Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2020

20200228. BÀN VỀ CẢI CÁCH BỘ MÁY CHÍNH PHỦ

ĐIỂM BÁO MẠNG

'SIÊU UỶ BAN' VÀ CHUYỆN VỐN CHO ĐƯỜNG SẮT

LƯƠNG BẰNG/ TVN 25-2-2020

Vừa mới chuyển nhà, lại muốn về nhà cũ
Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về giao ngân sách Nhà nước thực hiện việc quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, một nhiệm vụ được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện từ trước đến nay.
Trước đó, ông đã giao Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) nghiên cứu một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đề nghị điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban về trực thuộc lại Bộ Giao thông Vận tải quản lý “để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành đơn vị này”.
Đây là những hoạt động liên tục của người đứng đầu Chính phủ nhằm khai thông vướng mắc cho ngành đường sắt.
'Siêu ủy ban' và chuyện vốn cho đường sắt
Tổng công ty đường sắt gặp một số vướng mắc khi chuyển sang "siêu ủy ban"
Điều đáng nói là, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới chỉ “chuyển nhà” từ Bộ Giao thông Vận tải về Ủy ban mới được hơn 1 năm nay.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trần tình lý do muốn trở về Bộ Giao thông Vận tải là bởi không được giao vốn dự toán ngân sách năm 2020 cho việc bảo trì, đảm bảo an toàn chạy tàu do vướng điều 49 Luật ngân sách nhà nước. Vì không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải nên doanh nghiệp này không được Bộ giao vốn.
Do đó, từ ngày 1/1/2020, 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không được ký kết hợp đồng, khiến cho trên 1 vạn người không có tiền lương, nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.
Chuyện “đầu đi chân ở lại” ấy khiến doanh nghiệp này khốn đốn khi lâm cảnh “chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai”.
Câu chuyện của Tổng công ty đường sắt cho thấy hành lang pháp lý cho việc hoạt động của một cơ quan mới như Ủy ban đang có vấn đề vướng mắc. Nghị định số 131/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban chưa “phủ” được hết những khó khăn này, khiến Ủy ban hoạt động trong tình thế thiếu “cây gậy pháp lý” rõ ràng, vững chắc. Đây là điều đáng quan tâm khi, Ủy ban này tiếp nhận tới 19 “ông lớn” như Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Xăng dầu, Tổng công ty Cảng Hàng không… với vốn nhà nước lên tới gần 1,2 triệu tỉ đồng.
Vì khoảng trống pháp lý ấy nên những phần việc thuộc trách nhiệm của siêu ủy ban này không được vận hành trơn tru, thống nhất.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 ngày 16/1/2020, Thủ tướng từng nêu những tồn tại của cơ quan này như còn tình trạng chậm thực hiện một số công việc quan trọng, chậm phê duyệt chức danh quản lý của một số tập đoàn, tổng công ty; chậm cổ phần hóa, thoái vốn. Việc sắp xếp lại nhà, đất của các tổng công ty, tập đoàn còn vướng mắc khiến cổ phần hóa thoái vốn bị chậm.
Thủ tướng cho rằng, còn có cơ chế, chính sách chồng chéo, chưa rõ ràng, khiến việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh và các nhiệm vụ khác của Ủy ban gặp khó khăn.
Ngoài ra, một khối lượng công việc “khổng lồ” khi nhận bàn giao doanh nghiệp về Ủy ban đã khiến cơ quan này quá tải. Ủy ban này đã tiếp nhận để tiếp tục xử lý 259 việc các bộ đang xử lý dở dang, trong đó có nhiều việc phức tạp, nhiều vướng mắc, khó khăn, tồn đọng qua nhiều năm. Có việc liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử, kỷ luật, thay thế cán bộ.
Khối lượng công việc ngày càng đầy lên, số dự án cần duyệt đọng lại càng nhiều, trong khi nhân sự chỉ 100 người, kinh nghiệm mỏng, năng lực hạn chế đã khiến Ủy  ban vốn chưa thể vào guồng; bộ máy vận hành không tránh khỏi trục trặc.
Mô hình đặc thù
Tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước để dẹp bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” ở các bộ, ngành tại doanh nghiệp nhà nước trực thuộc. Ý tưởng này được thai nghén, bàn thảo suốt ba thập kỷ qua để thành lập ủy ban.
Ban đầu, người ta đưa ra ý tưởng thành lập một đơn vị thiên về kinh doanh vốn, thu hút được nhiều người có năng lực kinh doanh về làm việc, chứ không phải một đơn vị hành chính thông thường. Người đứng đầu, nhân sự bộ máy giống như các CEO, hưởng lương như doanh nghiệp thay vì lương công chức.
Tuy nhiên, khi ra đời, Ủy ban lại vận hành giống với một cơ quan hành chính nhà nước hơn là một tổ chức kinh doanh vốn. 
Báo cáo tổng kết năm 2019, sau 1 năm hoạt động, Ủy ban đánh giá nhân sự là một điểm yếu. Theo cơ quan này, việc tuyển chọn, tiếp nhận cán bộ về Ủy ban thực hiện theo các quy định của pháp luật về tuyển dụng cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước. Trong khi đó, Ủy ban không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà là một cơ quan thuộc Chính phủ chuyên quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Điều này dẫn đến khó thu hút được nguồn nhân lực có trình độ và kinh nghiệm phù hợp với yêu cầu và tính chất quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.
Cũng vì thiên về “quản lý vốn” nên mục tiêu bảo toàn vốn đang được tập trung ưu tiên. Trong bối cảnh thiếu hành lang pháp lý như kể trên Ủy ban rất khó đưa ra quyết định nhanh và đúng thời điểm mà các dự án kinh doanh cần.
Trình bày tại cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng mới đây, Chủ tịch Ủy ban  Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh, việc thành lập Ủy ban là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình quá trình thực hiện chủ trương này, vướng mắc lớn nhất là chính sách, pháp luật. Để khắc phục, Ủy ban đã tích cực phối hợp với các Bộ ngành để tháo gỡ khó khăn và sẵn sàng nhận thêm nhiệm vụ được giao từ Chính phủ.
Ủy ban này cũng thừa nhận: Có một số trường hợp, việc xử lý của Ủy ban khác với thông lệ xử lý trước đây, có thể sẽ mất thêm thời gian nhưng Ủy ban thấy cần thiết nhằm bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tránh những sơ xuất hoặc sai phạm làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước như đã xảy ra ở một số doanh nghiệp, dự án và cơ quan quản lý trong giai đoạn trước đây mà điển hình là 12 dự án ngành công thương, dự án muối mỏ Việt – Lào, dự án nhiệt điện thái bình 2…
“Siêu ủy ban” coi việc tốn nhiều thời gian là để có được sự chặt chẽ, an toàn... Còn với doanh nghiệp, thời gian là tiền, là cơ hội, chậm ngày nào mất tiền, mất cơ hội.
Một lãnh đạo tập đoàn cho biết, sau khi tách chức năng quản lý ngành và đại diện chủ sở hữu, một dự án của doanh nghiệp vẫn phải có ý kiến của bộ quản lý ngành, Ủy ban và hàng chục bộ ngành, địa phương khác có liên quan. Bộ quản lý ngành cho ý kiến về thiết kế cơ sở dự án, còn Ủy ban là nơi duyệt dự án. Những công việc đó luôn chồng chéo và mất nhiều thời gian mà một số doanh nghiệp nói tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban này vào ngày 20/2, điều này giống như trước chỉ có “mẹ”, giờ có thêm “bố”.
Ủy ban mới vận hành hơn 1 năm, có mô hình đặc thù, khác biệt (kể cả so với những mô hình tương tự ở Trung Quốc và Singapore) nên những bỡ ngỡ ban đầu là khó tránh khỏi. Việc một doanh nghiệp như Tổng công ty đường sắt muốn trở về “mái nhà xưa” chưa phải là thước đo hiệu quả hoạt động của Ủy ban. Thời gian sẽ là nơi kiểm chứng hoạt động của cơ quan này, để những ý tưởng phát huy hiệu quả: Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Muốn vậy, những khoảng trống pháp lý phải được lấp đầy, cán bộ của Ủy ban phải tinh nhuệ và dám chịu trách nhiệm, có cơ chế khuyến khích động lực thì họ mới không tồn tại tâm lý “thủ thế phòng thân”, chỉ mong an toàn. Vì như ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, nói: “Nếu tiếp cận theo cách đối chiếu quy định pháp luật xem có rủi ro không, có rủi ro - dừng thì ‘họp nữa, họp mãi’ cũng thế”.
Lương Bằng

MÔ HÌNH KIẾN TẠO
ĐINH ĐỨC SINH /TVN 27-2-2020
Các bộ và cơ quan ngang bộ (sau đây viết tắt là bộ) đều được thiết kế là những cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành (trước Đổi mới), rồi đa ngành (từ Đổi mới đến nay). Với thiết kế đó, cơ cấu Chính phủ có thời kỳ đã gồm trên dưới 40 bộ chuyên ngành, và cách đây 15 năm, còn 20 bộ đa ngành. Đây là một thành tựu lớn của cải cách.
Tuy nhiên, xã hội đang kỳ vọng những thành tựu lớn hơn. Kỳ vọng này phù hợp với Nghị quyết trung ương 18, phù hợp với nhiều ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng gần đây về Chính phủ kiến tạo, về đổi tên Bộ Kế hoạch-Đầu tư thành Bộ Kinh tế và Chiến lược, hoặc Ủy ban Cải cách và Đổi mới, về đổi tên Bộ Thông tin-Truyền thông thành Bộ Thông tin và Kinh tế số.
Ý Đảng, lòng dân và gợi mở của Thủ tướng đều có chung một mẫu số, đó là Chính phủ và các bộ không chỉ là những cơ quan quản lý ngành hoặc đa ngành như đã có từ trước đến nay mà phải là những cơ quan kiến tạo, chiến lược, cải cách, đổi mới, kinh tế, kinh tế số…
Mô hình kiến tạo
Cơ cấu Chính phủ có thời kỳ đã gồm trên dưới 40 bộ chuyên ngành, và cách đây 15 năm, còn 20 bộ đa ngành. Đây là một thành tựu lớn của cải cách. Ảnh: Lê Anh Dũng
Mẫu số này có nguồn gốc sâu xa từ năm 1986 khi công cuộc Đổi mới được khởi xướng với chủ trương chuyển nền kinh tế kế hoạch tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước và sau đó là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ 40 bộ chuyên ngành, nay còn 20 bộ đa ngành. Kết quả cải cách bộ máy Chính phủ trong vài ba thập kỷ qua tuy có nhiều thành tựu nhưng không vượt qua được tính chất của những cuộc lồng ghép, sáp nhập. Thậm chí tên của bộ mới thường phải mang tên vài ba bộ ngành cũ (như: Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Công-Thương, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch…), chỉ vài ba bộ bị bỏ tên (như: Lâm nghiệp, Thủy lợi, Vật giá…).
Số bộ cũ tuy được giảm, nhưng phần lớn lại được duy trì dưới hình thức tổng cục tại bộ mới mà người đứng đầu thường là thứ trưởng hoặc hàm thứ trưởng. Chưa bao giờ trong Chính phủ, cấp phó (từ phó phòng trở lên) lại đông đảo như hiện nay, tổng biên chế đã phình ra không ngăn lại được.
Cải cách bộ máy của Chính phủ đã ảnh hưởng quyết định đến cải cách bộ máy chính quyền các cấp ở địa phương. Trung ương có bộ ban ngành nào thì cấp tỉnh đều có sở ban ngành làm chân rết cho cơ quan trung; cấp huyện đều có phòng ban ngành làm chân rết cho cơ quan tỉnh; cấp xã đều có ban ngành làm chân rết cho cơ quan huyện với biên chế mà đông đảo là những người không chuyên trách, chỉ hưởng phụ cấp, thiếu chuyên nghiệp.
Bộ máy hành chính với cơ quan cao nhất là Chính phủ được tổ chức theo mô hình chân rết như vậy nhưng vẫn "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe". Hiệu quả, hiệu lực hoạt động của toàn hệ thống luôn ở mức thấp hơn kỳ vọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhân dân.
Nếu chỉ là sáp nhập một số bộ chuyển một số ngành từ bộ này sang bộ khác,…thì  cơ cấu đó không đủ sức để cải cách hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương tới cấp xã.
Bộ quản lý ngành, tỉnh quản lý ngành, huyện quản lý ngành, xã quản lý ngành, đó là mô hình của hệ thống hành chính đã có từ thập niên 70 thế kỷ trước. Mô hình hành chính này không chỉ cũ mà còn đẻ ra những phái sinh đứng trên cả thể chế, đó là làm cấp trên trực tiếp và nhiều tầng cấp trên gián tiếp đối với doanh nghiệp, mà hệ thống lập pháp, tư pháp dẹp mãi vẫn chưa xong cho tới nay.
Khung độ cải cách cơ cấu Chính phủ trong nhiệm kỳ tới đây không phải là một cải cách ở hạn độ 5 năm, mà phải là 20 năm để đáp ứng được sự vận hành của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.
TS. Đinh Đức Sinh


TINH GIẢN CHÍNH PHỦ

LÊ ĐĂNG DOANH/ VNEX 26-2-2020

Lê Đăng Doanh

Trước đây, vấn đề an toàn thực phẩm, cái gì trên cạn thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp, dưới nước là Bộ Thủy sản, đem ra chợ là của Bộ Thương mại, thuộc về sức khỏe con người là Bộ Y tế. Và nếu liên quan đến đo lường chất lượng, còn có Bộ Khoa học Công nghệ.
Kiểu quy định trách nhiệm như vậy dẫn đến điều nhiều người đã từng nói: "Thành công có rất nhiều cha nhưng thất bại là một đứa con rơi".
Gần đây nhất, chúng ta sắp xếp lại bộ máy chính phủ năm 2007. Chính phủ đã giảm đi bốn bộ và cơ quan ngang bộ. Khi đó, tôi đã không chỉ một lần nêu quan điểm ủng hộ sự ra đời của Bộ Công thương - sáp nhập Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại. Trước đây, công nghiệp và thương mại thường có chính sách ít thống nhất với nhau theo kiểu một bên là mở cửa, một bên bảo hộ. Nay, thị trường trong và ngoài nước đã thông thương với nhau, cần thông nhau trong cả cách điều hành sản xuất và thương mại. Người sản xuất cần có trách nhiệm với việc tiêu thụ.
Khi các nhà báo hỏi, tôi cũng khẳng định, việc sáp nhập Bộ Thủy sản và Nông nghiệp là hợp lý. Thủy sản và Nông nghiệp đều sử dụng tài nguyên đất và nước, nhiều công việc gần gũi nhau nên việc kết hợp đó có thể giúp hoạch định chính sách phát triển nông, lâm ngư nghiệp một cách tối ưu. Văn hóa - Thể thao - Du lịch là sự kết hợp được dự báo còn nhiều vất vả, bởi văn hóa là mảng rất phức tạp và rộng lớn. Bộ Tài nguyên - Môi trường dù giữ nguyên tên nhưng đảm nhận thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về biển, đảo là một minh chứng rằng chúng ta đã nhớ lại vai trò quan trọng của kinh tế biển như một tầm nhìn dài hạn.
Nhưng người dân vẫn thấy nhiều quan chức nhà nước hàng ngày đi lại tất bật, họp hành triền miên chứ không biết họ đã làm gì. Đôi khi, đó chỉ là bộ máy này bày việc cho bộ máy kia, bộ này mời bộ khác đến, địa phương này giao lưu với địa phương kia mà người dân chẳng được cái gì cả. Tiến bộ của Chính phủ, thực chất còn là việc điều chỉnh lại chính bộ máy của mình.
Tôi mới nghe đề xuất về tinh giản bộ máy Chính phủ. Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, ông Lê Anh Tuấn cho rằng cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 nên rút gọn số bộ, cơ quan ngang bộ từ 22 xuống 20 bằng việc hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư thành Bộ Tài chính - Kế hoạch Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.
Ông cũng đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ một số bộ, cơ quan ngang bộ; số phó thủ tướng từ năm xuống còn bốn người; từ 22 bộ trưởng xuống còn 20 bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Trước đó, Bộ Nội vụ từng đề xuất nên sáp nhập nhiều sở, ngành của các tỉnh và thành phố.
Tôi rất hoan nghênh thay đổi này. Thứ nhất, việc tinh gọn bộ máy giúp giảm bớt vị trí, bộ, ban, ngành không còn cần thiết; hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới; tăng cường hiệu quả bộ máy, tinh hoa hóa đội ngũ nhân sự của chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện chỉ lo việc đầu tư từ vốn ngân sách và lập quy hoạch, kế hoạch, hoàn toàn có thể thống nhất với Bộ Tài chính. Cũng như vậy, nhiều bộ, cơ quan ngang bộ nên rà soát lại nhiệm vụ, cắt đi những nhiệm vụ thuộc về thị trường, trùng lắp nhau.
Số phó thủ tướng bốn người cũng là thích hợp, trong đó có một người thường trực, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của các bộ trưởng. Ta có thể tham khảo mô hình chính phủ của một số nước khác như Anh, Pháp, thậm chí Mỹ cũng không có phó thủ tướng mà vẫn hoạt động rất hiệu quả. Tất nhiên ta phải nghiên cứu nghiêm túc và khoa học xem mô hình nào phù hợp với Việt Nam.
Thực tế, chúng ta đang có năm phó thủ tướng nhưng rất nhiều việc lớn nhỏ đều đợi Thủ tướng quyết. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ từng nói, một giờ sáng Thủ tướng còn gọi điện thoại. Nếu mọi việc đều đợi Thủ tướng thì sẽ bị tồn đọng. Khó khăn khi đó dồn cho dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, tinh giản bộ máy là tiết kiệm ngân sách quốc gia. Chi thường xuyên của ngân sách nhà nước nhiều năm lên đến 70 % tổng chi ngân sách: chi trả nợ mất 25 %, còn chi đầu tư phát triển chỉ chiếm rất nhỏ, dưới 10% và phải phát hành trái phiếu, đi vay để đầu tư phát triển. Nếu biên chế, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được.
Mới đây, phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cải cách chính sách tiền lương phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó hai giải pháp mang tính đột phá, căn cơ nhất là phải sắp xếp, tinh giản bộ máy, giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách. Theo chỉ tiêu, đến năm 2021 phải giảm được ít nhất 10%. Ngân sách mấy năm qua rất căng thẳng nên phải thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, khắc phục lãng phí. Có lần Kiểm toán Nhà nước phát hiện các cơ quan công quyền "thừa" tới 57.000 nhân viên trong biên chế. Một số bộ như Bộ Công an gần đây đã giảm rất mạnh biên chế mà hiệu quả công việc chưa ảnh hưởng gì.
Thứ ba, mô hình chính phủ của các nước phát triển rất tinh gọn, thể hiện sự tiến bộ và văn minh của thế giới mà không có cớ gì chúng ta không học hỏi theo. Nhiều quốc gia có quy mô dân số, quy mô nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần, nhưng số bộ, cơ quan ngang bộ ít hơn hẳn. Ví dụ Trung Quốc và Malaysia có 25 bộ, Indonesia 24, Nga 21, Pháp 18, Singapore 16, Mỹ 15, Đức 14 bộ. Trong khi Việt Nam đang có 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.
Cuối cùng, mô hình chính phủ điện tử, số hóa nền kinh tế, vận dụng sâu rộng công nghệ thông tin trong bộ máy sẽ giúp giảm nhiều nhân lực trong chính phủ song lại tăng cường khối lượng công việc. Công nghệ thông tin có nhiều ưu điểm, nhanh, gọn, tiện lợi, chống tham nhũng và minh bạch hóa cho dân. Từ đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bứt phá trong thực hiện chính phủ điện tử.
Đến nay, tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử. Chính quyền điện tử vẫn còn những yếu tố dẫn tới hiệu quả chưa cao, nhưng hiện nay, hầu hết người dân đã có điện thoại di động có thể tiếp cận các cổng thông tin của chính phủ điện tử. Chính phủ điện tử có bốn cấp độ, cấp độ cuối cùng là người dân có thể phản ánh, khiếu nại, tố cáo, trình bày về những trường hợp tham nhũng và những trường hợp tiêu cực và ngay lập tức phản hồi lại tới người dân.
Tinh gọn chính phủ là đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ cải cách chính trị với cải cách kinh tế, cải cách thể chế, giúp thúc đẩy công khai minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lợi ích nhóm và đặc quyền đặc lợi. Đây cũng là cơ hội để sàng lọc cán bộ, tận dụng người tài, khắc phục các biểu hiện lệch lạc trong chính sách cán bộ, ưu tiên "con ông, cháu cha", "quan hệ", đưa những người kém năng lực, phẩm chất vào bộ máy.
Những cố gắng thu gọn đầu mối này sẽ có kết quả tốt nếu như đó không chỉ là việc dồn một số cơ quan về ngồi chung trụ sở mà là điều chỉnh chức năng nhiệm vụ để tạo ra những bộ máy hoạt động theo nguyên tắc mới. Giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải cải cách thể chế, bao gồm cả thể chế nhà nước và thể chế kinh tế thị trường, thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, làm rõ trách nhiệm giải trình của quan chức đối với chi tiêu ngân sách nhà nước, đầu tư công, trách nhiệm đối với dân và doanh nghiệp, giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc đối với người dân và doanh nghiệp.
Với người dân, điều họ quan tâm hơn cả không phải là Chính phủ có thêm cái gì, bớt cái gì, mà là việc Chính phủ đã chuẩn bị và sẽ làm gì để giải quyết những khó khăn thường ngày của họ.
Lê Đăng Doanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét