Thứ Ba, 10 tháng 4, 2018

20180410. BÌNH LUẬN VỀ CHỦ TRƯƠNG CƠ CẤU LẠI MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
VÌ SAO ĐẢNG PHẢI 'HỢP NHẤT 5 ĐOÀN THỂ VÀO MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM' ? 

THIỀN LÂM / Cali Today/ BVN 9-4-2018

Việt Nam - Cali Today News -  Đây là một tin không hề đáng vui mừng dành cho đội ngũ “cánh tay nối dài của đảng”, vô tích sự và chỉ chăm chăm ăn tiền thuế của dân.

Vào đầu tháng Tư năm 2018, Ban Tổ chức Trung ương đã công khai 4 đề xuất trong đề tài nghiên cứu về “đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội”.

Có 4 phương án được đề xuất trong đề tài trên, bao gồm:

Phương án một là giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội như hiện nay. Tuy nhiên, sẽ có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức; nhà nước giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.

Phương án hai, nhất thể hóa chức danh Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho các đơn vị này; trước mắt thực hiện ở cấp tỉnh, cấp huyện.

Phương án ba, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị – xã hội gồm Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh thành các ban của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và xã.

Phương án cuối cùng là hợp nhất Ban Dân vận và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Người đang nắm giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương là ông Phạm Minh Chính – ủy viên bộ chính trị “thường” nhưng lại được xem là “sủng thần” của Tổng bí thư Trọng, thậm chí gần đây còn có dư luận cho rằng ông Chính về thực chất đã nằm trong “tứ trụ mới” của Bộ Chính trị.

Phạm Minh Chính có nguồn gốc là Bí thư Quảng Ninh – địa danh không chỉ nổi tiếng về nạn hủy hoại môi trường tự nhiên và làn sóng du khách Trung Quốc đang biến địa phương này thành “Phố Tàu”, mà còn có thành tích là nơi đi đầu trong hệ thống chính trí về thí điểm và sau này là triển khai chủ trương ‘nhất thể hóa” – tức nhập hai chức danh bí thư và chủ tịch chính quyền cấp huyện làm một.

Với bề dày thành tích như vậy và khi được đưa về làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính có thể được xem là một nhân vật “có trọng lượng” trong những đề xuất của ông.

Đề tài nghiên cứu “đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” diễn ra trong bối cảnh chủ trương “tinh gọn biên chế” và “giảm 10% biên chế” của Hội nghị trung ương 6 vào tháng Mười năm 2017 đang được triển khai một cách chậm chạp trước đây và gia tốc tăng dần về sau này.

Nếu kế hoạch trên được triển khai theo đúng yêu cầu, con số công chức và viên chức lẫn đối tượng không chuyên trách ở các cấp bị tinh giảm sẽ lên đến 250 ngàn người – chiếm gần 10% trong tổng số gần 3 triệu công chức viên chức.



Quan chức Mai Văn Chính, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, công bố 4 phương án về “đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội”. Ảnh: VietNam Finance
Một trong những đối tượng sẽ bị tinh giản là các hội đoàn chính trị – xã hội.
Trong tình hình ngân sách xuất hiện nhiều dấu hiệu cạn kiệt từ cuối năm 2015 và kéo dài liên tục trong hai năm 2017 và 2018, đã rộ lên nhiều chỉ trích trong nội bộ đảng đối với hiệu quả hoạt động của một số tổ chức chính trị – xã hội lớn, bao gồm các nhân tố Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nếu trước đây kinh phí dành cho các tổ chức chính trị – xã hội trên thường không được lôi ra bình phẩm, thì nay ngay cả một số tờ báo nhà nước cũng bắt đầu bình luận mang màu sắc giễu cợt, châm biếm và chỉ trích. Chỉ riêng 6 tổ chức chính trị - xã hội trên đã “ngốn” hơn 1 nghìn tỷ ngân sách mỗi năm.

Không phải “chỉ có” 14.000 tỷ đồng được ngân sách vung cho các tổ chức chính trị – xã hội như một số báo đài đưa tin, mà một đánh giá của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) còn cho biết nguồn lực xã hội được rót vào các tổ chức công chiếm tới 1,7% GDP của cả nước, tức là tương đương với hơn 71.000 tỷ đồng.

Nhiều người đánh giá rằng so với nguồn kinh phí rất lớn nhận được hàng năm từ bầu sữa nhà nước, công sức và hiệu quả của các tổ chức chính trị – xã hội trên bỏ ra là hoàn toàn bất tương xứng. Còn nếu nhìn từ góc độ ngân sách được cấu tạo bằng tiền đóng thuế của dân và tiền vay mượn nước ngoài mà các đời dân chúng phải nai lưng gánh chịu, sự thể còn trở nên tàn nhẫn hơn nhiều.

Một nhà phản biện độc lập ở Việt Nam bức bối: đã đến lúc các tổ chức chính trị - xã hội trên nên chấm dứt hoạt động, nếu còn biết liêm sỉ.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống - một tiếng nói bất đồng ở Việt Nam - còn nói thẳng rằng cần suy nghĩ đến việc giải thể Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nhưng dĩ nhiên, sẽ không có chuyện đảng để cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phải giải tán, mà sẽ lặp lại cơ chế “tái sắp xếp” như nhiều năm trước, tức “gom” một số cơ quan làm một. Vào lúc này, cơ chế đó càng có tính thời thượng khi đáp ứng chủ trương “nhất thể hóa”.

Trong hai năm 2016 và 2017, kinh phí ngân sách cấp cho nhiều hội đoàn nhà nước đã giảm đến một nửa hoặc đến 60% so với trước đây. Chẳng hạn Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2017 đã phải than vãn bị cắt một nửa kinh phí và có nguy cơ phải giải thể.

Trong bối cảnh đó, những “cánh tay nối dài của đảng” như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng nằm trong diện bị cắt giảm ngân sách như một phương cách không thể nào khác hơn.

Rất có thể đề tài nghiên cứu về “đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” của Ban Tổ chức Trung ương sẽ được Tổng bí thư Trọng ưu ái cho “ứng dụng kết quả” sớm. Theo đó và cũng giống như chiến dịch “cải tổ” Bộ Công an đang diễn ra, khối đoàn thể chính trị - xã hội sẽ lâm vào cảnh “ghế rất ít, đít rất nhiều”, kéo theo yêu cầu bắt buộc phải sáp nhập nhiều ghế vào một ghế, dẫn đến cảnh tượng nhiều quan chức hội đoàn sẽ phải hưu non hoặc bị hạ cấp, thậm chí phải “ra đường” - một dạng thân phận hoàn toàn trái ngược với cảnh trước đây ung dung ăn thuế của dân nhưng chỉ biết “hót” theo đảng.

VNTB gửi BVN


LỆNH CỦA DÂN, LÀM THÌ SỐNG, CHỐNG THÌ ...

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 11-4-2018

Ảnh minh hoạ, nguồn: Baonghean.vn
Dân xưa nói: “Lắm thày nhiều ma; Lắm cha con khó lấy chồng”.
“Thày” mà Dân bảo làm ra “nhiều ma” có lẽ chủ yếu là thày bói.
Thời thế khiến cho chữ “thày” trong câu ngạn ngữ trên thay đổi, ngày nay không khó tìm các “thày” bói ra hàng đống … ma trong hàng ngũ được gọi là “cao quý”, “từ mẫu” hay thày chuyên đi “cãi”,…
Quan xưa tự gọi mình là “quan phụ mẫu”, nghĩa là “cha mẹ” của Dân, vì lắm “cha mẹ” nên Dân trở nên nghèo “kiết xác”, có điều “ế” ở đây là ế cả làng chứ chẳng riêng ai, chẳng phải chỉ là “khó lấy chồng” mà còn cả “khó lấy vợ”.
Ngày nay không ít “phụ mẫu” mỗi lần “xuống” hoặc “về” dự các hội nghị là các đồng chí phải thế nọ, thế kia.
Thế rồi bỗng một ngày không đẹp trời, bác í bị xe bịt bùng đến “đón”, thế là Dân ngơ ngác, thế là Dân vỡ lẽ lâu nay mình bị “bầy sâu” đội lốt người ấy trèo lên đầu, lên cổ mà không biết.
Đây là mấy dòng viết theo kiểu Dân … gian, còn kiểu “Dân ngay” thì phải viết khác!
Có lẽ trên thế giới này, khó tìm được những quốc gia mà tỷ lệ công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhiều tương đương Việt Nam.
Một số tài liệu cho biết nước Mỹ có 2,1 triệu công chức trong khi diện tích lớn xấp xỉ 30 lần và dân số gần gấp 4 lần nước Việt Nam.
Trung Quốc có tỷ mấy dân, diện tích gấp gần 30 lần Việt Nam đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số.  
Có lẽ có rất ít quốc gia mà hệ thống chính trị cồng kềnh, chồng chéo và kém hiệu quả như Việt Nam.
Cả ba cơ cấu quyền lực: Đảng - Quốc hội - Chính phủ đều có những cơ quan với chức năng, nhiệm vụ tương đương, chẳng hạn Đảng có Ban Dân vận, Quốc hội có Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chính phủ có Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hoặc Ban Đối ngoại - Ủy ban Đối ngoại, Bộ Ngoại giao,…  
Có lẽ rất ít quốc gia nhiều tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước như Việt Nam.
Một bài báo trên Vietnamnet.vn cho biết: “Chi phí cho hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và các hội đặc thù dao động trong khoảng từ 45,6 đến 68,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP của cả nước, trong đó phần lấy từ ngân sách khoảng 14 nghìn tỷ”. [1]
Bộ Giáo dục và Đào tạo được phân quản lý ngân sách giáo dục cho khối trung ương khoảng 10.300 tỷ đồng (4,8% trên tổng ngân sách dành cho giáo dục), kém xa phần ngân sách chi cho các tổ chức hội, đoàn là 14 nghìn tỷ đồng.
Có lẽ khắp nơi trên thế giới, hiếm có quốc gia nào hình thức “rút kinh nghiệm” được áp dụng đại trà trong xử lý vi phạm như Việt Nam.
Có lẽ hiếm có nơi nào mà “quy trình” lại được vận dụng phổ biến như Việt Nam trong giải thích các vụ việc khiến dư luận bức xúc chứ không phải là văn bản quy phạm pháp luật.
Người ta thường nói “quá tam ba bận”, ở đây đã năm lần “có lẽ” mà chưa hết, còn nhiều thứ “có lẽ” khác rất đặc thù, rất “Việt Nam” như số đơn vị hành chính, số tiến sĩ - giáo sư, số tướng tá trong lực lượng vũ trang,… nhưng đành khất để khi khác.
Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam Vov.vn đã tổng kết những sự “có lẽ” nêu trên như sau:
Bởi thực tế, bộ máy của Đảng và nhà nước ta rất cồng kềnh. Đảng có Ban, Ngành nào thì Nhà nước có Ban ngành đó, như thế không cần thiết.
Do đó, Đảng cần tinh giản và gọn nhẹ để tập trung trí tuệ giúp cho Đảng có tầm nhìn bao quát và có khả năng chỉ đạo vĩ mô.
Nếu bộ máy cồng kềnh sẽ không chọn được người tài để tập trung xử lý công việc”. [2]
Vấn đề người dân quan tâm không chỉ nằm ở khía cạnh “cồng kềnh” của bộ máy Đảng - Nhà nước mà còn là cả hệ thống chính trị và chất lượng từng con người cụ thể trong bộ máy đó.
Nói đến thể chế chính trị thì ngoài Đảng, Nhà nước còn phải đề cập đến các tổ chức chính trị-xã hội, các hội đoàn nghề nghiệp, các tổ chức tôn giáo,…
Chỉ riêng về Nhà nước cũng bao gồm rất nhiều mảng như cấu trúc chính quyền cơ sở, đơn vị hành chính, chính phủ,…
Tinh gọn bộ máy một cách toàn diện, triệt để thực sự phải là một cuộc cải cách lớn, không loại trừ bất kỳ lĩnh vực nào.
Chuyện cơ cấu lại Mặt trận Tổ quốc hay Bộ Công an có thể là những đột phá mang tính thí điểm, tuy nhiên nếu không làm đồng bộ e là không mang lại hiệu quả mong đợi.
Với vai trò là đội tiên phong, việc tinh gọn nên được thực hiện trong Đảng để làm gương cho tất cả. 
Xin nêu một ý kiến: Hiện nay tất cả các quận, huyện đều có Trung tâm bồi dưỡng chính trị.
Theo Quyết định 185-QĐ/TW ban hành năm 2008 thì mỗi Trung tâm có một Giám đốc, một Phó Giám đốc, một biên chế hành chính, còn lại có thể là kế toán, bảo vệ,… tổng biên chế từ 4-6 người.
Với cơ cấu này hai chức danh Giám đốc và Phó Giám đốc mỗi vị phụ trách từ 1 đến 2 nhân viên?
Quyết định nêu rõ các Trung tâm này không biên chế giáo viên, nếu lãnh đạo không giảng dạy thì 100% là giáo viên thỉnh giảng, 100% học viên là tại chức, vậy chất lượng sẽ ra sao?
Bên cạnh đó, tất cả các tỉnh đều có Trường Chính trị, ngoài ra còn Trường Chính trị của các bộ, ngành,…
Những tỉnh nhỏ, diện tích chưa đến 1.000 km2 có nhất thiết cấp quận huyện cũng phải có Trung tâm bồi dưỡng chính trị?
Các bộ, ngành có nên có trường Chính trị riêng, độc lập với địa phương?
Gần đây, tại Hội thảo đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội, đại diện Ban Tổ chức Trung ương đã trình bày bốn phương án về mô hình tổ chức và phương thức hoạt động:
Phương án 1, giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội hiện nay. 
Tuy nhiên, có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức, Nhà nước có giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.
Phương án 2, nhất thể hóa chức danh Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị và thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Phương án 3, hợp nhất 5 đoàn thể chính trị-xã hội vào thành các ban của Mặt trận Tổ quốc.
Phương án 4, hợp nhất Ban dân vận và Mặt trận Tổ quốc.
Về điều này, một số bài đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nêu các ý kiến liên quan từ đầu năm 2017, chẳng hạn:
Nhất thể hóa các tổ chức quần chúng nghĩa là Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh,… sẽ tập trung thành một tổ chức, có thể là Mặt trận Tổ quốc”. [3]
Nên tính phương án sáp nhập các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh,… thành các bộ phận thuộc Mặt trận Tổ quốc (như cục, vụ trong bộ)”. [4]
Để tinh gọn tối đa bộ máy, thể hiện vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, người viết cho rằng nên kết hợp cả phương án 3 và 4 nghĩa là tất cả các tổ chức chính trị, xã hội không còn là tổ chức độc lập có tư cách pháp nhân nữa, đồng thời chuyển toàn bộ lãnh đạo và nhân sự Ban Dân vận sang Mặt trận Tổ quốc.
Khó khăn sẽ vô cùng lớn bởi chỉ với việc giải thể ba Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đã dôi dư hàng loạt nhân sự trong đó có cả hàm cấp tương đương Thứ trưởng.
Các tổ chức Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân người đứng đầu đa số là Ủy viên Trung ương, chức vụ tương đương Bộ trưởng, vậy nên không thể không tính phương án để một số người nghỉ chế độ trước một vài năm!
Giảm thiểu đầu mối sẽ kèm theo giảm thiểu nhân sự, muốn hoạt động của cơ quan nhà nước tăng hiệu quả mà lại giảm chi phí nên chú ý mấy điều sau:
Thứ nhất, thực hiện nguyên tắc bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ  qua thi cử công khai, minh bạch, không nhất thiết các chức danh đều phải là đảng viên, “tìm người tài, không tìm người nhà”.
Thứ hai, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sáng tạo của cán bộ bằng cách xây dựng định mức cụ thể cho mỗi chức danh, chẳng hạn:
Nếu một tỉnh ba năm liền phải nhận gạo cứu trợ thì xem xét Giám đốc sở, nếu hết một nhiệm kỳ 5 năm mà tỉnh vẫn phải nhận điều tiết ngân sách từ trung ương thì xem kiên quyết không để tái cử toàn bộ ban lãnh đạo cả chính quyền lẫn bên Đảng…
Thứ ba, bãi bỏ việc cào bằng thu nhập cán bộ lãnh đạo địa phương như hiện nay, nhà nước đã phân thành phố thành ba loại 1, 2, 3 thì cấp tỉnh cũng cần phân tương tự (có thể căn cứ vào diện tích, dân số hoặc khoản đóng góp về ngân sách trung ương,…), thu nhập của các chức danh lãnh đạo các tỉnh loại 1 phải cao hơn tỉnh loại 2,…
Thứ tư, trong xu hướng cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0, cần hoàn thiện và vận hành thông suốt Chính phủ điện tử, giảm thiểu tối đa hội nghị, họp hành tập trung cán bộ cả ba miền bằng các cuộc hội nghị trực tuyến,…
Thứ năm, sau giai đoạn thí điểm với các bộ, ngành, đoàn thể, cần tập trung cơ cấu lại địa danh hành chính, không để tình trạng một tỉnh có diện tích chỉ khoảng 1.000 km2 và dân cư chỉ khoảng 1 triệu người.
Thứ sáu, từ kinh nghiệm của Quảng Ninh, tổng kết và nhân rộng mô hình nhất thể hóa, giảm thiểu tình trạng các đoàn đại biểu hỗn hợp đi thăm các nước.
Thứ bảy, điều cuối cùng mà người viết muốn bàn luận là xác định lại các tiêu chí bảo đảm cho “Quốc sách hàng đầu” là Giáo dục.
Vì Giáo dục được xác định là phải ưu tiên đi trước một bước nên việc tinh giản, cơ cấu lại các bộ, ngành, đoàn thể phải được tiến hành ngay từ giáo dục.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/bo-bien-che-de-giam-ganh-nang-11-trieu-nguoi-an-luong-309270.html
[2] http://vov.vn/chinh-tri/dang/du-luan-danh-gia-cao-ket-qua-hoi-nghi-trung-uong-6-681564.vov
[3] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Lam-gi-truoc-nguy-co-Death-by-China--Chet-boi-Trung-Quoc-post176264.gd
[4] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Chao-2018--Niem-vui-cua-dan-va-noi-buon-cua-Thu-tuong-post182680.gd

Xuân Dương

TRUNG QUỐC CÓ PHẢI LÀ CƯỜNG QUỐC CÔNG NGHỆ-SÁNG TẠO KHÔNG ?

TÂM DON/ VNTB/ BVN 10-4-2018

Trung Quốc có phải là cường quốc công nghệ và sáng tạo không, đó là câu hỏi đã được thế giới đặt ra trong 5-7 năm trước. Giới chuyên gia công nghệ thế giới đã không thẳng thắn trả lời, chỉ mỉm cười như hàm chỉ rằng, Trung Quốc chỉ đang ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học công nghệ của thế giới. Trong khi đó, tự bản thân Trung Quốc coi mình là cường quốc công nghệ của thế giới. 

Ru ngủ và tự huyễn hoặc mình

Cách đây vài trăm năm về trước, Trung Quốc là một quốc gia hùng mạnh, có một nền văn minh rực rỡ. Nền văn hóa Trung Quốc, cho dù được bao phủ bởi thuyết âm mưu và luận anh hùng, bởi ân oán và trả thù, bởi mưu đồ vương bá và tranh đoạt quyền lực liên miên và đẫm máu, vẫn là nền văn hóa sống động bậc nhất thế giới. Thời trung cổ, bốn phát minh vĩ đại nhất của nhân loại đều xuất phát từ Trung Quốc, đó là: trang giấy, thuốc súng, in ấn và la bàn. Bốn phát minh này đã giúp Trung Quốc lan tỏa quyền lực mềm của mình một cách thành công, chủ yếu sang Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Nhưng, Châu Âu với thời kỳ Phục Hưng kỳ diệu đã thực sự cất cánh về khoa học và học thuật trong một thời gian ngắn, và bỏ xa Trung Quốc trung thành với các tín điều của Khổng giáo.

Hơn 40 năm mở cửa với những chính sách kinh tế thực dụng đã giúp Trung Quốc phát triển chóng mặt, Trung Quốc có những đóng góp gì về khoa học công nghệ, về công nghệ nguồn cho văn minh nhân loại? 


Ảnh minh họa.
Người Trung Quốc vốn bị huyễn hoặc về tầm vóc trí tuệ và văn hóa của mình trong quá khứ, và bị bưng bít thông tin nặng nề, bị đầu độc tuyên truyền quá nhiều, nên đã khẳng định rằng: trong thời hiện đại, Trung Quốc đã có bốn phát minh thay đổi thế giới, đó là: tàu cao tốc, thương mại điện tử, thanh toán di động và xe đạp công cộng dùng chung. Từ tháng 5-2017 đến nay, báo chí Trung Quốc luôn tuyên truyền về bốn phát minh đương đại vĩ đại của Trung Quốc, tạo nên làn sóng tự hào dân tộc lớn chưa từng có, tạo nên niềm tin mãnh liệt trong người dân Trung Quốc về sự cường thịnh trí tuệ của đất nước. 

Thế giới đã ngỡ ngàng trước sự ngộ nhận của Trung Quốc. Trên thực tế, tàu cao tốc có đầu tiên ở Nhật Bản từ năm 1964, thương mại điện tử có đầu tiên ở Anh vào năm 1979, thanh toán di động có đầu tiên ở Phần Lan vào năm 1997 , xe đạp công cộng chia sẻ có ở Hà Lan những năm chục năm trước và được Nhật Bản nâng cấp bằng phần mềm tìm kiếm dễ dàng từ 20 năm trước .

Nhiều chuyên gia công nghệ đã dứt khoát khẳng định rằng, trong suốt 500 năm nay, Trung Quốc không có một phát minh, sáng kiến nào cống hiến cho quá trình phát triển của nhân loại.
Tại sao Trung Quốc lại tự nhận mình là tác giả của bốn phát minh ấy? Không có gì khó hiểu cả. Bất kỳ một chế độ độc tài toàn trị nào cũng tuyên truyền cho thần dân( không phải là công dân) của mình rằng, chế độ cầm quyền là ưu việt, đất nước phát triển và ổn định, để từ đó, các thần dân ngủ mê trong mộng mị và hoang tưởng. Khi vùi mình trong mộng mị và hoang tưởng, các thần dân sẽ không còn nhận thức được thật- giả, không đấu tranh để lật đổ một chế độ độc tài toàn trị thối tha. 

Sức mạnh của Bắc Kinh nằm trong sự sợ hãi của những kẻ hèn nhát

Nhiều người Việt Nam, và cả chính báo chí nhà nước đang ra sức ca ngợi sức mạnh của Trung Quốc và bước tiến công nghệ vượt bậc của nước này. Không thể phủ nhận rằng, Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh về kinh tế, đang tăng tốc trong việc ứng dụng công nghệ cao, nhưng cần phải khẳng định rằng: trong 40 năm qua Trung Quốc chưa bao giờ là một quốc gia sáng tạo và làm chủ công nghệ. Sao chép đã trở thành thuộc tính của Trung Quốc. Chiếm đoạt công nghệ cao dưới nhiều hình thức đã trở thành bản tính của họ. Sao chép và chiếm đoạt không đem lại những sản phẩm tốt, trên thực tế chỉ đem lại những sản phẩm lỗi.

Gần đây nhất, vào ngày 03-4-2018, tiêm kích F-7 của Myanmar do Trung Quốc sản xuất đã bị rơi khi đang bay, và phi công đã thiệt mạng. Nguyên nhân hoàn toàn thuộc về lỗi kỹ thuật, trong đó lỗi kỹ thuật đáng chú nhất là ghế phi công đã không kích hoạt dẫn đến cái chết của phi công.

Trước đó, vào năm 2015, một máy bay quân sự không người lái của Nigeria do Trung Quốc sản xuất đã rơi ở bang Borno của Nigeria và đã gây bão mạng thế giới. Dĩ nhiên, cũng là lỗi kỹ thuật.

Cũng vào năm 2015, Cameroon mua 04 máy bay trực thăng tấn công Harbin- Z9 của Trung Quốc, và 01 chiếc đã rơi( dĩ nhiên là do lỗi kỹ thuật) sau vài lần bay. Cameroon ngán ngẩm, đành để 3 chiếc còn lại làm cảnh, và ngậm bồ hòn làm ngọt.

Cũng vào năm 2015, Congo mua một lô xe bọc thép chống đạn từ Trung Quốc. Loại xe này uống xăng như uống nước khiến quân đội Congo sợ hãi. Và sau đó, trong một lần tuần tra, một chiếc xe bọc thép chống đạn loại này trúng mìn, kết quả là xe banh xác. Quân đội Congo đành phải cho lô xe nghỉ hưu ngoài ý muốn.

Còn tàu sân bay Liêu Ninh có phải là biểu tượng công nghệ của Trung Quốc? Chỉ đúng khi khẳng định rằng nó là sản phẩm của đua đòi và tập tành sĩ diện. Tàu Liêu Ninh có nguồn gốc là con tàu bỏ đi của hải quân Liên xô cũ, Trung Quốc hoán cải lại nó. Từ 50 năm trước, tất cả các tàu sân bay của Hoa Kỳ đã sử dụng năng lượng hạt nhân, nhưng tàu Liêu Ninh chỉ là máy thủy hàng hải đơn thuần do Ucraina sản xuất, phun khói mù mịt, tiêu tốn nhiên liệu khủng khiếp. Tất cả các tàu sân bay của Hoa Kỳ đều có hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt từ hàng chục năm trước, nhưng tàu Liêu Ninh vẫn phụ thuộc vào nguồn nước ngọt được cung cấp từ các tàu hậu cần. Dĩ nhiên, nhiên liệu cũng được các tàu hậu cần cung cấp. Các công nghệ khác của tàu sân bay Liêu Ninh dĩ nhiên kém xa các công nghệ của tàu sân bay Hoa Kỳ. Vậy, sức mạnh của tàu sân bay Liêu Ninh nằm ở đâu? Sức mạnh của nó nằm trong sự sợ hãi của những kẻ hèn nhát.

Cho đến thời điểm năm 2018, Trung Quốc vẫn chưa làm chủ được công nghệ sản xuất bút big, mặc dù đất nước này sản xuất 80% lượng bút bi của thế giới. Cho đến thời điểm năm 2018, dù là nước sản xuất điện thoại di động nhiều nhất, nhưng Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu làm chủ công nghệ điện thoại di động. Cho đến thời điểm năm 2018, cho dù sử dụng nhiều con chíp nhất thế giới, nhưng Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu 80% con chíp, 20% con chíp do Trung Quốc sản xuất chỉ là những con chíp biết bò.

Thế giới có gì Trung Quốc có cái đó. Trung Quốc có tàu vũ trụ, có vệ tinh- biểu tượng của khoa học kỹ thuật cao? Không, nó là biểu tượng của những khát vọng hơn là biểu tượng của sáng tạo và phát minh.

Các nước láng giếng của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới đang tỏ ra khá lo lắng và e ngại trước sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc, nhưng họ không hề sợ hãi. Nhưng có lẽ Việt Nam không nằm trong số đó!
T.D.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét