Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

20190128. CÔNG PHÁ NHÓM LỢI ÍCH 'QUAN-DOANH'

ĐIỂM BÁO MẠNG

TRẬN ĐÁNH QUYẾT ĐỊNH, CÔNG PHÁ NHÓM LỢI ÍCH 'QUAN-DOANH'

XUÂN DƯƠNG /28-1-2019

Ảnh biếm hoạ trên laodong.com.vn
Hơn ba năm trước trong bài “Đâu là tế bào gốc của xã hội “nhóm lợi ích”?” người viết đã đề cập đến “Tế bào Quan – Doanh”, đây là tế bào gốc tạo nên “Xã hội nhóm lợi ích”.[1]
Trong khi chúng ta đã quen với khái niệm “Xã hội xã hội chủ nghĩa” hoặc “Xã hội tư bản chủ nghĩa” thì khái niệm “Xã hội nhóm lợi ích” có vẻ hơi lạc lõng và không hoàn chỉnh nếu xét theo khía cạnh triết học. 
Người Việt dễ dàng chấp nhận khái niệm “Xã hội đen” bởi ai cũng nhận thấy tác động trực tiếp của “xã hội” này đến cuộc sống thường nhật của mỗi gia đình.
Khái niệm “Xã hội nhóm lợi ích” có thể chưa được đồng cảm, tuy nhiên nếu xét về tầm tác động thì “Xã hội nhóm lợi ích” cao hơn hẳn “Xã hội đen” bởi nó liên quan đến thượng tầng, đến đường lối, chính sách chứ không chỉ trực tiếp đến dân chúng.
 Các nhà lý luận cho rằng “Nhóm lợi ích” không hẳn là xấu bởi thế giới coi “Nhóm lợi ích” là một tập thể gồm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chia sẻ một mối quan tâm chung và cùng nhau thúc đẩy các mục tiêu đó bằng cách sử dụng các hình thức tuyên truyền vận động để tác động đến dư luận hoặc chính sách của chính phủ”. [2]
Tuy nhiên ở Việt Nam khái niệm “Nhóm lợi ích” đôi khi được đánh đồng với khái niệm “Lợi ích nhóm”, theo đó “Lợi ích nhóm” tại Việt Nam cũng liên quan đến những người hoặc  nhóm người có chức, có quyền, có khả năng gây ảnh hưởng đến các quyết sách về đất đai, tài chính, ngân hàng, khoáng sản… 
Những hoạt động này len lỏi cả vào các hoạt động rất trí thức và cao sang như nghiên cứu khoa học, cấp bằng, mua điểm, chấm luận án”. [3]
Lợi ích nhóm hay nhóm lợi ích chẳng qua là cách nói giảm nhẹ, thực sự đây là dạng tội phạm có tổ chức phá hoại đất nước từ bên trong với hậu quả khủng khiếp nhất trong thời bình.
Nói là “khủng khiếp nhất trong thời bình” bởi đã có ý kiến cho rằng đang tồn tại “Nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn khiến con đường phát triển đất nước chệch hướng”. 
Có thể thấy một tín hiệu đáng mừng, một sự chuyển hướng rõ nét trong công cuộc phòng chống tham nhũng mà ban lãnh đạo hiện nay đang thực hiện, đó là chiến dịch công phá vào “Nhóm lợi ích Quan – Doanh”.
Khác với các nước theo thể chế tư bản, mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam tuy là “kinh tế thị trường” nhưng có “định hướng xã hội chủ nghĩa”. 
Với mô hình này khi không dựa vào quan chức, doanh nhân không thể phất lên nhanh chóng, ngược lại không dựa vào doanh nhân quan chức cũng không thể giàu có bất thường nếu chỉ trông vào lương.
Sự cấu kết giữa hai nhóm đối tượng “Quan chức – Doanh nhân” làm nảy sinh một tầng lớp mới, không phải là “Tư sản mại bản” ngày xưa, cũng không giống “Tư bản độc quyền” ngày nay, vì thế xin tạm đặt tên cho tầng lớp này là “Tư bản quan doanh”.
Có tác giả đề cập đến khái niệm “Tư bản thân hữu”, “Thân hữu” là khái niệm hơi “mơ màng”, chưa rõ nét, còn “Quan doanh” là chỉ thẳng vào đối tượng, cả con người lẫn sự việc.
Gọi là “Tầng lớp” bởi số lượng thành viên đông đảo phân bổ từ trung ương xuống địa phương, xuất hiện trong tất cả các cơ quan và tổ chức chính trị xã hội không trừ “địa hạt” nào.
Cuộc tấn công vào tầng lớp “Tư bản quan doanh” này khó khăn, phức tạp bởi các đối tượng này vừa có quyền, vừa nhiều tiền. 
Công phá “Nhóm lợi ích Quan – Doanh” có thể coi là đòn chí mạng, bởi nếu tiêu diệt được chúng, các nhóm lợi ích khác sớm muộn sẽ tự tan rã.
Lợi ích của đòn chiến lược này là làm trong sạch hàng ngũ cán bộ, cảnh tỉnh những ai còn mơ tưởng dựa vào quan chức để lũng đoạn nền kinh tế, làm biến dạng nền tư pháp, làm băng hoại đạo đức xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào thể chế. 
Tâm lý năm hết Tết đến, cũng nên nghỉ ngơi đôi chút để ra Giêng có sức gom “củi’, không ngờ lượng củi gom về ùn ứ khiến chiếc lò mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhen lửa lại vẫn cháy rừng rực. 
Những sự kiện mới xảy ra cho thấy câu “Chống tham nhũng không có vùng cấm” đã thực sự song hành cùng câu “Chống tham nhũng không có điểm dừng”.
Thông tin trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an viết như sau:
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ngày 18/1 đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại UBND TP HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương, Agribank Chi nhánh TP HCM và các cơ quan có liên quan”. [4] 
Về “pháp nhân” trong vụ án, quyết định khởi tố ghi rõ “Xảy ra tại Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh” (và một số pháp nhân khác).
Nếu quyết định khởi tố vụ án đã chỉ đích danh là xảy ra tại “Ủy ban Nhân dân thành phố” thì câu hỏi đặt ra là chỉ những người phạm tội trực tiếp bị truy tố hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ cũng nên làm rõ thêm vai trò của những đối tượng liên quan khác như cấp ủy và người đứng đầu Ủy ban Nhân dân?
Người xưa bảo “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người lúc mới sinh ra vốn lương thiện”, có lẽ vì mong muốn con cái thành đạt nên cha mẹ mới đặt cho con cái những cái tên rất hay như “Thành Tài” hay “Hữu Tín”.
Lớn lên trong một đất nước hòa bình, trong một nền giáo dục đề cao triết lý “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào…” sao những người mang cái tên hay như thế lại trở nên bất nghĩa, bất tín đến mức phản bội Tổ quốc, Đồng bào, phải bước chân vào tù?
Nguyễn Hữu Tín, Nguyền Thành Tài, Tất Thành Cang đều là cán bộ lãnh đạo diện Trung ương quản lý.
Những vụ việc họ (và có thể còn không ít “ người chưa bị lộ” khác) dính vào đều thấp thoáng bóng dáng các doanh nhân cỡ bự.
Những đại gia một thời như Trần Bắc HàTrầm BêHứa Thị Phấn,… có thể “tay không bắt giặc” để trở nên giàu có?
Nếu không có sự chống lưng, thậm chí là cấu kết của quan chức liệu cả núi tiền mà họ kiếm được chỉ có một “chủ tài khoản” hay họ phải ngấm ngầm chia sẻ cùng các vị có thể không phải là “đồng chí” nhưng lại “cùng lý tưởng” là “ăn của dân không từ cái gì”?
Thiết nghĩ, tìm các thành viên “Nhóm lợi ích Quan – Doanh” không khó, trước hết là hãy nhằm vào các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa như Cảng Quy Nhơn, Hãng Phim truyện Việt Nam, Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang,...
Trong vòng 20 năm, khoảng 12.000 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và nay còn khoảng 500 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Hàng nghìn tỷ đồng đã và đang bị thất thoát và thất thu ngân sách nhà nước từ nguồn đất, mặt bằng kinh doanh, tài sản công do chưa tính, hoặc không tính đúng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất và các giá trị, lợi thế kinh doanh vô hình khác; tình trạng “trốn thầu” hoặc lỏng lẻo, hình thức trong triển khai đấu thầu và chuyển đổi mục đích sử dụng quỹ đất mà DNNN nắm giữ khi cổ phần hóa”. [5]
Khi ngân sách nhà nước thất thu “Hàng nghìn tỷ đồng”thì lẽ ra phải nêu ngay câu hỏi số tiền ấy chảy vào túi ai, đại gia hay quan chức? 
Có những quan chức đương nhiệm lại cũng đồng thời là doanh nhân, cựu thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa hay Phan Văn Anh Vũ, cựu thượng tá công an chỉ là hai trong nhiều ví dụ.
Là quan chức nhưng lại là chủ hoặc nắm cổ phần chi phối doanh nghiệp, những người này dần dà biến doanh nghiệp hoặc thành tài sản riêng hoặc thành bình phong kiếm lời cho bản thân và dòng tộc.
Cuộc tấn công vào “Nhóm lợi ích Quan - Doanh” tuy không phải là mới bắt đầu song vụ án mà Bộ Công an khởi tố tại Thành phố Hồ Chí Minh có thể là chỉ dấu cho thấy sự chuyển giai đoạn mang tính quyết định của công cuộc phòng chống tham nhũng.
Với chủ trương sáng suốt và rất kịp thời này, người dân có cơ sở để tin rằng ban lãnh đạo đang đi đúng hướng.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Dau-la-te-bao-goc-cua-xa-hoi-nhom-loi-ich-post171210.gd
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%B3m_l%E1%BB%A3i_%C3%ADch
[3]http://vneconomy.vn/thoi-su/loi-ich-nhom-va-cai-cach-the-che-20120831112155300.htm
[4]http://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/khoi-to-vu-an-vi-pham-quy-dinh-ve-quan-ly-tai-san-nha-nuoc-gay-that-thoat-lang-phi-va-lua-dao-chiem-doat-tai-san-xay-ra-tai-ubnd-tp-ho-chi-minh-va-cac-co-quan-co-lien-quan-t24780.html
[5] https://vov.vn/kinh-te/co-phan-hoa-dnnn-hang-nghin-ty-dong-da-va-dang-bi-that-thoat-835050.vov
Xuân Dương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
BỘ ĐÔI TRẦN TUẤN ANH -LÊ PHƯỚC VŨ ĐANG BỊ 'ĐÁNH' ?
THƯỜNG SƠN/ BVN 27-1-2019
Vào những ngày đầu năm 2019, trong bầu không khí ‘đồng bào đồng chí cả nước nô nức đón tết nguyên đán’, có hai cái tên bị ‘lên thớt’ trong chính trường và thương trường Việt Nam: Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh và Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen và là người anh cột chèo với Trần Tuấn Anh.

Bộ đôi Lê Phước Vũ (trái) và Trần Tuấn Anh.
Một tờ báo nhà nước là Kiến Thức mô tả: “Xuất hiện tại đại hội cổ đông sáng 14/1 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ có nói về dự án thép Cà Ná: "Khi nào Cà Ná có giấy phép, tôi xuất chiêu cho quý vị coi"”.
Theo tờ báo trên, Dự án Khu liên hợp cán thép Cà Ná - Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen có tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD. Dự án có công suất 16 triệu tấn/năm được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn 2035.
Theo kế hoạch, Hoa Sen sẽ triển khai dự án khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná theo 5 giai đoạn, từ 2017 đến năm 2031. Khi hoàn thành, dự án có thể tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động.
Giai đoạn đầu tiên thực hiện trong năm 2017-2018 với diện tích sử dụng là 240 ha đất, công suất 1,5 triệu tấn và dự kiến đi vào hoạt động năm 2019.
Đáng chú ý, kế hoạch triển khai dự án thép Cà Ná được đại gia Lê Phước Vũ đưa ra trong thời gian khá “nhạy cảm” là sau sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Đến tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu tạm dừng triển khai dự án thép Cà Ná của Hoa Sen với lý do dự án chỉ mới dừng ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện...
Thế nhưng có một chi tiết rất bất tương xứng: Dự án cán thép Cà Ná - Ninh Thuận bị tạm dừng của đại gia Lê Phước Vũ có tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD, nhưng Tập đoàn Hoa Sen đã chỉ rót có 20,5 tỷ đồng vào các công ty con thực hiện dự án này. Con số hơn 20 tỷ này là chẳng thấm vào đâu so với tổng vốn đầu tư dự kiến.
Cứ theo cái cách ‘đặt vấn đề’ của kiến Thức, có vẻ như Hoa Sen Group và Lê Phước Vũ đang rơi vào tầm ngắm của một thế lực chính trị và cả thế lực lợi ích nào đó - mà phải là ‘cấp trung ương’. Nguy cơ tái hiện Formosa được nêu ra, cho thấy cho dù sắp tới dự án thép Cà Ná được cấp phép chăng nữa, tương lai triển khai dự án này là khá chông chênh, với hai lực cản lớn từ ‘nội bộ đảng ta’ và từ sự phản đối của dư luận xã hội về nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Không hiểu vô tình hay hữu ý, đúng vào lúc Lê Phước Vũ bị ‘nắn gân’, người anh em cột chèo Trần Tuấn Anh cũng bị ‘gài’.
Thông tin chiếc xe công ra tận cầu thang máy bay - khu vực cực kỳ hạn chế - để đón vợ bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ được một ít quan chức và nhân viên biết. Nhưng không phải bỗng dưng mà thông tin này lọt ra ngoài và nbgay lập tức được một số tờ báo vồ vập đăng tải.
Mà chỉ có thể là ‘tin nội bộ’. Hay nói cách khác, một ‘con ma’ nào đó đã được cài cắm từ lâu ở khu vực hạn chế của sân bay Nội Bài chỉ để chực chờ giây phút hiếm hoi một quan chức cao cấp như Trần Tuấn Anh ‘lộ bài’.
Đây là lần thứ hai trong sự nghiệp bộ trương khá trẻ tuổi của mình, Trần Tuấn Anh vấp phải sự cố mà có thể khiến đe dọa đến tuổi thọ cái ghế bộ trưởng của ông ta.
VNTB gửi BVNLần đầu tiên là vào năm 2016, khi ông ta bị dính dáng đến người anh em cột chèo Lê Phước Vũ - đại gia của Tôn Hoa Sen trong vụ dự án Thép Cà Nà - Hoa Sen gây ô nhiễm mô trường và có thể tạo nên một Formosa thứ hai, đã bị dư luận xã hội phản ứng kịch liệt. Sau đó, dự án này phải bỏ ra ngoài quy hoạch của Bộ Công thương (người ta nghi ngờ rằng trước đó chính Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo bổ sung dự này này vào quy hoạch).
Nhưng vào lần này, không phải dư luận xã hội mà dường như chỉ có các đảng viên cao cấp mới quan tâm thực sự và té nước theo mưa vụ vợ Trần Tuấn Anh.
Hẳn là Trần Tuấn Anh đang gặp phải một đối thủ không ra mặt, dù thừa biết mặt nhau.
Trong số dàn bộ trưởng đương nhiệm, Trần Tuấn Anh được xem là ‘cục cưng’ của Thủ tướng Phúc.
Hiển nhiên, ‘đánh’ vào Trần Tuấn Anh cũng có thể hiểu là đánh vào cánh của Thủ tướng Phúc.
Hội nghị trung ương 9 vừa trôi qua với việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sau đó là bắt đầu công tác quy hoạch ‘cán bộ cấp chiến lược’ để chuẩn bị cho đại hội 13 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra vào năm 2021, nếu quả thực còn diễn ra đại hội đó.
Hai cái tên Nguyễn Xuân Phúc và Trần Tuấn Anh đang được ‘nâng lên một tầm cao mới’. Trong khi Phúc vẫn tiếp tục cuộc vận động không mệt mỏi của ông ta ở các địa phương và được đồn đoán là có thể thay Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư, Trần Tuấn Anh lại được một số quan nhân cận thần kỳ vọng sẽ được đưa lên làm phó thủ tướng, hoặc có thể đưa về TP.HCM là Phó bí thư thường trực để dần thay thế cho Nguyễn Thiện Nhân và sẽ đương nhiên vào Bộ Chính trị.
Cho tới nay, vẫn chưa lộ diện phe cánh chính trị đối trọng chính trị với Nguyễn Xuân Phúc và Trần Tuấn Anh.
T.S.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét