Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

20210209. PHÂN CÔNG UVBCT VÀ UVTƯ KHÓA XIII ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG

BỘ CHÍNH TRỊ PHÂN CÔNG ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG LÀM THƯỜNG TRỰC BAN BÍ THƯ, ÔNG TRẦN TUẤN ANH LÀM TRƯỞNG BAN KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

TTXVN/GDVN 6-2-2021

Sáng 6/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị tổ chức Lễ công bố quyết định phân công Ủy viên Bộ Chính trị.

Tại Quyết định số 01-QĐNS/TW ngày 5/2/2021, Bộ Chính trị phân công đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Thường trực Ban Bí thư.

Tại Quyết định số 02-QĐNS/TW ngày 5/2/2021, Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trao quyết định và tặng hoa chúc mừng đồng chí Võ Văn Thưởng; đồng chí Trần Tuấn Anh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng hoa chúc mừng đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công giữ chức Thường trực Ban Bí thư. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Thay mặt hai đồng chí nhận nhiệm vụ, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu, trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cảm ơn Bộ Chính trị đã tin tưởng phân công nhiệm vụ rất quan trọng của Đảng vào thời điểm khởi đầu một giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Đây thực sự là một vinh dự lớn lao đồng thời là một trách nhiệm rất nặng nề trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang kỳ vọng vào những bước phát triển vững chắc của Đảng và đất nước sau Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp.

Các đồng chí xin hứa luôn nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực giữ gìn sự đoàn kết thống nhất, kỷ luật, kỷ cương và thanh danh của Đảng; góp phần tích cực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nhận thức rõ vinh dự và trách nhiệm được giao, các đồng chí xin hứa sẽ luôn rèn luyện, nỗ lực không ngừng, tự răn, tự sửa; đồng thời mong muốn luôn được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng quan tâm, hỗ trợ, góp ý để các đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương và của nhân dân.

Cùng tham dự buổi Lễ có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Lê Minh Hưng; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan, ban, ngành Trung ương.

Đồng chí Võ Văn Thưởng sinh ngày 13/12/1970; vào Đảng ngày: 18/11/1993; quê quán: xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Triết học.

Đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị: Khóa XII, XIII; Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa X (dự khuyết), XI, XII, XIII; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Khóa XII; Đại biểu Quốc hội: Khóa XII, XIV.

Đồng chí từng là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (từ tháng 1/2007); từ tháng 8/2011-4/2014: được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; từ tháng 4/2014-10/2015: được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; từ tháng 10/2015-2/2016: đồng chí tái cử giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; được Bộ Chính trị phân công điều hành công tác Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 2/2016: đồng chí được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngày 30/1/2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Ngày 31/1/2021, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao Quyết định phân công ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính, trị giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN)

Đồng chí Trần Tuấn Anh sinh ngày 6/4/1964; vào Đảng ngày 29/11/1996; quê quán: xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp; trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Kinh tế, Cử nhân Ngoại giao.

Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng: Khóa XII, XIII; Bộ trưởng Bộ Công Thương; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương (kiêm nhiệm); Đại biểu Quốc hội: Khóa XIV.

Từ tháng 5/2008-8/2010, đồng chí là Thành ủy viên, rồi Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ; từ tháng 8/2010-1/2016 là Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; từ tháng 1/2016-4/2016 là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương, kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Ngày 9/4/2016, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Ngày 30/1/2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Ngày 31/1/2021, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII./.

Theo TTXVN
HÉ LỘ DANH SÁCH DỰ KIẾN SỰ PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ LÃNH ĐẠO CẤP CAO
LÊ VĂN ĐOÀNH/ TD 6-2-2021

Sau cuộc bầu bán từ 17h-20h tối 30/1/2021, mọi việc đã an bài. Con số 200 Ủy viên Trung ương cả chính thức, lẫn dự khuyết đã được công bố. Trong 121 Ủy viên Trung ương khoá XII tái cử, đã có 119 người trúng cử khoá XIII. Chỉ có hai vị bị “out” vì dính quá nhiều tai tiếng, đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ và Phó Trưởng ban kinh tế, cựu bí thư tỉnh Hà Giang, Triệu Tài Vinh.

Xem ra đại hội lần này “diễn tròn vai” hơn nhiều. Có thể đạo diễn lần này “mát tay” hơn so với cách đây 5 năm. Tại đại hội đảng khoá XII, mặc dù được giới thiệu tái cử, nhưng có tất cả 16 Ủy viên Trung ương chính thức và một Ủy viên dự khuyết của khoá XI đã không trúng cử.

Sáng 31/1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khoá XIII đã họp phiên thứ nhất và đã bầu 18 ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII gồm:

– 8 ủy viên Bộ Chính trị khóa XII tái cử;

– 7 ủy viên Ban Bí thư khóa XII được bầu vào Bộ Chính trị khoá XIII;

– 3 ủy viên Bộ Chính trị trúng cử lần đầu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, “nhân sự rất đặc biệt”, chưa có tiền lệ, đã vượt qua rào cản Điều lệ đảng, để tái đắc cử chức Tổng Bí thư của Đảng khoá XIII, nhiệm kỳ 2021-2026, ngồi ghế này nhiệm kỳ thứ 3.

Điều đáng lưu ý là, ông Trọng đã bước sang tuổi 77, sức khỏe kém, như tâm sự của ông tại cuộc họp báo sáng ngày 1/2/2021, sau khi bế mạc Đại hội XIII: “Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành”.


Ông Trọng phát biếu sau Đại hội thứ 13 của đảng CSVN tại Hà Nội hôm 1/2/2021. Hình ông được lồng trong nền hình hoa sen như… Bồ Tát. Nguồn: AP

Đã có quá nhiều bình luận, phân tích nhiều chiều về việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ôm ghế, không chịu rút lui khỏi chính trường. Có hai điều không phải bàn cãi, đó là trong thể chế cộng sản, quyền lực là thứ không thể “nhốt” và ngai vàng là thứ không dễ dàng rời bỏ.

Hôm nay 5/2/2021, Bộ Chính trị khoá XIII đã nhóm họp, phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên Bộ Chính trị và thành viên Ban Bí thư vừa đắc cử. Một nội dung nữa không kém phần quan trọng, là ngoài việc dàn xếp sao cho “thấu tình đạt lý” vị trí ghế ngồi cấp cao, còn phải phân bố Ủy viên Trung ương vào vai trò lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương.

Dưới đây là danh sách “chốt” các vị trí quyền lực, từ “bộ ngũ” cho đến các Trưởng ban trong đảng và các thành viên Chính phủ. Tức là nhân sự Đảng sẽ giới thiệu cho Quốc hội bầu và phê chuẩn. Phần NGƯỜI ĐẢM NHIỆM ghi “chưa có” nghĩa là vị trí còn đang tranh cãi, chưa ngã ngũ, phần GHI CHÚ kê “Mới” là vị trí lần đầu được bổ nhiệm.

Danh sách phân công, bố trí chức vụ

Nhìn chung, các vị trí quyền lực gần như khớp với dư luận đồn đoán, cũng như một số trang “không lề” có uy tín đã đăng tải. Ông Tô Lâm vẫn giữ được chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Công an cực kỳ quyền lực. Phan Văn Giang, tướng uy tín cao trong quân đội đã vượt qua Lương Cường, nắm ghế Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.

Ngoài ra, ứng viên Đào Ngọc Dung bị đánh bật ra khỏi cả Bộ Chính trị, lẫn Ban Bí thư, đành ôm ghế cũ thêm 5 năm nữa rồi về vườn. Có lẽ vì đồng cảm và tiếc nhân vật mẫn cán Vũ Đức Đam bị Bộ Chính trị gạt bỏ, nên các Ủy viên Trung ương đã thẳng tay gạch bỏ Đào Ngọc Dung, Bùi Thanh Sơn và Võ Thị Ánh Xuân, cho “out” khỏi danh sách Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Chiếc ghế “vô thưởng vô phạt” Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có chủ, Trần Tuấn Anh ngồi vào đó, kế nhiệm Nguyễn Văn Bình. Hai vị trí “hái ra tiền” là Chánh Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công thương cũng để ngỏ, dành cho các ứng viên phe cánh đủ mạnh và đủ tiềm lực kinh tế chạy đua…

Lê Khánh Hải, cháu nội Lê Duẩn, sẽ ngồi vào ghế Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước. Nguyễn Thanh Nghị, trưởng nam của Nguyễn Tấn Dũng, được ban phát cho ghế Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Nhân sự quá tuổi Lê Minh Trí, cháu họ của Phan Văn Khải, được tái nhiệm Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao thêm một nhiệm kỳ nữa, dù Trí thất bại trong cạnh tranh quyền lực với Trương Hoà Bình.

Kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIV sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, dự kiến làm việc trong 7,5 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 24/3/2021 và bế mạc vào ngày 2/4/2021. Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội ngay trước khi nhiệm kỳ khoá XIV kết thúc, để kiện toàn sớm nhân sự các cơ quan nhà nước sau Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Nhiều lãnh đạo cấp cao khác của nhà nước không tái cử, không còn tham gia Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, như vậy các vị này sẽ không giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước khoá tới. Đúng ra, đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới, việc chuyển giao quyền lực sẽ được tiến hành. Tuy nhiên, ông Trọng yêu cầu kiện toàn ngay bộ máy nhân sự để triển khai nhiệm vụ mới theo Nghị quyết Trung ương khoá XIII của Đảng.

Quy trình “đảng cử, dân bầu” sẽ thế này:

– Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Chủ tịch nước với ông Trọng, thay vào đó là ông Phúc.

– Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ đọc tờ trình miễn nhiệm chính mình, để Quốc hội bầu Phạm Minh Chính ngồi vào ghế Thủ tướng.

– Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trình danh sách các Phó Thủ tướng và các bộ trưởng và lãnh đạo các cơ quan ngang bộ để Quốc hội phê chuẩn.

Ngày 23/5/2021, cả nước sẽ đi bầu quốc hội khoá XV và hội đồng nhân dân các cấp. Và như vậy, phải đến tháng 7 năm 2021, Quốc hội mới sẽ khai mạc kỳ họp đầu tiên, tiến hành làm thủ tục cho có (vì đã bố trí xong) đó là bầu, phê chuẩn nhân sự lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ khoá XV nhiệm kỳ 2021-2026.

Như vậy, nhân dân cả nước được ăn cái “bánh vẽ” dân chủ, khi mà đảng đã sắp xếp xong, nhân dân mới cầm lá phiếu đi bầu và “Quốc hội là nơi thể chế hoá nghị quyết của Đảng“, đúng như lời ông Nguyễn Phú Trọng từng nói.

Cái bánh vẽ đảng tiếp tục cho dân ăn. Ảnh trên mạng

Mới đây, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia cho biết, Quốc hội khóa 15 phấn đấu để có 25-50 đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng, trong tổng số 500 đại biểu hầu như tất cả là đảng viên cộng sản (số lượng đại biểu ở Trung ương là 207 đại biểu, ở địa phương là 293 đại biểu)

Kiểu ban phát ơn “mưa móc” như trên, thì bao giờ người dân mới có tiếng nói thật sự, thông qua đại diện của mình tại Quốc hội?

ĐẠI HỘI 13 KHÔNG SỬA ĐIỀU LỆ ĐẢNG LÀ MỘT 'ĐIỀU LẠ LÙNG'
BBC/ BVN 5-2-2021

Đảng Cộng sản Việt Nam đã có dàn tân ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với mười trường hợp ‘đặc biệt’, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử và có nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, Đại hội thông báo không sửa Điều lệ Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với giới báo chí, truyền thông ngay sau Đại hội 13 bế mạc hôm 01/2/2021 tại Hà Nội

Hai nhà quan sát chính trị Việt Nam bình luận với BBC News Tiếng Việt về liệu có thể hiểu tín hiệu này như thế nào và liệu có hệ lụy gì hay không khi Đại hội quyết định không sửa Điều lệ Đảng.

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas - Yusof Ishak của Singapore) nêu quan điểm:

“Đại hội 13 bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư khóa 3 liên tiếp, theo tôi là trái Điều lệ Đảng năm 2011 (Điều 17).

“Tại Đại hội, 100% đại biểu biểu quyết thông qua việc giới thiệu ông Nguyễn Phú Trọng tái cử và nhất trí không sửa điều lệ.

“Bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư khóa 3 liên tiếp, sẽ không trái Điều lệ, nếu điều 17 được sửa. Làm trái Điều lệ là việc làm sai phạm căn bản - không thể nói khác được”.

Việt Nam

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai, từ phải) tặng hoa cho ông Nguyễn Phú Trọng, sau khi ông Trọng được tái cử vào chức Tổng bí thư của ĐCSVN tại Đại hội 13 hôm 31/01/2021 tại Hà Nội

Từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng Văn phòng Luật sư cùng tên, nói:

“Do Đảng Cộng Sản là chính đảng duy nhất nắm giữ quyền lãnh đạo toàn diện đối với đất nước. Cho nên, công chúng đặt sự chú ý nhiều đến Điều lệ Đảng bao gồm các quy tắc (cứng) không được phép vi phạm. Điều 17 Điều lệ Đảng Cộng sản quy định một người không được giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”,

“Trong thực tế, ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được Đại hội bầu giữ chức vụ Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ ba, trong hoàn cảnh không hề có sửa đổi Điều lệ Đảng là điều khá lạ lùng và không nên khuyến khích.

“Vì lẽ, một điều của Điều lệ Đảng có tính cưỡng hành bị vô hiệu hóa, thì liệu những điều khác còn lại có thể còn được bảo đảm thi hành hay không ? Rõ ràng, điều này sẽ hạ thấp vị thế của Điều lệ Đảng trong đảng viên và cả trong nhân dân. Đồng thời, tạo thành những tiền lệ không mong muốn về sau”.

Khi được hỏi vì sao Đại hội không sửa Điều lệ Đảng, liệu có nguyên nhân khách quan, chủ quan nào dẫn đến quyết định này, các nhà quan sát trả lời:

“Đại hội 13 không nêu lý do không sửa điều 17 bản Điều lệ 2011 cho nên không thể suy diễn được. Đấy là sự kiện”, ông Hà Hoàng Hợp nói.

Còn ông Đặng Đình Mạnh đáp:

“Tôi không rõ nguyên nhân của việc không sửa đổi Điều lệ Đảng, nhưng với góc độ là một luật sư, tôi cũng rất mong có sự giải thích thỏa đáng về việc này”,

Điểm nhấn, chú ý nào với dàn nhân sự mới?

Ông Phạm Minh Chính

Ông Phạm Minh Chính được cho là một điểm nhấn đáng chú ý về nhân sự ở Đại hội 13 của ĐCSVN, theo Luật sư Đặng Đình Mạnh

Trước câu hỏi có thể cảm nhận điểm nhấn, hay có sự chú ý nào không thấy được thông qua dàn nhân sự mới của ĐCSVN được bố trí, tái phối trí trong các nhành quyền lực của đảng và chính quyền hậu Đại hội 13, các ý kiến nói với BBC:

“Mọi phân công nhân sự trong và sau Đại hội 13 sẽ được triển khai sau Tết Âm lịch Tân Sửu, cuối tháng Hai, đầu tháng Ba 2021, khi có cuộc họp Quốc hội cho việc đó dựa trên các giới thiệu nhân sự chủ chốt và các nhân sự khác được Ban chấp hành Trung ương khóa 12 và Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 (sau Đại hội) thông qua bằng bỏ phiếu”, ông Hà Hoàng Hợp nói.

“Bảy bộ trưởng không tái cử khóa 13 thì sẽ được thay thế bằng bảy người mới, là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 13, trong đó có vị trí Bộ trưởng Quốc phòng là quan trọng. Các bộ trưởng đương nhiệm, nếu trúng cử vào Bộ Chính trị, hoặc đã làm đủ hai khóa liên tiếp, thì sẽ chuyển vị trí công tác.

“Đại hội 13 được Đảng Cộng sản VN đánh giá là “thành công rất tốt đẹp” - nên chắc ở đó có bao hàm rằng nhân sự của họ được hy vọng sẽ đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hóa xã hội. Người dân sẽ kiểm chứng hy vọng đó trong thực tế tới đây.

Ông Đặng Đình Mạnh từ góc nhìn của mình nêu quan điểm:

“Điểm nhấn và là ẩn số về nhân sự đáng chú ý nhất theo tôi là ông Phạm Minh Chính, người được cho rằng sẽ kế nhiệm chức vụ Thủ tướng.

Việt Nam

Một nữ đại biểu trong lúc xếp hàng vào dự Đại hội 13 tại phiên khai mạc hôm 26/01/2021 tại Hà Nội

“Vì lẽ, ông Chính từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng trong lực lượng công an, trong tổ chức Đảng, nhưng lại chưa từng giữ chức vụ nào trong Chính phủ cả. Đó là điểm mà công chúng có thể ít nhiều lo lắng. Tuy nhiên, với phương pháp làm việc tập thể thì có thể các cộng sự của ông ấy sẽ giúp khắc phục sự thiếu sót về kinh nghiệm.

“Điều kiện chính trị chưa cho phép người dân thực hiện quyền tự do bầu cử đúng nghĩa, cho nên, tôi chỉ có thể nói rằng mình hy vọng về điều ấy”.

Trước câu hỏi, ĐCSVN cũng vừa đánh dấu 91 năm ngày thành lập Đảng này, có thể nói gì về ĐCSVN, tương lai, tiền đồ của tổ chức chính trị này cũng như về nền chính trị Việt Nam trong tương lai, các nhà quan sát đáp:

“Đảng Cộng sản Việt Nam muốn duy trì vai trò cầm quyền lâu dài, theo cụm từ trong khẩu hiệu rằng Đảng Cộng sản Việt Nam “muôn năm”, ông Hà Hoàng Hợp nói.

“91 năm qua, bản thân Đảng CSVN đã có một số thay đổi. Luật về Đảng là một vấn đề đã được đặt ra từ năm 2009, đến nay Quốc hội VN chưa bàn cụ thể.

Việt Nam

Các nữ sỹ quan dìu một đại biểu thuộc thành phần ‘Mẹ Việt Nam Anh hùng’ vào dự bế mạc Đại hội 13 hôm 01/2/2021 tại Hà Nội

“Sớm hay muộn theo tôi Việt Nam sẽ có thực hành đa nguyên chính trị, ở đó Đảng Cộng sản VN có thể tương tác chính trị với các chính đảng khác, góp phần mang lại sự phồn vinh và dân chủ cho Việt Nam”.

Về phần mình, ông Đặng Đình Mạnh nói:

“Hiện tại, Việt Nam vẫn là một quốc gia kém phát triển, cuộc sống người dân vẫn rất khó khăn, kể cả vật chất lẫn tinh thần, bao gồm thực thi các quyền tự do của công dân theo Hiến pháp.

“Do đó, tôi vẫn rất kỳ vọng có một sự thay đổi lớn về quan điểm chính trị của Đảng Cộng sản. Vì lẽ, với vai trò lãnh đạo toàn diện, thì họ đang nắm giữ vận mệnh đất nước này.

“Sự thay đổi theo hướng hòa hợp, hòa giải dân tộc, chấp nhận sự khác biệt quan điểm chính trị, vận dụng các giá trị vốn là thành quả của loài người về quản lý, điều hành đất nước… để có thể tập hợp, thống nhất mọi nguồn lực của người dân vào công cuộc chấn hưng và đối phó với các thách thức về chủ quyền đất nước.

“Nhưng qua kỳ Đại hội 13 vừa bế mạc, tôi biết rằng sự kỳ vọng của mình còn phải chờ đợi”.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một hội luận Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt về thách thức đối với ĐCSVN và dàn nhân sự mới được bầu tại Đại hội 13 vừa bế mạc.

Nguồn: BBC tiếng Việt

THÁI TỬ ĐẢNG, TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, TIỀN TƯƠI THÓC THẬT, QUỐC HỘI MÚA MINH HỌA
JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 6-2-2021

Trận chiến quyền lực ở Việt Nam đã ngã ngũ. Nguồn tin từ Tiếng Dân của tác giả Lê Văn Đoành, đưa ra một danh sách những nhân vật hàng đầu sẽ giữ các vị trí quan trọng trong trung ương đảng và chính phủ sắp tới. Đúng ra thì còn cuộc bầu cử quốc hội vào đầu hè nữa, nhưng như mọi người đã biết, cuộc bầu cử ấy chỉ là thủ tục, góp vui mà thôi, chứ không có ảnh hưởng gì tới quyền lực thật sự của các nhân vật đã được chọn.

Được biết, danh sách phân công các nhân vật lãnh đạo hàng đầu, được công bố trong cuộc họp diễn ra sáng nay, ngày 6/2/2021, tại Văn phòng Trung ương đảng, gồm một số nhân vật trong Bộ Chính trị mới được bầu trong đại hội đảng 13 tham gia. Lạ một điều là, cuộc họp này không có mặt ông Nguyễn Xuân Phúc, nhưng lại có mặt ông Trần Quốc Vượng, dù ông Vượng chẳng còn giữ chức vụ gì sau Đại hội 13.

Ông Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ. Nguồn: Báo ND

Trong danh sách mà nguồn tin của Tiếng Dân có được, còn vài vị trí chưa được quyết định, nhưng không quan trọng lắm, và nếu như danh sách này là chính xác (cho tới nay nguồn tin này khá chính xác) thì chúng ta thấy điều gì?


Danh sách phân công, bố trí chức vụ

Hãy bỏ qua các vị trí tứ trụ và nhân vật Phạm Minh Chính mà chúng ta đã bàn nhiều, có hai điểm đáng chú ý trong việc tranh chấp quyền lực lần này, đó là vai trò của trung ương đảng và vị trí các thái tử đảng tại Việt Nam.

Trung ương đảng và thái tử đảng, tiền tươi thóc thật

Như chúng ta đã biết, Bộ Chính trị gồm 18 nhân vật đã được hình thành từ những cuộc họp căng thẳng tại Hội nghị Trung ương (TW) trước khi Đại hội 13 diễn ra. Các Hội nghị Trung ương này mới là quan trọng, Đại hội đảng 13 vừa qua chỉ là nghi thức.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng, nhân vật quyền lực nhất hiện nay phải nhân nhượng, loại bỏ Trần Quốc Vượng, chứng tỏ vai trò của TW vẫn mạnh như trong kỳ đại hội lần thứ 12 (cũng có ý kiến cho rằng ông Vượng là “mồi nhử”, bước đệm cho ông Trọng, nhưng ý này có vẻ không đứng vững). Ảnh hưởng của họ lên các ủy viên mới của Bộ Chính trị khá quan trọng, nên 18 nhân vật này vẫn phải đưa ông Vũ Đức Đam, dù không phải ủy viên bộ chính trị vào hàng thứ 16 trong danh sách mới.

Các ủy viên TW cũng đã loại nhân vật Lương Cường, tướng chính trị, khỏi ghế bộ trưởng bộ quốc phòng, để đưa một viên tướng có kinh nghiệm quân sự là Phan Văn Giang thế chỗ.

Các ủy viên TW cũng đã loại bỏ một thái tử đảng khác là Đào Ngọc Dung (cháu vợ của ông Nguyễn Văn An, cựu Chủ tịch Quốc hội) ra khỏi Bộ Chính trị. Tuy vậy, các ủy viên TW vẫn phải để cho các thái tử đảng khác chẳng có tài cán và nhiều bê bối như Trần Tuấn Anh, con trai cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, vào Bộ Chính trị, giữ ghế Trưởng ban Kinh tế Trung ương; hay như Nguyễn Thanh Nghị, con trai “đồng chí X”, giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Như vậy lớp thái tử đảng ở Việt Nam không mạnh như các thái tử đảng Trung Quốc. Lê Khánh Hải, cháu nội cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, chỉ được cái chức nhàn nhàn ở văn phòng chủ tịch nước, điếu đóm cho ông Nguyễn Xuân Phúc.

Việc mạnh lên của TW, cơ quan bao trùm toàn bộ lãnh thổ và các lãnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, so với Bộ Chính trị, trong chừng mực nào đó, là một dấu hiệu dân chủ hơn trong đảng, thể hiện quy trình quyền lực từ dưới lên. Tuy nhiên sự mạnh lên này có vẻ bị khựng lại trong cuộc tranh chấp quyền lực kỳ này.

Việc khựng lại này một phần do ảnh hưởng của phe thuần đảng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mạnh lên trong năm năm chống tham nhũng vừa qua. GS Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Úc, cho rằng, sự mạnh lên này là do khuynh hướng duy trì ý thức hệ cộng sản thắng thế. Nhưng tôi nghĩ rằng, điều đó chẳng qua là sự ganh tị của phe thuần đảng, lợi dụng công cuộc đốt lò nổi tiếng của ông Trọng để đi lên. Nơi dễ dàng xảy ra tham nhũng, rất dễ hiểu là những vị trí trong chính phủ, trong các cơ quan nhà nước có nhiều bổng lộc, và những vị trí này cũng được các nhân vật thuần đảng ngắm nhìn với ánh mắt thèm khát.

Quốc hội múa minh họa

Danh sách 49 vị trí bị lộ ra sau buổi họp đầu tiên của Bộ Chính trị khóa 13 cũng thể hiện sự lộn xộn trong khái niệm đảng, chính phủ, quốc hội của những người cộng sản. Đứng đầu danh sách là viên tổng bí thư, sau đó chen ngang các vị trí của chính phủ, của quốc hội, của các cơ quan mặt trận,…

Việc ông Bùi Thanh Sơn sẽ giữ vai trò Bộ trưởng Ngoại giao, mà không phải là ủy viên Bộ Chính trị, cho thấy là quyền lực của bộ này chưa bao giờ được những người cộng sản coi trọng. Thời kỳ chiến tranh Việt Nam, cả hai nhân vật bộ trưởng là Nguyễn Thị Bình và Xuân Thủy đều theo sau trưởng ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ. Thời kỳ mạnh của bộ này có thể trong giai đoạn ông Nguyễn Cơ Thạch (bố ông Phạm Bình Minh) làm bộ trưởng, nhưng không kéo dài bao lâu, đã bị ép rời bỏ chức vụ.

Nhưng điều buồn cười nhất từ thông tin của tác giả Lê Văn Đoành, chính là kỳ họp trước, “ăn cơm trước kẻng” của Quốc hội… chưa được bầu! Cơ cấu lãnh đạo của quốc hội mới, bà Kim Ngân từ chức, ông Vương Đình Huệ sang làm chủ tịch, sẽ được quyết định vào đầu tháng 4/2021, trong khi “toàn dân đi bầu” quốc hội vào cuối tháng 5/2021.

Rõ khổ, đảng CSVN dựng lên quốc hội để trang trí và bày ra chuyện “người ngoài đảng” vào quốc hội để thể hiện “tinh thần dân chủ”, nhưng rõ ràng là họ cũng cảm thấy rách việc quá, bèn cho họp trước để dựng cái phông màn quốc hội để xong cho rồi.

Mà ngay cả luật của chính đảng đề ra, bằng bút mực đàng hoàng, về chuyện tuổi tác và nhiệm kỳ, mà họ còn xé bỏ được mà, huống chi cái phông nền quốc hội chỉ dùng để múa minh họa, để đâu, lúc nào mà chẳng được!

THỜI CUNG OÁN

PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ BVN 6-2-2021

1. Lọt vào BCT, Bộ Cai Trị, khoá 13 không phải chỉ có cậu ấm Bộ trưởng Tuấn Anh con ông Lương địa chất từng làm Chủ tịch nước. Một bộ trưởng kém cỏi, một nhân cách tầm thường, đội cái riêng lên đầu, đạp cái chung, đạp kỉ cương, đạp liêm chính, đạp danh dự, trách nhiệm quốc gia dưới chân.

Người đi cùng chuyến bay với vợ ngài Bộ trưởng chướng mắt khi thấy xe sang mang biển xanh, số hiệu quốc gia ra tận cửa máy bay đón bà mệnh phụ phu nhân diêm dúa, kênh kiệu. Chuyện đưa lên báo, gây ồn ào cả nước. Cả nước chướng mắt, bất bình về bà mệnh phụ kệch cỡm thì ít mà phẫn nộ bất bình nhiều về ông chồng Bộ trưởng chí tư vô công, dùng tài sản nhà nước thoả mãn thói đài các rởm học đòi làm sang của bà vợ trẻ mới đặt một chân vào giới thượng lưu, được ông chồng Bộ trưởng thoả mãn tối đa thói đài các rởm đó.

Một Bộ trưởng yếu kém gây thiệt hại cho người trồng lúa, để gian thương ép giá người làm ra hạt gạo, sản phẩm hàng hoá xuất khẩu mang thương hiệu quốc gia, lũng đoạn thị trường lúa gạo trong vụ xuất khẩu gạo.

Một Bộ trưởng tai tiếng trong đề bạt bất thường, bất minh quan chức dưới quyền, gây bất ổn trong bộ, gây trì trệ, sai trái trong công việc.

Một Bộ trưởng dung túng cho những nhóm lợi ích đua nhau làm thuỷ điện huỷ diệt rừng tự nhiên, tàn phá môi trường gây lũ quét, lũ ống, lũ rùng rợn, lũ triền miên, lũ chồng lũ cuốn trôi nhà cửa, cuốn trôi mạng sống người dân. Một Bộ trưởng dung túng cho đám tư bản hoang dã tìm kiếm lợi nhuận trên sinh mạng dân lành và trên sự tan hoang của thiên nhiên gấm vóc đất nước.

Trong BCT, Bộ Cai Trị, Bộ Cấp Thượng, Bộ Có Tiền còn có quan toà Nguyễn Hoà Bình mù loà công lí.

Quyền con người cao nhất, thiêng liêng nhất là quyền được sống và quyền tự do. Bảo đảm quyền con người, trong tố tụng hình sự của xã hội văn minh, nhân đạo có nguyên tắc suy đoán vô tội. Người phạm tội chỉ được xác định bằng vật chứng khách quan. Chỉ có lời cung chủ quan của bị can thì không thể kết tội. Với những bản án có khung hình phạt tử hình, suy đoán vô tội và tang chứng vụ án càng không thể thiếu.

Trong vụ án hai cô gái bị giết ở Bưu điện Cầu Voi, Long An năm 2008 chỉ có lời cung bất nhất, luôn thay đổi của bị can Hồ Duy Hải lúc nhận tội, lúc không. Các tang chứng giúp xác định chính xác tội phạm như máu, tinh dịch, dấu vân tay kẻ giết người đều bị nhân viên điều tra tiêu huỷ phi tang, để cơ quan điều tra tuỳ tiện làm án, tuỳ tiện kết luận. Không một tang chứng, cơ quan điều tra chỉ tập trung bạo lực trấn áp, buộc bị can nhận tội rồi tuỳ tiện làm án. Không một tang chứng, hai toà cấp dưới đã quyết tuyên tội chết cho một dân đen thấp cổ bé họng. Đến phiên toà giám đốc thẩm vụ án ngày 8.5.2020, Chánh toà Tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng mù loà công lí, vẫn nhắm mắt tuyên tử hình với Hồ Duy Hải.

Người dân kinh hoàng và vô cùng bất an trước sự mù loà công lí của người đứng đầu các quan toà cả nước. Theo dõi buổi giải trình của Chánh toà Tối cao Nguyễn Hoà Bình trước Quốc hội ngày 15.6.2020, người dân càng thất vọng, ngao ngán về sự trí trá của ông Chánh toà Tối cao. Nay ông Chánh toà trí trá, mù loà công lí Nguyễn Hoà Bình chễm chệ trong Bộ Cai Trị. Bộ Cai Trị mù công lí thì cả nước trong ngút trời điêu linh, dân lành chìm đắm trong bất công, lầm than, đau khổ, ai oán, oan khiên.

Thời phong kiến suy tàn chỉ có một khúc Cung oán ngắn ngủi do trái tim nhân hậu Nguyễn Gia Thiều chia sẻ với một thân phận ai oán thời đó. Thời cộng sản rực rỡ quang vinh, Cung oán không chỉ là một khúc ngâm ngắn ngủi, lẻ loi, thầm thì, rên rỉ chốn thâm cung mà là những cung oán gào thét trên khắp đất nước, những Cung Oán Liên Khúc, những trường ca bất tận ai oán hận thù, đau đớn giống nòi.

Cung oán với cả một vùng đất, với cả một cộng đồng dân cư. Hàng ngàn dân đen cũng bị giày xéo, bắn giết như giẫm đạp, như giết một bầy ong, một bầy kiến. Cung oán Văn Giang. Cung oán Dương Nội. Cung oán Thủ Thiêm. Cung oán Lộc Hưng. Cung oán Đồng Tâm. Cung oán thảm hoạ Formosa. Cung oán thuỷ điện miền Trung…

Cung oán với từng thân phận con người. Cung oán Nguyễn Thanh Chấn. Cung oán Huỳnh Văn Nén. Cung oán Hàn Đức Long. Cung oán Nguyễn Văn Chưởng. Cung oán của những người thầy vô tội Đinh Đăng Định, Đào Quang Thực sống lay lắt, chết thê thảm trong ngục tù. Cung oán Hồ Duy Hải. Cung oán doanh nhân kĩ sư Trần Huỳnh Duy Thức. Cung oán nhà báo sắc sảo Phạm Đoan Trang. Cung oán nhà báo, nhà chính trị Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ. Cung oán nhà văn Phạm Thành. Cung oán kĩ sư thuỷ sản Nguyễn Ngọc Ánh. Cung oán thạc sĩ thuỷ sản Đinh Thị Thu Thuỷ. Cung oán sinh viên nồng nàn yêu nước Phan Kim Khánh. Cung oán của những công dân tự do, lương thiện thường xuyên bị công an bủa vây quanh nhà, chặn cửa không cho ra khỏi nhà, tước quyền con người cơ bản là quyền đi lại. Tước cả quyền mưu sinh, chặn mọi ngả đường tìm việc làm kiếm sống. Tước quyền làm việc đóng góp cho xã hội của công dân.

Lùi lại chút xíu thời gian là những Cung oán ngút trời đau thương. Cung oán Cải cách Ruộng đất. Cung oán Nhân Văn Giai Phẩm. Cung oán Xét lại chống Đảng. Cung oán cải tạo tư sản. Cung oán tù đày những trí tuệ, những hiền tài không cùng ý thức hệ cộng sản trong những nhà giam hà khắc đói khổ, ăn chỉ qua bữa, không đủ nuôi cơ thể, bệnh tật không thuốc men, chết dần chết mòn trong âm thầm vô tăm tích. Điển hình là người thầy lớn của cả nền giáo dục đầy thành tựu Việt Nam Cộng hoà, giáo sư Nguyễn Duy Xuân đã chết mòn mỏi, âm thầm ở nhà tù Ba Sao, Hà Nam năm 1986 sau mười một năm tù đày hà khắc chỉ vì đã mang trí tuệ, đức độ và tài năng đóng góp cho nền giáo dục tốt đẹp Việt Nam Cộng hoà.

Cung oán diễn ra dồn dập, liên tiếp trên khắp đất nước, không sao kể xiết. Đất nước của sử vàng chói lọi Bạch Đằng, Đống Đa. Đất nước của bất tận ca dao, dân ca lấp lánh về cái đẹp, về tình yêu. Trúc xinh trúc mọc đầu đình. Em xinh em đứng một mình cũng xinh. Trúc chỉ xinh, người chỉ đẹp để đi vào ca dao chỉ có trong thời đại đẹp, trong đất nước hoà thuận yên vui.

Đất nước hoà thuận yên vui không còn nữa. Đất nước hôm nay chỉ còn là cường quốc của bạo lực, cường quốc của cái xấu, cái ác lộng hành, cường quốc dân oan! Thời cường quốc dân oan thì đương nhiên súng đạn, bắt bớ, bắn giết phải đi vào ca dao dân gian:

Muôn đời nhớ chuyện Đồng Tâm

Ba ngàn cớm trẻ giết ông lão què.

Và:

Hoan hô chiến sĩ Đồng Tâm

Nhà dân đột nhập tay cầm AK

Chiến công giết được cụ già

Bắt thằng địch sống tuổi ba tháng tròn!

Cung oán ngâm khúc thế kỉ 18 chỉ có một tác giả là quan Tổng binh Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều. Nhân vật Cung oán ngâm khúc chỉ thấp thoáng số phận hẩm hiu, đau khổ về đời sống tình cảm, đời sống tâm sinh lí của một cung phi hơ hớ tuổi xuân, đằm thắm nhan sắc bị giam cầm, bị lãng quên trong cung cấm âm u, lạnh lẽo như trong nhà xác.

Mọi người dân Việt Nam hôm nay dù là trí thức trong tháp ngà trí tuệ chữ nghĩa hay người dân cần lao lam lũ đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên ruộng đồng, trong xưởng máy vừa là nhân vật để lại thân phận ai oán trong Trường Ca Cung Oán Liên Khúc thế kỉ 21, vừa là tác giả ghi lại số phận oan khuất, đau khổ của mình.

Nhiều Cung oán đã thành sách xuất bản. Dù xuất bản chui, xuất bản ở nước ngoài nhưng nhân vật trong sách là những nhân chứng chân thực về thân phận con người trong thời kì lịch sử đau đớn của loài người, thời cộng sản ai oán. Sách đã nhanh chóng phát hành khắp thế giới, đã dịch ra nhiều ngôn ngữ thế giới. Đêm giữa ban ngày của nhà văn Vũ Thư Hiên. Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Hoa xuyên tuyết của nhà báo Bùi Tín. Hồi kí một thằng hèn của nhạc sĩ Tô Hải. Kẻ bị mất phép thông công của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Đến già mới chợt tỉnh của nhà báo Tống Văn Công… Còn hàng ngàn, hàng vạn Cung oán mới chỉ là bản thảo hoặc đang viết, sẽ viết.

Những hiền tài của đất nước đang trong ngục tù mang thân phận Cung oán hôm nay do Bộ Cai Trị mù loà công lí tạo nên sẽ là những tác giả Cung oán ngày mai tố cáo về một thời cộng sản mù loà công lí, quyền con người bị chà đạp, hiền tài bị đầy đoạ để những kẻ giá áo túi cơm bất tài và tham lam chiếm vị trí quốc gia, hại dân, hại nước.

Nhất là những người tù oan vốn là nhà văn, nhà báo, có cây bút trong tay, có cảm hứng văn chương, nhạy cảm với thân phận con người thì Cung oán của họ không phải chỉ là tiếng thét vang động thế giới tố cáo về một thời cả dân tộc Việt Nam và từng thân phận con người Việt Nam chìm đắm trong ai oán oan khiên mà những Cung oán đó còn là những tấm bia khắc ghi một thời đại Cung oán trong thời gian, trong lịch sử.

Lịch sử trớ trêu và bỡn cợt khi trường học mang tên người viết Cung oán ngâm khúc thế kỉ 18, Nguyễn Gia Thiều, lại là nơi Đảng trưởng cộng sản Nguyễn Phú Trọng học hỏi để tạo ra một thời trường ca Cung Oán Liên Khúc thế kỉ 21.

2. Dưới BCT, Bộ Cai Trị 18 người là cái nền, là điểm tựa 200 người được gọi là Ban Chấp Hành, BCH. Vì đã có cái đỉnh BCT, Bộ Cai Trị, Bộ Cấp Thượng, Bộ Có Tiền nên cái nền BCH phía dưới được dân gian đọc là Ban Chỉ Huy, Ban Cấp Hạ, Ban Có Hưởng. Ban Có Hưởng nên luôn có những khuôn mặt xôi thịt, giá áo túi cơm. Khoá 12 vừa kết thúc, những thành viên Ban Có Hưởng như Triệu Tài Vinh, Nguyễn Nhân Chiến là Bí thư Tỉnh uỷ đã đưa cả nhà, cả họ lên ghế quan trị nhậm trong tỉnh. Cả nhà, cả họ mượn uy nước cướp quyền dân, cưỡi cổ dân, hưởng ơn dân lộc nước.

Khoá 13 này chỉ xin điểm một gương mặt nổi cộm thành viên Ban Có Hưởng vừa được Đại hội 13 hoành tráng và dày công bầu chọn, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường.

Công dân Phạm Đình Quý có học vị Tiến sĩ đang giảng dạy bậc đại học ở Sài Gòn chính danh và đúng pháp luật tố cáo ông Cường ăn cắp trí tuệ, kiến thức, công trình nghiên cứu của người khác đưa vào luận vănTiến sĩ của ông Cường. Không phải chỉ có Tiến sĩ Phạm Đình Quý tố cáo ông Cường. Tiến sĩ Hoàng Minh Tuấn cũng có đơn tố cáo ông Cường đánh cắp công trình khoa học.

Một vụ việc dân sự đơn giản, bình thường của cá nhân với cá nhân. Vụ việc dân sự phải giải quyết theo thủ tục và tổ chức hành chính dân sự là toà án dân sự. Quyền uy như Tổng thống Mỹ Donald Trump lồng lộn, gầm thét cho rằng bị đánh cắp phiếu bầu cử nên không đủ phiếu tái cử nhiệm kì hai. Sự việc hình sự nghiêm trọng cấp nhà nước, gây sôi sục cả xã hội Mỹ. Vậy mà ông Tổng thống đầy hiếu thắng và đầy quyền uy Donald Trump có cả Bộ Tư pháp liên bang trong tay, có cả Đảng Cộng hoà sau lưng cũng phải thảo hết đơn kiện này đến đơn kiện khác. Tổng thống cũng phải hơn sáu mươi lần phát đơn kiện ra toà án rồi bồn chồn đứng ngồi trong phòng Bầu dục Nhà Trắng chờ toà phán.

Chỉ là Bí thư Đảng bộ cấp tỉnh, ông Cường đã ngạo ngược khinh bỉ pháp luật của nhà nước cộng sản, khinh bỉ giá trị làm người của người dân đến mức ra lệnh miệng cho công an tỉnh toả đi, lùng bắt hai Tiến sĩ Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn. Cả chục công an trên xe công vụ, lăm lăm súng đạn, loảng xoảng còng sắt từ Đắk Lắk ầm ầm chạy xuống Sài Gòn. Không một mảnh giấy hợp pháp bắt người, như cảnh sai nha bắt người trong Truyện Kiều “Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”, công an Đắk Lắk ào ào như sôi xông vào bắt Tiến sĩ Quý khi Tiến sĩ Quý đang cùng vợ đi ăn tối.

Chỉ riêng thói cậy quyền uy, cậy sức mạnh bạo lực nhà nước có trong tay, ra lệnh miệng bắt người của ông Bí thư Cường đã xếp ông Cường vào loại lục lâm thảo khấu, cướp đường, cướp chợ chứ không còn là con người lương thiện biết hành xử theo pháp luật. Hung hãn, cuống cuồng bịt miệng nhà khoa học chính danh tố cáo hợp pháp bằng bạo lực nhà nước phi pháp đã bộc lộ đầy đủ bản chất của ông Bí thư Cường. Ngoài con người bất lương, côn đồ không xứng là một công dân lương thiện bình thường, sự việc còn cho thấy luận văn tiến sĩ của ông Cường là thực sự có vấn đề, thực sự có khuất tất, gian dối.

Nếu là luận văn khoa học xứng đáng, đàng hoàng, chính trực thì càng được thẩm định, càng được săm soi, giá trị luận văn càng được khẳng định, việc gì phải cuống cuồng lo sợ rồi cầu cứu cơ quan Đảng là Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương, nơi không có chức năng thẩm định văn bản khoa học, cũng không phải cơ quan thanh tra có chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nơi chỉ dựa vào hồ sơ, lí lịch chính trị Uỷ viên Trung ương Đảng Bùi Văn Cường rồi sốt sắng bao che cho ông Cấp uỷ Trung ương: “đồng chí Bùi Văn Cường không có hành vi đạo văn”. Tưởng là làm đúng chức năng bảo vệ Đảng nhưng Ban bảo vệ chính trị nội bộ Đảng đã bôi nhọ lên sự nghiêm minh của một đảng cầm quyền. Cơ quan Đảng đã làm thay cả cơ quan pháp luật nhà nước để bảo vệ một quan đảng đã hiện nguyên hình là côn đồ, bất lương, là lục lâm thảo khấu, đại ca xã hội đen.

Một công dân tồi tệ, một nhân cách nhem nhuốc, khuyết tật như ông Cường vẫn yên vị, đàng hoàng là một phần của cái nền, là điểm tựa của Bộ Cai Trị, có quyền quyết định vận mệnh của dân của nước sẽ lại tạo thêm nhiều Cung oán cho dân cho nước. Và thực sự ông Đảng uỷ Trung ương Bùi Văn Cường đã tạo ra hai Cung oán khi không có văn bản bắt giam được cơ quan có trách nhiệm phê duyệt, chỉ bằng quyền uy Bí thư Tỉnh uỷ, ông Cường lệnh miệng cho công an tỉnh bắt và tống giam phi pháp hai nhà khoa học chân chính từ tháng 9. 2020 đến nay.

Đơn tố ông cấp uỷ Đảng Trung ương Bùi Văn Cường có hành vi đánh cắp trong khoa học là dịp tốt để tổ chức Đảng kiểm tra lại phẩm chất đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng. Cán bộ Đảng cấp nào trước hết cũng phải là công dân. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Chỉ cơ quan pháp luật nhà nước mới có thẩm quyền phán xét hành vi tư pháp của công dân. Hai Tiến sĩ khoa học Phạm Đình Quý và Hoàng Minh Tuấn tố cáo chính danh và hợp pháp ông Cấp uỷ Trung ương Bùi Văn Cường ăn cắp trong khoa học phải được cơ quan chức năng nhà nước xem xét minh bạch, công bằng. Sự xem xét đó cũng là căn cứ xác đáng nhất xác định tài đức ông Cường.

Hai nhà khoa học chân chính tố cáo chính danh và hợp pháp hành vi đánh cắp khoa học của ông Cường vẫn âm thầm trong ngục tối trên mảnh đất do ông Bí thư Tỉnh uỷ Bùi Văn Cường trị nhậm. Pháp luật chưa xem xét hành vi ăn cắp trong khoa học của Đảng uỷ viên Trung ương Bùi Văn Cường nhưng con người côn đồ, lục lâm thảo khấu, đại ca xã hội đen của ông Cường đã lồ lộ và là sự xúc phạm, sỉ nhục nghiêm trọng, nặng nề thanh danh, uy tín đảng cầm quyền nhưng ông Cường vẫn được cơ cấu, lèo lái để có đủ phiếu lọt vào Đảng uỷ Trung ương, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đảng cầm quyền.

Con người nắm quyền lực hành xử côn đồ, lục lâm thảo khấu với dân vẫn có suất trong Ban Có Hưởng buộc người dân phải nghĩ đến sự khuất tất, mờ ám, nghĩ đến những lối mòn chạy chức chạy quyền giúp ông Cường lấp liếm được sự tồi tệ, bệnh hoạn trong nhân cách, chen chân vào được Ban Có Hưởng Trung ương. Có nhiều nẻo đường phải chạy. Chỉ xin nêu bóng ông Cường thấp thoáng trên một nẻo vắng. Nếu ông Cường không chạy thì Tiểu ban Bảo vệ chính trị Trung ương Đảng, nơi chẳng liên quan gì đến thẩm định và kết luận về tai tiếng trong luận văn Tiến sĩ của ông Cường bỗng hăng hái và kịp thời mang tổ chức Đảng ra xí xoá tai tiếng trong luận văn Tiến sĩ bị tố cáo của ông Cường.

3. Biển ngàn đời của tổ tiên người Việt để lại bị giặc “Bốn tốt, Mười sáu chữ vàng” kéo tàu lớn súng to đến diễn tập hết trận này đến trận khác, hết năm này sang năm khác, chúng coi biển của tổ tiên người Việt là biển của chúng. Ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng vẫn ngậm tăm.

Dân mất nhà cửa, mất mạng sống bởi lũ quét do thuỷ điện tàn sát rừng gây ra. Cả gia đình dân, cả một thê đội lính, có cả cấp tướng, cấp tá chết thảm trong đất vùi do núi lở, mưa rừng. Ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng vẫn vô cảm lặng tinh.

Cả năm trời người dân cả nước gồng mình chống chọi dịch bệnh Covid. Sản xuất đình đốn. Hàng triệu lao động mất việc làm. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế giảm sút. Trong gian nan vật vã của dân của nước, ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng mất tăm tích, không một lời chia sẻ lo toan với dân với nước.

Nhưng báo chí của Đảng hàng ngày vẫn dẫn lời ông Nguyễn Phú Trọng nói về nhân sự đảng của ông. Là Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội Đảng 13, ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng luôn ra rả, luôn thống thiết nói về chống chạy chức chạy quyền trong lựa chọn nhân sự Đại hội 13. Ông luôn khẳng định, luôn đinh ninh ý nguyện không để người suy thoái đạo đức, xa dân, mất lòng dân lọt vào cơ quan quyền lực của Đảng. Thì ra ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng chỉ lo việc đảng của ông. Ông chỉ biết có Đảng.

Nhưng nhìn những khuôn mặt được Đại hội 13 trao quyền lực, những khuôn mặt được Trưởng Tiểu ban Nhân sự Nguyễn Phú Trọng lên danh sách tiến cử và giải thích bảo vệ sự tiến cử đó để có được sự tập trung phiếu bầu thì thấy rõ sự lựa chọn nhân sự của ông Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng, của Đại hội 13 là không căn cứ vào đức độ con người và năng lực làm việc mà căn cứ vào thế lực chính trị bảo lãnh cho nhân sự đó. Vì vậy mới có Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hoà Bình trong Bộ Cai Trị. Mới có cả ông Bùi Văn Cường mang quyền lực Đảng ra hành xử côn đồ, xã hội đen với dân.

P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN

LẼ CÔNG BẰNG...

LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 8-2-2021

Đến thăm Giáo sư Tương Lai, nguyên thành viên tổ Tư vấn của Chính phủ, người có quan hệ thân thiết với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, gã nhận được nhiều chia sẻ tâm huyết của Giáo sư về hiện tình Đất nước.

Sau đó Giáo sư hỏi nhận định của gã về đại hội 13, vì sao ông Trọng, ông Phúc ở lại, vì sao ông Bình ra đi và vì sao người có một số dư luận không hay như Trần Tuấn Anh lại vào BCT?

Gã nói ý chủ quan của mình như sau.

Vấn đề đấu tranh nội bộ đảng giữa các nhóm bị tha hoá bởi lợi ích thân hữu, tham nhũng bị Trung Quốc trói với những người dám đặt Lợi ích Dân tộc lên trên hết là một thực tế không chối cãi được.

Đây là cuộc đấu chưa thể kết luận ai đã thắng ai, nhưng càng ngày thì sức tàn phá và ảnh hưởng của tập hợp những kẻ tha hoá trong đảng đã phần nào giảm bớt. Qua đại hội đảng có thể thấy sự chuyển dịch này.

Thứ hai là cuộc đấu nội bộ đảng về con đường phát triển kinh tế theo hướng kinh tế sạch, minh bạch, đa phương hoá không lệ thuộc quá vào kinh tế Trung Quốc cơ bản đã có sự lệch cán cân.

Minh chứng bởi hai Hiệp định kinh tế CPTPP và EVFTA được kí kết tạo đường ray cho con tàu kinh tế sạch lăn bánh và tăng tốc trong tương lai.

Những ai là nhân tố cho lệch cán cân này?

Không thể không nói đến vai trò của ông Trọng trong việc cùng BCT tỉnh thức ngăn chặn việc thông qua Luật Ba đặc khu trên trục "Một Vành đai một Con đường "của CSTQ và vai trò Đốt lò kinh tế bẩn lực cản trực tiếp của kinh tế sạch mà CPTPP và EVFTA sẽ đem lại.

Công bằng với ông Trọng là như vậy mặc dù ông không thể thoái thác trách nhiệm về tiến trình Dân chủ của Đất nước còn quá chậm chạp hiện nay- điều mà nếu nhờ nó- Lòng Dân, ông sẽ không phải quá khó trong công cuộc đốt lò và chuyển hướng nền kinh tế sạch.

Kinh tế là nền tảng của QG, sự tụt hậu hay phát triển thịnh vượng hay không là ở lựa chọn, tăng tốc tiến trình kinh tế sạch. Bản thân kinh tế sạch đã bao hàm tính công bằng và nhân văn bền vững của nó rồi chả cần thêm thắt điệp khúc XHCN cho rối rắm làm gì nữa.

Phải công bằng rằng tác giả và những người hết mình cổ vũ cho kinh tế sạch là nhiều người như các ông Trương Đình Tuyển, Võ Hồng Phúc, Bùi Quang Vinh ...cùng các chuyên gia kinh tế của các tổ tư vấn chính phủ. Nhưng để đạt được thành công cho VN kí kết, tham gia các hiệp định CPTPP và EVFTA có vai trò rất quan trọng của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mà nòng cốt là bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cùng sự hỗ trợ hết mình của ban KT Trung ương mà trưởng ban là Nguyễn Văn Bình và của bộ Ngoại giao mà bộ trưởng là Phạm Bình Minh.

Đó là một trong các lý do ông Phúc vẫn được tín nhiệm ở lại BCT mặc dù quá tuổi. Đó cũng là một trong những lý do ông Minh uy tín càng được củng cố trong trung ương đảng và ông Trần Tuấn Anh được bầu vào BCT và được phân công là trưởng ban KT.

Những ai am hiểu nội tình kinh tế nước nhà đều tiếc cho sự ra đi của ông Nguyễn Văn Bình. Ông Bình trước khi ra đi đã có đóng góp không nhỏ khi là tác nhân cùng bộ Công thương của ông Trần Tuấn Anh tích cực chuyển dịch nguồn năng lượng ô nhiễm, huỷ hoại môi trường và lệ thuộc CSTQ qua nguồn năng lượng sạch khí hoá lỏng với công nghệ và nguyên liệu của Mỹ. Có thể nói rằng đây là đóng góp rất lớn của ông Bình bởi an ninh năng lượng là thành tố quyết định an ninh QG và nền kinh tế QG.

Ông Bình do có những vi phạm trước khi là trưởng ban KT nên phải ra đi.

Và sự ra đi của ông Bình là cảnh báo:

Bất cứ ai trong chính thể hiện nay cũng rất có thể phải ra đi như ông Bình nếu có lúc nhúng chàm.

Và đó cũng là lẽ công bằng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét