Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

20221208.HÀNG NGHÌN SINH VIÊN BỊ ĐUỔI HỌC MỖI NĂM?

   ĐIỂM BÁO MẠNG


HÀNG NGHÌN SINH VIÊN BỊ ĐUỔI HỌC: KHÔNG PHẢI ĐỖ ĐẠI HỌC LÀ BÌNH YÊN RA TRƯỜNG

LÊ HUYỀN/VNN 6-12-2022

Vài năm trở lại đây, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên các trường đại học bị thôi học do kết quả học tập quá thấp, nhiều lần bị cảnh báo học vụ.

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, trung bình mỗi năm 700-800 sinh viên bị buộc thôi học. Với chương trình kỹ sư 5 năm, chỉ có 60% sinh viên ra trường đúng hạn. 40% còn lại, không tính những em bị buộc thôi học, sẽ cố gắng trả nợ môn để có thể tốt nghiệp vào năm thứ sáu.

Còn tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chỉ khoảng 70% sinh viên đầu vào có thể tốt nghiệp ra trường đúng hạn. Có từ 5-6% sinh viên/khoá bị buộc thôi học do hết quả học tập yếu kém.

Học kỳ I năm học 2021-2022, Trường ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM có hơn 200 sinh viên bị xem xét buộc thôi học và hơn 800 sinh viên bị cảnh báo học vụ lần 1. 

Mới đây nhất, hàng chục sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM bị đuổi học do hai học kỳ liên tiếp bị cảnh báo học vụ. Tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, 5 năm qua (2017-2022), có 134 sinh viên viết đơn xin nghỉ học, chưa kể số sinh viên bị buộc thôi học mỗi năm.  

Danh sách sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM bị buộc thôi học


Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM cho hay nhà trường đã xác định khẩu hiệu “Sáng tri thức - Vững công minh” - làm nghề phải công tâm nhưng đầu tiên phải có tri thức. Thí sinh phải xác định thi vào trường đã khó nhưng việc duy trì, học tập cũng khó chứ không phải trúng tuyển rồi học kiểu gì cũng ra trường.

Theo ông Hải, thương hiệu của trường là công sức của thầy cô và sinh viên. Thầy phải dạy tốt, trò cũng phải học tốt. Do vậy, sinh viên phải thường xuyên cố gắng học tập và xem xét những cảnh báo của nhà trường để có phương hướng khắc phục, tránh bị buộc thôi học. Sẽ không có chuyện thay đổi để giảm nhẹ yêu cầu với sinh viên, vì như vậy sẽ giảm uy tín của trường.

Không nương nhẹ
 
Ông Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho hay, không chỉ ĐH Bách khoa TP.HCM, Luật TP.HCM, nhiều trường cũng đang rà soát, cảnh báo học vụ hoặc kỷ luật buộc thôi học những sinh viên vi phạm kỷ luật, vi phạm quy chế đào tạo do nợ môn, điểm tích lũy không đủ theo quy định... Các trường đang ngày càng mạnh tay, nghiêm khắc - điều cần làm khi muốn quyết liệt nâng cao chất lượng đào tạo.  

      Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) trong lễ tốt nghiệp (ảnh: BN)

"Điều gì sẽ xảy ra nếu trường đại học để lại những sinh viên chây lười, không chịu học, những sinh viên không đạt chất lượng vẫn nhận tấm bằng nhờ sự nhẹ tay của thầy cô và nhà quản lý? Nếu nương tay với người kém cả ý thức và năng lực, kỷ luật học tập chính là không công bằng với những sinh viên học hành có trách nhiệm”- ông Lý nói.
 
Còn ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay, theo quy định về kiểm định chất lượng, mỗi trường đều ban hành chuẩn đầu ra riêng. Và để đảm bảo chất lượng đầu ra thì bắt buộc sàng lọc những sinh viên yếu kém.  Như vậy, sinh viên đỗ vào trường nhưng phải nghiêm túc học tập, đạt chuẩn đầu ra mới được tốt nghiệp.
 
Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM Nguyễn Thiên Phúc khẳng định, nhà trường giảng dạy theo quy định trong khung trình độ quốc gia. Số tín chỉ đã được quy định rõ và trong mỗi tín chỉ đều có thang đánh giá để chấm điểm rất quy củ. Toàn trường phải áp dụng nghiêm túc, tránh trường hợp giảng viên đánh giá sinh viên theo cảm tính. Như vậy, sinh viên không đạt thì đành phải chịu chứ không có cách nào khác.
 
Tuy nhiên, bên cạnh hình thức kỷ luật nghiêm khắc, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM luôn có các biện pháp hỗ trợ sinh viên học tập như đặt ra các "chặng" để họ đạt được đối với môn Tiếng Anh. Với các môn kiến thức kỹ năng, nhà trường đặt ra 3 chặng về cảnh báo học vụ. Khi sinh viên không đạt, hệ thống cảnh báo học vụ sẽ báo cho sinh viên, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn để có biện pháp hỗ trợ sinh viên học tập.
 
Việc trong những năm gần đây, mỗi năm Trường ĐH Bách khoa TP.HCM buộc thôi học từ 5-6% sinh viên/khoá thể hiện quyết tâm theo đuổi "văn hóa chất lượng" của nhà trường. Như vậy, sinh viên trúng tuyển vào trường sẽ phải học tập nghiêm túc, không có chuyện hạ chuẩn, nương nhẹ hay ngoại lệ.  
LÊ HUYỀN

HÀNG NGHÌN SINH VIÊN BỊ ĐUỔI HỌC MỖI NĂM: LỖI TẠI AI?
LÊ HUYỀN/VNN 7-12-2022
Quản lý đào tạo các trường đại học cho rằng hàng nghìn sinh viên bị đuổi học mỗi năm ngoài nguyên nhân từ sinh viên còn trách nhiệm của chính nhà trường.

Người học lười biếng, chọn sai nghề

TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết sinh viên bị đuổi học ngoài lý do kết quả học tập yếu kém còn một số nguyên nhân khác như tự bỏ học vì có hướng đi khác; lựa chọn lại ngành học sau khi đã trúng tuyển; hụt hẫng bởi sự khác biệt giữa phương pháp dạy học phổ thông và đại học, không theo kịp nên nản chí và “rơi rụng” dần; bị tác động bên ngoài nên không tập trung vào việc học dẫn tới kết quả kém. 

Theo ông Lý, ngay từ khi trúng tuyển, sinh viên phải xác định việc học đại học rất khác với phổ thông. Bậc đại học cần sự tự giác, tự lập kế hoạch tập và tự học, tự nghiên cứu với sự hướng dẫn của giảng viên. Dù muốn hay không, sinh viên phải xác định rõ nhiệm vụ chính là học tập và nghiên cứu, không sa đà vào việc khác dẫn đến lơ là học tập để bị cảnh báo học vụ. 

Thí sinh khi đăng ký vào đại học cần có định hướng nghề nghiệp

Về sâu xa, thí sinh khi đăng ký vào đại học cần có định hướng nghề nghiệp. Khi đặt bút đăng ký vào ngành nghề nào thì phải hiểu rõ về nghề đó. Thí sinh phải biết lượng sức mình, không chọn những nghề cao siêu vượt quá năng lực bản thân bằng cách tham khảo các tiêu chí như chỉ tiêu, chương trình đào tạo, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường...

Ông Lý khuyên thí sinh nên dành 18-20 phút để trắc nghiệm khám phá năng lực bản thân, định hướng cho cả cuộc đời, trong đó phải ưu tiên cho sở thích, sở trường của mình, cần thấy sự khác biệt giữa thích và phù hợp. Thí sinh không nên bảo thủ, cực đoan mà hãy nghe lời khuyên của những người đi trước để biết mình có bị "ngộ nhận" khi lựa chọn ngành nghề hay không.

Trách nhiệm của nhà trường 

Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, mỗi năm có khoảng 4% sinh viên bị buộc thôi học. Ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo nói rằng, con số này đã giảm so với trước đây. 

Theo ông, để hạn chế sinh viên bị đuổi học, những năm gần đây, nhà trường đẩy mạnh các dịch vụ hỗ trợ sinh viên như triển khai công tác cố vấn học tập, điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp, mở lớp học miễn phí, hoặc cho sinh viên chuyển ngành khác nếu đủ điều kiện.

Ông Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng thông tin, để hạn chế việc đuổi học, trường có nhiều giải pháp như tăng cường việc tuyển sinh đúng người, hỗ trợ tài chính, động viên sinh viên trong quá trình học tập, tạo môi trường học tập tích cực, lành mạnh, thân thiện, đồng hành cùng người học.

Sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM trong lễ tốt nghiệp

Ngoài ra, nhà trường cũng có thêm nhiều hoạt động góp phần gia tăng chất lượng đào tạo như hỗ trợ lãi suất cho sinh viên vay vốn học tập, nhằm hạn chế nguyên nhân ngừng học vì lý do tài chính; Xây dựng các không gian học tập mới, giảng đường mới, nâng cấp phòng thí nghiệm, khu thể dục thể thao giúp sinh viên hứng thú trong học tập và gia tăng tiếp thu kiến thức; Các chương trình cùng nhau học tập như đôi bạn cùng tiến, trợ giảng, giáo viên chủ nhiệm hỗ trợ, đồng hành với sinh viên.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, vẫn còn nguyên nhân khác tác động đến phía người học như mâu thuẫn giữa yêu cầu nâng cao chuẩn đầu ra với việc kéo tỉ lệ nghỉ học giảm xuống.

Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng sinh viên bị đuổi học có một phần trách nhiệm của nhà trường mà đôi khi lý do đơn giản là giảng viên không đủ trình độ giảng dạy. Do vậy, việc đầu tiên là các trường phải có đội ngũ giảng viên chuẩn.

Thứ hai, các trường nên có kênh tư vấn hay các clip hướng dẫn sinh viên về cách đăng ký môn học, xem điểm, quản lý thời gian, cách vượt qua môn. Nếu có thể, trường nên có một bộ phận gửi email hoặc nhắn tin đến từng sinh viên.

LÊ HUYỀN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét