Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

20210301. VÌ SAO FACEBOOK ĐANG BỊ PHẢN ĐỐI ?

ĐIỂM BÁO MẠNG

'CUỘC CHIẾN' AUSTRALIA-FACEBOOK : 'TRÓI' MẠNG XÃ HỘI TUÂN THỦ LUẬT CHƠI

LÊ NGỌC SƠN / DV 22-2-2021

Việc chính phủ Australia quyết tâm yêu cầu các công ty công nghệ phải trả tiền cho tin tức báo chí được sử dụng trên mạng xã hội có thể sẽ là chỉ dấu cho một bước ngoặt trên thế giới và ở Việt Nam trong việc cân bằng lại các lợi ích giữa các nền tảng số và các hãng tin truyền thống.

Trong hơn một thập niên qua báo chí truyền thống đã phải chứng kiến một cuộc khủng hoảng chưa từng có bởi sự lên ngôi của mạng xã hội lớn như Facebook, YouTube,v.v… Với sự ưu trội của mình về mặt kỹ thuật, sự xuất hiện các "tay chơi" công nghệ trong việc cung cấp và chia sẻ tin tức đã làm cho ngành công nghiệp tin tức kiểu cũ thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế truyền thông.

Thị trường tin tức biến dạng: Xã hội mở hơn, nhưng cũng áp lực hơn vì tin giả và các thuyết âm mưu xuất hiện ngày càng nhiều. Bên cạnh việc đưa tin nhanh được coi như  là  một  lợi  thế, kèm theo đó, thông tin thiếu khả tín, tin khơi gợi hận thù,v.v… được coi như là một "gót chân Achilles" của những nhà mạng xã hội, đặt ra nhiều thách thức lớn trong quản trị xã hội đối với hầu hết các chính phủ trên thế giới. 

Sự thiếu khả tín của các mạng xã hội đã được bù đắp khi gia tăng việc sử dụng, chia sẻ những thông tin của báo chí chính thống, nơi phải trả chi phí cho các nhà báo kiểm chứng, xác thực và đối soát các nguồn tin. Như vậy, nhìn ở một bình diện rộng hơn, sự lớn mạnh của các mạng xã hội có một phần đóng góp không nhỏ của báo chí truyền thống.

Tuy nhiên, trong hơn một thập niên qua, đối nghịch với sự tăng trưởng vượt bậc về doanh thu của các nhà mạng xã hội, các tờ báo bị mất thị trường và độc giả, thoái trào, thu hẹp quy mô, thậm chí rất nhiều tờ báo phá sản vì không còn có khách hàng sẵn sàng chi trả. Nghịch lý này là một sự bất công mang tính toàn cầu.

Không những thế, các công ty công nghệ áp đảo (big tech) đang lớn mạnh đến một mức độ gây ra sự e ngại rằng chính những "big tech" này sẽ chi phối xã hội, mặc cả với các chính phủ. Và trên thực tế, chuyện đó đã xảy ra, khi mà Facebook mới đây quyết định chặn tất cả tin tức của Australia để gây áp lực tới Quốc hội nước này bỏ phiếu chống đạo luật bắt buộc các nền tảng số phải trả tiền sử dụng và chia sẻ nội dung tin tức.

"Cuộc chiến" Australia –Facebook: "Trói" các mạng xã hội phải tuân thủ luật chơi - Ảnh 2.

Australia đã buộc Facebook, Google đàm phán về việc trả tiền tin tức cho các cơ quan báo chí nước này. Ảnh từ Internet.

Trang mạng xã hội của nhiều cơ quan thiết yếu của Chính phủ Australia (như cứu hỏa, y tế) đột ngột gián đoạn, khiến một quan chức nước này phải thốt lên rằng Facebook đang "hủy kết bạn" với "đất nước kangaroo".

Facebook đã lạm dụng sự độc quyền công nghệ, độc quyền thị trường để ra những quyết định độc đoán, đi ngược lại chính những nguyên tắc tự do biểu đạt mà họ theo đuổi. 

Trên trang The New Republic, tác giả Jacob Silverman gọi Facebook là "mafia toàn cầu". "Cuộc chiến của người khổng lồ công nghệ với Chính phủ Australia cho thấy, Mark Zuckerberg nghĩ rằng anh ta không chỉ vượt trên luật pháp, mà còn đủ mạnh để bẻ cong luật pháp theo ý mình" - bài báo viết.  

Nhưng trước sự chỉ trích của các quan chức Australia, sự phản đối của người dùng, và sự ủng hộ của nhiều nước khác với Australia, Facebook đã phải ngồi vào bàn đàm phán. Canada, Anh, Pháp, Đức… đang rất quan tâm đến "cuộc chiến" của Australia với Facebook, bởi từ lâu họ cũng đã muốn có những chế tài để buộc Facebook phải trả tiền cho tin tức báo chí. Năm 2019, Pháp là nước EU đầu tiên thực thi các quy định mới của EU về bản quyền, trong đó yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền để hiển thị tin tức, nhưng cả hai đều từ chối. Google sau đó đã ký thỏa thuận với hàng loạt tờ báo Pháp trị giá 76 triệu USD để hiển thị tin tức của họ, song tranh chấp vẫn tiếp tục ở Pháp – theo trang Business Insider. 

Rõ ràng, việc trả tiền để sử dụng nội dung báo chí là hoàn toàn khả thi, bằng chứng là  Google vừa phải đồng ý trả tiền nội dung cho các tờ báo, tuân thủ luật mới của Australia, cũng như ở Pháp trước đó.

Đây là một bước tiến mới làm lành mạnh hóa mối quan hệ cộng sinh giữa các mạng xã hội và các tờ báo. Và thực tế này sẽ được áp dụng phổ biến trong tương lai rất gần, dù còn nhiều chông gai, bởi rằng không có cớ nào các mạng xã hội chia sẻ tin tức của báo chí truyền thống, được hưởng lợi "vô hình" từ những nội dung này mà lại không chi trả.

Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ của các mạng xã hội. Theo một báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, trong năm 2018 doanh thu của Facebook tại Việt Nam là khoảng 1 tỷ USD và của Google là 450 triệu USD. Các cơ quan của chính phủ Việt Nam đã và đang đặt vấn đề nghiêm túc về việc yêu cầu nghĩa vụ đóng thuế của các hãng công nghệ này, và có lẽ trong thời gian tới cũng cần đặt ra câu chuyện pháp lý  về việc yêu cầu các nhà mạng xã hội phải trả tiền "bản quyền do sử dụng, chia sẻ thông tin báo chí" trên nền tảng của mình.

Các tờ báo và các nhà làm luật cần có những sự chuẩn bị pháp lý cho việc đề xuất một đạo luật buộc các công ty công nghệ có sử dụng tin tức báo chí phải có trách nhiệm tài chính. Lợi ích của việc kinh doanh của các công ty công nghệ này phải đi kèm nghĩa vụ phải thực hiện nên được xem là một nguyên tắc xuyên suốt.

Với các đại công ty công nghệ này, chính phủ cần có nỗ lực liên chính phủ, mà câu chuyện "liên thủ" giữa Australia và Ấn Độ đang làm với Facebook là một gợi ý tốt với các chính phủ trong việc buộc các đại công ty này tuân thủ luật chơi. Luật chơi phải do chính phủ các nước đặt ra, thay vì các chính phủ và người dân của họ là "con tin" của những nhà mạng này!

FACEBOOK  ĐỐI MẶT VỚI LÀN SÓNG PHẢN ĐỐI DỮ DỘI TRÊN TOÀN CẦU

LẠC DIỆP/ TBKTSG 27-2-2021

(TBKTSG) - Ngày 23-2-2021, Facebook thông báo sẽ bỏ việc chặn tin tức của báo chí Úc. Trước đó quyết định hạn chế chia sẻ nội dung tin tức tại Úc đã khiến Facebook phải đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội khắp thế giới. Điều này đã làm dấy lên những dự báo về một cuộc đối đầu rộng lớn hơn khi các chính phủ và hãng truyền thông tìm cách hạn chế quyền lực của nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới này.

Khi Facebook “ngừng kết bạn” Úc

Ngày 17-2, hàng loạt đường dẫn tin tức trên các trang Facebook tại Úc bất ngờ bị xóa bỏ. Người dùng Úc không còn có thể truy cập được vào nội dung tin tức từ hầu hết các trang báo lớn, còn những người làm truyền thông thì ngỡ ngàng nhận ra rằng, tất cả các nội dung tin tức đều đã bị xóa sạch khỏi nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Hành động này diễn ra trong bối cảnh Thượng viện Úc chuẩn bị bỏ phiếu thông qua dự luật đàm phán truyền thông, nhằm buộc các hãng công nghệ phải trả phí bản quyền nội dung tin tức cho các nhà xuất bản. Facebook ngày 18-2 cho biết trang mạng xã hội này buộc phải hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Úc vì dự luật mới của nước này không đưa ra hướng dẫn rõ ràng về định nghĩa nội dung tin tức.

Tuy nhiên, những lời giải thích này không được phía Úc chấp nhận và nhanh chóng gây ra một làn sóng phẫn nộ tại quốc gia này.

Các nhà lãnh đạo Úc vô cùng tức giận với Facebook. Thủ tướng Scott Morrison gọi hành động của Facebook là “kiêu ngạo”, “đáng thất vọng”, trong khi Bộ trưởng Tài chính Josh Frydenberg nói Facebook đã hành động sai và không cần thiết, đồng thời cảnh báo điều này sẽ làm tổn hại tới uy tín của họ tại Úc.

Nhiều người dân Úc cũng tỏ ra bất bình với mạng xã hội lớn nhất thế giới. Từ khóa #deletefacebook đã lọt top xu hướng Twitter tại đây vào ngày 18-2. Để xoa dịu phần nào sự bất bình của dư luận, ngày 19-2, Giám đốc cấp cao Facebook châu Á - Thái Bình Dương Simon Milner đã lên tiếng xin lỗi về việc công ty đã vô tình cấm truy cập tài khoản của cơ quan Chính phủ Úc và tổ chức y tế quốc gia, đồng thời đề nghị quay lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, những động thái trước đó của Facebook đã đủ để gây nên một làn sóng phản đối trên toàn cầu.

Sự phản đối quyết liệt từ giới lập pháp các nước

Giới lập pháp tại Vương quốc Anh, Canada, Đức và Mỹ đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố chỉ trích hành động của Facebook. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Facebook đã có những hành vi chống lại sự cạnh tranh công bằng, và giới chức các nước cần phải có những bước đi cần thiết để thắt chặt các quy định đối với hãng công nghệ này.

Chia sẻ với Sky News, ông Julian Knight - Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao tại Quốc hội Anh khẳng định: “Đây là một trong những động thái ngu ngốc nhất, nhưng cũng đáng lo ngại nhất của công ty này mà chúng ta được chứng kiến”.

Ông Knight cũng nói thêm với CNN Business rằng, các nhà lập pháp Anh sẽ sử dụng các đạo luật đang được phê duyệt để điều chỉnh các công ty truyền thông xã hội, nhằm đảm bảo rằng những nền tảng như Facebook sẽ quảng bá “nguồn tin tức đáng tin cậy”. “Tôi nghĩ, hành động mang tính bắt nạt mà Facebook đã thực hiện tại Úc sẽ khơi dậy mong muốn tiến xa hơn của các nhà lập pháp trên toàn thế giới”.

Quan điểm này cũng nhận được sự chia sẻ từ ông David Cicilline - hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ, người đứng đầu Tiểu ban Chống độc quyền Hạ viện Mỹ. Ông cho biết, “nếu mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng”, thì hành động của Facebook tại Úc chứng tỏ rằng, công ty này “không tương thích với nền dân chủ”.

Còn theo Thủ tướng Úc Scott Morrison, các nhà lãnh đạo của Anh, Canada, Pháp và Ấn Độ đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Úc về việc ra luật thương lượng đối với Facebook. “Thế giới quan tâm đặc biệt đến những gì Úc đang làm. Tôi muốn mời Facebook đàm phán mang tính chất xây dựng. Những gì Úc đang làm chắc chắn sẽ khiến nhiều nước phương Tây áp dụng và làm theo”, Thủ tướng Morrison nói.

Trên thực tế, Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault đã khẳng định, nước này sẽ triển khai theo cách Úc đang làm trong thời gian tới.

Giới truyền thông đồng loạt lên tiếng

Các hãng truyền thông cũng không bỏ lỡ cơ hội để chỉ trích Facebook, nền tảng hiện đang thống trị ngành kinh doanh quảng cáo kỹ thuật số cùng với Google. Tại Đức, Liên đoàn các nhà xuất bản báo Đức (BDZV) đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước hạn chế ảnh hưởng của Facebook.

“Đã đến lúc các chính phủ trên thế giới hạn chế sức mạnh thị trường của các nền tảng mạng xã hội”, ông Dietmar Wolff, Tổng giám đốc của BDZV cho biết. “Việc một nền tảng chỉ cần ngừng chia sẻ các nội dung theo ý muốn là đã có thể gây sức ép chính trị, cho thấy tầm nghiêm trọng của vấn đề độc quyền trên mạng Internet”.

Tại nhiều nước, các nhà lập pháp đang thực hiện các động thái để hạn chế sức mạnh của các nền tảng mạng xã hội. Ví dụ như luật bản quyền mới ở Liên hiệp châu Âu đã buộc Google đồng ý trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức Pháp, một hình mẫu có thể được nhân rộng ở nhiều nơi khác.

Ở chiều ngược lại, các nền tảng công nghệ như Facebook cũng không dễ dàng chấp nhận chịu thiệt. Như trong trường hợp của Facebook tại Úc, công ty này cho biết, họ đã giúp thu hút một lượng lớn khán giả đến các trang tin tức mà không hề tính phí.

Bên cạnh những tranh cãi về vấn đề phí bản quyền, giới truyền thông quốc tế cũng đặc biệt nhấn mạnh đến mức độ ảnh hưởng quá lớn của Facebook, được thể hiện rất rõ khi cùng với việc chặn nội dung tin tức, hãng còn vô tình đóng băng các tài khoản của các dịch vụ cứu hỏa và cấp cứu, các tổ chức từ thiện chống bạo lực gia đình và các cơ quan y tế của chính phủ. Ông Rasmus Nielsen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Báo chí của hãng tin Reuters cho biết: “Đó là một minh họa rõ ràng về sức mạnh phi thường mà một công ty tư nhân có được trong không gian công cộng. Nhiều chính phủ và chính trị gia trên khắp thế giới lo ngại về điều đó và muốn có sự giám sát trực tiếp hơn về chính trị và quy định đối với cách thức những hãng công nghệ như Facebook sử dụng quyền lực đó”.

“Cá nhân tôi nghĩ rằng có khá nhiều vấn đề khi Facebook đưa ra quyết định đơn phương này mà không có cảnh báo hoặc thời gian chuyển tiếp, nhưng đó là một công ty tư nhân vì lợi nhuận và họ đang làm những gì họ tin là vì lợi ích của mình”, ông Nielsen nói thêm.

Ông Henry Faure Walker, Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông Tin tức của Anh, nói rằng hành động của Facebook cho thấy lý do tại sao các cơ quan quản lý cần phối hợp trên phạm vi toàn cầu để tạo ra một “sân chơi thực sự bình đẳng giữa những gã khổng lồ công nghệ và các nhà xuất bản tin tức”.

“Những gì Facebook đã làm là một ví dụ kinh điển về một thế lực độc quyền đang cố gắng bảo vệ vị trí thống trị của mình”, ông Walker - người đồng thời cũng là giám đốc điều hành nhà xuất bản báo địa phương lớn nhất nước Anh, Newsquest, nói thêm.

Cánh cửa vào Trung Quốc khép chặt

Những mâu thuẫn giữa Úc và Facebook cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ Trung Quốc - nơi vẫn từ chối sự hiện diện của Facebook trong vòng suốt hơn một thập kỷ qua, bất chấp những nỗ lực vận động từ tỉ phú Mark Zuckerberg.

Trên mạng xã hội Weibo, một người dùng Trung Quốc bày tỏ quan điểm: “Ơn trời, mạng xã hội của chúng ta không bị kiểm soát bởi những hãng công nghệ nước ngoài”. “Quyền lực diễn ngôn của một quốc gia bị kiểm soát bởi một nền tảng mạng xã hội. Đó không phải là một trò đùa sao?” - một người dùng Weibo khác viết.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, vụ tranh chấp giữa Facebook và chính phủ Úc là minh chứng rõ nét cho thấy, những nguy cơ tiềm ẩn khi một quốc gia để các hãng công nghệ nước ngoài thống trị luồng thông tin. Họ cho rằng, Bắc Kinh đã có lý khi từ chối Facebook và các nền tảng công nghệ khác của Mỹ. Ông Wang Sixin - một giáo sư luật tại Đại học Truyền thông Trung Quốc cho biết: “Hiện nay, Facebook kiêu ngạo với Úc như thế nào, thì trước đây cũng từng kiêu ngạo với Trung Quốc như thế”.

Trong bối cảnh đó, hy vọng tiến vào thị trường Trung Quốc của Facebook và tỉ phú Mark Zuckerberg được dự báo sẽ càng trở nên xa vời. “Giới chức Trung Quốc đã chặn Facebook trong nhiều năm, và cũng không thực sự cần thêm lý do để làm như vậy,” - Phó giáo sư Rogier Creemers - chuyên gia về chính sách công nghệ kỹ thuật số Trung Quốc tại Đại học Leiden, Hà Lan cho biết.

Nguồn: SCMP, CNN Business, New York Post


QUỐC HỘI MỸ TIẾP TỤC THẢO LUẬN TRẤN ÁT NHỮNG GÃ KHỔNG LỒ CÔNG NGHỆ

PHONG VŨ / VNN 1-3-2021

Cả chính quyền Trump và chính quyền Biden đều đồng ý tiếp tục các cuộc điều tra chống độc quyền, tái khởi động các vụ kiện chống lại những gã khổng lồ công nghệ.

Năm ngoái, Bộ Tư pháp của chính quyền Trump đã đệ đơn kiện chống độc quyền chống lại Facebook và Google. Phiên điều trần trong tuần này cũng là lần đầu tiên Đảng Dân chủ tiếp tục thảo luận về chương trình lập pháp sau khi kiểm soát hoàn toàn Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện.

Quốc hội Mỹ tiếp tục thảo luận trấn áp những gã khổng lồ công nghệ

David Cicilline, Chủ tịch Ủy ban chống độc quyền của Hạ viện 

Theo dõi để thúc đẩy chống độc quyền

Tiểu ban Chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần kéo dài 3 giờ vào ngày 27/2. Chủ đề là “Cạnh tranh hồi sinh, Phần 1: Kế hoạch đối phó với quyền lực của Gatekeeper và hạ thấp rào cản gia nhập mạng”.

Trọng tâm của phiên điều trần này là để hiểu cách những gã khổng lồ công nghệ đóng vai trò người gác cổng và những biện pháp nào mà bộ phận lập pháp nên thực hiện để tránh các vấn đề một cách hiệu quả. Phiên điều trần bao gồm hai ý nghĩa: Thứ nhất là làm thế nào để xóa bỏ sự kiểm soát của những gã khổng lồ Internet đối với dư luận trực tuyến, thứ hai nhằm giúp nhiều công ty nhỏ hơn tham gia vào thị trường và tăng cường cạnh tranh thị trường trong ngành công nghệ.

Đây cũng là cuộc thảo luận lập pháp tiếp theo sau khi Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ triệu tập phiên điều trần vào mùa hè năm ngoái với các CEO của bốn gã khổng lồ Internet.

Mặc dù Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có quan điểm rõ ràng về nhiều vấn đề chính sách và khó đạt được thỏa thuận, nhưng họ nhận thức được sự mở rộng nhanh chóng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của những gã khổng lồ công nghệ, đồng thời nhận ra rằng các khái niệm quy định trước đây phải được thay đổi và những gã khổng lồ công nghệ phải được kiềm chế.

Cả chính quyền Trump và chính quyền Biden đều đồng ý tiếp tục các cuộc điều tra chống độc quyền, tái khởi động các vụ kiện chống lại những gã khổng lồ công nghệ.

Vị trí của hai bên về cơ bản là giống nhau

Mặc dù hai đảng đối lập, nhưng có một sự hòa hợp tuyệt đối về vấn đề chống độc quyền. Tại phiên điều trần tuần này, chủ tịch Ủy ban chống độc quyền của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, đảng viên Dân chủ David Cicilline và thành viên ủy ban đảng Cộng hòa Ken Buck, đã liên tiếp bày tỏ quan điểm quy định về chống độc quyền thay mặt cho các bên tương ứng. Họ đều tin rằng, hệ thống quản lý chống độc quyền của Mỹ và các luật cụ thể cần được cải tổ.

Đáng chú ý là lời kêu gọi cải cách quy định này cũng đã được Chủ tịch Ủy ban Tư pháp, Đảng viên Đảng Dân chủ Jerrold Nadler, thành viên ủy ban Đảng Cộng hòa Jim Jordan và hai đảng khác nắm quyền tại Hạ viện tán thành. Điều này có nghĩa là Quốc hội hiện tại sẽ sớm bắt đầu soạn thảo luật mới về giám sát chống độc quyền của các ông lớn công nghệ, nhưng nhu cầu cụ thể của hai bên sẽ khác nhau.

Tại phiên điều trần này, hai bên đã nhất trí về các vấn đề bao gồm việc tăng ngân sách và hỗ trợ cho hai cơ quan quản lý chống độc quyền lớn của Mỹ, đó là bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC).

Việc tăng ngân sách nhằm thúc đẩy hai bộ phận chính đẩy nhanh công việc kiện tụng chống độc quyền chống lại những gã khổng lồ công nghệ (vụ kiện chống lại Google và Facebook vẫn đòi hỏi nguồn lực và năng lượng khổng lồ, quyết định kiện Amazon và Apple vẫn chưa được hoàn tất), tăng cường việc rà soát các giao dịch M&A của chính phủ

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí cần cải thiện khả năng tương tác của các ứng dụng và thiết bị trong lĩnh vực Internet di động hiện nay, giúp người tiêu dùng có thể thu được nhiều dữ liệu di động và hiệu quả hơn. Để đạt được mục tiêu này, các nhà lập pháp đã đề xuất thành lập một cơ quan quản lý liên bang mới chịu trách nhiệm giám sát Big Data và phá vỡ thế độc quyền của những gã khổng lồ Internet về Big Data.

Mũi nhọn của tổ chức này rõ ràng là nhắm vào 4 gã khổng lồ Internet, tất cả đều đang phải đối mặt với các cuộc điều tra và kiện tụng liên quan ở Mỹ hoặc Châu Âu. Trong đó, tập trung vào 3 nguyên tắc cơ bản là khả năng tương tác dữ liệu, cấm các nền tảng lớn đàn áp, cuối cùng là điều chỉnh cơ cấu. Ý tưởng chính của ủy ban nhằm tăng cường giám sát chống độc quyền mà không làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của ngành công nghệ.

Phản hồi khác nhau từ ngành công nghệ

Mặc dù một số gã khổng lồ công nghệ lớn chưa đưa ra bình luận về phiên điều trần, nhưng các tổ chức công nghiệp và tổ chức tư vấn đại diện cho lợi ích của họ đã đưa ra quan điểm. Trong đó nhấn mạnh rằng nền tảng của chống độc quyền là bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và cạnh tranh dựa trên đổi mới công nghệ cần được bảo vệ.

Tuy nhiên, Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF), một tổ chức tư vấn chính thống đại diện cho lợi ích của ngành công nghệ, đã đưa ra phản đối rõ ràng đối với phiên điều trần quy định này. Giám đốc chính sách chống độc quyền của ITIF Aurelien Portuese cho rằng, luật quản lý chống độc quyền cần đảm bảo rằng sự đổi mới được khuyến khích và sự đổi mới kỹ thuật số đã mang lại vô số lợi ích cho xã hội. Google và Facebook đều là thành viên quan trọng của ITIF.

Ngay cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng e ngại rằng "thanh kiếm chống độc quyền" của chính phủ sẽ làm tổn hại đến xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế số. Hội đồng Thương mại Kết nối, một tổ chức công nghiệp đại diện cho hơn 1.600 doanh nghiệp nhỏ, một mặt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mở cửa trao đổi dữ liệu và mặt khác là tầm quan trọng của các nền tảng công nghệ khổng lồ đối với các doanh nghiệp nhỏ.

"Quốc hội thay vì tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền, tốt hơn là trao quyền và đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ, cung cấp các nguồn lực để giúp họ sử dụng các phương tiện kỹ thuật số, nâng cao khả năng sống sót và đối phó với cuộc khủng hoảng tiếp theo", Jake Ward, Chủ tịch Phòng Thương mại Kết nối, nói trong một tuyên bố.

Phong Vũ

TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN: