Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

20181214. Ý KIẾN VỀ ĐỘI 'SAO ĐỎ' TRONG TRƯỜNG HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG
TÂM SỰ NHÓI LÒNG CỦA MỘT SAO ĐỎ

NINH VŨ/ GDVN 14-12-2018
Nhiều phụ huynh lo ngại thứ quyền lực từ sao đỏ sẽ khiến cho con em họ trở nên hợm hĩnh, trịch thượng.
Thời gian vừa qua có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề: Có cần thiết duy trì đội sao đỏ trong các nhà trường?
Các ý kiến khách quan, thẳng thắn đã được Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải. Vậy những người trong cuộc mà cụ thể là chính các em sao đỏ nói gì?
Con không muốn làm sao đỏ
H.H.V. một học sinh được bồi dưỡng làm sao đỏ từ năm lớp 5 đến nay (lớp 8) liên tục khẩn nài cô giáo phụ trách đội cho mình thôi chức vụ sao đỏ.
Trong mắt các học sinh, đội sao đỏ có vẻ là một cái gì đó rất quyền lực, rất ghê gớm. Nhưng, thực tế đối với V. và nhiều sao đỏ khác chẳng hề thích thú với công việc này thậm chí là bị ép buộc.
Mỗi sáng, V. phải dậy sớm và đi học sớm để còn làm công tác sao đỏ. Nhiệm vụ của V. bắt đầu khoảng 30 phút trước khi tiết học đầu tiên diễn ra và được phép vào lớp muộn hơn 5 phút. Do vậy quỹ thời gian của cô bé phải bó hẹp lại.
“Một, hai ngày thì không sao nhưng bọn con phải làm suốt 9 tháng học. Ngày nào cũng phải đi sớm về muộn.
Sáng thì phải đến sớm nhất lớp, chiều thì về muộn nhất lớp. Có những hôm buổi chiều có bạn xin nghỉ, cô phụ trách lại điều con đến. Đến xong trực khoảng 30 phút rồi về, chiều các bạn tan học lại đến tiếp”.
Khi được hỏi bên cạnh việc mất nhiều thời gian, làm sao đỏ con có thấy vui không? V. cho biết: “Không vui đâu ạ!”.
“Thời gian đầu thì cũng có vui nhưng sau dần con nhận ra là các bạn ít chơi với con hơn. Từ khi con làm sao đỏ thi các bạn có vẻ không vui với con.
Ví dụ như trước có bạn G.H. hay chơi với con nhưng một lần bạn đi muộn bị con ghi tên vào sổ sao đỏ. Sau đó, bạn không chơi với con nữa mà còn bảo con là cậy sao đỏ với cả tinh tướng.
Con làm sao đỏ bị nhiều bạn ghét hơn trước mặc dù con chẳng làm gì sai cả. Nếu không ghi tên các bạn vào sổ sẽ bị nhắc nhở còn nếu ghi tên vào thì các bạn lại ghét con. Nhiều lúc con rất là tủi thân và muốn xin nghỉ”.
Cũng theo V. nhiều bạn lại thích xin vào làm sao đỏ bởi làm sao đỏ sẽ có nhiều quyền lợi như được cộng điểm chuyên cần, được các thầy cô quý mến... Với cả nhiều bạn cũng thích ra oai với các bạn khác cho nên rất thích làm sao đỏ”.
Tổng kết lại, V. cho biết: “Nói chung đối với bản thân con việc làm sao đỏ rất là vất vả và áp lực. Nhiều lần con đã xin thầy cô phụ trách cho nghỉ nhưng không được sự đồng ý”. 
Cháu bị áp lực từ việc làm sao đỏ
Mẹ của V. chị V.H.G. cho biết:“Cháu cảm thấy mệt mỏi vì việc phải làm sao đỏ. Ngày nắng cũng như ngày mưa ngày nào cháu cũng phải có mặt sớm nhất và về muộn nhất so với các bạn trong lớp. Việc này khiến cháu bị mệt mỏi vì phải làm quá nhiều việc một lúc.
Gia đình đã nhiều lần ý kiến với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên phụ trách đội xin cho cháu được nghỉ nhưng giáo viên nài nỉ bảo rằng cháu đã có kinh nghiệm làm sao đỏ và động viên gia đình để cháu tiếp tục làm”.
Chị G. phân tích việc làm sao đỏ không chỉ khiến cho cháu mất nhiều thời gian mà bên cạnh đó trong nhiều trường hợp con tâm sự con bị bạn bè xa lánh, thậm chí là bị tẩy chay vì con “liêm khiết quá”. Các bạn xin tha nhưng con không cho.
Chị G. còn cho biết có rất nhiều phụ huynh cũng đang lo lắng con cái họ bị hư hỏng do việc làm sao đỏ.
Nhiều phụ huynh chia sẻ con cái sau mỗi buổi đi học về lại hào hứng kể cho bố mẹ hôm nay phạt được những ai, thu được những cái gì.
Họ lo rằng thứ quyền lực vô hình này sẽ khiến cho con của họ trở thành kẻ hợm hĩnh, bắt nạt bạn bè.
“Nhiều người bạn của tôi có con làm sao đỏ cũng rất lo lắng vì tính nết cháu thay đổi khá nhiều. Họ lo sợ con của họ sẽ bị cô lập hoặc tách biệt bởi những thứ quyền lực vô hình.
Theo tôi trẻ còn nhỏ không nên cho tiếp xúc với quyền lực vì lâu dần cháu sẽ sinh ra sự hợm hĩnh, trịch thượng.
Nhiều bà mẹ kể với tôi là trước khi con họ làm sao đỏ cháu rất ngoan hiền nhưng từ khi làm sao đỏ cháu đã biết bắt đầu trêu chọn bạn bè, thậm chí nhiều cháu còn dọa các bạn để mượn đồ chơi thậm chí là nộp tiền. Điều này rất nguy hiểm”.

Hoạt động của Sao đỏ sẽ trở nên vô cùng hiệu quả nếu như nhà trường xây dựng được mô hình và quản lý tốt. Ảnh: Báo Đăk Lăk điện tử
Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chức danh sao đỏ
Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng lấy ý kiến của rất nhiều chuyên gia và các thầy cô về vấn đề: có nên bỏ chức danh sao đỏ trong trường học hay không? Và chúng tôi cũng nhận được những phản hồi trái chiều.
Theo đó, thầy Bùi Mạnh Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Trưng Vương cho biết: Quan điểm của trường là không thành lập đội cờ đỏ. Các công việc theo dõi, chấm điểm các lớp là của thầy Tổng phụ trách đội.
Một ý kiến khác cũng cho rằng việc trao chức danh sao đỏ cho các em có thể là mầm mống của bạo lực học đường. Hoặc sẽ hình thành cái tính trịch thượng, cậy uy quyền bắt nạt bạn bè.
Ngược với những quan điểm trên thầy giáo Thiên Ấn đưa ra quan điểm không thể bỏ sao đỏ đi được. Lý do thầy đưa ra là đội cờ đỏ trong học sinh vẫn cần thiết để các em, các lớp “tự quản”, thi đua lẫn nhau vào đầu buổi, thời gian nghỉ giải lao…
Nếu việc quản lý đội cờ đỏ tốt thì đây là một mô hình hoạt động hiệu quả sẽ san sẻ bớt gánh nặng quản lý cho các thầy cô.
Như vậy vấn đề: Có nên bỏ đội sao đỏ hay không vẫn còn nhiều tranh cãi và những góc nhìn khác nhau. Nhưng, ngay từ bây giờ các nhà trường cần có những hoạt động và quản lý tổ chức này để phát huy tính hiệu quả và tinh thần “sao đỏ”.
Ninh Vũ
TIN BÀI LIÊN QUAN:
SAO ĐỎ - 'HỒNG VỆ BINH', NỖI ÁM ẢNH CỦA HỌC TRÒ

ĐĂNG BÌNH /GDVN 27-11-2018

Từ cấp tiểu học đến các bậc học phổ thông, trường học nào cũng có đội sao đỏ. Đây là một hình thức tự quản của học sinh.
Mục đích thành lập ra đội sao đỏ là quan sát, theo dõi mọi hoạt động, nề nếp của học sinh trong trường, giúp giáo viên giáo dục những học sinh vi phạm và kịp thời tuyên dương những em có những việc làm gương mẫu, nổi trội. Từ đó, giúp học sinh tự rèn luyện và thực hiện tốt những nội quy của nhà trường đề ra.
Thế nhưng trong thực tế ở một số trường, đội cờ đỏ hoạt động chẳng khác nào đội quân chuyên rình rập, bắt bớ và ra oai với bạn bè. Đã có em còn biết lợi dụng sự sợ hãi của các bạn để mưu cầu lợi ích riêng.
Bởi thế, nói chung ở nhiều trường hiện nay, đội sao đỏ đang trở thành nỗi “ám ảnh” của không ít học sinh trong trường.
Chẳng khác gì canh “tội phạm”
Đứng quan sát một lúc tại bất kì cổng trường nào vào giờ đi học, giờ ra về cũng dễ dàng bắt gặp vài ba em tay lăm lăm cuốn vở và cây viết để sẵn sàng ghi tên những học sinh vi phạm vào sổ.
Có em đi học muộn thấy cờ đỏ đứng canh ngoài cổng đã run sợ rúm ró cả người. Em lấy tay bịt chặt bảng tên trước ngực không cho cờ đỏ ghi tên. Vài ba bạn miệng la lớn, lấy tay vạch áo bạn để ghi bằng được tên.
Có học sinh không có bảng tên nhưng hoảng quá nói đại một tên khác, học ở một lớp khác để thoát tội. Sau đó thì hỉ hả vào khoe với các bạn như một chiến tích đáng tự hào.
Hay cái cảnh cờ đỏ rượt học sinh không đội mũ bảo hiểm chạy thục mạng để xem học lớp nào. Có bạn trống trường vừa điểm chỉ một vài giây nhưng van xin cờ đỏ tha cho để vào lớp mà không được.
Vào đầu mỗi buổi học, học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông đều có 15 phút đầu giờ.
Lớp nào cũng có một cờ đỏ đứng canh ngoài cửa xem lớp có sinh hoạt đầu giờ không? Sinh hoạt có trật tự hay vẫn ồn ào?...Có những học sinh nói rằng mình chỉ hỏi bạn có vài câu cũng bị cờ đỏ ghi ngay vào sổ tội mất trật tự.
Vào những giờ ra chơi, trong khi học sinh vui chơi, đọc sách, cờ đỏ cũng lăm lăm cuốn sổ ngó nghiêng chỉ để tìm bạn nào không mang dép, bạn nào vô ý văng tục…
Nội quy nhà trường có nhiều, sơ sẩy một chút là có tên trong sổ trực. Trường cấm mua hàng rong ngoài cổng, có bạn khát nước quá chạy ra mua bịch nước cũng phải lén la lén lút như người ăn trộm.
Nếu hỏi học sinh “trong trường sợ ai nhất” không ít câu trả lời rằng “sợ nhất đội cờ đỏ”. Bởi, cứ có tên trong sổ cờ đỏ bất cần biết phạm lỗi lần đầu hay thường xuyên vi phạm thì cũng sẽ bị thầy cô nhẹ thì nhắc nhở, nặng sẽ phạt đòn…
Nhiều bạn trong đội cờ đỏ tự cho mình cái quyền nạt nộ, hạch sách các bạn. Các em đội cờ đỏ vui mừng khi thấy bạn van xin, năn nỉ tha cho.
Ý thức được “sức mạnh”, “quyền uy” của mình, không ít cờ đỏ ra oai, lên mặt với các bạn.
Một số học sinh thường xuyên vi phạm cũng sợ mình bị ghi tên nhiều vào sổ đã nghĩ ra nhiều cách lấy lòng đội cờ đỏ như cho tiền mỗi ngày (gọi trắng ra là tiền cống nạp).
Đã có không ít lần chúng tôi phải xử lý tình trạng phụ huynh phản ánh con họ lấy cắp tiền của cha mẹ, truy hỏi kĩ mới biết “hối lộ” cho anh cờ đỏ để khỏi bị ghi tên mỗi khi phạm lỗi.
Xin cho con không làm cờ đỏ
Đã có phụ huynh đến trường đặt vấn đề thẳng với giáo viên “xin cô cho con tôi không phải làm cờ đỏ”.
Hỏi ra được biết “từ ngày cháu làm cờ đỏ tôi thấy nó thay đổi khá nhiều. Tôi sợ có khi con sẽ hư lúc nào không hay”.
Rồi chị kể thường ngày đi học về, cháu hay khoe hôm nay bắt được bạn A nói tục, bạn B đi học muộn hay bạn C mua quà ngoài cổng. Mấy bạn năn nỉ xin gần chết và hứa cho con đồ chơi con mới tha cho. Cái giọng kể đầy tự hào sung sướng.
Có chị lại nói rằng, con mình thay đổi tính nết từ khi vào đội cờ đỏ. Chị cho biết, trước đây cậu bé luôn nhường nhịn và chiều chuộng em nhưng nhiều tháng gần đây không còn điềm đạm, cưng chiều như trước. Không vừa lòng điều gì thì mắng mỏ và lên giọng đàn anh quát nạt.
Theo dõi mãi mới biết con làm trong đội cờ đỏ nên sợ con sẽ học cái tính quát nạt bạn bè sẽ hư.
Có phụ huynh cũng thẳng thắn nói rằng, tôi sợ con nhiễm thói xấu vì nhiều lần nó khoe được bạn cho bánh nên đã không ghi tên bạn vào sổ.
Chuyện theo dõi học sinh để nhắc nhở, giáo dục các em là nhiệm vụ của giáo viên, của giám thị. Đừng khoác trách nhiệm lớn lao này trên đầu con trẻ. Hãy để các em sống vô tư hồn nhiên đúng như tuổi các em cần được hưởng.
Đăng Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét