Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

20181203. BÀN VỀ 'NHÂN VĂN'

ĐIỂM BÁO MẠNG

NHÂN VĂN VỚI AI, THƯA BÁC CẢ TRỌNG ?

LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 2-11-2018


Kết quả hình ảnh cho nguyễn phú trọng

Vừa rồi khi tiếp xúc cử tri, bác cả Trọng cho rằng: “Việc lấy phiếu có tính răn đe, ngăn ngừa, giáo dục, cảnh tỉnh là chính. Đương nhiên, ai thấp dưới 50% là phải xử lý. Vừa rồi may là không xảy ra. Ta chẳng mong gì phải thay cán bộ. Sai rồi phải sửa, thấy rồi thì rút kinh nghiệm. Thế mới là nhân văn, là tốt… Giả sử độ một nửa cán bộ phải thay thì lấy ai làm, có thay kịp không?...”
Bác cả hỏi cử tri, hê, cái gì thì cái chứ gã cũng có cái quyền cử tri thỉnh thoảng có đi bỏ phiếu, gã xin trả nhời bằng hai câu hỏi lại bác cả:
1. Với một bộ máy lãnh đạo đụng đâu cũng tham nhũng, hết tham nhũng quyền lực, tiền bạc đến tham nhũng luật lệ, chính sách mà bác cả quá rành khi chính bác khởi động đốt lò, thì việc QH lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo không ai uy tín thấp dưới 50% là may hay không may cho đất nước?
2. Sai rồi sửa, nhưng sai chính sách, đường lối, cấp càng cao - một ly càng đi hàng dặm là "nhân văn" với quan nhưng khốn khổ dân, vậy khi bác từng nói "lãnh đạo phải lấy lợi ích dân là tối thượng” thì chọn "nhân văn với dân" hay "nhân văn với quan"?
Còn một câu hỏi của bác cả, gã xin trả nhời thẳng. Bác lo ngại "độ một nửa cán bộ phải thay thì lấy ai làm", gã nghĩ phải thay cả 100% vẫn có người làm ngay và giỏi hơn, tốt hơn nếu bác chiêu hiền đãi sĩ trong 90 triệu dân và để 90 triệu dân tiến cử người hiền tài.
Vâng, quả thực loay hoay chọn lãnh đạo chỉ trong tổ chức đảng, trong tầm mắt quanh mình của bộ máy tổ chức lâu nay với các cuộc đua lợi ích nhóm thì xuất hiện nhung nhúc những sâu mọt như Đinh La Thăng, Tất Thành Cang, Lê Thanh Hải, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hoá... mà chính bác vất vả đã và chuẩn bị cho vào lò là chuyện đương nhiên.
Vậy, bác không nghĩ rằng đã đến lúc việc làm quan trọng nhất lúc này, quan trọng hơn cả việc đốt lò đó là phải thay đổi cách thức chọn lãnh đạo đất nước rồi à?
L.T.V.
Nguồn: FB Lưu Trọng Văn


VÌ SAO NGUYỄN PHÚ TRỌNG KHÔNG CÒN 'CHỐNG THAM NHŨNG CẦN NHÂN VĂN?'

PHẠM CHÍ DŨNG/ BVN 4-12-2018

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgsQ3Wso0jUCbwbEbq-IYu93l2iGfm7gs5Ljnby1AUeaCrS3hYPm4KCMyNcqMLRSIDw2irYGNHn4dq2qTmHHVSSsbbervJrRB2cHgUOIzSTnuwe6njo8A6hAOF-DqmJUxp1dT2Y19p-yw/s640/Vo-Kim-Cu.jpg
Võ Kim Cự (phải), nhân vật bị coi là mang Formosa vào Việt Nam, và là tay chân của Nguyễn Phú Trọng đã “hạ cánh an toàn.” (Hình: Getty Images)
Từ sau Đại Hội 12, khi phát động chiến dịch “chống tham nhũng” với khẩu lệnh “việc cần làm ngay” vào Tháng Sáu, năm 2016 và đặc biệt từ sau vụ chỉ đạo bắt Ủy Viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng vào Tháng Mười Hai, năm 2017, dù đằng sau cái tên Nguyễn Phú Trọng đã dần mất đi biệt danh “lú” nhưng cách nói năng của ông ta vẫn hầu như giữ nguyên phong cách chân phương dân dã. Nó bao gồm cả lối nói vo, mà đã tạo nên một vệt logic nếu muốn phân tích và dự báo về chuỗi hành động chính trị tiếp nối của nhân vật này.
Từ quá khứ đến hiện tại
Đã có một sự thay đổi đáng chú ý, nếu không muốn nói là thay đổi lớn, trong phát ngôn về “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng trong thời gian cuối năm 2018, đặc biệt sau cái chết bất ngờ và đầy nghi vấn của Trần Đại Quang vào Tháng Chín, năm 2018, có thể được xem là mốc khởi xướng “giai đoạn 3 đốt lò” của “Tổng chủ” Nguyễn Phú Trọng.
“Thực tế những vụ vừa qua ai cãi được không và tại sao được dân đồng tình như thế. Đây là bài học rút ra để làm tiếp. Các cử tri cứ yên tâm không bao giờ chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi. Ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm” – đại biểu Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng “báo bài” trong một cuộc tiếp xúc cử tri tại hai quận Tây Hồ và Ba Đình thành phố Hà Nội vào ngày 24 Tháng Mười Một, 2018.
Một lần nữa trong khá nhiều lần, ông Trọng “lên gân” về tương lai công cuộc “đốt lò” của ông ta.
Nhưng đã hoàn toàn biến mất hai khái niệm “chống tham nhũng cần phải nhân văn” và “mở đường cho người ta tiến” trong phát ngôn trên của Nguyễn Phú Trọng, nếu so sánh với những phát ngôn về cùng chủ đề của chính ông ta trước đó.
“Ai đã trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa” và “mở đường cho người ta tiến” là những phát ngôn đượm nét xuôi xị của Tổng Bí Thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau Hội Nghị Trung Ương 7 vào Tháng Năm, 2018, cho dù ông Trọng vẫn không quên dùng bổ túc từ “lò đã nóng rực.”
Tại Hội Nghị Trung Ương 7 đã không có bất kỳ xử lý một quan chức nào, thậm chí kết quả này còn tệ hơn cả Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười, năm 2017, khi hội nghị này còn kỷ luật và loại khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương, nhân vật bí thư của Đà Nẵng là Nguyễn Xuân Anh.
“Mở đường cho người ta tiến” là một cách nói của ông Trọng vào năm 2017, trước thời điểm khởi tố bắt giam Đinh La Thăng. Khi đó, ông Trọng còn đang vướng vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” và không biết do chủ ý hay bởi lực bất tòng tâm, ông ta đã không xử lý cựu ủy viên trung ương, cựu bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng – tác giả của 2/3 trong số 12 dự án đầu tư ngàn tỷ đồng bị đắp chiếu gây lãng phí tại Bộ Công Thương, mà chỉ có thể thốt lên “bị kỷ luật như thế đã đủ đau chưa!” – như một cách nói đượm tâm thế bất lực của “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo”.
“Nhân văn” cũng là một từ được “Người đốt lò vĩ đại” – một tụng danh mà Đài Tiếng Nói Việt Nam của Ủy Viên Trung Ương Đảng Nguyễn Thế Kỷ đặc cách dành để tôn cao Nguyễn Phú Trọng – lặp lại một cách đầy chủ ý kể từ lúc được phát ra lần đầu tiên vào trước Tết Nguyên Đán năm 2018. Đó là lần đầu tiên ông Trọng dùng đến khái niệm “chống tham nhũng cần nhân văn” – một biểu hiện cho thấy ông ta thỏa mãn quá sớm với bản thành tích chống tham nhũng còn quá ít ỏi của mình, trong khi tương lai trở thành “bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo” và “lưu danh sử xanh” của ông ta còn xa mới đạt tới.
Sau khi xuất hiện “chủ nghĩa nhân văn Nguyễn Phú Trọng,” đã có một luồng dư luận cho rằng thực ra ông Trọng là người thiếu kiên quyết trong chống tham nhũng và phần đa chỉ là giơ cao đánh khẽ, chủ đích nhằm răn đe để giữ đảng, thu hồi tài sản tham nhũng và lấy tiếng “sĩ phu Bắc Hà” hay “minh quân” cho cá nhân mình.
Những bằng chứng rõ nhất cho dư luận trên là cho tới nay và bất chấp quá nhiều bức xúc của cán bộ lãnh thành và nhiều cử tri Hà Nội, vụ biệt phủ của Phạm Sỹ Quý – em ruột bí thư Tỉnh Ủy Yên Bái Phạm Thanh Trà và vào năm 2017 còn là giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường Yên Bái – vẫn chưa hề được xử lý rốt ráo. Không những không bị “thu hồi tài sản tham nhũng” như một chủ trương lớn của chính ông Trọng, Phạm Sỹ Quý còn được điều chuyển công tác trong cùng tỉnh về một chỗ đảm bảo “an toàn” và quả thực đã an toàn từ đó đến giờ mà không còn bị báo chí nắm tóc dựng dậy.
Từ sau Hội Nghị Trung Ương 6 vào Tháng Mười, năm 2017 và cho đến tận bây giờ, nhiều dư luận xã hội đã đặt một dấu hỏi lớn về liệu đã có một “thỏa thuận ngầm” nào đó giữa người đứng đầu đảng cầm quyền với một thế lực chính trị và nhóm lợi ích nào đó, để những vụ tày trời như Võ Kim Cự – cựu bí thư Hà Tĩnh và bị xem là một trong những thủ phạm gây ra nạn xả thải của nhà máy Formosa làm ô nhiểm biển 4 tỉnh miền Trung, Nguyễn Thị Kim Tiến – đương kim bộ trưởng Bộ Y Tế và là nhân vật phải chịu trách nhiệm về vụ công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả gây phẫn uất trong dư luận, biệt phủ gây phẫn nộ dư luận của Phạm Sỹ Quý… được cho “chìm xuồng”…
Thậm chí Võ Kim Cự còn đang ung dung sang Canada xin định cư như một cách tránh thoát số phận tội đồ của y và đòn trả thù của nhân dân.
Rất tương đồng với những kẻ trên, Trương Minh Tuấn – Bộ trưởng Thông Tin Truyền Thông với dấu hiệu cố ý làm trái và tham nhũng trong vụ AVG – đã được ông Trọng “ẵm” từ chỗ chắc chắn phải tra tay vào còng như Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà… sang cái ghế phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương để ông Tuấn có điều kiện tiếp tục lên lớp báo giới về “đạo đức cách mạng sáng ngời”…
Đến giờ, ông Trọng đã khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ lão thành, công chức và người dân vốn còn nặng tâm lý “theo đảng, tin đảng” một lần nữa vỡ tim vì thất vọng: ông ta chỉ thích đốt “củi rừng” mà không hề muốn chạm đến “củi nhà”.
Cuộc chiến được xem là “chống tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng cũng bởi thế đậm chất thiên vị và một chiều chứ không thể khách quan và công bằng.
Lối trấn an “phòng chống tham nhũng không bao giờ chùn lại” của ông Trọng cũng bởi thế chỉ mang sắc màu “chống tham nhũng một bên”.
Sài Gòn sẽ không còn “nhân văn” và “mở đường cho người ta tiến”?
Logic “chống tham nhũng một bên” và “chỉ đốt củi rừng” đang tiếp tục cái mạch xuyên suốt của nó và phát tiển vào thời “Hậu Quang”.
Ngay sau Đại Hội 12, đã xuất hiện một giả thiết về tương lai lục đục chính trị giữa tân Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang và người đang có ý đồ “nhất thể hóa” là Nguyễn Phú Trọng. Đến năm 2017, đà “chống tham nhũng,” mà chủ yếu là thế tiến công vào “cánh Ba X,” của ông Trọng bị khựng lại với một trong những nguyên do mang tính giả thiết là “lực cản Trần Đại Quang.” Khi đó, đã xuất hiện những thông tin không chính thức về một mối quan hệ gần gũi nào đó giữa Trần Đại Quang và Nguyễn Tấn Dũng. Rồi đến khi nổ ra vụ Vũ “Nhôm” – kẻ được đồn đoán mang họ tên Trần Đại Vũ mà chẳng thấy Bộ Công An cải chính, những giả thiết trên xem ra đã có tính thực tế chứ không đến nỗi hoang đường.
Còn giờ đây, “lực cản” – nếu có thể gọi như thế, đã cùng với Trần Đại Quang ra đi mãi mãi. Chính trường Việt Nam cũng đã biến mất thế lực đối trọng đáng kể cuối cùng trong cuộc chơi với Nguyễn Phú Trọng.
Sau hai chiến dịch “thay máu” Đà Nẵng và Bộ Công An, từ quý hai năm 2018 đến nay đã xuất hiện ngày càng nhiều những dấu hiệu và biểu hiện cho thấy ông Trọng chọn Sài Gòn như một mục tiêu tiến công tiếp theo – mục tiêu chiến lược nằm trên sơ đồ tổng thể Nam Bộ, đặc biệt là khu vực các tỉnh thành ở miền Tây Nam Bộ, nơi mà “người Bắc có lý luận” như ông Trọng muốn “trấn Nam”.
Bàn cờ giai đoạn 3 của “đốt lò” cũng bởi thế nhiều khả năng sẽ tập trung vào Sài Gòn và một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ, và giai đoạn này có thể sâu hiểm nhất, sắt máu nhất, kể cả tàn nhẫn nhất kể từ đầu chiến dịch “đốt lò.” Nhiều quan chức Nam Bộ sẽ chính thức vào “lò” và làm “bạn chăn kiến” với Đinh La Thăng.
Không biết vô tình hay hữu ý, chỉ sau khi Trần Đại Quang chết, cựu Phó Chủ Tịch Sài Gòn Nguyễn Hữu Tín mới chính thức bị bắt giam, dù ông ta đã bị khởi tố bị can vào Tháng Chín, năm 2018.
Nguyễn Hữu Tín không chỉ liên đới mật thiết đến các phi vụ cấp “đất vàng” cho Vũ “Nhôm ở Sài Gòn, mà Tín còn được xem là một “đệ ruột” của “bố già” Lê Thanh Hải – cựu ủy viên Bộ Chính Trị – cựu bí thư Thành Ủy với triều đại của ông Hải đã thống trị Sài Gòn suốt 15 năm.
Cùng lúc, một “đệ ruột” khác của Lê Thanh Hải là Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực Thành Ủy và là con bài đắt giá nhất mà Lê Thanh Hải đã “cài” lại sau khi phải rời bỏ chức vụ vào đầu năm 2016, đang phải chịu nguy cơ không chỉ mất chức vì những sai phạm trong vụ “ăn đất” Nhà Bè và Thủ Thiêm, mà còn có thể vào nhà đá.
Chiến dịch “Bình Nam” của Nguyễn Phú Trọng đã chính thức bắt đầu ở Sài Gòn. Lê Thanh Hải – được xem là nằm trong “phe cánh chính trị Ba X” – đương nhiên là tiêu điểm. Hàng loạt người nhà của Lê Thanh Hải – vợ, con, em trai – đã bị mang ra “đấu tố”…
Vào lần này, hình như sẽ không có “nhân văn” và “mở đường cho người ta tiến.” Có lẽ Nguyễn Phú Trọng, với đà này, sẽ xử gọn, nhanh và mạnh nhóm quan chức Nam Bộ tham nhũng ngập mặt.
Trong khi đó, những Võ Kim Cự, Nguyễn Thị Kim Tiến, Phạm Sỹ Quý, Trương Minh Tuấn và cả bộ Trưởng Giáo Dục Đào Tạo đương nhiệm là Phùng Ngọc Nhạ ở miền Bắc vẫn “ung dung tự tại”
P.C.D.
Tác giả gửi BVN
GỬI NHỮNG "ĐẢNG VIÊN NHƯNG MÀ TỐT"

ĐINH MINH ĐẠO/ BVN 4-12-2018

“Đảng viên nhưng mà tốt”.  Chúng ta cám ơn ai đó đã sáng tạo ra cách gọi thật là chuẩn xác. Chỉ với 5 con chữ mà đầy đủ tính xác thực, hài hước, mỉa mai dễ gợi nhớ như câu tục ngữ, để đặt tên gọi cho những người tốt hiện  còn lại rất ít ỏi trong 4 triệu đảng viên của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN). Có lẽ thực trạng của Đảng, sự tha hóa của hầu hết các đảng viên như : tham nhũng, ức hiếp dân chúng, cửa quyền, gian dối, bảo thủ... là nguồn chất liệu, cảm hứng cho những nhà ngôn ngữ học dân gian sáng tạo ra tên gọi này.
“Đảng viên nhưng mà tốt” đã khái quát tình trạng  hiện nay trong Đảng mà cả xã hội đã thừa nhận : Hầu hết các đảng viên không tốt, không những họ không tốt mà họ là những người xấu. “Nhưng mà” là trường hợp cá biệt, là số ít (hoặc rất ít) không bình thường trong Đảng.
“Đảng viên nhưng mà tốt” thể hiện đặc tính của người Việt Nam, khoan dung, không “vơ đũa cả nắm” ngay cả đối với một tập đoàn đang cai trị, ức hiếp mình dưới một thể chế độc tài Đảng trị.
“Đảng viên nhưng mà tốt” là sự diễn tả chính xác, tài tình, phong phú, thâm thúy của tiếng Việt.
Với khái niệm trên đây, chúng ta mới chứng kiến giáo sư Chu Hảo, một “đảng viên nhưng mà tốt” rời bỏ Đảng.
Là một trí thức, ông đã vào Đảng “với một lý tưởng cao quý là đấu tranh vì độc lập dân tộc vì dân chủ và phát triển đất nước”. Ông viết trong tuyên bố rời bỏ Đảng: “Nhưng càng ngày tôi càng nhận thức rõ hơn rằng tổ chức chính trị mà mình tham gia không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, càng ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại.
Sau khi về hưu, lẽ ra ông có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và dành cho gia đình, nhưng ông đã tiếp tục công việc “khai dân trí”. Nhà xuất bản Trí Thức do ông làm giám đốc mong muốn thực hiện ước mơ xây dựng tủ sách tinh hoa của trí thức thế giới, đã biên dịch, xuất bản những tác phẩm có giá trị về khoa học, kinh tế, chính trị, triết học.
Ông đã tham gia viện nghiên cứu phát triển IDS, ký  các kiến nghị yêu cầu Đảng thay đổi, sửa chữa những chính sách kìm hãm sự phát triển của đất nước. Ông tổ chức đi thăm hỏi, động viên những nông dân bị chính quyền cướp đất và những người tham gia đấu tranh cho tự do, dân chủ bị đàn áp.
Nhưng Đảng đã không để cho ông yên thân làm một “đảng viên nhưng mà tốt”. Cái gọi là UB Kiểm tra Trung ương đã kết tội ông “tự diễn biến, viết bài , phát ngôn, xuất bản những cuốn sách trái với chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước”.
Tuyên bố rời bỏ Đảng của Giáo sư Chu Hảo đã gây một tiếng vang rộng rãi trong nước và quốc tế. Hàng chục “đảng viên nhưng mà tốt”, trong đó có những trí thức có uy tín như nhà văn Nguyên Ngọc, Phó giáo sư Mạc Văn Trang tuyên bố ra khỏi Đảng để phản đối cách hành xử độc đoán, thô bạo của Đảng và đồng hành cùng giáo sư Chu Hảo.
Sự kiện giáo sư Chu Hảo đã phản ảnh bộ mặt thật của Đảng đối với những “đảng viên nhưng mà tốt” còn lại trong Đảng. Đảng lo sợ những “đảng viên nhưng mà tốt” hoạt động mang lại lợi ích cho người dân, cho toàn xã hội nhưng đe dọa đến sự cai trị và tồn tại của Đảng. Lợi ích của Đảng là trên hết. Đảng chụp lên đầu họ tội “tự diễn biến, tự chuyển hóa, nguy hại đến an ninh chính trị của đất nước”. Ông Nguyễn Phú Trọng đã biện minh thật là hồ đồ, gian dối cho việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo: “kỷ luật một người để cứu muôn người”. Ông muốn cứu muôn người là những người nào? Ông muốn che đậy một sự thật, Đảng đang răn đe những đảng viên  “nhạt Đảng” để cứu vãn sự tan rã của Đảng.
Ngày 23-11 vừa qua xã hội Việt Nam đã được chứng kiến một sự việc chưa từng có. 13 nhà báo của báo Thanh Niên đã bị cho thôi chức gồm các vị trí trưởng ban, phó ban vì không phải là đảng viên ĐCSVN. Hành động này chẳng khác nào Đảng nói một cách trắng trợn: này nhé! Nếu các anh vào Đảng, các anh sẽ có chức, có quyền và có tiền. Còn nếu các anh không vào Đảng hay ra khỏi Đảng, các anh sẽ bị trừng phạt dù các anh là những người tốt và có tài. Đây quả thật Đảng tự phơi bày là một tổ chức vụ lợi, độc đoán, phân biệt đối xử, giống như môt tổ chức của những kẻ ganster. Đúng là “mọi người dân đều bình đẳng, nhưng đảng viên được bình đẳng hơn”. Tôi tin rằng, trong 13 nhà báo này, có những người đã không muốn trở thành “đảng viên nhưng mà tốt”, họ là những nhà báo yêu nghề, thạo nghề nhưng không yêu Đảng.
Những sự việc kể trên xẩy ra trong thời gian gần đây chắc hẳn không khỏi làm cho những “đảng viên nhưng mà tốt” hiện còn đang sinh hoạt Đảng suy nghĩ.
Những người đã vào Đảng với  lý tưởng phụng sự đất nước, đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho lý tưởng mà mình đã chọn lựa. Nay đang ở tuổi xế chiều, trăn trở, giận dữ, bất lực, nhiều người đau khổ chứng kiến sự biến chất, tha hóa của Đảng. Những người đang ở lứa tuổi trung niên, vào đảng với lòng hăng hái, nhiệt tình mong muốn đóng góp cho việc xây dựng và phát triển đất nước, sau thời gian hoạt động trong Đảng, họ thất vọng và bị cô lập, lạc lõng trong Đảng.
Chúng ta tôn trọng sự lựa chọn của mỗi “đảng viên nhưng mà tốt”, nhưng tôi muốn trao đổi những trải nghiệm của một đảng viên ĐCSVN đã rời bỏ Đảng cách đây 28 năm.
Tôi vẫn nhớ buổi sáng mùa mưa của Sài Gòn cách đây 28 năm. Nắng trải trên khắp đường phố, những tia nắng xuyên qua các hàng me lấp lánh đầy màu sắc. Dưới nắng, đường phố Sài Gòn càng ồn ào náo nhiệt hơn. Tôi đạp xe tới cơ quan với một tâm trạng nặng nề. Bước vào văn phòng đảng ủy cơ quan, tôi đặt tấm thẻ Đảng và nói lý do trả lại thẻ để ra khỏi Đảng. Ông Bí thư đảng ủy, một thương binh chống Mỹ không phản bác những lý do mà tôi đưa ra, nhưng ông chân thành khuyên tôi nên tiếp tục sinh hoạt Đảng, Đảng sẽ chấn chỉnh, thay đổi để lấy lại lòng tin và uy tín với quần chúng. Tôi để lại tấm thẻ Đảng, cám ơn ông và ra về.
28 năm đã trôi qua, nhớ lại lời ông Bí thư đảng ủy, tôi thấy tội nghiệp cho ông, ông đã ngây thơ tin vào sự tự sửa chữa của Đảng. Đảng không những đã không sửa chữa mà còn trượt dài trên con đường tha hóa, độc tài và tham nhũng. Đảng đã mất hết lòng tin đối với nhân dân và trở thành vật cản cho sự xây dựng và phát triển đất nước.
Phần tôi, sau khi rời bỏ Đảng thấy mình như đã dứt bỏ được mặc cảm đồng lõa với tội lổi, tôi đã đứng hẳn về phía lẽ phải, có thái độ dứt khoát, rõ ràng trước những tội ác của Đảng.
Sau này sang sinh sống tại Ba Lan, tìm hiểu lịch sử, tôi được biết, trong cuộc đấu tranh để loại bỏ chế độ độc tài cộng sản, hàng vạn đảng viên Đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (đảng cộng sản) đã từ bỏ đảng để gia nhập Công đoàn Đoàn Kết, góp phần vào cuộc đấu tranh không sử dụng bạo lực, chuyển đổi Ba Lan từ thể chế độc tài cộng sản sang thể chế tự do dân chủ, Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan với 2 triệu đảng viên đã tan rã. Ngày nay nhân dân Ba Lan được sống trong một xã hội tự do dân chủ, đất nước phát triển đem lại công bằng, hạnh phúc, no ấm cho mọi người dân.
Để kết luận cho bài viết, tôi xin mượn lời của cựu Tổng bí thư Đảng CS Liên Xô Mikhail Gorbachov: “Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng, cộng sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”.
Những “đảng viên nhưng mà tốt” có nên tự giam giữ mình trong một tổ chức như vậy không?
Đ.M.Đ.
Tác giả gửi BVN

XÚC PHẠM QUỐC KỲ

ĐỖ THÀNH NHÂN/ BVN 2-12-2018

Trên mạng đưa tin, Huỳnh Thục Vy bị kết án 33 tháng tù giam vì tội “xúc phạm Quốc kỳ” theo điều 351, Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13: “Điều 351. Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca: Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”
Quốc kỳ theo Hiến pháp 2013: Điều 13, Khoản 1 “Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.”
Định nghĩa “xúc phạm: (là động từ) động chạm đến, làm tổn thương đến cái cao quý, thiêng liêng cần phải giữ gìn”
Trên cơ sở Hiến pháp, Luật và ngôn ngữ, xin phân tích việc Huỳnh Thục Vy bị kết án 33 tháng tù giam dưới góc độ nhận thức chung của xã hội.
***
I. Hiến pháp chỉ mô tả Quốc kỳ, hoàn toàn không có một chữ nào nói Quốc kỳ là “cái cao quý, thiêng liêng cần phải giữ gìn”.
Cho nên định tội “xúc phạm Quốc kỳ” là hoàn toàn mơ hồ, cảm tính của những người nắm quyền lực. Khi Quốc kỳ không phải là cái “cao quý, thiêng liêng” mà chỉ mang tính biểu tượng; thì người ta thể hiện tình cảm như thế nào với cái biểu tượng đó là quyền con người được Hiến pháp công nhận.
Thực tế đại đa số Quốc kỳ được làm bằng vải. Vậy thì xin hỏi tất cả mọi người mảnh vải đó đến khi cũ rách thì người ta sẽ làm gì?
Người giàu vứt vào giỏ rác chung với những thứ bẩn thỉu nhất trong gia đình, ở nông thôn vứt vào bếp. Người nghèo tái sử dụng: lau nhà, lau bàn ghế, thậm chí làm tả lót cho các cháu bé mới sinh. Tất cả những người này đều có đầy đủ nhận thức hành vi, cho nên tất cả những người này đều phạm tội “cố ý xúc phạm Quốc kỳ”. Tôi cũng xin tự thú đã từng phạm tội này.
Nếu Huỳnh Thục Vy xịt sơn vào lá cờ, có nghĩa là miếng vải này không còn là “Quốc kỳ” nữa (chưa biết kích thước có phù hợp với quy chuẩn Quốc kỳ hay không); thì không thể nói là Huỳnh Thục Vy “xúc phạm Quốc kỳ” được.
Hồi nhỏ, Mẹ tôi thường lấy cờ cũ may quần xà lỏn cho anh em chúng tôi mặc; nếu có xúc phạm thì phải gọi là “xúc phạm quần xà lỏn” (hoặc cái trong quần xà lỏn) mới phù hợp.
Các quan tòa hoàn toàn suy diễn để buộc tội:
1. Hành vi cắt lá cờ (may xà lỏn của Mẹ tôi), phun sơn lên lá cờ (Huỳnh Thục Vy), … không thể xác nhận là hành vi “xúc phạm” (dù vô tình hay cố ý);
2. Một miếng vải khi đã không phù hợp quy chuẩn theo Hiến pháp (như: không còn là hình chữ nhật, tỷ lệ dài = 1,5 rộng; không còn nền đỏ hay sao vàng 5 cánh) thì không thể gọi là “Quốc kỳ” được.
Cho thấy chính các quan tòa đã cố tình chà đạp lên Hiến pháp.
II. Chỉ ra tội “xúc phạm Quốc kỳ”
Xét trên 3 yếu tố Hiến pháp, Luật và ngôn ngữ ở trên; tôi chỉ ra tội “xúc phạm Quốc kỳ”và đề nghị Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa thực thi công lý:
1. Sau những trận bóng đá, nếu đội tuyển Việt Nam thắng thì còn đỡ, đội tuyển thua thì những lá cờ được đối xử chẳng khác gì tác nhân gây ra thất bại; hình ảnh phản cảm rất nhiều đề nghị cộng đồng mạng cung cấp hình ảnh để cơ quan chức năng xử phạt tội “xúc phạm Quốc kỳ”.
Tôi chỉ đưa ra một hình ảnh mà ngay cả phạm trù đạo đức cũng không chấp nhận (xem hình):

clip_image002
2. Để cấu thành tội “xúc phạm” thì Quốc kỳ phải là cái “cao quý, thiêng liêng”.
Tuy nhiên, trong nhiều sự kiện trọng đại của quốc gia, địa phương bên cạnh Quốc kỳ là tấm vải cùng màu và kích thước, nhưng có hình búa liềm, tạm gọi là cờ đỏ búa liềm (xem hình):

clip_image004
Hiến pháp thừa nhận và tôn vinh Quốc kỳ, nhưng không có dòng nào nói về “cờ đỏ búa liềm”.
Rõ ràng đặt một vật “cao quý, thiêng liêng” ngang hàng với một vật khác không được định danh; chẳng khác gì đưa một người không tên tuổi, tiếp đón nguyên thủ quốc gia trong ngoại giao. Chính điều đó mới là sự xúc phạm: Quốc kỳ và Quốc thể.
Lịch sử ghi nhận trong những giờ phút trọng đại nhất, như: trên lễ đài ngày ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, hay hình ảnh các đoàn quân đánh chiếm Việt Nam cộng hòa, hoàn toàn vắng bóng “cờ đỏ búa liềm”; nhưng đến khi hòa bình thì “cờ đỏ búa liềm” lại sánh ngang với Quốc kỳ: đó là một sự xúc phạm.
clip_image006

clip_image008
Ghi chú: búa liềm và quốc tế ca dành cho các nghi thức của những người cộng sản; còn Quốc kỳ và Quốc ca của nhân dân.
3. Sự kiện ngoại giao tổ chức ở Việt Nam “Đối ngoại Quốc hội trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng” được đưa lên chương trình thời sự VTV1 lúc 19 giờ ngày 16/8/2018: Hoàn toàn không có Quốc kỳ (hay biểu tượng của Quốc kỳ).
Là người từng sống ở miền Nam trước 1975, tôi thấy phông nền phía sau diễn đàn được cách điệu rất đẹp. Xem hình:
clip_image010

clip_image012
Tuy nhiên hình ảnh này có thể vẫn bị suy diễn là … “xúc phạm”, nặng hơn là “phản động”.
***
Cảm thán!
Rõ ràng kết án Huỳnh Thục Vy xịt sơn lá cờ, tịch thu áo nền vàng 3 sọc đỏ với 33 tháng tù giam là bản án của rừng rú hoang dã của loài thú ăn thịt; hoặc là “một bản án bất công và là một vụ án có nhiều động cơ chính trị” theo luật sư Đặng Đình Mạnh (BBC)
Với hệ thống tư pháp này thì mọi người dân đều có khả năng bị kết án tù với tội danh “xúc phạm Quốc kỳ” như phân tích ở phần I, cũng như tội danh “bôi nhọ lãnh đạo”!
Mong được an toàn, từ nhiều năm nay tôi không mua cờ để cắm nữa; đơn giản là vì sau một năm cờ cũ rách không biết làm gì để khỏi phạm tội. Đến khi bầu cử là gạch tên tất cả để xác nhận không có lãnh đạo tránh phải phạm tội “bôi nhọ”.
Đ. T. N.
Tác giả gửi BVN

ĐẾ QUỐC, CHÚNG MÀY ĐANG Ở ĐÂU ?

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 2-12-2018

Trong tiếng Việt từ Đế Quốc có một số nghĩa khác nhau. Thứ nhất là danh hiệu một quốc gia. Vương quốc là nước có Vua (Vương). Đế quốc là nước có Hoàng Đế. Năm 1945 Chính phủ Trần Trọng Kim đã tự xưng, Việt Nam là một Đế Quốc, do Hoàng đế Bảo Đại đứng đầu. Nghĩa thứ hai được lưu truyền rộng rãi, rằng đế quốc là giai đoạn cuối cùng của chủ nghĩa tư bản, rằng đó là bọn người chuyên dùng sức mạnh để mở mang thế lực, bắt các nước khác làm tay sai, làm nô lệ.
Trước đây phổ biến rộng rãi luận điểm phe đế quốc do Mỹ cầm đầu và nhiều tai họa của nhân loại là do đế quốc gây ra. Tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả của Cách mạng. Việt Nam đã từng tự hào là đội quân xung kích chống đế quốc.
Từ đầu thế kỷ 21 những văn bản và tuyên truyền chính thức của nhà nước hầu như không nhắc gì đến nghĩa vụ chống đế quốc trong hiện tại và tương lai. Hình như có sự công nhận ngấm ngầm rằng nhận định của các ĐCS trong thế kỷ 20 về chủ nghĩa đế quốc Mỹ là không phản ảnh đúng sự thật.
Tuy thế trong nhiều bài của tuyên truyền viên và trí thức CS, của bọn dư luận viên và bút nô, vẫn quy kết nhiều thứ “tự diễn biến” thuộc tư tưởng và chính trị của các đảng viên CS cho bọn đế quốc và bè lũ tay sai của chúng. Họ viết và nói lảm nhảm, chung chung, không chỉ ra được bọn đế quốc đang là ai, ở đâu, tổ chức như thế nào.
Khác với trước đây, hễ nói đến đế quốc thì mọi người đều hướng về Mỹ. Ngày nay họ không thể chỉ ra đế quốc đang ở đâu, nhưng vẫn cứ nói và viết. Họ không muốn hoặc không thể suy nghĩ, chỉ nhai lại các luận điệu cũ rích về đế quốc, phản động, thế lực thù địch.
Rõ ràng hiện nay, các lãnh đạo của VN sung sướng, tự hào khi được đến Mỹ, dân Việt Nam vui mừng, hồ hởi đón các Tổng thống Mỹ. Đa số dân Việt đã biết tương đối rõ rằng nước Mỹ, dù cho còn một số thói hư tật xấu, vẫn là biểu trưng cho tự do, dân chủ, văn minh, rằng trước đây vì khờ dại theo Xit và Mao mà nhận nhầm, mà quy kết Mỹ là kẻ thù của nhân loại yêu hòa bình. Trong tình hình như hiện nay mà có kẻ vẫn nói, vẫn viết rằng, đế quốc Mỹ là kẻ thù của dân tộc Việt Nam thì, nếu không mất trí cũng là kẻ quá ngu đần, bất chấp sự thật hiển nhiên.
Khi Mỹ không phải là tên đế quốc đầu sỏ, không phải là kẻ thù của nhân loại tiến bộ, thì thế lực nào đang là mối nguy hiểm của thế giới. Đó là bọn bành trướng Đại Hán, là Đảng Cộng sản Trung Quốc với Tập Cân Bình chứ còn ai nữa. Chúng nó dùng tiền và nhiều thủ đoạn để mua chuôc, thao túng lãnh đạo các nước nghèo và yếu hoặc mới nổi, để rồi đưa các nước này sập vào bẫy nợ mà lệ thuộc vào chúng nó, mất tài nguyên, đất đai, biển đảo, chủ quyền vào tay chúng nó.
Một số nước đã tỉnh ngộ, tìm cách quẫy đạp để thoát bẫy, như Malaysia, Myanmar. Thế nhưng lãnh đạo của VN vẫn ôm chặt chân chúng nó, càng ngày càng lệ thuộc. Rồi các tuyên truyền viên, các trí thức của Đảng, các dư luận viên và bút nô không dám đụng đến một sợi lông chân chúng nó, họ thi nhau đổ lỗi cho thế lực đế quốc không biết ở đâu, đã gây ra “tự diễn biến” làm suy yếu một thứ chưa hiện hữu là chế độ XHCN.
Bọn đế quốc, chúng mày đang ẩn nấp ở đâu? Hãy chường mặt ra để tiếp nhận những đòn sấm sét từ các loại tuyên truyền của những kẻ ngu tín, cuồng tín đang sống bám vào Đảng Cộng sản VN.
N. Đ. C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét