Thứ Ba, 16 tháng 11, 2021

20211117. NGUY HIỂM ĐIỀU 'CHƯA RÕ' CỦA BT NGUYỄN CHÍ DŨNG!

 ĐIỂM BÁO MẠNG  


VÌ SAO ĐANG CÓ 162.000 ha ĐẤT CỦA VIỆT NAM 

NHƯNG DO NGƯỜI TRUNG QUỐC SỞ HỮU ?

NGUYỄN HUỲNH/VNTB/ BVN 14-11-2021


Khu đất ven tường rào sân bay Nước Mặn ở Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

162.000 ha đất do người Trung Quốc sở hữu tại Việt Nam, trong số đó có bao nhiêu là núp bóng người dân, doanh nghiệp trong nước?

Đó là vấn đề được đặt ra ở nghị trường Quốc hội vào chiều ngày 11-11-2021.

Đại biểu Vũ Trọng Kim (Quảng Nam) – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, nói rằng vừa qua báo chí cũng như người dân có thắc mắc về việc người Việt Nam tiếp tục ‘núp bóng’ mua đất cho người nước ngoài và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

“Vấn đề này chúng ta thấy rằng nó đã vi phạm luật Đất đai, không đúng đối tượng vì mua hộ, mua thay. Bộ Kế hoạch – Đầu tư giám sát kiểm tra như thế nào? Thời gian tới có tham mưu gì Chính phủ để sửa luật Đất đai, luật Đầu tư, chứ như này thì làm sao đảm bảo sử dụng đất đai hiệu quả?”, đại biểu Vũ Trọng Kim chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng nói: “Đầu tư núp bóng, sở hữu đất là vấn đề lớn và thực sự chúng tôi chưa có điều kiện để nắm rõ sát tình hình thực tế ở các địa phương này ra sao. Với trách nhiệm của Bộ chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ để có chính sách quản lý đất đai với các nhà đầu tư núp bóng danh nghĩa cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang thâu tóm, chiếm giữ. Đặc biệt vùng ven biển, sát biên giới. Đây là vùng hết sức nhạy cảm, tôi ghi nhận ý kiến và xin phép báo cáo lại ở Quốc hội sau”.

Việc ‘xin khất’ trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một lần nữa cho thấy sự lúng túng của cái gọi là “Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Theo Điều 197 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản thuộc sở hữu toàn dân như sau: Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Đồng thời, tại Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 cũng nêu rõ, đất đai thuộc sở hữu toàn dân.

Như vậy, đất đai thuộc sở hữu của toàn dân, theo đó quyền năng sở hữu này được thông qua Nhà nước với việc Nhà nước vừa sở hữu, vừa thống nhất quản lý. Một trong những quyền lực dễ đưa đến tham nhũng chính sách, đó là quyền được quyết định trao quyền sử dụng đất cho chủ thể sử dụng đất.

Và chính điều này cho thấy rất khó để người dân ‘mua hộ – mua thay’ cho phía người Trung Quốc, vì các thủ tục hành chính liên quan cho chuyện được Nhà nước “trao quyền sử dụng đất cho chủ thể sử dụng đất” lâu nay nức tiếng nhiêu khê.

Thế nhưng phía quản lý nhà nước vẫn luôn bảo thủ rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu” lại ưu việt của thể chế chính trị Việt Nam, với lập luận phổ biến như sau: “Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tránh cho xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng bất ổn do một số người có thể đòi hỏi xem xét lại các quyết định lịch sử về đất đai nếu như duy trì chế độ sở hữu tư nhân về đất đai”.

Lo lắng trên của nhà nước Việt Nam hiện tại là dễ hiểu vì ở miền Bắc trước đây diễn ra sự kiện chính trị được gọi là “Hoàn thành cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế quốc dân (1955-1957)”.

Sau tháng 4-1975, “đánh tư sản” của Hà Nội đã ‘cướp’ trắng tài sản, động sản, bất động sản của người miền Nam. Do vậy, nếu không bắt buộc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”, thì một khi thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai, sẽ diễn ra các cuộc tranh đấu đòi lại quyền sở hữu nhà, đất trong quá khứ, sẽ có cuộc lục soát lại những gì mà Nhà nước cộng sản Việt Nam đã làm trong cải cách ruộng đất, trong thu hồi đất, chia nhà bỏ hoang – tức buộc người dân gọi là tư sản phải đi kinh tế mới, sau đó chiếm những nhà này cho cán bộ và ‘người có công cách mạng’…

Phía quản lý Nhà nước còn bảo vệ quan điểm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”, bằng lập luận thế này:

“Đất đai là tài sản chung của dân tộc cho nên không cho phép Chính phủ hay chính quyền địa phương chuyển nhượng cho người nước ngoài một cách tự do như đối với công dân Việt Nam.

Nếu không quy định những điều kiện chặt chẽ về sở hữu đất, nhất là đất sản xuất của người nước ngoài, nếu chúng ta thừa nhận sở hữu tư nhân đất đai và cho phép người nước ngoài thỏa thuận mua bán đất với tư nhân, thì nguy cơ mất nước từ hệ lụy của nền kinh tế thị trường sẽ thành hiện thực và thành quả đấu tranh kiên cường để giành độc lập của dân tộc ta sẽ có nguy cơ bị triệt tiêu bởi thế lực của đồng tiền”.

Vậy là há miệng mắc quai của lập luận trên, khi mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã ‘ầu ơ’ không biết trả lời thế nào lúc có vị đại biểu chất vấn, vì sao đang có 162.000 ha đất do người Trung Quốc sở hữu tại Việt Nam?

Để dễ hình dung, người Trung Quốc sở hữu 162.000 ha đất, tức là 1.620 km2 lớn hơn thành phố Cần Thơ, khi Tây đô diện tích chỉ có 1.439 km2 mà thôi.

N.H.

VNTB gửi BVN


ĐỂ ĐẤT PHÒNG THỦ VEN BIỂN VÀ BIÊN GIỚI CHO TRUNG QUỐC THÂU TÓM, NẾU BỊ CHÚNG TẤN CÔNG THÌ TA PHÒNG THỦ CHỖ NÀO ?

HOÀNG HẢI VÂN/ BVN 16-11-2021


Có thể là hình ảnh về văn bản cho biết 'THANHNIEN / THỜI SỰ SỰ Bộ trưởng 'xin khất" trả lời về 162.000 ha đất người Trung Quốc sở hữu 18:17-11/11/2021 THANH NIÊN ONLINE'

Tại diễn đàn Quốc hội tuần qua, ĐB Vũ Trọng Kim, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB Trung ương MTTQVN nói: Hiện có 162.000 ha đất do người Trung Quốc sở hữu trên toàn cõi Việt Nam, trong đó có 63.000 ha là đất biên giới và ven biển mà ông đã chất vấn tại Quốc hội khoá trước. Có bao nhiêu trong số đó núp bóng người dân và doanh nghiệp trong nước, cần phải được làm rõ.

Mặc dù câu hỏi đã đặt ra từ lâu, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho đó là vấn đề lớn và thừa nhận vùng ven biển và sát biên giới là “hết sức nhạy cảm”, nhưng ông bảo rằng Bộ của ông chưa nắm rõ tình hình nên sẽ nghiên cứu và báo cáo lại Quốc hội sau.

https://thanhnien.vn/bo-truong-xin-khat-tra-loi-ve-162...

Toàn dân ai cũng biết, chỉ mới mấy chục năm gần đây thôi, sau khi chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa của ta, Trung Quốc đã mang hơn 60 vạn quân sang xâm lược nước ta, mặc dù bị ta đánh cho thua phải rút quân, nhưng sau đó chúng lại chiếm một phần quần đảo Trường Sa của ta, hiện nay đang tiếp tục uy hiếp biển đảo nước ta và chưa hề từ bỏ tham vọng về lãnh thổ cũng như biển đảo.

Lão nông tôi từng đề cập rất nhiều lần trên facebook này về vấn đề phòng thủ chiến lược ven biển. Ngoài biên giới ra thì hệ thống phòng thủ bờ biển là vô cùng trọng yếu trong công cuộc bảo vệ Tổ Quốc.

Gia Long là ông vua đầu tiên thiết lập hệ thống phòng thủ chiến lược tại Đà Nẵng. Ông cho xây thành Điện Hải bên tả, xây bảo An Hải bên hữu (sau này vua Minh Mệnh tăng cường với tên gọi là thành An Hải) kết hợp với các đồn lũy liên hoàn tạo ra một hệ thống phòng thủ vững chắc. Cùng với Trấn Hải ở kinh đô, Điện Hải là một trong hai pháo đài phòng thủ xung yếu của đất nước. Đến thời hoàng đế Minh Mệnh, hệ thống phòng thủ biển Đà Nẵng cùng với hệ thống phòng thủ biển đảo quốc gia được bố trí hoàn chỉnh với phương tiện hiện đại nhất thời bấy giờ.

Ông từng nhắc nhở: “Dù đất nước có vô sự cũng không thể bỏ qua”.

Người Đà Nẵng và khách thập phương có thể thấy, tại vị trí của thành An Hải ngày xưa, nhiều khách sạn và khu du lịch của doanh nghiệp Trung Quốc mọc lên chiếm cứ và án ngữ bờ biển. Từ khi cấp đất cho họ thực hiện dự án, không một người Việt Nam nào được bước chân tới. Họ làm gì trong đó, họ có đào hầm thông ra biển để đưa người nhái mang phương tiện chiến tranh vào ém nhẹm nơi đây hay không, không ai biết được. Và không phải ngẫu nhiên mà ông Tập Cận Bình, trong khi diễn ra APEC 2017, ngoài thời gian dự hội nghị và gặp gỡ, đã ở lỳ 3 ngày tại một khách sạn của Trung Quốc nằm ngay trong vị trí phòng thủ chiến lược của ta. Ông ta làm gì ở đó, nghiên cứu chỉ đạo những gì ở đó, chẳng ai biết được, nhưng thật là đáng ngờ.

Và không chỉ ở Đà Nẵng, mà dọc bờ biển từ Bắc vào Nam, nhất là khu vực miền Trung, nơi nào cũng có doanh nghiệp Trung Quốc án ngữ, nơi nào cũng có đất ven biển bị Trung Quốc thâu tóm núp bóng người dân và doanh nghiệp trong nước. Việc cấp đất, cấp phép đều do địa phương tuỳ tiện, Trung ương không biết, khi người dân và cán bộ lên tiếng thì Trung ương cũng không quan tâm luôn. Sự “chưa nắm rõ tình hình” của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là bằng chứng.

Nước ta chưa có “vô sự” như hoàng đế Minh Mệnh nói, chưa “vô sự” là do Trung Quốc đang liên tục gây hấn để tiếp tục thâu tóm biển đảo nước ta. Dù nhà nước ta với nhà nước Trung Quốc đã tái lập quan hệ giao hảo bình thường, nhưng ai dám cam đoan là Trung Quốc sẽ không mang quân tấn công nước ta một lần nữa? Thế mà đất biên giới, đất ven biển lại để cho doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm một cách “hợp pháp”. Nếu chúng tấn công, kết hợp ngoại công nội ứng thì chúng ta sẽ đối phó như thế nào khi nhiều vị trí phòng thủ trọng yếu trên bờ biển đã bị doanh nghiệp Trung Quốc án ngữ. Nếu áp dụng luật thời chiến để trưng thu thì không còn kịp nữa.

Lão nông tôi cũng như mọi người dân Việt bình thường khác, không “bài Hoa”, không chống lại quan hệ giao thương giao lưu về kinh tế-văn hoá với người dân Trung Quốc, không tẩy chay hàng hoá và khoa học-công nghệ Trung Quốc, nhưng tuyệt đối cảnh giác với mưu đồ bá quyền của nhà cầm quyền nước họ và yêu cầu chính quyền nước ta cũng có sự cảnh giác đúng mức.

Xin cám ơn anh Vũ Trọng Kim (Kim Trọng) đã nói lên tiếng nói của người dân.

H.H.V.

Nguồn: Fb Hoàng Hải Vân


CẬN CẢNH NHỮNG KHU VỰC Ở ĐÀ NẴNG CÓ NGƯỜI TRUNG QUỐC SỞ HỮU ĐẤT

NGUYỄN THÀNH / TPO/ VN FINALCE 19-5-2020


Theo Bộ Quốc phòng, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP. Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP. Đà Nẵng. Đây là những vị trí ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.

Khu vực quanh sân bay Nước Mặn (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng) nhìn từ danh thắng Ngũ Hành Sơn. Qua rà soát của Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, dọc các khu đô thị ven biển thuộc khu vực sân bay Nước Mặn có 246 lô đất. Trong số này có một số trường hợp người quốc tịch Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: Nguyễn Thành.
Báo cáo trả lời ý kiến cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết: Từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP Đà Nẵng tại các vị trí: Dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang, quận Sơn Trà. Ảnh: Nguyễn Thành.
Các lô đất dọc sân bay Nước Mặn do người Trung Quốc sở hữu đặt ra nhiều mối lo ngại liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng. Ảnh: Nguyễn Thành.
Theo cơ quan chức năng có 7 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc sở hữu một số lô đất ven biển và thuê đất 50 năm. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nguyên Thịnh Vượng, năm 2014 đã nhận quyền sử dụng đất đối với 10 lô đất trên mặt đường Hoàng Sa; Công ty TNHH Thương mại du lịch và dịch vụ SiiverPark, đứng tên mua 4 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn; Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp, đứng tên sử dụng 2 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn...
Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại Du lịch & Dịch vụ Hoàng Gia Trung, sử dụng 13 lô đất mặt đường Võ Nguyên Giáp; Công ty TNHH MTV Golden Wynn Đà Nẵng sử dụng 1 lô đất ở mặt đường Hoàng Sa; Công ty TNHH Thương mại - Du lịch và dịch vụ V.N Holiday, doanh nghiệp đã chuyển nhượng mua lại từ các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam sở hữu 20 lô đất ở dải đất ven tường rào sân bay Nước Mặn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Công ty TNIHH SILVER SHORES Hoàng Đạt, được UBND TP Đà Nẵng cho thuê 200.000 m2 đất, thời gian thuê 50 năm (đến ngày 21/6/2056), đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 21/3/2017.
Dọc tường rào sân bay Nước Mặn đường Võ Nguyên Giáp là hàng loạt cửa hàng biển hiệu tiếng Trung Quốc được dựng lên. Ảnh: Nguyễn Thành.
Theo Bộ Quốc phòng, có 2 trường hợp là ông Liang Zhipei (Lương Chí Bồi,  SN 1975, quốc tịch Trung Quốc) từng là Kế toán trưởng, nay là Trưởng bộ phận giám sát công trình Công ty TNHH ĐT&PT Silver Shores, trụ sở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; Ông Chiu Cheng Tai (A Chiu, SN 1959, quốc tịch Đài Loan), Phó giám đốc Công ty TNHH Pu Fong, trụ sở tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà. Hai trường hợp trên, từ năm 2011 đến 2015 đã đầu tư tiền cho 8 người (trong đó 6 người Việt gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất với diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch khoảng trên 100 tỷ VNĐ. Ảnh: Nguyễn Thành.
Để sở hữu các lô đất ở TP. Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Ban đầu, người Trung Quốc góp vốn thấp hơn người Việt Nam (người Việt Nam góp vốn chủ yếu bằng đất), doanh nghiệp sẽ do người Việt Nam điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách người Trung Quốc tăng vốn giành quyền điều hành doanh nghiệp. Do tài sản góp vốn là đất nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Thành.
Ngoài ra, người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất, đã phát hiện một số trường hợp kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu nhiều lô đất như ông Lý Phước Cang 12 lô, ông Trác Ngọc Phúc 10 lô... Hầu hết các lô đất đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ.
Bộ Quốc phòng đề nghị Đà Nẵng, rà soát đánh giá tổng thể các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án liên quan đến Trung Quốc tại khu vực biên giới, biển, đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh; kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và cơ chế quản lý, cấp phép các hoạt động đầu tư nhằm hạn chế sơ hở không để cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng hoạt động... Ảnh: Nguyễn Thành.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, cử tri và dư luận xã hội “đáng ngại” về việc cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng cấp chứng nhận quyền sử dụng 21 lô đất cho người Trung Quốc là có cơ sở. Vụ việc trên, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND TP Đà Nẵng xác minh làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, để sở hữu các lô đất người Trung Quốc đã nghiên cứu, lợi dụng kẽ hở của Luật Đầu tư năm 2014 “việc góp vốn bằng đất để liên doanh thành lập doanh nghiệp” và công tác quản lý nhà nước ở các lĩnh vực đầu tư, đất đai.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét