Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

20240301. BÀN VỀ LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ THEO LUẬT HỒI TỴ

 ĐIỂM BÁO MẠNG


TỪ LUẬT HỒI TỴ ĐẾN VIỆC LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ
TÔ VĂN TRƯỜNG/ TVN 29-2-2024

Luật Hồi tỵ đến nay vẫn còn tính thời sự, việc nghiên cứu để ban hành những quy định có ý nghĩa như Luật Hồi tỵ rất cần thiết. Luật này sẽ góp phần chống tham nhũng tận gốc, chống tiêu cực trong công tác cán bộ, làm trong sạch bộ máy Nhà nước.

Luật Hồi tỵ hiểu sơ lược là “luật về sự tránh né”. Nội dung của các quy định hồi tỵ xoay quanh việc ngăn chặn những người thân thích với nhau (người trong gia đình, họ hàng; người đồng hương; thầy trò...) làm việc trong cùng một cơ quan nhà nước. Ngoài ra, cũng có những quy định không cho phép quan chức mua ruộng đất tại nơi mình cai quản, không cho phép quan lại được tham gia vào một số khâu quan trọng của các kỳ thi tuyển người cho triều đình.

Luật Hồi tỵ là một chính sách đắc lực và quan trọng giúp các vị vua thời phong kiến không chỉ quản lý và khống chế đội ngũ quan lại trong việc lạm dụng chức quyền, địa vị để kết bè kéo cánh, âm mưu chống lại triều đình mà còn có thể phòng ngừa, giám sát và quản lý nghiêm ngặt các quan lại nhằm ngăn chặn, hạn chế nạn tham nhũng, quan liêu, cát cứ, chạy theo lợi ích cục bộ, địa phương.

Luật Hồi tỵ ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ đời Hồng Đức (1460–1497), học tập những quy định tương tự từ Trung Hoa vốn đã có từ triều đại nhà Tùy. 

Luật Hồi tỵ cũng từng được áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình.

Luật Hồi tỵ Nhà Hậu Lê

Luật Hồi tỵ ra đời dưới triều Vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) nhằm minh định việc bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến thời đó.

Luật Hồi tỵ triều Vua Lê Thánh Tông gồm một số nội dung chính: Không bổ nhiệm một viên quan về cai trị tỉnh/huyện mà ông ta xuất thân từ đó; Không bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo; Trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh/huyện, viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó; Viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng.

Nội dung Hồi tỵ cũng được quy định tại bộ Quốc triều Hình luật (Nhà Hậu Lê), còn được gọi là Luật Hồng Đức (Hồng Đức là một niên hiệu của Vua Lê Thánh Tông). Ví dụ: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.


Một cảnh chấm thi thời phong kiến

Như vậy là ngay vào thế kỷ 15, nguyên tắc hồi tỵ đã được luật hóa ở Việt Nam với những quy định hết sức chặt chẽ mà ngày nay người ta không mường tượng được, như cấm quan chức cưới vợ là người ở địa hạt công vụ! Một quy định nghe kỳ khôi nhưng có tác dụng ngăn chặn người nhà bên vợ lạm dụng chức quyền của chồng ngay trên mảnh đất nhà vợ.

Luật Hồi tỵ Nhà Nguyễn

Các quy định hồi tỵ dưới triều Nhà Nguyễn, đặc biệt là từ đời Minh Mạng (trị vì 1820–1841), có sự mở rộng đáng kể về phạm vi nếu so sánh với các quy định hồi tỵ từ thời Lê Thánh Tông.

Khi lên ngôi, Minh Mạng đối mặt rất nhiều khó khăn. Các võ quan hàng đầu từ thời Gia Long như Lê Chất, Lê Văn Duyệt đại diện cho thế hệ có công khai quốc, quyền lực rất lớn; hai đơn vị hành chính Bắc Thành và Gia Định Thành có quá nhiều quyền lực, thậm chí thách thức quyền uy của trung ương.

Ngoài ra, hiện tượng tham nhũng, nhất là tham nhũng do việc những người thân quyến cùng làm ở một nơi (cùng địa phương, cùng cơ quan) diễn ra khá phổ biến, như trong Đại Nam điển lệ ghi nhận lời than phiền của nhà vua: “... các chức thông phán, kinh lịch phần nhiều là người trong địa phương... Do đó, vì tình riêng làng nước, khó lòng khỏi sự tư túi sinh ra nhiều tệ hại...”.

Những điều đó đặt ra cho Minh Mạng hai thử thách lớn: (1) Cải cách toàn diện bộ máy hành chính, tạo ra một hệ thống hành chính tuyệt đối phục tùng nhà vua và quyền lực trung ương; (2) Ngăn chặn tham nhũng xảy ra trong bộ máy này. Để giải quyết vấn đề nêu trên, Minh Mạng chọn Luật Hồi tỵ như một giải pháp mạnh mẽ và phù hợp trong bối cảnh nhà nước quân chủ chưa biết đến các biện pháp phòng, chống tham nhũng hiện đại.

Dưới thời Minh Mạng, Luật Hồi tỵ được áp dụng triệt để, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới với một số quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất, quan lại ở các bộ, kinh đô và tỉnh/huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác; trừ Viện Thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối.


Bản tấu của các quan khâm sai trường thi hội ngày 38.3 năm Minh Mạng thứ 3 về việc bắt thư lại ty Thanh lại, thuộc Bộ Hộ là Nguyễn Thừa Tín có con là Nguyễn Thừa Giảng vào dự thi mà không xin hồi tỵ. Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia

Thứ hai, người ở nha môn thuộc phủ/huyện cùng làng với quan lại phải chuyển đi nha môn khác làm việc.

Thứ ba, quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ.

Thứ tư, người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò không được làm quan cùng một chỗ.

Thứ năm, khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân thì phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế.

Thứ sáu, quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thi. Nếu có thì phải tâu trình thay người khác.

Cuối cùng, nghiêm cấm quan đầu tỉnh đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng… trong địa hạt cai quản của mình.

Vận dụng vào pháp luật ngày nay

Luật Hồi tỵ có quy định nhằm ngăn chặn những tình huống xung đột lợi ích theo ý niệm ngày nay. Xung đột lợi ích thường thấy là quan bà tham dự vào một số hoạt động có liên quan đến công việc của quan ông. Thậm chí khi quan ông tổ chức hội thảo, quan bà phụ trách cung cấp suất ăn trưa cho các đại biểu. Vì nể quan ông nên nhân viên dưới quyền không dám can ngăn những hoạt động của quan bà.

Trong những trường hợp khác, khi quan ông có chức vụ trong các ban quản lý dự án, chú bác hoặc anh em của quan ông phụ trách cung cấp vật liệu xây dựng. Những vụ việc như thế xảy ra tràn lan mà các cơ quan công quyền, kể cả cơ quan thực thi pháp luật, không hề nhận ra đó là xung đột lợi ích. Hoặc là nhận ra nhưng “mắt nhắm, mắt mở”. Để rồi từ những vụ việc nhỏ phát triển thành sân sau, nhóm lợi ích…

Luật Hồi tỵ đến nay vẫn còn tính thời sự, việc nghiên cứu để ban hành những quy định có ý nghĩa như Luật Hồi tỵ là rất cần thiết. Luật này sẽ góp phần chống tham nhũng tận gốc, chống tiêu cực trong công tác cán bộ, làm trong sạch bộ máy Nhà nước.

PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn cùng Trần Tuấn Kiệt ở Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất vận dụng kinh nghiệm của Luật Hồi tỵ trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay như sau:

Một là, truyền thống coi trọng gia đình, dòng họ, thân hữu vừa có mặt tích cực và vừa có mặt tiêu cực, tùy thuộc vào mối quan hệ cụ thể. Trong quan hệ công vụ, việc giải quyết công việc dựa trên quan hệ gia đình, dòng tộc, bạn hữu là việc cần tránh, cần ngăn chặn.

Hai là, cần bổ sung các chế tài và những điều kiện đảm bảo cho việc thực thi các quy định liên quan đến “hồi tỵ” thời hiện đại. Căn cứ vào tính chất, mức độ của việc vi phạm các quy định về “hồi tỵ” mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Ngoài ra, cần đảm bảo những điều kiện thiết yếu để những quy định liên quan đến “hồi tỵ” thời hiện đại phát huy tác dụng đó là cần phải có quy định của pháp luật chặt chẽ, đầy đủ; có cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm; có đủ những điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực, trang thiết bị cần thiết hỗ trợ cho việc phát hiện, xử lý vi phạm.

Có như vậy, những quy định về hồi tỵ thời hiện đại mới có khả năng hiện thực hoá trên thực tế.

Ba là, cần tiếp tục nghiên cứu áp dụng các quy tắc hồi tỵ ở phạm vi rộng hơn hiện nay. Chúng ta đang áp dụng các loại hình công cụ pháp lý trong phòng, chống tham nhũng, nhưng hiện tượng “gia đình trị” vẫn còn xảy ra ở các cơ quan nhà nước cấp địa phương đến cấp tỉnh, thành phố.

Đây là một yếu tố khiến niềm tin của người dân vào chính quyền suy giảm. Nghi vấn của người dân không phải là không có căn cứ, và những biện pháp ngăn chặn cho các tình huống như vậy cần phải được hiện thực. Xuất phát từ thực tế này, chúng tôi cho rằng, việc tiếp tục nghiên cứu áp dụng các quy tắc hồi tỵ ở phạm vi rộng hơn hiện nay là cần thiết.

Cuối cùng, cần ngăn chặn mối quan hệ giữa nhiều cá nhân có quan hệ thân thiết trong nhiều cơ quan ở một địa phương. Các quy định mang tính hồi tỵ như vừa đề cập trên đã góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn tham nhũng xảy ra trong nội bộ một cơ quan. Tuy nhiên, một vấn đề khác là mối quan hệ giữa nhiều cá nhân có quan hệ thân thiết trong nhiều cơ quan ở một địa phương dường như lại chưa được tính toán một cách toàn diện.

Tóm lại, theo hai nhà giáo luật Nguyễn Minh Tuấn & Trần Tuấn Kiệt, hồi tỵ là một biện pháp đáng được nghiên cứu thêm với tư cách là một công cụ bổ sung hữu hiệu nhằm hạn chế nguy cơ tham nhũng xảy ra trong bộ máy nhà nước Việt Nam hiện đại, mà đặc biệt như vừa đề cập là là phòng, chống tham nhũng ở cấp địa phương.

Định hướng mở rộng áp dụng và phát huy vai trò của các quy tắc hồi tỵ sẽ là: nhìn nhận nguy cơ ở các mối quan hệ không chỉ giới hạn trong nội bộ cơ quan mà ở nhiều cơ quan hành chính tại cùng một địa phương.

Đồng thời, tiếp tục củng cố các quy định của pháp luật khác về kiểm tra, giám sát bổ nhiệm cán bộ và thi tuyển, bổ nhiệm công chức, đảm bảo hiệu quả của những biện pháp hồi tỵ, bao gồm nhưng không giới hạn việc công khai hóa, minh bạch hóa quy trình.


Luật Hồi tỵ không chỉ được phát triển bởi Minh Mạng. Các triều đại kế tiếp không chỉ vẫn duy trì áp dụng, mà còn có nhiều quy định bổ sung, mở rộng hơn các quy định này. Lấy ví dụ, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép:

** Đời Thiệu Trị, năm 1844: “Các nha môn lớn nhỏ ở trong Kinh và ngoài các tỉnh, nếu trong mỗi nha có thân thuộc phải để tang từ 3 tháng trở lên, cùng là những nha có tình thông gia, về bên gái có bố mẹ chồng, về bên trai có bố vợ, cùng là anh chị em vợ, hễ tương đối có tình thân hậu như thế đều cho hồi tỵ”.

** Đời Tự Đức, năm 1857: “Trong một tổng không được chọn người trong cùng một xã cùng làm chánh tổng và phó tổng; trong một tổng hay trong một xã không được chọn người có thân thuộc cùng làm chánh tổng và phó tổng. Lý trưởng cũng không được có liên hệ hôn nhân”.

** Đời Đồng Khánh, năm 1887: “Văn võ ấn quan ở trong cùng một vệ hoặc một tỉnh, những người có quê quán cùng một huyện phải hồi tỵ. Trong một bộ hoặc một tỉnh mà có người cùng một hạt, hoặc làm việc một nơi 4 người mà đến 3 người cùng hạt, cũng phải hồi ti. Còn như người thuộc quê quán mẹ hoặc quê quán vợ thì đến lúc cần cứ thực sự trình rõ, nên giữ lại chức hay nên cải đều xin chờ chỉ”.

** Đời Thành Thái, năm 1890: “Đến kỳ thi Hương, các tỉnh các đạo phải xét rõ các quan tỉnh và quan đốc học, cùng các viên phủ, huyện, các viên giáo thụ, huấn đạo, thông phán, kinh lịch, viên nào vốn là tiến sĩ, phó bảng và cử nhân xuất thân, với lại các cử nhân còn ở nhà (chưa ra làm quan), trừ những viên chức nào có duyên cớ gì ra, còn thì người nào có thân thích ứng thi, theo lệ phải hồi tỵ, đều phải chú cước rõ ở dưới họ tên, rồi phải nội trong một tháng, kê khai đủ chức hàm, tên họ và quan chỉ, đệ trình vào Bộ, để kịp thì giờ lựa chọn làm khảo quan, cử hành việc trường.” [Có thể hiểu Luật Hồi tỵ áp dụng cho từng trường thi, nghĩa là thí sinh có họ hàng với quan chức nêu trên thuộc cùng một trường thì thì phải đi thi ở trường thi khác.]

Tô Văn Trường

NGUỒN: Từ Luật Hồi tỵ đến việc luân chuyển cán bộ (TVN 29/2/2024)-Tô Văn Trường    [https://vietnamnet.vn/tu-luat-hoi-ty-den-viec-luan-chuyen-can-bo-2254166.html] 

TIN LIÊN QUAN:

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

20240229. DỰ BÁO KINH TẾ TOÀN CẦU VÀ VN NĂM 2024

    ĐIỂM BÁO MẠNG


TRIỂN VỌNG KINH TẾ TOÀN CẦU VÀ VIỆT NAM NĂM 2024
TRẦN QUỐC HÙNG /diendan.org/ BVN 27-2-2024


Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại bởi nhiều yếu tố rủi ro bất định, nền kinh tế Việt Nam còn tồn tại những khó khăn riêng cản trở sự phát triển.
CÒN ĐÓ NHỮNG RỦI RO BẤT ĐỊNH TOÀN CẦU
Nền kinh tế toàn cầu bước vào năm 2024 với nhiều khó khăn tồn tại và thử thách nghiêm trọng. Mức tăng trưởng sẽ chậm lại, thấp hơn so với các thập kỷ trước vì nhiều lý do.
Bốn năm sau khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đại dịch. GDP toàn cầu năm 2023 sẽ thấp hơn khoảng 3,4% (tương đương 3.700 tỷ đô la Mỹ) so với GDP dự đoán trước khi có dịch. Sự mất mát này được phân bố không đồng đều. Mỹ là nước duy nhất đã hồi phục trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước đại dịch. Châu Âu vẫn còn tăng trưởng dưới 2,2% và Trung Quốc 4,2% so với trước Covid-19.
Đáng chú ý là 73 nước nghèo có lợi tức thấp (low income countries – theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)) bị mất đến 6,5% GDP vì đại dịch. Sự mất mát này sẽ không hồi phục lại được. Nói cách khác, Covid-19 đã khiến các nước nghèo tăng trưởng chậm lại, và bị tụt hậu rất nhiều trong nỗ lực phát triển. Thêm khoảng gần 100 triệu người đã bị rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực.
Cuộc tranh chấp chiến lược và địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đã chia rẽ nền kinh tế toàn cầu thành hai khối – nghiêng về Mỹ hay nghiêng về Trung Quốc. Đặc biệt, chuỗi cung ứng toàn cầu của nhiều mặt hàng chiến lược và quan trọng đã có sự phân liệt. Nghiên cứu của IMF cho thấy trong mấy năm vừa qua, việc xuất nhập khẩu hàng hóa và sản phẩm cơ bản, giao lưu tài chính như đầu tư trực tiếp, đầu tư danh mục và cho vay ngân hàng đã tăng trưởng mạnh mẽ hơn giữa các nước trong cùng khối, so với mức tăng trưởng chung cho toàn thế giới. Các giao lưu kinh tế, tài chính bị chia cắt đã làm giảm hiệu năng của nền kinh tế, tăng phí tổn kinh doanh. Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế chậm lại và áp lực lên lạm phát. IMF đã ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ bị giảm 7% trong thời gian sắp tới.
Nếu tranh chấp chiến lược Mỹ - Trung Quốc sâu sắc thêm, tạo thành các xung đột khu vực, thì ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế sẽ nặng thêm, giống như hậu quả của cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, đã làm tăng giá nhiên liệu, thực phẩm trên thế giới và làm chậm tăng trưởng. Cuộc xung đột quân sự Israel – Hamas (ở Trung Đông) nếu lan rộng ra cũng có ảnh hưởng tiêu cực như thế.
Ngoài ra, các sự kiện thiên tai, thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế như gây tổn thất tài sản, mùa màng; tăng phí bảo hiểm và các chi phí kinh doanh khác.
Những yếu tố kể trên đã góp phần làm mức tăng trưởng kinh tế thế giới giảm nhiều trong thời gian qua, từ trung bình 5%/năm giai đoạn 1950-1960 xuống chỉ còn 2,5%/năm giai đoạn 2020-2024. Bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm sẽ tác động đến khả năng tăng trưởng của các nước.
Điều đáng chú ý là thương mại thế giới cũng đã tăng trưởng chậm lại. Từ những năm 1980 cho đến cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008, thương mại thế giới tăng khoảng 6-7%/năm – gấp đôi mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đây đã là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sau đó, kim ngạch thương mại tăng chậm hẳn lại, chỉ còn tăng 0,8% trong năm 2023 trước khi hồi phục đến khoảng 3% vào năm 2024. Thương mại thế giới chậm tăng trưởng sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với các nền kinh tế mở như Việt Nam (tỷ lệ xuất nhập khẩu/GDP rất cao, gần 200%).
TRIỂN VỌNG KINH TẾ TỪNG KHU VỰC
Trong giai đoạn 2019-2023, kinh tế nhiều nước đã bị dao động rất nhiều vì tác động của đại dịch. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trung bình hàng năm ở Mỹ là 1,9% trong thời gian này, xấp xỉ với mức tăng trưởng tiềm năng (potential growth rate). Mỹ là nước duy nhất đã hồi phục trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước Covid-19. Lý do chính là trong năm 2020-2021, Chính phủ Mỹ đã thực hiện chương trình kích cầu khổng lồ lớn nhất thế giới trị giá trên 5.000 tỷ đô la Mỹ. Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) cũng tung ra lượng thanh khoản lớn tương tự để hỗ trợ nền kinh tế.
Sang năm 2024, hai nguồn kích thích này sẽ bị đảo ngược. Bội chi ngân sách giảm và việc Fed đã tăng lãi suất trong gần hai năm qua – mà những ảnh hưởng chậm của nó sẽ còn tiếp tục trong năm 2024. Ngoài ra, các hộ gia đình ở Mỹ cũng đã tiêu hết số tiền trợ cấp do dịch bệnh (trên 2.000 tỷ đô la Mỹ) và sẽ phải bình thường hóa mức chi tiêu của mình. Vì vậy, mức tăng trưởng năm 2024 dự báo sẽ giảm xuống còn 1,5%.
Trong khi đó, khu vực đồng euro ở châu Âu vẫn tiếp tục trì trệ với GDP chỉ tăng 0,7% trong năm 2023 và dự báo 1% trong năm 2024. Đặc biệt là Đức sẽ rơi vào cuộc suy thoái kép vào đầu và cuối năm nay; và sẽ giảm 0,5% trong năm 2024. Lý do chính là giá năng lượng và thực phẩm tăng cao do xung đột ở Ukraine; lạm phát tăng lên trên 10% buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải tăng lãi suất lên cao nhất trong nhiều thập niên qua và chính phủ phải giảm bội chi ngân sách. Việc thương mại thế giới không tăng trưởng cũng có ảnh hưởng xấu đối với châu Âu – vốn dựa vào ngoại thương rất nhiều.
Tăng trưởng trung bình hàng năm của Trung Quốc đạt 4,5% trong năm năm 2019-2023, thấp hơn mức 7,5% trong thập niên trước Covid-19 nhưng bằng mức tăng trưởng tiềm năng trong giai đoạn này. Suất tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc đã giảm vì tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh đẻ giảm nhiều, làm số người trong độ tuổi lao động giảm 0,5% mỗi năm, và sẽ có thể lên tới 0,8% trong những năm tới. Trong khi đó, mức tăng trưởng năng suất lao động cũng giảm xuống dưới 5%/năm.
Nói chung, suất mức tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm, dự báo còn 3-4% trong giai đoạn 2026-2030 và 2-3% trong những năm 2031-2035. Dù tăng trưởng chậm lại, GDP của Trung Quốc sẽ bắt kịp Mỹ vào năm 2035 khi cả hai lên mức 30.000 tỷ đô la Mỹ, dù chậm hơn dự kiến của nước này. Thử thách lớn nhất trước mắt là tình trạng nợ quá cao. Nợ doanh nghiệp lên tới 167% GDP, thuộc loại rất cao trên thế giới và nợ công (gồm cả chính quyền trung ương, địa phương và các công ty vay nợ của địa phương) bằng 95% GDP, giới hạn khả năng kích cầu của Chính phủ Trung Quốc.
Nhật Bản bất ngờ tăng trưởng 2% trong năm 2023 nhờ du lịch và xuất khẩu tăng mạnh bởi đồng Yen mất giá khoảng 11,5% so với đô la Mỹ từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, sang năm 2024, tăng trưởng kinh tế ở Nhật sẽ trở về mức 1% của 30 năm bị “mất mát” (1990-2010), nhất là khi Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vì lạm phát đã vượt quá 2%.
Điểm son trong tình hình kinh tế hiện nay là Ấn Độ. Nước này đã và sẽ tăng trưởng khoảng 6,53%/ năm nhờ các cải cách kinh tế trong thập niên trước. Tuy nhiên tác động của Ấn Độ đối với kinh tế toàn cầu giới hạn vì tỷ trọng xuất và nhập khẩu của Ấn Độ trong thương mại thế giới rất thấp, chỉ khoảng 2% so (trong khi Trung Quốc là 12,4%).
Nói chung châu Á giữ mức tăng trưởng khoảng 5% trong thời gian sắp tới, trở thành đầu tàu đóng góp 70% trong sự tăng trưởng toàn thế giới.
Các nước thị trường mới nổi (emerging markets) cũng sẽ tăng trưởng chậm lại – khoảng 4%/năm, bằng một nửa mức tăng trưởng trong hai thập niên 1990 và 2000. Các nước này đã chịu ba cú sốc liên tiếp gồm Covid-19, xung đột quân sự ở Ukraine, việc tăng lãi suất nhanh và cao của Fed và ECB…, vì vậy, đến nay vẫn chưa thể hồi phục.
Các nước lợi tức thấp (low income countries) mắc nợ quá cao (3.500 tỷ đô la Mỹ). Nhiều nước đang bị khủng hoảng nợ. Điều này khiến họ càng bị trì trệ trong nền kinh tế. Ở nhiều nước, tiền trả lãi trên dư nợ đã vượt quá 10% thu ngân sách, khiến họ phải cắt giảm các chi phí cần thiết cho an sinh xã hội, giáo dục, cơ sở hạ tầng, chưa kể đến việc đối phó với biến đổi khí hậu. Châu Phi còn phải đối phó với tình trạng bùng nổ dân số khi mỗi tháng có đến một triệu người mới tham gia vào lực lượng lao động nhưng chỉ có 25% trong số đó sẽ tìm được việc làm, theo Ngân hàng Phát triển châu Phi. Người thất nghiệp bất mãn và trở thành mối đe dọa cho sự ổn định xã hội và chính trị ở các nước này và tăng áp lực di dân đối với châu Âu.
KHÓ KHĂN CỦA VIỆT NAM
2023 là một năm hết sức khó khăn cho Việt Nam, nhất là trong sáu tháng đầu năm, khi sức cầu trong và ngoài nước đều giảm. Tuy nhiên, tình hình kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục trong quý 3-2023 với GDP tăng 5,3%, chủ yếu do các biện pháp kích cầu của chính phủ. Thêm vào đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh giai đoạn cuối năm. Nếu tiếp tục đà này, tăng trưởng 7% trong quý 4, GDP Việt Nam có thể tăng 5% cả năm 2023.
Để đánh giá triển vọng tăng trưởng trong năm 2024 và 2025, chúng ta cần nhìn nhận tổng quan hơn về việc kinh tế có tính chu kỳ, cùng với đó xem xét các vấn đề có tính cơ cấu đang kìm hãm sự phát triển.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trung bình 5,2%/năm trong giai đoạn đầy biến động 2019-2023. Mức này thấp hơn tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng hiện nay là 5,5-6%. Một số tổ chức quốc tế đã dự báo tỷ lệ tăng trưởng trung bình 5,6%/năm trong giai đoạn 2023-2030. Các ước tính này dựa trên cơ sở lực lượng lao động Việt Nam tăng khoảng 1%/năm, cộng với năng suất lao động tăng 4,5-5%/năm. Việt Nam còn nhiều dư địa và tiềm năng để cải thiện khi năng suất lao động vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Tất nhiên việc này không dễ thực hiện vì khuynh hướng chung của hầu hết các nước trên thế giới là càng ngày càng giảm mức tăng trưởng năng suất lao động.
Nói chung, mức tăng trưởng của Việt Nam trong một vài năm tới có thể dự báo nằm trong mức tăng trưởng tiềm năng 5,5-6%. Đây cũng là dự báo tăng trưởng của WB, IMF và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Một số người cho rằng tăng trưởng như thế là tốt rồi, tuy thấp hơn Ấn Độ một chút nhưng vẫn cao hơn các nước khác trên thế giới. Tôi cho rằng như thế là phiến diện: kinh nghiệm là các nước con hổ châu Á (kể cả Trung Quốc) đều phát triển rất nhanh trong giai đoạn đầu. Cụ thể là trong hai thập niên trước khi đạt mức GDP/đầu người 10.000 đô la Mỹ, các nước này đã tăng trưởng rất nhanh. Singapore trung bình tăng 9,4%/năm; Đài Loan tăng 8,8%; Hàn Quốc là 8,7% và Trung Quốc là 8,7%… Khi đạt mức phát triển tương đối cao như trên thì tăng trưởng mới bắt đầu chậm lại và vẫn vượt qua ngưỡng cửa 13.205 đô la Mỹ để trở thành nước thu nhập cao (theo xếp hạng của WB). Trung Quốc cũng có khả năng đạt mức này trong thời gian tới.
So với các nước kể trên, Việt Nam kém hơn nhiều. Trong thập niên đầu sau đổi mới (1990-1999) GDP tăng trưởng trung bình 7,4%/năm; đến thập niên 2000-2009 xuống 6,6%. Đó là tính theo số thống kê cũ, trước khi có sự điều chỉnh năm 2010 tăng GDP lên 25%.
Nếu Tổng cục Thống kê sửa lại số liệu GDP trước năm 2010 (chưa công bố) để hợp với số liệu sau năm 2010, khi đó, mức tăng trưởng trước năm 2010 còn cao hơn, ít nhất cũng trong khoảng 8-9%/năm. Tuy nhiên sau đó, trên cơ sở số liệu mới, GDP đã tăng trung bình 6%/năm trong thời gian 2010-2022. Điều này có nghĩa là mức tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại từ năm 2010 khi GDP/đầu người chỉ mới 1.684 đô la Mỹ. Trong năm năm gần đây nhất, 2019-2023, thì chỉ còn 5,2%/ năm, khi GDP/đầu người đạt 4.164 đô la Mỹ, một phần là vì tác động của Covid-19. Nói chung, mức tăng trưởng của Việt Nam đã chậm lại khi mới phát triển GDP/đầu người đến mức độ còn thấp. Nếu tăng trưởng “chậm” và “sớm” như thế, Việt Nam khó bắt kịp với các nước con hổ châu Á và nguy cơ tụt hậu sẽ tiếp tục ám ảnh.
GIẢI PHÁP CHO VIỆT NAM
Để giảm bớt nguy cơ tụt hậu, cần phải nâng cao năng suất lao động. Cụ thể Việt Nam cần phải tiếp tục cải cách kinh tế, hoàn thiện cơ chế thị trường cạnh tranh lành mạnh, không bị lũng đoạn vì sự tham nhũng của các tập đoàn lợi ích; tăng cường hiệu năng của bộ máy hành chính; đào tạo công nhân viên có trình độ kỹ thuật đáp ứng với nhu cầu hiện nay; xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cho công nghiệp số và công nghiệp xanh, thu hút và sử dụng tốt dòng đầu tư FDI đang được chuyển hướng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.
Ngoài ra, còn một vấn đề quan trọng nhưng chưa được chú ý đúng mức, đó là tình trạng nợ doanh nghiệp phi tài chính đã quá cao.
Theo Sách Trắng Doanh nghiệp 2023 do Tổng cục Thống kê vừa xuất bản, tỷ lệ dư nợ doanh nghiệp phi tài chính/GDP luôn tăng trong thời gian qua, lên tới 255% trong năm 2021, chủ yếu là nợ trong nước. Trong đó, nợ nước ngoài bằng ngoại tệ chiếm khoảng 10% (hay 103 tỷ đô la Mỹ) tổng dư nợ. Tỷ lệ này cao nhất thế giới (có tỷ lệ nợ trung bình là 95%).
Tương tự như Trung Quốc (với tỷ lệ nợ doanh nghiệp phi tài chính/GDP 167%), nợ doanh nghiệp quá cao làm cho thị trường tài chính và nền kinh tế mất ổn định, dễ lâm vào khủng hoảng. Tình trạng nợ doanh nghiệp quá cao rất phức tạp vì cách giải quyết nào cũng có cái giá phải trả. Khuynh hướng hiện nay của Việt Nam là giảm lãi suất, khuyến khích ngân hàng mở rộng việc cho vay, tăng tín dụng cho doanh nghiệp. Làm như thế thì có thể yểm trợ sự hồi phục của ngành bất động sản và kinh tế nói chung trong giai đoạn trước mắt. Tuy nhiên, cái giá phải trả là tăng thêm mức dư nợ của doanh nghiệp (hiện đã quá cao) và làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ trong tương lai nếu tình hình kinh tế trở nên bất lợi (như lãi suất tăng hay sức cầu và giá bán hàng mặt giảm).
Ngược lại, việc mạnh dạn thanh lý toàn bộ các món nợ xấu và các doanh nghiệp đã phá sản (giá trị tài sản thấp hơn mức nợ phải trả + vốn chủ sở hữu) sẽ gây cú sốc làm kinh tế chậm lại hoặc suy thoái. Nhưng trong tương lai, điều này có thể lành mạnh hóa bảng cân đối tài chính của doanh nghiệp và ngân hàng, làm cơ sở để có thể tăng trưởng ổn định và bền vững hơn.
Cách giải quyết trung dung của Trung Quốc đáng tham khảo khi nước này đẩy mạnh thanh lý/tái cấu trúc nợ xấu và doanh nghiệp bất động sản phá sản tới mức vừa phải mà nền kinh tế, xã hội có thể chịu được. Đồng thời, nước này kích cầu và yểm trợ có chọn lọc để đảm bảo tăng trưởng tối thiểu và đối phó với cái giá phải trả là tình trạng này có thể kéo dài thêm vài năm nữa. Kinh nghiệm của Trung Quốc trong năm năm qua cho thấy việc giảm tỷ lệ nợ doanh nghiệp phi tài chính/GDP đòi hỏi phải kiên trì áp dụng các biện pháp giảm tỷ lệ nợ trong thời gian dài. Trung Quốc đã giảm tỷ lệ nợ từ 163% trong quý 3-2020 xuống 158% trong quý 2-2022; nhưng sau đó đã tăng lên 167% trong quý 3-2023 – phần lớn vì Covid-19.
Nói tóm lại, cần phải giải quyết tình trạng nợ doanh nghiệp phi tài chính quá cao, nếu không, nền kinh tế luôn luôn bị đe doạ bởi khủng hoảng nợ và tăng trưởng chậm.
T.Q.H.
Trần Quốc Hùng – Kinh tế gia ở Mỹ. Tác giả xin cảm ơn TS. Vũ Quang Việt đã cung cấp tư liệu về việc sửa đổi cách tính GDP Việt Nam năm 2010 và tình trạng nợ doanh nghiệp.
Nguồn:
Bauxite Vietnam

ĐỊNH VỊ VIỆT NAM TRÊN BẢN ĐỒ KINH TẾ THẾ GIỚI
NGUYỄN HUY VIỆN/TVN 28-2-2024

Chúng ta định vị Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới thế nào chứ không nên so những thành tựu hôm nay với quá khứ để từ đó có đột phá về tư duy, hoàn thiện thể chế cho đất nước phát triển thịnh vượng.

Tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05% dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng cũng thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực. Tăng trưởng được thúc đẩy sẽ củng cố, tăng cường quy mô, tiềm lực và vị thế của nền kinh tế.

Thực tế là trong quá trình thực hiện đường lối Đổi mới, nhiều chủ trương, chính sách đã liên tục được điều chỉnh, ban hành đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, do là nền kinh tế chuyển đổi và mô hình phát triển nên khi ban hành chủ trương, quyết sách hiếm khi có sự đột phá mà phải rất thận trọng, mò mẫm theo kiểu “dò đá qua sông”, vừa thực hiện vừa điều chỉnh.

Cho nên, trong không ít trường hợp, không ít chủ trương, chính sách về cơ bản mang tính tình thế, chật ở đâu nới ở đó và chật đến đâu cơi nơi đến đó. Vì vậy, bước sang thập niên 2010, chiếc áo cơ chế trở nên quá chật chội, bó buộc đối với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương cũng như trên phạm vi cả nước.


Định vị Việt Nam trong bản đồ kinh tế toàn cầu chứ không thể dùng phương pháp tự ta so sánh với ta. Ảnh: VietNamNet

Mặc dù từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối Đổi mới, Việt Nam đã cởi trói để người dân làm kinh tế tư nhân, thu hút hàng triệu tỷ đồng cho đầu tư, phát triển, sản xuất và kinh doanh. Cũng trong thời gian đó, chúng ta thu hút được hàng trăm tỷ USD vốn FDI và hàng trăm tỷ USD vốn vay ODA là những nguồn lực tài chính rất lớn. Bên cạnh đó, chúng ta trong giai đoạn dân số vàng, góp phần làm cho nền kinh tế phát triển ấn tượng.

Nhưng vì nghẽn về cơ chế nên chưa phát huy được tiềm lực kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp tư nhân, dù đã có chủ trương khu vực kinh tế này phải là một trong những động lực của nền kinh tế. Phải nói, chủ trương này, thông qua Nghị quyết 10 năm 2017 rất đúng để tiến theo xu thế không phải bàn cãi là khu vực này là động lực dẫn dắt các nền kinh tế thị trường hiện đại, phát triển trên thế giới.

Kinh tế tư nhân không được phát huy, đóng góp của khu vực doanh nghiệp có đăng ký chính thức vẫn chỉ loanh quanh 9-10% GDP trong nhiều thập kỷ nay, cho nên tốc độ tăng trưởng GDP chưa năm nào đạt hai con số. Đáng lo ngại hơn, gần 4 thập kỷ nền kinh tế chuyển đổi mà biểu đồ tăng trưởng GDP liên tục đi xuống, thập kỷ sau thấp hơn thập kỷ trước khoảng một điểm phần trăm. Từ tăng trưởng GDP trung bình trên/dưới 8%/năm xuống 7%, rồi 6%/năm, GDP trung bình 4 năm đầu thập niên 2020 dưới 5%/năm.

Khi đưa ra những số liệu trên đây, sẽ có ý kiến phản biện rằng 4 năm đầu thập niên 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, và do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Phản biện như vậy không sai nhưng không thuyết phục.

Hậu quả Covid-19 ở Ấn Độ nặng nề hơn Việt Nam rất nhiều và Ấn Độ cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm tài khóa 2021 - 2022 đạt 9,1%; năm tài khóa 2022 - 2023 đạt 7,2%.

Quy mô nền kinh tế Ấn Độ lớn hơn quy mô nền kinh Việt Nam nhiều lần, nhưng họ vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao như vậy thì khó có lý do nào biện minh được cho sự chững lại đến mức đáng lo ngại của kinh tế Việt Nam từ năm 2020 đến nay.

Nguyện Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá cho biết, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 là 5,03%, tuy rất đáng kể nhưng vẫn thấp hơn tăng trưởng bình quân 5,5% của các quốc gia đang phát triển trên thế giới.

Bên cạnh đó, những năm 50, 60, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cùng có điểm xuất phát thấp, tương đồng với xuất phát điểm của Việt Nam trước khi Đổi mới.

Ở giai đoạn dân số vàng, tăng trưởng bình quân GDP/năm của họ liên tục trong nhiều thập kỷ đều đạt tỷ lệ hai con số hoặc tiệm cận hai con số. Nhờ vậy, chỉ trên dưới 3 thập kỷ, các quốc gia và vùng lãnh thổ nêu trên đều trở thành những nền kinh tế có trình độ phát triển và thu nhập GDP theo đầu người thuộc nhóm cao hàng đầu của thế giới.

Đối với Trung Quốc có dân số trên 1,4 tỷ người. Những năm đầu mở cửa, GDP đầu người của Trung Quốc còn thấp hơn của Việt Nam. Nhưng từ một nước nghèo nàn lạc hậu, chỉ sau 40 năm, họ đã trở thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới, với quy mô GDP gấp hơn 40 lần quy mô GDP của Việt Nam; thu nhập GDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 12.550 USD, vượt mức trung bình cao toàn cầu (khoảng 12.100 USD). Trung Quốc đã bước sang ngưỡng thu nhập cao.

Còn đây là thu nhập GDP đầu người tính theo USD của các nước Đông Nam Á xếp trên Việt Nam: Singapore (58,484); Brunei (23.117); Malaysia (10,192); Thái Lan (7,295); Indonesia (4,038); Việt Nam (3,462) theo dữ liệu Quý 4/2023 của IMF.

Thu nhập bình quân đầu người của nước ta mới chỉ xếp hạng 120 thế giới, theo IMF, tức là vẫn ở giữa của nửa dưới thôi.


Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn còn chậm. Ảnh: Nam Khánh

Dù nước ta xếp hạng 40 nền kinh tế lớn trên toàn cầu, dân số đông thứ 15 nhưng quy mô của nền kinh tế chiếm chưa được một điểm phần trăm nền kinh tế toàn cầu.

Với nhiều lợi thế của quốc gia đi sau nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển, thu nhập GDP đầu người vẫn thuộc nhóm trung bình thấp, theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB).

Như vậy, mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế, xã hội nhưng Việt Nam vẫn đang tụt hậu xa không chỉ với các nước phát triển mà với các nước phát triển trung bình trên thế giới và trong khu vực.

Bởi vậy, cần phải định vị Việt Nam trong bản đồ kinh tế toàn cầu chứ không thể dùng phương pháp tự ta so sánh với ta. Có như vậy mới quyết tâm đột phá tư duy để hoàn thiện thể chế, mở đường cho đất nước phát triển.

Tăng trưởng kinh tế năm 2023 mặc dù rất tích cực, nhưng là năm thứ 3 liên tiếp đạt dưới mục tiêu bình quân chung Kế hoạch 5 năm (6,5-7%) và Chiến lược 10 năm (khoảng 7%); GDP bình quân đầu người năm 2023 chỉ đạt 4.284 USD, cách khá xa mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 4.700-5.000 USD. Trên cơ sở đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng của kế hoạch 5 năm là rất khó khăn.

Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn, thách thức già hóa dân số, không tận dụng hết thời cơ dân số vàng.

Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu đặt ra của xu hướng phát triển toàn cầu và phát triển đất nước. Mục tiêu này rất cần thiết phải phân tích thêm sau khi mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đến năm 2020 đã không thành công.

Tốc độ tăng năng suất lao động còn thấp, chênh lệch năng suất lao động so với các nước trong khu vực và thế giới còn lớn. Đó là chưa kể các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn vẫn chậm phát triển, thậm chí còn thụt lùi hơn.

Nêu ra một vài điểm nghẽn như vậy để thấy, đòi hỏi của thực tiễn rất nặng nề và cần có thêm nhiều đột phá, đổi mới để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030 là nước công nghiệp hiện đại và, xa hơn, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Nguyễn Huy Viện

NGUỒN:Định vị Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới (TVN 28/2/2024)-Nguyễn Huy Viện [https://vietnamnet.vn/dinh-vi-viet-nam-tren-ban-do-kinh-te-the-gioi-2253711.html]

TIN LIÊN QUAN: