Thứ Năm, 23 tháng 11, 2023

20231123. QUANH VỤ VẠN THỊNH PHÁT

  ĐIỂM BÁO MẠNG

VỤ VẠN THỊNH PHAT: ĐỂ 'LỌT' BÁO CÁO KHÔNG TRUNG THỰC, CẦN LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM
THÀNH AN/GD 22-11-2023

Số tiền một người nhận hối lộ trong một vụ án lớn nhất

Liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ rõ, hàng loạt cựu cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước đã có những sai phạm nên bị đề nghị truy tố với những tội danh khác nhau.

Cụ thể, theo Kết luận điều tra vụ án, trong số 86 bị can của vụ án có 13 bị can từng là cán bộ và lãnh đạo đơn vị chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị truy tố. Trong đó bị can Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Thiết kế: Thành An.

Thiết kế: Thành An.

Theo bản kết luận điều tra, Đỗ Thị Nhàn với vai trò Trưởng đoàn Thanh tra đã nhiều lần gặp gỡ Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng các lãnh đạo Ngân hàng SCB và nhận 5,2 triệu USD (tương đương hơn 118 tỷ đồng). Đỗ Thị Nhàn đã bao che, “bưng bít” sai phạm cho Ngân hàng SCB thông qua việc báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, khiến Ngân hàng Nhà nước không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Tương tự, bị can Nguyễn Văn Hưng - cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhiều lần nhận quà là tiền từ lãnh đạo SCB với tổng cộng 390.000 USD (tương đương hơn 8,7 tỷ đồng). [1]

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: “Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi đều được điều tra, xử lý rất quyết liệt. Điều này tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán xử lý vi phạm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Người dân rất ủng hộ sự quyết liệt này và vững tin vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng".

Ông Sửu cho rằng: "Trước đây, những vụ án tham nhũng không phải là ít, nhưng vụ án Vạn Thịnh Phát đặc biệt nghiêm trọng. Nhất là với vai trò của cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước - Đỗ Thị Nhàn, cá nhân nhận hối lộ đến 5,2 triệu USD thời điểm ấy là lớn lắm. Có thể nói, đây là số tiền một người nhận hối lộ trong một vụ án lớn nhất từ trước đến nay.

Ở đây, vì đồng tiền mà dựng báo cáo ảo, làm báo cáo láo, để “chạy chọt”, “làm mờ”, “tẩy trắng” cho đơn vị có sai phạm, đó là quá trình làm giả mạo rất nhiều thứ để hợp thức hóa. Trong quá khứ, cũng có đã có những vụ án tham nhũng với thủ đoạn tinh vi, dùng đủ cách nhằm che đậy, luồn lách để kiếm chác, chứ không là một cách lộ liễu, thô thiển. Vì vậy, đội ngũ kiểm tra, giám sát hoạt động thanh, kiểm tra phải có chuyên môn về lĩnh vực này cũng như phải thật tinh tường về nghiệp vụ mới có thể phát hiện được.

Trong trường hợp này, bị can Đỗ Thị Nhàn một khi đã nhận hối lộ, thì đương nhiên phải xử lý nghiêm minh.

Như kinh nghiệm trước đây làm công tác kiểm tra, tôi có thể chia sẻ rằng, có những vụ việc rất phức tạp, dây dợ móc nối với nhau, cần làm thật cẩn trọng, kỹ lưỡng để phơi bày rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan để "lọt" báo cáo này”.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Mộc Trà.

Ông Sửu cũng nhấn mạnh, thời gian qua, vấn đề hiện tượng tham nhũng xảy ra ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng cũng đã được nhắc đến nhiều. Sai phạm trong hoạt động thanh tra nguy hiểm hơn rất nhiều so với sai phạm trong các hoạt động khác của Nhà nước. Trách nhiệm giám sát, kiểm tra hoạt động của đoàn thanh tra trong vụ án Vạn Thịnh Phát này đến đâu cũng là câu hỏi lớn cần làm rõ.

Làm rõ vì sao có sự “lọt lưới” sai phạm?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng: “Vấn đề tiền tệ luôn luôn rất quan trọng đối với sự điều hành nền kinh tế của một đất nước. Để xảy ra sai phạm như trong trường hợp này, phải gọi là có sự “buông lỏng” quản lý”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, để những người làm công tác thanh tra “nhúng chàm”, cả đoàn thanh tra bị “mua chuộc” để “bưng bít” cho sai phạm, là một việc vô cùng đáng tiếc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NVCC.

“Đáng nói hơn, một sự việc nghiêm trọng như thế mà thời gian xảy ra cũng không phải là ngắn. Tôi đề nghị, phải rà soát lại thật kỹ xem khâu nào là khâu còn lỏng lẻo. Đầu tiên, phải trả lời được cho dư luận một cách minh bạch, rõ ràng: Vấn đề ở khâu nào?

Chưa hết, về nguyên tắc, báo cáo Chính phủ phải là người đứng đầu, đại diện Ngân hàng Nhà nước. Vậy tại sao lại có việc “lọt lưới” báo cáo này khiến các sai phạm không bị ngăn chặn kịp thời.

Đề nghị làm rõ trách nhiệm thuộc về ai? Chúng ta phải làm rõ những “lỗ hổng” ở đâu đã để “lọt” sai phạm như vậy, thì mới có thể ngăn chặn được những tiêu cực tương tự. Bởi, ai cũng thấy sai phạm trong vụ án này gây thất thoát số tiền lớn như thế nào”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.anninhthudo.vn/vu-van-thinh-phat-can-bo-ngan-hang-nha-nuoc-nhan-qua-de-bung-bit-cho-scb-post558616.antd

Thành An
TIN LIÊN QUAN:
VỤ VẠN THỊNH PHÁT: MỘT TRIỆU TỈ BỊ RÚT VÀ 'BỊT TAI, CHE MẮT' 18 CÁN BỘ THANH TRA
NGUYỄN DUY XUÂN/TVN 22-11-2023

Bà Trương Mỹ Lan rút hàng trăm ngàn tỷ tiền mặt để làm gì? Dòng tiền mặt khổng lồ đó chảy về đâu? Đó là câu hỏi mà chắc chắn cơ quan điều tra không bỏ qua.

Theo kết luận của cơ quan điều tra Bộ Công an (C03), trong vụ án Vạn Thịnh Phát, hành vi của nhóm Trương Mỹ Lan được thực hiện như "một tổ chức tội phạm với quy mô rất lớn".

Kết luận của C03 nêu rõ: "Bà Trương Mỹ Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng, biến SCB trở thành công cụ tài chính để tổ chức huy động tiền gửi, chỉ đạo toàn bộ lãnh đạo chủ chốt nhà băng này".

Toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB bị bà Lan thao túng, lũng đoạn để huy động tiền gửi của người dân rồi cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" vay.

Các khoản nợ nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi

Từ 2012 đến 2022, SCB cho vay, giải ngân cho 1.366 khách hàng (710 cá nhân và 656 tổ chức). Trong đó, nhóm của bà Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB với tổng số tiền giải ngân hơn 1.066.000 tỷ đồng. C03 xác định, nhóm bà Lan chiếm 93% số tiền cho vay, 7% còn lại là nhóm khách hàng thông thường.

Đến năm 2022, 875 khách hàng trong nhóm bà Lan với gần 1.300 khoản vay còn dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (483.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 193.000 tỷ tiền lãi).

Các khoản nợ này đều nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

Từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, bà Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Lan còn bị cáo buộc gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.

Vì sao bà Trương Mỹ Lan có thể rút ngần ấy tiền mặt trong suốt 10 năm?

Trước hết chính là sự buông lỏng kiểm tra, giám sát, thậm chí là tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong cơ quan thanh tra, giám sát của ngành ngân hàng.

Vì sao trong suốt 10 năm thao túng SCB, bà Lan có thể tổ chức huy động vốn, giải ngân 1.066.000 tỷ đồng, lập khống hàng ngàn hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt hàng trăm ngàn tỷ của Ngân hàng SCB mà không bị phát hiện từ các cơ quan quản lý nhà nước?


Toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB bị bà Lan thao túng, lũng đoạn để huy động tiền gửi của người dân rồi cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" vay.

Xin nêu một dẫn chứng sau đây để thấy cơ quan kiểm tra, giám sát của ngân hàng đã buông lỏng như thế nào.

Từ tháng 12/2011 bà Lan đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân, sau đó hợp nhất ba ngân hàng này với tên gọi Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành SCB nhưng bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần. Việc làm này của bà Lan là vi phạm nghiêm trọng pháp luật hiện hành, bởi theo Khoản 1, Điều 55 Luật Các tổ chức tín dụng 2010, quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần như sau: Một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.

Bà Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã có sự tiếp tay đắc lực của rất nhiều cán bộ ngân hàng. Trong số 86 bị can có 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cán bộ Ngân hàng Nhà nước.

Những tít bài xuất hiện trên truyền thông gần đây đã nói lên tất cả: “Vụ Vạn Thịnh Phát: Cả đoàn thanh tra bị mua chuộc để bưng bít cho sai phạm của SCB”, “Cả đoàn thanh tra SCB của Vạn Thịnh Phát không có được một người công chính”, “Cả đoàn thanh tra nhận tiền của SCB, người ít 100 triệu, người nhiều 118 tỉ”.

“Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” nhưng đoàn thanh tra liên ngành năm 2017 - 2018 của Ngân hàng Nhà nước gồm 18 thành viên đã bịt tai, che mắt để "làm ngơ" cho nhiều sai phạm nghiêm trọng và báo cáo không trung thực tình trạng yếu kém của SCB. Hơn thế nữa, tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra còn đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho Ngân hàng SCB thực hiện tái cơ cấu.

Theo kết quả điều tra, bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng đoàn thanh tra - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước – bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền lên đến 5,2 triệu USD. Đây là số tiền một người nhận hối lộ lớn nhất từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, nhận 390.000 USD. 15 bị can còn lại nhận hối lộ người ít nhất cũng 100 triệu đồng.

Tiền đã đi đâu?

Sự dung túng, bao che của thanh tra là điều kiện cần giúp bà Trương Mỹ Lan hợp thức hóa sai phạm, tiếp tục sa vào vũng bùn tội lỗi, tiếp tục thao túng SCB để chiếm đoạt hàng trăm ngàn tỷ một cách bất chính, bất chấp quy định của pháp luật.

Theo kết luận điều tra, từ tháng 2/2019 đến khoảng tháng 9/2022, bà Lan chỉ đạo cấp dưới rút tiền mặt trực tiếp từ SCB và cho xe chở về nhà riêng, trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc giao cho người khác, ước tính khoảng 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD (khoảng 355 tỷ đồng).

Bà Trương Mỹ Lan rút hàng trăm ngàn tỷ tiền mặt để làm gì? Dòng tiền mặt khổng lồ đó chảy về đâu? Đó là câu hỏi mà chắc chắn cơ quan điều tra không bỏ qua.

Nguyễn Duy Xuân

TIN LIÊN QUAN:

-https://vietnamnet.vn/hon-300-nghin-ty-tham-o-chiem-doat-va-muu-do-cua-ba-truong-my-lan-2216419.html#vnn_source=chitiet&vnn_medium=box_duocquantam1

-https://vietnamnet.vn/qua-trinh-nhan-tien-tu-scb-cua-3-cuu-can-bo-thanh-tra-chinh-phu-2217726.html#vnn_source=chitiet&vnn_medium=box_duocquantam2

-https://vietnamnet.vn/khoi-to-moi-72-bi-can-trong-vu-tap-doan-van-thinh-phat-ngan-hang-scb-2217836.html#vnn_source=chitiet&vnn_medium=box_duocquantam4

VỤ VẠN THỊNH PHÁT: AI LUNG LAY 'QUAN ĐIỂM' CHUYỂN SAI PHẠM SANG CQĐT?

T.NHUNG/VNN 23-11-2023

Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, ông Lê Thanh Hà, cựu Phó Chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước, từng kiến nghị chuyển CQĐT, nhưng sau đó không bảo lưu ý kiến, lại đồng ý không chuyển.

Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, ông Lê Thanh Hà, cựu Phó Chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước, cựu Trưởng phòng Kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Kết kuận điều tra chỉ ra rằng, năm 2017-2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc NHNN tiến hành thanh tra toàn diện đối với Ngân hàng SCB. Đoàn thanh tra có 5 tổ, do Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tiến hành. Cuộc thanh tra được tiến hành 2 đợt.

Ông Hà tham gia Đoàn thanh tra với vai trò là Tổ trưởng Tổ thanh tra số 5, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả thanh tra của Tổ thanh tra và các thành viên trong Tổ.

Cơ quan điều tra cho rằng, trong đợt 1, qua thanh tra, phát hiện Ngân hàng SCB cho vay 20 khách hàng, có vi phạm về thẩm định, phê duyệt, giải ngân cho vay và kiểm tra sử dụng vốn vay.


Các bị can vụ Vạn Thịnh Phát

Cựu Phó Chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước đánh giá khoản vay có rủi ro cao và kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra xử lý. Sau đó, ông Hà đã có văn bản báo cáo Kiểm toán Nhà nước.

Kết quả thanh tra đợt 2, ông Hà đã đồng ý thu hẹp phạm vi, thời kỳ thanh tra đối với khoản vay nhóm 71 khách hàng địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai (nhóm khách hàng thuộc Vạn Thịnh Phát, do bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo, thao túng) để bỏ 26 khoản vay của 18/71 khách hàng ra khỏi kế hoạch thanh tra.

Kết quả thanh tra phát hiện các sai phạm của các khoản vay khách hàng ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai và đã kiên quyết kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan chức năng để điều tra, xử lý và yêu cầu làm rõ nguồn tiền tất toán, chuyện có hay không việc cho vay mới để trả nợ cũ.

Tuy nhiên, quá trình tham gia ý kiến dự thảo kết luận thanh tra, ông Lê Thanh Hà đã không bảo lưu ý kiến và đồng ý nội dung không chuyển hồ sơ sai phạm nhóm 71 khách hàng ở số 4 Nguyễn Thị Minh Khai cho cơ quan điều tra.

Theo kết luận điều tra, đây là căn cứ để giúp bà Đỗ Thị Nhàn (trưởng Đoàn Thanh tra, người nhận hối lộ 5,2 triệu USD của Ngân hàng SCB) và ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, thuộc NHNN) tổng hợp nội dung báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra lên lãnh đạo NHNN và Chính phủ.

Việc này khiến NHNN, Chính phủ không có đủ thông tin, tài liệu để chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Chủ động khai báo việc nhận tiền

Cơ quan điều tra cho hay, ông Hà đã chủ động khai báo việc nhận tiền từ Ngân hàng SCB tổng cộng 14.000 USD và 100 triệu đồng trong quá trình thanh tra. Ông Hà đã phối hợp với gia đình nộp lại toàn bộ số tiền trên để khắc phục hậu quả.

Liên quan đến vụ án, ông Nguyễn Văn Thùy, cựu Phó trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Đoàn thanh tra cũng bị đề nghị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Với vai trò là thành viên Tổ thanh tra số 1 và thành viên Tổ 4, ông Thùy đã trực tiếp phân tích, đánh giá báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Ngân hàng SCB từ năm 2014-2017 và xác định chất lượng nợ xấu của SCB không phản ánh đúng bản chất; tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu thấp là do ngân hàng xử lý bằng biện pháp kỹ thuật; có nhiều chỉ tiêu tài chính bất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hoạt động của Ngân hàng SCB; không phân tích, đánh giá, làm rõ chỉ tiêu lãi và phí phải thu dù chỉ tiêu này cao bất thường.

Cơ quan điều tra xác định, ông Nguyễn Văn Thùy không báo cáo, báo cáo không đúng, không đầy đủ các nội dung này…, tạo điều kiện cho bà Đỗ Thị Nhàn và ông Nguyễn Văn Hưng bưng bít, che giấu sai phạm ở Ngân hàng SCB.

Tại Cơ quan điều tra, ông Nguyễn Văn Thùy chủ động khai báo 6 lần nhận tổng cộng 21.000 USD (tương đương 474 triệu đồng) và 60 triệu đồng cùng quà là áo sơ mi, áo phông, một hộp yến…từ SCB. Ông Thùy cùng gia đình đã nộp lại toàn bộ số tiền này.

TIN LIÊN QUAN:

VTP VAY TIỀN ĐỂ LÀM GÌ?
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/FB/TD 20-11-2023
Mấy hôm nay theo dõi vụ VTP, mình cố tìm hiểu xem dòng tiền mà hệ sinh thái VTP rút từ SCB dùng để làm gì? Nhưng đến giờ thì thấy rằng họ dùng để phát triển BĐS là không nhiều. Phát triển BĐS tức là làm giống như Vinhomes hay Novaland, tức là đầu tư xây dựng nguyên khu đô thị lớn hàng trăm đến vài trăm ha rồi bán lấy lãi.
Còn kiểu của VTP thì cũng có phát triển BĐS như vậy nhưng quy mô khá nhỏ, chỉ vài chục ha. Dự án lớn nhất là Mũi đèn đỏ ở Q7 thì lại chưa được phê duyệt, tức là chưa có chi phí gì nhiều. Dường như VTP chủ yếu mua lại các BĐS trung tâm, điển hình như tòa SG One ở Q1 hay các tòa nhà ở đường Nguyễn Huệ, Q1…
Loại BĐS này có đặc điểm là giá trị rất lớn và số lượng hạn chế. Nhiều khi có tiền cũng không mua được. Nhưng chênh lệch giá khi mua bán là không nhiều, giá cả ổn định. Đây không phải là cách của dân đầu tư BĐS yêu thích, vì biên lợi nhuận thấp. Kiểu này chủ yếu là để găm tiền và…rửa tiền. Doanh thu chủ yếu là tiền cho thuê BĐS, là thu tiền lẻ, các nhà đầu tư BĐS lớn cũng không chú trọng cách này lắm, vì thu tiền chậm.
Nếu VTP vay tiền ngân hàng để mua BĐS trung tâm chỉ để thu tiền cho thuê thì sẽ lỗ to vì lãi suất ngân hàng. Kiểu này chỉ hợp với việc cất tiền nhàn rỗi, thay vì gửi ngân hàng thôi. Tại sao VTP lại làm như vậy?
Theo kết luận điều tra của C03 thì có thấy tin là tội liên quan tới trái phiếu và RỬA TIỀN được tách thành vụ án khác. Nên khả năng lớn có việc rửa tiền trong vụ này. Mình dự là các công ty con, công ty ma của VTP sẽ vay tiền SCB để mua các BĐS trung tâm, rồi tiền bẩn từ Hongkong cũng được nhào trộn vào dòng tiền trả lãi ngân hàng. Lưu ý là VTP vay tiền SCB nhưng rút tiền mặt để cắt đứt dấu vết dòng tiền, rất phù hợp với rửa tiền.
Việc rửa tiền cho mafia Hongkong, Tam hoàng, cũng là việc hết sức nhạy cảm, do liên quan tới TQ. Nguồn tiền này thậm chí có thể còn là quỹ đen để thao túng chính trị ở Việt Nam. Vì tiền abc kia kiểu gì chả là tiền bẩn. Dấu hiệu của Tam hoàng thì đã dự đoán được sau khi các đàn em của bà Lan tự tử hàng loạt sau khi bà bị bắt. Hơn nữa, bà Lan có thể nhờ tới 74 người đứng tên CP SCB trị giá hàng ngàn tỷ thì phải có 1 tổ chức ngầm với luật ngầm như Tam hoàng mới có thể kiểm soát để họ không bùng.
Chính vì sự nhạy cảm này nên án rửa tiền có lẽ sẽ do cơ quan An ninh điều tra làm chứ không phải Cảnh sát điều tra nữa. Thậm chí có thể đàm phán với bên kia mới đánh được. Vì cũng có đồn đoán gia tộc này liên quan tới Chu Vinh Khang.
Được biết là sau khi vợ chồng bà Lan bị bắt thì BĐS của họ bên Hongkong cũng được bán tháo. Nên việc họ có mối quan hệ rửa tiền với Hongkong tuy là thuyết âm mưu nhưng không phải không có căn cứ.
P/S:
SCB rút ra hơn 1 triệu tỷ, dư nợ còn gần 500k, tức là có hoàn trả hơn nửa. Mà người dân gửi và rút tiền ở SCB không kêu ca điều tiếng gì về thanh khoản, ngân hàng luôn được xếp hạng cao. Tất nhiên họ có mua thanh tra, nhưng đảm bảo thanh tra đến cơ quan nào thì chả được nuôi! Ông khỏe thật còn phải nuôi ấy chứ.
Nguồn tiền từ việc cho thuê BĐS là không thấm gì so với lượng rút ra kia. BĐS của họ chỉ thấy mua vào ở những chỗ đắt đỏ nhưng không thấy bán đi như giới đầu tư/đầu cơ hay làm. Vậy VTP lấy nguồn tiền nào để trả lại bank? Đấy là câu hỏi cần giải đáp và việc rửa tiền là 1 câu trả lời phỏng đoán. Nguyên tắc rửa tiền là đâu cần kinh doanh lãi, chỉ cần ổn định và giữ được tiền.
Việt Nam lâu nay vẫn là thiên đường rửa tiền của mafia nước ngoài. Thường họ đổ tiền vào đầu tư BĐS thông qua đối tác trong nước. Có nhiều vụ lên báo rồi.

VỤ VTP SẼ PHỨC TẠP THẾ NÀO?
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/FB/TD 22-11-2023
Mấy hôm rồi báo chí đăng tin vụ VTP là dựa trên nguồn kết luận điều tra của C03, coi như 1 chiều thôi. Nhưng mà để xử được họ cũng không đơn giản đâu. Bởi vì theo kết luận điều tra mình thấy VTP hầu như không dùng chuyển khoản qua ngân hàng mà toàn chơi tiền mặt, chở nguyên xe tiền. Đúng bài của mafia, rửa tiền, sẽ khó kiểm soát dòng tiền.
Hơn nữa, việc mua bán tài sản, cổ phần...còn không qua giấy tờ, mà trao đổi miệng, như vụ với Nguyễn Cao Trí. Bà Lan chuyển tiền còn thông qua người giúp việc! Mà hàng ngàn tỷ có ít đâu. Y chang như đưa tiền hối lộ vậy. Dự là các khoản chi khác cũng dùng cách tương tự. Rồi việc nhờ người đứng tên CP nữa. Nhiều khi là không có giấy tờ gì cả, chỉ bằng niềm tin và có lẽ ràng buộc bằng luật ngầm.
Phức tạp nữa là 1 số bị can đã tự tử. Nên bà Lan hoàn toàn có thể phản cung chối tội, đổ tội cho người chết. Thì không hề dễ xử, nếu không dùng án bỏ túi, xử ép. Tổng thể vụ án này cho thấy là việc mua bán, giao dịch hầu như không có giấy tờ làm bằng. Tiêu tiền mặt.
Tội của bà Lan to hay nhỏ sẽ chủ yếu phụ thuộc vào việc tính toán thiệt hại do VTP gây ra. Tức là đối trừ lượng tiền VTP vay và tài sản đảm bảo và tài sản bị kê biên (2 cái khác nhau). Tài sản đảm bảo bây giờ đang do công ty định giá Hoàng Quân đưa ra (chắc BCA chỉ đạo?). Thì tính ra thiệt hại của VTP gây ra cỡ gần 500 ngàn tỷ?! Nhưng đó là do Hoàng Quân định giá. Nhỡ ông khác định giá nó ra 100 ngàn hoặc dương thì sao?!
Thực ra chuẩn nhất là phải đấu giá tài sản đảm bảo này, thậm chí đấu giá quốc tế. Tóm lại là tội to hay nhỏ là phụ thuộc ông định giá tài sản. Nếu định giá âm nặng, lôi bả ra tiêm, xong thực tế sau này phát mại tài sản, bán được dương ngàn tỷ, thì truy tặng anh hùng lao động thời kỳ đổi mới cho bả sao?! Vì góp ngàn tỷ cho ngân sách.
Vấn đề nữa cũng quan trọng, đó là C03 chỉ ra là VTP chiếm đoạt hơn 400 ngàn tỷ, thì số tiền khổng lồ đó chạy đi đâu? Vì nguyên tắc điều tra, xử án là phải truy ra động cơ gây án, công cụ gây án và tang vật vụ án. Ví dụ như đánh án giê't người thì phải phân tích được động cơ gây án, công cụ gây án, cách thức gây án và cần tìm ra xa'c nạn nhân. Thì ở đây cũng cần điều tra làm rõ hơn 400 ngàn tỷ kia VTP dùng vào những việc gì. Không thể cụ thể thì cũng phải tương đối. Chứ giờ thấy kết luận điều tra khi là chi tiêu/tiêu xài cá nhân của bà Lan?
400 ngàn tỷ mà tiêu xài cá nhân chắc 10 đời tẹt ga cũng chả hết được!
Suy diễn từ khả năng rửa tiền thì việc định giá tài sản thế chấp thấp sẽ vợt được hết sạch tiền bẩn của thằng nào bơm vào để rửa! Vụ án này thu ngân sách số tiền khổng lồ đó, riêng Nguyễn Cao Trí đã phải nộp vào cỡ ngàn tỷ rồi. Thu từ VTP chắc cũng vài trăm ngàn tỷ nữa. Âm hay dương thì chưa biết nhé. Phải đấu giá tài sản mới ra kết quả cuối cùng.

Dương Quốc Chính

https://www.facebook.com/chinh.duong.quoc.kts

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao

MẤY SUY NGHĨ VỀ NHỮNG VỤ ÁN LỚN
Mạc Văn Trang/FB/TD 22-11-2023
Chiều qua mấy ông bạn già ngồi tán chuyện. Một ông bảo, công nhận công cuộc đốt lò của cụ Trọng gớm thật, ngày càng tóm được lắm củi gộc. Cụ khác bảo, phải cất được những mẻ vó lớn như vậy mới đích đáng. Mấy vụ đại án phải nói là kinh thiên động địa, chưa từng thấy. Đánh án như vậy mới đã!
Tôi thì cứ ngẫm nghĩ…
1. Vụ đại án chuyến bay giải cứu và vụ Việt Á (chưa xử) liên quan đến rất nhiều quan chức trong hệ thống Nhà nước; từ Chủ tịch nước, 2 Phó Thủ tướng đến mấy Bộ trưởng, Thứ trưởng, đến các tỉnh, thành, huyện, quận là lỗi của toàn hệ thống chính trị. Ở đó cho thấy các quan chức trong hệ thống không đáng tin cậy; họ đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm bậy. Tệ nhất là móc ngoặc với nhau để ăn trên nỗi thống khổ của đồng bào. Họ nói xoen xoét vì nước vì dân… Nhưng coi tiền trên hết, trên lương tâm, danh dự, trách nhiệm xã hội… Nhân cách quan chức tha hóa đáng sợ. Hệ thống pháp luật, kỷ luật Đảng không thắng nổi lòng tham của đám quan chức tha hoá.
Nhưng cho dù có bỏ tù hàng trăm UVTƯ, hàng trăm Đại biểu QH một lúc, cũng chẳng ảnh hưởng gì lắm đến xã hội, đến đời sống nhân dân!
2. Nhưng khi bắt các chủ tập đoàn như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát … thì nó rung động đến toàn xã hội, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, liên quan đến công ăn, việc làm, đời sống của hàng triệu người dân…
Tất nhiên những con bạch tuộc này kinh khủng quá, nó thò vòi vào khắp hệ thống Nhà nước, mua chuộc quan chức, thao túng ngân hàng, cổ phiếu, chiếm đoạt tài sản hàng ngàn tỷ, vạn tỷ, triệu tỷ! KHông thể hình dung được! (1)
Vấn đề tôi suy nghĩ là tại sao lại để nó lũng đoạn hàng bao nhiêu năm, thành “vương quốc”, có hệ thống chân rết khắp các ngành, các cấp, tạo ra hàng trăm, hàng ngàn công ty con, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm rồi mới bắt? NHư vậy rất nguy hại cho nền kinh tế và hậu quả xã hội.
Ngay ở quê tôi, mới rồi tôi về làng, bà con kêu, Chủ công ty Tân Hoàng Minh bị bắt, bây giờ đất nó chiếm bỏ hoang đó, chưa trả tiền dân thì ai trả?
Khi tôi đi máy bay Bamboo cũng nghĩ, nếu Trịnh Văn Quyết bị bắt mà hãng này phá sản thì tiếc quá, ảnh hưởng xấu đến ngành hàng không VN.
Báo Tuổi trẻ vừa đưa tin: “61.628 công ty ‘biến mất’ trong 10 tháng, số doanh nghiệp TP.HCM giảm 13%”...(2) Liệu chủ mấy tập đoàn bị bắt có ảnh hưởng đến số công ty “biến mất” không? Tức là ảnh hưởng lớn kinh tế, đến thất nghiệp, đến xã hội.
3. Tại sao ngành An ninh không ngăn chặn những sai phạm của các tập đoàn, công ty này ngay từ sớm, mà để nó tác oai tác quái hàng 10 - 20 năm mới chặn lại? Phải chăng là ngành An ninh muốn “nuôi án” cho thật to mới “đánh đại án” cho lập “đại chiến công”?
Nhân đây lại nhớ đến vụ án Đồng Tâm. Tại sao khi “nhóm Lê Đình Kình” có dấu hiệu phạm tội, lại không đọc lệnh bắt, truy tố, xét xử ngay, mà phải chờ một thời gian rồi tổ chức một trận tấn công vào ban đêm, gây kinh hoàng và biết bao tổn thất!?
Tất nhiên những vụ án kinh tế như Vạn Thịnh Phát thì vô cùng phức tạp, liên quan đến nhiều thế lực, có các quan chức chóp bu. Nhưng có thể thấy rằng: “Đánh” một tập đoàn kinh tế, tài chính sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân. Vì vậy nên có hệ thống pháp luật và cơ chế quản lý sao cho không để xảy ra những vụ án như vậy nữa mới là quan trọng.
Tóm lại, diệt quan tham nhũng thoải mái, dân không ảnh hưởng gì đâu. Nhưng “diệt” các tập đoàn kinh tế, các công ty, xí nghiệp, hay dù một cái chợ, một cửa hàng cũng ảnh hưởng đến xã hội, đến đời sống người dân. Nên rất cần thận trọng và ngăn ngừa sớm được mới tốt.
22/11/2023

Mạc Van Trang

https://www.facebook.com/profile.php?id=100013518285955&__cft__[0]=

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét