Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

20200229. BÌNH LUẬN VỀ VĂN HOÁ NGƯỜI VIỆT TRÊN MẠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

MICROSHOFT: NGƯỜI VIỆT TRÊN MẠNG TRONG NHÓM HÀNH XỬ XẤU XÍ NHẤT THẾ GIỚI

KHÁNH AN/ VOA 26-2-2020


Giới trẻ "lướt mạng" trong một quán cà phê ở Hà Nội

Hãng công nghệ khổng lồ Microsoft vừa đưa ra một khảo sát cho thấy cư dân mạng Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước có lối hành xử kém văn minh nhất thế giới.
Trong bảng kết quả khảo sát về Chỉ số văn minh trên không gian mạng (DCI) năm 2019 do Microsoft vừa công bố nhân ngày Safer Internet Day, Việt Nam đứng thứ 21 trong số 25 quốc gia được khảo sát khi người sử dụng mạng phải đối diện với nhiều rủi ro do những hành vi kém văn minh gây ra.
Báo cáo của Microsoft dựa trên ý kiến của 500 thanh thiếu niên và người trưởng thành (trong độ tuổi từ 13 – 74) tại Việt Nam. Những người này cho biết họ đều từng gặp phải những hành vi được xem là “không đúng mực” trên không gian mạng và những hành vi này diễn ra khá thường xuyên trong thời gian gần đây. 97% nói rằng họ đã bị tổn thương vì những hành vi đó và 83% lo lắng rằng họ sẽ gặp phải những hành vi tương tự một lần nữa.
Giáo sư-Tiến sĩ Trịnh Duy Luân, Viện trưởng Viện Xã hội học ở Hà Nội, nói với VOA rằng ông “không ngạc nhiên” về kết quả báo cáo của Microsoft, mặc dù để đưa ra những nhận định chính xác, thì cần phải xem xét cụ thể phương pháp và các mẫu khảo sát.
“Tôi cho rằng những đánh giá như thế không phải là không có nguyên cớ”, GS-TS. Trịnh Duy Luân nói.
Theo ông, mạng xã hội hiện nay là một lĩnh vực “quá rộng lớn” và “rất nhiều tự do”, trong khi xã hội Việt Nam bao gồm nhiều nhóm khác nhau, mà trong đó, trình độ học vấn, văn hóa khác nhau là một trong những yếu tố dẫn đến những hành vi “kém văn minh” được thể hiện trên không gian mạng.
“Xã hội chúng tôi là một xã hội đang phát triển, đang chuyển đối nên những hiện tượng đấy là dễ hiểu”, GS-TS. Trịnh Duy Luân nhận định.
Theo ông, “Dân trí trong chừng mực nào đó đang tăng dần, nhưng không phải là đạt được mức như ở các xã hội (phát triển) truyền thống lâu đời hơn. Chúng tôi lại chuyển đổi từ một xã hội truyền thống mang tính chất tiểu nông rất nặng nề, hàng ngàn năm, cho nên trong văn hóa ứng xử với những cái mới như vậy thì người Việt Nam trong chừng mực nào đấy còn mới. Và còn có một bộ phận nhất định, họ không hoàn toàn hiểu được quyền và nghĩa vụ để tham gia một cách đúng đắn”.
Từ góc nhìn của một người dùng mạng xã hội tại Việt Nam, nhạc sĩ trẻ Đức Tiến cũng thừa nhận về những hành xử xấu xí của cư dân mạng đã tạo ra “cái cớ” đưa đến kết quả khảo sát của Microsoft.
Đặc biệt, theo anh, những người hay đưa ra ý kiến phản biện hoặc những bài viết phản biện trên mạng luôn là nạn nhân của những hành vi “kém văn minh” này.
“Tất cả những phản biện đó, theo mình, là giá trị của văn minh. Nhưng có một đạo quân mà người ta gọi là ‘dư luận viên’, đạo quân này có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, ngay cả để bảo vệ cho một ca sĩ thôi”.
Nhạc sĩ Đức Tiến kể lại một kinh nghiệm anh từng gặp khi xảy ra vụ mâu thuẫn giữa một ca sĩ và một nhạc sĩ anh quen biết.
“Mình lên (mạng) bảo vệ người nhạc sĩ như một người đàn anh thì bị fan của ca sĩ đó tấn công, thậm chí chửi thề mình. Họ hoàn toàn không phản ứng giống như những bài hát mà thần tượng họ đã hát. Họ sẵn sàng chửi, thậm chí tìm đến nhà đánh, hăm dọa”.
Theo nhạc sĩ Đức Tiến, đội ngũ “dư luận viên hoàn toàn không có khả năng phân tích sự kiện để phản biện với các nhà phản biện” nên đã quay sang sử dụng lối hành xử thiếu văn minh trên.
“Mình cảm thấy tình trạng này giống như được cổ xúy, bởi vì nó nhiều quá và công khai nữa nhưng không có người, không có tổ chức nào ngăn chặn việc này”.
Năm ngoái, trong cuộc thảo luận tại Quốc hội về vấn đề mạng xã hội, Chủ tịch hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập báo Nhân Dân - ông Thuận Hữu - nhận định rằng: "Có lẽ không có nước nào như Việt Nam, mở máy ra thấy chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai".
Nhà báo kỳ cựu này cho rằng mạng xã hội đang "tác động ghê gớm" đến đời sống của người dân Việt Nam, và "những giá trị đạo đức đang bị lung lay".
Kể từ khi Việt Nam bắt đầu áp dụng Luật An ninh Mạng vào đầu năm ngoái, đã có nhiều trường hợp người sử dụng mạng bị cơ quan chức năng xử phạt theo luật này. Trong đó, lý do phổ biến được nhà chức trách đưa ra là vì đối tượng “tung tin giả, sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội”.
Theo nhạc sĩ Đức Tiến, Luật An ninh mạng là “quá mới” đối với người dân, và những người bị xử phạt, hay trong trường hợp bản thân anh là bị khóa nick một vài lần vì chia sẻ bài viết, vẫn không hiểu tại sao mình bị phạt.
“Khóa nick cũng là thực thi Luật An ninh mạng vì không muốn mình làm như vậy nữa, nhưng cá nhân mình nghĩ rằng những bài viết đó có gì đâu mà mình lại bị cấm!”
Khi được hỏi liệu bộ luật mới này có góp phần “cải thiện” cách hành xử của người Việt không, GS-TS. Trịnh Duy Luân cho rằng “có thể giúp một phần”.
“Tất nhiên, không kỳ vọng nó giúp được hoàn toàn, triệt để, bởi vì nguyên nhân sâu xa của văn minh là khác. An ninh mạng chủ yếu là cho an ninh nhiều hơn, đặc biệt trước hết là ổn định chính trị. Thứ hai là cho mức độ văn minh, tham gia (mạng xã hội) với tính chất xây dựng”.
Báo cáo của Microsoft cho thấy rủi ro về tình dục và lừa đảo là những nguy cơ phổ biến nhất mà người sử dụng mạng Việt Nam đang phải đối diện.
Trong số những người tham gia khảo sát tại Việt Nam, 49% cho biết họ đều gặp những liên lạc không mong muốn, 41% nhận được những tin nhắn gợi dục không mong muốn, 39% từng nhận được tin lừa đảo, 30% bị quấy rối tình dục trên mạng, 29% bị gạ gẫm tình dục.
Những chủ đề mà người Việt thường hành xử thiếu văn minh trên mạng bao gồm: Các mối quan hệ tình cảm (48%), giới tính (48%), ngoại hình (35%), chủng tộc (23%) và quan điểm chính trị (23%).
Trong số 5 quốc gia đứng cuối bảng, Việt Nam xếp trên Nga, Colombia, Peru và Nam Phi.
Năm quốc gia được đánh giá là hành xử trên mạng văn minh nhất theo thứ tự là Anh, Hà Lan, Đức, Malaysia và Mỹ.
BỊ PHẠT ĐẾN 30 TRIỆU ĐỒNG NẾU CHÊ NGƯỜI KHÁC BÉO, Ế, XẤU TRÊN MẠNG
MINH BẰNG/ LĐ 25-2-2020
Chê người khác béo coi chừng bị phạt (ảnh minh họa).
Chê người khác béo coi chừng bị phạt (ảnh minh họa).
Bình phẩm một cách tiêu cực về ngoại hình người khác như “béo, ế, xấu…” tưởng chừng chỉ là những câu nói đùa vu vơ, nhất là trong môi trường mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu người bị nhận xét cho rằng, họ bị xúc phạm về nhân nhân phẩm thì theo Nghị định 15/2020 có hiệu lực từ 15.4.2020, người có những lời lẽ bình phẩm thiếu văn minh trên sẽ nhận mức phạt tới 30 triệu đồng.





Vô tư bình phẩm - vô tình xúc phạm
Mới đây, công bố của Microsoft  qua khảo sát 500 người từ 13 đến 74 tuổi cho thấy: Tại Việt Nam tỉ lệ các tin nhắn, bình phẩm tiêu cực về ngoại hình người khác trong môi trường internet chiếm tới 35%. Đối tượng bị bình phẩm chủ yếu là phụ nữ.
Tuy nhiên con số đó chưa phản ánh hết hành vi được cho là là thiếu văn minh trên không gian mạng. 
“Trong các bạn bè tôi thì đa số vẫn vô tư mang những điểm khiếm khuyết trên cơ thể người khác ra để bình phẩm, comment trên mạng xã hội- Mai Anh, sinh viên năm cuối một trường Đại học ở Cầu Giấy, Hà Nội cho hay - Khi hỏi lại là tại sao có thể vô duyên đến vậy thì tất cả đều nói, họ nói cho vui thôi, không có ý xúc phạm. Thế nhưng họ lại không hiểu được những tác động về tâm lý rất lớn khi thường xuyên phải nghe bình phẩm như vậy”.
Năm 2018, mạng xã hội dậy sóng vì một nữ sinh lớp 11 tại Nghệ An đã tự tử tại ao gần nhà khi phải đối mặt với những lời bình phẩm ác ý, thô tục trên mạng. Gần hơn, giữa năm 2019, một bà mẹ ở Đồng Nai đã phải cầu cứu tới cơ quan chức năng về việc con gái bà bị bôi nhọ, xúc phạm tới mức trầm cảm và thường xuyên nghĩ đến chuyện tự tử.
Năm 2018 trước thực trạng này, tại TPHCM, một nhóm giáo viên đã tiến hành khảo sát 500 em học sinh tại thành phố về ảnh hưởng và tác động của những bình phẩm tiêu cực về ngoại hình. Kết quả 56% học sinh gặp phải hành vi này. Trong đó, 22,4% học sinh bị rất thường xuyên, chủ yếu tập trung những khuyết điểm của cơ thể như vóc dáng, mặt, da, eo, mông, đùi, chân, tay, răng. Nhóm nghiên cứu này đưa ra nhận định: Đa số học sinh chưa tự xử lý được vấn đề này, thậm chí còn có suy nghĩ, hành động tiêu cực như “muốn trốn cả thế giới”, “tuyệt vọng muốn trốn ở nhà luôn hoặc đi phẫu thuật”…
Tuy nhiên, chính lớp trẻ lại không ý thức được việc mình làm: “Tôi nghĩ đa số là đùa xong rồi thôi, ít ai nghĩ đến hậu quả phía sau. Nhưng có lẽ một phần do ít người bị khởi kiện, bồi thường vì nói xấu về ngoại hình người khác”- Phạm An, 27 tuổi ở Hà Nội chia sẻ.
Có chế tài nhưng có lỗ hổng
Trên thực tế thì các quy định hiện hành cũng đã quy định về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Theo đó, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ; cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Còn theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Nếu tính chất, mức độ của một trong các hành vi đủ để người đó phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với khung cho tội danh: Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì bồi thường tới 30 triệu đồng và có thể bị án tù tới 3 năm. Với tội danh dẫn đến Gây rối loạn tâm thần, hành vi của nạn nhân với mức tổn thương từ 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát thì có thể bị phạt tù cao nhất là 5 năm.
Thế nhưng các luật hiện hành lại không quy định rõ hành vi như chế giễu, chê bai ngoại hình người khác có phải thuộc tội “làm nhục” hay không. Và việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín trên môi trường internet khác với việc xác phạm trực tiếp có khung xử lý khác nhau không?
Những lỗ hổng này đang được kỳ vọng sẽ được lấp đầy khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”.
Kể từ ngày 15.4.2020 Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội được làm rõ trong điều 101. Theo đó, hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Xây dựng văn minh khi tham gia mạng xã hội đang được đẩy mạnh. Nghị định 15/2020/NĐ-CP được kỳ vọng là sẽ làm trong sạch môi trường mạng, đặc biệt là trên internet. Trong đó nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội, cẩn trọng và cân nhắc hơn khi bình phẩm về ngoại hình người khác với những ngôn từ tưởng chừng như chỉ để đùa như: “gầy, xấu, ế”… 
MINH BẰNG
'PHI THƯỜNG LẮM' - KHÔNG THỂ TIÊU HOÁ ĐƯỢC
PHẠM LIÊM/ BVN 25-2-2020
Tôi không bình thơ. Tôi không bàn tới ngôn ngữ, nhạc điệu, niêm luật, hay dở. Tôi chỉ đơn thuần bàn tới tính đạo đức và ý thức trách nhiệm của bài thơ “Tổ quốc ở trong tim” của cô giáo Chu Ngọc Thanh.
Tôi nêu ra vài tình huống, để bạn đọc và cô Thanh suy nghĩ.
Một em học sinh đang chết đuối giữa dòng nước chảy xiết. Các em trên bờ không biết bơi hoặc bơi kém. Nên hay không nhảy xuống cứu bạn?
Một em học sinh bị điện giật. Hiện trường lộn xộn, giây điện lằng nhằng, cầu dao nơi nào không rõ. Các em khác có nên nhảy vào cứu bạn?
Một tên cướp có hung khí, đang bắt giữ một học sinh làm con tin. Các em khác có nên xông lên, nghênh chiến, cứu bạn?
Đám cháy lớn, khói lửa mịt mù. Có tiếng trẻ em la hét. Các em học sinh khác không kiến thức, không kinh nghiệm chữa lửa. Có nên nhảy vào cứu bạn?
Tôi sẽ không viết gì, nếu cô Thanh không lên lớp, đạo đức,  thuyết giảng người khác về tính “nhân văn”, về lòng “nhân ái”: Cô dạy không được “nhắm mắt làm ngơ”, “không thể thờ ơ”, phải “mở cửa đón họ vào bến cảng.”
Tôi sẽ không phàn nàn điều gì, nếu cô giáo Thanh không viết ra những mỹ từ rất to tát về lòng dũng cảm, về tính cao thượng: Cô giảng về “phi thường”, “sâu thẳm”, “nhịp cầu mơ ước”, “tim hồng rạng tỏa” “không điều gì làm cho mình sợ hãi.”
Tôi e rằng: Khi cô viết bài thơ này, cô Thanh không ý thức được đạo đức và trách nhiệm cao nhất của người giáo viên là: Bảo vệ sức khỏe và sự an toàn tính mạng cho học sinh trong mọi tình huống.
Nếu cô đặt tính mạng của học sinh, gia đình học sinh và toàn cộng đồng lên vị trí số một, thì cô sẽ hiểu tại sao rất nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) phải từ chối những du thuyền mang virus Vũ Hán cập bến.
Cô Thanh không ý thức được đạo đức và trách nhiệm của một giáo viên. Nên cô đã đặt những thứ hão huyền, vớ vẩn của du thuyền lên trên tính mạng học sinh, và tính mạng cộng đồng trong đó có cô và gia đình cô.
Cô Thanh viết “làm được những điều phi thường lắm.” Cô dạy học sinh những điều “phi thường,” mà quên chỉ bảo các em những việc bình thường: rửa tay, ăn chín, uống sạch, đi ngủ sớm, vệ sinh cá nhân, và biết cách tự bảo vệ mình.
Biết tự bảo vệ mình đồng nghĩa với việc bảo vệ cộng đồng. Biết bảo vệ cộng đồng chính là lòng yêu nước, là sự cao thượng, là tính nhân văn, là người có đạo đức, là giáo viên có trách nhiệm.
Những điều cô viết trong bài thơ "Tổ quốc ở trong tim" quá “phi thường”. Phi thường đến mức không thể tiêu hóa được. Những ai cố tiêu hóa nó, không sớm thì muộn cũng rối loạn tiêu hóa.
24/2/2020
Khương Thượng Hà Nội
P.L.
Tác giả gửi BVN

ĐỪNG 'DẬY SÓNG' ĐỂ CÂU VIEW KHIẾN DÂN TÌNH 'BÌNH LOẠN'

NGUYỄN DUY XUÂN/ VHNA 26-2-2020


Thời đại Internet, truyền thông số phát triển như vũ bão. Tin tức được cập nhật liên tục, từng phút, từng giây và dường như không bị giới hạn về không gian địa lý. Bất kỳ ở đâu trên trái đất, chỉ cần một chiếc điện thoại di động có kết nối Internet là có thể cập nhật mọi thông tin đang diễn ra ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới.
Lợi thế đó, cách đây hơn hai ba chục năm về trước, chúng ta chưa dám nghĩ tới khi thông tin bị giới hạn bởi báo giấy, báo tiếng, báo hình - những phương tiện truyền thông truyền thống không phải ai cũng có điều kiện để tiếp cận.
Nhưng sự bùng nổ thông tin mạnh mẽ, nhanh chóng, rộng khắp chỉ diễn ra khi các ứng dụng mạng xã hội đi vào cuộc sống như Twitter, Facebook, Zalo, Youtube,… Với sự ra đời của mạng xã hội, người dùng chỉ cần một cái lích chuột hay ấn nút trên bàn phím điện thoại là có thể tiếp cận tức thì hay đăng tải ngay mọi thông tin.
Mạng xã hội vì thế, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường truyền thông với số lượng lớn người dùng lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ người trên trái đất. Có thể nói, cho đến nay chưa có phương tiện truyền thông nào có khả năng chia sẻ, tạo được hiệu ứng mạnh mẽ như các ứng dụng mạng xã hội.
Và “sóng” cũng bắt đầu từ đây.
Tận dụng ưu thế của mạng xã hội, báo chí, nhất là báo mạng lập tức không bỏ lỡ cơ hội, tìm mọi cách nhằm thu hút sự chú ý của độc giả, mục đích là để giành được lượng view, like nhiều nhất. Chuyện “câu view, câu like” xuất hiện. Và đây là nguồn cơn của cái gọi là “sóng dư luận” trên cộng đồng mạng xã hội (bao gồm báo mạng và các ứng dụng mạng xã hội nói trên).
Chuyện tạo “sóng dư luận” trên truyền thông là lẽ đương nhiên.  “Sóng là hiện tượng bình thường. Nhờ sóng dư luận mà nhiều vấn đề xã hội được giải quyết kịp thời. Nhưng cũng lắm khi, sóng kết hợp với cơn địa chấn tạo nên sóng thần cuồng nộ, có sức phá hủy. Sóng dư luận trên mạng cũng vậy” (Lê Hải Đăng, https://www.thesaigontimes.vn/292774/song-tren-cong-dong-mang.html).
Bài viết này bàn chuyện “sóng truyền thông” ở góc độ tạo hiệu ứng tiêu cực đối với xã hội - những “cơn địa chấn cuồng nộ, có sức phá hủy” như tác giả Lê Hải Đăng đã nhận xét.
Hiệu ứng tích cực hay tiêu cực của sóng dư luận trên mạng xã hội phụ thuộc vào nhận thức, ý đồ và cả cái tâm của người tạo sóng lẫn người tiếp nhận.
Có thể nêu một ví dụ điển hình vừa mới xảy ra cách đây ít hôm.
Một cô giáo viết “tâm thư” chia sẻ đến học sinh trong mùa dịch Covid-19 kèm theo bài thơ minh họa đăng tải lên một tài khoản Facebook. Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu như nó không lọt vào tầm ngắm của những phóng viên chuyên săn tin trên mạng xã hội để viết bài. Status của cô giáo ngay lập tức được phóng viên nhiều báo “phát hiện” chuyển tải thành bản tin với tựa đề na ná nhau, đồng loạt xuất hiện trên mặt báo: “Cô giáo làm ‘dậy sóng’ cộng đồng mạng với bài thơ đặc biệt về dịch Covid-19”, “Cô giáo viết “tâm thư” gửi học sinh giữa dịch Covid-19 gây bão mạng”,....
Vậy là từ một status đăng trên trang Fb nhóm cộng đồng, bỗng biến hóa thành một hiện tượng xã hội đặc biệt nhờ tài PR của phóng viên và uy tín của tờ báo.
Dư luận ngay lập tức bị cuốn hút bởi những ngôn từ có cánh: “Bài thơ đặc biệt về dịch Covid-19 của cô Thanh được chia sẻ trên hàng loạt Fanpage của cộng đồng giáo viên, học sinh cùng nhiều trang cá nhân. Trong đó, nhiều người cho biết đã chảy nước mắt khi đọc bài thơ”. Một cách đánh giá chung chung, chủ quan, hư hư thực thực, không được kiểm chứng (“đặc biệt, hàng loạt, nhiều người chảy nước mắt, dậy sóng, bão mạng”,…). Và “sóng” dư luận bắt đầu nổi lên.
Nhưng “dậy sóng” hay “gây bão mạng” không phải từ “tâm thư” của cô giáo mà là từ “uy tín” đối với độc giả của bản báo đã đăng tải. Với một thông tin liên quan đến vấn đề nóng bỏng đang được dư luận cả nước quan tâm, lại được chạy tít giật gân thì việc có hàng ngàn người view hay like chẳng có gì là khó hiểu đối với một tờ báo lớn. Thử hỏi nếu không có sự “lăng xê” của báo chí, tâm thư hay bài thơ của một cô giáo vô danh liệu có thể “dậy sóng” để “gây bão mạng”? Độ “đặc biệt” của tâm thư và bài thơ đến mức nào, cộng đồng mạng đã đánh giá, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại. Chỉ có điều, sau khi “dậy sóng, gây bão”, trên Fanpage đã từng đăng tải tâm thư của cô giáo, status đã bị gỡ. Loạt bài mà báo chí phản ánh sau đó cũng biến mất. “Sóng” xẹp, “bão” tan. Mạng xã hội tạm yên ắng trở lại.
Tại sao vậy? Có lẽ ban đầu vì hiệu ứng đám đông, cũng có thể là thói quen a dua trước một hiện tượng, sự việc nào đó mà nhiều người không đọc kỹ, chỉ lướt qua thấy nội dung phù hợp với tâm lý, nhận thức của mình thì sẵn sàng nhấn nút bày tỏ ý kiến. Nhưng đến khi bình tâm lại, soi chiếu kỹ hơn, phát hiện ra những bất cập về tính xác thực thông tin trong tâm thư, tính nghệ thuật và bản quyền của bài thơ thì lập tức, dư luận hạ nhiệt. Nội dung tích cực của “tâm thư” được thể hiện bằng cái tâm trong sáng nhưng hình thức thể hiện hạn chế, trái với cái gọi là “đặc biệt”, “dậy sóng” mà báo chí đã gán cho là nguyên nhân gây phản ứng trái chiều trong dư luận. Cảm thông cho cô giáo bỗng dưng phải gánh chịu áp lực từ búa rìu dư luận, không phải do cô gây ra.
Vào Google gõ cụm từ "cộng đồng mạng dậy sóng", không khó để bắt gặp hàng loạt sự kiện luôn được gắn mác “dậy sóng” kiểu như: Những chính sách dậy sóng, những phiên tòa dậy sóng, showbiz dậy sóng, phát ngôn dậy sóng, cộng đồng mạng dậy sóng,…
Trong số muôn vàn những con sóng do truyền thông tạo ra, có không ít những con sóng tích cực, tạo được sự đồng thuận của dư luận, tác động sâu sắc đến xã hội, làm thay đổi chính sách của nhà nước để phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống. Những con sóng như thế là thước đo thái độ, phản ứng của người dân về một vấn đề, một chủ trương, chính sách liên quan đến quốc kế dân sinh. Những con sóng tích cực ấy cần phải có để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội đất nước.
Nhưng cũng không ít con sóng truyền thông tạo hiệu ứng ngược bởi như trên đã nói, nếu người tạo ra nó không với cái tâm sáng, trí ngời mà chỉ để câu view, câu like thì vô hình trung những con sóng như thế gây chia rẽ dư luận, nhà quản lý nếu không tỉnh táo sẽ bị cuốn theo “sóng” mà đưa ra những quyết sách vội vã, bất cập.
Câu chuyện về tâm thư cô giáo “dậy sóng, gây bão” dư luận là một bài học sâu sắc không chỉ cho những người làm báo mà là tất cả chúng ta.
Viết đến đây, tôi bỗng nhớ câu nói của một người phụ nữ U60 ở Lâm Đồng trong một lần tham gia gameshow trên truyền hình: “Hãy bình tĩnh mà sống!”.
Vâng, hãy bình tĩnh mà sống nhất là giữa lúc dịch Covid đang đe dọa tính mạng của con người trên thế giới.
Nguyễn Duy Xuân

NTB- Riêng trường hợp cô giáo Chu Thị Thanh làm thơ yếu tố 'dậy sóng' lại là sai sót 'kỹ thuật' không đáng có của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc! 'Dậy sóng' này vừa có ích cho thủ tướng, vừa có ích cho truyền thông chính thống và đương nhiên có ích cho bản thân cô giáo Thanh như Phạm Liêm đã nêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét