Thứ Ba, 9 tháng 7, 2019

20190709. QUANH CHUYỆN TÌM HIỀN TÀI

ĐIỂM BÁO MẠNG

'HIỀN TÀI NHƯ LÁ MÙA THU, TÀI HIỀN NHƯ CỎ DẠI'

XUÂN DƯƠNG / GDVN 6-7-2019

Hiền tài là nguyên khí Quốc gia, chân lý này không ai phản bác.
Nói “Tài hiền là nguyên khí Gia quốc” nghe có vẻ trái tai nhưng nghĩ vậy mà không phải vậy.
Nếu hiểu “Gia sản” là tài sản riêng của một dòng tộc, một gia đình thì “Gia quốc” cũng là quốc gia của một gia đình, rộng hơn một chút là của một nhóm người.
Vua chúa xưa thường nói “Giang sơn này là của Trẫm”, nghĩa là “Quốc gia” biến thành “Gia quốc”.
Khi giang sơn thuộc về một gia đình, một dòng tộc, một nhóm người thì công sản biến thành gia sản.
Không biết có phải vì thế mà các sử gia đưa vào sử liệu khái niệm “Triều Đinh”, “Triều Lê”, “Triều Lý”, “Triều Trần”, “Triều Mạc”, “Triều Nguyễn”,…
Triều Đinh chỉ tồn tại 22 năm từ năm 968 đến năm 980; Triều Mạc tồn tại từ năm 1527 đến năm 1592, tổng cộng là 66 năm không kể thời gian con cháu nhà Mạc rút về Cao Bằng tiếp tục chống lại nhà Hậu Lê (đến năm 1677).


Ảnh minh họa/internet

Nếu chẳng may ở đâu đó, trong một khoảng thời gian không ngắn, quốc gia bị thao túng bởi “Nhóm lợi ích” cả về kinh tế, văn hóa và chính trị, có thể sau này các sử gia sẽ gọi giai đoạn lịch sử đó là “Triều Nhóm”?

Vào thời “Triều Nhóm”, những kẻ chỉ biết cúi đầu vâng, dạ, bảo sao nghe vậy chính là bọn “Tài hiền”, bọn ấy có cũng như không, ngày chỉ biết cắp ô, đêm chỉ biết cô đầu, vật vờ như cái bóng.
Khi quốc gia trở thành sân sau của phe nhóm, gia đình, dòng tộc thì đương nhiên hiền tài phải ra đi và “Tài hiền” trở thành nguyên khí.
Nếu có lúc nào đó “Hiền tài như lá thu; Tài hiền như cỏ dại” thì đó không phải là hạnh phúc mà là vô phúc cho quốc gia, dân tộc.
Ngay cả với nhóm không phải là “Tài hiền”, vẫn có người không ngại mà rằng: “Trí thức bây giờ dốt hơn trí thức ngày xưa”.
Chẳng biết nói thế có bao nhiêu phần đúng?
Giáo sư Hoàng Tụy trong bài: “Chỗ mạnh, chỗ yếu trong tâm lý con người Việt Nam khi đi vào thời đại văn minh trí tuệ” viết:
Có lẽ do quá lâu quen sống trong cảnh nghèo thiếu nên người dân ta nhiều khi dễ nhẫn nhục an phận, dễ bằng lòng với những thay đổi nhỏ, những suy tính cá nhân hời hợt, thiển cận theo lối cò con.
“Vì không cực đoan nên ít có đổ vỡ lớn, nhưng dễ bảo thủ, ít dám chấp nhận rủi ro tìm con đường mới do đó cũng dễ lâm vào trì trệ triền miên”.[1]
“Tài hiền” đã được một vị quan chức lãnh đạo ngành phát thanh truyền hình đất Kẻ Chợ nói trắng phớ giữa hội nghị thế vầy:
“Họ làm việc làng nhàng, đi ra đi vào, tuy nhiên họ không vi phạm kỷ luật, không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi”. [2]
Có phải vì thế mà xã hội hôm nay thỉnh thoảng lại bùng lên những chuyện “sốc, sex”, chuyện “Hoa hậu hở bạo”, chuyện chữ “lon” thêm mũ và thêm dấu,… nhằm giải cơn ngái ngủ của bộ phận khá đông người “trì trệ triền miên”, trong đó có không ít người được ủy quyền ký trên văn bản như bà Cục trưởng lý giải về chữ “lon” ở cơ quan cấp bộ chuyên về văn hóa.
Cứ cho là hãng giải khát ấy dùng từ chưa chuẩn thì người Việt cũng chẳng mấy ai để ý, chỉ khi bà Cục trưởng “phát động phong trào” thì người ta mới thấy nó thật là “nhạy cảm”, mới xúm vào mổ xẻ, vậy nên trách ai?
Nói thêm tí chút, nếu phạt hãng nước giải khát vì chữ “lon” thì có lẽ bà Cục trưởng nên ra thêm quyết định phạt báo các báo điện tử Laodong.vn, Vietbao.vn, Nongnghiep.vn, Baophapluat.vn,… vì các báo này đã dùng tên gọi “Đảo Côn Lôn” thay cho Côn Đảo.
Chuyện chưa từng kể về đảo Côn Lôn. [3]
Thăm đảo Côn Lôn. [4]
Côn Lôn, thiên đường tại thế. [5]
Phan Châu Trinh và án giam đất Côn Lôn. [6]
…..…

Phải thấy rằng các báo nêu trên đã cố tình dùng từ “Côn Lôn” - một địa danh từ trước thế kỷ 20 - mà không dùng địa danh theo quy định của pháp luật hiện hành là huyện Côn Đảo.  

Tại sao lại sử dụng địa danh trong đó có từ chỉ cần thêm dấu mà không cần thêm “mũ” đã trở nên “rất là khủng khiếp” như ý bà Cục trưởng trả lời báo chí. [7]
Người Việt từng biết đến rất nhiều “Tài hiền” khi người ta đưa ra các ý tưởng, chẳng hạn “Ngực lép không được lái xe”; “Ôtô 4 chỗ phải được trang bị bình cứu hoả”; “Cho phép toàn dân hát Quốc ca”; “Cộng điểm cho Mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học”,…
Tuy nhiên hai ba năm trở lại đây, người dân mới ngớ ra, rằng đất nước còn tiềm ẩn vô số chủng loại “Tài hiền” khủng mà bọn “không cãi ai, không chửi ai nên rất khó đuổi” chưa xứng đáng là đệ tử chứ đừng nói là con cháu, ví như “Tôi thì dư luận phán xét xong rồi” hay “Giờ tôi nghỉ hưu rồi, có làm được gì mà nói”,… 
Nhưng vì sao bọn “Tài hiền” lại đẻ mắn đến thế, sống dai đến thế?
Trả lời câu hỏi này phải mượn câu nói dân gian với đôi chút “sáng tạo”: “Đầu óc ngu si, ngũ chi khỏe mạnh”.
Người bình thường chỉ có tứ chi, bọn “tài hiền” lại có ngũ chi nên mới sinh chuyện đẻ mắn, giải thích thế có vị độc giả quen biết bảo là không chuẩn vì chỉ khoảng trên dưới 50% bọn “tài hiền” là có chi thứ ngũ, bọn còn lại làm gì có???
Có điều khi đã là “Tài hiền” thì chúng muốn gì mà chẳng được, sá gì thêm chi?
Tài liệu tham khảo:
[1]//www.slideshare.net/ebookfree247/cho-manh-cho-yeu-trong-tam-ly-con-nguoi-viet-nam-khi-di-vao-thoi-dai-van-minh-tri-tue
[2] //tuoitre.vn/40-nhan-su-kem-cua-dai-truyen-hinh-ha-noi-la-con-ong-nay-ba-kia-20180703142411431.htm
[3] //laodong.vn/phong-su/chuyen-chua-tung-ke-ve-dao-con-lon-526507.ldo
[4] //vietbao.vn/The-gioi-giai-tri/Tham-dao-Con-Lon/50707841/419/
[5]//nongnghiep.vn/con-lon-thien-duong-tai-the-post88645.html
[6]//baophapluat.vn/dan-sinh/phan-chau-trinh-va-an-giam-dat-con-lon-320441.html
[7]//thanhnien.vn/doi-song/mo-lon-viet-nam-bi-cho-la-phan-cam-dan-mang-khong-hieu-vi-sao-phan-cam-1098115.html
Xuân Dương

BA CÂU CHUYỆN HIỀN TÀI

HỒ ANH HẢI / NCQT/ BVN 6-7-2019

Nhân dịp một bậc hiền tài là nhà giáo-nhà văn Phạm Toàn, vị “Thuyền trưởng” của Nhóm Cánh Buồm[1] vừa ra đi, nghiencuuquocte.org đăng lại bài của Hồ Anh Hải (có bổ sung).


Hiền tài là nguyên khí của quốc gia -từ lâu chúng ta đã quá quen thuộc với câu nói này vì nó được các nhà lãnh đạo và báo chí ta luôn nhắc tới. Nhưng ai là hiền tài của nước ta? Họ có được coi là “nguyên khí của quốc gia” không ? Ở ta và ở nước ngoài, hiền tài được đối xử như thế nào?
Xin kể ba chuyện dưới đây.
1. Hiền tài ngay cạnh ta
Tháng 9/2011, nghe tin Giáo sư Hoàng Tụy được Hiệp hội Quốc tế về Tối ưu toàn cục trao Giải thưởng Constantin Caratheodory, tôi vào mạng Google và mạng Baidu (của Trung Quốc) tìm hiểu xem thế giới biết gì về bậc hiền tài này của Việt Nam. Kết quả cho thấy, tôi biết về bác Tụy còn ít hơn người nước ngoài.
Ví dụ, tiểu sử bác Hoàng Tụy bản chữ Hán cho biết bác được gọi là Hoàng “Jefferson” Tụy. Bác có con trai là Hoàng Dương Tuấn, hiện là Phó GS tại ĐH Công nghệ Sydney, Australia, và con rể là Phan Thiên Thạch. Cả hai cũng nghiên cứu toán tối ưu toàn cục như GS Hoàng Tụy. Thì ra cả nhà đều giỏi toán, “Hổ phụ sinh hổ tử” mà!
Trang mạng worldcat.org giới thiệu GS Hoàng Tụy có 31 công trình đăng trong 57 ấn phẩm được in bằng sáu ngôn ngữ và có mặt ở 846 thư viện.
Trang mạng ccebook.net giới thiệu cuốn Convex Analysis and Global Optimization (Phân tích về Lồi và Tối ưu toàn cục) của GS Hoàng Tụy, dày 356 trang, giá bán 249 USD, do Nhà xuất bản Springer xuất bản năm 1998 (khi ông 71 tuổi).
Luận văn có tựa đề A Cutting Algorithm for the Minimum Sum-of-Squared Error Clustering của hai tác giả Jiming Peng và Yu Xia, trích dẫn ba tác phẩm của GS
Hoàng Tụy là:
– Global optimization do Nxb Springer xuất bản tại Berlin năm 1993;
– Concave programming under lincar constraints đăng trên tạp chí Soviet Mathematics, năm 1964 ;
– Sách Clustering via d.c. optimization, xuất bản năm 2001.
Danh từ riêng Tuy’s cut (Lát cắt Hoàng Tụy) xuất hiện nhan nhản trong các tài liệu nói về Lý thuyết Tối ưu toàn cục.
Thì ra hiền tài ở ngay cạnh ta nhưng chính ta chẳng biết, hoặc biết mà không coi trọng.
Sau khi GS Hoàng Tụy được trao Giải thưởng cao quý Caratheodory, báo chí ta bắt đầu đăng nhiều tin về ông. Lãnh đạo Nhà nước đến tận nhà chúc mừng, tặng hoa và ôm hôn ông. Sáng 30/9/2011 đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham gia chương trình truyền hình bàn vấn đề Coi trọng các nhà trí thức, những hiền tài của xã hội…
Nhưng có lẽ GS Hoàng Tụy mừng ít tủi nhiều. Ở tuổi 84 (ông sinh năm 1927), nếu các ý kiến tâm huyết hết lòng vì nước vì dân của ông đóng góp cho Nhà nước suốt mấy chục năm qua cứ tiếp tục rơi vào im lặng không có phản hồi thì sao ông có thể vui được?[2]
2. Thánh nhân cũng có thể bị đưa đi cải tạo lao động
Đại văn hào Lỗ Tấn của Trung Quốc không xa lạ gì với người Việt Nam. Bác Hồ từng hết lời ca ngợi câu Trừng mắt coi khinh ngàn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa đứa nhi đồng (lời dịch của Bác Hồ) mà Lỗ Tấn dùng làm châm ngôn tự răn mình. Quả thật Lỗ Tấn vô cùng dũng cảm dùng ngòi bút tố cáo chế độ độc tài chuyên chế của xã hội phong kiến ngày xưa và của Tổng thống Tưởng Giới Thạch đương thời.
Thập kỷ 30 thế kỷ XX, Mao Trạch Đông dẫn một đội du kích lên rừng lập chiến khu chống lại nhà độc tài họ Tưởng. Sau khi được đọc Lỗ Tấn Toàn tập (in năm 1938, khi Lỗ Tấn đã mất), Mao vô cùng khâm phục Lỗ Tấn. Ông tuyên bố Lỗ Tấn là “Đệ nhất đẳng thánh nhân” của Trung Quốc ; “Khổng Tử là thành nhân của xã hội phong kiến, Lỗ Tấn là thánh nhân của Trung Quốc hiện đại”.
Sau khi Trung Quốc được giải phóng khỏi ách cai trị của họ Tưởng, Mao Trạch Đông trở thành lãnh tụ tối cao nước này. Trong một cuộc họp với các nhà văn, có người hỏi nếu Lỗ Tấn bây giờ còn sống thì sẽ làm gì? Mao suy nghĩ giây lát rồi nghiêm chỉnh trả lời: Lỗ Tấn sẽ hoặc là ngồi nhà không viết lách gì cả hoặc là ở trong trại lao động cải tạo!
Mao nói thật lòng và không sai. Lỗ Tấn suốt đời đấu tranh đòi tự do dân chủ, vì thế ông nổi tiếng. Nhưng nền chính trị do Mao và Đảng của ông thiết lập ở nước này không thể có thứ “xa xỉ phẩm tự do dân chủ” ấy mà Lỗ Tấn đòi phải để cho người Trung Quốc được hưởng. Nếu Lỗ Tấn vẫn đòi thì chắc chắn sẽ bị chính quyền Mao cho đi lao động cải tạo.
Hóa ra, hiền tài đến mức được tôn là Thánh Nhân, được tung hô chỉ khi đã chết rồi. Chứ nếu còn sống thì…coi chừng, chữ tài đi với chữ tai một vần.
Tiếp đó khi Mao Trạch Đông thực thi chủ trương Đại Nhảy Vọt làm cho mấy chục triệu nông dân chết đói vì phải bỏ việc đồng áng đi luyện gang thép. Bộ trưởng Quốc phòng là Nguyên soái Bành Đức Hoài khi họp hội nghị trung ương Đảng CSTQ có thẳng thắn nêu lên một số sai lầm của chủ trương ấy. Rốt cuộc ông bị cách hết mọi chức vụ.
Từ đó các hiền tài nước này đều im lặng, ngay cả khi thấy lãnh đạo sai rõ ràng.
3. Thiên tài ngang bướng
Steve Jobs là một hiền tài nổi tiếng nước Mỹ, nguyên Giám đốc điều hành (CEO) công ty Apple. Năm 1997 ông trở lại lãnh đạo công ty này, từng bước hồi sinh Apple, làm cho giá cổ phiếu công ty từ 4 USD tăng lên tới 40 USD năm 2006, Apple từ sắp phá sản trở thành công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới. Cả loài người biết tên ông qua các sản phẩm máy tính cá nhân, máy nghe nhạc, máy tính bảng và điện thoại thông minh.
Tự truyện Steve Jobs có kể lại chuyện mùa thu năm 2010 Nhà Trắng báo cho Steve Jobs biết họ có ý định thu xếp để ông và Tổng thống Obama gặp nhau, nhưng Steve Jobs nổi tiếng khó tính, ngang bướng và kiêu ngạo, khăng khăng yêu cầu Tổng thống phải đích thân mời thì ông mới gặp.
Sau 5 ngày bàn đi bàn lại, cuối cùng Steve Jobs chịu nhượng bộ đến một khách sạn ở gần trụ sở của Apple (đặt tại San Francisco) gặp Obama, nghĩa là Tổng thống Mỹ phải bay 5.000 km để tới đây. Vừa gặp nhau, Steve Jobs nói ngay với Obama: “Ông chỉ có thể làm Tổng thống một khóa thôi!” và khuyên chính phủ Mỹ nên thân thiện hơn với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ dễ dàng mở nhà máy xí nghiệp.
Ông đề nghị Obama mời chừng dăm bảy CEO đến để nghe họ trình bày nhu cầu trong việc lập các doanh nghiệp sáng tạo. Tổng thống Obama vui vẻ lắng nghe các ý kiến phê phán, góp ý của Steve Jobs.
Sau đó Nhà Trắng lên kế hoạch mời hơn chục vị CEO đến dự cuộc họp thân mật có kèm bữa cơm do Tổng thống Obama chiêu đãi và gửi kế hoạch này cho Steve Jobs xem trước.
Thấy số người được mời nhiều hơn đề nghị của mình, ông nói không muốn dự họp nữa. Khi xem thực đơn bữa ăn, Steve Jobs lại thể hiện sự khó tính của mình (ông vốn ăn chay niệm Phật), chê thực đơn này tốn kém quá và phản đối việc dùng sô-cô-la làm món ngọt tráng miệng. Nhưng Nhà Trắng không nhượng bộ, vì Obama thích món ấy.
Steve Jobs không để lại nhiều ấn tượng tốt cho Obama nhưng sau đó hai người vẫn nói chuyện điện thoại với nhau mấy lần. Có lần Steve Jobs còn đề nghị để ông giúp Obama thiết kế quảng cáo cho việc Obama tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, năm 2012.
Ngày 5/10/2011, ba tiếng đồng hồ sau khi công ty Apple công bố tin Steve Jobs qua đời, Tổng thống Obama xúc động tuyên bố tại Nhà Trắng: “Michelle [vợ Obama] và tôi rất đau buồn khi biết tin Steve Jobs qua đời. Ông là một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất nước Mỹ, ông ấy có đủ dũng cảm để suy nghĩ một cách khác người, đủ mạnh mẽ để tin rằng mình có thể thay đổi thế giới và đủ tài năng để thực hiện điều đó”.
Ai cũng biết Steve Jobs đã làm thay đổi cả thế giới. Nhưng vì sao ông làm được điều đó?
Chẳng những vì ông có tài, mà điều quan trọng hơn là vì xã hội nước Mỹ tạo điều kiện cho mọi công dân có cơ hội phát triển như nhau, và lãnh đạo nước này biết phát hiện, biết lắng nghe các hiền tài. Ai có tài thực thì tự nhiên sẽ được trọng dụng.
——————
[1] Nhóm Cánh Buồm thành lập năm 2009, do nhà giáo lão thành Phạm Toàn (1932-2019) đứng đầu, gồm một số người tự nguyện làm không nhận thù lao công việc biên soạn bộ sách giáo khoa kiểu mới cho bậc tiểu học và phổ thông. Tham khảo: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/canh-buom-cua-ong-toan-1082578.tpo
[2] Tháng 6/2019, GS Hoàng Tụy xuất bản cuốn sách “Xin được nói thẳng”, gồm 50 bài GS viết trong hơn 20 năm, chủ yếu vạch ra những sai lầm thiếu sót đã và đang ngăn cản sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật và giáo dục ở nước ta, và nêu các kiến nghị sửa đổi. Trong sách ông viết “Lẽ sống còn của dân tộc kêu gọi ta hãy chăm lo đào tạo, phát hiện và bồi dưỡng, sử dụng và phát triển nhân tài”. Là “nguyên khí quốc gia” mà phải “xin” được nói thẳng. Riêng tựa đề sách đã cho thấy hiền tài ở ta được tôn trọng như thế nào.
H.A.H.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2019/07/04/ba-cau-chuyen-hien-tai/


CHẠY CHỨC CHẠY QUYỀN VÀ QUỐC NẠN THAM NHŨNG

NGUYỄN HUY VIỆN / TVN 3-7-2019

Vì bản chất chạy chức chạy quyền cũng là một loại tham nhũng, được biểu hiện dưới hai hình thức đưa và nhận hối lộ, và tham nhũng quyền lực. 
Từ chạy chức chạy quyền, dẫn đến chạy quy hoạch, chạy tuổi, chạy luân chuyển …tạo thành một phong trào chạy âm ỉ, thường xuyên tuy không ồn ào nhưng vô cùng rầm rộ, nhất là vào các kỳ đại hội Đảng các cấp; bầu cử Quốc hội, bầu cử hội đồng nhân dân các cấp.   
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã chỉ ra: “Tình trạng chạy chức chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi”.
“Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, "cánh hẩu", …gây bức xúc trong dư luận xã hội”. 
Chạy chức chạy quyền là thứ tệ nạn để lại những hệ lụy tiêu cực về kinh tế, chính trị, xã hội vô cùng nặng nề. 

Chạy chức chạy quyền và quốc nạn tham nhũng

Hình thức đầu tư BT tạo nhiều kẽ hở cho thông đồng, tham nhũng

Thứ nhất: Để có “ghế” đáp ứng nhu cầu của thị trường mua quan bán chức, người ta phải chạy biên chế, làm cho bộ máy nhà nước có số lượng công chức, viên chức đông vào hàng bậc nhất thế giới. 
Nếu như trước đây mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ có 1 - 2 cấp phó, thì nay có 6 - 8 cấp phó, cá biệt có cơ quan có đến mười mấy cấp phó. Thậm chí như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có thời điểm có tới 44 lãnh đạo nhưng chỉ có 2 nhân viên. [1] 
Với cấp bộ, ngành: từ năm 2011 đến năm 2016, các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556. Tương tự, cán bộ cấp vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ tăng từ 3.871 lên 4.619. [2] 
Với bộ máy nhà nước như vậy, khó có nguồn ngân sách nào nuôi nổi. Theo tính toán của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam, dựa trên số liệu của Bộ Nội vụ, bình quân cứ 9 người Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách nhà nước. [3] 
Thứ hai: Nạn chạy chức chạy quyền làm cho những kẻ cơ hội không chú trọng nâng cao năng lực, rèn luyện phẩm hạnh mà chủ yếu lo đầu tư quan hệ để lấy lòng cấp trên. Vì vậy trong các đợt đề bạt, bổ nhiệm đối tượng này thường được cấp trên sủng ái, còn những người có trí tuệ, có năng lực, trung thực thẳng thắn, dám phản biện, không luồn cúi thường bị bật bãi. 
Tình trạng này không những làm triệt tiêu ý thức vươn lên nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên mà có nguy cơ bộ máy lãnh đạo bị những kẻ cơ hội thao túng. 
Thứ ba: Nhiều quan chức lạm dụng chức vụ, quyền hạn đưa người nhà, cánh hẩu vào bộ máy nhà nước, dẫn đến tình trạng cả nhà làm quan, cả họ làm quan, như tỉnh Hà Giang [4]; các huyện Mỹ Đức (Hà Nội) [5], huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) [6], huyện An Dương (Hải Phòng) [7] và ở nhiều địa phương khác. 
Tình trạng này dẫn đến quyền lực chính trị, kinh tế của địa phương bị một gia đình hoặc một dòng họ thao túng, chi phối. Lúc đó, chính quyền có xu hướng không còn là của nhân dân và không vì lợi ích của nhân dân nữa. 
Thứ tư: Với nạn chạy chức chạy quyền, không chỉ những kẻ cơ hội mà những phần tử vi phạm kỷ luật, thậm chí phạm tội hình sự đặc biệt nghiêm trọng vẫn chui sâu leo cao vào bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị, xã hội. 
Đơn cử như bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Thời gian từ năm 2003 - 2014, bà Thanh vi phạm nhiều khuyết điểm “rất nghiêm trọng và có tính hệ thống”. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. 
Nhưng cũng trong thời gian đó, bà Thanh liên tục thăng tiến, từ Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai, Bí thư huyện uỷ huyện Nhơn Trạch (năm 2009), Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai (năm 2011), Phó Bí thư Tỉnh ủy (Nhiệm kỳ 2015 - 2020); được giới thiệu bầu Đại biểu Quốc hội và làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khoá XIV của tỉnh Đồng Nai. 
Đó là Trịnh Xuân Thanh, người trong giai đoạn 2013 – 2016 đã thăng tiến chóng mặt từ Phó chánh văn phòng Bộ lên Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (Nhiệm kỳ 2011 - 2016), Tỉnh uỷ viên tỉnh Hậu Giang (Nhiệm kỳ 2015 - 2020), được bầu làm Đại biểu Quốc hội (Nhiệm kỳ 2016 - 2021). 
Đó là Dương Chí Dũng - nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. Khi còn là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Dương Chí Dũng đã dẫn dắt doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ nặng nề. 
Đó là hàng loạt những kẻ trước khi ngồi lên ghế quyền lực đều đã vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như Châu Thị Thu Nga nguyên Đại biểu Quốc hội Khoá XIII; Ngô Văn Tuấn nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá; Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Đinh La Thăng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh)…  
Điều bất thường là hầu hết hành vi vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật của những kẻ vừa nêu đã có đơn tố cáo hoặc bị báo chí phản ánh nhưng họ vẫn thăng tiến thần tốc, chỉ trong một thời gian ngắn đã chui sâu, leo cao. 
Phải chăng những kẻ này sau khi chạy thoát tội, có chỗ nương tựa chuyển tiếp sang chạy chức chạy quyền và đã thành công? 
Thứ năm: Tình trạng chạy chức chạy quyền là “chất xúc tác” của nạn tham nhũng, đưa và nhận hối lộ; tạo tiền đề hình thành “nhóm lợi ích”. 
Với đồng lương công chức như hiện nay, thử hỏi những kẻ cơ hội lấy tiền đâu mà mua chức tước? 
Chỉ chạy sửa điểm vào trường đại học tốp đầu ở Sơn La, có bị can khai, trung bình mỗi trường hợp "giá" là 1 tỉ đồng. Một số bị can trong vụ án đã nộp lại số tiền đó. [10] 
Vậy thử hỏi mỗi suất chạy chức của những quan chức đã lộ diện trên đây số tiền sẽ là bao nhiêu?  
Với những khoản tiền như vậy nếu không tham ô, nhận hối lộ thì cũng được chủ các doanh nghiệp tài trợ và đây là tiền đề cho sự ra đời các “doanh nghiệp sân sau”, “nhóm lợi ích”. 
Liên minh này tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn bộ máy nhà nước, là nguy cơ lớn cho sự phát triển công bằng và lành mạnh. 
Nếu Đảng và Nhà nước không có giải pháp ngăn chặn hoạt động của các “nhóm lợi ích”, để chúng tiếp tục phát triển, lũng đoạn, thao túng đời sống kinh tế, xã hội của đất nước sẽ dẫn đến nguy cơ “chủ nghĩa tư bản thân hữu” lan tràn. 
Bởi vậy, ngăn chặn và loại trừ các “nhóm lợi ích” là nhiệm vụ hệ trọng, cấp bách của mọi cấp, mọi ngành. Việc đầu tiên là phải loại trừ nạn chạy chức chạy quyền của những kẻ cơ hội, loại trừ sự cấu kết của những kẻ cơ hội đang nắm quyền lực chính trị với các chủ doanh nghiệp để lũng đoạn, trục lợi. 
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) đã xác định: “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền”. 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khoá mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm…” [11] 
Từ nhiều năm qua, Đảng đã có nhiều chủ trương chống chạy chức chạy quyền nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Vì sao thể thức bầu cử hiện nay chưa ngăn chặn các phần tử cơ hội, chạy chức chạy quyền chui vào bộ máy? 
Bởi vậy, để quan điểm và quyết tâm trên đây trở thành hiện thực, việc tiến hành bầu cử nên chăng cần tham khảo vận dụng thể thức bầu cử khoa học, có sự giám sát chặt chẽ của các nước tiên tiến trên thế giới. 
Với thể thức như vậy, các phần tử cơ hội khó có thể thực hiện được mưu đồ chạy chức chạy quyền; và đồng thời sẽ chọn được những người có tài năng và đạo đức xứng tầm với các cương vị chủ chốt trong bộ máy của Đảng và Nhà nước từ cơ sở đến Trung ương. 
Nguyễn Huy Viện
[1].https://vtv.vn/van-de-hom-nay/mot-so-co-44-lanh-dao-2-chuyen-vien-kho-co-ly-giai-thuyet-phuc-20161104235054166.htm
[2].https://vov.vn/chinh-tri/tinh-gian-bien-che-bo-may-van-phinh-to-658001.vov
[3].https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/trung-binh-cu-9-nguoi-dan-nuoi-1-can-bo-nha-nuoc-473225.html
[4].https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ca-nha-bi-thu-tinh-uy-ha-giang-lam-quan-20160917225532658.htm
[5].https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/nhieu-con-chau-bi-thu-huyen-o-quang-binh-lam-quan-440633.html
[6].https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/huyen-my-duc-ca-ho-lam-quan-cung-la-ngau-nhien-264707.html
[7].https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/hai-phong-ky-luat-bi-thu-huyen-uy-lien-quan-vu-ca-nha-lam-quan-425048.html
 [10].https://tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-o-son-la-gia-nang-diem-moi-truong-hop-trung-binh-1-ti-dong-20190525084513726.htm
[11].https://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40447202-chuan-bi-va-to-chuc-that-tot-dai-hoi-dang-bo-cac-cap-tien-toi-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang.html 
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét