trị đạo đức nhân văn tốt đẹp.
Tại các phiên họp về khí hậu – môi trường, phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các nước và cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ thiết thực cho các nước dễ tổn thương về biến đổi khí hậu, trong đó có Việt Nam với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu gạo cho nhiều nước) nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ và toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội mới cho phát triển, song bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, đói nghèo, dịch bệnh… vẫn là những thách thức lớn, mà một quốc gia, dù là cường quốc, cũng không thể đủ sức giải quyết.
Chúng tôi trông đợi G20 cùng với sự hợp tác của Liên Hợp Quốc, WB, IMF, WHO, ILO… đóng góp tích cực và thực chất hơn vào kiến tạo những nền tảng phát triển mới để xử lý hiệu quả các thách thức này”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng nhấn mạnh rác thải nhựa biển làm suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái biển, là vấn đề cấp bách toàn cầu.
Việt Nam đã và đang huy động sự tham gia của cả xã hội vào phong trào chống rác thải nhựa, phấn đấu đến năm 2025 tại Việt Nam không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Thủ tướng nêu sáng kiến về thúc đẩy hình thành mạng lưới toàn cầu về chia sẻ dữ liệu biển - đại dương và tiến tới Khuôn khổ toàn cầu về ngăn ngừa rác thải nhựa biển vì các đại dương xanh.
Kết thúc 2 ngày thảo luận (28-29/6), Hội nghị đã thông qua Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo G20, trong đó khẳng định tiếp tục hợp tác, phối hợp trong các vấn đề kinh tế toàn cầu, ủng hộ các sáng kiến của nước chủ nhà Nhật Bản Đổi mới sáng tạo, đề cao vai trò phụ nữ và lưu chuyển dữ liệu tin cậy, an toàn.
Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp, hội kiến, trao đổi song phương với lãnh đạo các nước G20, các tổ chức quốc tế: Chủ tịch Trung Quốc, các Tổng thống: Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, các Thủ tướng: Đức, Canada, Singapore, Hà Lan, Australia, Ấn Độ, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), để trao đổi về các biện pháp tăng cường và đưa vào chiều sâu quan hệ với các đối tác cũng như giải quyết các vấn đề cụ thể.
Lãnh đạo các nước, các tổ chức đánh giá cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực; bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Thăm chính thức Nhật Bản: Trong ngày hôm nay, 01/7, tại Tokyo, là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm Nhật Bản trong thời kỳ Lệnh Hòa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.

Thủ tướng Abe Shinzo và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài.
Thủ tướng Abe Shinzo đánh giá cao vị thế, vai trò và những thành tựu đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, cảm ơn những sáng kiến và đóng góp tích cực của Thủ tướng và đoàn Việt Nam vào thành công của Hội nghị cấp cao G20.
Hai Thủ tướng hoan nghênh việc đã thống nhất về các thủ tục để cho phép nhập khẩu quả vải của Việt Nam và quả táo của Nhật Bản.
Ta đề nghị Nhật Bản xem xét sớm cho phép nhập khẩu đối với quả nhãn, vú sữa, chanh leo của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Phía Nhật Bản đề nghị ta cho phép nhập khẩu cam của Nhật Bản. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ xử lý những vướng mắc (thuế, thanh toán chậm…) để triển khai hiệu quả các dự án hợp tác ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Thủ tướng Abe Shinzo cũng đánh giá cao cộng đồng hơn 330.000 người Việt Nam tại Nhật Bản, là nguồn nhân lực đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội Nhật Bản và coi đây là “tài sản chung quý giá” đối với quan hệ hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục quan tâm, tạo môi trường thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Sau Hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao đổi các văn kiện hợp tác giữa hai bên gồm Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù, Công hàm trao đổi về dự án học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS), các Bản ghi nhớ hợp tác về chăm sóc sức khỏe, về việc tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác hướng tới mô hình KOSEN tại Việt Nam, về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “Lao động kỹ năng đặc định”, Thỏa thuận hạn mức tín dụng 200 triệu USD cho phát triển sáng tạo, thân thiện môi trường.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã có một số hoạt động xúc tiến đầu tư như gặp gỡ, đối thoại với 25 tập đoàn công nghệ hàng đầu của Nhật Bản, tọa đàm bàn tròn với các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn, dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản với gần 1.000 doanh nhân, nhà đầu tư Nhật Bản và 200 doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Hội nghị, Thủ tướng đã thông báo, ngày 30/6/2019 Việt Nam và EU vừa ký kết Hiệp định EVFTA và IPA, đây là các Hiệp định thế hệ mới tiêu chuẩn cao, toàn diện như Hiệp định CPTPP, và cùng với 03 FTA đang đàm phán, Việt Nam sẽ trở thành một tâm điểm trong các dòng chảy thương mại toàn cầu.
“Và có thể nói, các bạn là những nhà “mở hàng” đầu tiên khi 2 hiệp định này (EVFTA và IPA) vừa ký ngày hôm qua”, Thủ tướng nói. Việt Nam sẽ là miền đất lành cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản. 
“Chúng tôi coi cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Nhật Bản là đối tác chiến lược hàng đầu trong tiến trình phát triển quốc gia”, Thủ tướng nêu rõ.
Điều đặc biệt là hội nghị xúc tiến đầu tư diễn ra sau đúng 2 tháng đầu tiên của triều đại mới Reiwa (Lệnh Hòa), hứa hẹn một chương hợp tác mới với nhiều điều may mắn, tốt đẹp và thành công cho hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản, Nhật Bản-Việt Nam.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức hai nước đã cùng chứng kiến trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như: bất động sản, cơ sở hạ tầng, dịch vụ bán lẻ, may mặc, công nghệ cao, năng lượng, hàng không, vận tải, logistics, xuất khẩu lao động, giáo dục, chăm sóc sức khỏe với tổng giá trị lên đến hơn 8 tỷ USD.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị "Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Nhật Bản vì sự thịnh vượng và tin tưởng lẫn nhau”. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Trong chuyến thăm Nhật Bản, sáng ngày 30/6 Thủ tướng đã dự lễ hội hoa sen Nhật – Việt tại thành phố Kinokawa, tỉnh Wakayama, cùng người dân Nhật Bản chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa sen Việt Nam, đã vượt muôn vạn dặm đường từ đất nước Việt Nam xa xôi cùng khoe sắc với hoa sen Oga Nhật Bản, những bông hoa bừng nở từ hạt giống đã ngủ yên hai nghìn năm trước đây.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng đã có các cuộc tiếp Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP), Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam, ông Nikai Toshihio; tiếp Thống đốc tỉnh Chiba, Thị trưởng thành phố Nasushiobara, tỉnh Tochigi, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO).
Thủ tướng đã đến thăm hỏi, nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, cộng đồng người Việt Nam, đại diện trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.
Có thể nói, chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản;
Nâng cao vị thế quốc gia, đóng góp tích cực, chủ động, có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế, góp phần vì hòa bình, phồn vinh, hợp tác phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Vương Thủy


PHÂN TÍCH KẾT QUẢ ĐÀM PHÁN TRUNG-MỸ BÊN LỀ THƯỢNG ĐỈNH G-20

PHAN NGUYÊN dịch / BVN 3-7-2019


Tập Cận Bình và Donald Trump tuyên bố là quý mến nhau. Nhưng sau một năm sóng gió dâng cao giữa Mỹ và Trung Quốc, khó ai có thể tin vào những thổ lộ tình cảm của họ nữa. Nhưng sự thật là bất cứ khi nào họ gặp nhau, thì quan hệ giữa hai nước thường ổn định trở lại, ít nhất là trong một thời gian ngắn. Cuộc họp của họ vào ngày 29 tháng 6 bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka dường như cũng có tác dụng như vậy.
Hai siêu cường đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán thương mại và Mỹ sẽ không áp thuế thêm nữa. Đó là một sự thở phào đáng mừng cho các thị trường và công ty trên toàn cầu, và thực sự là điều tốt cho bất cứ ai hy vọng rằng Trung Quốc và Mỹ có thể tìm ra cách để tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Tuy nhiên, cần thấy là thời kỳ yên bình sau các cuộc họp Trump – Tập lần trước đều rất ngắn ngủi, và cuối cùng đã được tiếp nối bởi sự leo thang liên tục của cuộc chiến tranh thương mại. Lần này điều đó có xảy ra nữa hay không sẽ phụ thuộc vào các cuộc đàm phán được bắt đầu lại từ đầu. Có nhiều lý do để bi quan và chỉ có một lý do cho sự lạc quan thận trọng.
Chi tiết về những gì hai nhà lãnh đạo đã đồng ý trong cuộc họp 80 phút vẫn còn rất ít ỏi. Bất ngờ lớn nhất là tuyên bố của ông Trump tại một cuộc họp báo sau đó rằng Mỹ sẽ cho phép các công ty công nghệ của mình tiếp tục bán linh kiện cho Huawei, một công ty viễn thông khổng lồ của Trung Quốc [1]. Đây là một sự đảo ngược rõ ràng đối với quyết định trước đó vốn đưa Huawei vào danh sách đen. Đó cũng là một tin mừng đối với Huawei và là một chiến thắng cho ông Tập. Nhưng ông Trump cũng ám chỉ rằng quyết định cuối cùng về cách xử lý Huawei sẽ dựa vào số phận các cuộc đàm phán thương mại.
Việc Mỹ quyết định ngừng áp thêm thuế đã được dự kiến từ trước, bởi vì Trung Quốc đã lấy đó làm điều kiện tiên quyết cho việc nối lại đàm phán. Nhưng dẫu sao điều đó vẫn quan trọng. Cho đến nay, Mỹ đã đánh thuế 25% đối với số hàng nhập khẩu trị giá 250 tỷ đô la từ Trung Quốc, bằng khoảng một nửa số xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế lên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu còn lại từ  Trung Quốc nếu cuộc đàm phán với ông Tập thất bại. Về phần mình, các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo rằng các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành “trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau”, những từ ngữ giúp giải quyết mối bất bình của họ rằng Mỹ đang đưa ra yêu cầu một chiều.
Tuy nhiên, một bài học rõ ràng từ năm ngoái là sẽ cực kỳ khó khăn nếu muốn đạt được một thỏa thuận thực sự. Tranh chấp càng kéo dài thì càng khó giải quyết. Ngay từ đầu, ông Trump đã tập trung vào thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ. Nhưng giờ rõ ràng có thể thấy rằng cách tiếp cận quyết liệt của Trump đã mở rộng ra một loạt các bất bình từ lâu của người Mỹ. Trong số các vấn đề được đưa vào đàm phán có việc Trung Quốc hạn chế các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường, Trung Quốc không bảo vệ mạnh mẽ tài sản sở hữu trí tuệ, và một loạt các khoản trợ cấp làm nền tảng cho mô hình kinh tế của Trung Quốc.
Cuộc xung đột thương mại cũng đã phơi bày sự đối đầu về công nghệ vốn sẽ ngày càng trở nên khốc liệt hơn. Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận gỡ bỏ thuế quan, đây chỉ là một phần trong cuộc đối đầu ngày càng gia tăng giữa hai bên. Các nhà đầu tư và các nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều hạn chế và giám sát hơn ở Mỹ. Trung Quốc cho biết họ sẽ đưa vào danh sách đen các công ty nước ngoài cắt nguồn cung cho các công ty Trung Quốc. Cả hai nước đang phát triển các kế hoạch đặc biệt nhằm giảm sự phụ thuộc công nghệ vào bên kia.
Trên một số phương diện, các động lực chính trị đã trở nên tồi tệ hơn. Ông Trump đang bước vào năm bầu cử và không muốn tỏ ra mềm mỏng đối với Trung Quốc. Ở chính Trung Quốc, cán cân đã nghiêng về phía những người ủng hộ lập trường kiên quyết hơn. Kể từ khi các cuộc đàm phán thương mại sụp đổ hồi đầu tháng 5, truyền thông nhà nước đã tung ra một loạt các bình luận mang tính chỉ trích cao đối với Mỹ.
Nhiều người cho rằng khi phí tổn của cuộc chiến tranh thương mại tăng lên – với hệ quả tăng trưởng chậm lại hay thị trường rung lắc –  thì những cái đầu lạnh sẽ chiếm ưu thế. Nhưng ông Trump cho đến nay vẫn thích những gì ông được chứng kiến. Chứng khoán Mỹ vừa đạt mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm tốt nhất trong vòng hơn hai thập niên (phần lớn nhờ vào việc Cục Dự trữ Liên bang ra tín hiệu rằng họ sẽ cắt giảm lãi suất). Trung Quốc đã cảm nhận được những hậu quả lớn hơn từ cuộc chiến thương mại, nhưng các chính sách tài khóa và tiền tệ của họ cũng đang thay đổi theo hướng thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, trong thời điểm hiện tại, cả hai quốc gia có thể cảm thấy sẵn lòng hành động cứng rắn hơn thay vì bị lý do kinh tế làm chùn bước.
Một lý do khiến người ta lạc quan thận trọng là vòng đàm phán mới sẽ được dựa trên tư duy thực tế hơn của hai bên. Sự cố vào đầu tháng 5 xảy ra khi các nhà đàm phán Trung Quốc khăng khăng đòi tiến hành các sửa đổi lớn đối với một thỏa thuận mà người Mỹ cho rằng đã gần hoàn thành. Chúng ta chưa biết liệu phía Trung Quốc có phải đã thực sự thay đổi quyết định hay không – một ấn tượng mà họ đã tạo ra – hay đó chỉ là một chiến thuật đàm phán, bằng cách đảo ngược lời hứa vào phút chót.
Trong cả hai trường hợp, việc đóng băng sâu đàm phán trong hai tháng qua không phải là một sự lãng phí hoàn toàn. Trung Quốc đã đưa ra một lập trường rõ ràng hơn trước, yêu cầu ba điều cốt lõi: Mỹ phải loại bỏ tất cả thuế quan áp đặt lên Trung Quốc kể từ khi bắt đầu chiến tranh thương mại; các cam kết mua thêm hàng hóa của Mỹ phải “thực tế”, và văn bản thỏa thuận cuối cùng phải cân bằng, chứ không chỉ là một danh sách các nhượng bộ của Trung Quốc. Còn phía Mỹ từ lâu đã nói rõ những gì họ muốn từ Trung Quốc: các cam kết đáng tin cậy nhằm giảm thặng dư thương mại cũng như cải cách các chính sách kinh tế, được đảm bảo bởi các cơ chế thực thi nếu Trung Quốc không thực hiện chúng.
Tới giờ các quan chức Trung Quốc và Mỹ đều đã biết rõ phạm vi một thỏa thuận cuối cùng sẽ  trông như thế nào. Việc họ sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán cho thấy họ nghĩ rằng một thỏa thuận là điều khả dĩ. Nhưng nếu kết quả là một sự đổ vỡ khác thì chúng ta cũng không nên lấy làm ngạc nhiên.
————–
[1] Cần lưu ý là Trump tuyên bố chỉ cho phép bán cho Huawei các mặt hàng “không ảnh hưởng an ninh quốc gia”. Vẫn chưa rõ những mặt hàng nào được coi là ảnh hưởng an ninh quốc gia và liệu đó có phải đó là những thứ quan trọng đối với Huawei hay không (ND).
P.N.
Bản gốc: “America and China resume talks in a bid to end their trade war”, The Economist, 29/06/2019

Nguyễn Huệ Chi:


Khả năng có thể làm Trung Cộng sập trong cuộc chiến thương mại hình như đang có một chuyển hướng bất lợi, khi mà trên bàn hội nghị tại G20 đã có sự hiện diện của vợ chồng con gái và con rể Trump. Đây là nhân tố rất có thể sẽ trở thành một một gót chân Achilles, vì những chuyện lùm xùm về cặp vợ chồng này vốn đã có từ trong quá trình điều tra việc can thiệp của nga vào cuộc bầu cử Mỹ. Mà về thủ đoạn đi đêm của những nhà nước CS thì ranh ma nhất vẫn là anh Tàu. Tôi nghĩ hiện tượng này báo hiệu một nguy cơ hiên thực chứ không phải là quá lo xa, vì sách lược của Trump đối với Huawei đã bất ngờ thay đổi.
Cách đây khoảng dăm tháng tôi có nói đến nguy cơ của một đế quốc La Mã (Đại Tần) thống trị thế giới trong vài ba trăm năm sẽ tái hiện, nhưng bạn tôi, HD tỏ ý không tin. Cũng có cái lý, bởi một ĐCS Trung Quốc trong nội tại đã có sự thối ruỗng. Tuy vậy... tôi nghĩ nhiều khi đó lại là sự trớ trêu của thân phận loài người mà tính cách vốn rất đa đoan: sau khi đã với tới cái hạnh phúc của một nền dân chủ thực sự nhưng chỉ mới là với tới mà chưa thật sự hưởng, thì đã vội chuyển sang phục tùng một kiểu đế chế nó cho mình sự hưởng thụ vật chất nhưng không có tự do tư tưởng, và dân chủ thì chỉ là dân chủ chủ nô mà thôi. Nghĩa là lịch sử loài người thường xẩy ra sự "vận động lại giống" trong những bước đi của nó, và hình như đó cũng là một quy luật. Ngay việc trở lại đặt nền chuyên chính bằng bạo lực của Marx sau khi đã có chủ nghĩa nhân văn rực rỡ của CM Pháp với Voltaire, Rousseau, Diderot thì đó rõ ràng là một sự lại giống, trở lại với thú tính của con người. Rất đáng lo!
Mà ngay từ khi lên ghế Tổng thống đến nay, tôi vẫn không hề tin ở Trump một chút nào cả. Con người ấy không có cái nhân cách nào để mình tin ngoài cái nhân cách con buôn (hiểu con buôn theo nghĩa các nhà nho). Gửi niềm hy vọng vào Trump trong mong muốn tiêu diệt những gì mà mình đã phải chịu đựng trong 70 năm nay và quá khủng khiếp trước nó (nó phá tan tất cả những gì gọi là văn hóa mà từng dân tộc chắt chiu nên) thì e rằng chỉ là vớ lấy đám bọt khi đang chết đuối.
Tôi chỉ cầu mong mình sai. Càng sai càng vui.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét