Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

20220419. QUANH CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI (2018)

 ĐIỂM BÁO MẠNG


'VẼ' RA 108 TỔ HỢP MÔN LÝ THUYẾT THÌ DỄ, NHƯNG TRƯỜNG NÀO 

ĐÁP ỨNG ĐƯỢC ?

TÙNG DƯƠNG/ GDVN 17-4-2022

GDVN-Các trường Trung học phổ thông đều thiếu giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc và cũng rất khó mời được giáo viên dạy hợp đồng bởi ở cấp Trung học cơ sở cũng đang rất thiếu.

“Theo tôi, vấn đề mang tính cấp bách nhất hiện nay với tất cả các trường Trung học phổ thông trên cả nước là xây dựng tổ hợp môn cho năm học mới 2022 – 2023 vì đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với bậc học này.

Có thể thấy rõ chương trình đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu nguyện vọng, sở thích của người học. Tiếp đến là đáp ứng được nhu cầu hướng nghiệp sâu ở bậc Trung học phổ thông, đây là ý quan trọng chứ không đơn thuần chỉ đáp ứng nhu cầu sở thích, bởi đã là sở thích của học sinh sẽ rất đa dạng, nhà trường dù giỏi đến mấy cũng không thể nào đáp ứng hết được.

Nhưng điều quan trọng là nhà trường phải định hướng được nhu cầu đáp ứng nghề nghiệp trong tương lai của học sinh, xu hướng đó phải phù hợp với thị trường lao động ngày càng đòi hỏi đa dạng về ngành nghề, cũng như lao động bậc cao và trong một thời gian dài, chứ không chỉ trước mắt”, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã cho biết.

Tiến sĩ Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: T.D.

Theo thầy Quân: “Một yếu tố rất quan trọng mà chương trình mới đề cập đến là các nhà trường có đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu của học sinh. Học sinh có nhiều nguyện vọng, sở thích khác nhau nhưng nếu nhà trường không đáp ứng được thì cũng không thể thực hiện được đúng chương trình.

Nếu học sinh thích Mỹ thuật, Âm nhạc trong khi nhà trường không có giáo viên, như vậy cũng không thể triển khai được môn học đó. Tức là vừa đáp ứng được nhu cầu của người học, nhu cầu định hướng nghề nghiệp trong tương lai vừa bố trí xem cơ sở vật chất đội ngũ giáo viên của nhà trường có đáp ứng được hay không. Cả hai yếu tố phải kết hợp hài hòa thì triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới thành hiện thực, còn nếu không chỉ là trên lý thuyết mà thôi.

Bây giờ xét thực trạng của từng nhà trường, nếu ngồi “vẽ” ra các tổ hợp trên lý thuyết thì rất dễ, nhưng vấn đề là những tổ hợp môn đó có thực hiện được hay không? Cái này phải đặt vào từng điều kiện, từng hoàn cảnh và mỗi trường sẽ có cách lựa chọn hợp lý nhất phù hợp điều kiện của mình, cũng như đáp ứng được nhu cầu của học sinh về định hướng nghề nghiệp trong tương lai”.

Thầy Quân cho biết: “Với Trường Trung học phổ thông Đông Đô, chúng tôi đã nghiên cứu rất kĩ, cũng như căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường đồng thời căn cứ vào kinh nghiệm lâu nay trong việc tổ chức dạy học để chia nhóm học sinh cho phù hợp với năng lực.

Trong năm học tới với các môn lựa chọn, chúng tôi đã tự chọn:

Thứ nhất là nhóm môn Khoa học và xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và pháp luật, ở nhóm này học sinh sẽ học đủ cả 3 môn.

Thứ hai, đối với nhóm Khoa học và tự nhiên, chúng tôi chọn môn Sinh học bởi các môn khoa học đều hướng tới con người, phải hiểu con người sinh học, môi trường sống,…Môn này sẽ bổ trợ cho các môn Khoa học và xã hội một cách sát thực nhất.

Thứ ba, nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật sẽ chọn môn Tin học vì đây là môn học được xem là công cụ để phát triển đất nước trong thời đại 4.0.

Nói như vậy để thấy, nhà trường đã lựa chọn được 5 môn trong 3 nhóm môn lựa chọn.

Sở dĩ nhà trường chọn cả môn ở nhóm Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội bởi nó mang tính cụ thể, học sinh có năng lực ở lĩnh vực tự nhiên và xã hội cũng sẽ chọn 2 nhóm này, đồng thời nhóm môn học này mang tính phổ rộng bởi học sinh lớp 10 còn ngỡ ngàng chưa thể định hình rõ được sau này khi lên lớp 12 các em sẽ chọn ngành nghề gì.

Nếu đưa các em vào chọn ngành, tổ hợp môn quá hẹp thì sau này nếu có thay đổi sự lựa chọn cũng sẽ rất khó cho học sinh và nhà trường. Còn khi đã đưa vào Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội sẽ có rất nhiều ngành khác nhau trong đó.

Với những học sinh có hướng chọn Âm nhạc hoặc Mỹ thuật, vấn đề này nhà trường đã và đang triển khai các câu lạc bộ kĩ năng theo sở thích với nhiều hoạt động giúp cho học sinh phát triển năng lực vốn có như thể thao, nghệ thuật,…Với số lượng học sinh lựa chọn không nhiều nên theo tôi mô hình câu lạc bộ sẽ phù hợp hơn, hôm nay các em có thể chọn môn này, ngày mai không thích vẫn có thể đổi và không bị bó buộc như nhóm môn học trong suốt 3 năm”.

Học sinh trong giờ học Mỹ thuật. Ảnh minh họa: T.D.

Giá như có sự chuẩn bị giáo viên từ trước

Việc các trường hiện nay đều thiếu giáo viên Mỹ thuật và Âm nhạc, chưa kể cũng đang gặp khó trong vấn đề mời giáo viên dạy hợp đồng được bởi ở cấp Trung học cơ sở cũng đang rất thiếu những giáo viên này. Vậy giải quyết bằng cách nào? Về vấn đề này, thầy Quân bày tỏ: “Thực tế là, các trường phổ thông không thể tự đào tạo giáo viên được. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo các trường Đại học sư phạm mở thêm các khoa và đào tạo cấp tốc giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, phải tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường này để đáp ứng nhu cầu thực tế cấp bách của các trường hiện nay. Đáng lẽ bây giờ phải có đầy đủ đội ngũ các thầy cô giáo dạy môn này rồi, nhưng hiện nay vẫn chưa có và chắc chắn các trường Trung học phổ thông khó có thể triển khai được trong năm học tới nếu có học sinh lựa chọn môn học này.

Các trường có mời giáo viên dạy hợp đồng cũng chỉ là phương án tạm thời để ứng phó với nhu cầu của học sinh, nhưng hiện nay có một quy định nữa là những giáo viên dạy Mỹ thuật, Âm nhạc phải tốt nghiệp đại học thì mới có thể dạy được cấp Trung học phổ thông, nếu chỉ tốt nghiệp cao đẳng hoặc các hệ trung cấp thì sẽ không được phép dạy”.

Thầy Quân nói: “Với cách chia tổ hợp như hiện nay, sẽ có một tình huống nhiều môn không có học sinh chọn, và nhiều môn sẽ quá tải vì quá nhiều em yêu thích dẫn đến thừa thiếu giáo viên, việc bố trí thầy cô trong trường hợp này không hề đơn giản nhất là với những trường công lập.

Vậy phải tính toán cân đối số lượng học sinh giữa các nhóm môn thế nào? Thực tế chúng tôi quan sát mấy năm gần đây qua việc tổ chức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và Bộ cũng đã đưa ra hai định hướng là tổ hợp môn Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, và tổ hợp môn Khoa học tự nhiên gồm Lý, Hóa, Sinh đã làm cho học sinh Trung học phổ thông bắt buộc phải học theo hai tổ hợp này với mục đích để đi thi.

Nếu tới đây vẫn tiếp tục duy trì kiểu thi như vậy thì chắc chắn sẽ lại có chuyện phức tạp vì nó có sự liên đới với nhau, học sinh lựa chọn tổ hợp môn học chỉ để đi thi, chứ không phải chọn môn vì định hướng nghề nghiệp, như vậy chia tổ hợp môn tự chọn sẽ thành vô nghĩa”.

Các nhà trường chọn tổ hợp giúp học sinh

Nhà trường sẽ chọn và chia sẵn các tổ hợp môn cho học sinh? Với tình huống này, thầy Quân nêu quan điểm: “Các nhà trường cần công khai, chọn sẵn một vài tổ hợp giúp học sinh, các em thấy hợp lý ở tổ hợp nào sẽ tự lựa chọn. Nếu các nhà trường Trung học phổ thông không chọn trước cho học sinh, cứ để các em tự chọn thì chắc chắn nhà trường không thể xử lý được, có thể có tổ hợp chỉ vài ba học sinh chọn lựa thì nhà trường sẽ triển khai dạy thế nào?

Có thể nói nhà trường định hướng chọn tổ hợp giúp học sinh chứ hoàn toàn không phải áp đặt. Mọi sự lựa chọn phải phù hợp với điều kiện nhà trường và phù hợp với xu thế chung, nhà trường phải có tầm nhìn rộng hơn học sinh, chứ không thể bằng học sinh trong tình huống này. Nếu học sinh đăng kí nhóm môn mà nhà trường không thể dạy được, lúc này trả lời học sinh thế nào? Vậy nên các nhà trường cần tuyên bố ngay từ đầu, minh bạch nói rõ môn nào có, môn nào không đáp ứng được để học sinh và gia đình các em biết trước khi lựa chọn.

Việc quản lý cần phải thực tế, nếu chỉ nhìn về một phía học sinh và buộc nhà trường phải theo học sinh thì chắc chắn sẽ không làm được, nhà trường có đủ các điều kiện từ cơ sở vật chất, đến đội ngũ thầy cô đâu mà chạy theo học sinh”.

Tùng Dương
LỊCH SỬ LÀ MÔN TỰ CHỌN, NGUY CƠ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SẼ CẠN NGUỒN TUYỂN SINH
THIÊN ÂN/GDVN 18-4-2022

Chỉ 4 tháng nữa, học sinh lớp 10 cả nư ớc sẽ bắt đầu học Chương trình giáo dục phổ thông mới, theo hướng phân hóa và định hướng nghề nghiệp.

Theo đó, Lịch sử sẽ thuộc nhóm môn lựa chọn. Nhiều ý kiến lo ngại học sinh sẽ quay lưng với môn học này bởi tình trạng học trò không ham thích học Lịch sử, điểm thi thấp đã được bàn nhiều năm nay.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, thầy Trần Huy Đoàn - cựu giáo viên dạy Lịch sử tại Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) nhận định, Lịch sử là môn học quan trọng, có những đóng góp to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và lòng tự tôn dân tộc, hình thành nên nhân cách con người Việt Nam.

Nhưng tại sao học sinh không hứng thú với môn học này, điểm thi thường rất thấp? Theo thầy Đoàn, hiện nay có tới 90% học sinh học với mục đích thi vào các trường đại học, cao đẳng để sau tốt nghiệp nhận được một công việc làm tốt, thu nhập đủ trang trải cuộc sống.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai đối với khối lớp 10, Lịch sử sẽ trở thành môn học lựa chọn. (Nguồn: Báo Tin tức)

Thực tế, các trường đại học khối kỹ thuật, kinh tế, thậm chí cả những trường đào tạo khối ngành xã hội đều đang có xu hướng phân bổ chỉ tiêu xét tuyển ở tổ hợp môn Khoa học tự nhiên nhiều hơn tổ hợp Khoa học xã hội. Đây cũng là một trong những lý do khiến các em học sinh không mấy mặn mà với môn Lịch sử.

"Nhiều người nói sinh viên học kinh tế biết lịch sử cũng bằng thừa, đi làm không áp dụng được vào thực tế do đó đưa Lịch sử vào tổ hợp môn tuyển sinh là không phù hợp. Với tôi, quan điểm này sai hoàn toàn bởi một nhà kinh tế, một người chủ doanh nghiệp cũng cần có vốn kiến thức về lĩnh vực này.

Tôi lấy ví dụ như cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929-1933 để lại hậu quả vô cùng to lớn đó là lạm phát, hàng hoá khan hiếm, giá cả leo thang, giá vàng leo dốc. Tiếp đó là các cuộc khủng hoảng kinh tế tư bản có tính chu kỳ vào năm 1973, 1982, 2008... nếu những nhà kinh tế hiểu các sự kiện lịch sử này thì chắc chắn họ sẽ đưa ra được chiến lược đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và tiếp đó là tác động của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine vừa qua.

Suy cho cùng, học Lịch sử không thừa với bất cứ ngành nghề nào", cựu giáo viên dạy Lịch sử tại Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) nêu quan điểm.

Thầy Đoàn bày tỏ lo ngại, nếu học sinh ít chọn hoặc không chọn môn học này thì các trường trung học phổ thông sẽ phải giải bài toán nhân sự và trả lương như thế nào? Mặt khác, các trường đại học đào tạo khối ngành Lịch sử cũng rất dễ rơi vào tình trạng cạn nguồn tuyển sinh.

Cũng theo thầy Trần Huy Đoàn, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Lịch sử một số năm khá khó, dẫn đến phổ điểm của môn học này luôn xếp ở vị trí cuối bảng. Nhìn từ thực tế đó, học sinh cũng e dè hơn khi lựa chọn môn.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những điều chỉnh trong cách ra đề thi môn Lịch sử cho đúng với định hướng phát triển năng lực của học sinh, không nên hỏi xoáy vào số liệu, chi tiết sự kiện, bắt học sinh phải nhớ, phải học thuộc một cách máy móc.

Bên cạnh đó, để học sinh yêu thích lịch sử, giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy, đi sâu vào phân tích, đánh giá từng sự kiện hay nhân vật lịch sử, làm cho bài học không chỉ là quá khứ, mà còn mang hơi thở của thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, giờ học cũng phải phát huy được khả năng sáng tạo, cá tính riêng biệt của từng học sinh. Có như vậy, các em mới không sợ, không chán môn Lịch sử.

Cùng trao đổi về vấn đề trên, Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển - nguyên giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng xuất phát từ Nghị quyết 29-NQ/TW. Theo tôi, không có chương trình hay kế hoạch nào hoàn hảo 100%, khi triển khai sẽ bộc lộ những ưu điểm, hạn chế. Đối với ưu điểm, chúng ta tiếp tục phát huy còn hạn chế thì khắc phục, điều chỉnh sao cho phù hợp".

Phó Giáo sư Vũ Quang Hiển cho rằng, thực tế, chương trình chưa triển khai đối với khối lớp 10, chưa có số liệu học sinh đăng ký môn Lịch sử nên hiện tại chưa thể kết luận việc môn Lịch sử có bị "xóa trắng" hay không.

Tuy nhiên, thời gian tới khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, nếu tình trạng học sinh ít lựa chọn môn Lịch sử xảy ra thì các trường có thể tham khảo giải pháp mở lớp học kiến tạo.

"Lớp học kiến tạo không yêu cầu số lượng người học quá lớn, nhà trường sẽ điều tiết học sinh và cân đối sĩ số sao cho phù hợp. Mô hình này cũng giúp các trường giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên, ngày trước 100% học sinh học Lịch sử, nếu giờ chỉ còn 40%, trường vẫn có thể mở 2 lớp", nguyên giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm.

Thiên Ân
LỊCH SỬ LÀ MÔN LỰA CHỌN ẢNH HƯỞNG ĐẾN GIÁO DỤC LÒNG 
YÊU NƯỚC?
PHƯƠNG CHI/VNN 18-4-2022
5 tháng nữa, Chương trình Giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai ở cấp THPT. Việc không bắt buộc học môn Lịch sử mà để học sinh lựa chọn đang gây ra những băn khoăn liệu có ảnh hưởng đến yêu cầu giáo dục lòng yêu nước hay không.

Trả lời VietNamNet, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT năm 2018 - khẳng định: "Việc thiết kế Chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, yêu cầu của thực tế và tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế". 

Giáo dục lòng yêu nước không chỉ là “nhiệm vụ” của môn Lịch sử

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết dựa theo Nghị quyết số 03 ngày 16/7/1998 về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết số 33 ngày 9/6/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chương trình GDPT năm 2018 đã xác định 5 phẩm chất chủ yếu cần hình thành, phát triển ở học sinh là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.  


GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT năm 2018. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Chương trình đã quy định 14 nội dung giáo dục, trong đó có nội dung giáo dục công dân, nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh, nội dung giáo dục khoa học xã hội. Mỗi nội dung giáo dục nói trên đều được thực hiện ở tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, trong đó có một số môn học và hoạt động giáo dục đảm nhiệm vai trò cốt lõi” – GS Thuyết thông tin. 

Cụ thể, theo quy định của Chương trình, “Giáo dục công dân giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi của người công dân. Thông qua các bài học về lối sống, đạo đức, pháp luật, kinh tế, giáo dục công dân góp phần bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của người công dân, đặc biệt là tình cảm, nhận thức, niềm tin, cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, có kĩ năng sống và bản lĩnh để học tập, làm việc và sẵn sàng thực hiện trách nhiệm công dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Giáo dục công dân được thực hiện thông qua tất cả các môn học và hoạt động giáo dục, nhất là các môn khoa học xã hội và Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, trong đó Đạo đức (ở cấp tiểu học), Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở), Giáo dục kinh tế và pháp luật (ở cấp trung học phổ thông) là những môn học cốt lõi”.

“Giáo dục khoa học xã hội đóng vai trò chủ đạo trong việc giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu.

 \Giáo dục khoa học xã hội được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động giáo dục, trong đó các môn học cốt lõi là: Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, lớp 2 và lớp 3); Lịch sử và Địa lí (từ lớp 4 đến lớp 9); Lịch sử, Địa lí (cấp trung học phổ thông)”.

“Giáo dục quốc phòng và an ninh bồi dưỡng cho học sinh những kiến thức, kĩ năng cơ bản về quốc phòng và an ninh. 

Giáo dục quốc phòng và an ninh ở trường tiểu học, trung học cơ sở được thực hiện tích hợp trong nội dung các môn học và hoạt động giáo dục, bảo đảm cho học sinh hình thành những hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, về lực lượng vũ trang nhân dân; có ý thức kỉ luật, tinh thần đoàn kết, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. 

Giáo dục quốc phòng và an ninh ở trường trung học phổ thông là môn học bắt buộc, bảo đảm cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kĩ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc”.

Bên cạnh đó, theo vị Tổng chủ biên, lòng yêu nước còn được bồi dưỡng ở nhiều môn học và hoạt động giáo dục khác, như: Tiếng Việt, Ngữ văn, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật), Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương... 

“Ví dụ, nội dung giáo dục ngôn ngữ và văn học được Chương trình GDPT quy định như sau: “Giáo dục ngôn ngữ và văn học có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tình cảm, tư tưởng và hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật, nhà trường bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu, đặc biệt là tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tính trung thực và ý thức trách nhiệm; hình thành, phát triển cho học sinh các năng lực chung và hai năng lực đặc thù là năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học”. 

Chương trình Lịch sử ở THPT là chuyên sâu

Nói riêng về chương trình Lịch sử, theo GS Thuyết, giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm. 

Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trên cơ sở đó khơi dậy sự say mê, hứng thú học tập và bước đầu phát triển những năng lực cơ bản của học sinh. 

Ở cấp trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong môn Lịch sử và Địa lí, liên tục từ lớp 6 đến lớp 9, giúp hoc sinh có được nền tảng kiến thức thông sử của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á, từ khởi nguyên cho tới ngày nay. 

Đồng thời, nội dung giáo dục lịch sử cũng được thực hiện ở các môn học khác như Đạo đức, Giáo dục công dân, Tiếng Việt, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương… 

“Như vậy, khi học xong cấp trung học cơ sở, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi” – GS Thuyết khẳng định.


Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai ở lớp 10 từ năm học 2022-2023.

Ảnh: Thanh Tùng

Đối với cấp trung học phổ thông, theo GS Thuyết, Chương trình môn Lịch sử là chương trình chuyên sâu, giúp những học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai, bao gồm các chủ đề và chuyên đề như: Lịch sử và Sử học; Cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Làng xã Việt Nam trong lịch sử; Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945); Cách mạng tháng Tám năm 1945, chiến tranh giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử Việt Nam (từ tháng 8 năm 1945 đến nay); Lịch sử bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; Một số cuộc cải cách lớn trong lịch sử Việt Nam (trước năm 1858); Công cuộc Đổi mới ở Việt Nam từ năm 1986 đến nay… 

“Theo yêu cầu chọn 5 môn học từ ba nhóm môn học lựa chọn (nhóm môn khoa học xã hội, nhóm môn khoa học tự nhiên, nhóm công nghệ và nghệ thuật), trong đó mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học bên cạnh 7 môn học bắt buộc, những học sinh có định hướng nghề nghiệp khác vẫn có thể chọn học môn Lịch sử với các chủ đề học tập như đã quy định trong Chương trình GDPT. 

Như vậy, có thể khẳng định là Chương trình GDPT mới đã thực hiện nội dung giáo dục lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm công dân một cách đầy đủ, toàn diện theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 29 và các văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành” – GS Thuyết nhấn mạnh. 

GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ thêm rằng giải pháp dạy học phân hóa cũng đáp ứng yêu cầu giảm tải, giảm số môn học so với chương trình cũ - 12 môn so với 17 môn - tuy vẫn còn cao so với chương trình các nước (chương trình tú tài quốc tế IB là 6 môn, chương trình của Anh là 6 môn…) nhưng “Tôi tin chắc rằng đa số học sinh và phụ huynh học sinh sẽ thấu hiểu, đồng tình với giải pháp phân hóa mềm và giảm tải của Chương trình GDPT mới”.

Phương Chi

DƯ LUẬN LO NGẠI KHI MÔN LỊCH SỬ ĐƯỢC 'TỰ CHỌN', BỘ GD-ĐT NÓI GÌ ?

HẢI NGUYÊN/ VNN 20-4-2022


Bộ GD-ĐT đã có những phản hồi liên quan đến việc môn Lịch sử trở thành một trong những môn tự chọn ở cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ chính thức được triển khai từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT, học sinh sẽ chỉ còn học 5 môn bắt buộc. Các môn còn lại sẽ được đưa vào danh sách các môn tự chọn theo nhóm. Môn Lịch sử cũng nằm trong nhóm tự chọn này với cụm môn Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật)
Điều này nhận được nhiều ý kiến trái chiều của giáo viên cũng như các chuyên gia giáo dục, bởi lo ngại khi trở thành môn học tự chọn, môn Lịch sử sẽ dễ bị “khai tử” khi không có học sinh lựa chọn.
Tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương diễn ra ngày 19/4, Bộ GD-ĐT đã có những giải trình về vấn đề này.
Theo Bộ GD-ĐT, Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu Chương trình phổ thông mới: “Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; “Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn”.
Thực hiện Nghị quyết này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 88 ngày 28/11/2014 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Nghị quyết quy định: “Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm 2 giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).
Giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS.
Giáo dục định hướng nghề nghiệp bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng. Ở cấp tiểu học và cấp THCS thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học. Ở cấp THPT, yêu cầu học sinh học một số môn bắt buộc, đồng thời được tự chọn các môn học và chuyên đề học tập theo hình thức tích lũy tín chỉ”.
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng.
Bộ GD-ĐT cho biết, theo đó, đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.
Trong Chương trình này, môn Lịch sử có thế mạnh trong việc giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp học sinh có thể rút ra những bài học trong cuộc sống. Theo Bộ GD-ĐT, trong sự sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho từng môn học, môn Lịch sử chương trình phổ thông mới được bố trí dạy như sau:
- Ở cấp học THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung Chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (từ lớp 6 đến lớp 9). Nội dung Chương trình phổ thông phân môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.
- Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn Lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn).
Bên cạnh đó, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn dành 20% thời lượng cho Chương trình địa phương - do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung Lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến đến lớp 12.
Bộ GD-ĐT cho rằng, với cách bố trí như vậy, môn Lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.

Hải Nguyên

CÓ PHẢI VÌ MÔN LỊCH SỬ CỦA TA QUÁ DÀI ?
THÁI HẠO / TD 19-4-2022
Không. Vài trăm trang sách để học cả năm trời ở tuổi 18 thì không có chi gọi là dài cả, nếu không nói là quá ngắn. Đọc một đêm là xong.
Một học sinh lớp 10 của Tây, để làm một “bài tập về nhà” môn lịch sử, phải đọc cả hàng tá tài liệu, tra cứu đủ thứ sách vở, bàn học ngổn ngang như của một nhà nghiên cứu. Ghi chép, tổng hợp, đánh giá, đưa ra quan điểm và thuyết trình.
Trong khi học sinh VN thì mỗi tuần học vài trang, mà học mãi không xong. Tại sao thế? Vì học sinh ta không được học đúng nghĩa, đó chỉ là học thuộc, không phải là học. Học như con vẹt, học cấm cãi, cấm hỏi, nếu có hỏi thì cũng chỉ cho vui, không dùng vào việc gì, đi thi mà chép sai một chữ là coi chừng. Cái lối học ấy làm cho tất cả đều kinh khiếp. Càng học càng sợ, càng học càng ngán.
Sự thật lịch sử là điều xa xỉ đã đành, đến việc nhìn nhận đánh giá các sự kiện cũng là thuộc lời người khác, thì làm sao chịu nổi.
Môn sử và các môn học khác trong nhà trường đang được dạy và học như tụng kinh. Nếu bạn không tin thì hãy làm khảo sát với những học sinh vừa tốt nghiệp 12 hoặc thậm chí đang học 12, nếu có em nào còn thuộc nổi 10 bài thơ trong chương trình THPT thì phải gọi đó là trường hợp đặc biệt. Tôi tin nó chiếm không quá 10% số học sinh trong mỗi trường học, dù học ngày học đêm, học chính học thêm.
Học mà không được tư duy, không có cơ hội tư duy, không được nói điều mình nghĩ, chỉ lo thuộc bài rồi chép lại như con vẹt thì không hiểu gì đã đành mà còn đâm ra dị ứng, ngán ngẩm, và kinh sợ tri thức.
Chúng ta cứ than rằng chương trình nặng. Không phải. Tri thức trong nhà trường VN không nhiều hơn ở các nền giáo dục tiến tiến, nếu không nói là quá ít. Cái khốn khổ là nó luôn được dán nhãn chân lý tuyệt đối, và người học bị biến thành những chiếc USB di động. Học như thế, lợi thì chưa thấy đâu, mà hại thì vây bủa. Đó là cái hại của sự thù ghét tri thức, cái hại của thui chột tư duy, mài mòn giác quan, và chai sạn về tâm hồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét