Vừa qua, sự việc một nhà toán học bị "tố" bán bài báo nghiên cứu khoa học đã nhận được khá nhiều sự quan tâm của giới khoa học trong nước.
Theo đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Công Hướng trước đây là giảng viên cơ hữu tại Trường Đại học Quy Nhơn. Trong thời gian công tác tại đây, một số công trình nghiên cứu khoa học của nhà toán học này không ghi địa chỉ Trường Đại học Quy Nhơn mà lại ghi địa chỉ đơn vị khác là Trường Đại học Thủ Dầu Một và Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Điều này gây nhiều tranh cãi, và cũng là lý do thầy Hướng bị "tố" vi phạm liêm chính khoa học.
“Bây giờ trong đầu tôi cũng khổ ghê gớm"
Chia sẻ với báo chí, Phó giáo sư Đinh Công Hướng cho biết: “Trường Đại học Quy Nhơn không có quy định giảng viên cơ hữu không được ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với trường khác, chỉ yêu cầu giảng viên hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của trường”.
Bên cạnh đó, bản thân ông “liên tục trong nhiều năm liền thừa giờ nghiên cứu khoa học theo quy định của trường”. Việc làm của ông xuất phát từ “điều kiện kinh tế gia đình”. [1]
Ngay sau khi có đơn tố cáo bản thân vi phạm liêm chính khoa học, vị phó giáo sư đã chủ động xin rút khỏi Hội đồng ngành Toán, Quỹ Nafosted.
Liên lạc với Phó giáo sư Đinh Công Hướng, được biết ngay sau khi có đơn thư tố cáo, thầy đã có giải trình đầy đủ với đơn vị chủ quản hiện nay là Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.
“Bây giờ trong đầu tôi cũng khổ ghê gớm. Mấy ngày nay tôi cũng không làm được gì cả”, thầy Hướng trải lòng với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trước sự việc diễn ra trong những ngày qua.
 |
Trường Đại học Quy Nhơn - Đơn vị công tác cũ của thầy Đinh Công Hướng. Ảnh: website nhà trường |
Trường Đại học Quy Nhơn nói đây là sự việc chưa có tiền lệ
Về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn - là đơn vị công tác cũ của thầy Hướng, nơi ông đã có một số công bố khoa học để tên đơn vị khác trên bài báo.
Theo đó, Phó giáo sư Hiền chia sẻ, đây là câu chuyện chưa từng có tiền lệ ở Trường Đại học Quy Nhơn. Liên quan đến sự việc của thầy Hướng, nhà trường chỉ mới nắm được thông tin khi báo chí đã đăng tải. Ngoài ra, cho đến nay, giữa Trường Đại học Quy Nhơn và Phó giáo sư Hướng chưa trao đổi gì về việc này.
Về vấn đề liêm chính khoa học của thầy Đinh Công Hướng, lãnh đạo Trường Đại học Quy Nhơn không đưa ra khẳng định đúng, sai. Tuy nhiên, thầy Hiền cho biết nếu phát sinh các vấn đề như khiếu kiện tới nhà trường, Trường Đại học Quy Nhơn sẽ áp dụng Luật viên chức để xử lý.
Theo quy định của luật quản lý viên chức, viên chức phải phải thực hiện theo những điều viên chức được làm và không được làm. Trong đó, có quy định viên chức của trường được ký hợp đồng vụ, việc với cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật không cấm, nhưng phải hoàn thành nhiệm vụ được giao và có sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
“Trong quá trình công tác, thầy đã kí hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với đơn vị bên ngoài mà không báo cáo với người đứng đầu trường, như vậy thầy đã vi phạm quy định Luật viên chức.
Tuy nhiên, hiện Phó giáo sư Đinh Công Hướng không còn là viên chức của Trường. Về phía Trường Đại học Quy Nhơn cũng không nhận được bất kỳ thư từ phản ánh hay văn bản nào của cơ quan pháp luật về việc này. Do đó, nhà trường không có thêm ý kiến gì”, lãnh đạo Trường Đại học Quy Nhơn nêu quan điểm.
Về trường hợp của thầy Hướng, lãnh đạo Trường Đại học Quy Nhơn chia sẻ:
“Ai sai thì sửa. Bản thân thầy Hướng, trong đơn xin rút khỏi Hội đồng ngành Toán, Quỹ Nafosted, thầy có nêu "nhận thấy khuyết điểm nên xin rút khỏi thành viên Quỹ Nafosted” - Như vậy thầy Hướng cũng đã nhận thấy những sai sót của bản thân.
Về phía nhà trường, qua sự việc này, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm tăng cường hơn trong công tác quản lý, nghiên cứu xây dựng đầy đủ các văn bản, chế tài quy định liên quan để tránh các sai phạm, đồng thời đôn đốc, nhắc nhở cán bộ lấy đây là bài học để rút kinh nghiệm”.
Chia sẻ thêm, thầy Hiền cho biết liêm chính khoa học là một vấn đề tương đối mới, và hiện chưa có văn bản nào quy định sâu về vấn đề này. Do vậy, thầy Hiền cũng mong sẽ sớm có thêm các văn bản, hướng dẫn rõ ràng, chặt chẽ hơn liên quan tới nghiên cứu, sáng tạo học thuật, để các cơ sở giáo dục lấy làm căn cứ xây dựng thêm các quy định cụ thể hơn. Từ đó, có căn cứ pháp luật rõ ràng để chấn chỉnh những sai phạm, xây dựng nề nếp quản lý khoa học hiệu quả.
“Liên quan đến sáng tạo khoa học của trí thức, nếu quy định hành chính quá sẽ hạn chế sự phát triển của cán bộ giỏi. Chúng tôi rất hy vọng làm sao để trí thức có không gian rộng trong sáng tạo, đồng thời chấn chỉnh nghiêm những cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học”, thầy Hiền nói.
Liên quan đến việc này, đại diện Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh - đơn vị chủ quản hiện nay của thầy Hướng cho biết, bản thân thầy Hướng là một nhà khoa học giỏi. Khi vào công tác tại trường, thầy Hướng đã có các báo cáo đầy đủ trong hồ sơ về những công bố khoa học của bản thân.
“Khi sự việc xảy ra, thầy đã có giải trình đầy đủ với nhà trường. Theo đó, chúng tôi cho rằng, chuyện của quá khứ là của quá khứ. Bản thân thầy Hướng từ khi vào trường đến nay không có vi phạm nào, vậy nên nhà trường vẫn tạo điều kiện để thầy an tâm công tác”, đại diện Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với phóng viên.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://tuoitre.vn/nha-toan-hoc-gioi-bi-to-ban-nhieu-bai-nghien-cuu-khoa-hoc-2023110123231565.htm
TIN LIÊN QUAN:
Minh Chi
LIÊM CHÍNH VÀ CHUYỆN CƠM ÁO GẠO TIỀN CỦA NGƯỜI LÀM
KHOA HỌC
NGUYỄN DUY XUÂN/TVN 7-11-2023
Sau khi vụ việc liên quan đến PGS.TS Đinh Công Hướng được báo chí phản ánh, đa số ý kiến bày tỏ sự cảm thông với ông, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách để nhà khoa học sống được bằng chính năng lực trí tuệ của mình.
PGS.TS Đinh Công Hướng hiện là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Ông là một nhà toán học có năng lực nghiên cứu, thành viên của Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted.
Từ năm 1997 đến tháng 2/2023, PGS.TS Đinh Công Hướng là giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Quy Nhơn. Từ tháng 3/2023, ông chuyển công tác, về làm giảng viên cơ hữu của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM cho đến nay.
Ngày 31/10 vừa qua, PGS.TS Đinh Công Hướng bị tố bán nhiều bài nghiên cứu khoa học. Theo đó, một "báo cáo vi phạm liêm chính khoa học của PGS.TS Đinh Công Hướng" đã được gửi đến Ban điều hành Quỹ Nafosted, Hội đồng ngành toán của Quỹ Nafosted và các cơ quan khác.
PGS.TS Đinh Công Hướng (Ảnh: HN)
Theo thông tin tố cáo, một loạt bài báo khoa học của tác giả Đinh Công Hướng đăng trên các tạp chí từ năm 2020 đến năm 2022 đều ghi địa chỉ Trường đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) và Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM) mà không phải là Trường đại học Quy Nhơn, nơi ông Hướng đang công tác.
Thông tin tố cáo cho rằng, đó là hành vi vi phạm liêm chính khoa học: "Trường hợp này tại sao lại được đưa vào hội đồng xét duyệt đề tài Nafosted. Việc xét duyệt như thế có nhằm cổ súy cho việc mua bán bài của các trường đại học hay không?”
Chuyện PGS.TS Đinh Công Hướng “bán bài nghiên cứu khoa học” – thực chất là bán chất xám của mình – làm dấy lên những ý kiến trái chiều trong dư luận.
Ông Hướng cho biết, khi còn là giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Quy Nhơn, ông có 69 bài báo thuộc ISI/Scopus, trong đó có 15 bài đứng tên ĐH Tôn Đức Thắng và 6 bài đứng tên ĐH Thủ Dầu Một. Ông Hướng đã ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với hai trường trên bởi các lý do: Trường đại học Quy Nhơn không có quy định giảng viên cơ hữu không được ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với trường khác, chỉ yêu cầu giảng viên hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của trường. Bản thân ông liên tục trong nhiều năm liền thừa giờ nghiên cứu khoa học theo quy định của trường.
PGS.TS Hướng sau khi hoàn thành vượt mức nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu mà cơ quan giao, đã cho ra một loạt những bài báo khoa học được đánh giá cao trong khi chỉ sử dụng mỗi cái laptop và chất xám của mình. Ông chia sẻ: “Để viết được một bài nghiên cứu rất khó, rất khổ, phải đổ nhiều công sức, trải qua nhiều công đoạn. Đi cùng đó cũng là cảm xúc rất sung sướng, hạnh phúc, giống như mình nhìn đứa con mình vậy”.
Nhưng ông Hướng nghiên cứu khoa học không chỉ vì nhiệt huyết và đam mê. Tâm sự sau đây của ông thật đáng suy ngẫm: “Để kiếm tiền, cải thiện kinh tế tôi cũng chỉ biết lấy từ năng lực, chất xám của mình. Tôi dùng chất xám của mình để kiếm thêm thu nhập, tạo dựng cuộc sống”.
Đó là bi kịch với không chỉ riêng ông Hướng. Không ít nhà khoa học chân chính, thành đạt bằng chính năng lực, trí tuệ của mình trong sự nghiệp phải đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền hằng ngày.
Ở thời điểm PGS.TS phải kiếm thêm thu nhập bằng chất xám của mình thì mức lương của một giảng viên Đại học cao cấp (hạng I) hệ số lương thấp nhất 6,20 là 9.238.000đ, hệ số lương cao nhất 8,00 là 11.920.000đ. Với mức lương đó thật khó để nhà khoa học yên tâm giành hết công sức, trí tuệ, tâm huyết cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo.
Hành vi bán chất xám của PGS.TS Đinh Công Hướng có vi phạm liêm chính khoa học không? Câu hỏi đó có nhiều đáp án nếu soi từ nhiều lăng kính khác nhau.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, hiện chưa có một quy định, văn bản nào về việc công tác ở trường này và hợp tác với trường khác để đưa vào công tác quản lý. Liêm chính học thuật là vấn đề tương đối mới, mặt khác sáng tạo khoa học không thể hành chính hoá, chủ yếu quản lý làm sao đừng vi phạm pháp luật, tự do quá trớn, ảnh hưởng liêm chính khoa học cũng như vi phạm quản lý.
Điều 20 Nghị định 109/2022/NĐ-CP về “Liêm chính học thuật trong cơ sở giáo dục đại học” không có nội dung nào đề cập hành vi mua bán chất xám thông qua các bài báo khoa học.
Sau khi vụ việc liên quan đến PGS.TS Đinh Công Hướng được báo chí phản ánh, đa số ý kiến bày tỏ sự cảm thông với ông, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách để nhà khoa học sống được bằng chính năng lực trí tuệ của mình.
Xin dẫn một vài ý kiến độc giả trên các báo để thay cho lời kết bài viết này:
"Nếu Trường đại học Quy Nhơn không cấm và thầy đã hoàn thành nhiệm vụ với trường rồi thì tôi nghĩ việc này cũng giống như giáo viên dạy thỉnh giảng. Ngoài giờ thì giáo viên có quyền làm thêm. Việc này là chính đáng, chả có gì là liêm chính với không liêm chính cả. Có sai hay không là đơn vị mua sản phẩm của thầy để làm gì, mục đích gì...".
"Ở đây thầy bán các sản phẩm của chính mình, không làm gì hại cho dân cho nước cả. Nếu như các sản phẩm của thầy được trả công xứng đáng để thầy có thể nuôi sống bản thân và gia đình thì có lẽ đã không có việc bán bài nghiên cứu. Thế mới thấy cơ chế, chính sách hiện nay chưa thể nuôi sống và khó giữ chân các nhà khoa học tài năng."
“Rất thông cảm với ông Đinh Công Hướng. Nhà nghiên cứu khoa học cũng như bất kỳ ai khác cần có gì trong bụng mới có thể làm việc được…”.
Nguyễn Duy Xuân
GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN TUẤN: ĐẾM SỐ LƯỢNG BÀI BÁO QUỐC TẾ THƯỞNG TIỀN LÀ MỘT SAI LẦM
TUỆ NHI/ GDVN 7-11-2023
GDVN- Nếu chi thưởng chỉ dựa trên số bài báo khoa học là một cách khuyến khích nghiên cứu kiểu mì ăn liền và chạy theo lượng, bỏ qua chất.
Ngày 6/11, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã công bố danh sách ứng viên được công nhận đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2023. Đây là kết quả xét tại Phiên họp lần thứ XII của Hội đồng Giáo sư nhà nước nhiệm kỳ 2018-2023, ngày 4-5/11/2023.
Theo đó, có 589 ứng viên từ 26/28 Hội đồng đủ điều kiện đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư. Danh sách này chưa tính ứng viên từ Hội đồng giáo sư ngành khoa học an ninh và Hội đồng giáo sư ngành khoa học quân sự.
Năm nay, một số công bố quốc tế của ứng viên xét chức danh giáo sư, phó giáo sư bị “tố” không minh bạch khiến dư luận xôn xao bàn tán. Vấn đề tranh cãi xung quanh chất lượng các bài báo quốc tế và câu chuyện nhà khoa học bán bài báo quốc tế cho các đơn vị trường đại học khác đang trở thành đề tài được nhiều người quan tâm. Rõ ràng, đã đến lúc cần nghiên cứu và có những quy định, hướng dẫn để các bài báo quốc tế phát huy được giá trị khoa học thực sự của nó.
Liên quan đến vấn đề bài báo quốc tế, phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn hiện là Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế, Đại học Công nghệ Sydney, Australia; Giáo sư Y khoa (kiêm nhiệm) Đại học New South Wales; đồng thời là Giám đốc Viện Nghiên cứu Tâm Anh.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Khoảng 10 năm trước, tôi đã có cảnh báo về tình trạng có nhiều nhà khoa học công bố trên các tập san dỏm (còn gọi là predatory journal).
Có nhiều người do chưa am hiểu về công bố khoa học nên họ chọn tập san dỏm. Nhưng cũng có không ít người do áp lực công bố để được đề bạt nên họ nhắm mắt chọn tập san kém chất lượng và dĩ nhiên họ biết đó là tập san dỏm. Công bố trên tập san dỏm ngày nay được xem là một vi phạm đạo đức khoa học.
Tuy nhiên, khi một vấn đề xảy ra, chúng ta không nên chỉ nhắm tới cá nhân sai phạm, mà phải xem xét đến cả hệ thống. Chúng ta nên xem lại những quy định về đề bạt chức danh khoa học có những sai lầm nào và quy trình đã chuẩn mực hay chưa".
 |
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Nên bỏ cách làm đếm số bài báo để công nhận chức danh
Theo ông Tuấn những vấn đề liên quan đến việc bài báo quốc tế trong xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cần được xem xét một cách nghiêm túc ở các khía cạnh sau đây.
Thứ nhất, phải xác định rõ các loại tập san được công nhận và không được công nhận. Chúng ta không nên áp đặt, lấy danh sách Q1 - Q4 làm chuẩn, mà nên có sự phân biệt giữa tập san chính thống và phi chính thống.
Thứ hai, phải xác định chỉ có bài báo nguyên gốc (original contribution) mới được công nhận đủ tiêu chuẩn; không nên tính các bài như tổng quan, phân tích tổng hợp, bình luận hay xã luận.
Thứ ba, bỏ cách làm đếm bài báo để công nhận chức danh. Hiện nay, Hội đồng Giáo sư Nhà nước quy định 3 bài cho ứng viên phó giáo sư và 5 bài cho ứng viên giáo sư. Những con số này không nói lên điều gì cả, nhưng lại là cái đích ảo để các ứng viên chạy theo và đối phó.
"Thật vô lý nếu một ứng viên có 5 bài làng nhàng hay tổng quan trên các tập san loại “dỏm” cao hơn một ứng viên có 3 bài báo nguyên thuỷ trên các tập san chính thống có uy tín cao.
Đồng thời, chất lượng của ứng viên cũng thể hiện qua nhiều tín hiệu, kể cả uy tín của tập san, số lần trích dẫn, số lần được tạp chí hay báo chí phổ thông đề cập đến, tác động đến khoa học, chính sách công, xã hội", Giáo sư Tuấn nêu quan điểm.
Thứ tư, phải xem xét ứng viên đóng vai trò gì trong bài báo. Có nhiều loại tác giả bài báo như tác giả chính, tác giả danh dự, đồng tác giả… Giáo sư Tuấn đề nghị nên thẩm định vai trò của ứng viên là tác giả chính của bài báo hay tác giả chịu trách nhiệm với công chúng về bài báo.
Thứ năm, phải có sự ghi nhận đúng đắn về chất lượng nghiên cứu chứ không thể đánh đồng các công bố khoa học đều như nhau. Cách tốt nhất để đánh giá chất lượng nghiên cứu là đọc bài báo và chỉ có người trong chuyên ngành mới đánh giá đúng. Nhưng một cách gián tiếp khác là đánh giá qua tập san mà bài báo được công bố.
Vị giáo sư đưa ra ví dụ, bài đăng trên một tập san uy tín như The Lancet, JAMA, Nature Medicine không thể nào có cùng giá trị với một bài trên một tập san địa phương.
Theo ông Tuấn, điều ưu tiên số 1 hiện nay là phải có chính sách về việc chọn tập san công bố, đề ra những quy ước về đạo đức công bố khoa học cho tất cả các sinh viên, nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu, đến cấp cao nhất là giáo sư. Chúng ta nên tham khảo các chương trình huấn luyện ở nước ngoài để phát triển những khóa học về đạo đức công bố khoa học.
Công bố khoa học đã trở thành một thị trường béo bở cho không ít đầu nậu
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cũng thừa nhận một thực trạng đáng buồn là mua bài báo quốc tế để công nhận chức danh đã tồn tại từ lâu.
Ông Tuấn dẫn chứng: “Ở Trung Quốc có hẳn những công ty chuyên làm phân tích tổng hợp và bán những bài báo loại đó cho khách hàng có nhu cầu với nhiều mức giá khác nhau. Ở Trung Đông còn có những liên minh chuyên sản xuất ra những bài báo chất lượng thấp và bán cho các nhà khoa học của các nước khác, kể cả Việt Nam. Nói chung, công bố khoa học ngày nay đã trở thành một thị trường béo bở cho những tay đầu nậu làm tiền từ những nhà khoa học ngây thơ”.
Theo Giáo sư Tuấn, sở dĩ công bố khoa học khó khăn vì quy trình bình duyệt thường mất nhiều thời gian.
Đầu tiên, tác giả sẽ gửi một bản tóm tắt, lý giải ngắn cho ban biên tập với ý định công bố kết quả nghiên cứu. Khi bản thảo được nộp lên, tổng biên tập sẽ chọn một phó tổng biên tập chuyên trách. Đa số bài báo sẽ bị từ chối ở bước này nếu người phụ trách thấy không phù hợp.
Nhưng nếu nội dung phù hợp, bản thảo đầy đủ sẽ tiếp tục được gửi cho 3 chuyên gia bình duyệt. Ba chuyên gia này thường mất 2-4 tuần để nhận xét bản thảo.
Sau khi đã nhận được báo cáo bình duyệt của chuyên gia, ban biên tập có thể quyết định từ chối bài báo hay không. Tập san càng danh giá thì tỉ lệ từ chối càng cao (hơn 90%). Tập san kém danh giá thì tỉ lệ từ chối trong khoảng 20-30%. Tập san “dỏm” thì không từ chối bài nào.
Thông thường, một bản thảo bài báo khoa học sẽ phải trải qua bình duyệt 6 tháng trước khi được công bố.
Thời gian từ lúc nộp bản thảo đến lúc công bố bài báo, nếu tất cả đều thuận lợi, thường mất từ 6-12 tháng, nhưng cũng có khi 24 tháng. Các tập san dỏm công bố bất cứ bài báo nào dù nội dung không phù hợp và thời gian từ lúc nộp đến lúc công bố thường chỉ 1-4 tuần. Bởi thế, bất cứ tập san nào mà chấp nhận bản thảo chỉ sau một tuần hay một tháng nộp thì rất đáng ngờ.
Theo Giáo sư Tuấn, một số nhà khoa học hiện nay đang nhầm lẫn giữa thể loại tập san và mô thức công bố.
Theo đó, các tập san khoa học có thể chia thành 2 thể loại chính thống và phi chính thống, “săn mồi”. Tập san chính thống (không phải tất cả) thường có cơ quan chủ quản là hiệp hội khoa học. Tập san dỏm thì không có cơ quan chủ quản mà chỉ là hoạt động thương mại thuần túy.
Mô thức công bố có thể là truyền thống hay mở (Open Access). Mô thức truyền thống có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí thấp hay không có ấn phí, nhưng độc giả phải trả tiền để đọc. Mô thức mở có nghĩa là tác giả phải trả ấn phí cao nhưng độc giả thì không cần trả tiền để đọc.
"Chẳng hiểu từ đâu mà có quan điểm cho rằng các bài báo công bố trên các tập san mở là kém chất lượng, dỏm. Quan điểm này sai lầm nghiêm trọng.
Có rất nhiều tập san chính thống công bố bài báo khoa học theo mô thức mở. Các tập san uy tín như Nature, The Lancet, New England Journal of Medicine... đều cho phép tác giả chọn mô thức công bố truyền thống hay mở. Chúng ta không thể nói các tập san đó là ‘chất lượng thấp’ được.
Cần nói thêm rằng các cơ quan tài trợ khoa học và đại học ngày nay đều yêu cầu nhà khoa học phải công bố theo mô thức mở. Vì đó là nghĩa vụ của họ phải báo cho công chúng biết họ đã làm nghiên cứu như thế nào và làm gì. Khi công bố theo mô thức mở thì ai cũng đọc được mà không phải trả phí. Còn công bố theo mô thức truyền thống thì công chúng không đọc được nếu không trả phí.
Tuy nhiên, tất cả các tập san dỏm đều công bố bài báo theo mô thức mở. Đây có thể là lí do làm cho người ta nghĩ rằng hễ tập san mở là dỏm. Nhưng suy nghĩ đó là sai", ông Tuấn cho biết.
Đếm bài báo quốc tế thưởng tiền là một sai lầm
Trao đổi thêm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về bài báo quốc tế, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn nhận định việc đếm bài báo thưởng tiền là một sai lầm.
Ông Tuấn kết luận: “Thưởng về bản chất là dựa trên tầm ảnh hưởng và chất lượng chứ không dựa trên số lượng. Ngày xưa, ở viện nghiên cứu nơi tôi công tác có chủ trương thưởng cho những bài báo có chỉ số ảnh hưởng trên 10. Chủ trương này cũng được áp dụng ở các đại học ở Trung Quốc như là một cách để khuyến khích nâng cao chất lượng nghiên cứu.
Còn thưởng chỉ dựa trên số lượng thì rất sai lầm, bởi số lượng không nói gì về chất lượng”.
Theo đó, có những người công bố hàng trăm, thậm chí hàng nghìn bài báo khoa học nhưng những bài báo đó không có tác động gì cả. Theo Giáo sư Tuấn, những bài báo không gây tác động với xã hội vì đó là những bài báo đó có phẩm chất khoa học quá thấp. Vì chất lượng thấp nên những bài báo đó chỉ được công bố trên những tập san dỏm.
Do đó, nếu chi thưởng chỉ dựa trên số bài báo khoa học là một cách khuyến khích nghiên cứu kiểu mì ăn liền và chạy theo lượng, bỏ qua chất.
Tuệ Nhi
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ LIÊM CHÍNH KHOA HỌC
NGUYỄN HỒNG VŨ/ TD 7-11-2023
Mấy hôm nay, tên của PGS.TS Đinh Công Hướng, giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, thành viên Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia), được nhắc đến trên khắp các phương tiện truyền thông, và là đề tài bàn luận của nhiều chuyên gia, cũng như người bình dân về một vấn đề “nghe có vẻ” nghiêm trọng, đó là vị GS này đã “vi phạm” liêm chính khoa học trong quá trình nghiên cứu. Để trả lời cho vấn đề này, anh Hướng chỉ cho biết "Tôi làm vậy để kiếm tiền, cải thiện kinh tế, kiếm thêm thu nhập, mong muốn đời con mình sẽ được cải thiện hơn". Ngoài ra, anh cũng nhanh chóng nộp đơn xin rút khỏi Hội đồng ngành toán Quỹ Nafosted.
Ở góc nhìn của mình, là một nhà khoa học, việc làm của anh Hướng nên cần được “cảm thông” hơn là bị “đấu tố”. Sự cảm thông của mình trong trường hợp anh Hướng không phải dựa vào sự dễ dãi trong cảm tính mà dựa vào mức độ ảnh hưởng trong “sai phạm liêm chính” và “hoàn cảnh hiện tại”.
Để hiểu về vai trò của “liêm chính khoa học” trong môi trường nghiên cứu, mình muốn nói qua về nghiên cứu khoa học và tầm quan trọng của nó. Chúng ta nên biết rằng “khoa học” đang đóng vai trò “sống còn” của con người trên trái đất này. Không có khoa học có lẽ con người chúng ta vẫn không biết rằng trong không khí có nhiều loại phân tử khí khác nhau; không thấy những thứ nhỏ hơn khả năng mắt thường thấy được như vi khuẩn, vi rút và thậm chí là DNA; không hình dung được âm thanh, ánh nắng và bức xạ hạt nhật đều di chuyển dưới dạng sóng ở các tần số khác nhau. Để một nghiên cứu khoa học đi đến ứng dụng thực tiễn vào đời sống, đó là một “quá trình” nghiên cứu của nhiều người, thậm chí nhiều thế hệ, sự phối hợp của các nghiên cứu đa ngành.
Lấy một ví dụ, để có vaccine COVID-19 ra đời trong đại dịch vừa qua thì không phải chỉ nhờ vào các nghiêu cứu trong 1-2 năm mà nó dựa vào khối lượng lớn các công trình nghiên cứu của cả lịch sử khoa học về DNA, virus, miễn dịch,… tin học, toán học, hóa học, vật lý cũng đóng vai trò không nhỏ.
Chúng ta có thể hình dung khoa học như một tòa tháp được xây dựng bằng những viên gạch, mỗi viên gạch là một công trình khoa học làm điểm tựa cho viên gạch tiếp theo đặt lên để xây cao hơn. Tòa tháp sẽ vững chắc và vương cao khi những viên gạch này được tạo ra một cách đúng đắn và chắc chắn, con người sẽ có những tòa tháp cao mà “nới rộng tầm mắt” của mình. Nhưng nếu có một số viên gạch được tạo ra “kém chất lượng” do “sự lương lẹo” trong quy trình sản xuất, sẽ có thể làm nguy hiểm cho cả tòa tháp!
Nói đến đây chắc các bạn cũng hình dung được sự quan trọng trong việc “quản lý chất lượng sản xuất” của những “viên gạch”, hay trong khoa học chính là “chất lượng của các công trình khoa học”. Để làm điều này, hiện nay các nhà khoa học đang dựa vào các “nguyên tắc liêm chính” trong nghiên cứu mà chúng ta thường gọi là “liêm chính khoa học”.
Có khá nhiều các “nguyên tắc” để quy định sự liêm chính khoa học, trong đó có thể kể ra một số nguyên tắc quan trọng hàng đầu để bảo đảm chất lượng công trình khoa học (hay nói dễ hiểu hơn là làm sao để tạo ra những viên gạch “dùng được”):
1. Độ tin cậy: Liên quan đến chất lượng và khả năng thực hiện lại của nghiên cứu. Nếu một nghiên cứu được thực hiện một cách gian dối, ngụy tạo số liệu thì khó mà có thể thực hiện lại được bởi các nhà khoa học khác và vì thế sẽ làm tổn hại đến thời gian, tiền bạc và công sức của các nhà khoa học khác; không thể dùng nó để phát triển thêm kiến thức khoa học. Thậm chí có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng con người hoặc môi trường sinh thái nếu nghiên cứu này liên quan đến ứng dụng.
2. Tính trung thực: Liên quan đến tính minh bạch và khách quan của nghiên cứu. Các số liệu, điều kiện nghiên cứu phải được ghi nhận rõ ràng, minh bạch. Việc thiết kế thí nghiệm, thu số liệu và phân tích phải được thực hiện khách quan, không thiên vị, để đưa ra những kết luận phù hợp.
3. Tôn trọng: Đối với môi trường con người, văn hóa và sinh thái. Vấn đề này thường được nói đến đạo đức trong nghiên cứu (ethical), nghiên cứu phải không được vượt quá giới hạn đạo đức con người ví dụ như giảm thiểu tối đa các đau đớn ở các nghiên cứu trên động vật, không được nhân bản con người trong phòng thí nghiệm.
Ngoài các nguyên tắc chính kể trên, để giúp bảo đảm “chất lượng của công trình khoa học” thì liêm chính trong khoa học có thể nới rộng hơn khi bàn về việc “đạo văn” khi sử dụng lại các câu từ, cách hành văn mà người trước đó sử dụng hoặc trong trường hợp anh Hướng thì liên quan đến việc để tên địa chỉ cơ quan không trực thuộc nơi anh thực sự làm việc.
Trở lại vấn đề anh Hướng bị “tố” dù rằng là giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM nhưng có tất cả 42 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó có 13 công trình đứng tên Trường Đại học Tôn Đức Thắng và 4 công trình đứng tên Trường Đại học Thủ Dầu Một. Dựa vào câu trả lời của anh Hướng là để “kiếm thêm thu nhập” và chưa có bằng chứng nào cho thấy anh vi phạm bất kỳ “nguyên tắc quan trọng” nào của “liêm chính khoa học” như mình kể trên thì mình nghĩ rằng chuyện này cũng không có gì to tác mà phải “đấu tố” anh ấy như một nhà khoa học thiếu liêm chính như vậy. Anh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu nghiên cứu của cơ quan đang làm giảng viên trực tiếp, thì việc anh “kết hợp” thêm nghiên cứu với sự “tài trợ” của các cơ quan bên ngoài khác cũng là việc bình thường trong cộng đồng khoa học.
Những “công trình nghiên cứu” của anh không sử dụng số liệu giả, kết quả nghiên cứu không bị bóp méo theo ý chủ quan, chất lượng của nghiên cứu vẫn được bảo đảm và có thể được sử dụng làm nền tảng cho các nghiên cứu phía sau phát triển, như những viên gạch được tạo ra với chất lượng tốt để làm nền cho những viên gạch khác đặt lên xây cao hơn.
Suy cho cùng thì nhà khoa học cũng là những con người và họ có quyền “mưu cầu hạnh phúc”. Việc làm của anh Hướng nhằm “cải thiện kinh tế” bằng chính chất xám của mình mà không ảnh hưởng đến sản phẩm khoa học của mình, vẫn có thể đóng góp cho khoa học phát triển thì nên “cảm thông”, hỗ trợ chứ không phải bị “đấu tố”, nặng lời.
Có bạn nào ở đây đang làm việc nghiên cứu trong các cơ quan ở Việt Nam có thể giúp tính thử thu nhập trung bình của giáo sư như anh Hướng và chi tiêu cần thiết trong gia đình hiện nay như thế nào để mình cập nhật với?
NGUYỄN HỒNG VŨ
https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=
CỨ PHÁ NÁT GIÁO DỤC RỒI ĐỔ LỖI CHO CHẾ ĐỘ!
CHU MỘNG LONG/FB/ TD 7-11-2023
Nhiều bạn chuyển cho tôi bài viết của một Phó giáo sư tiến sĩ Viện Văn và hỏi tôi, rằng lập luận của ông ấy đúng hay sai? Mấy dòng thôi, tôi đọc nhanh, cái còn lại là buồn, cả khinh, vì đó là người quen biết. Trong phần còm hưởng ứng bên dưới còn có rất nhiều những người quen biết khác, trong đó có cả người thân và từng là thầy tôi.
Những người này lâu nay cũng từng lên tiếng phản biện, chỉ trích tiêu cực của các quan. Riêng nói đến tiêu cực trong giáo dục thì họ đẩy lỗi do chế độ, trong khi tôi từng nói thẳng, riêng phá hoại giáo dục thì hãy chỉ trích đội ngũ giáo sư, tiến sĩ trước mới đúng! Tôi không lạ khi họ lên tiếng bào chữa cho PGS.TS. Đinh Công Hướng bán bài báo quốc tế cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Thủ Dầu Một để các trường này được xếp hạng đại học top đầu, được mở ngành mới và được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Không lạ, vì khi quen biết những ông bà này, tôi đã biết nhiều hơn điều họ bộc lộ trong cái cơ hội tự bào chữa này. Họ bào chữa cho Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Công Hướng thực chất là tự bào chữa cho chính họ.
Họ đã làm những điều kinh ngạc hơn PGS.TS. Đinh Công Hướng đang làm xôn xao dư luận hiện nay.
Khi lần đầu tiên được ngồi chung các hội đồng với họ, tôi đã từng ngạc nhiên khi không chỉ một ông mà nhiều ông nhận xét rất sơ sài các luận văn, luận án. Một lần làm Chủ tịch hội đồng, tôi yêu cầu một ông nộp ngay bản nhận xét, ông ta hẹn lúc giải lao sẽ nộp sau. Khi giải lao, tôi quan sát thấy ông điền vào mẫu, sau mỗi mục là chỉ mấy dòng. Thì ra, ông ta hóng hớt các nhận xét khác rồi nói vo, sau đó thì điền mấy chữ vào mẫu in sẵn.
Tôi hỏi sao thế? Ông ta trả lời như là khoe luôn: Hiện ông đang nhận hướng dẫn, phản biện và nhận xét hơn 30 luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Ông thú nhận, không có thời gian đọc. Tôi khóc chứ không phải thán phục. Vì khi đó, cá nhân tôi chỉ hướng dẫn một cái mà vật lộn cả năm, nhận xét 3 cái trong một tuần mà phải thức ngày đêm để đọc cho hết. Thảo nào, có luận văn chép hơn 70% câu chữ từ một quyển sách khá nổi tiếng mà cả hội đồng không ai nhận ra và cho 9 điểm trở lên!
Sau đó tôi kiểm tra xem các ông khác. Ông nào cũng khoe đi từ Bắc chí Nam hơn cả chục trường đại học khác nhau để giảng dạy hoặc nhận cùng lúc hướng dẫn hoặc phản biện dăm ba chục cái luận văn, luận án. Tôi nói luôn: Quy định cùng một thời điểm, một tiến sĩ hướng dẫn không quá 3 cái luận văn, một phó giáo sư, giáo sư hướng dẫn không quá 5 hoặc 7 cái luận án. Các ông không thấy phạm luật thì cũng phải có lòng tự trọng tối thiểu chứ? Ông nào cũng cười vào mũi tôi: Rằng họ hướng dẫn không quá 3 cái hoặc 5, 7 cái là ở một cơ sở đào tạo. Không có luật nào cấm họ hướng dẫn quá số lượng ở nhiều cơ sở đào tạo khác nhau!
Giời ạ. Thế thì nếu một cá nhân gọi là có "năng lực" có thể đứng tên hướng dẫn cho cả 400 trường đại học, trong nước thôi, thì mỗi người trong vài năm có thể nhận hướng dẫn lên đến 400 x 3 = 1.200 cái luận văn, luận án! Thảo nào những năm ấy, chỉ giới hạn vài trăm phó giáo sư, tiến sĩ mà cả nước đào tạo ra cả vạn tiến sĩ và hàng triệu thạc sĩ!
Chỉ có tư cách Mõ (nhân vật của Nam Cao) mới không có tự trọng khi cùng một lúc ngồi nhiều mâm. Lẽ nào, sau cách mạng, những anh mõ thời thực dân ấy được phong giáo sư, tiến sĩ nên mất hết cả tự trọng khi cùng một lúc nhận hướng dẫn và chấm hàng chục luận văn, luận án?
Vị Phó giáo sư, Tiến sĩ Viện Văn và những đồng môn được nói trên kia, ngoài tỏ ra hiểu biết, rằng thế giới làm vậy là bình thường, lại còn so sánh với việc mua bán cầu thủ giữa các câu lạc bộ bóng đá. Những Messi, Ronaldo nhờ tài năng mà có quyền đòi hỏi và bán giá cao đôi chân của mình cho các câu lạc bộ khác nhau. Tôi phải bật cười cho cái lập luận ở trình độ hóng hớt như vậy. Mua bán hay chuyển nhượng cầu thủ của họ có điều kiện rõ ràng. Chuyện mượn để giao hữu không tính. Còn muốn hợp đồng ở câu lạc bộ mới thì phải cắt ngay hợp đồng của câu lạc bộ cũ. Không có chuyện một cầu thủ cùng một lúc hợp đồng đá bóng cho hai, ba câu lạc bộ. Có mà loạn hơn cá độ!
Nói thật, tôi khinh bỉ chứ không thể nể được cách lập luận ấy, dù người ấy là bạn, là thầy có học hàm học vị giáo sư tiến sĩ. So sánh ấy chỉ lừa được những não bò bị nhốt trong chuồng, chứ một người có hiểu biết tối thiểu về bóng đá cũng không bị lừa được. Rất tiếc là lập luận ấy lừa được rất đông người, cũng có học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ! Không nghi ngờ gì nữa, giáo dục đại học hiện nay đang loạn lên về xếp hạng, về đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, về mở ngành và tuyển sinh bắt đầu từ những ông bà có học hàm học vị cao này! Đừng mở mồm là đổ lỗi do chế độ, khi luật, quy chế quy định rõ ràng về giảng viên cơ hữu, về tiêu chuẩn xếp hạng đại học, về tiêu chuẩn mở ngành, chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực!
"Liêm chính" là trung thực, không gian lận. PGS.TS. Đinh Công Hướng thừa biết các trường không đủ tiêu chuẩn để xếp hạng, mở ngành và tuyển sinh phải mua bài báo của ông để được xếp hạng cao, để mở ngành đào tạo và tăng chỉ tiêu tuyển sinh một cách gian lận, nhưng vẫn bán cho kẻ gian lận thì "liêm chính" chỗ nào? Hay là các giáo sư tiến sĩ muốn nói, sự không "liêm chính" bé nhỏ của ông Hướng không thể so nổi với sự gian lận khổng lồ của các giáo sư, tiến sĩ bậc thầy?
Những giáo sư, tiến sĩ này cũng thừa biết, các trường bỏ tiền mua bài báo của PGS.TS. Đinh Công Hướng không phải vì giá trị chất xám mà chỉ là mua danh để được xếp hạng cao, để mở ngành và chỉ tiêu tuyển sinh, tức để lừa đảo và lũng đoạn thị trường giáo dục. Cách làm này làm cho trường đào tạo đàng hoàng thì chết ngắc ngoải mà trường lừa đảo thì tồn tại chễm chệ, như bọn gian thương giết chết nhà buôn có đạo đức. Biết mà vẫn ủng hộ, đúng hơn là hành vi tự bào chữa cho thói gian lận của mình, đó là mafia giáo dục!
Nói thật, PGS.TS. Đinh Công Hướng từng là đứa em cùng khoa, cùng trường mà tôi yêu quý và bây giờ tôi vẫn quý. Quý ở năng lực. Quý ở nhận ra lỗi lầm và tự khắc phục. Lẽ ra tôi phải lên tiếng bào chữa cho đứa em của mình, nhưng tôi không thể trở thành kẻ biện minh dối trá. Khi viết loạt bài này, vợ tôi nói, anh mất hết anh em bè bạn vì tính cương trực ấy. Ừ thì mất. "Triệu người quen có mấy người thân". Khi về hưu, tôi thà làm bạn với cỏ cây vạn vật vậy.
Kể cả lúc này, không thể thỏa hiệp với những kẻ đã phá hoại giáo dục, cũng là hại nước hại dân. Một nền giáo dục tử tế không thể chấp nhận buôn gian bán lận. Buôn gian bán lận trong giáo dục còn tệ hơn bán nước cho giặc.
https://www.facebook.com/Chumonglong?__cft__[0]=
https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét