Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2020

20200214. QUANH SỰ KIỆN KÝ HIỆP ĐỊNH EVFTA

ĐIỂM BÁO MẠNG

EVFTA: NGHỊ VIỆN EU THÔNG QUA, VIỆT NAM VÀ DOANH NGHIỆP CHÂU ÂU MỪNG VUI

BBC 12-2-2020

Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là: 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng

Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là: 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng
Nghị viện châu Âu ngày 12/2 chính thức thông qua hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là: 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng.
EVFTA được EU gọi là "thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển".
Nghị quyết của Nghị viện EU đi kèm EVFTA cũng được thông qua với tỉ lệ 416 ủng hộ, 187 chống, 44 trắng.
Với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), Nghị viện châu Âu bỏ phiếu, 407 ủng hộ, 188 chống, 53 trắng.
Nghị quyết đi kèm Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) được thông qua với tỉ lệ 406 ủng hộ, 184 chống, 58 trắng.
Nghị viện châu Âu tuyên bố rằng thỏa thuận thương mại với Việt Nam "có thể bị tạm ngừng nếu có vi phạm nhân quyền" trong tương lai.




The European Parliament buildingBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Hồi tháng 2/2019, Nghị viện EU bỏ phiếu tương tự cho Hiệp định Tự do mậu dịch với Singapore, và kết quả là có 425 phiếu thuận, 186 chống và 41 vắng mặt.
Việt Nam là bạn hàng lớn thứ nhì của EU trong ASEAN, chỉ sau Singapore.
Trao đổi hàng hóa hai bên đạt 47,6 tỷ euro một năm, cộng thêm 3,6 tỷ giá trị dịch vụ.
Hiện EU có thâm hụt thương mại 27 tỷ euro trong trao đổi với Việt Nam, tính theo số liệu năm 2018.

Bước tiếp theo

Bây giờ, Hội đồng châu Âu, theo thủ tục, sẽ thông qua thỏa thuận thương mại EVFTA.
Còn với hiệp định bảo hộ đầu tư, thì trước khi có hiệu lực, còn đòi hỏi quốc hội của từng quốc gia trong EU bỏ phiếu.
Sau cuộc bỏ phiếu hôm nay, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, Bernd Lange, tuyên bố:
"Lịch sử chứng minh cô lập không thay đổi một quốc gia. Vì vậy Nghị viện bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận thương mại với Việt Nam."
"Đây là lý do vì sao Nghị viện EU bỏ phiếu đồng ý với thỏa thuận mậu dịch này, và cùng nó, chúng ta đẩy mạnh vai trò của EU tại Việt Nam và trong vùng, đồng thời đảm bảo rằng tiếng nói của chúng ta có sức mạnh hơn trước."
Ông Lange nói tiếp:
"Đây là điều đặc biệt quan trọng trước những vấn đề chúng ta không đồng ý với nhau, như vai trò của báo chí tự do hay quyền tự do chính trị (free press or political freedom).
Chúng tôi cũng mở rộng phạm vi để xã hội dân sự hoạt động. Công việc của chúng tôi từ nay là là sao thỏa thuận này được đem vào thực hiện."
(Xem thêm nội dung thông cáo cáo chí của EU về EVFTA, bản tiếng Anh).




Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, Bernd LangeBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionChủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, Bernd Lange

Tranh luận

Vào tháng Giêng, Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp định này.
Phái đoàn Bộ Công thương Việt Nam do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu, hôm 28/1, đã dự một hội nghị tại Brussels.
Hội nghị này được tổ chức theo sáng kiến của Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA).
Nó nhằm thúc đẩy sự đồng thuận cao hơn đối với việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA khi hai Hiệp định này được đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu.
EVFTA gồm hai Hiệp định, một là Hiệp định Thương mại (EVFTA), và một là Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).
Trong khi đó, 28 nhóm dân sự trong và ngoài Việt Nam đang kêu gọi Nghị viện chây Âu hoãn bỏ phiếu vì lý do nhân quyền.
Human Rights Watch nói cuộc bỏ phiếu nên hoãn lại cho tới khi Việt Nam "đồng ý đáp ứng các tiêu chuẩn đo đếm được, cụ thể để bảo vệ quyền lao động và nhân quyền".
Nhưng Geert Bourgeois hiện là báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA), phát biểu:
"Bên cạnh tầm quan trọng kinh tế và địa chính trị, tôi tin rằng thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách bên trong Việt Nam.
"Việc thông qua sẽ thúc đẩy thêm tiến bộ về tiêu chuẩn lao động, môi trường và tôn trọng nhân quyền."
Theo thông báo của phía EU, "Việt Nam cam kết sẽ phê chuẩn hai luật mà Nghị viện EU yêu cầu, một là luật xóa bỏ lao động cưỡng bức (năm 2020), và hai là về tự do hội họp (freedom of association, 2023)."




Geert Bourgeois hiện là báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA)Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionGeert Bourgeois hiện là báo cáo viên Hiệp định Tự do Thương mại với Việt Nam (EVFTA)

Những mốc thời gian chính của EVFTA

Tháng 10 năm 2010: Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 6 năm 2012: Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
Tháng 12 năm 2015: Kết thúc đàm phán và bắt đầu rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
Tháng 6 năm 2017: Hoàn thành rà soát pháp lý ở cấp kỹ thuật
Tháng 9 năm 2017: EU chính thức đề nghị Việt Nam tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước với nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng do phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU hay từng nước thành viên.
Theo đề xuất này, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm:
- Hiệp định Thương mại tự do bao gồm toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
- Hiệp định Bảo hộ đầu tư (Hiệp định IPA) bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Tháng 6 năm 2018: Việt Nam và EU đã chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định EVFTA; và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Tháng 8 năm 2018: Hoàn tất rà soát pháp lý Hiệp định IPA.
Ngày 17 tháng 10 năm 2018: Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua EVFTA và IPA.
Ngày 25 tháng 6 năm 2019: Hội đồng châu Âu đã phê duyệt cho phép ký Hiệp định.

Một số nội dung chính của Hiệp định EVFTA

Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).
Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).
Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.
Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.

Ô tô, xe máy Việt Nam, EU và tác động của EVFTA?

EU hứa gì?
EU cam kết loại bỏ thuế quan cho tất cả các sản phẩm ô tô, xe máy và phụ tùng ô tô, xe máy của Việt Nam nhập khẩu vào EU ngay khi EVFTA có hiệu lực hoặc theo lộ trình (dài nhất là 07 năm).
EU cam kết loại bỏ thuế cho Việt Nam ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với các dòng xe máy kéo, xe tải chuyên dụng, phụ tùng linh kiện ô tô, xe máy từ 50cc250cc.
Thuế quan đối với xe bus, ô tô con, ô tô tải, xe máy dưới 50cc sẽ được cắt giảm dần đều và được loại bỏ hoàn toàn sau 07 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Đây là nhóm phải chịu lộ trình loại bỏ thuế dài nhất. Các nhóm khác như xe máy trên 250 cc hay phụ tùng linh kiện xe máy có lộ trình loại bỏ thuế lần lượt là 5 năm và 3 năm.
Việt Nam hứa gì?
Trong EVFTA, Việt Nam cam kết loại bỏ phần lớn thuế quan đối với các mặt hàng ô tô, xe máy, linh phụ kiện EU theo lộ trình tương đối dài (10 năm hoặc 07 năm). Tuy nhiên, đối với một số ít các dòng thuế linh kiện, phụ kiện ô tô, Việt Nam bảo lưu không cam kết loại bỏ thuế.
Theo cam kết này, ngoại từ dòng xe tải trên 45 tấn mà hiện đã đang áp dụng mức thuế 0%, Việt Nam không loại bỏ bất kỳ dòng thuế nào thuộc nhóm ô tô, xe máy và linh phụ kiện ô tô, xe máy ngay khi EVFTA có hiệu lực. Phần lớn các dòng thuế đều là cắt giảm dần đều và chỉ loại bỏ sau 7-10 năm.
Ngay cả đối với phụ tùng linh kiện xe máy, loại sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh và có khả năng cạnh tranh cao thì lộ trình này cũng là 07 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
Riêng đối với các mặt hàng ô tô, xe máy và phụ tùng đã qua sử dụng thuộc các nhóm 8702, 8703, và 8704, Việt Nam không đưa ra cam kết nào, việc nhập khẩu và thuế nhập khẩu sẽ hoàn toàn thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo từng thời kỳ.
Với mức cam kết này, so với EU, Việt Nam có sự bảo hộ đáng kể đối với ngành ô tô, xe máy nội địa thông qua việc giữ hàng rào thuế quan với lộ trình loại bỏ dài. Mặc dù vậy, mức cam kết này cũng là rất lớn đối với Việt Nam (do Việt Nam hiện đang áp dụng mức thuế MFN rất cao).
Nguồn phần này: Sổ tay EVFTA và ngành ô tô, xe máy Việt Nam (WTO Center, VCCI, 2017)


THỨ TRƯỞNG BÙI THANH SƠN 'BẬT MÍ' HẬU TRƯỜNG KHÓ KHĂN PHÊ CHUẨN EVFTA
SONG MINH/LĐ 13-2-2020
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm và làm việc tại Nghị viện Châu Âu thúc đẩy bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Ảnh: BNG

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm và làm việc tại Nghị viện Châu Âu thúc đẩy bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Ảnh: BNG
Hai ngày trước khi diễn ra bỏ phiếu về EVFTA và EVIPA như đã được thống nhất, EP còn buộc phải tiến hành bỏ phiếu về việc có hoãn lại cuộc bỏ phiếu này hay không.



Trao đổi với báo giới ngày 12.2, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Liên minh Châu Âu (EU) và Việt Nam là các Hiệp định có mức độ cam kết sâu rộng nhất của EU với một thành viên đang phát triển, do đó quá trình phê chuẩn cần tuân thủ các quy định chặt chẽ của Nghị viện Châu Âu (EP) và của Nghị viện các quốc gia thành viên.
Việc xem xét phê chuẩn phải đi đôi với bảo đảm hiệu quả thực thi. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ gia tăng, những biến động trong chính trị nội bộ của EU, đặc biệt tiến trình Brexit, quan điểm và lợi ích khác biệt trong nội bộ EP, sự khác nhau về trình độ phát triển, thể chế chính trị - xã hội giữa hai bên... cũng đặt ra nhiều thách thức trong quá trình xem xét, phê chuẩn hai Hiệp định.
Kết quả bỏ phiếu tại EP cho thấy phần lớn các nghị sỹ ủng hộ EVFTA và EVIPA, song cũng có một bộ phận chưa thể hiện quan điểm tích cực. Có những đảng trong EP kiên quyết theo đuổi chính sách bảo hộ thị trường nội địa, không ủng hộ các thỏa thuận thương mại tự do (FTA), mặc dù ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và đánh giá cao vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam.
Nhiều nhóm nghị sỹ lại đặc biệt quan tâm những vấn đề về phát triển bền vững, chống đánh bắt cá trái phép, việc thực thi các tiêu chuẩn cao về lao động, vấn đề quyền con người, lao động trẻ em, các cơ chế bảo đảm hiệu quả thực thi...
Do vậy, quá trình chúng ta trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, giúp các nước thành viên EU và hơn 700 nghị sỹ EP hiểu về thực tế khách quan ở Việt Nam, nỗ lực cải cách và hội nhập của Việt Nam, phối hợp giải quyết những vấn đề cùng quan tâm là hết sức kịp thời và hiệu quả, được bạn đánh giá rất cao.

Hai ngày trước khi diễn ra bỏ phiếu về EVFTA và EVIPA như đã được thống nhất, EP còn buộc phải tiến hành bỏ phiếu về việc có hoãn lại cuộc bỏ phiếu thông qua hai Hiệp định hay không do sức ép và yêu cầu quyết liệt của một vài đảng và ủy ban của EP.
Có thể nói, mặc dù chia sẻ ý nghĩa chiến lược và lợi ích kinh tế của các Hiệp định, song việc chúng ta đạt sự ủng hộ đa số tại EP là kết quả của những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Quốc hội và nhiều bộ, ban, ngành liên quan.
Điều quan trọng là lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các cấp của cả Việt Nam và EU đều ủng hộ, coi trọng việc ký kết và phê chuẩn hai Hiệp định.
Trong các cuộc tiếp xúc và trao đổi thường xuyên thời gian qua giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành của ta với lãnh đạo cấp cao EP và các quốc gia thành viên, lãnh đạo các Ủy ban EP, các Ủy ban và cơ quan của EU, hai bên đều quyết tâm thúc đẩy phê chuẩn EVFTA và EVIPA trong thời gian sớm nhất. Từ đó, lãnh đạo cấp cao hai bên đã chỉ đạo sát sao các cơ quan phối hợp chặt chẽ thúc đẩy tiến trình này.
Các cơ quan liên quan của Việt Nam, nhất là Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Đối ngoại và các cơ quan của Quốc hội, đã phối hợp thường xuyên và hiệu quả với các cơ quan của EP để tiến hành các thủ tục phê chuẩn, xây dựng các kế hoạch và lộ trình cụ thể để thông tin cho EP, nhất là lộ trình thực thi các cam kết EVFTA về lao động, phát triển bền vững, hình thành nhóm tư vấn trong nước, cơ chế phối hợp giữa hai Quốc hội trong quá trình thực thi... trên cơ sở bảo đảm các lợi ích của ta.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cử Đoàn Đặc phái viên do Bộ Ngoại giao chủ trì với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan đi Brussels, Bỉ và Strasbourg, Pháp ngay trước và trong thời điểm bỏ phiếu đã giúp cung cấp thông tin kịp thời và thúc đẩy sự ủng hộ của các nghị sỹ.
Phái đoàn ta tại Bỉ và EU và các Đại sứ quán ta tại các nước thành viên cũng tích cực trao đổi, vận động các nghị sỹ và các đối tác sở tại thúc đẩy tiến trình phê chuẩn hai Hiệp định.
SONG MINH 
EVFTA-CƠ HỘI VÀNG CHO VIỆT NAM
VŨ TIẾN LỘC */ TVN 13-2-2020
Việc EVFTA được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn đã mở ra một cơ hội vàng thúc đẩy sự chuyển dịch các chuỗi giá trị nhất là giữa lúc đại dịch COVID-19 đang lan rộng, thách thức tính bền vững của các chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó nền kinh tế Việt Nam là một mắt khâu.
Cuộc đời vẫn thế: bên cạnh những thách thức hiện hữu vẫn có những cơ hội vàng đang mở ra. Tác động kép của COVID-19 và EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
EVFTA được Nghị viện các nước Châu Âu hôm nay và Quốc hội Việt Nam trong kỳ họp sắp tới phê chuẩn là một dấu mốc mới trên hành trình cải cách và hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Với việc phê chuẩn Hiệp định này, Liên minh châu Âu, một thị trường khó tính với những chuẩn mực cao nhất trên thế giới, đã chính thức ghi nhận những nỗ lực cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường và phát triển bền vững của Việt Nam và quyết tâm tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối chúng ta tới một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường.
EVFTA – cơ hội vàng cho Việt Nam
EVFTA – cơ hội vàng cho Việt Nam
Lợi ích đến từ những con số có thể cân, đong, đo, đếm được: Ngay lập tức, Châu Âu dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, Việt Nam xóa bỏ 48,5% tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ, mà với Hoa Kỳ thì chúng ta chưa có hiệp định thương mại tự do), tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và Châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao và giá rẻ.
Rượu vang Pháp, Ý rồi sẽ quen thuộc hơn trong bữa ăn của người dân Việt và tôm Việt Nam sẽ nhiều hơn trong bữa ăn của các gia đình các nước EU. Ăn theo dòng chảy thương mại là dòng vốn đầu tư, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cấp các mắt khâu “made in Viet Nam” hay “made by Viet Nam” trong các chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam đang nỗ lực tham gia. Với sự tham gia của các đối tác châu Âu, chúng ta kỳ vọng, giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ của những công đoạn sản xuất tại Việt Nam sẽ tăng lên…Bên cạnh đó, nỗ lực vươn tới những chuẩn mực quốc tế về quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp, về lao động, môi trường… cũng sẽ tạo ra nguồn năng lượng mới cho chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam. “Phát triển bền vững” là từ khóa, là nền tảng tương tác giữa các nền kinh tế và doanh nghiệp theo khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong đó có EVFTA.
Doanh nghiệp phải làm gì khi trở thành chủ nhân của ngôi nhà EVFTA?
Trước hết phải tìm, phải hiểu về các cam kết, thách thức, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để định vị lại mình và phải hành động ngay, phải tái cấu trúc các thị trường, bạn hàng, nguồn cung ứng... để tận dụng các cơ hội mà các cam kết mở ra.
Hai là, phải gia tốc những nỗ lực, nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu… Không có nền tảng là năng lực cạnh tranh bền vững thì không thể hội nhập thành công.
Muốn ra được thị trường thế giới thì phải đứng vững trên mảnh đất của mình. Hướng ra EU, hướng ra thị trường thế giới mênh mông nhưng đừng quên thị trường “trước nhà”, “trong ngõ” của chính dân mình. Thị trường trong nước với gần 100 triệu dân trong một nền kinh tế đang cất cánh, sẽ là bệ đỡ, là điểm tựa cho các doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới.
Cơ hội lớn mở ra, nhưng cạnh tranh cũng rất gay gắt. Về lý thuyết, ở những lĩnh vực nào có đối đầu trực tiếp giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp EU thì cạnh tranh trong EVFTA sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên, về tổng thể, cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước EU mang tính bổ sung, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Cạnh tranh gay gắt sẽ chỉ ở một số lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu trong khi EU lại rất mạnh như logistic, chăn nuôi…
Mặc dù vậy, ngay cả với những ngành này, chúng ta cũng không phải quá lo lắng, bởi các cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA là có chừng mực, với lộ trình đủ dài, vừa với sức vươn lên của các doanh nghiệp trong nước. Nỗ lực vươn lên đương đầu với cạnh tranh song phẳng phải là tâm thế của doanh nghiệp thời hội nhập, mà không phải là tiếp tục trông chờ vào bảo hộ. Thực tiễn của những ngành, những lĩnh vực có sức cạnh tranh cao của chúng ta hiện nay đều là những ngành, lĩnh vực đã nói không với bảo hộ, cam kết với cạnh tranh, dũng cảm mở cửa và hội nhập.
Nhà nước sẽ làm gì với tư cách người mở đường, dẫn dắt?
Cộng đồng doanh nghiệp cần sát cánh với các cơ quan Chính phủ trong những nỗ lực thực thi EVFTA. Doanh nghiệp chuẩn bị về tâm thế, về nguồn lực.  Nhà nước, bên cạnh việc phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn cho doanh nghiệp về Hiệp định, thì việc chuẩn bị về thể chế là quan trọng nhất. Để nâng cao năng lực thể chế chuẩn bị cho hội nhập không chỉ có việc cải cách để “nội luật hóa” bảo đảm tuân thủ các cam kết mà còn phải cải cách để tận dụng tốt nhất các cơ hội. Cải cách thể chế sâu, rộng hơn cam kết sẽ mở không gian phát triển cho nền kinh tế Việt Nam. Nếu ví EVFTA là con đường cao tốc, thì những thể chế nội địa là những đường nội đô, nội thị, những đường gom.
Tất cả những con đường này có thông thoáng, kỷ cương thì cỗ xe kinh tế Việt Nam mới có thể tăng tốc. Nỗ lực cải cách thể chế thời hội nhập phải tiếp tục củng cố những nền tảng cạnh tranh minh bạch và công bằng; phát triển bền vững, bảo đảm hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; thúc đẩy liên kết, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo ra hệ sinh thái cộng sinh cùng có lợi giữa các FDI với doanh nghiệp trong nước. Có rất nhiều việc phải làm để phát huy hiệu quả của hội nhập.
“Thể chế nào thì doanh nghiệp đó”, chìa khóa để hội nhập EVFTA nói riêng, hay hội nhập kinh tế quốc tế nói chung thành công, suy cho cùng, phải bắt nguồn từ những nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước song hành với những nỗ lực nâng cấp về quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là đôi chân ngàn dặm để nền kinh tế Việt Nam có thể đi tới thành công.
Hy vọng EVFTA, CPTPP sẽ luôn là những động cơ quan trọng cho tiến trình cải cách và phát triển của Việt Nam.
* VŨ TIẾN LỘC  chủ tịch VCCI
Lan Anh (lược ghi)
EVFTA: BẤT ĐỒNG Ý KIẾN TRONG DÂN CHỦ
THỤC QUYÊN/ BVN 14-2-2020
Ngày 12/2/2020,  Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (gọi tắt là EVFTA) với đa số ủng hộ là 401 phiếu, 192 phiếu chống, và 40 phiếu trắng.
Những lời phát biểu của đôi bên được/thua là bàn đạp cho việc thực thi bản Hiệp định này trong những ngày tháng tới.
Phía bỏ phiếu chống
Một trong số 192 người bỏ phiếu chống là bà Phó Chủ tịch Nghị viện Heidi Hautala, dân biểu Đảng Xanh, Phần Lan.
Bà Hautala là một vị dân biểu đã qua 4 nhiệm kỳ tại Nghị viện Châu Âu và đã có trách nhiệm thay mặt Nghị viện qua Việt Nam vào đầu năm 2019 để khảo sát Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản EU-VN (gọi tắt là VPA).
Với tư cách Phó Chủ tịch Nghị viện và cũng là thành viên của các Ủy ban Thương mại, Tiểu ban Nhân quyền, Phái đoàn Quan hệ với các nước Đông Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), DB Hautala đã lên tiếng trong buổi họp Nghị viện ngày 11/02 trước cuộc bầu cử quyết định như sau:
Các thỏa thuận giữa EU và Việt Nam chắc chắn rất quan trọng về mặt địa chính trị, và Việt Nam cũng đã đạt được tiến bộ trong việc cải cách luật lao động của mình, nhưng mặt khác, đã không sửa đổi bộ luật hình sự để cho phép người lao động được hưởng các quyền đó. Sự đàn áp đã trở nên nghiêm trọng hơn, ngay cả trong giai đoạn cuối cùng của việc hoàn thiện thoả thuận này.
Nếu ngày mai Nghị viện đồng ý phê chuẩn EVFTA:
  1. Nghị viện sẽ có trách nhiệm lớn trong việc đòi hỏi các yêu cầu của Nghị viện đã đưa ra (trong thời gian qua) về phát triển bền vững, nhân quyền và sự tham gia của một xã hội dân sự độc lập, phải được thực hiện;
  2. Và theo lời đòi hỏi của Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban LMÂC (Commission) vẫn còn phải cùng các đồng nghiệp đối tác Việt Nam thiết lập một cơ chế giám sát độc lập về Nhân quyền và cơ chế khiếu nại độc lập, với những đòi hỏi khắc phục vi phạm.
Đó là những lý do tại sao nhóm của chúng tôi, Đảng Xanh/Liên minh Tự do Âu châu chưa thể hỗ trợ Hiệp định này.
Ngày 12/02, sau khi có kết quả thuận cho việc phê chuẩn EVFTA, bà Phó Chủ tịch Nghị viện đã nhận định đúc kết như sau:
Nghị viện Âu châu vừa phê chuẩn Hiệp định thương mại EU-Việt Nam. Nhóm Xanh đã bỏ phiếu chống lại Hiệp định này vì, bất chấp các cuộc đàm phán trong chương trình Hiệp định, Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm Nhân quyền và gây áp lực lên các tổ chức của phe đối lập và công nhân. Hiệp định thiếu phương tiện hiệu quả để thực thi Quyền Con Người, những ràng buộc luật pháp về Môi sinh và các tiêu chuẩn Xã hội. Ngoài ra, Việt Nam đã không can thiệp vào các phương tiện theo đúng khả năng để giải quyết nạn phá rừng.
EU cần phải làm tốt hơn trong chính sách thương mại của mình.
Thỏa thuận giữa EU và Việt Nam rất quan trọng về mặt địa chính trị, nhưng vẫn nửa vời về phát triển bền vững và nhân quyền. Một mặt, Việt Nam đã cải thiện luật lao động, nhưng đồng thời luật hình sự của Việt Nam ngăn cản việc thực thi hiệu quả các quyền này. Trong những năm qua, suốt thời gian tiếp diễn các cuộc đàm phán Hiệp định, áp lực trên xã hội dân sự thậm chí còn tăng lên.
Vì những lý do đó, tôi đã không thể hỗ trợ Hiệp định này.
Khi tán thành Hiệp định, Nghị viện Châu Âu sẽ chịu trách nhiệm nặng nề trong việc đảm bảo rằng các đòi hỏi phát triển bền vững, nhân quyền và xã hội dân sự độc lập thực sự được đáp ứng. Tuy nhiên, Hiệp định lại không cung cấp những đảm bảo này. Ủy ban LMÂC cùng với Việt Nam cần phải thiết lập một cơ chế giám sát nhân quyền độc lập có thể giải quyết hiệu quả mọi vi phạm (các quyền).
Bây giờ, sau khi Hiệp định đã được phê duyệt, cần phải đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng Hiệp định Thương mại không phải là sự kết thúc của phát triển tích cực, mà là sự khởi đầu của nó.
T.Q.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét