Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

20180430. BÀN VỀ 'LỰC' CHỐNG GIẶC NỘI XÂM

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐÔI ĐIỀU VỀ CÁC LOẠI 'LỰC' TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NỘI XÂM

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 28-4-2018

Ảnh minh họa: Quantri.vn
Có nhiều loại loại “lực” ảnh hưởng đến công cuộc chống giặc nội xâm mà Đảng, Nhà nước đang tiến hành, chẳng hạn: Quyền lực, Năng lực, Nội lực, Động lực, Hấp lực, Ma lực…
Mỗi loại lực có ảnh hưởng và tầm tác động khác nhau và người viết không có tham vọng cũng như không đủ kiến thức để đi sâu phân tích.
Trong loạt bài này chỉ là những điều nhiều người đã nói, đã viết, thêm vào đôi chút thiển kiến để ai muốn đọc thì đọc, ai không muốn thì thôi.
Lãnh đạo (hay cai trị) một quốc gia, trước hết phải nói đến Quyền lực.
Quyền lực thể hiện ở hai đặc điểm: “Tầm ảnh hưởng và khả năng điều khiển”.
Việc thâu tóm quyền lực không thể đạt được chỉ bằng năng lực mà còn phụ thuộc vào thời vận, tương quan sức mạnh giữa các lực lượng chính trị,…
Trường hợp người ta có được quyền lực nhờ sự trợ giúp về kinh tế, quân sự từ các thế lực nước ngoài hoặc sự thỏa hiệp của các phe nhóm trong nước thì người nắm quyền nói chung không thể có “tầm ảnh hưởng” cũng như khả năng “điều khiển”.
Quyền lực vốn tự do nhưng sẽ mất tự do khi bị chiếm dụng.
Một khi “Quyền lực trong tay kẻ mạnh” thì bản thân quyền lực cũng trở thành tù binh, cũng bị mất tự do như chính thể chế mà quyền lực đó chi phối.
Trường hợp bị chiếm dụng một cách bất hợp pháp, quyền lực bị biến thành công cụ đàn áp dân chúng, nếu được ủy thác hợp pháp, quyền lực giúp lực lượng lãnh đạo quản lý đất nước.
Lịch sử đã chứng minh, kẻ yếu không thể duy trì quyền lực lâu dài, có chăng chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi trước khi bị lực lượng mạnh hơn giành mất.

Tại các quốc gia - trừ các nước theo thể chế quân chủ kiểu cũ - quyền lực nằm trong tay một hoặc một liên minh các đảng phái chính trị, dẫu có thế thì quyền lực cuối cùng cũng được trao vào tay một cá nhân được lựa chọn qua bầu cử hoặc được các phe phái hiệp thương đưa lên vị trí lãnh đạo.“Đẩy thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, câu nói này cho thấy để duy trì quyền lực không cách nào hơn là dựa vào dân, hợp lòng dân thì tồn tại, trái ý dân thì sớm muộn cũng bị lật đổ.
Sự hiệp thương, nói theo ngôn ngữ thông thường là “mặc cả” giữa các thế lực chính trị là nguyên nhân khiến không ít trường hợp, người trở thành lãnh đạo không phải là nhân vật kiệt xuất.
Những người tài năng “thường thường bậc trung” được hiệp thương lựa chọn, đặt vào vị trí cao nhất thường không được trao quyền lực trọn vẹn.
Phần lớn trường hợp chỉ là để các phe phái dễ thao túng, những người như thế không mấy khi mang lại ích lợi gì cho quốc gia, dân tộc.
Mang danh nghĩa người đứng đầu, thực chất họ không có quyền để quyết bất kỳ vấn đề trọng đại nào.
Một khi đi đây, đi đó, phát biểu này nọ đều phải dựa vào tờ giấy đã được chuẩn bị sẵn, người ta dễ nhận thấy hình hài một con rối trong bộ vest lịch lãm.
Với mỗi quốc gia, quyền lực phụ thuộc vào điều gì?
Lấy ví dụ bốn siêu cường đứng đầu thế giới về sức mạnh tổng hợp quân sự - kinh tế là Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản.
Mỹ và Nhật có sự cân bằng giữa ba nhánh quyền lực, Nga và Trung Quốc dường như quyền lực tập trung vào Tổng thống hoặc Chủ tịch mặc dù vẫn có hai nhánh quyền lực khác là Lập pháp và Tư pháp.
Mỹ theo thể chế tam quyền phân lập trong khi Nhật lại theo chế độ quân chủ lập hiến, tại các quốc gia theo thể chế này vua được coi là nguyên thủ nhưng chỉ đóng vai trò danh dự, quyền hành pháp trong tay Thủ tướng.
Tại Mỹ, ông Donal Trump giành được 306 phiếu đại cử tri (bà Clinton được 232 phiếu), tính ra tỷ lệ phiếu đại cử tri bầu cho ông Trump chỉ là 56,87%.
Tại Nhật Bản, có 312/465 hạ nghị sĩ bầu cho ông Shinzo Abe, còn tại thượng viện ông Abe nhận được 151 trên 242 phiếu ủng hộ để trở thành Thủ tướng.
Tỷ lệ bầu cho ông Shinzo Abe lần lượt là 67% và 62,4%.
Liên bang Nga là một hình mẫu có thể xem là hơi đặc biệt.
Đầu năm 2018, ông Putin trúng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư với tỷ lệ phiếu là 76,7%.
Tại quốc gia này, thể chế “tam quyền phân lập” không thật sự rõ ràng, Tổng thống không gặp nhiều khó khăn từ Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện), quyền lực của Tổng thống gần như bao trùm mọi lĩnh vực và đôi khi có vẻ lấn sang cả lập pháp và tư pháp.
So về tiềm lực kinh tế, Nga chỉ mấp mé top 10 thế giới nhưng tiềm lực quốc phòng của họ lại đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Tại Trung Quốc, ông Tập Cận Bình được 100% đại biểu Quốc hội bầu là Chủ tịch nước.
Như thế, ở Trung Quốc, người đứng đầu đảng cũng là nguyên thủ quốc gia.
Với thể chế chính trị khác người như vậy, Trung Quốc lại chiếm vị trí thứ hai thế giới về kinh tế, thứ ba thế giới về quân sự và đang đe dọa vị thế số 1 của Mỹ.
Dù thể chế chính trị có khác nhau song có một thực tế không thể phủ nhận là bốn quốc gia nêu trên đều là những quốc gia hùng cường với sức mạnh kinh tế, quân sự lấn át nhiều nước nếu không nói là phần còn lại của thế giới.
Vậy vị thế quốc gia được quyết định bởi thể chế chính trị hay tài năng người đứng đầu?
Các dẫn chứng nêu trên cho thấy, vị thế một quốc gia không hoàn toàn phụ thuộc vào thể chế chính trị.
Bằng vào chủ trương, quyết sách hợp lý, với tài năng của người đứng đầu, sự nhanh nhạy của ekip lãnh đạo, cả bốn quốc gia Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật dù khác nhau về thể chế song đều là những quốc gia mạnh nhất thế giới cả về quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm.
Cho đến nay thu nhập bình quân của Việt Nam khoảng hơn 2.300 USD còn Trung Quốc đã là 8.000 USD.Lấy Trung Quốc để so sánh, thể chế chính trị Việt Nam và Trung Quốc là tương đồng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945, bốn năm sau - vào năm 1949 - nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa mới ra đời.
Việt Nam tương đương Nhật Bản, Đức về diện tích và dân số: Nhật rộng 379.067 km2, dân số khoảng 120 triệu người; Đức rộng là 357.021 km², dân số khoảng 82 triệu người; Việt Nam diện tích 331.210 km², dân số gần 100 triệu người.
Thể chế chính trị hoàn toàn khác nhau, tiềm lực kinh tế, quốc phòng hai nước này vượt hơn hẳn Việt Nam.
Bằng vài phân tích nêu trên, có thể thấy bộ máy lãnh đạo, năng lực người đứng đầu, quyền lực mà họ (và bộ tham mưu của họ) có được đóng vai trò không hề kém so với thể chế chính trị.
Vậy nên Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng yếu kém về kinh tế, tham nhũng tràn lan, lòng dân bất an thì trước hết phải có một đội ngũ lãnh đạo sáng suốt, một người đứng đầu đủ mưu lược và dũng khí đương đầu với các tập đoàn tội phạm mà chúng ta quen gọi là “nhóm lợi ích”.
Bên cạnh đó cần những cải cách thể chế để có một nhà nước minh bạch, thượng tôn pháp luật.
Điều mà dân chúng mong muốn không phải là ai lãnh đạo mà là họ lãnh đạo như thế nào.
Để duy trì vị thế lãnh đạo, trước mắt phải làm trong sạch lực lượng lãnh đạo tức là đảng viên và các tổ chức của đảng.  
Gốc rễ của vấn đề nằm ở chỗ cho đến trước Đại hội Đảng lần thứ 12, dường như các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều ngại chỉ đích danh những phần tử “nằm vùng” trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp, chẳng hạn mấy viên tướng Công an, một số lãnh đạo tỉnh, trung ương mới bị khởi tố hoặc bị các hình thức kỷ luật đảng.
Muốn công phá các “nhóm lợi ích” khi mà chúng đã bén rễ rất sâu vào cơ quan công quyền, đặc biệt là cơ quan bảo vệ pháp luật thì người đứng đầu phải nắm trong tay vũ khí đủ mạnh.
Nói cách khác, đây là giai đoạn phải tập trung quyền lực, tất cả công cụ chuyên chính phải được trao vào tay người dũng cảm, chấp nhận hy sinh vì lợi ích quốc gia, dân tộc chứ không phải chỉ vì sự sống còn của tổ chức.
Hiện thời, vẫn có một độ trễ nhất định về thời gian giữa kỷ luật của Đảng và xử lý của các cơ quan chính quyền, Quốc hội, giữa mức độ kỷ luật Đảng với việc xử lý sai phạm theo Bộ Luật Hình sự, ngược lại cũng có những vấn đề mà Chính phủ chỉ đạo, được dư luận ủng hộ nhưng lại chưa được áp dụng bên cơ quan Đảng.
Xin nêu hai ví dụ minh họa cho nhận định này:
Thứ nhất, tại phiên họp thứ 15 của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cuối tháng 6/2017, Phó Bí thư Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh bị đánh giá là mắc khuyết điểm nghiêm trọng.
Do bà Thanh khiếu nại, tháng 11/2017 Ban Bí thư y án kỷ luật cảnh cáo bà Phan Thị Mỹ Thanh (Vietnamnet.vn 24/11/2017).
Đến phiên họp thứ 23 (12-12/3/2018) Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiếp tục xem xét và kết luận vi phạm của bà Thanh là “rất nghiêm trọng”.
Vậy là qua 9 tháng, mức độ sai phạm tăng từ “nghiêm trọng” lên “rất nghiêm trọng” vì sao bà Thanh vẫn chưa bị bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội, vẫn còn là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai?
Sự chậm trễ tới gần 1 năm của Quốc hội có phải là vướng những quy định pháp luật hay còn phải chờ quyết định cuối cùng từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương?
Thứ hai, Thủ tướng Chính phủ nêu quan điểm “Chính phủ không bán bia, không bán sữa” nhằm tập trung vào công tác quản lý vĩ mô.
Nhiều đơn vị 100% vốn nhà nước đã được chào bán cho tư nhân trong và ngoài nước theo chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, vậy thì Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có nên duy trì việc kinh doanh đất đai, bất động sản?
Và một câu hỏi cần phải đặt ra, để tránh xuất hiện thêm những “Út trọc”, “Vũ nhôm” hay Tân Thuận trong tương lai, các cơ quan liên quan có nên xem xét lại chủ trương tham gia làm ăn kinh tế thuần túy (ngoại trừ sản xuất phục vụ nhu cầu trang bị cho lực lượng vũ trang)?Vụ bán 32 ha đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè mà công ty Tân Thuận (trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện gây xôn xao dư luận vừa qua có phải chỉ là cá biệt, đặc thù của thành phố này hay cũng còn những vụ việc tương tự ở nơi khác?
Có thể thấy, để đạt thắng lợi trong cuộc chiến chống nội xâm, trước hết phải làm trong sạch tổ chức, nếu nội bộ trong chưa thông suốt, vẫn còn ai đó chưa chịu “dẹp sang bên” hoặc chưa bị bắt buộc “dẹp sang bên” thì rất khó chỉ đạo bên ngoài.
Trở lại vấn đề tập trung quyền lực, sẽ có những nghi ngại nếu quyền lực tập trung quá lớn dễ dẫn tới độc quyền, nghi ngại như vậy không sai nhưng cần đặt trong bối cảnh hiện tại.
Thay đổi một nền kinh tế lạc hậu nhiều thập niên so với thế giới (năng suất lao động trì trệ đến mức chỉ bằng 1/20 Singapore); một không gian văn hóa, đạo đức xuống cấp nghiêm trọng; kỷ cương phép nước bị xem thường, một đội ngũ cán bộ công chức “đông như quân Nguyên” nhưng không ít “cắp ô”, hoặc “tham nhũng vặt” thì có cần một bàn tay sắt?
Nếu cứ để diễn ra tình trạng xem xét kỷ luật một lãnh đạo cấp tỉnh mất gần một năm như trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh thì thời gian đâu để lo việc quốc gia đại sự?
Một khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm của đảng viên là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì cần phải xem tương đương với các tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng mà Bộ Luật Hình sự quy định.
Dân chúng sẽ không phục nếu một đảng viên mắc sai phạm “rất nghiêm trọng” nhưng lại không bị xử lý về mặt pháp luật, nhiều trường hợp chỉ là “nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Nhiều ý kiến cả trong và ngoài nước cho thấy chiến dịch chống tham nhũng từ sau Đại hội 12 đã thể hiện không có vùng cấm, đã động chạm đến những “nhóm lợi ích” mạnh về kinh tế và lực lượng, những vùng đất vốn được xem là địa bàn “nhạy cảm” như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh,…
Quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của Trung ương thể hiện qua cảnh báo: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang bên để người khác làm”.
Không phải là không có trường hợp người ta không “dẹp sang bên” mà còn ngáng đường, còn lợi dụng số đông để cản trở tiến trình chống tham nhũng trong khi số đông không phải lúc nào cũng đúng, điều này có thể thấy trong thông báo kết thúc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa 11:
Bộ Chính trị đã thống nhất cao tự nhận và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét có hình thức kỷ luật khiển trách về trách nhiệm chính trị đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị…
Sau khi thảo luận, cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu quyết định không kỷ luật Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị”.
“Không kỷ luật Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị” là trái với tinh thần “thống nhất cao tự nhận hình thức kỷ luật khiển trách” của Bộ Chính trị.
Chống nội xâm nếu có một bàn tay “sắt và sạch” thì có nên trao toàn quyền hành động?
Ý của người viết là “trao quyền” chứ không phải là “giành quyền”.
Năng lực có nổi trội đến mấy mà không được trao quyền lực thì cũng bó tay trước căn bệnh đã trở thành kinh niên trong xã hội Việt Nam hiện tại.
Trao quyền là danh chính ngôn thuận, là biểu hiện sự tin tưởng của dân đối với người được lựa chọn, và đương nhiên dân sẽ không nhầm lẫn trao quyền cho người nhụt ý chí, cho kẻ đầu cơ chính trị, nhất là những kẻ “nằm vùng” trong bộ máy.
Và Nhân Dân, tin vào chủ trương, đường lối cũng như người lãnh đạo nhưng sẽ vẫn luôn nhớ lời người chiến sĩ cộng sản Tiệp Khắc G. Phuxích trong tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ”:
“Hỡi nhân loại, ta yêu người nhưng hãy cảnh giác”.
(còn nữa)
Xuân Dương


CHÍNH TRƯỜNG KHÔNG PHẢI LÀ NƠI TRƯNG BÀY LÒNG TỪ THIỆN, HAY CỦA KẺ YẾU BÓNG VÍA
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 1-5-2018
Ảnh minh họa: Shutterstock

Sau Quyền lực cần phải nói đến Năng lực.
Năng lực cùng với Quyền lực tạo nên “Quyền năng” tức là khả năng chi phối, định đoạt (số phận, mọi hoạt động,…) các đối tượng liên quan.
Năng lực của một cá nhân là “vốn tích lũy”, một phần do trời sinh, một phần do học tập, rèn luyện, thu thập từ cuộc sống.
Dưới bất kỳ góc độ nào, những người trở thành Tổng thống, Chủ tịch, Thủ tướng,… thông qua các cuộc bầu cử ít nhiều đều phải có năng lực thu hút (cũng có khi là lừa dối) cử tri.
Trường hợp trở thành người đứng đầu thông qua các cuộc ngã giá phía hậu trường không nhất thiết phải có năng lực nổi trội.
Bình luận về tác phẩm Quân vương của Nicolas Machiavel, nhiều tác giả có chung nhận định: “Những người mưu mẹo, xảo quyệt dễ thành công hơn người lương thiện”.
Không thể ngây thơ cho rằng người mưu mẹo, xảo quyệt là không có năng lực, tuy nhiên loại người này sau khi thâu tóm quyền lực sẽ nhanh chóng trở thành chiếc “thớt tanh tao” thu hút “ruồi muỗi”, kẻ trí giả sẽ xa lánh, dân chúng sẽ phẫn nộ, sớm muộn rồi cũng sẽ bị vạch mặt, bị cho vào thùng rác lịch sử.
Những kẻ đầu cơ chính trị, những kẻ “buôn vua” thời nào cũng có và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Lên án hoặc phê phán những kẻ đó nhưng cũng không nên xem họ là kẻ bất tài bởi thâu tóm quyền lực, tập hợp được quanh mình một lực lượng hùng hậu khuynh đảo chính trường không bao giờ là kẻ dốt nát, không phải là kẻ không có năng lực lãnh đạo.
Không phải là vô cớ mà nhiều người đều thống nhất nhận định chính trường là vũ đài trình diễn năng lực của những người giỏi thủ đoạn, mưu mô, dối trá chứ không phải nơi trưng bày lòng từ thiện, kẻ yếu bóng vía không thể trụ nổi.
Trong khi những người được xem là đại diện cho cái tốt - các vị sáng lập tôn giáo, các triết gia - thống trị thế giới về tư tưởng thì nhiều kẻ không phải như vậy lại thống trị thế giới thực, tức là xã hội loài người.
Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” kéo dài hơn 30 năm tính từ Đại hội Đảng VI năm 1986, là cuộc chiến kéo dài nhất lịch sử Việt Nam hiện đại (chống Pháp 1945-1954, chống Mỹ 1954-1975, chống Tàu 1979-1988,…) và cho đến nay vẫn còn tiếp tục.
Vì sao cuộc chiến này kéo dài nhiều thập niên đến thế?
Có thể nguyên nhân là do đánh giá sai về lực lượng tham nhũng, đặc biệt là chưa dành cho thủ lĩnh tham nhũng sự tôn trọng đúng mức khiến cho lực lượng này âm thầm phát triển, bám sâu, leo cao vào mọi ngõ ngách của thể chế.
Coi thường kẻ địch luôn là nguyên nhân dẫn tới thất bại.
Tham nhũng trở nên phổ biến, trở nên nhức nhối bởi có lúc tập đoàn này đủ khả năng biến pháp luật thành “đường cong mềm mại”, khiến người dân phải lo sợ cho sinh mạng chính trị của mình và không ít người thẳng thắn, trung thực phải cúi đầu im lặng.
Quyến rũ kẻ tham địa vị, lừa gạt kẻ cả tin và tuân theo nguyên tắc bất di bất dịch “Không bao giờ tuân theo nguyên tắc”, đó là phác thảo sơ bộ của “nhóm lợi ích” mà dư luận quen gọi là những kẻ tham nhũng.
Với những kẻ như thế, khoan dung, mềm mỏng, thuyết phục hầu như không có tác dụng.
Muốn chiến thắng trong cuộc chiến, cần phải thu thập kinh nghiệm, bài học từ chính những kẻ “ăn của dân không từ thứ gì” để lập kế sách đối phó theo kiểu “gậy ông đập lưng ông”.
Sự phát triển tham nhũng đến mức như ngày nay là quá trình tích lũy nhiều chục năm, khiến các “hậu duệ tham nhũng” đã kịp biến đổi gen, năng lực “kháng luật” của chúng có vẻ như đã gần hoàn thiện.
Giống như loài ong, khi một con ong chúa tách khỏi đàn thì lũ ong thợ sẽ bay theo, chiếc tổ cũ chỉ còn con ong chúa già, nguy cơ không thể phát triển đàn là hiện hữu.
Bên cạnh nguyên nhân coi thường kẻ địch, có thể còn nguyên nhân khác, đó là năng lực cầm quân và quyết tâm của các vị chỉ huy.
Chống Pháp, chống Mỹ, chống Tàu chúng ta đều yếu hơn về trang thiết bị quân sự nhưng có bộ chỉ huy tài giỏi, đoàn kết được sức mạnh toàn dân, nhất là có quyết tâm “dù phải đốt cả dãy Trường Sơn, cũng phải giành cho được tự do, độc lập”, đó là nguyên nhân thắng lợi.
Chống tham nhũng dai dẳng, kéo dài không hẳn là do lực lượng tham nhũng quá mạnh mà còn là do những liên hệ chồng chéo giữa người chống và kẻ tham.
Trở thành lãnh đạo là ngay lập tức vợ, con, cháu, chắt thành ông nọ, bà kia dù trước đó chẳng mấy ai biết tên, biết mặt là một thực tế diễn ra hàng ngày.
Vấn đề là cho đến gần đây, đa số vụ việc đều “đúng quy trình”, thế có nghĩa là “quy trình” đã góp phần “nâng tầm” những cá nhân kém năng lực trở thành có năng lực!
Sau Đại hội 12, chuyển hướng của cuộc chiến là “ta tự đánh vào ta”, dù đau đến mấy cũng phải đánh.
Nếu bộ tham mưu chống tham nhũng chỉ gồm những người “chống tham nhũng có khi chúng tôi chết trước” thì chắc chắn không có chuyện nhiều Bí thư, Chủ tịch tỉnh, tướng, tá các lực lượng vũ trang bị đưa ra trước vành móng ngựa.
Chẳng chính trị gia thành đạt nào lại không rút ra bài học từ những kẻ trở thành bạo chúa cũng như chẳng doanh nhân giàu có nào lại không học tập kinh nghiệm từ những kẻ lừa lọc.
Những người tự ái, giữ mình thật trong sạch, lùi về ở ẩn không phải là tấm gương nên soi.
Chống lại kẻ xảo quyệt bằng lòng nhân hậu, vị tha là điều chỉ nên dạy cho trẻ nhỏ.
Như triết lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin, cần phải “Dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”.
Cuộc chiến chống nội xâm chính là cuộc chiến bảo vệ chính quyền và vì thế không thể dùng cách khuyên nhủ.
Muốn chiến thắng trong cuộc chiến chống nội xâm, người lãnh đạo ít nhất cũng phải sở hữu vũ khí tương xứng với vũ khí mà bọn tham nhũng sử dụng.
Vậy bọn tham nhũng đã dùng vũ khí gì?
Vũ khí chiến lược chính là “tìm người nhà, không tìm người tài”.
Hiệu quả không thể phủ nhận mà thứ vũ khí trên mang lại là mấy chục năm qua, bộ máy công quyền đã được nhồi nhét một “bộ phận không hề nhỏ” những kẻ bất tài, trong đó “hậu duệ” chỉ là một trong bốn năm thành phần được người đời gọi là “tứ ệ” hay “ngũ ệ”.  
Thực chất đó chính là cách vận dụng sách lược “dân ngu dễ trị” thời thực dân, phong kiến dưới dạng mới “quan tham dễ bảo”.
Một khi đã là quan tham thì chắc chắn phải “nhúng chàm”, động một tí là sợ, chỉ cần “bề trên” thở mạnh là toát mồ hôi, là vội răm rắp tuân theo chỉ bảo.
Tất nhiên khi đã “ngoan” như thế có gì sơ sẩy thì chả lẽ “bề trên” bỏ mặc?
Đã có trường hợp đương chức đầu tỉnh có ngót trăm héc ta đất mà hồ sơ chẳng thấy ghi trường lớp nào, động vào là báo chí lãnh đủ, là phải đính chính, gỡ bài và nộp phạt rất nặng.
Kém năng lực mà được đặt vào ghế quyền lực là mối nguy của quốc gia nhưng lại cần thiết để tạo vây cánh bảo vệ cho kẻ cầm đầu.
Muốn có vũ khí tương đương phải theo chính sách “tìm người tài, không tìm người nhà”.  
Tìm người tài không khó, vấn đề là sử dụng người tài như thế nào bởi người tài thường có chính kiến, thường không dễ bảo.
Nghe lời nghịch nhĩ mà nhăn trán, chau mày thì chẳng bao giờ có được kẻ sĩ dưới trướng.
Các cụ ngày xưa bảo “dốt thì đừng có dạy khôn” không có ý là mọi thứ đều dốt mà chỉ là đừng có cái gì cũng dốt.
Lưu Bị thời Tam quốc võ kém, mưu dốt nhưng hơn người ở chỗ biết thu phục nhân tâm, thế nên xưng hùng một cõi chẳng kém gì kẻ gian hùng Tào Tháo.
Người nắm quyền có năng lực nổi trội vừa tạo nên uy tín với cộng đồng song cũng tạo ra đối thủ, để duy trì quyền lực không thể không trấn áp các phe nhóm chống đối.
Không ít trường hợp, đối thủ trở thành kẻ thù và đó là khởi điểm của cuộc chiến tranh giành quyền lực.
Có thể cuộc chiến ấy không có bên thắng, bên thua và kết quả lại là sự thỏa hiệp mới mà quyền lực được phân chia lại tùy theo tương quan lực lượng.
Sự khác biệt trong cuộc chiến chống nội xâm ngày nay là không thể có kết quả hòa bởi hòa nghĩa là thua.
Một cuộc chiến bắt buộc phải thắng chắc chắn không phải là cuộc chiến dễ dàng, càng không thể kết thúc một sớm, một chiều.
Điều này đòi hỏi người lãnh đạo phải có năng lực nhìn xa, trông rộng.
Phải chuẩn bị đội ngũ kế cận trong vòng vài chục năm chứ không phải chỉ trong một hai nhiệm kỳ.
Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga Boris Yeltsin đã tạo nên một tình trạng hỗn độn cả kinh tế lẫn chính trị trong nước sau khi Liên Xô tan rã.
Khi Yeltsin trao cho Vladimir Putin chức Tổng thống lâm thời, Putin cũng phải “trao nghị định cấp nhà nước cho người tiền nhiệm Boris Yeltsin về việc đảm bảo không truy tố ông ta cùng gia đình ra tòa vì những lỗi lầm đã mắc phải trong thời gian nắm quyền”. [1]
Như đã nói, phe tham nhũng tạo lực lượng bằng cách dung túng cho các thành viên “nhúng chàm”, vậy nên vũ khí tương đương là hãy “giúp” người cầm quân cưỡi lên mình hổ, cưỡi rồi thì không muốn xuống và - tuy hơi phi đạo lý một chút - không thể xuống.
Khi yêu cầu “những người nhụt ý chí dẹp sang bên” thì cũng với đó cũng nên đòi hỏi những người kém năng lực “ngồi riêng một chỗ”, nói một cách nhân văn là dọn cho họ một mâm cơm tươm tất theo kiểu người xưa bảo “khù khờ hưởng thái bình”.
Kém năng lực không phải là người xấu, nhưng sẽ vô tình biến họ thành người xấu nếu trao cho họ quyền lãnh đạo bởi họ không mang lại lợi ích gì cho công cuộc xây dựng xã hội mới.
Một khi đã xác định chống tham nhũng, lãng phí là cuộc chiến chống giặc nội xâm thì không thể xem các nhóm lợi ích, các tập đoàn tham nhũng là “những đồng chí trót nhúng chàm”, phải xem đó là kẻ thù.
Vị thế của một quốc gia không chỉ là con số tỷ phú, số máy bay, tàu chiến hay thu nhập bình quân đầu người mà còn là cách mà người dân nước đó - đặc biệt là người đứng đầu - cư xử thế nào với kẻ thù của đồng bào mình, tổ quốc mình.
(còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
[1] http://antg.cand.com.vn/hau-truong/Vladimir-Putin-Tong-thong-quyen-luc-trong-long-nguoi-dan-Nga-462638/
Xuân Dương


XIN HỎI, CÒN ĐỒNG CHÍ NÀO CHƯA BỊ LỘ ?
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 4-5-2018

Như đã đề cập, Quyền lực và Năng lực - gọi tắt là Quyền năng - cho thấy tầm ảnh hưởng của người/tổ chức nắm quyền lãnh đạo đến thể chế kinh tế, chính trị, vị thế quốc gia,…
Quyền năng của lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu ảnh hưởng trực tiếp đến sức mạnh tổng hợp của đất nước, hình ảnh của đất nước, dân tộc trước toàn thế giới, nó cũng có thể tạo nên hiệu ứng tiêu cực nếu quyền năng nằm trong tay người cực đoan, không đủ nhân cách.
Ngược lại chính bản thân con người, từ người bình thường đến lãnh đạo, từ cấp phường xã đến đến Bí thư, Chủ tịch, Tổng thống, Thủ tướng cũng đều tạo ra và bị tác động bởi không ít loại “lực” trong đó có Hấp lực và Ma lực.
Học sinh trung học đều được học về “Lực hấp dẫn”, đó là lực hút giữa các vật thể.
Lực hấp dẫn có độ lớn tỷ lệ thuận với khối lượng của hai vật và tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách giữa chúng.
“Hấp lực” chỉ xuất hiện trong xã hội loài người chứ không phải trong tự nhiên.
Hấp lực được hiểu là sức lôi cuốn cộng đồng, là năng lực nổi trội của cá nhân (tổ chức) đến mức làm mê hoặc người khác, khiến người khác tin tưởng, ủng hộ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin không phải ngây thơ khi cởi trần tắm trong hồ băng, lái máy bay hay cưỡi tàu ngầm, những hành động ấy tạo hình ảnh một tổng thống mạnh mẽ theo cách mà cả người phương Đông lẫn người phương Tây tôn thờ:
Điều quý giá nhất là một khối óc minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”.
Làm lãnh đạo, dù nhân phẩm cao đẹp đến mấy mà quặt quẹo, nay ốm mai đau thì cũng không thể thu hút được niềm tin nơi công chúng.
Người có lòng tự trọng sẽ xin từ chức khi biết không đủ sức khỏe đảm nhận công việc.
Tiếc rằng khá nhiều trường hợp khi mất chức, khi đối mặt với bản án, người ta tìm đến bệnh viện như là cứu cánh mặc dù trước đó họ thực sự “sung mãn” hơn cả người lao động chân tay!
Viện lý do sức khỏe là đánh mất chút sĩ diện cuối cùng, không phải là không còn hấp lực với dân chúng.
Cựu lãnh tụ đảng và nhà nước Cuba - Phidel Castro - vào tháng 9/1960 đã diễn thuyết liền 4 giờ 29 phút tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Điều đáng nói không phải là thời gian dài của buổi diễn thuyết mà ở chỗ ông Phidel không cần phải có tờ giấy chuẩn bị sẵn.
Đọc diễn văn khác với phát biểu ý kiến, nếu một người phát biểu ý kiến mang tính chỉ đạo tại bất kỳ hội nghị nào cũng dành tới quá nửa thời gian nhìn vào tờ giấy đặt trên bục thì hoặc là sợ nói sai hoặc là khả năng hùng biện … hơi thiếu.
Khiếm khuyết này luôn là điểm trừ cho hấp lực của người phát biểu với người nghe trực tiếp và những người ngồi trước màn hình ti vi.
Thành viên Chính phủ trước Quốc hội hứa nhiều điều, kết thúc nhiệm kỳ bằng phát biểu: “Xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về những gì chưa làm được, trách nhiệm của tôi là truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp” thì không chỉ bản thân người đó mà cả Chính phủ cũng mất điểm trước người dân.
“Hấp lực” của một lãnh đạo không chỉ liên quan đến tài năng, uy tín mà còn liên qua rất nhiều đến một khái niệm mà giới ngoại giao gọi là “Ngôn ngữ hình thể”.
Có một nhận xét thế này, không ít vị đứng đầu cơ quan chưa quan tâm đến “ngôn ngữ hình thể” của mình nơi công cộng.
Một người có vị trí cao nơi công quyền, trước ống kính máy quay, trên diễn đàn hoặc là so vai rụt cổ, hoặc là mặt nghếch lên trời, nói năng thì chưa chuẩn giọng luôn tạo hình ảnh không đẹp.
Đành rằng “trời sinh ra thế” nhưng không có nghĩa là không thể chỉnh sửa, nếu không sửa được tật của bản thân thì làm sao sửa được tật của xã hội?
Thế nên diễn thuyết trước đám đông mà nói ngọng, hấp lực của họ với người nghe chỉ là thu hút lời đàm tiếu!
Đối với một bộ phận không biết có còn là “nhỏ” quan chức, hấp lực không đến từ trí tuệ hay sự gương mẫu trong đạo đức, lối sống.
Hấp lực mà họ tạo ra có nét tương đồng với lực hấp dẫn:
Độ lớn của hấp lực tỷ lệ thuận với quyền lực và tỷ lệ nghịch với bình phương tài sản”.
Chẳng cứ phải ở đỉnh cao quyền lực, chỉ cần là người đứng đầu một cơ quan, một địa phương, một lời nói buông ra là khối người tán thưởng.
Trên sân khấu, trước diễn đàn, chẳng thiếu người tìm cách chen lại thật gần để có bức ảnh treo ở phòng khách nhà mình.
Chẳng may “ngã ngựa”, họ giống như chiếc nam châm điện bị tắt điện, hấp lực biến mất và những ai trót treo ảnh họ ở giữa nhà lập tức cất vội.
Sau khi “nhập kho”, chữ ký của Chu Vĩnh Khang trên lời đề tặng khẩu hiệu cho trường Đại học Dầu Khí Bắc Kinh bị xóa bỏ.
Báo Global Times (Hoàn Cầu thời báo) đưa tin, những tấm ảnh chụp cảnh Chu đến thăm trường nhân dịp 60 năm thành lập cũng bị gỡ khỏi trang tin của trường.
Nói đến bộ phận quan chức thuộc nhóm “không nhỏ”, có sự khác nhau rất rõ so với thế giới.  
Ở các nước phát triển, có quyền không có nghĩa là giàu như ông chủ doanh nghiệp, khi đương chức họ không dành thời gian kiếm tiền.
Làm Tổng thống Hoa Kỳ hai nhiệm kỳ như các ông Obama, Clinton khi nghỉ hưu vẫn đi diễn thuyết, viết sách tăng thêm thu nhập.
Còn một bộ phận quan chức Việt ngay khi đang làm việc vẫn “buôn chổi đót”, “chạy xe ôm”, nhưng khi nghỉ hưu là lặn mất tăm, chẳng thấy viết thêm được chữ nào (cũng có thể ngày trước đều do thư ký viết hộ).
Chẳng thấy họ tiếp tục truyền thống chăm chỉ “làm đến thối móng tay”, cũng chẳng thấy họ buôn chổi hay nuôi lợn, sửa xe máy - như ông cựu Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa - mặc dù lương hưu không rủng rỉnh đến mức … chê tiền?  
Nghe đồn một người ve áo bốn sao hai gạch (đại tá) mà có biệt thự tọa lạc trong khuôn viên rộng cả nghìn mét vuông “đất kim cương”.
Thế đất lưng tựa núi, mặt nhìn ra biển mà giới phong thủy gọi là “tựa sơn, đạp thủy”.
Lại nghe nói trị giá mỗi mét vuông ngót nghét trăm triệu đồng.
Nếu quả thế thì mấy “khúc củi” vừa bị cho vào “lò”, cấp bậc còn “khủng” hơn cả hai gạch bốn sao, không biết họ có bao nhiêu?
Vậy thì quyền lực hay nhân cách tạo nên hấp lực của cán bộ?
Câu trả lời là cả hai, mượn tạm quyền của dân rồi ỉm đi, xem là của riêng mình, loại này chỉ tạo ra hấp lực với “ruồi muỗi”.
Nhân cách cao thượng, nói năng đàng hoàng, dẫu không “đẹp trai” như hai ông cựu Bộ trưởng “nghề nông” và “nghề buôn”, dẫu các ông ấy đã vui thú điền viên người ta vẫn kính trọng, vẫn không hết lời ca ngợi.
Hấp lực cũng như Lực hấp dẫn, là tương tác giữa ít nhất hai đối tượng, đặc điểm của xã hội Việt Nam hiện đại là “quan” tìm đến “doanh” và “doanh” tìm đến “quan”.
Giống như chế độ đa thê, “quan” là một “bộ phận không nhỏ” còn “doanh” thì hầu hết.
Hệ quả của cuộc hôn nhân “quan - doanh” này cho ra đời một loại tế bào mới “nửa quan, nửa doanh” giống như loài Nhân sư - nửa người, nửa sư tử - trong thần thoại Ai Cập.
“Tế bào quan doanh” ấy không phát triển theo cách thông thường - tức là sinh ra người - nó giống như tế bào ung thư, không biết đang có nguy cơ hay đã di căn khắp xã hội.
Bên cạnh câu nói nổi tiếng của ông Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ: “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả ngàn tỷ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng...” thì cũng có người không ngại rút ra kết luận: “Từ “quan cỏ” đến “quan nhớn”, trong túi ít thì vài ba tỷ, nhiều thì… không biết”.
“Không biết” là vì nhiều quá không đếm xuể chứ không phải “vài đồng bọ” không bõ công đếm.
Lấy cái tít của Vietbao.vn “Biệt phủ của các lãnh đạo” hỏi Google, nhận được hơn 11 triệu kết quả, xin liệt kê vài bài trong số đó:
“Vì sao quan chức lại có dinh thự, "biệt phủ" xa hoa đến vậy?” (Vov.vn 16/6/2017);
“Điểm mặt những biệt phủ quan chức gây xôn xao dư luận năm 2017” (Vtc.vn 01/01/2018);
“Có những nỗi đau mang tên “biệt phủ” ” (Congluan.vn 29/3/2018);…
Đến đây rõ ràng là biệt phủ càng lớn thì “bình phương tài sản càng lớn” và do đó “Độ lớn hấp lực” của quan tiệm cận đến “mo”.  
Một khi hấp lực của quan mà “về mo” thì liệu có nên tìm cái “lỗ nẻ”?
Hỏi thế vào thời điểm này có lẽ chỉ có người cùng đẳng cấp với Bờm.
Thời nay, người như Trịnh Xuân Thanh“Vũ nhôm” sắm sẵn cái “thẻ xanh” chứ dại gì mà tìm “lỗ nẻ”, vợ con, gia sản đã ém sẵn ở nước ngoài từ lúc còn khoác vai, nắm tay các “đồng chí chưa bị lộ”, nếu chẳng may thành “củi” thì khóc, thì xin ra nước ngoài chăm sóc vợ con!
Không biết sắp tới khi xử “Vũ nhôm”, “Út trọc”, trước tòa có ai sụt sùi xin tòa cho về chăm sóc người cao tuổi?
Để tránh đưa ra suy diễn một chiều về hấp lực của cán bộ, xin trích ý kiến truyền thông:
“Tại sao CSGT (cảnh sát giao thông - chú thích) “dầm mưa, dãi nắng” vẫn bị ghét?”. (Infonet.vn, 18/6/2015);
“Kỳ lạ: Ghét người giàu, không ưa cán bộ”. (Nongnghiep.vn, 7/6/2017);
“Dân ghét các ông chủ tịch cậy thế, cậy quyền”. (Vietnamnet.vn, 1/9/2017);
“Sao cứ nghĩ xấu cán bộ?” (Thanhnien.vn, 6/10/2017)…
Có một loại giống như Hấp lực, cũng có sức thu hút người khác nhưng không phải phải bởi tài năng, đức độ mà từ sự lấp lánh kim tiền, từ vị thế có thể có thể hái ra tiền hay tạo chỗ đứng trong xã hội, loại lực ấy gọi là “Ma lực”.
Ngày xưa, Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm trong bài “Thói đời” viết: “Thớt có tanh tao ruồi muỗi đậu; Gang không mật mỡ kiến bò chi”.
Ngày nay chẳng cứ quyền to, bé như “Vũ nhôm” nhưng lại “nhiều màu”, thế là có “ma lực” khủng thu hút “ruồi muỗi”, có điều “ruồi muỗi” ở đây không chỉ xăm trổ đầy mình mà lắm lúc còn cả cổ cồn ca-vát, ve áo có không chỉ có sao vạch mà là nhành lá.
“Ma lực đồng tiền” mạnh đến mức hai doanh nhân trẻ là Phan Sào Nam  (sinh năm 1979) và Dương “phò mã” (sinh năm 1975) đủ sức biến hai vị tướng công an ngang tuổi vào cỡ “lục thập nhi nhĩ thuận” thành “sâu nằm vùng” trong chính cơ quan chống tội phạm Bộ Công an.
Không phải chỉ người có chức, ma lực đồng tiền đã khiến không ít người dân “trồng rau hai luống”, lấy than tre làm thuốc chống ung thư, trộn lõi pin vào phế liệu cà phê để bán kiếm tiền.
Nhưng vì sao một bộ phận không nhỏ cán bộ lại dễ bị “Ma lực đồng tiền” cám dỗ đến vậy?
Trả lời câu hỏi này cần quay lại một chút thời xa xưa, khi ấy lớp trẻ luôn được nhắc nhở phải “phấn đấu...”.
Một vận động viên chạy khi chạm đích là dừng lại, thậm chí nằm vật ra vì đã bung hết sức để cán đích, đến đích rồi thì không cần cố thêm gì nữa.
Nếu mục đích của “phấn đấu” chỉ là để vào một chỗ nào đó, một vị trí chính trị nào đó thì sau khi vào rồi người ta chẳng còn động lực nào khác, đó chính là nguyên nhân “phai nhạt lý tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo.
Nếu “vào đảng để phấn đấu” thì việc vào đảng là tự nguyện, là đơn giản, là không cần những thủ tục rườm rà nhưng sau đó là cả chặng đường dài phấn đấu xây dựng một quốc gia “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.   
Việc xem xét kết nạp đảng viên ngày nay khá nghiêm ngặt nhưng vì sao lại để lọt khá nhiều người thoái hóa, biến chất trong bộ máy, kể cả ở cấp trung ương?
Phải chăng cần xem xét lại chiến lược phát triển đội ngũ, cần người phấn đấu cho mục đích  xây dựng một nhà nước “của dân, do dân và vì dân” chứ không phải người “phấn đấu vào đảng”?   
Những người phấn đấu không nhằm mục đích đó đương nhiên sẽ nhằm mục đích khác, đó là tiền tài, danh vọng và một bản năng nguyên thủy - duy trì huyết thống.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) chẳng ngại ngần vạch rõ:
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, lãnh đạo ở các địa phương biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có”.
Bà Khánh cho rằng chuyện này chỉ xảy ra ở “địa phương”, thực ra chỗ khác chắc gì không có và mục đích cũng chẳng phải chỉ là để “quản lý khối tài sản khủng”!
“Vợ bé hoặc bồ nhí” do ma lực của “khối tài sản khổng lồ” thu hút chắc chắn không phải là người “trông xa thì tưởng Thúy Kiều, nhìn gần mới biết người yêu Chí Phèo”.
Đó phải là “chân dài”, “gái nóng” (hot girl) như câu chuyện “nâng đỡ không trong sáng gái nóng” ở tỉnh Thanh khiến ông “Phó tỉnh” bị mất chức.
Đến nay người ta vẫn chưa hết băn khoăn, rằng chỉ mình ông Phó Chủ tịch tỉnh “nâng đỡ” hay vẫn còn “đồng chí chưa bị lộ”.
Ngày xưa người ta bảo “gái ngoan tìm chồng”, ngày nay “gái ngoan” bảo “cần gì chồng”, làm bồ quan vài năm có nhà lầu, ôtô, đời vừa “sung” vừa “sướng”, “không tiền cạp đất mà ăn à”?
Thực ra, nếu người ta đến với nhau mà “không mất gì của bọ” thì phê phán cũng nên tùy trường hợp.
Có điều, nếu làm quan mà “mang tiền cho gái” thì phải nghiêm túc xem xét nguồn gốc khối tài sản đó và đương nhiên cả sự thiệt hại về uy tín của cơ quan mà người đó lãnh đạo.
Còn một thứ ma lực khác, không nói đến chắc là khiếm khuyết lớn, đó là các loại danh vị “ưu tú” “nhân dân” khen tặng các nghệ sĩ, nhà giáo, thày thuốc, và hai loại học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư dành riêng cho người dạy học.
Nếu không phải là ma lực, nếu chỉ là sự đánh giá công lao của xã hội với nghệ sĩ, nhà giáo, thày thuốc thì vì sao người ta lại bất chấp nhân phẩm để rồi bị gạt ra vì không đủ tiêu chuẩn?
Vì sao người ta lại phải cãi nhau, thậm chí cạch mặt nhau chỉ vì một lá phiếu bầu?
Hấp lực và Ma lực viết tiếp chắc còn nhiều điều thú vị, nhưng làm mất thời gian bạn đọc thế là quá đủ, xin phép quý vị tạm dừng.
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét