Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2023

20231104. CN UBKT TU BẮC NINH DÙNG BẰNG GIẢ

   ĐIỂM BÁO MẠNG

CHỦ NHIỆM ỦY BAN KIỂM TRA TỈNH ỦY BẮC NINH DÙNG BẰNG GIẢ
BẢO KHÁNH/ VNN 28-10-2023

Đơn vị chịu trách nhiệm vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh dùng bằng giả

Ông Nguyễn Công Thắng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh bị đề nghị kỷ luật vì dùng bằng thạc sĩ giả. Ảnh: Tỉnh ủy Bắc Ninh
Ông Nguyễn Công Thắng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh, đã sử dụng giấy công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh vừa họp xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức Đảng, Đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Trong đó có nội dung liên quan tới ông Nguyễn Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Theo đó, ông Thắng được nhận định đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy Công nhận văn bằng giả) khi bảo vệ luận án và nhận Bằng Tiến sĩ, dùng Bằng Tiến sĩ để thi nâng ngạch.
Ông Thắng đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc sử dụng giấy Công nhận không hợp pháp, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh, vi phạm của ông Thắng đã ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông Thắng.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã quyết định biểu quyết xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Thắng, báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

tinh uy bac ninh.jpeg

Tỉnh ủy Bắc Ninh

Ông Nguyễn Công Thắng sinh năm 1983, ở phường Hạp Lĩnh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ông có trình độ Đại học chuyên ngành Tài chính ngân hàng; Đại học chuyên ngành Luật; Thạc sỹ Kinh tế, chuyên ngành quản trị kinh doanh; Thạc sỹ Luật, chuyên ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự; Tiến sỹ Kinh tế, chuyên ngành kinh tế chính trị; cao cấp lý luận chính trị.
Năm 2007, từ vị trí Phó Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Công thương Việt Nam tại Khu công nghiệp Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, ông Thắng chuyển sang làm chuyên viên Phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh.
Tháng 9/2008, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh. Sau khoảng 1 năm, tháng 10/2009, ông được cất nhắc giữ chức Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh.
Từ tháng 4/2013 đến nay, ông Nguyễn Công Thắng được bổ nhiệm, giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các địa phương và Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Cuối năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã chỉ định ông Nguyễn Công Thắng làm Bí thư Huyện ủy Tiên Du.
Tháng 12/2019, ông Thắng làm Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh khi mới 36 tuổi.

NGUỒN:

LÀM SAO MÀ CÁN BỘ GIAN DỐI LEO ĐẾN TẬN CHỨC CHỦ NHIỆM UBKT TỈNH ỦY BẮC NINH ?
TUỆ NHI/GDVN 1-11-2023
GDVN- Tại sao suốt thời gian dài không phát hiện ra ông Thắng gian dối bằng cấp, leo tới chức Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Bắc Ninh, giờ mới bị phát hiện?

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn đưa thông tin, ngày 26/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã họp xem xét, thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, trong đó đề nghị kỷ luật Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Công Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh: Khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ, ông đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy Công nhận văn bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch. [1]
Làm sao mà cán bộ gian dối chui sâu, leo cao đến thế?
Cùng bày tỏ quan điểm về vụ việc nêu trên, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh chịu trách nhiệm xử lý kiểm tra, giám sát dấu hiệu sai phạm của cán bộ, Đảng viên, người đứng đầu Ủy ban lại dùng bằng gian dối thì kiểm tra ai?
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng bày tỏ sự thắc mắc: “Tại sao suốt một thời gian dài như thế không phát hiện ra trường hợp dùng bằng giả, mà đến khi leo lên được đến chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy, rồi bây giờ mới bị phát hiện? Rõ ràng, cán bộ phải là người gương mẫu nhưng lại sai phạm nghiêm trọng thì làm sao chấp nhận được”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Đồng thời, theo ông Hòa, những người làm công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là cơ quan chuyên chống tham nhũng như Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phải có phẩm chất, đạo đức, phong cách toàn diện trên tất cả lĩnh vực thì mới có thể làm gương để xử lý các sai phạm.
Đại biểu Hòa nêu quan điểm, đối với cán bộ sử dụng bằng cấp gian dối, ngoài việc xử lý theo các quy định của Đảng thì cần có các biện pháp nghiêm khắc hơn nữa để làm gương, răn đe, các quan chức khác không dám thực hiện những hành vi tương tự.
Theo ông Hòa, ngoài trách nhiệm cá nhân của cán bộ gian dối thì trách nhiệm còn thuộc về là Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Ninh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bởi thế cũng cần xem xét trách nhiệm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là người đứng đầu Ban Thường vụ ở thời điểm bổ nhiệm cán bộ này. Đồng thời, cũng cần làm rõ ai giới thiệu đồng chí này vào vị trí đó để xem xét bổ nhiệm.
“Việc kiểm tra, giám sát văn bằng, chứng chỉ cần được siết chặt ngay từ khâu đầu vào của hồ sơ, cơ quan quản lý cán bộ phải chịu trách nhiệm nếu để lọt sai phạm”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có cổng thông tin tra cứu, xác thực văn bằng
Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Công Thắng – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh bị đề nghị kỷ luật, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng hoan nghênh tinh thần xử lý kiên quyết không nể nang, né tránh, không có vùng cấm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh.
“Việc đưa một đồng chí trong Ban Thường vụ tỉnh ủy với vi phạm về sử dụng văn bằng gian dối quả thực không dễ dàng gì, khi người đó lại ở vị trí là người đứng đầu cơ quan Kiểm tra của Đảng bộ một tỉnh.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là làm sao một tổ chức Đảng lại để lọt một người không trung thực, bị kết luận là vi phạm những điều Đảng viên không được làm (theo quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng); vi phạm về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu được leo cao, luồn sâu như thế vào tổ chức Đảng, thậm chí còn giữ những vị trí rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng?
Có thể thấy, để xảy ra trường hợp vi phạm này, trách nhiệm trước tiên thuộc về cá nhân ông Nguyễn Công Thắng khi ông không trung thực, có hành vi gian dối khi sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy Công nhận văn bằng giả) để bảo vệ luận án tiến sĩ, rồi lại lấy bằng tiến sĩ đó để được nâng ngạch. Trách nhiệm tiếp theo, thuộc về các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ xem xét hồ sơ, đánh giá tiêu chuẩn cán bộ trước khi phân công, bổ nhiệm”, Đại biểu Tú Anh nêu quan điểm.
Đồng thời, theo bà Tú Anh, tỉnh Bắc Ninh cần xử lý nghiêm vụ việc này không chỉ để lấy lại niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước mà còn là cơ hội, bài học trong công tác cán bộ ở địa phương sau này.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm triển khai xây dựng cổng thông tin tra cứu, xác thực văn bằng, chứng chỉ trong toàn quốc. Về mặt kỹ thuật, đây là vấn đề không khó, không tốn kém cho ngân sách nhà nước. Việc tra cứu thông tin văn bằng dễ dàng trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng giúp cho việc kiểm tra thông tin dễ dàng hơn, khách quan, độc lập.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên, Luật sư Nông Minh Chiến – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, theo thông tin các cơ quan báo chí đăng tải, ông Thắng khi bảo vệ luận án và nhận bằng tiến sĩ đã sử dụng giấy Công nhận văn bằng trình độ Thạc sĩ không do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (giấy Công nhận văn bằng giả) và dùng bằng tiến sĩ để thi nâng ngạch [1], các căn cứ xử lý đã có đầy đủ. Việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP.

Luật sư Nông Minh Chiến. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Luật sư Nông Minh Chiến. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cùng với đó, theo Luật sư Chiến, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả không hợp pháp mà cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015) sửa đổi bổ sung năm 2017.
“Như vậy, đối với những cá nhân sử dụng bằng, chứng chỉ giả, không hợp pháp đã có hành lang pháp lý đầy đủ. Do đó, tôi rất mong trong thời gian tới cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức sử dụng bằng, chứng chỉ giả để răn đe, tránh những người này leo cao lên những vị trí lãnh đạo trong cơ quan nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cơ quan tổ chức”, Luật sư Nông Minh Chiến nêu kiến nghị.
NGUỒN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét