Cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga đã làm thay đổi vị trí chiến lược của nhiều quốc gia trên chính trường thế giới cũng như buộc nhiều quốc gia phải thay đổi đường lối đối ngoại để thích nghi với xu hướng thời đại.
Xu hướng của thời đại ngày nay là phát triển dân chủ và hòa bình chống lại các cơ chế độc tài chuyên chính với tham vọng bành trướng.
Ngày 17-3-1948, phát biểu trước lưỡng viện quốc hội Mỹ, TT Harry Truman giải thích lý do phải “bao vây Liên Xô”. Theo tổng thống thứ 33 của Mỹ, “nguyên nhân chính là do một quốc gia đã không chỉ từ chối hợp tác để thiết lập một nền hòa bình công bằng và danh dự mà thậm chí tệ hại hơn, đã tích cực tìm cách ngăn chặn điều đó”. (Special Message to the Congress on the Threat to the Freedom of Europe, March 17, 1948, Truman Library).
Mặc dù quốc hội Mỹ lần thứ 80 do đảng Cộng Hòa chiếm đa số nhưng họ cũng đã ủng hộ TT Truman (Dân Chủ).
Ngoại trừ năm nước CS theo chủ nghĩa Lenin không Mác, phong trào CS thế giới đã qua và câu nói của TT Truman dường như cũng đã bị lãng quên đi. Nhưng không. Mới đây cũng tại quốc hội Hoa Kỳ, nhiều phát biểu gần như lập lại nguyên văn câu nói của TT Truman chỉ thay chữ Liên Xô bằng chữ Nga và kết quả đạo luật “Bảo Vệ Chủ Quyền Ukraine” ra đời. Điều thứ hai trong đoạn hai của đạo luật viết: “Sự xâm lược và ảnh hưởng có ý định thù địch của Chính phủ Liên bang Nga và các tổ chức thân cận của họ ở Ukraine là mối đe dọa đối với chủ quyền dân chủ của Ukraine”. (Defending Ukraine Sovereignty Act of 2022).
Một ngày không xa, câu nói của TT Truman cũng sẽ được nghe lần nữa tại một phiên họp khoáng đại của quốc hội Hoa Kỳ và nhóm chữ “một quốc gia” sẽ được hiểu là “Trung Quốc”.
Chính trường quốc tế là một không gian đầy sinh động. Những quan điểm “bạn và thù”, “đồng minh và đối nghịch” thay đổi theo từng hiệp định và ngay cả theo từng chọn lựa chính trị của lãnh đạo một quốc gia.
Những ai học môn sử lịch sử thế giới bậc trung học ở miền Nam trước 1975 chắc còn nhớ bài học sau đây. Ngày Chủ Nhật, 28-6-1914, Đại Quận Công Archduke Franz Ferdinand, người sẽ kế vị bác của mình để trở thành hoàng đế Đế Quốc Áo-Hung, bị một sinh viên người Bosnia Serb tên là Gavrilo Princip bắn chết tại Sarajevo. Sự kiện này được lịch sử thế giới ghi nhận như điểm khởi đầu cho Đại Chiến hay còn gọi là Thế Chiến Thứ Nhất.
Tuy nhiên, giống như hỏa diệm sơn, biến cố đó chỉ là điểm vỡ của những xung đột gây tác động dây chuyền suốt nhiều thế kỷ. Trong hai thế kỷ trước đó, nhiều liên minh quân sự được ký kết giữa các quốc gia lớn nhỏ như Liên Minh Nga-Ottoman 1700, Liên Minh Ba Nước Đức, Áo-Hung, Ý (Triple Alliance) 1882 chẳng hạn.
Vô số bài học trên thế giới cho thấy, không phải nước lớn nào cũng chiếm đoạt nước nhỏ dễ dàng. Nếu một quốc gia có được hai yếu tố (1) nội lực vững mạnh và (2) quốc tế ủng hộ quốc gia đó dù thua những trận đầu vẫn sẽ thắng trận cuối cùng quyết định.
Năm 1939, Phần Lan dân số chỉ vỏn vẹn 3.6 triệu người nhưng chiến đấu anh dũng trong Chiến Tranh Mùa Đông (Winter War) chống lại quân đội Liên Xô đông gấp trăm lần. Lòng yêu nước, yêu tự chủ và dân chủ của dân tộc Phần Lan giành được cảm tình của đa số nhân loại. Hội Quốc Liên (League of Nations) chẳng những lên án Liên Xô xâm lược Phần Lan, mà còn trục xuất Liên Xô ra khỏi tổ chức quốc tế này. Chiến Tranh Mùa Đông năm 1939 đã làm Stalin lo ngại và từ bỏ tham vọng chiếm Phần Lan lần nữa sau Thế Chiến Thứ Hai dù đã nuốt hết vùng Baltics và Đông Âu.
Chính sách đối ngoại của một quốc gia chỉ đạo cho các mục tiêu chung của quốc gia đó trong quan hệ với các quốc gia khác bằng phương tiện ngoại giao.
Tại Việt Nam, Phạm Minh Chính, thủ tướng CSVN, một thời gian ngắn trước khi Nga xâm lăng Ukraine đã phát biểu về chính sách đối ngoại của CSVN như sau: “Chúng ta không 'chọn bên' mà chọn lẽ phải, xu hướng thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển”. (“Chúng ta không chọn bên mà chọn lẽ phải”, Thanh Niên, 16-12-2021).
Sau khi Nga xâm lăng Ukraine cuối tháng 2-2022, CSVN vẫn giữ quan điểm “chọn lẽ phải” này.
“Lẽ phải” của ông Phạm Minh Chính phải chăng là bốn triệu người Ukraine chỉ trong vòng hai tháng đã bị Nga đẩy ra khỏi căn nhà riêng của họ để sống chen chúc và thiếu thốn trong các trại tị nạn ở Ba Lan, Romania, Hungary và các quốc gia lân cận?
“Lẽ phải” của ông Phạm Minh Chính phải chăng là hàng trăm ngàn ngôi nhà Ukraine bị thiêu rụi, nhiều thành phố Ukraine bị san bằng, nhiều ngàn người Ukraine bị bom đạn Nga giết và chôn chung trong các ngôi mộ tập thể, nhiều em bé Ukraine chưa sinh đã chết khi còn trong bụng mẹ?
Dù với tiêu chuẩn đạo đức nào, hành động của Nga đối với Ukraine là hành động xâm lược trắng trợn và bản thân Putin theo tinh thần của Geneva Convention và nội dung “8 vi phạm” được LHQ nêu ra là một tội phạm chiến tranh.
Nhưng CSVN đã gạt qua bên mọi phản ứng từ phía người dân, mọi giá trị, tiêu chí đạo đức căn bản, mọi công pháp quốc tế và viễn ảnh một Việt Nam bị cô lập theo Nga chỉ để lấy lòng quan thầy Trung Cộng (TC).
CSVN rập khuôn theo cách bỏ phiếu của TC còn trơ trẽn hơn so với cách Tajikistan, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan đối xử với Nga.
Dù trong cùng một tổ chức - Tổ Chức Liên Minh An Ninh Tập Thể (Collective Security Treaty Organization ) do Nga chế ngự, bốn quốc gia cận biên giới này đã không ủng hộ Putin trong quyết nghị LHQ ngày 2-3-2022. Đó là những cái tát vào mặt Putin kiêu ngạo. Ít ra lãnh đạo bốn nước nhỏ này còn có chút ý thức về chủ quyền đất nước dù sự nghiệp chính trị và cả sinh mạng cá nhân của họ nằm trong tay Putin. Hành động vắng mặt tại buổi bỏ phiếu ngày 2-3-2022 của Turkmenistan, Uzbekistan và Azerbaijan là một cách phản đối mà Putin chưa bao giờ nghĩ tới.
Công bằng mà nói, không phải 141 quốc gia lên án Nga đều vì Ukraine. Không ít trong số họ nhận thấy đây là cơ hội tốt để hội nhập vào khối dân chủ tự do. Argentina, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Chile tham gia phe Đồng Minh chỉ hơn hai tháng trước khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt nhưng vẫn được xem là quốc gia Đồng Minh và hãnh diện là thành viên sáng lập ra Liên Hiệp Quốc.
Chọn trường hợp Kampuchea láng giềng để phân tích cái khôn của Hun Sen và cái dại của đảng CSVN. Kampuchea ngày nay thừa hưởng gia tài chính trị hai mặt (Flip-flop politics) của Norodom Sihanouk để lại, nên cũng đã chọn cách bỏ phiếu hai mặt. Sihanouk đi với bất cứ ai kể cả tên diệt chủng Pol Pot, miễn là giữ được chiếc ngai vàng.
Hun Sen chọn bỏ phiếu ủng hộ Ukraine “đòi Nga rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận” trong nghị quyết quan trọng của Đại Hội Đồng LHQ ngày 2-3-2022 nhưng chọn bỏ phiếu trắng trong nghị quyết ít quan trọng hơn, loại Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ ngày 7-4-2022.
Với chọn lựa khôn khéo này, Hun Sen muốn nói lớn cho Mỹ nghe rằng (1) Kampuchea không tham khảo Tập Cận Bình trước khi bỏ phiếu, (2) Kampuchea chưa quên vai trò chính yếu của Mỹ trong công cuộc phục hồi Kampuchea sau thời kỳ Pol Pot diệt chủng, (3) Kampuchea nhận thấy vai trò mới của Mỹ trong bàn cờ chính trị thế giới, nhất là Á châu và muốn có một sự cân đối trong mặt trận ngoại giao trong thời gian tới.
Chính phủ Mỹ chắc chắn đã lưu ý quan điểm đối ngoại của Kampuchea nổi bật trong khối các nước Đông Nam Á. Sau cuộc bầu phiếu, hai tòa đại sứ Pháp và Mỹ công bố lời cám ơn lãnh đạo Kampuchea đã có lập trường cứng rắn chống lại hành động xâm lược Ukraine của Nga.
Không có thù vặt trong chính trị. Quan hệ giữa hai quốc gia không chỉ đặt cơ sở trên quyền lợi chung mà còn trên quan điểm của mỗi quốc gia trước một vấn đề chung.
Cùng một mối quan tâm, chính sách đối ngoại của Ấn Độ vừa qua đã làm ba quốc gia còn lại lo lắng cho tương lai của Đối Thoại An Ninh Bốn Bên (Quadrilateral Security Dialogue, QUAD) và sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Ấn sau này.
Điều này thể hiện ngay trong tổng kết phiên họp của QUAD ngày 3-3-2022 vừa qua. Phiên họp diễn ra khá nhạt nhẽo so với hai phiên họp năm 2020 đầy phấn khởi với hàng loạt mục tiêu từ Covid-19 đến tự do và an ninh hải hành. Lần này, mặc dù phiên họp ở cấp nguyên thủ quốc gia không có một chương trình nào cụ thể ngoài việc cứu trợ nhân đạo cho Ukraine. QUAD được thành lập với ý định bao vây TC nhưng với chính sách hàng hai của Ấn Độ, với ngân sách dành cho quốc phòng chỉ 1% GDP (47 tỷ dollar) của Nhật Bản và quốc gia nhỏ (21 triệu dân) như Úc còn khá lâu mới dựng nổi một hàng rào ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Đây không phải lần đầu. Sự lo ngại của Mỹ trước chính sách đối ngoại tả khuynh của Ấn phản ảnh trong thái độ của Mỹ trước xung đột giữa Ấn và Trung Cộng năm 1967 cũng như giữa Ấn và Pakistan năm 1971. Năm 1967, Mỹ đứng ngoài và trong xung đột năm 1971 Mỹ ủng hộ Pakistan. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, các nhà làm chính sách đối ngoại Mỹ muốn lôi kéo Ấn, một nước dân chủ, về phe tự do trong cuộc đấu tranh lâu dài nhằm cô lập TC. Đây là lối đi đúng nhưng đường còn dài.
Để biện minh cho chính sách đối ngoại rập khuôn TC, các lãnh đạo CSVN biện hộ rằng, cách bỏ phiếu của họ là biểu hiện thái độ trung lập trong xung đột Nga-Ukraine.
Trung lập là gì? Trích từ các văn bản của LHQ: “Tính trung lập - được định nghĩa là tình trạng pháp lý phát sinh từ việc một quốc gia không tham gia vào một cuộc chiến giữa các quốc gia khác”. Cũng theo tuyên bố của LHQ về tính trung lập: “Trước tình hình căng thẳng chính trị và khủng hoảng leo thang, điều hết sức quan trọng là phải giữ vững các nguyên tắc chủ quyền và bình đẳng của các quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết, không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia nào cũng như bảo vệ, thúc đẩy, khuyến khích giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình sao cho hòa bình và an ninh quốc tế không bị đe dọa”. (United Nations, International Day of Neutrality, 12 December).
Nhưng trung lập không có nghĩa chỉ tuyên bố “tôi đứng ngoài” là xong, mà còn phải được các cường quốc nằm trong quỹ đạo xung đột công nhận.
Khi Đệ nhị Thế Chiến vừa bùng nổ, hàng loạt quốc gia như Estonia, Ireland, Latvia, Lithuania, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển,Thụy Sỹ v.v... tuyên bố trung lập. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào tuyên bố trung lập cũng tránh được tai họa chiến tranh. Hitler tấn công các nước “trung lập” Na Uy, Đan Mạch, Bỉ, Hòa Lan và Stalin, lúc đó là đồng minh của Hilter, thu gọn ba nước “trung lập” nhỏ vùng Baltics chỉ trong vài ngày.
Lịch sử các cuộc xung đột quân sự trong thế kỷ qua cho thấy, mục đích tối hậu của giới lãnh đạo một quốc gia khi tuyên bố trung lập là để bảo vệ sự “bình đẳng chủ quyền của các quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết”.
Gần nửa thế kỷ từ ngày cưỡng chiếm miền Nam năm 1975, đảng CSVN bảo vệ được gì về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ theo đúng định nghĩa trung lập của LHQ? Câu trả lời không chỉ là con số không mà là một số âm to lớn.
Không cần phải là một nhà nghiên cứu địa lý hay theo dõi chính trị hàng ngày, trong thời đại internet này, chỉ cần vào google gõ từng tên đảo Việt Nam như Gạc Ma, Đá Xu Bi, Đá Ga Ven, Đá Tư Nghĩa, Đá Chữ Thập, Đá Châu Viên, Đá Vành Khăn, sẽ thấy đó là những căn cứ quân sự TC hiện đại đầy đủ các phương tiện chiến tranh từ phi trường với nhiều phi cơ chiến đấu, trang bị hỏa tiễn tầm xa có thể đạt tới Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn trong một vài chục giây.
Những địa danh Vành Khăn, Tư Nghĩa, Gạc Ma v.v... chỉ còn trong các diễn văn, nghị quyết. Những quần đảo Việt Nam được nhắc tới trong thơ, trong nhạc đang còn sờ sờ trước mặt mà nghe xa xôi như từ thời Bắc thuộc vọng về.
“Trung lập” của CSVN đặt nền tảng trong chính sách gọi là “bốn không” được xác định trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. (Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019)
Trung Cộng muốn gì ở CSVN? Một điều mà những ai theo dõi quan hệ giữa CSVN và TC đều biết TC muốn CSVN (1) hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng về chế độ chính trị và (2) không được tách rời khỏi chiến lược an ninh châu Á của Trung Cộng.
Cách hành xử của các lãnh đạo đảng CSVN cho thấy họ đang nghiêm chỉnh thỏa mãn các yêu sách đó của TC bằng tài nguyên và xương máu của nhiều đời dân tộc Việt.
Tại sao cần phải “ba không” hay “bốn không”?
Hội nghị quốc tế nào, cường quốc nào chính thức tuyên bố chấp nhận nguyên tắc “bốn không” của CSVN?
Không một quốc gia nào trong số các quốc gia tranh chấp chủ quyền các đảo trên Biển Đông đưa ra những nguyên tắc đối ngoại một chiều và bị động như CSVN.
Sau đây là nguyên tắc đối ngoại chỉ đạo của Cộng hòa Philippines, từng đưa TC ra tòa án quốc tế và thắng, được ghi trong Điều II Mục 7 của Hiến pháp Philippines năm 1987: “Cộng hòa Philippines theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập. Trong quan hệ với các quốc gia khác, điều quan hệ tối thượng sẽ là chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia và quyền tự quyết”.
Khẳng định của Philippines rất linh động, uyển chuyển, rõ ràng và tổng quát thích hợp cho mọi hoàn cảnh, mọi đối tác với đồng minh và cả kẻ thù.
CSVN cũng có thể nói một cách công khai như vậy nhưng nếu nói như Philippines các lãnh đạo đảng lại lo TC hiểu sai lòng dạ của họ.
Chiến tranh là tai họa không tránh khỏi. Đại đa số nhân loại, nhất là dân tộc Việt Nam, không muốn chiến tranh nhưng ngày nào trái đất còn chia ra những biên giới, ngày đó nhân loại còn có chiến tranh.
Người viết hình dung Tập Cận Bình vừa dán lên tường trong phòng làm việc của ông ta lời dặn dò cho các thế hệ lãnh đạo TC tương lai rút ra từ cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine: “Nếu phải trừng phạt Việt Nam lần nữa nhớ đừng đổ bộ mà hãy tận dụng tối đa mọi hỏa lực từ xa”.
Với kỹ thuật chiến tranh hiện có, TC thừa khả năng “trừng phạt CSVN” bằng hải lực và không lực từ Hải Nam, Hoàng Sa, các căn cứ quân sự trên đảo Chữ Thập, Xu Bi, Vành Khăn, từ hạm đội Nam Hải mà không cần phải đổ nửa triệu quân như 1979.
Nếu tình huống đó xảy ra, ai sẽ cứu Việt Nam? Trả lời theo lối bình dân là “chẳng có ma nào cứu”.
Lãnh đạo CSVN thường “nổ” cái gì cũng nhất. Đúng, một người không thể đứng thứ hai nếu chỉ chạy đua với chính mình, thi đua với chính mình, cạnh tranh với chính mình.
Về kinh tế, những quốc gia cựu CS thoát ra được và tự do phát triển, kể cả Mông Cổ, đều bỏ xa CSVN. GPD tính theo đầu người của Mông Cổ tăng gấp 10 lần kể từ cuộc bầu cử tự do chính thức 1993.
Nhưng những gì người dân Mông Cổ và các nước cựu CS có được, không chỉ là lợi tức kinh tế, tài chánh mà là quyền được bầu cử, ứng cử, tự do phát biểu, tự do đi lại, tự do tôn giáo, quyền biểu tình, quyền phê bình lãnh đạo mà không bị ai bắt bỏ tù và rất nhiều quyền khác mà người dân Việt Nam không có.
Giữa các cuộc chiến tranh, ngoài việc lo cải tiến và hiện đại hóa bộ máy quốc phòng, các nhà tư tưởng của mỗi quốc gia luôn cố gắng nghĩ ra một con đường đất nước sẽ phải đi qua, các thế hệ trẻ tập trung dùi mài kinh sử của nước mình và của thế giới để qua đó phát họa những chính sách dài hạn, ngắn hạn thích nghi cho đất nước.
Tư tưởng vô cùng quan trọng và phải đi trước. John Adams, tổng thống thứ hai của Mỹ viết thư cho Thomas Jefferson, tổng thống thứ ba của Mỹ ngày 24-8-1815 “Cuộc Cách mạng đã ở trong ý thức của người dân, và điều này đã có hiệu quả, từ năm 1760 đến năm 1775, trong vòng mười lăm năm trước khi một giọt máu đổ xuống tại Lexington". (Exhibition, Creating the United States, The Library of Congress).
Những lời phát biểu của Phạm Minh Chính cho thấy, sau 47 năm, Việt Nam vẫn còn là một nước với những tư tưởng lỗi thời, già nua và lạc hậu đã được nhân loại xếp vào ngăn tủ. Bộ Lenin toàn tập cũ, bìa cứng, in năm 1974 được bán ở Mỹ với giá rất cao vì đó là sách xưa dành cho các nhà sưu tập, thế nhưng tại Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lê trên danh nghĩa vẫn còn là cây kim chỉ nam cho đất nước đi lùi.
TAM GIÁC QUAN HỆ VIỆT-NGA-TRUNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
DƯƠNG QUỐC CHÍNH/TD 20-4-2022

Quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến Ukraine từ đầu đến giờ khá thống nhất là luôn trung thành với Nga, không phản đối Nga bằng mọi giá. Ở một số status trước mình đã phân tích, đó là do sự lệ thuộc về quân sự vào Nga (vũ khí, khí tài, đào tạo…) nên Việt Nam không có lựa chọn khác.
Thoạt nhìn chúng ta có thể thấy rằng với cách bộc lộ đó, dường như Việt Nam đã tự mình rời xa phương Tây, từ chối lẽ phải, đi theo kẻ xâm lược. Với vị thế không khác gì Ukraine, nằm trong vùng ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng từng là thuộc quốc ngàn năm của Trung Quốc, nên với động thái đó, Việt Nam cũng bộc lộ cho Trung Quốc thấy rằng mình không bênh vực Ukraine tức là tỏ ra rằng đang thần phục Trung Quốc, y như chế độ cũ của Ukraine trong quá khứ thần phục Nga. Đó chính là thông điệp ngầm mà Việt Nam muốn phát sóng cho Trung Quốc.
Những người thân phương Tây thường cho rằng, ủng hộ kẻ xâm lược thì có nghĩa rằng chấp nhận bị xâm lược tương tự. Nhưng quan điểm của Việt Nam lại không như thế. Các nhà lãnh đạo Việt Nam có lẽ cho rằng, mối đe dọa xâm lược Việt Nam duy nhất chỉ là từ Trung Quốc và Trung Quốc sẽ không bao giờ xâm lược một thuộc quốc ngoan ngoãn. Giống như Nga đã không xâm lược nước Ukraine dưới chế độ chư hầu. Vì thế, Việt Nam cứ tỏ ra là thần phục thì sẽ không lo bị tấn công.
Nhưng cách suy nghĩ như vậy chưa chắc đã phù hợp, bởi Nga cũng khác với Trung Quốc. Người Trung Quốc vốn thâm sâu hơn người Nga, cách hành xử của họ cũng lá mặt lá trái hơn Nga. Đúng là Trung Quốc sẽ không tấn công lãnh thổ Việt Nam nếu Việt Nam thần phục, nhưng với biển đảo thì là chuyện khác, do chủ quyền chồng lấn mà hai bên tuyên bố. Nếu tính cả Đài Loan (mà Trung Quốc coi là lãnh thổ chưa thu hồi của mình) thì có ba bên tuyên bố chồng lấn chủ quyền Trường Sa, không tính các nước trong khu vực khác. Họ sẽ luôn tìm cách lấy thêm đảo của Việt Nam bất cứ khi nào có điều kiện và thường là khi những đàn anh của Việt Nam suy yếu hoặc bỏ rơi (sự kiện mất Hoàng Sa và Gạc Ma).
Trong khi đó, dưới chế độ chư hầu cũ ở Ukraine, Nga còn thuê cảng Sevastopol ở Crimea chứ không hề chiếm. Họ chỉ sáp nhập khi Ukraine muốn thoát khỏi phận chư hầu mà thôi. Crimea và hai quần đảo Trường Sa (TS), Hoàng Sa (HS) có vị thế khá tương đồng, là yết hầu ra biển Đông của Trung Quốc. Nên có thể dự báo trước là bất cứ khi nào Việt Nam nhen nhóm ý đồ thoát Trung là Trung Quốc sẽ chiếm các đảo còn lại thuộc TS trước tiên.
Kể từ khi Liên Xô và Trung Quốc bất hòa, Việt Nam luôn hiểu và muốn tận dụng mối bất hòa truyền kiếp giữa hai anh để đu dây. Giải pháp ngoại giao đu dây này đặc biệt hiệu quả vào giai đoạn chiến tranh Việt Nam. Do hai anh đều phải săn đón Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH), với mục đích là để gây sức ép với người Mỹ.
Nhưng khi chiến tranh kết thúc thì sự nghiệp đu dây cũng tiêu tùng theo do hai anh không cho phép thằng em bắt cá hai tay. Và việc lựa chọn Liên Xô đã khiến Việt Nam phải trả giá bằng cuộc chiến tiêu hao ở Campuchia và biên giới phía Bắc cho đến khi Liên Xô sụp đổ.
Kể từ khi nước Nga của Putin trỗi dậy và Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, Việt Nam lại quay lại với chiến lược ngoại giao đu dây, được đổi tên là ngoại giao cây tre, đa phương hơn trước, bao gồm cả Mỹ và phương Tây.
Trong thâm tâm, có lẽ lãnh đạo Việt Nam vẫn hi vọng là cần có đối tác để kiềm chế sự tham lam của Trung Quốc. Trong đó có Ấn Độ và Nhật là những nước có xung đột truyền kiếp với Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ thì chưa đủ sức mạnh kinh tế lẫn quân sự. Nhật Bản thì chỉ có tiền mà không có quân đội, vẫn núp dưới cái ô bảo trợ của Mỹ cùng Hàn Quốc. Rốt cuộc, vẫn chỉ còn Nga và Mỹ là đủ sức mạnh quân sự để kiềm chế Trung Quốc mà thôi.
Tuy đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ khá lâu, nhưng Việt Nam vẫn luôn coi Mỹ là một thế lực thù địch đầu sỏ, luôn tìm cách thay đổi chế độ ở Việt Nam. Vì thế tuy Việt Nam gọi là có quan hệ đa phương với Mỹ nhưng sự đề phòng, ngờ vực vẫn nhiều hơn. Mỹ vẫn là đối tượng bị đội ngũ DLV húc mạnh nhất, dưới sự chỉ đạo ngầm của người mà ai cũng biết là ai đó.
Cuối cùng vẫn chỉ còn Nga được Việt Nam coi là cái phao cứu sinh để bảo vệ lãnh thổ trước Trung Quốc. Có lẽ đó là một phần lý do khiến Việt Nam sẽ tập trận với Nga sau việc Trung Quốc tập trận ở Biển Đông và ký một cam kết quân sự BÍ MẬT với Campuchia. Nga và Việt Nam muốn bộc lộ tình đoàn kết trước sau như một.
Nhưng cuộc chiến Ukraine đã khiến cho cục diện ngoại giao quốc tế thay đổi bất ngờ mà có lẽ lãnh đạo Việt Nam chưa chắc đã kịp nhận ra đầy đủ.
Cuộc chiến này khiến Nga bị đẩy xa khỏi phương Tây hơn bao giờ hết. Những năm tháng Nga suy sụp nhất là dưới thời Yeltsin nhưng ông ta lại được lòng phương Tây. Còn hiện tại, Nga coi như bị đa số các nước trên thế giới tẩy chay, ngoại trừ một số thể chế độc tài và nghèo đói Á, Phi, thể hiện qua ba lần bỏ phiếu ở LHQ vừa qua.
Nga càng sa lầy về quân sự ở Ukraine, càng trình diễn sự yếu kém về tác chiến lẫn sức mạnh vũ khí, đỉnh điểm cho tới ngày hôm qua (*) là sự kiện soái hạm Moskva bị Ukraine đánh chìm. Sự suy thoái kinh tế của Nga là nặng nề nhất kể từ năm 1994. Như vậy, về vị thế quốc tế cũng như tiềm lực quân sự, hiện tại Nga chính thức là một con hổ giấy.
Hơn nữa, từ bây giờ, Nga sẽ phải bám víu nhiều nhất vào Trung Quốc. Sẽ bị Trung Quốc ép giá dầu và Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn duy nhất cho Nga, thay thế cho các nước Tây Âu đang dần tránh Nga như hủi. Nói cách khác, Nga đang dần biến thành chư hầu của Trung Quốc và không còn sự lựa chọn khác, do bị phương Tây cấm vận.
Vị vậy, sự trung thành tuyệt đối của Việt Nam với Nga dường như là sự “ngu trung” thiếu lý trí. Người ta phù thịnh chứ ai phù suy? Với vị thế kiệt quệ và chư hầu của Trung Quốc như vậy thì Nga không thể là một đối tác có thể kiềm chế Trung Quốc cho Việt Nam để bảo vệ biển đảo nữa.
Chính vì lẽ đó, cuộc tập trận giữa Nga và Việt Nam sẽ trở nên ngớ ngẩn với Việt Nam. Bởi vì người ta tập trận chủ yếu nhằm mục đích phô trương thanh thế, nhằm răn đe đối phương. Đối với Việt Nam, thì đối phương cần răn đe chỉ là Trung Quốc và mối quan hệ đầy mờ ám của họ với Campuchia. Nhưng với vị thế kể trên thì cuộc tập trận này chỉ là trò hề với Trung Quốc!
_______
(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Soái hạm Moskva của Nga bị Ukraine đánh chìm ngày 14/4/2022, tức gần một tuần.
TÔI NGHĨ ...VÀ TÔI HIỂU RA
MẠC VĂN TRANG/ TD 20-4-2022

Người Việt Nam nào học hết Trung học Cơ sở thôi, cũng nhớ đến cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng; nhớ câu thơ Thần của Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà Nam đế cư"...; nhớ “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo; nhớ “Bình Ngô Đại cáo” của Nguyễn Trãi; nhớ đến lời “Hịch xuất quân” của Hoàng đế Quang Trung:
… “Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.”...
Tôi cứ nghĩ tất cả những điều đó thấm sâu trong tim óc người dân Việt, và mỗi khi kẻ nào đụng đến chủ quyền quốc gia, dân tộc thì bầu máu nóng lại sôi sục lên. Những con người như vậy sẽ biết trân trọng nền độc lập của các quốc gia khác, sẽ thấu hiểu, đồng cảm và ủng hộ nhân dân các nước chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia của mình.
Tôi cứ nghĩ những người Việt Nam, nhất là người miền Bắc, lứa tuổi trên 50 hầu như ai cũng thuộc những khẩu hiệu, những lời “kêu gọi" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như:
- “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. (“Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, đăng trên Báo Cứu quốc, số ra ngày 17-10-1945);
- “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”... “Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước” (Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946);
- “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn". (Lời kêu gọi ngày 17/7/1966);
- “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi…” (Lời kêu gọi ngày 3 tháng 11 năm 1968).
Những người thuộc lòng những câu trên phải là các tướng lĩnh, các cán bộ tuyên giáo, các giáo sư, tiến sĩ, quan chức các cấp, vì họ luôn học Tư tưởng Hồ Chí Minh, họ luôn vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhìn dòng chữ vàng đập vào mắt: “KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO"! Họ cũng thường đến viếng Đài Liệt sĩ Bắc Sơn và nhớ đến khẩu hiệu “QUYẾT TỬ CHO TỔ QUỐC QUYẾT SINH"!...
Vậy mà tôi thật ngạc nhiên, trong số những người nói trên, không ít người ủng hộ đội quân xâm lược của Putin ồ ạt tràn vào giết bao dân lành, tàn phá tan nát đất nước Ukraine - một quốc gia độc lập, có chủ quyền, thành viên Liên Hiệp quốc. Thậm chí có người còn cổ suý, bênh vực những hành động tàn bạo của quân xâm lược Nga; có người còn dè bỉu cuộc chiến tranh vệ quốc anh dũng phi thường và sự hy sinh cao cả của cả dân tộc Ukraine quyết gìn giữ non sông, bảo vệ nền Độc lập, Tự do của dân tộc mình; nhiều người bảo do V. Zelensky ngây thơ, sai lầm chính trị mới chuốc lấy cuộc chiến tranh này (?). Thử hỏi Việt Nam đã trải qua biết bao cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, cũng đều do Tổ tiên ta “ngây thơ, sai lầm chính trị”, chứ không phải do dã tâm của kẻ xâm lược?
Trong khi đó nhiều người dân thường tôi tiếp xúc từ chị bán hàng, cô lao công, anh xe ôm, bác thợ mộc đều lên án Putin xâm lược. Bà già Phạm Thị Minh, 86 tuổi, vốn là công nhân dệt, mà lên án mạnh mẽ Putin xâm lược và hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến của Ukraine, như là một phản xạ tự nhiên. Bà còn gửi 1 triệu đồng ủng hộ dân Ukraine từ đồng lương hưu ít ỏi của mình.
Những người thiện lương luôn có thái độ phản ứng rõ ràng với những cái Thật - Giả, Thiện - Ác, Phải - Trái… một cách rất nhạy bén như phản xạ tự nhiên. Sao lại như vậy? Đó là vì những cái Thật, cái Thiện, Tốt đẹp, Lẽ phải, đã trở thành giá trị, niềm tin, tình cảm đạo đức thấm sâu vào tim, óc của họ và thái độ/hành động phản ứng là xuất phát TỪ BÊN TRONG, CHÍNH BẢN THÂN mỗi người một cách trực tiếp, tự nhiên.
Đúng như vậy với những người trong các nhóm xã hội dân sự, những người lên tiếng đấu tranh cho công lý, dân chủ, nhân quyền mà tôi biết, ngay từ đầu họ đã lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược của Putin và không ngừng ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của Ukraine dưới mọi hình thức.
Còn đối với những người mồm họ luôn rao giảng các giá trị đạo đức; luôn tuyên đọc những khẩu hiệu, những lời hay ý đẹp của tiền nhân nhưng tất cả chỉ nằm ở tầng Kiến thức, chưa chuyển thành các Giá trị, Niềm tin, Tình cảm đạo đức bên trong, nên phản ứng của họ thường PHỤ THUỘC VÀO BÊN NGOÀI. chẳng hạn:
“Toàn hệ thống chính trị” nếu có lệnh thì “đồng loạt ra quân", còn không có lệnh thì “án binh bất động". Chính phủ bỏ phiếu trắng, không phản đối Nga xâm lược, không ủng hộ Ukraine kháng chiến chính nghĩa thì “toàn hệ thống chính trị” im re; Hội Hữu nghị Việt Nam - Ukraine cũng không dám ho he! (Tuy nhiên ở phương diện cá nhân nhiều đảng viên vẫn “vượt rào" lên tiếng mạnh mẽ phản đối Putin và ủng hộ Ukraine, vì BÊN TRONG họ lương tri vẫn chiếm ưu thế hơn định hướng của đảng).
Có một ví dụ sinh động, tôi luôn quan sát thấy: Đó là mỗi khi có thiên tai, dịch bệnh khiến nhiều nạn nhân khốn khó. Lúc đó những người dân bình thường rất nhanh chóng tự động, tự phát cứu trợ các nạn nhân một cách tự nhiên, vô tư; họ dấn thân với tất cả tình cảm chân thành, rất cảm động. Họ làm vậy vì sự THÚC ĐẨY TỪ BÊN TRONG bởi cái tâm thiện lành của cá nhân.
Còn những người trong “Toàn hệ thống chính trị" phải chờ lệnh “trên" rồi mới đồng loạt xếp hàng lần lượt bỏ phong bì vào hòm, một cách khá máy móc. Họ làm vậy vì lệnh ĐIỀU KHIỂN TỪ BÊN NGOÀI cá nhân,...
Ta còn thấy loại người “hai mặt", họ luôn mồm ca ngợi chế độ ta tốt đẹp, bới móc xã hội Mỹ, phương Tây đầy khuyết tật: bất an, bất công, tệ nạn đồi truỵ. Nhưng đó chỉ là “đầu môi chót lưỡi' BÊN NGOÀI, còn BÊN TRONG thì toan tính cướp được thật nhiều tiền của, rồi mua nhà bên Mỹ, gửi con học bên Tây, làm sao có Thẻ xanh, nhập tịch… vào mấy nước bên đó.
TÓM LẠI, tôi quan sát, suy ngẫm và tôi đã hiểu thêm rằng:
- Những người có tâm Thiện lành, trước mỗi hiện tượng, họ đều phản ứng tự nhiên, chân thật TỪ BÊN TRONG, phân rõ Thật /Giả, Thiện/Ác, Chính/Tà (Nếu họ có lầm lẫn thì cũng biết thành tâm sám hối);
- Những người trong “Toàn hệ thống chính trị" của chế độ toàn trị, họ thường phản ứng theo tín hiệu TỪ BÊN NGOÀI một cách thụ động, máy móc;
- Những người có học, tích luỹ đầy kiến thức trong đầu, nhưng không chuyển thành Trí tuệ, thành hệ Giá trị, Niềm tin, Tình cảm chân chính thì họ dễ lầm lẫn và nguỵ biện rất giỏi cho những sai lầm của mình; còn nếu họ cơ hội, thì thụ động, chờ tín hiệu TỪ BÊN NGOÀI để phản ứng theo.
- Còn có những người cuồng Nga, cuồng Putin đến mức mê muội, không phân biệt Chính/Tà, Thiện /Ác thì chả nói làm gì; hay kiểu người “không quan tâm", thực ra họ che giấu sự thờ ơ vô cảm của “những tấm lòng lạnh tanh máu cá" (Chế Lan Viên), “thì con người ấy, ai cầu làm chi"! (Kiều).
PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI SỨ UKRAINE TẠI VIỆT NAM
TD 19-4-2022

Kính thưa các quý vị, các bạn Việt Nam thân mến!
Tôi chia sẻ sự lo lắng và thất vọng của các bạn về cuộc chiến thông tin, một phần của cuộc chiến tranh nóng ở Ukraine, đã đến Việt Nam. Và tôi vô cùng lấy làm tiếc khi thấy Nga đang cật lực cố gắng để gây ra sự xích mích giữa nhân dân Ukraine và nhân dân Việt Nam.
Mọi thứ có thể sử dụng đều được sử dụng cho việc này - một đoạn video của gần 20 năm trước, những bức ảnh, những nhận xét xuyên tạc, những câu văn được cắt ra khỏi văn cảnh và thường chỉ là những tin giả chưa từng xảy ra. Tất cả những điều này được thể hiện như là lập trường chính thức của nhà nước và thái độ của xã hội Ukraine đối với người dân Việt Nam và các nhà lãnh đạo đất nước của các bạn.
Năm 2006, tại Kharkiv, một nhóm thanh niên đã có một số hành động phản đối cộng đồng người Việt tại Kharkiv.
Sau đó thì mặc định rằng đó là hành động của một số người.
Vào năm 2007, lá cờ Việt Nam đã được kéo lên tại khu phức hợp chùa Phật giáo lớn nhất ở châu Âu, chùa Trúc Lâm. Vào buổi lễ khánh thành chính thức có sự tham dự của các đại diện nhà nước Ukraine, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine, ông Nguyễn Văn Thành, đoàn tăng sĩ phật giáo từ Việt Nam, đại diện kiều bào Việt Nam và người dân Kharkiv. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy quan điểm chính thức của Ukraine trong quan hệ với Việt Nam và thái độ của xã hội Ukraine đối với nhu cầu tôn giáo của cộng đồng người Việt ở đất nước tôi.
Và đây là một hành động của chính phủ Ukraine.
Tuy nhiên Nga giữ im lặng về điều này. Người Nga đang cật lực cố gắng để chứng tỏ Ukraine là một quốc gia man rợ, hiếu chiến và không khoan dung với các dân tộc khác, họ nói, trong chính quyền có những người theo chủ nghĩa quốc xã. Chính quyền của chúng tôi là từ nhân dân. Từ người dân Ukraine, một bộ phận không tách rời gồm người Do Thái, người Tatars, người Gruzia, người Nga, v.v., vì lý do này hay lý do khác đã quyết định xây dựng tương lai của họ ở Ukraine và trở thành những người yêu nước Ukraine. Có cả những người từ Việt Nam đang làm việc trong các cơ quan nhà nước và cơ quan tự quản Ukraine hoặc tiến hành các hoạt động kinh doanh thành công.
Tổng thống Zelensky có gốc Do Thái. Thống đốc tỉnh Mykolaiv Vitaly Kim là người gốc Hàn Quốc. Lãnh đạo đảng chính trị lớn nhất ở Verkhovna Rada - David Arahamiya, đến từ Gruzia. Emine Japarova, thứ trưởng ngoại giao thứ nhất là người Crimea Tatar.
Liệu điều này có khả thi ở một quốc gia ủng hộ chủ nghĩa quốc xã hay chủ nghĩa bài ngoại?
Vậy thi có thể nói về chủ nghĩa quốc xã nào? Do Thái-Hàn Quốc? Hay Tatar-Georgia?
Các nhà chức trách Ukraine kiên quyết lên án bất kỳ biểu hiện nào của chủ nghĩa quốc xã, chủ nghĩa phát xít hoặc chủ nghĩa bài ngoại.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của chúng tôi với tư cách là Đại sứ quán Ukraine và nhiệm vụ của cá nhân tôi với tư cách là Đại sứ tại đất nước hữu nghị Việt Nam là làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác ở mọi cấp và mọi lĩnh vực hợp tác, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và chung sống hòa bình. Hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học và kỹ thuật hoàn toàn không phải là một danh sách đầy đủ các lĩnh vực mà Ukraine và Việt Nam có thể hợp tác mà không cạnh tranh, mà bổ sung cho nhau trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất đúng về công tác đối ngoại nhân dân: Làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết. Và tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng của ông ấy rằng “thêm bạn bớt thù, đoàn kết nhân dân trong nước gắn liền với đoàn kết nhân dân thế giới vì lợi ích chân chính của nhân dân ta và nhân dân thế giới”.
Tôi cho rằng sự đối thoại văn hóa, cái gọi là sức mạnh mềm của ngoại giao, tạo cơ hội để biết nhau và hiểu nhau hơn.
Và tôi vui mừng vì công việc như vậy đang được tiến hành. Ngay trước khi chiến tranh bắt đầu, một cuộc triển lãm tranh “Việt Nam – Ukraine” nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã khai mạc tại Kyiv với sự hỗ trợ của người bạn đáng kính của tôi, Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch. Đây là 130 tác phẩm của các nghệ sĩ từ khắp Ukraine. Sau ngày 27 tháng 2, cuộc triển lãm đó đã phải đến Kharkiv, Odessa, Lviv, Chernihiv. Nhưng điều này đã bị cản trở bởi văn hóa Nga - bom đạn, tra tấn và giết chóc.
Trong một vài ngày tới, người Việt Nam sẽ có cơ hội tuyệt vời để làm quen với Ukraine như một phần của văn hóa thế giới. Cùng với những người bạn Séc của chúng tôi tại khu vực Đại sứ quán Séc vào ngày 23 tháng 4, chúng tôi sẽ tổ chức một hội chợ từ thiện, để mỗi khách trong không khí thân mật và tốt đẹp dưới lá cờ của Việt Nam, Cộng hòa Séc và Ukraine sẽ có thể giao lưu với người dân Ukraine, làm quen với văn hóa của chúng tôi và hương vị ẩm thực Ukraine.
Một loạt các sự kiện cũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội và các thành phố khác của Việt Nam vào tháng 5 để kỷ niệm tình hữu nghị Ukraine-Việt Nam.
Tiếp xúc thông thường giữa các cá nhân là vô cùng quan trọng trong quan hệ song phương của chúng ta. Hàng nghìn người Việt Nam đã tìm thấy quê hương thứ hai của họ ở Ukraine và cho đến khi bắt đầu cuộc chiến tranh quy mô lớn của Nga chống lại Ukraine, họ đã làm việc, điều hành doanh nghiệp và giáo dục con cái. Các cuộc ném bom tàn nhẫn và pháo kích liên tục vào Kharkiv, Mariupol và các thành phố yên bình khác của Ukraine đã buộc họ phải ngồi trong hầm trú bom cùng với các công dân Ukraine khác trong nhiều tuần, chờ được giải cứu. Tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa tất cả cư dân các thành phố sẽ có thể quay trở lại các thành phố đã được giải phóng khỏi quân chiếm đóng của Nga và tiếp tục xây dựng cuộc sống sung túc của họ.
Sau chiến thắng của chúng tôi, những triển vọng to lớn sẽ mở ra cho hợp tác Việt Nam - Ukraine, và đặc biệt chúng tôi sẽ cần kinh nghiệm của Việt Nam đối với công việc chung nhằm khôi phục và xây dựng lại đất nước của chúng tôi.
Chúng ta cần nhìn về tương lai – còn rất nhiều việc ở phía trước!
Ý KIẾN CỦA NGƯỜI DÂN CẦN ĐƯỢC TÔN TRỌNG
NGÔ HUY CƯƠNG/ TD 19-4-2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét