Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

20221220. BÀN VỀ THÓI NGUỴ BIỆN

   ĐIỂM BÁO MẠNG

THÓI NGUỴ BIỆN Ở NGƯỜI VIỆT

GS. NGUYỄN VĂN TUẤN/FB. BVN 18-12-2022


(Hình của Ohay.TV)

Tôi hay bị làm phiền bởi những người hỏi tôi “đã làm gì cho đất nước này” [1] khi tôi có ý phê bình các chánh sách của Nhà nước. Câu hỏi đó không chỉ không cần thiết mà còn biểu hiện thói nguỵ biện rất thô thiển.
Nguỵ biện (người phương Tây gọi là ‘fallacy’), nói ngắn gọn, là lỗi lầm mang tính logic trong bàn luận. Nguỵ biện trong bàn luận (chưa nói đến ‘tranh luận’ vốn cần một trình độ nhứt định) bao gồm những:
những luận điểm bất hợp lý,
• những phát biểu nhằm đánh lạc hướng vấn đề, hay
• những phát biểu mang tính khẳng định nhưng chẳng có gì làm chứng cớ.
Tất cả chúng ta đều ít nhứt 1 lần phạm phải những lỗi lầm này — có khi là vô ý. Người ta thốt ra những lời nói hay viết xuống những câu để đánh tráo vấn đề và gây nhiễu loạn trong bàn luận. Tôi quan sát thấy vài lỗi nguỵ biện phổ biến ở người Việt chúng ta. Những gì tôi quan sát không có gì mới cả, nhưng thiết nghĩ cần nhắc lại ở đây.
1. CÔNG KÍCH CÁ NHÂN (ad hominem)
Đây là một loại ngụy biện phổ biến nhất, thấp kém nhất, nguy hiểm nhất, nhưng có “công hiệu” nhất. Nguy hiểm vì nó tấn công vào cá nhân của người phát biểu hơn là quan điểm của người phát biểu. Từ đó, người ta chỉ tập trung vào cá nhân hơn là quan điểm của cá nhân đó.
Có 5 hình thức phổ biến thuộc loại ngụy biện này:
- Loại thứ nhứt là tấn công vào uy tín cá nhân của người phát biểu, kiểu "Anh là dân làm kinh tế, biết gì về khoa học mà nói chuyện nghiên cứu khoa học". Tức là, người ngụy biện không bàn về lý lẽ của người phát biểu về khoa học mà tấn công vào cái 'background' của người đó.
- Loại thứ hai là dưới hình thức sỉ nhục, hay chửi rủa. Khi bất đồng ý kiến, người ngụy biện chỉ việc công kích vào cá nhân của người phát biểu. Chẳng hạn như "Bà hay đánh con, bà không có tư cách nói chuyện nhân nghĩa".
- Loại thứ ba là tấn công vào động cơ của người phát biểu. Mặc dù không biết động cơ của người phát biểu là gì, kẻ nguỵ biện vẫn đặt ra một cái cớ để làm lạc hướng luận điểm của người phát biểu. Ví dụ tiêu biểu là "Anh nói như vậy là vì anh muốn được chút ơn huệ của kẻ cầm quyền".
- Loại thứ tư là tấn công vào lòng yêu nước. Tiêu biểu cho loại ngụy biện này là: "Anh im đi! Nếu anh thấy nền giáo dục Việt Nam kém cỏi như vậy thì anh hãy đi Mỹ mà học".
- Loại thứ năm là dùng một đặc điểm của một vật thể nào đó để ứng dụng cho một cá nhân hay một vật thể khác. Ví dụ: “Anh học của Tây có vài chữ mà đã quay lại chửi bới đồng nghiệp à? Anh là con công cháu cha, anh không hiểu gì về sự nghèo khổ của chúng tôi”.
2. LỢI DỤNG THẨM QUYỀN (ad verecundiam)
Đây là loại ngụy biện dùng những nhân vật nổi tiếng hay được nhiều người ái mộ để tìm sự ủng hộ cho luận điểm của mình. Chẳng hạn như "Cái bàn chải đánh răng này được giới nha sĩ ủng hộ, nên nó tốt lắm", hay "Báo chí loan tin hà rầm rằng gia đình đó loạn luân mà ông còn cãi à? Ai cãi là ngu si, hèn hạ”. Hèn hạ?
Cái sai ở đây là thẩm quyền (báo chí, chuyên gia, Nhà nước, v.v.) không thuyết phục được ai; chỉ có sự thật, lý lẽ và logic mới quan trọng và có khả năng thuyết phục.
Do đó, việc xem thẩm quyền là chân lý là một nguỵ biện, và loại nguỵ biện này rất phổ biến và nguy hiểm. Nguy hiểm là vì nó làm thui chột tư duy độc lập của người ta. Nguy hiểm là vì nó có thể đưa người vô tội vào tù.
3. LỢI DỤNG NẶC DANH
Trong trường hợp này, người ngụy biện không nêu danh tính người có thẩm quyền, và vì không ai biết tên người có thẩm quyền nên không ai có thể kiểm chứng sự chính xác của lời phát biểu. Một ví dụ tiêu biểu là "Các chuyên gia nói với tôi rằng chủ trương của chúng tôi là hợp lý". Ở đây, chúng ta không biết chuyên gia là ai (nặc danh), mà cho dù có biết thì đây cũng là nguỵ biện loại lợi dụng thẩm quyền.
Một loại ngụy biện khác có quan hệ với loại này là dùng lời đồn đại để làm cơ sở lập luận. Giới công an cảnh sát hay sử dụng ngụy biện này, ví dụ như “Có nhiều đơn của nhân dân tố giác rằng cái hộ gia đình này phạm pháp”. Chẳng ai biết 'nhân dân' là ai, nhưng nó bị đem ra làm cơ sở cho nguỵ biện.
4. LUẬN ĐIỆU NGƯỢC NGẠO
Loại nguỵ biện này hay xuất hiện dưới hình thức bằng chứng. Chẳng hạn như kẻ nguỵ biện phát biểu rằng "Gia đình đó có loạn luân", nhưng khi bị người ta bác bỏ phát biểu đó thì kẻ nguỵ biện quay sang hỏi: "Anh nói họ không loạn luân, vậy anh chứng minh đi".
Đây là nguỵ biện khá phổ biến, mà theo đó kẻ nguỵ biện đùn đẩy trách nhiệm bằng chứng về phía người phát biểu trong khi chính người phát biểu cáo buộc phải trình bày bằng chứng. Loại nguỵ biện này khá thô thiển, nhưng ngạc nhiên thay nó thuyết phục khá nhiều người ngây thơ!
5. LÀM LẠC HƯỚNG CÂU CHUYỆN
Loại ngụy biện này thường hay được ứng dụng khi một người nào đó đưa vào những phát biểu không dính dáng gì đến vấn đề đang tranh luận, nhằm mục đích đánh lạc hướng vấn đề.
Một trong những ví dụ tiêu biểu của nguỵ biện loại này là những câu qua lại về tu sĩ. Người phát biểu cảm thấy tu sĩ đóng phim là không phải, người nguỵ biện quay sang tấn công … Đức Giáo Hoàng:
“Nếu bà cho rằng bà có cái quyền tấn công tăng ni tham gia đóng phim thì bà trước nhứt nên tấn công hai Đức Giáo Hoàng của bà trước thì đó mới là công bằng”.
Một ví dụ khác: “Anh có thể nói rằng tử hình là một hình phạt không có hiệu quả trong việc chống lại tội phạm, nhưng còn nạn nhân của tội phạm thì sao?”. Tức là, người ngụy biện chuyển chủ đề về hiệu quả của án tử hình sang nạn nhân, hai vấn đề chẳng có liên quan gì với nhau. Đây là nguỵ biện cá trích.
TRANH LUẬN VÀ PHẢN BIỆN?
Ở Việt Nam, người ta thích dùng từ 'phản biện' và 'tranh luận', nhưng trong thực tế thì chẳng có tranh luận gì cả mà chỉ là cãi lộn. Trong cãi lộn thì không có phản biện. Muốn phản biện đàng hoàng thì cần phải có tranh luận nghiêm túc.
Nhưng thế nào là tranh luận nghiêm túc?
Nói một cách ngắn gọn, cũng như trong một cuộc đấu võ, các võ sĩ phải tuân thủ luật chơi một cách nghiêm ngặt; tương tự, một tranh luận nghiêm túc là một cuộc bàn luận có quy tắc, mà trong đó người tham gia không được, hay cần phải tránh, phạm luật chơi.
Những quy tắc chung và căn bản là người tham gia chỉ phát biểu bằng cách vận dụng những lý lẽ logic, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo kiểu cảm tính, lười biếng, hay biểu hiện một sự nguỵ biện.
Nhưng rất tiếc là nguỵ biện là một thủ thuật rất rất phổ biến ở người Việt. Nó (nguỵ biện) xuất hiện hàng ngày trong các cuộc đối thoại, trên hệ thống truyền thông. Những câu như “Nhân dân tin tưởng …”, “Cơ quan chức năng đã kết luận …”, “Phương pháp điều trị này đã được các giáo sư, tiến sĩ chấp nhận …”, vân vân. Nhiều người đọc/nghe những câu như thế nhưng không thấy đó là nguỵ biện, và thế là họ nghiễm nhiên sử dụng trong các đối thoại sau đó.
Do đó, không mấy ai ngạc nhiên khi thấy có quá nhiều trường hợp chất lượng của những cuộc tranh luận giữa người Việt rất thấp. Chỉ cần xem qua những cái-gọi-là “tranh luận” trên các diễn đàn báo chí chỉ là những cuộc đụng độ giữa các cá nhân tham gia tranh luận, những cuộc chửi bới, chẳng có lý luận của người tranh luận.
Thật vậy, rất nhiều trường hợp, những cuộc tranh luận giữa người Việt chỉ là những cuộc chửi lộn. Vì chửi lộn nên người ta nhắm vào mục tiêu là nhân thân, cá nhân của người tranh luận chứ không nhắm vào quan điểm và lý lẽ của người đó.
Thay vì tranh luận thẳng vào vấn đề, người ta tìm cách gắn cho đối phương một nhãn hiệu (như ‘phản động’ chẳng hạn) và từ đó làm lu mờ đi quan điểm của họ. Trong hầu như những tranh luận, nhiều người cố tìm hay tạo cho mình một vị trí đạo cao đức trọng cả bằng cách gắn cho đối phương những danh từ và tính từ mang tính miệt thị, một thủ đoạn có khả năng làm cho một cuộc tranh luận trở nên một cuộc ẩu đã ngôn từ đinh tai nhức óc thay vì là một trao đổi khoa học. Chẳng có tranh luận hay phản biện gì trong những trường hợp như thế.
****
Ngụy biện, nói cho cùng, là một sản phẩm của sự lười biếng suy nghĩ. Và hầu như trong chúng ta, ai cũng có ít nhất là một lần lười suy nghĩ. Do đó, nếu điểm qua những loại ngụy biện trên đây, chúng ta tự cảm nhận rằng trong quá khứ mình chắc cũng có lần phạm vào lỗi lầm của ngụy biện.
Nhưng tại sao những ngụy biện vẫn còn có mặt trên báo chí?
Theo tôi, bởi vì chúng vẫn có khách hàng. Vẫn có người, dù ít hay nhiều, tin tưởng vào ngụy biện, vì nó thuận nhĩ, trơn tru, và nhất là không thách thức. Sờ một hòn đá trơn tru đem lại cho chúng ta một cảm giác khoan khoái dễ chịu hơn là sờ một hòn đá lởm chởm, hay ngồi trên một cái ghế ghồ ghề. Người ta thích sự trơn tru, bởi vì trơn tru là dấu hiệu của sự khoan khoái, dễ chịu, là cái khoảng thời gian giải lao, không cần sự thách thức.
Những phát biểu ngụy biện thốt ra từ những người mang danh tu sĩ và trí thức chỉ là những lời phát biểu lém lỉnh thay vì lịch thiệp, hàm chứa mánh khóe thay vì thân thiện. Có thể nói, ngụy biện là những lối sáo ngữ liến thoắng nhằm vào mục đích lôi cuốn người nghe/đọc và đánh lảng vấn đề, thay vì cung cấp cho họ một sự thật. Nhưng khi nguỵ biện làm cho người ta đi tù thì nguỵ biện trở thành một tội ác.
Cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên có lần nói rằng Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn kể với cô là "Văn hóa Tây thiên về khuyến khích, còn văn hóa Việt thiên về chỉ trích”. Tôi thấy rất đúng, nhưng muốn thêm văn hoá nguỵ biện nữa.
____
[1] Rất khó nói chuyện với mấy người như thế này vì họ chẳng biết những gì mình làm cho Việt Nam, nhưng chẳng lẽ mình phải ê a kể ra? Thành ra, cách tốt nhứt là bỏ qua loại ngụy biện này mà tập trung vào vấn đề đang bàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét