Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

20190723. VIỆT NAM CÓ THỂ LÀM GÌ TẠI BIỂN ĐÔNG ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
VIỆT NAM CÓ THỂ LÀM GÌ TẠI BIỂN ĐÔNG ?

NGUYỄN QUANG DY / GDVN/ BVN 23-7-2019


Tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc - Ảnh Cơ quan khảo sát địa chất Trung Quốc

Cách đây hơn ba năm, trong bài “Trung Quốc có thể làm gì tại Biển Đông” (February 29, 2016), tôi đã ủng hộ lập luận của Alexander Vuving (APCSS/Hawaii) phản biện lại quan điểm của Lyle Goldstein (US Naval War College) vì không phù hợp với thực tế tại Biển Đông và vô tình tiếp tay cho Trung Quốc. Trong bài này, tôi cập nhật (vắn tắt) cơ hội và thách thức mới, và khuyến nghị Việt Nam có thể làm gì trong bối cảnh hiện nay tại Biển Đông.
Cập nhật diễn biến
Theo AMTI/CSIS (16/7/2019), trong mấy tuần qua, tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Tầu HD-8 đã vào thăm dò dầu khí tại lô Riji 03 và Riji 27 (gần lô 06-01) trong vùng SEZ của Việt Nam, bị các tầu CSB và Kiểm Ngư của Việt Nam bám sát. Đồng thời, tàu hải cảnh Trung Quốc (Haijing 35111) đã khiêu khích 2 tàu Sea Meadow 29 và Crest Argus 5, đang phục vụ giàn khoan Hakuryu-5 của liên doanh PVN-Rosneft tại lô 06-01 (Lan Tây & Lan Đỏ), thuộc Nam Côn Sơn, phía tây-bắc Bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu 370km.
Những gì vừa diễn ra gần Bãi Tư Chính (7/2019) là “tiếp nối” (follow up) những gì đã xảy ra trước đây (7/2017 và 3/2018) tại lô 136-03 (Cá Kiếm Nâu) và lô 07-03 (Cá Rồng Đỏ), và là “khúc dạo đầu” (prelude) cho tham vọng mới của Trung Quốc. Nói cách khác, đây là một ván cờ vây kéo dài (chưa có hồi kết) trong một “vùng xám” mà Trung Quốc có lợi thế, trong khi Việt Nam cô đơn, bị họ trùm chăn bắt nạt mà phải im lặng (để giữ “đại cục”).
Sau nhiều ngày im lặng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao đã lên tiếng một cách chung chung (16/7/2019) nhưng sau đó (19/7/2019) đã cụ thể và cứng rắn hơn: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam”.
Không chỉ người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, mà cả người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng lên tiếng (20/7/2019): “Hoa Kỳ lo ngại bởi tin tức về Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động dầu khí tại Biển Đông (SCS), bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác từ lâu của Việt Nam. Những hành động khiêu khích nhiều lần của Trung Quốc nhắm vào khai thác dầu khí ngoài khơi của các nước đòi chủ quyền khác, đe dọa an ninh năng lượng khu vực và phá hoại thị trường năng lượng tự do rộng mở tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương…”
Trước đó, tại Shangri-la (Singapore 1/6/2019) quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đã công bố “báo cáo về chiến lược Indo-Pacific”, nhấn mạnh 2 điểm chính: (1) phải sẳn sàng ứng phó với những đụng độ có thể xảy ra, (2) tổ chức mạng lưới các nước đồng minh và đối tác trong khu vực. Với Việt Nam, Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng như Tàu sân bay USS Carl Vinson đến thăm Đà Nẵng (5/3/2018), Mỹ cung cấp cho Việt Nam 2 tàu tuần duyên Hamilton class (3/2018), 6 xuồng tuần tra tốc độ cao Metal Shark (4/2019), 6 máy bay trinh sát không người lái (ScanEagle), và một số máy bay huấn luyện (T-6 Texan II).

Ngày 17/7/2019, Đô đốc Philip Davidson (Indo-Pacific Commander), đã trả lời phỏng vấn về quan điểm của Mỹ đối với tham vọng của Trung Quốc muốn thống trị Châu Á. Ngày 19/7/2019, Cố vấn An ninh Quốc gia (John Bolton) đã viết trên twitter: “hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng Đông Nam Á là phản tác dụng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”. Nhưng trong mấy tuần qua, khi Trung Quốc tập trận (29/6-3/7/2019), bắn thử 6 tên lửa diệt hạm YJ-12 (từ Trường Sa) và chiến hạm của họ tung hoành bắt nạt Việt Nam gần Bãi Tư Chính, người ta không thấy chiến hạm nào của Mỹ tại Biển Đông.
Gần đây, chiến hạm Trung Quốc liên tiếp vi phạm chủ quyền, bắt nạt Malsaysia và Việt Nam vì có xu hướng “thoát Trung”, (nhất là trước chuyến thăm Mỹ sắp tới của TBT/CTN Việt Nam). Thực ra, Trung Quốc muốn ép Việt Nam phải hợp tác với họ, chứ không được hợp tác với Mỹ. Trung Quốc tìm mọi cách gạt Mỹ ra khỏi khu vực, để họ dễ độc chiếm Biển Đông. Nhưng theo Alexander Vuving, Mỹ vẫn chưa có chính sách rõ ràng về Trung Quốc.
Cơ hội và thách thức mới
Đặc điểm nổi bật của chính quyền Trump là đã điều chỉnh chiến lược để đối đầu với Trung Quốc như là “thách thức chính” (theo NDS). Tuy chiến tranh thương mại Mỹ-Trung “vừa đánh vừa đàm” và Trump thay đổi bất thường, nhưng chủ trương chống Trung Quốc chắc không thay đổi trong vài thập kỷ tới, như “đồng thuận quốc gia mới” (new national consensus) được lưỡng đảng và người Mỹ ủng hộ. Nói cách khác, đánh là chiến lược, đàm là chiến thuật, nên thiệt hại của Trung Quốc là khó lường, sẽ tác động tới cục diện Biển Đông.
Trong khi chính quyền Obama tránh căng thẳng với Trung Quốc, thực hiện tuần tra Biển Đông (FONOP) một cách chiếu lệ như “đi qua vô hại” (innocent passage), thì chính quyền Trump tỏ ra sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc, triển khai tập trận và tuần tra Biển Đông quyết liệt hơn. Đến nay đã có 8 nước đồng minh tham gia tập trận và tuần tra tại Biển Đông. Đặc biệt trong đó bốn cường quốc (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ) đã hình thành nhóm “tứ giác kim cương” (Quad) làm trụ cột cho tầm nhìn chiến lược mới “Indo-Pacific tự do rộng mở”.
Năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, nhưng lúc đó đồng minh Mỹ đã không can thiệp để bảo vệ Việt Nam Công Hòa. Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm 7 đảo/đá tại Trường Sa (Gạc Ma, Chữ Thập, Vành Khăn, Tư Nghĩa, Châu Viên, Subi, Ga ven), nhưng đồng minh Liên Xô (trong quân cảng Cam Ranh) đã không can thiệp để bảo vệ Việt Nam. Năm 2012, Trung Quốc vây chiếm bãi Scaborough (standoff), nhưng đồng minh Mỹ đã không can thiệp để bảo vệ Philippines. Năm 2017, Trump đã bỏ rơi TPP (một sai lầm lớn).
Vì vậy, các nước khu vực tuy cần Mỹ nhưng chưa tin vào Mỹ sẽ can thiệp để bảo vệ họ chống Trung Quốc đang muốn độc chiếm biển Đông (như cái ao của mình). Trung Quốc coi biển Đông là “vùng xám” (grey area) để chơi cờ vây bằng “hạm đội dân quân” (militia fleet), thay đổi thực địa thành chuyện đã rồi (fait accompli). Nhưng xu hướng “thoát Trung” ngày càng tăng (như Malaysia và Bắc Triều Tiên), lo ngại phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ sa vào “bẫy nợ” vì “Sáng kiến Vành đai Con đường” là “thực dân kiểu mới” (lời Mahathir).
Nói cách khác, xu hướng “gần Trung” (như Philippines) là tạm thời và chiến thuật (có thể đảo ngược), còn xu hướng “thoát Trung” (như Malaysia) là lâu dài và chiến lược (khó đảo ngược). Trong khi nhiều nước tỉnh ngộ và phản ứng lại (backlash) để “thoát Trung”, như một xu thế tất yếu, thì một số nước khác vẫn đang lệ thuộc vào Trung Quốc và “đi dây”, làm cho quá trình chuyển biến (transition) có thể kéo dài bất định (uncertain). Không phải vì họ thích thú Trung Quốc, mà vì họ chưa tin vào Mỹ (vì chiến lược còn chập chững).
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung như “con dao hai lưỡi”, làm Việt Nam “vừa lợi vừa hại” (winner and loser). Vì vậy, Việt Nam cần khôn ngoan và năng động để tối đa nguồn lợi và giảm thiểu thiệt hại. Nhưng nếu Việt Nam để các nhóm lợi ích thao túng, trở thành điểm trung chuyển hàng hóa Trung Quốc để trốn thuế vào Mỹ, thì sẽ “lợi bất cập hại” và mắc kẹt vào trò chơi quyền lực Mỹ-Trung. Gần đây, Trump đã nặng lời chỉ trích Việt Nam và đánh thuế 456% lên thép có xuất xứ từ Đài Loan hay Hàn Quốc là một tín hiệu xấu.
Việt Nam có thể làm gì
Về đối ngoại, Việt Nam cần “tái cân bằng chiến lược”, để nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược, đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện với các cường quốc khác trong “tứ giác kim cương” và khối EU. Trong bối cảnh đó, cần coi trọng quan hệ với Nhật vì có tiềm lực và vai trò lớn hơn trong khu vực. Quan hệ với ASEAN tuy quan trọng, nhưng vì họ đang bị Trung Quốc phân hóa và thao túng, nên vai trò còn nhiều hạn chế. Lợi ích chiến lược của Việt Nam không chỉ gắn với ASEAN mà còn gắn với vùng Indo-Pacific.
Về đối nội, Việt Nam cần nghiêm túc điều tra và xử lý các doanh nghiệp gian lận thương mại tranh thủ “đục nước béo cò”, biến Việt Nam thành nơi trung chuyển hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc (hay nước khác) thành hàng hóa “made in Vietnam” để trốn thuế nhập khẩu Mỹ. Nếu trước đây Việt Nam còn chủ quan, coi thường cảnh báo thì nay phải lĩnh hậu quả. Trong khi một số doanh nghiệp thủ lợi (trước mắt) thì quốc gia thiệt hại (lâu dài). Vì vậy, chuyến thăm Mỹ sắp tới của TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng sẽ càng quan trọng hơn.
Về lâu dài, Việt Nam cần đổi mới thể chế và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, để phù hợp với luật chơi với Mỹ cũng như các nước khác (theo CPTPP và EVFTA). Nếu luật chơi của WTO chưa đủ làm Việt Nam thực sự hội nhập quốc tế, thì đây là cơ hội mới để Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế theo hẳn cơ chế thị trường và tư nhân hóa (bỏ cái đuôi XHCN). Nếu không chuyển đổi kịp thời, Việt Nam dễ thành nạn nhân, mắc kẹt vào đối đầu Mỹ-Trung.
Về truyền thông, muốn được quốc tế ủng hộ và bênh vực, Việt Nam phải lên tiếng vận động (như thời chống Mỹ). Vai trò truyền thông báo chí rất quan trọng nên Trung Quốc đã chú ý vận dụng “Tam chủng Chiến pháp” (trong đó có truyền thông). Trong khi báo chí Trung Quốc lên tiếng thì Việt Nam vẫn im lặng. Trong khi Trung Quốc có “Thời báo Hoàn cầu” (nay Jack Ma đã mua South China Morning Post), thì Việt Nam không có đối trọng.
Nhiều người có thể chỉ trích Việt Nam có thái độ hèn kém trước Trung Quốc, bị họ bắt nạt mà không dám kêu cứu. Nhưng Việt Nam (hay ASEAN) sẽ cứng rắn và kiên quyết hơn với Trung Quốc nếu: (1) được quốc tế ủng hộ mạnh (nhất là Mỹ), (2) tương quan lực lượng không quá yếu (nhất là trên thực địa), (3) Nội bộ đoàn kết và nhất trí (nhất là về “thoát Trung”). Chắc còn có những nguyên nhân khác, nhưng đây là những nhân tố thiết yếu.
Người Việt có câu “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, như tấm gương Bà Trưng, Bà Triệu thời xưa, hay “đội quân tóc dải” thời chống Mỹ. Nhưng gần đây khi giặc đến nhà, đàn ông đàn bà đều phải im lặng để giữ “đại cục”. Sau vụ dàn khoan HD-981 gây chấn động dư luận (và bạo lực), Việt Nam chắc rút kinh nghiệm “không làm to chuyện”, nên dẫn đến “thiếu hụt thông tin” (information deficit). Nhưng đây chính là điều Trung Quốc muốn, để dễ bắt nạt Việt Nam trong vụ đối đầu hiện nay (7/2019) cũng như lần trước (7/2017 & 3/2018).
***
Tóm lại, trước bối cảnh trật tự thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, Việt Nam cần đổi mới thể chế chính trị để tháo gỡ các ách tắc và phát huy kết quả đổi mới kinh tế. Muốn độc lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia, Việt Nam phải tự cường và dựa vào nội lực là chính, đồng thời điều chỉnh chiến lược và xoay trục để tăng cường hợp tác chiến lược với các nước cùng chia sẻ tầm nhìn và lợi ích chiến lược tại Biển Đông và khu vực Indo-Pacific.
 21/7/2019
N.Q.D.
Tác giả gửi BVN

MƯU ĐỒ CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC TẠI BIỂN ĐÔNG

NGUYỄN TRƯỜNG GIANG / TVN 21-7-2019

Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn của Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Nguyễn Trường Giang nói tại CLB Cafe Số gần đây về mưu đồ chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông.
Thứ nhất, lợi ích của Biển Đông là về vấn đề kinh tế, đầu bảng là tài nguyên dầu khí, sau đó là băng cháy. Khu vực Đông Nam Á có lượng băng cháy cực lớn. Đây là nguồn năng lượng của tương lai, có thể sử dụng trong nhiều thế kỷ, theo tính toán sơ bộ là khoảng 800 năm tới.
Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu lượng băng cháy tương đối lớn. Chúng ta có khoảng 2.400 tỷ mét khối băng cháy, là quốc gia có thứ hạng ở Châu Á về loại tài nguyên này. Đây là nguồn năng lượng tuyệt vời. Do đó, Trung Quốc nhìn vào nguồn băng cháy như một loại tài nguyên thay thế cho dầu khí đang dần trở nên cạn kiệt.

Bài 1: Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông
Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc về Biển Đông
Thứ hai, Biển Đông được xác định là một trong 4 khu vực đánh cá chủ yếu của ngư dân Trung Quốc.
Thứ ba, Biển Đông cũng được xác định là con đường sinh mệnh của nền kinh tế Trung Quốc. Trong số 27 tuyến vận tải của Trung Quốc, 17 trong số đó nằm ở Biển Đông. Biển Đông giúp kết nối Trung Quốc với 125 nước và vận chuyển 3/4 lượng dầu nhập khẩu vào nước này.
Về an ninh quốc phòng, đây là một bức trường thành tự nhiên trên biển. Biển Đông như một vành đai quân sự, phòng thủ, là rào cản an ninh để ngăn chặn những rủi ro và uy hiếp từ bên ngoài.
Về mặt địa chiến lược, Trung Quốc xác định Biển Đông như sân sau, nơi tập dượt của hải quân Trung Quốc để tiến ra thế giới bên ngoài.
Biển Hoa Đông ở phía đông Trung Quốc quá nông, lại có một đối thủ khó nhằn là Nhật Bản án ngữ phía ngoài. Còn đối với Biển Đông, vùng biển này rộng 3,4 triệu km2, độ sâu trung bình là 1.400 mét và có rất nhiều rãnh sâu. Đây là địa điểm tuyệt vời cho sự hoạt động của các loại tàu ngầm.
Muốn thành bá chủ toàn cầu, Trung Quốc phải trở thành cường quốc trên biển. Điều này chỉ có thể thực hiện được ở Biển Đông, vùng biển mà xung quanh đó toàn các quốc gia nhỏ bé. Về mặt địa chiến lược, đây là cửa ngõ duy nhất, là bàn đạp để Trung Quốc đi ra thế giới bên ngoài. Do vậy, trong cái nhìn đại chiến lược của người Trung Quốc, Biển Đông có lợi ích sống còn.
Trung Quốc sắp đặt Biển Đông trong chiến lược an ninh - phát triển như thế nào?
Từ các văn kiện Đại hội Đảng, chương trình nghị sự của chính phủ và thông tin chính thức từ phía Trung Quốc, nước này xác định Biển Đông là một phần quan trọng, cũng là điểm khởi đầu cho con đường tơ lụa trên biển. Con đường này là trọng tâm của sáng kiến Vành đai - Con đường. Sáng kiến này là một phần của giấc mơ chấn hưng Trung Quốc.
Biển Đông là một phần của chiến lược biến Trung Quốc thành một cường quốc biển. Một quốc gia muốn tiến vào vị trí trung tâm quyền lực chính trị của thế giới thì không thể không trở thành một cường quốc biển.
Chính giới Trung Quốc đã lồng ghép vấn đề Biển Đông vào mục tiêu trăm năm, coi đó là việc triển khai thực hiện giấc mộng Trung Hoa. Nước này thậm chí còn đưa vấn đề chủ quyền và lợi ích trên biển thành một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, tương tự như vấn đề Đài Loan, Tân Cương và Tây Tạng. Tần suất Trung Quốc đưa ra lời khẳng định các đảo ở Biển Đông thuộc về mình từ ngàn đời đang không ngừng tăng lên.
Nguyên thủ các quốc gia trên thế giới thường ít nói về vấn đề chủ quyền. Thay vào đó, họ thường để cho những cơ quan có thẩm quyền lên tiếng. Tuy nhiên, liên tiếp trong năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc đã 3 lần phát biểu câu chuyện này ở nước ngoài, điều trước đây chưa từng có đã thể hiện sự quan tâm đến mức tối đa của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông.
Bên cạnh đó, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục khẳng định rằng nước này không có gene xâm lược, không xâm phạm vào lợi ích của các nước khác, thế nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền lợi của mình.
Năm 2021, Trung Quốc sẽ diễn ra sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Cùng với các sự kiện lớn này, Trung Quốc sẽ tiến hành nhiều hành động lớn, tình hình Biển Đông vì thế cũng sẽ liên quan đến câu chuyện này.
Trung Quốc không đem lợi ích cốt lõi ra trao đổi, không có chuyện nhân nhượng, thỏa thuận và từ bỏ tham vọng Biển Đông. Đây là một thông điệp rất rõ ràng.
Chủ tịch Trung Quốc từng có một câu nói mà chúng ta cần phải lưu ý: “Quân đội Trung Quốc triệu tập là có, đến là có thể đánh và đánh là có thể thắng, để bảo vệ chủ quyền và các quyền liên quan ở Biển Đông”.
Vậy vài chục năm nữa Biển Đông sẽ như thế nào? Biển Đông đại khái sẽ thế này, lúc nóng, lúc lạnh, lúc căng thẳng lúc hòa hoãn. Tất nhiên, chúng ta cần có những nhìn nhận đúng đắn, có những động thái kiên quyết đối với vấn đề này.

Bài 1: Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông
Tàu hải cảnh của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters
Truyền thông Trung Quốc
Báo chí Trung Quốc nói, những nước như Việt Nam, Phillipines, Brunei, Malaysia... là những kẻ đang cướp đảo, cướp biển, cuớp tài nguyên của Trung Quốc, do đó chúng ta phải thu hồi. Điều này được thực hiện bằng chiến lược ngoại giao đi trước, hải quân đi sau, văn công vũ vệ (tiến công bằng văn, bảo vệ bằng vũ lực).
Có những tờ báo liệt kê 6 cuộc chiến tranh mà Trung Quốc phải đánh, một trong số đó là cuộc chiến trên Biển Đông để thu hồi những đảo bị các nước chiếm đóng trái phép. Truyền thông Trung Quốc là một dấu hiệu giúp Việt Nam có thể dự báo trước.
Trung Quốc đang làm gì từ năm 1949 đến nay?
1. Đưa ra các yêu sách chủ quyền và yêu sách trên biển.
2. Thực hiện những biện pháp hành chính. Thể hiện Biển Đông và Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ, đặt tên cho các đảo, quy thuộc sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển vào lãnh thổ Trung Quốc và các đơn vị hành chính thuộc Trung Quốc.
3. Áp đặt nội luật của Trung Quốc vào khu vực Biển Đông, coi Biển Đông thành khu vực của mình.
4. Các hoạt động kiểm soát, khống chế và làm chủ Biển Đông trên thực địa. Bao gồm việc từng bước thay đổi nguyên trạng của Biển Đông, tạo ra một cục diện quân sự thuận lợi cho Trung Quốc, dần dần khống chế, kiểm soát Biển Đông, tiến tới mục tiêu lâu dài là độc chiếm toàn diện Biển Đông.
5. Sử dụng vũ lực. Từ năm 1956 đến nay, tất cả các bước tiến của Trung Quốc trên Biển Đông đều là nhờ vũ lực. Trung Quốc liệu có tiếp tục sử dụng vũ lực nữa hay không? Nếu không trả lời được câu hỏi này thì cực kỳ nguy hiểm.
Còn nữa
Tư Giang lược ghi

KHÔNG GIAN SINH TỒN CỦA VIỆT NAM ĐANG BỊ THÁCH THỨC
NGUYỄN TRƯỜNG GIANG/ TVN 22-7-2019
Đầu tiên, cần phải nhận diện được thách thức của mình. Người Việt Nam có một điểm yếu, đó là có thể nhận diện được tất cả mọi thứ, trừ bản thân mình. Nếu chúng ta không sợ chiến tranh và chuẩn bị kỹ cho chiến tranh thì chúng ta sẽ có hòa bình. Còn nếu chúng ta sợ hãi thì lập tức chiến tranh sẽ đến, chúng ta mất hòa bình và mất cả chủ quyền lãnh thổ. Đây là vấn đề căn bản của mọi binh pháp trên thế giới. 
Trung Quốc cũng muốn chiếm chủ quyền với khoảng 80% diện tích Biển Đông và toàn bộ tài nguyên trong khu vực biển này. Bên cạnh đó là quyền kiểm soát với vùng trời, vùng biển và đáy biển. Điều này mang đến thách thức nghiêm trọng đối với chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Qua bức tranh thực trạng Biển Đông như tôi đã nói phần 1, có thể thấy mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông, tức là chiếm toàn bộ các đảo trong vùng biển này (bao gồm 4 quần đảo Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa, Trung Sa theo cách gọi của Trung Quốc). 
Trong 6 thập kỷ qua, có thể thấy rõ các biện pháp và kế sách mà Trung Quốc đã áp dụng để triển khai mục tiêu này. Nước này đã dùng đến mọi biện pháp, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao cho đến tâm lý và cả thông tin tuyên truyền. 
Do vậy, có thể thấy thông tin tuyên truyền là một trong những mặt trận rất quan trọng. Có những thời điểm, mặt trận tuyên truyền còn quan trọng hơn cả mặt trận quân sự, ngoại giao hay pháp lý. 
Các kế sách của Trung Quốc trên Biển Đông 
Người Trung Quốc ngày nay học tập nhiều từ binh pháp Tôn Tử, nhưng cũng có rất nhiều cải tiến đối với loại binh pháp này. Người Trung Quốc biến các loại mưu kế trở thành một bộ môn khoa học và đưa vào các nội hàm mới cho những mưu kế này. 
Các ví dụ có thể kể đến là kế sách “tằm ăn dâu”, “biến không thành có”, “gác tranh chấp cùng khai thác”, “cây gậy và củ cà rốt”,... 
Trong đó, một trong những kế sách thâm độc nhất của Trung Quốc là chiến thuật “vùng xám”, tức dân sự hoá các hoạt động quân sự và bán quân sự, không sử dụng hải quân cũng như các hoạt động có cường độ quá mạnh hay vượt qua một giới hạn đỏ nào đó. Mục đích của điều này là không để tạo ra những phản ứng quá quyết liệt từ các nước khác. 
Nhìn vào quá khứ, dự đoán tương lai 
Trong bức tranh về thực trạng ở Biển Đông, chúng ta có thể dựa vào những gì đã xảy ra trong quá khứ để nhìn nhận và dự đoán tương lai. 
Về trung hạn, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục đưa dàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam. Khả năng thứ 2 là Trung Quốc sẽ tạo ra một vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông. Trung Quốc cũng có thể sẽ tiến hành chiếm giữ một số bãi đá ngầm mà chưa có quốc gia nào chiếm đóng. 
Dù rất hãn hữu, thế nhưng không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ đánh chiếm Trường Sa. Tuy nhiên điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ có một thời cơ thích hợp. Người Trung Quốc thường chỉ hành động khi có thiên thời, địa lợi, nhân hòa và tính toán được rất kỹ cái giá phải trả. Đây chính là điểm để Việt Nam hoạch định các kế sách đối phó. 
Nếu Việt Nam có thể làm cho Trung Quốc không có được thiên thời, địa lợi, nhân hòa hoặc trong trường hợp có chiến tranh, nước này sẽ phải trả một cái giá rất đắt thì họ sẽ không dám đánh chiếm Trường Sa nữa. 
Trong 2 năm tới trước Đại hội, việc quân sự hoá Biển Đông sẽ được Trung Quốc thực hiện ráo riết hơn. Trung Quốc có thể đưa những lực lượng quân sự đông hơn ra chiếm đóng tại Trường Sa. Nước này cũng có thể vẽ ra lãnh hải của những hòn đảo mà hiện tại họ đang chiếm đóng, cũng như vùng nội thuỷ của các đảo này. Đây là những cảnh báo mà chúng ta cần phải lưu ý. 
Trung Quốc sẽ sớm thông qua Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi. Từ dự thảo của bộ luật này, có thể thấy Trung Quốc có khả năng dựa vào đây để lập các vùng an toàn hàng hải trên biển. Điều gì sẽ xảy ra nếu vùng an toàn bao chùm lên các nhà giàn DK1 của Việt Nam. Bên cạnh đó,  tàu thuyền sẽ phải xin phép khi tiến vào vùng biển Trường Sa. Điều này cũng có nghĩa là các đảo của Việt Nam sẽ bị phong toả. 
Năm 2016, 2017, trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung Quốc đưa ra một dự báo cho thấy, Trung Quốc có thể đưa những nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông. 
Nếu như các nhà máy điện hạt nhân nổi được triển khai tại Biển Đông, nó sẽ mang lại rất nhiều thách thức về chủ quyền, môi trường, kinh tế, tài nguyên và  đối với mạng sống của hàng trăm triệu người… 

Bài 2: Không gian sinh tồn của dân tộc đang bị thách thức
  1. Trung Quốc đưa dàn khoan HD 981 vào vùng biển của Việt Nam năm 2014
  1. Đánh giá về tình hình hiện nay, có thể thấy vấn đề Biển Đông đang ngày càng phức tạp và diễn biến khó lường. Chủ quyền biển đảo Việt Nam đang bị thách thức nghiêm trọng và thách thức này sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa trong tương lai. 
  2. Các thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt là về chủ quyền, kinh tế biển, an ninh quốc phòng, môi trường phát triển và thách thức đối với không gian sinh tồn của dân tộc. Cuối thế kỷ 21, Việt Nam sẽ có quy mô dân số khoảng 140 triệu người. Lúc này chúng ta cần phải tiến ra biển, biển là niềm hy vọng và là không gian sinh tồn của những thế hệ sau này.
  3. Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với một kiểu xâm lược như vậy: tiến dần dần. Vì thế, tôi muốn nhấn mạnh về thách thức không gian sinh tồn của dân tộc .
  4. Cuối thế kỷ này dân số nước ta lên khoảng 140 triệu người, con cháu chúng ta sống ở đâu nếu không tiến ra biển. Lúc đấy là chúng ta cần có thành phố biển, có làng mạc biển, có nông nghiệp biển, có công nghiệp biển, có cảng biển, có sân bay trên biển. Biển là niềm hi vọng, là không gian sinh tồn của những thế hệ sau này.
  5. Và tôi muốn nhấn mạnh điểm này: không gian sinh tồn của dân tộc mình đang bị thách thức.(Còn nữa) 
  6. Tư Giang lược ghi 
CHÚNG TA CÓ THỂ GIỮ ĐƯỢC BIỂN ĐÔNG MỘT CÁCH HÒA BÌNH 

NGUYỄN TRƯỜNG GIANG/ TVN 23-7-2019


Câu hỏi tiếp theo là: Sau khi biết tình hình thực trạng rồi, Việt Nam làm gì để bảo vệ chủ quyền Biển Đông? Tôi chỉ nêu một vài điểm vì có hàng nghìn đầu việc. Nhưng trước hết, chúng ta phải khẳng định chắc chắn 100%, chúng ta có thể giữ được Biển Đông, và có thể giữ được một cách hòa bình.
Tôi xin thưa, Biển Đông không chỉ có thách thức, nó còn là cơ hội tuyệt vời cho chúng ta.
Việt Nam sở hữu những vũ khí, những giá trị vô cùng quan trọng, trong đó có danh tiếng của mình. Danh tiếng của Việt Nam tương đương với 50 sư đoàn tinh nhuệ nhất trên thế giới.
Trong cuộc chiến tranh Iraq, Mỹ mất 12 nhân mạng là do tai nạn trực thăng, còn không thì chẳng mất người nào hết. Trong cuộc chiến ở Iraq, thông tin truyền thông đóng vai trò căn bản, 90% thắng lợi của Mỹ là cuộc chiến tranh truyền thông trước khi diễn ra.
Vào giờ chuẩn bị khởi động chiến tranh, Tổng thống G. Bush (cha) xuất hiện trên truyền hình và kêu gọi Iraq suy nghĩ. Saddam Hussein cũng xuất hiện trên truyền hình truyền đi một thông điệp: thua cũng đánh.
Tư lệnh của một quân đội 1,5 triệu người được trang bị những vũ khí hiện đại nhất mà chưa vào trận đã nhắc đến thua. Vậy nên, có những đoàn quân 300 nghìn người không bắn một phát súng. Như vậy làm sao lại không thua. Đó là do phát ngôn của Saddam Hussein.
Sức mạnh tinh thần mới là nguồn sức mạnh của chúng ta, của dân tộc Việt Nam. Không phải tàu chiến, tàu ngầm, thông tin truyền thông mới là nguồn sức mạnh của chúng ta. Chúng ta đang sở hữu một vũ khí quan trọng như thế thì chúng ta nên sử dụng như thế nào?
Bài 3: Chúng ta có thể giữ được Biển Đông một cách hòa bình
Tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc
Việt Nam cần làm gì để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông?
Nếu chúng ta đặt ra câu hỏi này, chúng ta đã trả lời được 50%. Nếu chúng ta tự hỏi làm thế nào để cho đất nước Việt Nam trở nên hùng cường, thì chúng ta đã đặt chân lên con đường đi đến hùng cường và thịnh vượng.
Vấn đề truyền thông rất quan trọng. Sự an toàn biển đảo tỷ lệ thuận với sự quan tâm của dân chúng về vấn đề Biển Đông.
Có mấy việc phải làm, tôi xin nêu ngắn gọn:
-         Nhận diện rõ thách thức với chủ quyền biển đảo.
-         Củng cố ý chí quyết tâm.
-         Huy động sức mạnh tổng lực của quốc gia.
-         Phát huy được sức mạnh của thời đại.
-         Xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Thông tin truyền thông cần làm gì?
Thông tin truyền thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Thông tin truyền thông là một bộ phận cấu thành của cuộc chiến này, quan trọng không kém gì chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp lý. Bây giờ, thậm chí, nó quan trọng hơn cả quân sự, ngoại giao pháp lý.
Lúc này là thời điểm rất quan trọng để xác định chúng ta giữ được biển hay không. Chúng ta chọn hướng nào? Chúng ta có lựa chọn khác với ông cha mình hay không? Như vậy chúng ta phải coi thông tin truyền thông là một mặt trận.
Thông tin truyền thông không chỉ đưa tin, bình luận, nâng cao nhận thức, không chỉ có tuyên truyền về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn phải thêm cả công tác dự báo.
Những việc thông tin truyền thông cần làm bao gồm nêu cao chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trên biển; góp phần huy động sức mạnh tổng lực quốc gia; phát huy sức mạnh của thời đại; góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường.
Xin giải thích rõ những vấn đề trên như sau:
1. Nêu cao chính nghĩa.
Nêu cao chính nghĩa là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của thông tin truyền thông. Muốn nêu cao chính nghĩa phải làm hai việc.
Thứ nhất, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa và Hoàng Sa; bác bỏ được yêu sách đường lưỡi bò, bác bỏ cái gọi là chủ quyền lâu đời của Trung Quốc đối với Trường Sa, Hoàng Sa.
Để nêu được chính nghĩa phải đưa ra được các chứng cứ pháp lý và lịch sử xác thực và thuyết phục các cơ quan tài phán quốc tế. Truyền thông báo chí phải kết hợp với các chuyên gia trong nước, quốc tế.
2. Huy động sức mạnh tổng lực quốc gia.
Củng cố ý chí quyết tâm bảo vệ đến cùng biển đảo bằng bất cứ giá nào. Thông tin truyền thông phải biến nó thành ý chí của toàn bộ dân tộc, của cả hệ thống chính trị và của tất cả mọi người dân Việt Nam.
Cần nâng cao nhận thức của người dân về biển đảo. Nhận diện rõ thách thức với chủ quyền biển đảo. Đánh giá Trung Quốc thế nào? Hiện nay, thế giới nhận định về Trung Quốc như con hổ mới trỗi dậy, dữ dằn về quân sự, chính trị, kinh tế. Họ là một con hổ đói: Đói không gian sinh tồn, đói tài nguyên thiên nhiên, đói quyền lực chính trị. Tuy nhiên, con hổ đó có nhiều bệnh về chính trị, văn hóa, dân tộc, sắc tộc, môi trường…
Truyền thông cần đề cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tự tôn dân tộc, phẩm cách quốc gia. Đặc biệt, củng cố đại đoàn kết dân tộc, xây dựng sức mạnh toàn dân. Đại đoàn kết dân tộc phải dựa trên đồng thuận dân tộc: đồng thuận về nhận thức, ý chí, hành động. Củng cố niềm tin: niềm tin phải có cơ sở, dựa trên điểm mạnh và yếu của Việt Nam và đối thủ, đồng thời tin vào khả năng của chúng ta.
3. Truyền thông phải lan tỏa giấc mơ về đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Trong vòng 15 năm nữa chúng ta có thể trở thành cường quốc tập trung với 5 tiêu chí: Quân sự, Kinh tế, Văn hóa – Giáo dục, Khoa học – Công nghệ, Chính trị. Hiện nay, chúng ta đang thiếu hai thứ: Một là minh triết, hai là kế hoạch (giấc mơ).
Truyền thông, tuyên truyền cần nhanh chóng và kịp thời; khách quan và chính xác; hay và hấp dẫn.
Tôi phải nhấn mạnh lại một lần nữa: Không phải tàu chiến, tàu ngầm, thông tin truyền thông mới là nguồn sức mạnh của chúng ta. Sức mạnh tinh thần mới là nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam trước bất kỳ kẻ xâm lược nào.
Tư Giang lược ghi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét